.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, April 3, 2012

TIỂU KẾT MỘT CHẶNG ĐƯỜNG THƠ MỚI


Giữa thời Thơ mới (1932-1945) vẫn thường có những cuộc “sơ kết” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân) và những tiểu kết, tổng kết, chung kết về từng tác giả, tác phẩm, hiện tượng, trào lưu, nhóm phái… hướng theo từng loại báo chí, từng tác giả, từng năm, từng thời kỳ, giai đoạn v.v…

Ở đây chúng tôi giới thiệu bài viết
Phong trào thi ca mới: Khuynh hướng - hiện trạng - đặc sắc - khuyết điểm của Hà Nhân (bút danh của Trúc Hà Trần Thiêm Thới, 1909-1943(?), in trên báo Sống (số 28, ra ngày 7-9-1935). Đương thời Tòa soạn báo Sống đặt ở 43 Frère Louis Saigon (nay thuộc đường Nguyễn Trãi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), do nhóm Trí Đức văn đoàn  thực hiện (gồm Đông Hồ, Trúc Hà, Trúc Phong, Lư Khê, Trọng Toàn, Quang Đẩu, Bạch Như, Mộng Tuyết); ra số đầu ngày 22/1/1935, đình bản ở số 30, ngày 18/9/1935…
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết Phong trào thi ca mới: Khuynh hướng - hiện trạng - đặc sắc - khuyết điểm của Hà Nhân - Trúc Hà Trần Thiêm Thới, cách nay vừa tròn 77 năm (Nguyễn Hữu Sơn).

