Trang

Tuesday, January 24, 2012

BỨC TRANH THƠ CA NĂM 2011: NHÌN NGHIÊNG, XOA TAY VÀ CƯỜI


Thơ là một hình thức nghệ thuật dùng từ, dùng chữ thể hiện tâm tư, cảm xúc của thi nhân. Trong thời đại kinh tế thị trường với bao nỗi lo toan đời thường của con người, thơ dường như là một thứ xa xỉ khó nắm bắt. Tuy vậy, hiện thực, tình người và nỗi buồn vẫn hiện hữu trong thơ Việt Nam những năm gần đây. Quê hương đất nước và chiến tranh là những đề tài sáng tác đưa lại nhiều may mắn và thành công cho văn học nói chung, thơ ca nói riêng. Chính vì vậy, nhiều thi phẩm vẫn được khơi nguồn từ cuộc chiến năm xưa và thiên nhiên đất nước, vẫn mang hơi thở của hiện thực đất nước hôm nay. Năm 2011, bức tranh về đời sống thơ ca được thể hiện khá sắc nét qua nhiều hoạt động thường niên, qua công tác xuất bản, những cuộc hội thảo, các buổi tọa đàm về thơ ca…
Về những tập thơ đầu tay “hiếm muộn”
Trước hết, cần phải kể đến những tập thơ đầu tay của một số nhà thơ đã bước sang cái tuổi “tri thiên mệnh” như Trần Gia Thái, Phạm Công Lộc, Huỳnh Dũng Nhân... Không phải ai cũng làm được thơ và không phải dễ dàng mà có được tập thơ của chính mình. Cho nên, với các thi nhân đã có tuổi mà vẫn tràn đầy cảm xúc về tình người, tình đời mà “xuất khẩu thành thơ” thì nhất định là “hiếm muộn” rồi.
Là một nhà văn làm thơ nên thơ của Trần Gia Thái tương đối tự do, không bị gò bó về câu chữ, thậm chí lời thơ, ý thơ quá thoải mái cho nên đã gây khá nhiều tranh cãi trên văn đàn Việt Nam gần đây. Nguyện cầu trước lửa (Nxb. Hội nhà văn, 2011) dày gần 100 trang gồm 36 bài thơ với mỗi trang thơ như một trang nhật ký. Có khá nhiều lời bình khác nhau về thơ của Trần Gia Thái, nhưng tựu trung lại thì khen nhiều hơn chê. Có lẽ, nét mộc mạc, bình dị, chất phác, sâu sắc trong thơ ông khiến nhiều người thích nhưng cũng có người không ưa vì cho rằng thơ ông thiếu chất thơ. Tuy vậy, với nhà thơ Vũ Quần Phương, Trần Gia Thái chính là “người văn lặng lẽ tìm thơ”.
Tháng 3/2011, Phạm Công Lộc ra mắt tập thơ đầu tay Cánh buồm nâu (Nxb. Hội nhà văn). Thơ anh từng đi vào lòng người qua những thi phẩm viết về bộ đội Trường Sơn, về tiến tuyến đong đầy lửa khói, về miền quê lúa Thái Bình trải dài mêng mông như sóng gợn. Cánh buồm nâu gồm 36 bài thơ, được lựa chọn từ nhiều sáng tác âm thầm, lặng lẽ trong gần 60 năm cuộc đời tác giả. Nhiều bài thơ trong Cánh buồm nâu chất chứa nỗi niềm, mang nặng nhân tình thế thái, gợi nhiều suy ngẫm, trăn trở, cũng là suối nguồn yêu thương da diết. Sinh ra từ miền quê lúa, nhà thơ gắn bó với bờ tre, ruộng lúa, với bùn đất lam lũ và những dòng sông lặng sóng cùng những cánh buồm thơ mộng. Nhưng không chỉ có thể, thơ Phạm Công Lộc còn gom góp cả biển trời rộng mở, đôi ba cánh cò trắng lẻ loi và những số phận long đong cơ cực. Chính vì thế mà Cánh buồm nâu không có nhiều niềm vui. