Trang

Monday, January 16, 2012

ĐẠO DIỄN, NHÀ VĂN ĐỖ MINH TUẤN: CÁ CHÉP PHẢI HÓA RỒNG TRONG CÁC CUỘC THI


Các cụ ta có câu: "Trứng rồng lại đẻ ra rồng/Liu điu lại đẻ ra dòng liu điu". Ban giám khảo (BGK) thế nào thì giải thưởng thế ấy! Nếu như các cuộc thi văn học nghệ thuật trước đây với các BGK là các văn nhân nghệ sĩ loại cây đa cây đề đã phát hiện được những văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ đủ tài năng hóa rồng trong sáng tạo, thì không ít những cuộc thi gần đây với BGK là các văn nhân nghệ sĩ loại "lìu tìu", "cánh hẩu", "mua danh" lại hầu như chỉ trình ra những giải thưởng… liu điu! ...


Nhà văn Đỗ Minh Tuấn phát biểu trong một cuộc tọa đàm
Tích xưa kể rằng, thuở trời đất mới sinh, Trời phải đích thân làm mưa cho thế gian. Sau rồi thấy mệt, Trời bèn nghĩ ra cách "chuyển giao công nghệ", giao cho loài rồng thay Trời làm mưa, toàn quyền rong ruổi trên mây cao mà phun nước bốn mùa cho hạ giới. Nhưng rồng là loài cao quý, hiếm hoi, số rồng mà Trời có không đủ phun mưa nên Trời phải tổ chức một cuộc thi cho các con vật dưới Thủy cung thi thố tài năng: Con vật nào vượt được ba đợt sóng thì sẽ được Trời cho hóa kiếp thành rồng để làm mưa cho thiên hạ. Qua ba đợt thi, bao nhiêu loài thủy tộc bất tài đều bị loại. Có con cá rô nhảy qua được một đợt sóng thì bị rớt ngay. Con cá trê bị ngã bẹp đầu. Con tôm đã vượt được hai đợt sóng, ruột, gân, vây, vẩy, râu, đuôi đã sắp hóa Rồng, nhưng đến đợt ba thì đuối sức bị ngã bổ xuống mà lưng cong khoằm lại. Khi cá chép vào thi thì mây đen kéo đến, gió thổi ào ào, nhưng chép vẫn vượt qua cả ba đợt sóng, vào được Vũ Môn, được Trời cho hóa Rồng phun nước.
Cuộc thi đầu tiên của thế giới do Trời tổ chức thật là công bằng, chuẩn mực. Cá chép tài năng xứng đáng ngôi đầu, dáng vẻ uy nghi, từ đuôi đến râu đều toát lên phong độ của nòi rồng, không thể lẫn vào đám cá trê, cá mè, cá diếc! So với các cuộc thi văn chương nghệ thuật ở ta hai thập kỷ qua thì quả là một trời, một vực. Cũng thi ba đợt Sơ khảo, Chung khảo và… Phúc khảo, nhưng các loài "thủy tộc văn chương nghệ thuật" thời nay chẳng mấy khi vượt được Vũ Môn để hóa Rồng trên bầu trời sáng tạo. Rất hiếm khi có một Văn nhân - Cá chép, một Nghệ sĩ - Cá chép được người đời tâm phục khẩu phục khi bước lên trên bục Trạng Nguyên của các cuộc thi. Trái lại, không hiếm thí sinh dặt dẹo như kiểu thi sĩ - cá rô, ca sĩ - cá trê, đạo diễn - tôm càng mà trước kia Trời đã loại đi vì không đủ tài năng vượt qua ba đợt sóng, thì giờ đây lại đua nhau leo lên bục Trạng Nguyên, mang theo cả cái đầu bẹp, cái lưng cong, cái đuôi luồn lách nhâng nháo om sòm trên các phương tiện truyền thông đại chúng!
Các cụ ta có câu: "Trứng rồng lại đẻ ra rồng/Liu điu lại đẻ ra dòng liu điu". Ban giám khảo (BGK) thế nào thì giải thưởng thế ấy! Nếu như các cuộc thi văn học nghệ thuật trước đây với các BGK là các văn nhân nghệ sĩ loại cây đa cây đề đã phát hiện được những văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ đủ tài năng hóa rồng trong sáng tạo, thì không ít những cuộc thi gần đây với BGK là các văn nhân nghệ sĩ loại "lìu tìu", "cánh hẩu", "mua danh" lại hầu như chỉ trình ra những giải thưởng… liu điu! Ngay cả cái tên giải cũng không còn hoành tráng ngạo nghễ với các giải Nhất, Nhì, Ba như xưa, mà hầu hết đã chuyển thành các giải "liu điu" với các thứ bậc A, B, C nghe như thang hạnh kiểm học sinh hay phân loại tem phiếu thời bao cấp! Các bậc đàn anh từng được cha ông hào phóng vinh danh trong các giải Nhất, Nhì, Ba ngất ngưởng, sao bây giờ chấm thi cho các đàn em lại đặt ra những thứ bậc thiếu sang trọng như vậy? Phải chăng là một cách "dìm hàng" của những văn nhân nghệ sĩ thiếu tự tin?
Đạo diễn, nhà văn Đỗ Minh Tuấn xuống đường tuần hành
Quá trình "liu điu hóa" các giải thưởng văn chương nghệ thuật không chỉ diễn ra với các cuộc thi nhỏ lẻ ở các ngành hay các địa phương, mà diễn ra ngay cả trong các cuộc thi, các giải thưởng quốc gia như  GTNN và GTHCM. Các đợt trao giải thưởng đầu tiên còn thấy nhiều tác phẩm thành danh lấp lánh những vảy rồng tài năng và sáng tạo. Các đợt trao giải thưởng về sau xuất hiện nhiều tác phẩm chẳng mấy ai biết đến, các tác phẩm nổi tiếng hơn lại được trao giải thấp, các tác phẩm làng nhàng chưa được thử thách qua thời gian lại được trao giải cao. Nguyên nhân sâu xa là cái thói sống lâu lên lão làng, cái quan niệm chia phần đã ngầm chi phối giải.
Khi văn nhân nghệ sĩ còn đang ngồi chiếu dưới thì các tác phẩm xuất sắc nhất của anh ta cũng chỉ được trao GTNN mà thôi, không thể "ghế trên ngồi tót sỗ sàng" đòi trao GTHCM cho mình ngay được! Khi anh ta "đến hẹn lại lên", Trời cho sống lâu ngồi vào chiếu lão làng, automatic nằm trong diện chia phần GTHCM thì lại chẳng có tác phẩm nào thuộc loại cá chép hóa rồng để trình ra xin giải. Đành phải vơ bèo vạt tép, chọn lấy trong những cái làng nhàng mới viết, mới vẽ, mới "đạo" một cái nào khả dĩ có thể làm cái mâm đựng lộc Trời cho, dù cái tác phẩm đó chẳng mấy ai biết đến. Và thế là bậc lão làng tự nhiên phải dấn thân vào cuộc chơi "liu điu hóa" ở cấp quốc gia! Thành ra, những người trượt GTNN lại có niềm an ủi rằng bị đánh trượt hôm nay rốt cục lại là may, vì coi như mình có "của để dành", giữ được tác phẩm hay không bị "nướng" vào GTNN, để khi lên lão làng mình đem ra xin trao GTHCM thì sẽ không bị mang tiếng "liu điu hóa" hay "phú quý giật lùi" như bao người khác.
Trong bài viết "Giải mã chiêu thức của Trạng Quỳnh", người viết đã chỉ ra cái láu cá kiểu Việt Nam khi trổ  tài trong bối cảnh mù mờ phi chuẩn mực. Cuộc thi vẽ mà Trạng Quỳnh tham dự có đề ra thật mơ hồ - chỉ nói thi vẽ con vật sau ba hồi trống mà không quy định rõ đó là con vật gì, con Rồng, con chó hay con khỉ - nên Trạng Quỳnh đã nhanh trí dùng tay vẽ mười chú giun để thắng nhanh thắng đậm trong cuộc thi tài. Trong các cuộc thi và các cuộc xét giải văn chương nghệ thuật ở ta hiện nay cũng có tình trạng thiếu chuẩn mực rõ ràng như thế! Người thì bảo phim này đồng tính, đổi mới đây, hội nhập ăn tiền đây, cần phải trao ngay giải Vàng cho nó; người khác thì lại bảo phim kia tái hiện chiến tranh rất mới mẻ, nhìn chiến tranh qua số phận con người khiến nhân vật có tầm nhân loại, người xem rất xúc động, phải trao giải Vàng mới đúng định hướng "Vì một nền điện ảnh đổi mới và hội nhập".
Người thì cho rằng cái mới nằm ở trong đề tài, người lại cho rằng cái mới nằm trong cách thể hiện. Rốt cục ông nói gà, bà nói vịt, cùng bị lạc trong môi trường loạn chuẩn như cuộc thi của Trạng Quỳnh xưa! Cũng chỉ vì bất cập về lý luận và bất đồng về lợi ích nhóm mà các vị trong BGK các cuộc thi văn chương nghệ thuật ở ta rất ít khi thuyết phục được nhau, dẫn đến các kết quả gây lùm xùm, kiện cáo. Cái chuẩn-Vũ-Môn của cuộc thi Rồng đã không được các quý BGK học tập và vận dụng. Thành ra, bệnh loạn chuẩn, thiếu chuẩn, tùy tiện đổi chuẩn trong chấm thi xét giải ở ta vẫn luôn là căn bệnh kinh niên.
Tỷ như, nhìn vào các GTHCM và GTNN được trao trong ba đợt đầu tiên, ta thấy sự thiếu nhất quán: Ngành sân khấu thì chỉ trao cho tác giả kịch bản vì cho rằng đạo diễn và diễn viên đã được vinh danh trong hệ thống danh hiệu NSƯT và NSND. Ngành Điện ảnh định bắt chước sân khấu trao cho tác giả kịch bản thì bị phản đối nên đành chỉ trao GTHCM cho một người là NSND Hồng Sến. Thành ra, khi các ngành khác đã được vinh danh với hàng trăm GTNN và hàng chục GTHCM, thì điện ảnh với hàng loạt tác phẩm có tiếng vang trong và ngoài nước, hàng trăm liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc chiến tranh lại chỉ có một người được vinh danh chỉ vì những người có trách nhiệm đã không thống nhất được với nhau về chuẩn mực!
Rõ ràng, việc gạt bỏ các đạo diễn sân khấu và đạo diễn điện ảnh ra ngoài GTNN và GTHCM trong nhiều năm gây thiệt thòi cho các nghệ sĩ là một việc làm thiếu trách nhiệm, không tuân thủ Pháp lệnh về GTNN và GTHCM, vì Pháp lệnh đã quy định rõ ràng đối tượng để xét giải là các tác phẩm và các cụm tác phẩm được thể hiện trên giấy, trên màn hình và trên sân khấu. Việc hiểu sai, hiểu lệch, hiểu phiến diện Pháp lệnh đã dẫn đến việc trao giải trở nên tùy tiện và hình thức, bất cập về chất lượng. Đến khi đạo diễn điện ảnh được vinh danh hàng loạt rồi thì đạo diễn sân khấu vẫn nằm ngoài GTNN và GTHCM vì chuẩn mực để xét giải cho ngành sân khấu là kịch bản. Nhưng kịch bản thì họ lại xét qua vở diễn, chứ không nhìn vào kịch bản nguyên sơ. Nghĩa là, người ta nhìn vào kịch bản đã được đạo diễn xào nấu để mà trao giải!
Chính vì cái quan niệm coi tác giả kịch bản mới là đối tượng trao GTNN và GTHCM của ngành sân khấu nên đã dẫn đến việc đạo diễn - NSND Đình Quang được trao GTHCM cho các công trình lý luận, mà đúng ra theo tôi thì phải trao cho những vở kịch nổi tiếng mà ông đã dàn dựng như "Bạch đàn liễu" và "Bệnh sĩ". Sự loạn chuẩn còn dẫn đến sự bất công giữa giải thưởng trao cho các ngành. Khi xét giải cho lĩnh vực nhiếp ảnh, người ta trao GTHCM cho một bức ảnh chụp lãnh tụ vì lấy chuẩn là giá trị nghệ thuật kết hợp với giá trị tư liệu và giá trị lịch sử. Nhưng những bộ phim tài liệu xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hàng trăm thước phim tư liệu quý giá độc đáo thì lại không được trao giải!
Đã không thống nhất được chuẩn mực, việc bỏ phiếu chấm giải cũng lại rất tùy tiện. Chẳng hạn, có năm Hội đồng Nhà nước xét Giải thưởng vinh dự cấp Nhà nước và danh hiệu Nghệ sĩ của ngành Điện ảnh có 21 người thì chỉ có 2 người thuộc Ngành điện ảnh, khi bỏ phiếu thì một người lại đang ở Mỹ, thành ra, số phận danh hiệu và Giải thưởng là do những người ngoại đạo toàn quyền quyết định. Vì là người ngoại đạo nên họ chỉ bỏ phiếu theo cảm tính, hoặc theo sự xui bảo của người xung quanh. Rốt cục, công sức của hàng loạt Hội đồng chuyên ngành trong hàng loạt cuộc bầu trước đó coi như đổ xuống sông xuống biển…
Ngoài ra, còn nhiều những yếu tố chi phối lá phiếu như các kiểu "doping quyền lực" dàn xếp giải bên trong hậu trường, các "tham số nhân cách" mang tính bè cánh, nhóm lợi ích làm lệch nghiêng hòm phiếu. Tất cả những cái đó đã góp phần làm cho các cuộc thi văn chương nghệ thuật hôm nay bị "liu điu hóa" vì khó tìm ra những chú chép hóa rồng!
ĐỖ MINH TUẤN
(Nguồn: Đã đăng báo Tết Văn nghệ CA)

No comments:

Post a Comment