PHONG TRÀO THI CA MỚI: KHUYNH HƯỚNG - HIỆN TRẠNG - ĐẶC SẮC - KHUYẾT ĐIỂM
Hà Nhân

Văn chương với thời thế vốn có quan hệ mật thiết với nhau luôn. Những cuộc chánh biến trong lịch sử một dân tộc đều có vang bóng đến nền văn chương của dân tộc ấy.
Văn chương nước ta không vượt khỏi ngoài vòng công lệ đó được.
Từ khi tiếp xúc Âu học, quan niệm về gia đình, về xã hội, về nhân loại của người nước ta dần dần thay đổi. Âu học nhập cảng cho ta một chủ nghĩa mới: chủ nghĩa cá nhơn.
Ở dưới chế độ đại gia đình, chủ nghĩa cá nhơn khó được tự do phát triển.
Cá nhơn với gia đình phải cùng xung đột. Cuộc xung đột bắt đầu chỉ ngầm mgấm ở trong ở trong tâm não của cá nhơn. Cá nhơn còn yếu thế, còn chịu thua cái sức mạnh thiêng liêng của gia đình, bởi vậy, chỉ âm thầm ôm những nỗi căm hờn thất vọng. Trong quyển Tố Tâm, ông Song An đã vẽ ra cái tình trạng đau khổ của cá nhơn trong cuộc xung đột ngầm ngấm ấy.
Văn chương, xem đó, đã nhuộm đậm màu thời thế.
*
Ngày nay, cá nhơn công nhiên khai chiến với gia đình. Trong bọn thanh niên, một phần đã thoát ly khỏi vòng gia đình để “thân tự lập thân”. Họ không thích ỷ lại gia đình cũng không chịu để cho gia đình ràng buộc nữa.
Cuộc xung đột công khai đó đã bày tỏ trong hai quyển Nửa chừng xuân và Đoạn tuyệt.
Hai quyển sách ấy được một số đông độc giả hoan nghinh. Thế là chủ nghĩa cá nhơn có nhiều người tán thành, hâm mộ.
Lại văn chương với thời thế!
*
Văn xuôi, tiểu thuyết đã theo thời thế biến đổi từ hình thức đến tinh thần.
Văn thể hiện thời không nặng nề, không rườm rà, không phiền phức như lối văn ngày trước nữa.
Lẽ tự nhiên, thi ca cũng không thể giữ mãi lề lối xưa được. Nếu ông Phan Khôi không hô hào cổ động lối thơ mới thì cũng phải có một người khác đứng ra cổ động cho nó. Là vì hoàn cảnh đã khiến nó đâm mầm nứt mộng thì không thể nào - hoàn cảnh vẫn không thay đổi - mà nó không phát sanh.
Muốn vượt khỏi khuôn khổ cũ, thơ mới phải có những tính cách mới.
1) Không giữ theo niêm luật cũ.
2) Phải có ý tưởng, tình cảm mới.
Hoặc muốn cho sự biến đổi không quá bạo động thì ít ra, nó cũng phải theo điều lệ riêng:
1) Diễn những ý tưởng, tình cảm cũ bằng cái hình thức mới.
2) Đựng những ý tưởng, tình cảm mới trong các lề lối cũ.
*
Đứng ra hô hào sự cải cách ấy, phải là một nhà thơ có thiên tài, đã làm được ít nhiều bài thơ mới thật hay, khiến người ta khâm phục, như thế, công việc cải cách mới có kết quả.
Ngày trước, trong Phụ nữ tân văn, muốn cổ động cho lối thơ mới, ông Phan Khôi đưa bài Tình già của ông ra với những câu:
Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa mưa…
Nghe nó chẳng cảm xúc được gì cả. Tiếp tay với ông Phan, Manh Manh nữ sĩ đẩy ra một tràng thơ mới nữa, nhưng nó chỉ được cái mới chớ không có cái hay.
Nếu chẳng có báo Phong hóa hợp sức vào thì việc cổ động biết đâu sẽ chẳng thất bại.
Binh vực và truyền bá thơ mới được hiệu quả nhiều, bọn thi sĩ mới của báo Phong hóa có công to lắm.
Trong những câu thơ hoàn toàn mới mẻ như:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan.
Hay là câu thơ điệu cũ ý mới như:
Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc,
và như: 
Mây hồng ngừng lại sao đèo
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Người ta nhận thấy cái âm điệu mới và những hình ảnh, những cảm giác mãnh liệt, dịu dàng, linh động. Và có nhận thấy chỗ hay, khéo như thế người ta mới sanh lòng ưa thích.
Quyển Mấy vần thơ của Thế Lữ, bởi vậy, là một lối binh vực cho thơ mới hùng hồn nhứt.
*
Đã muốn có cái thi thể tự do, phóng túng, tự nhiên bọn thi sĩ ấy không chịu để cho ý tưởng và cảm tình của họ bị kiềm chế trong lúc đem nó ra biểu diễn.
Trong thi ca, cái cá tánh phải được tự do phát triển cũng như trong tiểu thuyết, cá nhơn được tự do hành động.
Vì thế, đọc thơ mới, người ta dễ thấy rõ chơn tướng của cá nhân.
Đối với ngoại vật, họ cảm xúc thế nào, họ diễn hết ra thế ấy. Họ không cần giấu giếm, che đậy sợ sệt như trước nữa.
Muốn yêu, đang yêu, khao khát tình yêu, thỏa mãn lòng yêu, bao thứ cảm tình làm rung chuyển trái tim của họ, họ cố tìm cách diễn ra cho người khác hiểu.
Cho nên phần nhiều thơ mới đều thuộc về loại thơ đạo tình.
Các thứ tình ngây thơ, trong sạch, trẻ trung, nũng nịu, họ tả ra rất khéo.
Sở dĩ ngâm vịnh ái tình nhiều như thế, có lẽ là do cái ý phản động tự nhiên đối với xã hội cũ.
Vì ở xã hội cũ, cá nhơn bị bó buộc, không được tự do bày giãi mối tình yêu tự nhiên đầy dẫy, chan chứa trong lòng.
Nay ca tụng cái tình ấy, tức là tỏ ý phản đối cái chế độ chuyên chế kia vậy.
