Trang

Tuesday, January 31, 2012

TỪ HÀNG NGÀN NĂM NAY, CỖ MÁY TRÊN ĐẤT NƯỚC TRUNG HOA, CÓ TÊN GỌI “NÔ TÀI”. ĐẾN BÂY GIỜ VẪN CHẠY TỐT!


Luận về nô tài
Phim ảnh Trung quốc cung cấp cho ta nhiều hình ảnh đáng suy nghĩ. Có một hình ảnh trong rất nhiều phim, khắc họa đậm nét trong tâm trí tôi như thế này:
Một nhân vật - tôi không muốn gọi là một người - (có thể là trai, gái, trẻ, già) quỳ phục trước một nhân vật khác, dùng hai tay của chính mình, tát, vả tới tấp vào mặt, cũng của chính mình, mồm liên hồi kêu lên “Nô tài đáng chết. Nô tài đáng chết”. 
Hình ảnh con người tự xỉ vả nhục mạ mình để mong làm vừa lòng kẻ khác, tôi chưa gặp ở đâu khác, nhưng trong phim ảnh Trung hoa, nó phổ biến đến mức người xem không ai có phản ứng gì. Cũng giống như hình ảnh một người, hay là một bầy người, có thể là lính hầu hay tể tướng, văn võ bá quan, quỳ phục trước hoàng thượng mà hô “Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”, rồi khi được phép “bình thân” thì đứng lên và “Đội ơn hoàng thượng” Lòng biết ơn được giáo dục sâu sắc biết bao nhiêu. Hình ảnh ấy chỉ cần xuất hiện một đôi lần là đủ cho ta hiểu, nhưng trong hàng ngàn tập phim, nó xuất hiện hàng vạn, hàng chục vạn lần. Và người xem (Việt nam) không ai thấy (dù chỉ là) nhàm. Càng nghĩ tôi càng thấy nhân vật này –nô tài–  có một tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hóa chính trị Trung hoa. Nó là một đặc sản của văn hóa Trung hoa. Trong cái hũ tương này, nó có một mùi vị không lẫn đi đâu được.
Tôi chưa hiểu ý nghĩa của chữ tài, nhưng chữ khiến ta nghĩ tới nô lệ, đại loại nô tài là một dạng nô lệ chăng? Hoàn toàn không phải.
Nô lệ, theo tôi, có những đặc điểm sau đây :
  1. Lệ thuộc vào một (ông/bà/gia đình/tập đoàn…) Chủ.
  2. Hoàn toàn không có tự do
  3. Lao động dưới những điều kiện cực kỳ tồi tệ và toàn bộ thành quả lao động bị chiếm đoạt.
Trong những đặc tính trên đây, nô tài chỉ giống ở điểm thứ nhất. Một nô tài phải lệ thuộc ít nhất một chủ. Chủ có thể là hoàng thượng, điện hạ, thái hậu, lão phật gia, cung phi, công chúa, lái buôn… ai cũng được, miễn là người có quyền. Nô tài có thể là tể tướng hay người hầu của người hầu. Nô tài có tự do không? Có đấy. Bởi vì bản thân nô tài cũng có thể có kẻ khác làm nô tài cho mình, (có nghĩa là có nhiều cấp nô tài) nên một mặt nô tài dâng hiến trọn vẹn tự do của mình cho chủ, mặt khác nó tự do tự tiện tước đoạt và chà đạp tự do của nô tài của nó.
Một mặt nô tài dâng hiến trọn vẹn nhân phẩm và tự trọng của mình cho chủ, mặt khác nó tước đoạt và chà đạp nhân phẩm và tự trọng của nô tài của nó. Mở rộng ra, có khi nó coi dân đen, dân cỏ (thảo dân) cũng là nô tài của nó. Nô tài không những có tự do mà còn có quyền, thậm chí quyền hành rất lớn, quyền sinh quyền sát. Chỉ có một điều kiện bất di bất dịch, mọi quyền hành động của nô tài hoàn toàn phục vụ cho ý muốn và quyền lợi của chủ. Đơn giản thế thôi.
Giữa nô lệ và nô tài có gì khác nhau? Điểm khác nhau lớn nhất là: ở nô lệ, đó là sự cưỡng bức, ở nô tài, đó là tình nguyện. Nô lệ ‘gắn bó’ với chủ bằng xiềng xích, còn nô tài gắn bó với chủ bằng ơn huệ và lòng biết ơn, nên nó hoàn toàn tự nguyện. Nô tài nói chung không lao động và không phải cung hiến lao động của mình cho chủ, ngược lại, nó được ăn ngon mặc đẹp, phú quý vinh hoa. Nô lệ, từ Spactaquyt đến bác Tom, luôn luôn có mầm phản kháng, bạo động hay bất bạo động, nhưng nô tài thì không, nô tài có thể phản chủ, để đi tìm chủ khác, nhưng nô tài không bao giờ phản kháng.
Để làm một nô tài, thì phải hoàn toàn mãn nguyện với thân phận nô tài. Nếu một nô lệ bị cưỡng bức phải giết người anh em của mình, nó vẫn phải làm, nhưng không thể nói nó thỏa nguyện với việc làm của nó. Đấy là chỗ khác nhau giữa nô lệ và nô tài. Khi nô tài cảm thấy có chút bất nhẫn, ấy là lúc nó bắt đầu thôi không còn là nô tài nữa.
Mác có nói (tôi nhớ đại ý) Nô lệ thật vô cùng khốn khổ, nhưng nó chỉ khốn khổ đến tận cùng nếu như nó yên vị trong thân phận ấy. Tôi muốn nói thêm: đấy là khi nó mang một phần phẩm chất của nô tài. Người nô lệ chỉ bị chủ sở hữu thân xác của mình, sức lao động của mình. Nô tài hiến dâng cho chủ tim óc của nó, mọi suy nghĩ mọi cảm xúc của nó./.
Nói nô tài có một địa vị quan trọng trong lịch sử Trung hoa, không phải là nói ngoa. Ta hãy thử nhớ lại, Lữ hậu, Tắc Thiên, chặt cụt chân tay, móc mắt, đục tai xẻo mũi tình địch quẳng vào hố xí hay ngâm thối trong chum… Ai đã làm những việc ấy? Trừ một số ngoại lệ ít ỏi không đáng kể, nói chung các bà ấy không hạ cố tự tay mình làm. Những người làm việc ấy, có thể là trai hay gái, trẻ hay già, phải là nô tài, không thể là nô lệ. Nếu là nô lệ, khi bị đẩy đến bước ấy, nhất định có lúc lưỡi gươm quay ngược về phía kẻ ra lệnh. Nhưng trong lịch sử Trung hoa, có lẽ chưa lần nào xảy ra sự cố này. Những bạo chúa nhan nhản trong lịch sử, sở dĩ có thể tồn tại, có thể làm được bạo chúa, chính là nhờ có tầng lớp nô tài này. Vậy nói nô tài là điều kiện tồn tại của bạo quyền không phải là nói quá.
Nô tài, trước hết, đó là sự tẩy xóa và thóa mạ nhân cách con người. Trong nhiều trường hợp, nó là sự tận diệt tính người trong cái thân xác gọi là người. Con người bình thường thì có lòng tự trọng, còn nó thì tự khinh, nó không để cho người khác khinh rẻ mà tự nó nhận lấy phần thể hiện lòng khinh rẻ bản thân nó một cách ồn ào nhất, mà cái động tác tự vả vào mặt mình, tự mắng mình đáng chết chỉ là một minh họa nhạt nhẽo. Nếu trong nô tài có lòng trắc ẩn, có sự rung cảm trước đau khổ của người khác, thì nô tài tự diệt, nghĩa là nó không còn là nô tài nữa. Như vậy vô cảm trước khổ đau của đồng loại là phẩm chất cần thiết nhất của nô tài, để nó được trọng dụng. Tính vô cảm này kết hợp với tính đạo đức giả của chủ là mảnh đất tốt nuôi dưỡng bạo tàn chuyên chế.
Tôi cứ hình dung một ông chủ thuộc một loại nào đó, có óc tưởng tượng, một hôm ngồi ước ao giá có cỗ máy nào nó biến một ý nghĩ nhỏ, một tiếng nói thầm, một cái lừ mắt của ông ta thành tai họa khốn khổ, bầm dập, thân tàn ma dại cho kẻ mà ông ta ghét, thì tốt biết mấy. Ông ta không biết rằng, từ hàng ngàn năm nay, cỗ máy như thế đã có, trên đất nước Trung hoa, với tên gọi NÔ TÀI. Đến bây giờ vẫn chạy tốt./.
HIẾU TÂN

NÔ TÀI THI SĨ VÀ PHẨM CHẤT SỐ MỘT DÂNG TRỌN ĐỜI LINH HỒN CHO CHỦ


Mới nghe thì tưởng chừng như không có sự gán ghép nào khiên cưỡng hơn: Nô tài và Thi sĩ! Thi sĩ thì phải trăng -mơ - hoa - gió - sương -nhạc - hương - mây -ong -bướm - xuân - tương tư - biệt ly -sầu - mộng…Có chi liên hệ với nô tài? 
Nhiều người nghĩ một cách hạn hẹp rằng nghề của nô tài chỉ là hầu hạ. Nhưng không phải, nô tài cũng có nhiều nghề riêng, nhiều biệt tài, nhiều đẳng cấp. Tài cầm dao cầm kiếm thì đâm thì chém. Tài bày mưu tính kế thì mưu ma chước quỷ. Tài ăn nói thì uốn ba tấc lưỡi. Và trong lịch sử nô tài, có nhiều nô tài biết làm thơ, và thơ hay. Thơ có khi để ngâm vịnh tiêu dao hay thù tạc, nhưng phần lớn là để hiến dâng cho chủ. Nhưng lại có những nhà thơ cự phách, siêu quần, thiên tài trác việt, có cả một công chúng yêu thơ tôn vinh làm thi hoàng thi bá, rồi bỗng một ngày nào đó, thời thế đổi thay, thiên hạ trông vào hành ngôn hành trạng của thi nhân, thì ngẫm ra rõ ràng một đấng nô tài! Nô tài thi sĩ!
Phẩm chất số một của nô tài là dâng trọn linh hồn cho chủ. Ở phương tây có chuyện bán linh hồn cho quỷ dữ. Nhưng đó là ở phương tây, hay nói chung ở những nơi giao thương rộng mở. Ở phương đông, không bán, mà dâng. Không phải cho quỷ dữ, mà cho chủ. Chủ thì có nhiều loại, nhiều thang bậc về chức tước, nhiều phẩm chất khác nhau về tài năng và đức độ, nhưng có một cái chung, là có quyền, và có tiền. Có người trách thi sĩ viết theo lệnh chủ. Cãi rằng, ta không viết theo lệnh chủ, ta viết theo mệnh lệnh trái tim ta. Mở ngoặc, nói thầm, trái tim ta, linh hồn ta, khối óc ta từ lâu ta đã dâng cho chủ.
Nếu chủ đây là minh chủ, là một đấng anh minh khoan hòa đại độ, chắc sẽ được muôn dân kính ngưỡng tôn thờ. Và thi sĩ nô tài sẽ vô cùng hoan hỉ tự hào dùng thiên tài thi ca của mình tung hô ngợi ca không còn trời đất nào nữa, để rồi cùng theo ân chủ đi vào cõi bất tử. Nhưng nếu rủi chủ lại là kẻ mặt người dạ thú mà quyền thế nghiêng trời, thì sao? Thì đã có một quy luật thép, là qua ngòi bút kỳ diệu của nhà thơ nô tài, ông chủ ăn thịt người ấy vẫn là đấng anh minh cứu thế chói lọi như mặt trời và nhờ vậy mà muôn dân vẫn một lòng bái phục. Chỉ có điều có bất tử không, bất tử theo kiểu gì, thì không ai dám chắc.
Ta đã từng thấy những nô tài quỳ mọp, tự tay vả lên mặt mình mà luôn mồm nô tài đáng chết. Thi sĩ nô tài thì không quỳ, nhưng cũng sẵn sàng vả vào thơ ca của mình kể cả những áng thơ từng làm say lòng bao kẻ yêu thơ, nhưng chẳng may không vừa ý chủ.
Tôi cứ nghĩ mãi không hiểu cái sức đẩy huyền bí nào đã khiến người thi sĩ trứ danh từ bỏ cái hồn thơ phóng khoáng của mình giữa trời cao đất rộng vốn từng được bao người yêu mến mà chui vào nhận lấy kiếp nô tài, cho dù là nô tài thi sĩ? Nhưng ngẫm kỹ thì thấy hóa ra mình chẳng hiểu mô tê gì về thời [của các] nô tài, và xứ nô tài, và tâm lý nô tài hết. Ở thời ấy và xứ ấy, có con đường nào khác để quyền cao chức trọng, phú quý vinh hoa, nếu không tự biến mình thành một nô tài? Ấy là bởi có nhiều cấp nô tài và nhiều cấp chủ, nên trừ những chủ ở đỉnh cao nhất và những nô tài mạt hạng nhất, ở các cấp trung gian thì vai nô tài và vai chủ đan xen và luân chuyển. Cho nên vinh ở chỗ này và nhục ở chỗ khác, cái mình tưởng là vinh thì người khác cho là nhục, là chuyện thường xảy ra.
Các giá trị con người đo bằng phẩm trật trong cái thống hệ nô tài, xa lạ với các phép đo khác. Nếu tôi là một ông vua, và nếu có ai nói với tôi thi sĩ Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn là con người có phẩm cách, tôi sẽ hỏi: “phẩm cách là cái quái gì?”.
Câu chuyện vua Tự Đức “mê đánh tổ tôm, mê ngựa hậu bổ mê nôm Thúy Kiều” muốn nọc đánh Nguyễn Du 300 roi khi đọc đến câu “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen” chắc chỉ là một giai thoại, nhưng là một giai thoại có hàm lượng sự thật cao. Trong thâm tâm Tự Đức chắc Nguyễn Du cũng chỉ là một nô tài, cho dù ông làm quan với ông tổ bốn đời của ông ta, và chí của ông là chí không-nô-tài “Chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Câu chuyện vua Louis XIV hỏi “Trong triều đại của Ta có gì là hiển hách nhất?” và được Nicolas Boileau đáp rằng “tâu bệ hạ: Molière!” cũng là một giai thoại, không biết có được bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng cho ta mơ về một xứ sở mà tâm lý nô tài không ngự trị.
Ấy vậy mà ở ta cũng có những người không ham và không lụy chế độ nô tài bao trùm thiên hạ. Họ hiểu cái vinh và cái nhục của chế độ đẳng cấp nô tài:
Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, khom mình đứng chực trước hầu môn.
Quản bao người tham cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ.
Họ tự đắc không chịu hãm mình trong vòng cương tỏa, và ngông cái ngông của kẻ không chịu cúi luồn.
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay.
Họ biết rằng muốn được thế thì phải biết từ chối mồi bổng lộc ơn trên ban ra từ quốc khố vốn bóp nặn từ hầu bao của muôn dân đói khát, và dám chấp nhận cái nghèo thanh sạch
Của trời trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này.
Người ta gọi họ là những Kẻ Sĩ. Những thi sĩ không nô tài.
HIẾU TÂN

Jorge Mario Pedro Vargas Llosa – Nobel văn học 2010: TOÀN CẦU HÓA VÀ ĐỒNG NHẤT VĂN HÓA


Jorge Mario Pedro Vargas Llosa, (28/3/1936) nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Tây Ban Nha, Giáo sư danh dự của nhiều trường đại học ở châu Âu và châu Mỹ. Nobel văn học (2010), Huân chương quốc gia Pháp Ordre national de la Légion d'honneur (1985); Giải Premio Rómulo Gallegos; Giải văn học quốc tế Premio Internacional de Novela Rómulo Gallegos dành cho tiểu thuyết tiếng Tây Ban Nha (1967). Giải văn học quốc tế Premio Príncipe de Asturias de las Letras (1986); Giải Premio Miguel de Cervantes (1994); Giải văn học Jerusalem của Hội chợ sách quốc tế (1995). Giải thưởng quốc tế Der Friedenspreis des Deutschen Buchhandels của Đức (1996); Giải văn học quốc tế Pháp Prix mondial Cino Del Duca (2008).
Xin giới thiệu tiểu luận của ông về toàn cầu hóa, đồng nhất văn hóa, giảng tại Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ.
Những lời chỉ trích hiệu quả nhất đối với toàn cầu hóa thường không liên quan tới khía cạnh kinh tế, mà chủ yếu xuất phát từ khía cạnh xã hội, đạo đức, đặc biệt là văn hóa.
Theo những người ủng hộ lập luận này, các đường biên giới quốc gia biến mất và việc thế giới được liên kết bằng các thị trường, đang giáng đòn chí mạng vào các nền văn hóa khu vực và dân tộc, vào các truyền thống, phong tục, huyền thoại và vào tất thảy những gì được coi là bản sắc văn hóa của bất cứ đất nước nào, ở bất cứ khu vực nào. Phần lớn thế giới không thể kháng cự nổi sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa từ các nước phát triển, đặc biệt là đối với những sản phẩm văn hóa của siêu cường như Mỹ. Sau sự xâm nhập gắn liền với sự bành trướng của những nghiệp đoàn xuyên quốc gia hùng mạnh, nền văn hóa Bắc Mỹ rút cuộc sẽ áp đặt chuẩn mực cho toàn thế giới và hủy diệt hệ đa dạng văn hóa. Như vậy, mọi dân tộc khác, cho dù không hề nhỏ bé và yếu ớt, sẽ mất đi tính đồng nhất của mình, linh hồn của mình, và sẽ trở thành những thuộc địa kiểu mới ở thế kỷ XXI.
Nỗi lo mất văn hóa và ngôn ngữ, bị biến thành phần phụ văn hóa Mỹ, không chỉ được các chính khách cực đoan mô tả, mà còn tạo nên thái độ hận thù căm giận đối với gã khổng lồ Bắc Mỹ ngay trong các quốc gia phát triển và trong các dân tộc có nền văn hóa cao, và nó được các chính khách phái tả, phái hữu và phái trung chia sẻ.
Pháp là một ví dụ điển hình. Đông đảo các trí thức và chính khách lo ngại về khả năng đất nước từng sinh ra Michel de Montaigne (Nhà văn, triết gia, 1533-1592), René Descartes (triết gia, 1596-1650), Jean-Baptiste Racine (nhà soạn kịch, 1639-1699) và Charles Pierre Baudelaire (nhà thơ, 1821-1867), đất nước suốt một thời gian dài từng có uy tín trong lĩnh vực thời trang, ẩm thực, nghệ thuật, tư duy và trong mọi hoạt động tinh thần của con người, có thể bị xâm lăng bởi các món ăn nhanh của “Mac-Donalds”, Pizza Hut, “Gà rán Kentucky”, rok, rap, điện ảnh Holywood, giày thể thao, quần jeans và áo thể thao. Hậu quả của nỗi sợ hãi đó là: Chính phủ Pháp cấp những khoản tài trợ khổng lồ cho công nghiệp điện ảnh, yêu cầu áp dụng định mức buộc các rạp phim công chiếu một số lượng nhất định các bộ phim trong nước và hạn chế nhập khẩu phim Mỹ. Nỗi lo sợ đó cũng là nguyên nhân để chính quyền thông qua nhiều quyết định nghiêm khắc, xử phạt việc sử dụng từ ngữ đặc Anh trên đường phố, làm ngôn ngữ của Molière mất trong sáng (song khách bộ hành có thể thấy những quyết định này hầu như không có hiệu lực, ngay tại Paris). Nỗi lo sợ này cũng lý giải vì sao José Bové, một chủ trang trại Pháp, với lời tuyên bố sẽ thập tự chinh chống La Malbouffe (món ăn tệ hại), đã trở thành anh hùng của nhân dân Pháp.
Theo tôi, luận chứng “văn hóa chống lại toàn cầu hóa” này không thể chấp nhận được, cho dù phải công nhận rằng trong sâu xa nó hàm chứa chân lý không thể bác bỏ. Thế giới mà chúng ta cần phải sống trong thế kỷ XXI sẽ kém rực rỡ hơn, thiếu sự tô điểm của sắc màu địa phương hơn so với trước đây. Các lễ hội, những bộ trang phục, những phong tục, nghi lễ, lễ tiết và những quan niệm trong quá khứ từng đem lại sự đa dạng về dân tộc và dân gian cho nhân loại dần dần biến mất hoặc bị thu hẹp, một bộ phận chủ yếu của xã hội đang từ bỏ chúng và tiếp nhận những hình thức sống khác phù hợp hơn với những hiện thực của thời đại chúng ta. Quá trình đó đang diễn ra ở tất cả các nước trên thế giới và ở một số nước nó diễn ra nhanh chóng hơn. Song điều này không liên quan tới toàn cầu hóa. Quá trình này chủ yếu là kết quả của hiện đại hóa. Toàn cầu hóa chỉ là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của quá trình đó.
Tất nhiên, có thể nuối tiếc. Song quá trình này là tất yếu. Các chế độ độc tài, do lo sợ bị hủy diệt, đã khép kín với thế giới bên ngoài và áp đặt đủ loại cấm đoán. Song ngay cả điều đó cũng không thể ngăn chặn cái mới từng bước thâm nhập, cái hiện đại dần dần phá hủy cái gọi là tính đồng nhất văn hóa vô bổ. Về lý luận, bất cứ nước nào cũng có thể bảo toàn tính đồng nhất của mình, song chỉ trong trường hợp như một số bộ lạc hẻo lánh châu Phi và sông Amazonas, hoàn toàn biệt lập, xa lánh mọi dân tộc khác, sống hoàn toàn tự cung tự cấp. Kiểu bảo toàn ấy sẽ đưa xã hội về thời tiền sử.
Hiện đại hóa đang thực sự làm biến mất nhiều hình thái sinh hoạt truyền thống. Song đồng thời nó cũng mở ra những cơ hội và là bước tiến quan trọng đối với xã hội nói chung. Đó cũng là lý do để các dân tộc, khi có thể lựa chọn tự do, đã không một chút do dự, ưu tiên cho hiện đại hóa, đôi khi bất chấp ý nguyện của các thủ lĩnh hay những truyền thống tinh thần của họ.
Những phát biểu vô căn cứ nhằm chống toàn cầu hóa và bảo vệ tính đồng nhất văn hóa là bằng chứng về quan niệm tĩnh trong văn hóa, thiếu cơ sở lịch sử. Có nền văn hóa nào không hề thay đổi? Một nền văn hóa như vậy chỉ có thể tồn tại giữa các cộng đồng nhỏ, đa thần giáo nguyên thủy, ngụ cư trong hang động, tôn thờ sấm chớp và quái vật. Những cộng đồng đó, do tính hoang sơ của mình, luôn bị bóc lột và hủy diệt. Tất cả các nền văn hóa khác, đặc biệt là những nền văn hóa đủ mức hiện đại và có sức sống, đã tiến hóa và đang là chính mình qua nhiều thế hệ. Sự tiến hóa đó thực sự rõ nét ở những nước như Pháp, Tây ban Nha và Anh, nơi những thay đổi liên tục diễn ra trong suốt nửa sau của thế kỷ qua, thực sự ấn tượng và sâu sắc đến mức những người như Marcel Proust (nhà văn Pháp, 1871-1922), Lorca Federico Garcia (nhà thơ Tây Ban Nha, 1898-1936) hay Virginia Woolf (nữ nhà văn Anh, 1882-1941) cũng khó ngờ được.
Khái niệm “tính đồng nhất tập thể” là hư cấu về tư tưởng và là nền tảng của chủ nghĩa dân tộc. Nhiều nhà dân tộc học và nhân chủng học không coi khái niệm này là khả dụng, ngay cả với những cộng đồng cổ xưa nhất. Thực tế thì những phong tục có thể có ý nghĩa quan trọng sống còn để bảo vệ một nhóm người nào đó, song trữ lượng chủ động và sáng tạo của các thành viên cần thiết để giải phóng họ khỏi nhóm bao giờ cũng to lớn. Những khác biệt cá nhân luôn vượt khỏi những giới hạn tập thể… Toàn cầu hóa đem lại cho mọi công dân trên hành tinh này những khả năng to lớn để thiết lập bản thể văn hóa cá nhân của họ thông qua những hành động tự nguyện, phù hợp với sở thích riêng và động cơ thầm kín của họ. Ngày nay các công dân không phải lúc nào cũng có bổn phận (như trong quá khứ và hiện vẫn tồn tại ở một vài nơi trên thế giới) tôn trọng sự đồng nhất từng cưỡng bức họ vào trại tập trung, đẩy họ vào bế tắc, trói buộc họ bằng ngôn ngữ mà họ sử dụng, bằng thuộc tính dân tộc, tín ngưỡng, cũng như bằng những phong tục ở nơi họ được sinh ra. Với ý nghĩa này, toàn cầu hóa đáng được chào đón bởi nó thực sự mở ra những chân trời mới cho tự do cá nhân.
Nỗi lo Mỹ hóa phần lớn là ý chí chính trị, chứ ít phản ánh hiện thực. Tất nhiên, không hề nghi ngờ rằng toàn cầu hóa đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ chung của thời đại chúng ta, như từng xảy ra với tiếng La tinh vào thời Trung cổ. Và toàn cầu hóa sẽ tiếp tục sự vận động của mình, bởi nó là công cụ không thể thay thế để thực hiện những bản hợp đồng quốc tế và giao tiếp. Song không có nghĩa là tiếng Anh liên tục phát triển để thay thế những ngôn ngữ vĩ đại khác. Những đường biên giới biến mất, và mối ràng buộc lẫn nhau của thế giới, đã tạo ra những tác nhân kích thích để nghiên cứu và lĩnh hội các nền văn hóa khác, không chỉ vì sở thích thuần túy, mà còn là cần thiết, bởi khả năng nói được vài ngôn ngữ và cảm thấy mình thuận lợi trong môi trường văn hóa khác trở nên vô cùng quan trọng để thành công trong nghề nghiệp.
Lấy tiếng Tây Ban Nha làm thí dụ. Khoảng nửa thế kỷ trước, những người Tây Ban Nha thiết lập một cộng đồng hướng nội, để rồi họ cảm thấy mình bị hạn chế vô cùng khi ở ngoài những đường ranh giới ngôn ngữ truyền thống. Ngày nay, tiếng Tây Ban Nha đang trở n?n rất n?ng động và thành công khi chiếm l?nh được những bàn đạp ở cả những v?ng lãnh thổ rộng lớn tr?n khắp n?m châu lục. Đang c? khoảng 25-30 triệu người Mỹ n?i tiếng Tây Ban Nha. Đó là lý do vì sao hai ứng cử viên vào cương vị tổng thống Mỹ (George W. Bush và  Al Gore) đã tiến hành chiến dịch tranh cử bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Hàng triệu nam, nữ thanh niên quốc tế chấp nhận những thách thức của toàn cầu hóa – họ nghiên cứu tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Quan hỏa và Quan thoại của Trung Hoa, tiếng Nga hay tiếng Pháp! Khuynh hướng này trong những năm gần đây đang gia tăng. Họ phấn đấu trong toàn bộ không gian của thế giới này, chứ không ngoan cố với kỳ vọng ngây thơ chống lại tiếng Anh trào lưu. Đó là cách bảo vệ tốt nhất các nền văn hóa và những ngôn ngữ riêng. Nhiều người ngoan cố hay nói về văn hóa, nhưng chỉ là những kẻ ngu dốt muốn che đậy bản chất thực sự của mình – chủ nghĩa dân tộc. Bài học tốt nhất do các nền văn hóa đem lại là chúng không cần sự bảo vệ của những kẻ giáo điều, quan liêu; không cần che chắn bằng màn sắt; hay ngăn cách bằng thiết chế hải quan. Ngược lại, những nỗ lực như thế chỉ làm khô héo, thậm chí tầm thường hóa văn hóa. Các nền văn hóa cần được sống tự do, thường xuyên đua tranh nhau.
Nhờ đó chúng đổi mới và khắc phục được những tồn tại của mình, có cơ hội tiến hóa và thích nghi. Trong thời Cổ đại, văn hóa La tinh không bóp chết văn hóa Hy Lạp. Ngược lại, tính độc đáo và sâu sắc của tinh thần Hy Lạp cổ (Hellenism) đã nuôi dưỡng nền văn minh La Mã, qua đó các trường ca của Homer, triết học của Platon và Aristotle đã được quảng bá khắp thế giới. Toàn cầu hóa không làm các nền văn hóa khu vực biến mất. Tất thảy những gì giá trị, xứng đáng được bảo tồn đều sẽ tìm thấy mảnh đất phì nhiêu để phát triển thịnh vượng.

Điều này diễn ra khắp nơi. ở Tây Ban Nha, các văn hóa vùng miền một lần nữa hồi sinh năng động, xứng đáng được quan tâm đặc biệt. Trong giai đoạn độc tài của Tướng Franco, chúng bị trấn áp và phải tồn tại bất hợp pháp. Song với sự hồi sinh của nền dân chủ, sự đa dạng phong phú của văn hóa Tây ban Nha lại nảy nở và có cơ hội phát triển tự do. Trong hệ thống chính trị tự trị, văn hóa các vùng miền đã nhận được xung năng để thăng hoa vượt bậc, đặc biệt ở Catalunya, Galicja và ở vùng đất của dân Bask (Euskaldunak). Tất nhiên, ta không thể lẫn lộn sự hồi sinh văn hóa vùng miền đó – một nhân tố tích cực, với hiện tượng kỳ quái của chủ nghĩa dân tộc đang tạo ra những nguy cơ thực sự cho văn hóa tự do.
Trong tiểu luận nổi tiếng Những dấu hiệu để xác định văn hóa vào năm 1948, nhà thơ, nhà phê bình văn học Thomas Eliot đã tiên đoán rằng, trong tương lai, nhân loại sẽ trải nghiệm thời kỳ Phục hưng (Renaissance) mới của các văn hóa địa phương và vùng miền. Lời tiên đoán này từng được coi là táo bạo. Song toàn cầu hóa đang nhanh chóng biến nó thành hiện thực của thế kỷ XXI, và chúng ta nên vui mừng với điều đó. Sự hồi sinh của các nền văn hóa nhỏ, địa phương sẽ trả lại cho nhân loại sự đa dạng phong phú của các hình thái phẩm hạnh và năng lực – những gì đã bị chủ nghĩa dân tộc cực đoan hủy diệt vào cuối thế kỷ XVIII và đặc biệt trong thế kỷ XIX với kỳ vọng xây dựng cái gọi là đồng nhất văn hóa dân tộc (sự thật này bị lãng quên, hoặc chúng ta cố tình lãng quên bởi những hệ lụy tinh thần nặng nề của nó).
Các nền văn hóa dân tộc thường được xây dựng trong máu và lửa, khi bị ngăn cấm. Bất chấp những hành động quyết liệt của những kẻ lo sợ toàn cầu hóa, việc xóa bỏ hoàn toàn một nền văn hóa, cho dù nhỏ bé, không hề đơn giản, đặc biệt là nền văn hóa giàu truyền thống và có cả một dân tộc vẫn tuân thủ (dù công khai hay không). Ngày nay, do sự suy yếu của các đường biên quốc gia, chúng ta thấy được những nền văn hóa nhỏ bé, thầm lặng, từng bị lãng quên đang hồi sinh và bộc lộ những dấu hiệu sống tích cực trong dàn hòa tấu vĩ đại của một hành tinh đang toàn cầu hóa.
 Lê My
Theo Foreign Policy và Noblit 2010.
 Nguồn: Văn nghệ

NHÀ VĂN NGUYỄN DANH LAM: NĂM 16 TUỔI TÔI SỐNG MỘT MÌNH COI CÁI RẪY CÀ PHÊ Ở ĐĂK LĂK



Hơn 10 năm làm thơ, bỗng một ngày gã cựu sinh viên mỹ thuật Nguyễn Danh Lam rẽ sang viết tiểu thuyết và ra liền 2 cuốn trong một năm. Sau đó, anh lại nhảy sang viết truyện ngắn và đoạt giải nhì cuộc thi của Báo Văn nghệ.

Anh là một trong số ít nhà văn trẻ viết khá đều tay và thành công ở nhiều thể loại. Việc cuốn tiểu thuyết thứ ba của Nguyễn Danh Lam được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn VN cũng không khiến những ai từng đọc “Giữa dòng chảy lạc” cảm thấy quá ngạc nhiên. Lam tiết lộ, theo thời gian anh viết… chậm dần đi. Và sự “chậm dần đều” ấy đã mang lại sự cộng hưởng tốt khi sách của anh cuốn sau được đánh giá cao hơn cuốn trước.
“Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”
- Có ý kiến cho rằng văn xuôi trẻ năm 2011 “ngủ đông”, góc nhìn của anh thế nào?
- Nói theo kiểu sinh học, ngay cả ngủ cũng là một tín hiệu tốt. Con nít khi ngủ cơ thể tiết hormon tăng trưởng. Cây cối khi ngủ ủ mầm cho mùa mới. Vì vậy văn học trẻ có “ngủ”, tôi vẫn nhìn thấy ở đó sự lạc quan. Song thực tế hình như, văn học trẻ chưa bao giở “ngủ yên”. Cây bút này “ngủ”, người kia đang viết. Tác giả này im hơi, người khác đang in sách, phát hành. Năm nào chả thấy ít nhất dăm ba đầu sách của các tác giả trẻ chào đời?
- Anh có cho rằng với “Giữa dòng chảy lạc” anh đã nói được vấn đề, phản ánh được tâm thế của thế hệ mình?
- Mỗi tác giả, tác phẩm, góp một tiếng nói cá nhân vào dòng chảy chung. Tôi cũng chỉ hy vọng “Giữa dòng chảy lạc” làm được đến thế. Cuộc sống rộng lớn như vậy, mình ngồi trong cái góc riêng tư của mình, gọi lên một tiếng mà có người nghe thấy, đó cũng là hạnh phúc rồi.
- Từ khi nào anh biết mình sẽ gắn bó với việc viết văn?
- Năm 16 tuổi, tôi sống một mình coi cái rẫy cà phê ở Đăk Lăk cho đến 20 tuổi. Không điện, không nước, không một tiếng người. Thậm chí nhiều khi không... ăn. Chỉ có một tủ sách nhỏ bầu bạn. Tôi bắt đầu làm thơ. Có đêm viết 7- 8 bài một cách tự nguyện, không biết đăng báo nào, hay gửi cho ai đọc. Có lẽ tôi đã mê chữ từ đó. Ngoảnh đi ngoảnh lại, cũng đã 24 năm.
- Đọc “Giữa dòng chảy lạc”, ngoài một cuộc sống có quá nhiều bất ổn và phận người thì phù du, nước chảy bèo trôi, người đọc vẫn băn khoăn tự hỏi có điều gì lớn hơn mà tác giả ẩn sau từng câu chữ?
- Mỗi độc giả có những hướng nhìn nhận văn bản khác nhau. Tôi không thể nói thay. Phần tôi, khi viết quả thực có gửi gắm ít nhiều. Tôi đã bôn ba, chịu nhiều cơ cực từ tấm bé. Lại có cả một thời gian 5 năm dài, sống gần như đơn độc giữa thiên nhiên hoang dã. Tôi tự nhận mình là một người nhạy cảm, thích suy tư. Nhiều suy tư của tôi từ lúc con nít, đã nghe "mùi" triết lý thân phận, nhân tình thế thái, dĩ nhiên là non nớt. Sau này vào đại học, được về thành phố lớn, thứ sách đầu tiên tôi “đâm đầu” vào đọc là triết học. Cảm thấy nó gọi tên được nhiều điều mình từng nghĩ trong đầu. Tôi đọc nhiều năm, đã có lúc bị “ngộ triết”, đọc xong là... phun ra phèo phèo. Về sau tôi nghĩ, trong văn có triết, chứ không phải “lẫn” triết. Hoặc nhân tình thế thái cũng vậy. Tất cả phải nằm êm dưới lớp văn. Thậm chí gần đây, tôi nghĩ, chỉ cần kể một câu chuyện thật giản đơn. Nhưng khi tác giả đã suy tư, thì cái suy tư kia tự nó đã ở trong từng câu chữ. Phần bóc tách, tôi mong độc giả hợp tác với tôi! 
- Và dường như chẳng thể nào có một thứ gọi là “bảo hiểm”, thứ mà nhân vật chính được mời mua ngay từ đầu cuốn sách, cho mỗi thân phận trong cuộc đời này?
- Quả vậy, trong chương đầu của “Giữa dòng chảy lạc”, khi cô bán bảo hiểm đang huyên thuyên về sản phẩm của mình với khách hàng bỗng tòa cao ốc rất hiện đại, tiện nghi nơi họ ngồi bốc cháy. Và trong hoàn cảnh ấy, chính cô ta lo chạy trước cả vị khách mà mình đang thuyết trình. Hình ảnh ấy là một chủ ý của tôi. Trong “Giữa dòng chảy lạc” tôi còn gửi gắm nhiều ẩn dụ như vậy.
- Như anh đã viết trong tiểu thuyết, “chẳng ai là nắm giữ được vận mệnh mình trong tay”, thế còn vận mệnh của một quốc gia, dân tộc thì sao, bởi đó cũng là điều mà những người cầm bút không thể không quan tâm?
- Cái này lớn lao quá. Tôi chỉ biết lùi về góc độ mỗi con người. Và cũng yên tâm khi nghe Stephen Hawking bảo “vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”.
Mong “có chút gì để nghĩ”
 - Giải thưởng, ngoài ý nghĩa tôn vinh tác phẩm thì với anh nó còn đem lại điều gì?
- Trước hết, tôi được ra Bắc chơi. Ở đó có rất nhiều bạn bè, mà trước đây tôi mới chỉ gặp trên tác phẩm, báo chí. Quá nhiều người đáng kính, dễ thương. Nó bù đắp cho tôi những năm tháng đơn độc xưa kia. Vâng, tôi thích có thật nhiều bạn và giải thưởng giúp tôi phần nào. Chỉ vậy là quá tốt rồi.
- Thế còn việc “Giữa dòng chảy lạc” chuẩn bị được tái bản, liệu có phải do hiệu ứng từ giải thưởng?
- Khi in cuốn sách, tôi ký hợp đồng số lượng cụ thể với Công ty Sách Phương Nam. Cho đến khi đoạt giải, sách mới in một nửa số lượng ấy, nay họ in tiếp để hoàn tất hợp đồng. Còn vấn đề hiệu ứng từ giải thưởng, tôi không biết!
 - Người ta vẫn nói văn là người, đọc văn có thể hình dung ra một phần tác giả của nó, nhưng với những ai từng tiếp xúc với Nguyễn Danh Lam thì có vẻ như điều này… sai bét?
- Tôi tự lý sự đó là cách cân bằng, bổ sung. Khi viết, đọc, hay ngồi suy nghĩ, tôi hướng nội đến căng thẳng. Nghe một tiếng động cũng giật bắn người run rẩy. Các nhân vật của tôi cũng mang bộ mặt này. Nhưng khi sống, tôi ồn ào, nhộn nhạo, vui vẻ, chỉ mong sao được yêu quý mọi người. Thực tâm tôi là vậy đó.
 - Nhiều người nhận xét Nguyễn Danh Lam “người Nam, văn Bắc”, còn bản thân anh thấy mình đậm chất Nam hay chất Bắc hơn?
- Tôi sống miền Nam, nhưng gốc Bắc. Cho dù không đặt chân trở lại miền Bắc thì trong “vô thức tập thể” cũng là Bắc rồi. Bạn bè trong Nam bảo tôi dân Bắc. Bạn bè ngoài Bắc bảo tôi là Nam. Khổ vậy đó! Bản thân tôi nghĩ, trong mình có cả ba miền - thêm Trung nữa. Tôi đã sống ở miền Trung và học được ở những con người nơi đây rất nhiều điều.
 - Ở tiểu thuyết thứ ba này, Nguyễn Danh Lam đã dung hòa được giữa suy tưởng và nhu cầu giải trí của bạn đọc, anh ý thức về điều này hay nó đến một cách tự nhiên?
- Quả thực khi đọc, tôi thiên về những thứ hơi khó nhằn. Ngày nào cũng cố gắng đọc ít nhất vài chục trang. Nhưng đêm đêm, tôi thường xuyên xem phim Hollywood. Mà cái “món” thứ hai này hình như rất khéo trong phương cách dẫn dụ khán giả. Tôi cũng hay tò mò bóc tỉa những cách thức câu khách của họ. Thêm nữa, tôi là dân viết báo, lại là báo thiếu nhi, tuổi mới lớn, toàn đứng những mục giải trí đã nhiều năm nay, khá hút khách. Có lẽ nhận xét của anh đến từ mấy nguyên nhân này chăng. Song cũng phải nói rằng, nhiều người bảo tôi viết có độ hút, ngược lại nhiều người nói đọc như... tra tấn. Tôi thấy cả hai ý đều đúng.
 - Theo anh một cuốn tiểu thuyết cần hướng tới điều gì quan trọng nhất?
- Về phần mình, tôi mong ước viết được những trang, có “chút gì để nghĩ”. Còn nói chung, tiểu thuyết có vô vàn nẻo hướng. Hướng nào cũng có những lý do đúng đắn riêng.
 - Vẫn biết việc sáng tác không thể theo kế hoạch, nhưng vẫn muốn anh chia sẻ, với anh, một cuốn sách từ khi ấp ủ đến khi chào đời thường mất bao nhiêu thời gian?
- Trước khi bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết, tôi nghĩ ngợi, dàn dựng ý tưởng trong đầu từ rất lâu. Nhưng cả ba cuốn tôi viết xong cho đến giờ này đều bất ngờ nảy ra ý hướng trong một khoảnh khắc... chẳng nghĩ gì đến viết lách cả. Thành thử, đề cương tôi để trong máy còn mấy cái, nhưng tôi lại tin, cuốn sách mà mình sắp viết có vẻ còn đang trôi lơ mơ đâu đó. Còn nói về thời gian thành phẩm, cuốn đầu tôi viết trong 3 tháng, cuốn thứ hai 5 tháng, cuốn thứ ba - tức “Giữa dòng chảy lạc”- tôi viết trong một năm rưỡi, song từ lúc ý tưởng nảy ra trong đầu, cho đến khi hoàn thành đề cương chi tiết chỉ trong một đêm.
 - Tại sao càng về sau thì tốc độ lại càng chậm dần đều như vậy?
- Tốc độ viết chậm dần chủ yếu do tôi ít bốc đồng hơn.
 - Kế hoạch viết năm 2012 này của anh thế nào?
 - Tôi cố gắng hoàn thành nốt tập truyện ngắn, đã có kha khá bản thảo để in trong năm nay. Trước mắt như vậy đã.

Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP HCM. Hiện công tác tại báo Khăn Quàng Đỏ - Nhi Đồng - Mực Tím TP HCM. Đã xuất bản: Tìm (thơ), Bến vô thường (tiểu thuyết), Giữa vòng vây trần gian (tiểu thuyết), Giữa dòng chảy lạc (tiểu thuyết), Mưa tháng Mười Một (tập truyện ngắn). Giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN 2006- 2007. Tiểu thuyết “Giữa dòng chảy lạc” đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn 2010 (Lễ trao giải sẽ diễn ra trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2012) đang được Công ty Sách Phương Nam chuẩn bị tái bản.

DƯƠNG TỬ THÀNH

Monday, January 30, 2012

LỊCH TRÌNH CHI TIẾT LIÊN HOAN THƠ CHÂU Á LẦN THỨ NHẤT VÀ NGÀY THƠ LẦN THỨ X TẠI VĂN MIẾU – HÀ NỘI


BẰNG HOẠT ĐỘNG CHUẨN BỊ CHO LIÊN HOAN THƠ CHÂU Á LẦN THỨ NHẤT VÀ NGÀY THƠ VN LẦN THỨ X, sáng ngày mùng 6 tết, tức thứ bảy ngày 28.1.2012, trong khi khắp nơi mọi người vẫn đang vui xuân thì các nhà văn và cán bộ công nhân viên công tác tại cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam đã có mặt đông đủ để làm việc.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Hội gửi lời chúc đầu xuân tới các nhà văn, các cán bộ công nhân viên cơ quan đầu não của Hội Nhà văn Việt Nam, tặng phong bao lì xì; đồng thời phổ biến công tác trọng tâm trong năm mới.
Đặc biệt, toàn thể cơ quan Hội đều đã sẵn sàng “ra quân” cho Liên hoan Thơ Châu Á lần thứ nhất, Giao lưu với các nhà thơ Châu Á, và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X.
Nhà thơ Đỗ Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn VN báo cáo tình hình chuẩn bị cho Liên hoan Thơ Châu Á lần thứ Nhất và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X. Đây là một chuỗi ngày thơ, bắt đầu từ ngày 10 tết (tức 1.2.2012) - đón khách quốc tế từ sân bay Nội Bài, đưa xuống Quảng Ninh, cho đến hết ngày rằm Nguyên tiêu (tức ngày 6.2.2012).
Lịch trình được ấn định như sau:
- Ngày 1.2.2012: Đón đại biểu tại KS Grand Hạ Long - Quảng Ninh
- Ngày 2.2.2012, tức ngày 11 tết: Khai mạc Liên hoan Thơ tại Quảng Ninh; Hội thảo “Thơ ca vì một Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển”
- Ngày 3.2.2012: Tiếp tục Hội thảo; Đêm thơ Quốc tế
- Ngày 4.2.2012: Thăm làng gốm Bát Tràng; Đêm dạ hội Thơ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
- Ngày 5.2.2012, tức 14 tết: Khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X.
Chủ tịch nước tiếp các đại biểu quốc tế
- Ngày 6.2.2012: Tham quan Xứ Đoài, thăm chùa Tây Phương
Bà Đào Kim Hoa, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn VN báo cáo tình hình khách mời, hiện có hơn 80 nhà thơ các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã báo tin chính thức tham gia Liên hoan.
Các bộ phận hậu cần lo ăn ở, xe đưa đón; bộ phận đón và tiếp khách; bộ phận chuẩn bị cho các Sân thơ (bao gồm 4 Sân: Sân thơ ở Quảng Ninh, dự kiến làm tại chân núi Bài Thơ; Sân thơ Đêm dạ hội tại Văn Miếu; 2 Sân thơ chính thức Ngày Thơ VN vào sáng 14 tết, tức 5.2.2012 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám)… đã sẵn sàng.
Được biết Sân thơ tại Quảng Ninh sẽ do 3 MC: nhà thơ Đỗ Trung Lai, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (hội viên mới của Hội NVVN), nhà văn DiLi đảm nhiệm.
Đêm dạ hội thơ có 3 MC: Đỗ Trung Lai, Nguyễn Phan Quế Mai, DiLi
Sân thơ chính vào Ngày Hội Thơ sẽ do nhà thơ Đỗ Trung Lai, nhà văn DiLi đảm nhiệm
Sân thơ Quốc tế (trong sân Thái Học) sẽ do 2 MC là nhà thơ Hữu Việt và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (hội viên mới của Hội NVVN) đảm nhiệm.
Chỉ đạo chung: Nhà thơ Hữu Thỉnh
Phụ trách tổng thể các Sân thơ: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Phụ trách Sân thơ Quốc tế: nhà văn Võ Thị Xuân Hà và Ban Nhà văn Trẻ, có sự tham gia của nhà văn Lê Phan Nghị
Phụ trách Sân thơ các Câu lạc bộ: Nhà thơ Phạm Đức.
Phụ trách lên kịch bản tổng thể: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Nhà LLPB Nguyên An, Phụ trách Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, Chủ tịch công đoàn cơ quan Hội, phụ trách phần đưa đoàn đại biểu tham quan tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vào sáng 13 tết, trong lịch trình đi từ Quảng Ninh về Hà Nội.
Ngoài Quảng Ninh đăng cai tổ chức Liên hoan Thơ Châu Á lần thứ Nhất, có 11 tỉnh thành sẽ tham gia Ngày Hội Thơ VN lần thứ 10 tại Văn Miếu: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Các tỉnh thành tham gia đều mang về Ngày Hội Thơ những đặc trưng văn hóa của địa phương, các tiết mục biểu diễn, và tham gia đọc thơ tại Ngày Hội Thơ, cùng giao lưu với các nhà thơ đến từ các nước bạn.
CẦM KỲ
Nguồn: Tonvinhvanhoadoc.vn