Cùng Quý độc giả vanchuongplusvn.blogspot.ca
Như bổn báo từng tiên lượng về “cuộc tình 1.000 tác phẩm trường ca
Việt Nam”, xin vui mừng loan tin:: với bài thơ dài mang tính trường
ca Người buôn ngựa ở quảng trường Tahir của tác giả Nguyễn Thanh Hiện,
số lượng gần đúng với các tác phẩm trường ca Việt đã đạt tới một ngàn
(1.000) - con số biểu tượng mà hiện thực về dáng vóc của thể loại trường ca
trong sáng tác văn học Việt Nam và thế giới.
Dưới đây là một số tóm tắt cùng danh
sách 409 tác giả và 1.000 tác phẩm trường ca Việt Nam tính đến ngày 27/9/2012
(ngoài các con số cập nhật, có các bổ sung so với bản đã đăng trên vanchuongplusvn.blogspot.ca 16/3/2012).
Tin giờ chót: 409 tác giả và 1.002
tác phẩm, với cập nhật 29/9/2012 về 2 tác giả Lê Huy Quang và Hồ Thanh Ngân.
***
“Từ thời niên thiếu, tôi đã có
một ham muốn mãnh liệt hơn hết thảy: Hiểu và giải thích được bất cứ những gì
tôi quan sát thấy;
Nghĩa là sắp xếp được tất cả những
dữ kiện vào các định luật phố quát nào đó.”
(Charles Darwin)
“Mang cái nhớ đi qua tháng ngày
Viết trường ca để lại mai sau”
(Đình Thu)
***
Qua nhiều năm quan tâm và với hơn 2
năm nay, sau khi đưa ra luận điểm “trào lưu trường ca Việt Nam
như là một trường phái sáng tác”, chúng tôi đã cập nhật trên nhiều trang mạng
trong và ngoài nước, danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam.
Bài giới thiệu này gồm 4 phần:
Phần I : Lời dẫn của Trần Thiện
Khanh
Phần II: Quan niệm về tính trường
ca và việc lập danh sách tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam
Phần III: Các danh sách tác giả, tác
phẩm trường ca Việt Nam
Phần IV: Lời tạm kết - “Thức dậy,
(con khủng long) trường ca vẫn còn đó!”
*
I. LỜI DẪN CỦA TRẦN THIỆN KHANH
Trường ca là một thể loại có đóng
góp đáng kể vào sự phát triển của tư duy thơ Việt Nam hiện đại. Thế nhưng, sự
quan tâm đến nó, cả ở phương diện văn học sử lẫn lí luận thể loại lại có phần
muộn mằn, lẻ tẻ. Cho đến nay mới chỉ có “Tuyển tập trường ca”
(Nxb. Quân đội nhân dân, 1997) là cung cấp được cho độc giả một cái nhìn tập
trung về văn bản thể loại này. Trong Lời nói đầu của tuyển tập đó các
tác giả biên soạn nhận định: “Trường ca là thể loại chiếm tỉ lệ nhỏ (…) mười
trường ca được tuyển chọn trong cuốn này (…) là những trường ca tiêu biểu cả về
nội dung lẫn hình thức cũng như bối cảnh lịch sử tác phẩm ra đời”. Như vậy số
lượng trường ca được chú ý ở đây còn ít, lại chủ yếu là các trường ca sáng tác
trong khoảng 30 năm, tính từ Bài thơ Hắc Hải (1955) của Nguyễn Đình Thi
đến Gọi nhau qua vách vúi (1987) của Thi Hoàng. “Vùng trường ca” đến nay
vẫn còn nhiều chỗ trống, cần có người tâm huyết lục khảo lại, chọn tuyển công
phu hơn, nhất là thể hiện được cái nhìn khái quát, công bằng hơn nữa về diễn
tiến của thể loại này.
Nhìn từ những yêu cầu, đòi hỏi như
thế, chúng tôi xin giới thiệu những nỗ lực tìm hiểu khái quát các “hiện tượng
trường ca” từng xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam của tác giả Đỗ Quyên.
Ở một góc độ nào đó, có thể nói, chính anh cũng là một tác giả tiêu biểu trong
việc tìm tòi thể nghiệm cách tân trường ca ở nước ngoài (đã sáng tác 14 trường
ca, 7 bài thơ dài). Cuộc lục khảo và hệ thống hóa có quy mô lớn lần đầu tiên về
các hiện tượng trường ca này có thể xem là cuộc đi khai vỡ thêm những miền
đất mới đầy hào hứng của anh, đồng thời cũng là sự trở về vùng đất quen
thuộc của người trong cuộc giàu tâm huyết. Hy vọng, sau dịp này, tác giả Đỗ
Quyên sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành hơn nữa của nhiều tác giả, độc giả.
II. QUAN NIỆM VỀ TÍNH TRƯỜNG CA VÀ VIỆC LẬP DANH SÁCH
TÁC GIẢ, TÁC PHẨM TRƯỜNG CA VIỆT NAM
Đây đang là cơ sở cho một đề tài
không dễ dàng - bởi có lẽ là lần đầu tiên - đề cập khái niệm “tác gia trường ca
Việt Nam” và việc phân loại, nhận định có hệ thống và toàn diện loại hình này
trong văn học Việt Nam hiện đại.
Hơn 2 năm qua, chúng tôi thấy có một
số bài liên quan như sau:
-“Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức
hậu hiện đại Việt”;
Đỗ Quyên, Tạp chí Sông Hương số 257 tháng 7/2010, và tapchisonghuong.com.vn
30/7/2010
- “Đối thoại về trường ca và trường ca Việt Nam hiện đại”; Phỏng vấn của Trần Thiện Khanh, Tạp chí Thơ (Hội
Nhà văn Việt Nam) số 11/2009, và vanhocquenha.vn
17/9/2010
- “Những thể loại văn vần có dung
lượng lớn như là tiền đề của tư duy về hình thức” (Trích luận án “Thể loại
trường ca trong văn học hiện đại Việt Nam”); Diêu Thị Lan Phương, Đại học
Quốc gia Hà Nội 15/6/2011
- “Hiện tượng văn học”; Iu. N. Tynhianov, Đào
Tuấn Ảnh dịch, Tạp chí Nghiên cứu văn học số
12 - 2005, và phebinhvanhoc.com.vn 23/5/2012
- “Tản mạn về trường ca”; Trần Đình Sử, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 700 đầu
tháng 7/2009, và vannghequandoi.com.vn
24/7/2009
- “Những đặc điểm của trường ca”; Nguyễn Trọng Tạo, nguyentrongtao.org
8/6/2011
- “Trường ca về thời chống Mỹ trong văn
học hiện đại Việt Nam” (Tóm
tắt luận án); Nguyễn Thị Liên Tâm, phongdiep.net 3/9/2010
- “Trường ca với tư cách là một thể loại
mới”; Nguyễn Văn Dân, Tạp chí
Sông Hương số 230 tháng 4/2008, và tapchisonghuong.com.vn
16/4/2008
- “Yếu tố tự sự trong trường ca trữ tình hiện đại”;
Diêu Thị Lan Phương, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4/2009, và vienvanhoc.org
- “Đôi nét về trường ca những năm gần đây
từ góc nhìn thể loại”; Lưu Khánh Thơ, vannghequandoi.com.vn
22/5/2010
- “Trường ca hôm nay viết về thời đánh Mỹ”;
Nguyễn Thanh Tú, Tạp chí Văn nghệ
Quân đội số 705 đầu tháng 27 cuối tháng 12/2009, vannghequandoi.com.vn
4/1/2010
-
“Trường ca Việt, một cách nhìn...”;
Yến Nhi, vanchuongviet.org 27/1/2010
- “Đặc điểm giọng điệu trong trường ca sử
thi hiện đại”; Nguyễn Thị Liên Tâm, Tạp chí Khoa học Xã hội
Nhân văn (Đại học Sư phạm TP HCM) số 23 (57) 10/2010, và phongdiep.net
4/7/2011
- “Hai đặc điểm cơ bản của trường ca Việt
Nam hiện đại”, Mai Bá Ấn, phongdiep.net 4/7/2011
- “Sự phức hợp và đa dạng về thể thơ
trong trường ca sử thi hiện đại”; Nguyễn Thị Liên Tâm, phongdiep.net
23/06/2011
- “Về các khuynh hướng phát triển
trường ca Việt”; Hà
Quảng, vanvn.net
6/9/2011
-
“Nghĩ về một số “phản trường ca”;
Diêu Lan Phương, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số cuối tháng 12/2010, và vannghequandoi.com.vn
4/1/2011
- “Trường ca Thu Bồn - Thể loại và cấu
trúc”; Mai Bá Ấn, vanchuongviet.org
13/2/2012
- “Thanh Thảo với trường ca”;
Chu Văn Sơn, phongdiep.net 12/1/2010 và nguvan.hnue.edu.vn
22/3/2011
- “Thanh Thảo - Ông hoàng của
trường ca”; Mai
Bá Ấn, vanchuongviet.org 2/2/2012
- “Phận người trong trường ca Trần Anh Thái”; Bùi Thị Thủy, phongdiep.net
27/8/2012
- “Ba bài viết về tập trường ca Lòng
hải lý”; Hà Li, Lưu Nguyễn, Phi Hà, trieuxuan.info
21/7/2011
- “Ghi nhận về một thi cảm trường ca tươi
lạ”; Đỗ Quyên, vanvn.net 22/8/2012
- “Hệ thống các trường ca, sử thi Tây Nguyên”;
Linh Nga Niê Kdăm, dotchuoinon.com
4/7/2011
- “Sử thi làm giàu nền văn học đa dân tộc
Việt Nam”; Inrasara, tiasang.com.vn
20/8/2012
Nếu nói về số lượng, từ thời Thơ Mới
tới nay, con số chúng tôi đang có được là khoảng 409 tác giả Việt Nam đã viết
ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài mang ý nghĩa tương đương, với tổng
số khoảng 1.000 tác phẩm gọi chung là “trường ca”.
Một cách tương đối, có thể xem Huy
Thông là trường ca gia Việt Nam đầu tiên với tác phẩm nổi tiếng Tiếng địch
Sông Ô ra đời năm 1935, và mới nhất là tác giả Lê Hưng Tiến với trường ca Ễn
lên đêm (Nxb Hội Nhà văn, 12/2011).
Các yếu tính nghệ thuật của thể loại
để khu biệt “trường ca” giữa các tác phẩm thơ khác luôn là nan đề trong cả sáng
tác lẫn lí luận văn học đương đại, ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo nhà nghiên cứu văn học Nga
Tynhianov, nếu “hãy thử định nghĩa khái niệm ‘trường ca’, tức một khái niệm
về thể loại. Tất cả mọi cố gắng đưa ra một định nghĩa thống nhất đều không đạt
được. (…) Thể loại không được nhận ra, nhưng dù sao trong nó vẫn còn giữ được
những yếu tố đủ để cái gọi là ‘không phải trường ca’ là một trường ca. Và sự
‘đủ’ này – không phải những thứ thuộc ‘nền tảng’, hay những nét lớn riêng biệt,
mà là những cái thuộc thứ hạng, dường như chúng phải thế và dường như chúng
không định tính cho thể loại. Cái cần để thể loại được coi là thể loại, trong
trường hợp này, là ‘độ lớn’”.
Có lẽ, nhờ tự mang trong mình sự bất
định thể loại, trường ca đã là một trong những Đứa Con kỳ khôi - già xưa nhất,
tươi lạ nhất và hoành tráng nhất - của Người Mẹ Văn Chương.
Bằng quan niệm mới về thể tài, và
trong sự cẩn trọng thông lệ cho một công việc phân định không thể tránh được độ
bấp bênh nào đó, chúng tôi thử đề nghị một số tiêu chí, khi thành lập danh
sách, cũng như phân loại tác giả, phê bình tác phẩm.
Với trường ca, và các loại hình
tương tự (anh hùng ca, sử thi, ngâm khúc, diễn ca, trường thi…) thường không
khó lắm để nhận dạng qua cấu trúc và dung lượng, dù được viết theo khuynh hướng
nào: cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại. Riêng với thơ dài có tính trường ca
– điểm mới của khảo cứu này – quả là không dễ định vị! Đến nay, trong tổng
số 409 tác giả, có 293 tác giả trường ca và 116 tác giả
thơ dài có tính trường ca: trung bình mỗi tác giả đã viết hơn 2 tác
phẩm có tính trường ca. Đây là những “con số biết nói”, bởi chúng vừa có hàm ý
tượng trưng vừa mang giá trị cụ thể! (Mời xem dưới đây các Danh sách số 1,
1a, 1b, 1c, 1d)
Trong khi khảo sát, chúng tôi coi
“trường ca” và “thơ dài có ý nghĩa tương đương” bao gồm các loại hình văn vần -
trừ truyện thơ và tất nhiên cả kịch thơ - mang dung lượng
lớn với phương thức tự sự hay trữ tình, cấu trúc có hay không có cốt
truyện, câu chuyện. Ở các sáng tác đó, tính trường ca được thể hiện hài
hòa qua: a) Thể tài: mang tinh thần và nội dung không như của từng cá thể, hay
giữa các cá thể, mà thuộc về giá trị chung - đất nước, quê hương, nhân loại,
dân tộc, cộng đồng…- trong một chủ đề nhân văn nhất định có ý nghĩa xã hội
rộng lớn. (Đây nên được xem như kim chỉ nam về tư duy thể loại trên bản đồ
nghệ thuật thơ có tính trường ca!); b) Cảm hứng: ấn tượng chấn động,
cảm xúc cao sâu; c) Giọng điệu và tư duy: mạnh hoặc nhanh, hùng ca hoặc bi ai
hoặc hài hước, với chủ đích lôi cuốn với thái độ chủ quan; d) Cấu trúc
và thủ pháp: sử dụng một số hình thức, kỹ thuật của “trường ca chuẩn tắc”
(chương/khúc/đoạn, pha trộn thể loại, đa ngữ điệu, cân bằng các giá trị đối
lập, v.v…); e) Dung lượng: Khoảng 750 chữ trở lên (có thể ít hơn, tùy ý nghĩa
từng bài).
Và chúng tôi mạnh dạn dùng một tên
gọi mới, không thuộc về thể tài mà với ý biểu tượng, như một sự “vinh danh”: Tiểu
trường ca. Đó là các thi phẩm có: Dung lượng hơn một bài thơ bình
thường (tùy ý nghĩa từng bài); Thi pháp mang tính trường ca; Tác giả đã quen
thuộc; Và nhất là, từng tạo tiếng vang trong dư luận xã hội và môi trường văn
học, mang dấu ấn thời đại, lịch sử… (Danh sách số 2 – Phác thảo)
Do lấy tính trường ca làm đích, ở
đây cũng phân biệt 2 loại: thơ dài có tính trường ca và thơ dài không có tính
trường ca. Sắp tới, sẽ hoàn thiện Danh sách số 2 (Những bài thơ như là
“tiểu trường ca” Việt Nam), và hy vọng sớm công bố Danh sách số 3 (Tác
giả thơ dài tiêu biểu Việt Nam).
Dường như vẫn còn một dấu hỏi luôn
neo trong đầu mỗi người ham thích tìm hiểu sinh hoạt sáng tác văn học: Tổng số
các nhà thơ Việt, từ thời Thơ Mới đến nay, khoảng chừng bao nhiêu? (Xin nêu một
xác định riêng về “nhà thơ” ở đây: Đó là tác giả của những sáng tác thơ được
đánh giá, lưu giữ trong một cộng đồng nhất định).
Ở tầm tay hạn hẹp, bằng phương pháp
thống kê, chúng tôi tạm ước tính: Tất cả có lẽ là khoảng 2000 nhà thơ Việt
Nam hiện đại? Tóm tắt 2 cách định lượng: Một, ngoại
suy từ một số danh sách chuẩn, hoặc tương đối chuẩn, như: khoảng 400 nhà thơ
hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (trong tổng số 966 hội viên); 785 nhà thơ tiêu
biểu thế kỷ 20 (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cinet.gov.vn); danh
sách tác giả thơ của những trang mạng văn học quan trọng ở trong và ngoài nước
như vanvn.net,
thivien.net,
vanchuongviet.org,
phongdiep.net,
nhavanhanoi.vn,
thica.net,
tienve.org,
damau.org,
gio-o.com,
talachu.org,
newvietart.com,
vi.wikipedia.org,
và của một số tạp chí quan trọng ở hải ngoại như Hợp Lưu, Văn Học, Tạp Chí
Thơ, Văn, Việt... Hai, suy diễn theo số lượng tác giả trường ca và thơ dài
mà chúng tôi “có trong tay” (với các chọn lựa khác nhau có thể vuông tròn thừa
thiếu trên thực tế là 400) và theo 5 danh sách quen thuộc (45 tác giả trong Thi
nhân Việt Nam / Hoài Thanh – Hoài Chân, 200 tác giả trong Thơ Việt Nam
thế kỷ 20 / Hội Nhà văn Việt Nam, 317 tác giả thơ tình 1954-1975 miền
Nam Việt Nam / gio-o.com, 100 bài thơ
Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 / Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, và 100 bài
thơ chọn lọc thế kỷ 20 / Gia Dũng), chúng tôi đã rút ra được “tỷ lệ vàng
1/5” cho số các thi sĩ sáng tác theo phong cách trường ca trên tổng số các
nhà thơ nói chung. Thật cân xứng: bàn tay có 5 ngón tay thơ thì người Việt dành
1 ngón cho thơ trường ca!
Chúng ta có thể tự hỏi: Hiện tại
trên thế giới liệu có nền thơ ở một quốc gia nào khác, của một dân tộc nào
khác, có tỷ lệ các “nhà trường ca” cao như ở Việt Nam không? Đã từng có nền văn
học nào trên thế giới mà thể loại trường ca đạt tầm vóc về nghệ thuật, tư
tưởng, số lượng tác giả và nhất là tác dụng xã hội, như dòng trường ca chiến
tranh Việt Nam 1963-1975 và hậu chiến tranh 1975-1986 không?
Ngoài một số ít tác giả là thi hữu
đã cung cấp trực tiếp tác phẩm, nguồn tham chiếu chính của chúng tôi là các
trang mạng; một phần vì hiếm có cơ hội cập nhật sách báo in ấn ở Việt Nam.
Thành thật xin lỗi về thiếu sót, nhầm lẫn chắc sẽ có ở nhiều mặt (tiêu chí
tuyển chọn, vấn đề văn bản và xuất bản…), nhất là với các tác giả, tác phẩm
trường ca đã xuất bản mà danh sách chưa có được!
Cũng bởi thế, chúng tôi mong nhận
được ý kiến đóng góp cũng như thông tin về tác phẩm, tác giả thơ có tính trường
ca Việt Nam. Các ý tưởng và bài vở thích hợp – khi được người gửi đồng thuận -
có thể tham gia vào bản thảo cuốn sách dự tính mang tên “Một cách tìm hiểu
trường ca Việt Nam”.
Chân thành cảm tạ những cộng tác,
giúp đỡ vô giá của các tác giả và độc giả, các thi sĩ và nghiên cứu gia, độc
lập hay trong các cơ quan, tổ chức văn học, ở trong và ngoài nước; cũng như
những báo chí, trang mạng đã và sẽ giới thiệu các danh sách này. Xin ghi nhận
tấm thịnh tình từ: Các bạn văn đầu tiên đã đọc và cổ vũ, như nhà lí luận - phê
bình Trần Thiện Khanh và các nhà thơ Khế Iêm, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái,
Nguyễn Đức Tùng; Các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu như Nguyễn Anh Nông, Diêu
Lan Phương, Đặng Tiến Huy, Duy Phi, Hoàng Thư Ngân, Nguyễn Hữu Quý, Trần Nhuận
Minh, Nguyễn Anh Tuấn, Từ Nguyên Tĩnh, Hàn Thủy, Đỗ Minh Tuấn, Nhật Tuấn, Vũ Ngọc
Dung, Nguyễn Hoàng Đức cùng nhiều tác giả, độc giả khác đã có những
thông tin, trao đổi quý báu kể từ sau danh sách đầu tiên
(7/7/2010), mà đáng kể nhất là có được 30 tác giả cùng khoảng 50 tác phẩm nhờ
tham khảo thống kê của nhà nghiên cứu-phê bình Mai Bá Ấn. Đặc biệt, nhà thơ
Trần Quốc Minh đã nhiệt thành giới thiệu một số tác giả, công phu sao chép
trích lược tác phẩm cần thiết, khi đại diện cho chúng tôi liên lạc với các tác
giả ở Hải Phòng - một vùng đất sản sinh “trường phái thơ Hải Phòng”, trong đó
có dòng trường ca đặc sắc với khoảng 27 tác giả mà cuốn sách sẽ dành sự quan
tâm cần thiết. Cũng vậy, với thông tin và trích dẫn bài vở chọn lọc, nhà văn
Nguyễn Tiến Hải, từ nguồn tư liệu phong phú của quân đội, đã tận tình bổ sung
nhiều tác giả, tác phẩm, cùng các sáng tác đang hoàn thành từ các trại sáng
tác…
Ngoài các hồi âm chúng tôi trực tiếp
nhận được, dưới đây là một số ý kiến, nhận xét trên các trang mạng, báo chí:
- “Đỗ Quyên và Trường ca Việt Nam”; PV Toquoc, vanhocquenha.vn
13/9/2010
- “Trường ca cần một cách nghĩ tương xứng”;
Nguyễn Hoàng Đức, trannhuong.com 14/3/2012
Thưa Quý tác giả và độc giả,
“Thói quen cứ muốn lập danh sách cho
mọi thứ nghe có vẻ tùy tiện hoặc vô lí: Những người lập danh sách đã để ngỏ cả
khoảng trống vô tận cho những người bình luận khi mọi sự sáng tỏ, mặc dầu lí do
hợp lí nhất của việc lập danh sách là để khích lệ những nhà bình luận ấy. Văn
chương hay tự nó nói lên tất cả, và còn nói mãi; những nhà văn hay nhất hôm nay
còn đang viết là những người mà cháu chắt của chúng ta sẽ đọc. Thế nhưng, sự
quyến rũ của ‘danh sách’ đã ăn sâu vào não trạng chúng ta (“20 tác giả dưới 40 tuổi của văn học Mỹ”; Ban biên tập The New Yorker; Theo
bản dịch của Hiếu Tân)
Chúng tôi tán đồng! Và đấy là một
trong vài lí do để chia sẻ nơi đây các danh sách tác giả, tác phẩm trường ca
Việt Nam.
Thư từ, bài vở xin gửi về: Đỗ Quyên;
email: truongcaviet@yahoo.com hoặc truongcavietnam@hotmail.com
Trân trọng
III. CÁC DANH SÁCH TÁC GIẢ, TÁC PHẨM TRƯỜNG CA VIỆT NAM
Phần PHỤ LỤC gồm 6 danh sách (cập nhật 27/9/2012):
- Danh sách số 1: 409 Tác giả và 1.000 tác phẩm trường ca và thơ dài Việt Nam
- Danh sách số 1a: 409 Tác giả trường ca và thơ dài Việt Nam
- Danh sách số 1b: 293 Tác giả trường ca Việt Nam
- Danh sách số 1c: 116 Tác giả thơ dài có tính trường ca Việt Nam
- Danh sách số 1d: 1.000 Tác phẩm trường ca và thơ dài
Việt Nam
- Danh sách số 2: Những bài thơ như là “tiểu trường
ca” Việt Nam (Phác thảo: 105 Tiểu trường ca Việt Nam với 75 tác giả)
IV. LỜI TẠM KẾT:
Một nhà văn người Guatemala mang tên
Augusto Monterroso đã đứng trong danh sách cùng các tác giả kinh điển và lừng
danh M. V. Llosa, G. G. Márquez, C. Fuentes, J. Cortázar, để dựng nên cộng đồng
văn chương tiếng Tây Ban Nha ở châu Mỹ Latin trong thế kỷ qua. Nét độc sáng từ
Monterroso là các truyện cực ngắn. Cho đến nay, trong thể loại văn học lạ lẫm
và hút hồn đó, ông được xem là chủ nhân của truyện ngắn nhất và nổi danh nhất
thế giới, mang tựa đề Con khủng long (El dinosaurio).
Nội dung truyện ngắn ấy như sau:“Thức
dậy, con khủng long vẫn còn đó.” (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)
Nếu được dùng cách nói tương tự,
chúng ta – những tác giả và độc giả của trường ca Việt Nam – dường như thường ở
tâm trạng:
“Thức dậy, (con khủng
long) trường ca vẫn còn đó!”
Vancouver – 27/9//2012
Đ.Q.