Ngoài những lúc phụng sự ái tình, bọn thi nhơn mới cũng có lúc đưa tâm hồn tiêu dao ở những cõi thần tiên mộng ảo.
Đem câu thơ vẽ vời những mộng cảnh đẹp đẽ thú vị nhứt là thi sĩ Thế Lữ.
Có người đã bảo Thế Lữ là một nhà thơ có tiên cốt. Thật thế, những bài “thơ tiên” của Thế Lữ thật là những bức tranh tuyệt đẹp.
Đại khái như:
Trời cao, xanh ngắt, ô kìa!
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga:
Khi cao vút tận mây mờ,
Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh.
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Trân buồn tưởng tiếng lòng xa bay.
Ở chốn tiên cảnh, Thế Lữ không quên đặt vào một vài tiên nữ để trang điểm cho phong cảnh thêm nét xinh tươi, tình tứ.
Các tiên nữ ấy chẳng qua cũng là hình ảnh của ái tình mà thôi. Đối với Thế Lữ, ái tình đã siêu phàm thoát tục, nó đứng vào trong vòng lý tưởng.
*
Ta có thể bảo rằng thi liệu của phái thi mới bây giờ chỉ là ái tình và mộng cảnh.
Vâng, cũng có vài thi sĩ đang tìm cảm hứng ở nơi khác.
Vũ Đình Liên hay vịnh những cảnh khốn nạn của hạng người khốn nạn. Nhưng thơ của thi sĩ nầy còn thiếu cái lực lượng cảm xúc.
Huy Thông cố tả những cảnh cao rộng nhưng nghệ thuật của Huy Thông còn kém. Nên người ta chỉ thấy cái cảnh cao rộng nhơn tạo mà thôi. Nó không đủ làm cho người đọc cảm phục.
Cho nên, cứ như hiện trạng của nó, thơ mới chỉ hay ở trong vòng yêu đương, mơ mộng.
Bước ra khỏi hai đầu đề ấy, ngọn bút của nhà thơ mới đã mất lực.
Tìm trong thơ mới cái chân tướng của cá nhơn, ta chỉ thấy một hạng người trai trẻ, lanh lợi xinh đẹp, khi thì vui vẻ đùa bỡn với ái tình, khi thì mơ mộng tiêu dao chốn Bồng Lai mộng cảnh.
Bởi vậy, có người đã lấy làm phàn nàn cho phái thơ mới.
Vì họ đã cố sức phá bỏ cái lề lối bó buộc của thơ cũ, và đạp đổ cái phạm vi chật hẹp của nó, nhà thơ mới nên có một tâm hồn khoáng đạt, cao siêu hơn nữa mới được.
Nếu không vậy thì sau cuộc mới cũ xung đột, sự thắng lợi chưa chắc đã về phái thơ mới.
Bọn cựu học, khi đem thơ mới so sánh với thơ cũ, tất họ sẽ bảo rằng trong thơ cũ, cá nhơn có cái trạng thái đáng tôn kính và mến phục hơn nhiều lắm.
Họ sẽ đọc bài thơ của Trình Minh Đạo:
Buổi nhàn muôn việc những thung dung,
Ngủ dậy, hiên đông dọi bóng hồng.
Loài nọ giống kia dường thỏa cả,
Mùa nào cảnh ấy sẵn vui chung.
Tình cao, ưa những gió mây lạ,
Đạo rộng, suy ra trời đất không.
Giàu, khó, sang, hèn khôn đổi nết,
Làm trai đến thế mới hào hùng.
Đó là bài dịch của ông Tùng Vân đã đăng trong Nam Phong tạp chí. Nguyên văn:
Nhàn lai vô sự bất thong dong,
Thụy khởi đông song nhật dĩ hồng.
Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc,
Tứ thời giai hứng dữ nhân đồng.
Đạo thông thiên địa hữu bình ngoại,
Tứ nhập phong vân biến thái trung.
Phú quí bất dâm, bần tiện lạc,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.
để chỉ cái hình ảnh của một bậc hiền giả biết hòa hợp vẻ đẹp của vạn vật với tính vui của lòng người.
Hoặc họ ngâm qua một vài câu:
Thu phong nam mạch vô xa mã,
Độc thượng cao lâu cố quốc tình[1][1].
hay là câu:
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa[2][2].    
hoặc câu:
Ba thu mưa gió tin hồng vắng,
Bốn mặt non sông bóng ác chiều.
tất nhiên sẽ thấy trên câu thơ tuyệt diệu âm hưởng rất tốt, bàng bạc một giọng bi tráng, trầm hùng của hạng thi nhơn cao dật khác thường vậy.
Câu thơ mới nó thường gợi cho ta cái mĩ cảm trong chốc nát mà thôi. Trái lại, đọc những câu thơ cũ, như mấy câu trên ấy, cái dư vị và cái thi tứ vẫn còn vang động trong tâm hồn ta rất mãnh liệt.
*
Tôi không cố ý bài bác thơ mới. Tôi vẫn công nhận sự cải cách của thi ca là hợp thời lắm. Những câu đặc sắc của thơ mới đã chứng rằng nó sống được. Hiện trạng của nó cũng khả quan thì tương lai có lẽ sẽ rực rỡ.
Miễn là nhà thơ mới đừng để cho cá nhơn được tự do say sưa trong cõi yêu đương mơ mộng thái quá. Nếu cứ thiên về đó thì thơ mới sẽ thiếu mất cái vẻ hồn hậu cao siêu.
Nhà thơ mới đã tự ví mình là cây đờn muôn điệu. Tuy ngoài cái điệu nỉ non, man mác, còn có cái điệu khảng khái lâm ly hoặc khoan hòa cao nhã, chính những cái điệu sau ấy, cây đàn kia chưa khảy ra được vậy.
Nguyễn Hữu Sơn sao lục
Theo báo Sống (Sài Gòn), số 28, ra ngày 7-9-1935, tr.16-17


 [1] Dịch: Gió thu thổi trên con đường hướng nam vắng bóng ngựa xe - Một mình bước lên lầu cao, bàn hoàn vì tình cố quốc.

 [2] Dịch: Cô gái buồn chẳng biết hờn mất nước - Ở bên sông còn hát khúc Hậu Đình Hoa.
            Ngày xưa vua Trần Hậu Chúa nước Tàu chỉ vì say mê khúc Hậu Đình Hoa với các cung phi mĩ nữ đến đỗi mất nước.

1 comment: