.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 9, 2012

NGUYỄN HUY THIỆP: NHỮNG CHUYỆN HUYỀN, KỲ, NÚI, SÔNG VÀ NƯỚC…

1.
Tác giả Nguyễn Huy Thiệp đến với người đọc, đã sớm gây chú ý ngạc nhiên chỉ với một số ít truyện ngắn. Truyện và kịch của ông đã được đăng báo, in thành nhiều tuyển tập trong và ngoài nước và được dịch ra ngoại ngữ. Nhà văn vừa tài tử vừa chuyên nghiệp qua tài năng, nhưng gây hiện tượng và tác phẩm của ông đã và đang được nhiều người nghiên cứu, phân tích, được coi như là những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam trong thập niên qua.

Khía cạnh nổi bật trong các truyện của nhà giáo sử từng sống nhiều năm giữa những đồng bào Mường và Thái đen ở vùng thượng du Tây Bắc là những chủ đề huyền thoại, truyền kỳ và lịch sử. Trong nhiều tác phẩm, ông muốn lôi xuống với đời thường những đỉnh cao của lịch sử và văn học, trần tục hóa các vua Gia Long, Quang Trung và các nhân vật lịch sử Nguyễn Thái Học, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Lộ, vv. Thật và giả. Đứng đắn và hoang chơi. Anh hùng lịch sử là của quá khứ, họ đã để lại vết tích đâu đó trong đất, núi và sông, nhưng qua những hạt cát bụi của trí nhớ người hôm nay mà họ vẫn sống, sẽ sống. Lịch sử biến thành dã sử, truyền kỳ, chuyện dân gian. Hôm nay thành hôm qua. Và chuyện dân gian thành những huyền thoại. Và lãng mạn biến thành thô tục như trong truyện Trương Chi.

Huyền thoại là những chuyện xa xưa, những mảng rời cấu thành lịch sử nhưng không là lịch sử thuần lý. Huyền thoại giúp cắt nghĩa chuyện tại sao mà có, mà sinh thành; cắt nghĩa nguồn gốc một dân tộc, một xã hội, tập thể. Huyền thoại không chỉ có trước, mà khi đã có lịch sử vẫn tiếp tục cấu kết, trở thành cốt lõi cho lịch sử. Trong khi đó truyền kỳ thường là những chuyện lạ hay có liên hệ đến lịch sử được lưu truyền lại. Nguyễn Huy Thiệp xử dụng cả hai thể loại.
  
Huyền thoại có tính cách lạc quan, tin ở con người, nhân bản tự tại; không cần đến lý trí, lý luận. Thể huyền thoại giúp tác giả khai thác những tiềm ẩn, tiềm thức, siêu thức. Từ Claude Lévi-Strauss của Nhiệt Đới Buồn Thiu (Tristes Tropiques, 1955), huyền thoại đã giúp cắt nghĩa, thông hiểu nhiều hiện tượng, kể cả lịch sử, văn minh. Đi sâu, vượt thực tế, lên cái không cùng. Dĩ nhiên, huyền thoại không có nghĩa là phi lý hay vô lý; huyền thoại có cái trật tự luận lý của nó, có cả một hệ thống luận lý bên trong hay với những nguyên tắc nhất định. Huyền thoại tiến hóa theo chiều sâu vũ trụ thay vì chỉ là ý thức tiến hóa. 

Dùng huyền thoại, tác giả muốn người đọc thông hiểu thay vì lý luận, phán xét. Cảm nhận bằng trực giác, kinh qua, cá nhân, tư riêng, thay vì lý trí cái phải đưa đến một kết luận chung, hợp lý, hợp biện chứng hay đưa đến một sự thực phổ quát mà trong thực tế và lịch sử, đã sản xuất những Lý Tư, Tôn Ngô, Machiavel, Descartes, Hegel, Marx, tư bản, cộng sản, vv. Thể huyền thoại không chứa phổ quát, không có chân lý, có chăng là chân lý tự tại hay những giá trị đối với cá nhân, với tôi; ai có khả năng hoặc thiên khiếu cảm nhận, sẽ đọc được cái sứ điệp của tác giả. Lỗ Tấn trong tập Cố Sự Tân Biên (Truyện Xưa Viết Lại) lấy chuyện xưa nói chuyện thời ông hồi đầu thế kỷ XX, lộ chân tướng giáo dục, răn đe và làm chính trị. Nguyễn Huy Thiệp cũng tỏ ra luân lý, dạy đời nhưng có thể nói ông khác Lỗ Tấn, ít tham vọng hơn dù truyện và kịch ông thường có một thông điệp, những ước ao, như được làm người. Văn Lỗ Tấn thường hiện thực trong khi Nguyễn Huy Thiệp huyền ảo, thơ mộng dù nội dung có khi nặng nề, nhức nhối.

"Con tôi ! Tôi sẽ nuôi dạy cho nó nên người. Phải. Nó sẽ thành thi sĩ! Thành anh hùng! Thành bác học! Nó sẽ tiến hành các âm mưu, sẽ nổi loạn, sẽ tiêu diệt... Nó sẽ thành tựu, sẽ ngạo nghễ, sẽ tự do. Nó sẽ đau khổ và hạnh phúc! Nó sẽ gian trá và rộng lượng! Sẽ yêu thương và căm thù! Sẽ hủy diệt và xây dựng... Nó sẽ đứng giữa trời và đất, nó phải được quyền yêu ghét, quyền chọn lựa, quyền được định đoạt giữa sinh và tử, quyền được nhảy múa trên cả vinh quang cũng như điếm nhục..." (Hoa Sen Nở Ngày 29 tháng 4, tr. 726)(1)

Huyền thoại có thể trần tục hóa những thần thánh, danh nhân lịch sử, gở bỏ vầng hào quang, giản đơn hóa những ngôi sao có khi đã được chiếu sáng nhân tạo, đưa các ngài từ những đỉnh núi cao xuống đồng bằng sống với người hai bửa cơm chạy gạo. Rồi phải đối phó với những nhức nhối, phải giải quyết những nát lòng, tục lụy. Nơi không còn chổ đứng cho những chân lý muôn đời, khuôn mẫu duy lý, cái phải đi lên, đi thẳng !

Trong các truyện và kịch của Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật là những người như chung quanh ta: thiếu phụ lái đò về bến Tầm Xuân, cô gái dở hơi, tên tướng cướp, những người thợ xẻ, lão đồ tể, ông thợ hớt tóc, người đẩy xe ba gác, ông tướng về hưu trơ trụi lý tưởng chết đứng trước những tầm thường thường nhật trong gia đình con dâu nuôi heo với nhau đem ở bệnh viện về và trước những khốn cùng chốn đồng quê hay một diễn viên quèn. Đời thường như huyền hoặc, huyễn ảo; các nhân vật như có một tâm hồn trong sạch, nguyên sơ lẫn những khôn ngoan của người thường, những khôn ngoan chín từ những khốn nhục của cuộc đời. Niềm tin nơi cái Thiện hiếm hoi, nơi luật nhân quả, nơi con người :
"Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng hết muối, đấy là điều báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc" (Muối Của Rừng, tr. 107-108)

Và những oan ức như của Ngô Thị Vinh Hoa. Nhưng cũng có những cái ác hay bất thường của Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ,  Những cái oan và ác của hôm nay đầy rẫy, của một xã hội tha hóa, không trọng nhân phẩm, một xã hội bất bình thường ! "Bản tính người Việt là hay trông ngóng, nhiều khi quên gốc ở ngay chính tim óc mình" (Chút Thoáng Xuân Hương, tr. 184)

Mặt khác, Nguyễn Huy Thiệp huyền thoại hóa một số nhân vật và đề tài lịch sử. Huyền thoại, cảm nhận lịch sử khác đi, đương đại hóa cái quá vãng hay đã được đặt trên bệ thờ, đúc tượng khắp công viên. Một nỗ lực vượt thoát cái nhìn tập thể, bình thường, vượt lên trên cái trật tự xã hội, cái áp đặt bằng nhiều chiến thắng và xương máu, vượt thoát thiên kiến, cái đặt để kiêng húy. Cái nhìn của đứa con dám cãi mẹ cha bất lương, tàn độc, cái ly khai của con cừu chán ngấy những tiếng loa nhàm và nhảm, cái kiểm thảo tự giác, bất vụ lợi, cái tự vấn của đáy lòng trước khi vào tòa giải tội hay sám hối tập thể. Như muốn nhắc nhở cái hôm nay là hệ quả của những hệ thống, danh nhân và lịch sử, vẫn phải thấy nghe mỗi ngày hoặc tưởng đã chìm khuất. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp phê phán những ảo tưởng, những huyền thoại dựng đứng một cách nhân tạo, bá quyền. Đó là lý do ông đã bị các quan văn nghệ kết án đã dám "bắn súng lục vào quá khứ" hoặc đi xa hơn, coi ông bị bệnh tâm thần - may mà ông không sống thời Staline và Nhân Văn Giai Phẩm !

Nguyễn Huy Thiệp đã là hiện tượng phải chăng vì chữ viết giữ vai trò quan trọng, nhất là đối với một xã hội đề cao lý luận, ý thức hệ, một xã hội tự cho không giai cấp nhưng đầy dẫy giai cấp, phe đảng, lý lịch. "Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất! (...) Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại làm gì ?" (Chút Thoáng Xuân Hương, tr. 203). Lévi-Strauss từng nhìn ra cái tác oai tác quái của chữ viết : "Hiện tượng duy nhất hình như lúc nào và khắp nơi liên hệ đến sự xuất hiện của chữ viết, đó là sự tạo thành những xã hội giai cấp hóa, những xã hội gồm có chủ và nô lệ, những xã hội lợi dụng một phần dân chúng lao động cho phần kia hưởng, hiện tượng đó không chỉ có ở vùng Trung đông mà cả ở Trung Hoa thời nguyên sử và cả ở vùng châu Mỹ những nơi mà dấu vết chữ viết xuất hiện trước khi lục địa này được khám phá" (Entretiens avec Claude Charbonnier).


2.
     
Tướng Về Hưu : huyền thoại anh hùng chiến tranh: "đường ra trận mùa này đẹp lắm" (tr. 49); huyền thoại "người cha đã chết", người cha vắng nhà và những đứa con mồ côi, đi hoang. Chiến tranh trường kỳ, để sinh tồn, con người xoay sở, cả lấy nhau thai nhi đem về nhà nuôi chó và lợn ! Một bức tranh xã hội suy đồi phong hóa, đạo đức! Nỗi bất lực của người hùng trong đời thường, giá trị "người hùng" trong một xã hội kinh tế nhắm thị trường !

Trong Kiếm Sắc, Nguyễn Huy Thiệp đem Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh ra khỏi sách sử chính thức của các lịch triều, của cả chế độ xã hội chủ nghĩa thường chỉ đề cao anh hùng áo vải. Vua Gia Long ở đây là người "đa mưu, túc trí, tính kiên trì, không tin ai, dùng người lấy chữ hiệp chữ lễ làm trọng, không coi nhân, nghĩa, trí, tín ra gì. Thỉnh thoảng Ánh vào sâu trong đất Thuận Quảng, xuất quỷ nhập thần. Người Đàng Trong sợ Ánh hơn là thích Ánh. Ánh đi đến đâu nghe nói cũng có mây đen cuồn cuộn bay đằng trước, dân cứ thấy có mưa là biết Ánh vừa đi qua" (tr. 281). Qua nhân vật Đặng Phú Lân, ông viết về họ như được nghe dân giả nói về họ, truyền tụng về họ. Huyền thoại theo nghĩa đồn đãi, ghi nhận bởi tứ phương thiên hạ.

Phẩm Tiết với hình tượng Ngô Thị Vinh Hoa hiện thân của cái đẹp tuyệt đối. "Khi đẻ ra Vinh Hoa, trên nóc nhà bỗng có đám mây ngũ sắc bay đến, tỏa ra ánh sáng rực rỡ, khắp nơi hương thơm ngào ngạt. Trên cổ Vinh Hoa có bảy tràng hoa quấn cổ, xòe lòng bàn tay ra thấy có viên ngọc ở trong, trên khắc hai chữ "thiên mệnh". Khải dựng tóc gáy, lập bàn thờ tạ trời đất" (tr. 305). Vinh Hoa được tiến cử vào cung vua Quang Trung khi ông ra Bắc hà thu phục dân và sĩ phu ở đây. Vua về lại Phú Xuân và mất đột ngột, chết  nhưng mắt mãi nhìn Vinh Hoa không nhắm được dù vua con là Quang Toản đã vuốt. Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, chiếm cả người đẹp Vinh Hoa nhưng nàng tự trầm
"Thờ hai vua, vẫn giữ lòng trinh
Lưu muôn thuở, còn nguyên phẩm tiết" (tr. 315)

Vàng Lửa đoạn mở đưa người đọc vào cõi mơ hồ của các biến cố lịch sử. Kế, dùng bút ký của một kẻ xa lạ tên Phrăng-xoa Pơ-ri-ê để nói về con người vua Gia Long, một "khối cô đơn khổng lồ" (tr. 293) nhưng "khủng khiếp ở khả năng dám bỡn cợt với Tạo hóa, dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt, phục vụ cho chính bản thân mình" (tr. 296), về những tự nhiên bất lực của nhà vua đối với "đời sống nghèo khó và những trì tệ của dân tộc ông". Ông không tin học vấn có thể cải tạo giống nòi (...) vì thói hủ nho và thủ dâm chính trị sẽ không bao giờ tạo được những quan hệ trong sáng" (tr. 297). Gia Long được phản huyền thoại hóa, còn Nguyễn Du được huyền thoại hóa là người "đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất". Quan hệ giữa chính trị và nghệ thuật cần phải đánh giá lại, như là điều kiện để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.

Một Nguyễn Du nòi tình, thương dân "thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẽ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc" (tr. 295) đối chọi với một Gia Long có bổn phận "làm cho lịch sử sinh động hẳn lên", sẽ là sức đẩy của khối toàn dân, nếu không có sức đẩy này, "cả cộng đồng sẽ mọc rêu, mùn nát" (tr. 296-297). Nhưng một Nguyễn Du "đứa con của cô gái đồng trinh kia (nước Việt), dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn (Trung Quốc) đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hơn hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa" (tr. 296). Ôi trí thức !

Với ba đoạn kết, nhưng không một kết cục lịch sử của các sách sử! Tất cả đã nằm trong sự phỏng đoán huyền hoặc !  Lịch sử rọi sáng cho hiện tại. "Triều Nguyễn của Vua Gia Long lập ra là một triều đại tệ hại: ... triều đại để lại nhiều lăng" (tr. 302). Triều đại nào? Thời nào ?

Ba truyện vừa nói trên tiếp nối nhau qua nhân vật Quách Ngọc Minh, một người Mường ở Đà Bắc, người đã kể các truyện ấy cho tác giả. Ba truyện như một điều nghiên lịch sử qua gia phả và truyền tụng, qua ngõ ngách của gần-như-thật. Cả ba truyện vẫn bị giới phê bình trong nước đặt nhiều nghi vấn, hồ nghi Nguyễn Huy Thiệp viết với quan niệm coi thường "những nhân vật chiếm vị trí đặc biệt trong lịch sử và tình cảm dân tộc" (2), dám coi anh hùng và kẻ cướp như nhau, cái làm cho khác là "lý tưởng", nhưng đôi khi lại mù mờ.

Con Gái Thủy Thần tên Mẹ Cả, nhận vật huyền ảo. Chuyện một cuộc kiếm tìm huyền ảo trong một đời thực khốn khó. Ảo và thực, ảo hay thực ? Ảo: "Thuyền chòng chành sắp ụp, mọi người đành vứt trống xuống cho Mẹ Cả. Mẹ Cả ngồi trên mặt trống đánh thùng thùng. Thế là sấm tan mưa tạnh. Mẹ Cả ôm trống lặn xuống đáy sông" (tr. 110). Thực : "Phép biện chứng, theo tôi là sự tiến lên, bất chấp khó khăn, đại để giống như giấc mơ của tôi cày Gò mả ngụy. Quy luật phủ nhận, tôi nghĩ nó giống như trận đòn thù đê tiện của bọn đô Thi, tôi căm ghét nó, nó thành quy luật thì phải trả thù, phải nện đau hơn nó đã nện mình. Tôi học lịch sử, hoàn toàn lẫn lộn về cách phân kỳ" (tr. 119).

Những Ngọn Gió Hua Tát, chùm mười chuyện trong bản nhỏ : một loại ký ức tập thể. "Thung lũng Hua Tát ít nắng. Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đây là thứ không khí huyền thoại. (...) Hua Tát là một bản nhỏ cô đơn. Người dân ở đây sống giản dị, chất phác. Công việc nương rẫy nhọc nhằn vất vả. Cả việc săn bắt cũng thế. Tuy nhiên người dân ở đây lại rất rộng lòng mến khách. Đến Hua Tát, khách sẽ được mời ngồi bên bếp lửa, uống sừng rượu cần với xeo thịt rừng sấy khô" (tr. 433). Không khí huyễn ảo của âm dương không biên giới, một nơi con người nay "đã biến thành đất bụi và tro than cả. Tuy vậy linh hồn  họ vẫn bay thấp thoáng trên các "khau cút" nhà sàn" (tr. 434). Nàng Bua, một người đàn bà nghèo và lang chạ chín đứa con không cha khi đào được hũ vàng phúc chốc trở thành giàu và được quý mến. "Đáng lẽ ra Bua sẽ sinh với người chồng được thừa nhận của mình một đức con nữa, đứa con thứ mười, nhưng người đàn bà ấy không quen sinh nở trong sự đầy đủ và nền nếp cổ truyền. Nàng đã chết khi trở dạ đẻ giữa đống mền chăn ấm áp" (tr. 445)

Trương Chi thanh nhã trong truyền kỳ trở thành con người thô tục, từ đầu đến cuối truyện chỉ biết nói "cứt" "đái". Và một kết truyện cũng khác: "Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng. Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc. Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý. Lẽ đời là thế." (tr. 342). 

Chảy Đi Sông Ơi : truyện đời, thế sự. Lão Thịnh, người của nhiều thời hay không thời nào cả. Truyện ấu thời chạy theo ảo ảnh thấy trâu đen. Và tiếng hát bên kia sông :
"Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?" (tr. 16)
Nơi bến Cốc đó, cô Thắm cứu nhiều người chết đuối, nhưng cuối cùng khi cô bị đuối thì chẳng ai cứu cho, phải chết.

Nguyễn Thị Lộ người tình của Nguyễn Trãi, công thần nhà Lê. Sau chiến tranh, Nguyễn cô đơn không bạn, không tri âm tri kỷ. Thị Lộ trở thành kẻ tâm đầu: "Con người hành hạ nhau, lăng nhục nhau. Nàng nhận ra mối quan tâm của Nguyễn là to lớn. Ông là một nhà duy mỹ, trước hết là nhà duy mỹ. Đạo đức duy mỹ chất chứa hiểm nguy, chất chứa phiêu lưu nhưng nó sâu sắc, không bịp bợm, hẳn nó giá trị gấp triệu lần thứ đạo đức duy lý trắng trợn của trật tự bầy đoàn" (tr. 321). "Nàng biết ông đang chạy tế lên phía trước trong hệ thống tư tưởng đương thời, vừa hung hãn, vừa tuyệt vọng" (tr. 327). Khi đã trao thân cho nhau, Nguyễn mới nhận ra ông "cháy bùng như một ngọn đuốc dẻo dai, kiên cường cho đến trót đời. Nguyễn Trãi đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu đau đớn, bất hạnh, bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, bao nhiêu vinh quang kể từ ngày ấy. Không một người thường nào có được số phận lạ lùng như ông trong 500 năm nay. 500 năm, tức năm thế kỷ." (tr. 329).

Mưa Nhã Nam : chuyện anh hùng Đề Thám. "Hùm thiêng Yên Thế" của Nguyễn Huy Thiệp là "một anh hùng, cũng là một người nhu nhược" (tr. 403). Anh hùng cũng có những cái hữu hạn. "Đề Thám phóng ngựa vào rừng. Mưa quất vào mặt ông bỏng rát. Ông bỗng òa khóc. Ông òa khóc cho mình, cho người, cho tất cả những hữu hạn của chính mình, của mỗi người. Đề Thám sụt sùi như một người thường; một anh bán bánh da mật ở chợ Kế, một viên công chức quèn, một chàng thợ bạc vụng về, một ông giáo nghèo... Ông khóc như một người nhu nhược nhất đời, một người suốt đời thỏa hiệp, không bao giờ dám bước qua lằn ranh bổn phận, nghĩa vụ, cương tỏa. Ông khóc như chưa bao giờ là một anh hùng, một người khởi nghĩa. Đề Thám đi suốt đêm mưa trong rừng. Người ta kể rằng sáng sớm hôm sau ông cầm đầu một toán quân đánh đồn binh Pháp ở Kép, tất cả binh sĩ trong đồn đều bị giết sạch. Từ đấy chấm dứt thời kỳ hòa hoãn giữa ông và người Pháp "(tr. 417).

Chút Thoáng Xuân Hương : chuyện Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc. Tổng Cóc ham mê tình dục nhưng cũng hay chán chường "ông ngờ ngợ bà to lớn hơn ông, bà mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn" (tr. 186). Với Ấm Huy, Xuân Hương "gieo ở lòng chàng một nỗi kính phục và sợ hãi" (tr. 189). Chỉ Xuân Hương mới thật sự là một con người lớn, cao. Ông phủ Vĩnh Tường mất, mọi người quanh bà "chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của một con người : nàng Hồ Xuân Hương mặc áo xô gai đang nức nở khóc cho nỗi cô đơn mênh mông của cõi đời..."(tr. 196).

Trong một số tác phẩm, khung cảnh câu chuyện và cái đẫy đưa có tính cách cổ tích. Tác giả như muốn nhắc nhở để duy trì, phát huy những phong tục tập quán hoặc luân lý tuy cổ nhưng phổ biến, vẫn cần cho xã hội đương đại của ông. Cổ tích luân lý là ở trong thể loại này.
"Ngôn ngữ trở nên ghê tởm, nhớp nhúa trên miệng bọn tiểu nhân
Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất
Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng
Tựa như tiếng tù và
Như tiếng kèn đồng
Như tiếng chuông vọng...
Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người
Buộc họ soi vào lòng mình như soi mặt xuống lòng hồ
Có thứ ngôn ngữ của người anh hùng, của người chính trực
Nó làm ta bối rối xúc động
Ta không trốn được
Thứ ngôn ngữ không hề phù phiếm, cũng chẳng tân kỳ
Thứ ngôn ngữ của giống nòi truyền lại
Thứ ngôn ngữ của lương tri không bao giờ mất..." (Mưa Nhã Nam, tr. 413-414).

3.
Nhờ thể huyền thoại, Nguyễn Huy Thiệp có những đoạn truyện như là thơ, một thứ thơ dân gian, xa chốn văn minh giả tạo và dối trá. Truyện và kịch ông hay xen kẽ những đoạn thơ mà tác giả coi như là một phương tiện diễn tả dễ dàng hơn văn truyện. Như để tả nỗi lòng Trương Chi :
"...Nỗi buồn của ta ơi
Như cục đá
đè nặng tim ta
Nào ai thấu ?
Phía xa kia là quê nhà
Tuổi trẻ mờ sương
Những ký ức mờ sương..." (tr. 330)
Hay đề cao chốn thôn quê:
"Hãy dừng lại đi, dừng tất cả
Dẹp mọi âm thanh cuộc sống xô bồ
Dừng một chút
Lắng nghe sự tĩnh lặng tuyệt đối..." (Những Bài Học Nông Thôn, tr. 262)

Đất, núi và nước là những yếu tố sinh động làm nên đất nước. "Thiên nhiên không hề dối trá !" (CTXH, tr. 193). Đất là lẽ sống; muốn sống cần phải sản xuất. Không gian núi rừng là nơi con người phát triễn. "Rừng vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Rừng muôn đời là thế: vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Tất cả đều đẩy con người về nơi tận cùng ý thức cá nhân chính nó. Con người tự co lại như con sâu, cái kiến, thúc thủ trong phần sinh linh vừa bé mọn, vừa cô đơn, vừa bất lực, nó chớp đôi mắt phấp phỏng lo âu trong tâm hồn nó và tự hỏi mình : là ai? đi đâu? thế nào? làm gì? tiến đến đâu? bao giờ thành tựu? bao giờ kết thúc?" (Mưa Nhã Nam, tr. 415). Núi rừng bao phủ cả 10 chuyện Những Ngọn Núi Hua Tát.

Nước là nhu cầu sống còn của con người và muôn vật như trong Chảy Đi Sông Ơi, Con Gái Thủy Thần. Nước không vui không buồn; bắt cá là để sống mà uống nước thì phải nhớ nguồn. Nhưng nước cũng là tai họa cho con người, làm chết đuối nhiều người, làm chết cả cô Thắm, người đã cứu nhiều người chết đuối (Chảy Đi Sông Ơi). Con Gái Thủy Thần từ biển nhập vào đời trần, còn tôi "Trước mặt tôi là dòng sông. Sông chảy ra biển, biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển... Thế mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy. Thời gian cũng thao thiết trôi. Chỉ ít năm nữa đến năm 2000" (tr. 138). Hạn hán, không mưa, con người và thiên nhiên cũng không thể sống : "Con sống trung thực, dầu biết trung thực bao giờ cũng chịu đau khổ thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu lòng trung thực chuộc được tội lỗi và mang tình yêu đến được cho thế gian này, xin trời mưa xuống..." (Những Ngọn Gió Hua Tát, tr. 450).

Đạo làm người, trung đạo, là đạo đứng giữa Trời và Đất trong vị thế Tam Tài, là đạo khó. "Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. Tâm càng lớn càng nhục" (tr. 46). Khó vì "Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái" (Thương Nhớ Đồng Quê, tr. 380). Qua các truyện đã kể, làm người khó và khó! Khi đất ở lắm người nhiều ma, nói như Nguyễn Khắc Trường (1990), khi thổ ngơi cùng khốn khiến những đứa trẻ phải chết già, như Nguyễn Bình Phương đã phác ghi năm 1994!

4.
Người đọc Nguyễn Huy Thiệp như chìm đắm trong không khí truyền kỳ của Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh Tập mà đa số như những cắt nghĩa văn hóa về nguồn gốc dân tộc Việt, về ý niệm quốc gia hay về con người trên mảnh đất văn hiến này. Trả lời một phỏng vấn ở Seattle, Nguyễn Huy Thiệp đã xác nhận: "Khi viết văn tôi luôn luôn tìm lại những giá trị truyền thống. (...) Tôi nghĩ một nhà văn phải bắt đầu từ những kinh nghiệm nguyên thủy nhất của dân tộc mình. Tóm lại, phải đi từ con người Việt Nam nguyên thủy, con người Việt Nam từ nguồn gốc, từ đó lần về sau" (3).

Truyện và kịch của Nguyễn Huy Thiệp huyền thoại mà rất "đời" và "tục". Ông có tài làm người đọc chìm đắm trong thế giới hoang dã, bịa đặt, đồng thời gây thích thú, tâm đắc; ông tự đáp ứng một nhu cầu hình như không khác người đọc. Có thể ông có ẩn ý hạ bệ thần tượng và quá khứ như nhiều người vẫn phê bình, dù sao cũng có thể hiểu ông muốn đưa ra trước ánh sáng những oan khuất, sai lầm. "Nói rằng một xã hội có tôn ti là một điều tự nhiên, nhưng nói rằng tất cả mọi cái trong xã hội đó đều trật tự chạy việc là một điều phi lý" (C. Lévi-Strauss, Anthropologie structurale).

Huyền thoại, Nguyễn Huy Thiệp không muốn theo lối mòn nhị nguyên, có ác thì tất phải có tốt. Ông phác họa cái xã hội sơ nguyên, có khi thô sơ, hoang dã. Buổi sơ khai, tâm tình nguyên thủy, với tiềm thức và bản năng của thời đại. "Phải là người mơ mộng và nghiêm khắc mới hiểu rằng biết hoặc không biết, đều chỉ là những ước lệ mơ hồ, có tính lịch sử và hạn chế" (Phẩm Tiết, tr. 304). Nếu Lan Khai và Tchya thời tiền chiến đưa người thị tứ đến thám hiểm những nơi rừng núi và dùng cái nhìn của người thị thành để quan sát, thì Nguyễn Huy Thiệp đưa người đến đó và ở lại đó. Đồng thời ông lạnh lùng với cái ác, với tai ương, nhất là khi cái ác ở ngay chính bản thân mỗi người. Nhảy một bước, Nguyễn Huy Thiệp xen vào chính trị. Những thần tượng, "thần thánh" được nghiêm khắc xét đoán. "E bỉết, những người dũng cảm sẽ mãi mê với sự nghiệp của mình" (NNGHT, tr. 447). Nguyễn Huy Thiệp hạ cấp một số thần tượng lịch sử vì ông coi họ là tương đối và thời nào cũng có, đồng thời ông trần tục hóa họ, mặc cho họ cái áo vải tầm thường của con người đầy sân si, như Nguyễn Phúc Ánh ăn nói tục tằn "Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư? Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt ! "(Phẩm Tiết, tr. 313). Và cũng tàn nhẫn, dâm ô và háo sắc không thua gì Nguyễn Huệ!

Ông có cái nhìn luân lý, dạy đời, nhưng cũng có khi lững lơ, ai hiểu sao đó cũng được. Có thể ông tỏ ra muốn đóng vai Tư-mã Thiên ghi chép chuyện đời kẻo sẽ bị mai một, xuyên tạc, như lời ông phủ Vĩnh Tường ; "Dân ta cực khổ. Tôi trông vào đâu cũng thấy xót xa. Phải lấy lý lẽ văn chương và sự công bằng pháp luật hướng đạo dân mình... Tôi muốn sĩ phu và bậc cha mẹ con dân phải hiểu...". Trong khi đó có người như tri huyện Thặng "coi quan trường là nơi kiếm sống (...), ăn no ngủ kỹ, làm tròn bổn phận đối với triều đình" (CTXH, tr. 191). Còn người trí thức? Trong Những Bài Học Nông Thôn, người quê mùa dân giả mất lòng tin nơi giới có học: "... sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân (...). Vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo đức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa. Chính trị không cao siêu sẽ nhầm lẫn" (tr. 264). Trong Không Có Vua, lão Kiền kết luận "Quân trí thức bây giờ toàn phường phàm phu tục tử". Khảm bênh "có thực mới vực được đạo" liền bị lão hỏi "Bọn chúng mày bây giờ thì vực Đạo gì ?" (tr. 76).

Huyền thoại trong nội dung câu chuyện và trở thành một nghệ thuật ngôn từ, chữ nghĩa: "Về sau, Bình ngã nước, râu tóc rụng hết, gầy tọp đi, da vàng như nghệ, chỉ nằm chờ chết. Bình có một thanh kiếm gia truyền, sắc như nước, sống kiếm đổ chì, sức chém khủng khiếp...." (KS, tr. 281). Huyền thoại là con đường hợp lý và văn khác sử ở chổ có thể khai thông những bế tắc lý luận. Nửa sự thật không là nửa ổ bánh mì, nói như một nhà văn khác cùng thời. Nhà văn của thời Đổi Mới, hơn cả thập niên xa thời chiến tranh bom đạn, thời "đạo" của chế độ và chủ nghĩa lung lay, Nguyễn Huy Thiệp tha hồ phạm tội "kỵ húy, sử thi"; cư xử như người "ngoại đạo" bên cạnh một đa số "phải đạo" với sứ mạng và bổn phận, với những vinh quang đang lùi dần vào bóng tối nhường chỗ cho đô-la, Coca Cola và những đồ phế thải của văn minh kỹ nghệ người. Ông có cái may mà những nhà văn nghệ chuyên nghiệp hay được trả lương, tem phiếu không có hay không dám có.

Thể huyền thoại khiến Nguyễn Huy Thiệp hay úp mở, gợi tưởng tượng. Hay không thật sự kết thúc, vì không có kết; hay kết cũng huyền hoặc như dẫn đưa của đầu và thân truyện. Nguyễn Huy Thiệp có những kết truyện đặc biệt như trong Vàng Lửa, ba kết thúc khác nhau như thường thấy ở những chuyện truyền kỳ. Và cũng có những cái kết mở ra chân trời rộng lớn, như trong Con Gái Thủy Thần. Hoặc kết thúc văng tục chửi đời như nói giùm "nghệ sĩ" Trương Chi.

5.
Huyền Thoại Phố Phường : những con người trần tục, những thù tạc và diêm dúa hình thức. Nhân vật Hạnh mò cả cái rãnh đầy bùn bẩn, lỏng bỏng cả phân người, để lấy lòng tin của gia đình người bị mất nhẫn. Hai thế giới giàu và nghèo, đạo đức và tham vọng, chung quanh chiếc vé số.

Thương Nhớ Đồng Quê : Nguyễn Huy Thiệp dùng biểu tượng để nói đến xã hội đương đại của ông. Chuyện nhà quê, ô nhiễm bởi đời sống mới, người tỉnh thành. Nguyễn Huy Thiệp đã dị thường hóa cái xã hội đương đại đó, một xã hội Đổi Mới Cởi Trói trên lý thuyết nhưng đầy gò bó, tầm thường, khó khăn, đầy tương phãn và tàn nhẫn. Ông bôi đen bức tranh xã hội với một ngòi bút truyền kỳ, như nói chuyện thời khác. Ở đây, người nghệ sĩ Nguyễn Huy Thiệp là sản phẩm, phản ánh xã hội ông sống, ông tỏ ra bất lực dù đầy thiện chí.

Bên cạnh có những truyện có tính cách hiện thực nhưng cũng lọt vào trong lược đồ luân lý, như Không Có Vua với Đoài trí thức tha hóa thực dụng đến bỉ ổi ép vợ đi xin tiền đứa em trai dù vợ đã hỏi ngược lại "Anh bắt tôi làm điếm à? Hiến thân cho nó à?" (tr. 517). Một gia đình mất hết tôn ti vì tiền như cái xã hội chẳng ra gì. Làm cha như lão Kiền, độc ác, dâm bôn. Tên sáu đứa con là những quẻ dịch Cấn, Đoài, Khiêm, Khảm, Tốn trong khi con dâu lại là Sinh, là cái đinh của sự sống tình cảm và thể xác của cả đám cha con, tụ điểm âm của mọi dương lực đến chỗ thụ thai mà không biết con của ai. Truyện sau viết lại dưới dạng kịch với tựa Quỷ Ở Với Người rồi đổi lại là Gia Đình.

Từ huyền thoại bước sang truyện dị thường chỉ là một bước nhỏ, khi tác giả phải nói đến thực tại và đời thường hôm nay. Dị thường vì quá tầm với của con người và dị thường vì có dụng công của tác giả muốn gây suy nghĩ nơi người đồng thời và cả xã hội đang giao động! Nếu huyền thoại thường lạc quan thì thể loại dị thường là tột cùng của bi quan đến độ mất cả xúc cảm, tư duy! Truyện dị-thường thường có một hình thức quá đà căn bản, nó đang lấn đất, chiếm hữu thực tại để dễ buộc thực tại nhận chân sự bất lực, bó tay cũng như những yếu điểm, vết rạn - là những điểm mà hình ảnh quá đà, những hình ảnh không thể tả sẽ hiện rõ! Truyện dị-thường mở ra với cái rỗng không, một vắng mặt mà các tác giả của chúng chỉ tìm cách làm trầm trọng thêm. Truyện gây ảo tưởng về một thế giới mà tác giả chúng không còn tin tưởng.

Người viết vì chủ đích dị thường, gây suy nghĩ, xét lại, có thể có vẻ vi phạm luật tự nhiên hay thông thường của kiếp sống, kể cả phạm thượng, xúc phạm người xưa như Gia Long, Quang Trung, Nguyễn Du trong Vàng Lửa, Phẩm Tiết,và Kiếm Sắc, Đề Thám trong Mưa Nhã Nam, hoặc người trên, người cha đã chết  (Tướng Về Hưu). Truyện này cũng như Con Gái Thủy Thần, Những Người Thợ Xẻ  ... đã mở rộng thế giới dị thường đồng thời đẩy con người vào vực tối của lý trí. Tối tăm mặt mày    dị thường ở chỗ đáng ra phải bình thường, ấm ức, khôn nguôi và những tại sao! Cứ viết về những siêu nhiên tuyệt vời như xưa, những trăm trứng, Trọng Thủy Mỵ Châu, ..., hình như chỉ làm con người thật và chốn thật chậm đến, nhất là những con người xấu xa và những chốn tối tăm tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, những con người hình như quá đẹp mã và lịch sự!  Ông tướng,  Mẹ Cả, Thị Lộ, Đề Thám, anh linh lịch sử, ... đáng sợ; nhưng chính những con ma này đến để giải phóng những hãi sợ tập thể có khi đã thành nếp, khiến hãi sợ đối đầu, tranh đấu! Như trong Thương Nhớ Đồng Quê, huyền thoại trở thành dị thường vì con người bất lực mà hiện thực thì tàn bạo!

Truyện dị-thường đã và đang là một kinh nghiệm văn chương mới, báo hiệu thời văn chương hậu hiện đại - thời phê phán chủ nghĩa hiện thực cổ truyền nhưng đồng thời tìm cách vượt xa những phạm trù phổ quát thời đại bằng cách tra vấn, bằng những vô định và đặc thù địa phương. Cái từng được xem đã giải quyết xong, văn chương mới sẽ lôi ra đặt vấn đề thay vì chỉ khiêm tốn để giữa hai ngoặc đơn. Cái thực tại, cái dĩ nhiên sẽ trở nên mơ hồ và khả dĩ. Để đặt vấn đề rõ hơn, tra vấn dễ hơn, làm bộc phát mạnh hơn. Tác giả mới thay hiện thực bằng một siêu thực có ý nghĩa hơn, xứng đáng hơn. Truyện dị-thường không còn phải biện hộ cho xác-thực, cũng không phải bảo vệ gia tài văn hóa nào. Chúng bơi lội trong môi trường văn hóa, chúng xác tín cái đáng tin, cái rất người! Muốn khỏi áp dụng luật hình thức, lấn đất mọi luật lệ. truyện dị-thường trở nên môi trường giải phóng cho mọi công việc chữ nghĩa. Truyện dị-thường có tính thời đại, có vấn đề đưa ra như những mệnh đề mới cho tư duy trên đường đi đến một bản ngã văn hóa nhân loại. Phía Tây phương, Guy de Maupassant đã là những phô diễn truyện dị-thường có thẩm mỹ học cuối cùng. Những tưởng phân tâm học đến sau đó đã phá nát thành trì thơ mộng dị-thường. Nhưng không, văn chương thế giới đã thấy truyện dị-thường phục hưng trở lại. Nay phân tâm tập thể, tìm cho ra tính lịch sử của đời sống, của mỗi hay mọi sát-na, của cuộc chơi làm con người! Tác giả có thể mơ mộng thiết tha hay nghiêm khắc lạnh lùng, cái chủ quan của tác giả vẫn có thể động đến nhiều người. Truyện hư cấu hay giả định nhưng phải là kinh nghiệm của tác giả!

6.
Sau khi đến với người đọc một loạt sáng tác nhờ gặp thời Cởi Trói, những truyện bình thường về tiêu cực, hủ hóa, đổi mới như Vết Trượt (Văn Nghệ 40, 4-10-1986), truyền kỳ như Những Chuyện Kể Bất Tận Của Thung Lũng Hua Tát (Văn Nghệ số Tết Đinh Mão 1-1987), Nguyễn Huy Thiệp thành hiện tượng với truyện Tướng Về Hưu (Văn Nghệ 20-6-1987). Nhưng thời bỉ cực chỉ chậm đưa đến thị trường, chuyên chính vẫn là chuyên chính; lối thoát thái lai hãy còn xa trong bụi mờ. Dù đã nỗi tiếng, vẫn nghèo, có khi ông phải gửi truyện dự thi để có tiền. Năm 1994, bỏ viết, ông mở quán Hoa Ban, lại nhờ thời kinh tế "xã hội chủ nghĩa quá độ", rồi ông Mỹ du. Hành trình văn nghiệp của ông không khác huyền thoại, như những ngọn gió !

Huyền thoại, ngụ ngôn cũng như dị thường là những thể văn đặc biệt. Tuy nhiên trong một xã hội mà nhà văn phải dùng đến các thể nói trên để nói chuyện hiện thực hình như có cái gì trục trặc, không ổn thỏa. Nếu tổ tiên ta vì sự sống còn của nòi giống đã dùng huyền thoại để truyền một số ý nghĩa văn hóa, khôn ngoan lại cho con cháu thì việc người hôm nay phải xử dụng đến hình thức đó có cái gì không tự nhiên. Cũng như cách mạng, 80 năm sau, 41 năm sau, đã trở thành một dĩ lỡ, sai lầm./.

10-11-1997
 NGUYỄN VY KHANH
_____________________

Chú thích :
(1) Để đơn giản, trong bài viết, các truyện và kịch đều trích dẫn từ tập Như Những Ngọn Gió (Hà Nội: Nxb Văn Học, 1995. 732 trang) là tuyển tập đầy đủ nhất và được tác giả sửa bản in, gồm 24 truyện ngắn và 5 kịch bản.   
(2) Nguyễn Văn Bổng, Văn Nghệ 3-9-1988.
(3) Mary Thiên Yên Lê. "Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp". Thế Kỷ 21 số 93, 1-1997.

No comments:

Post a Comment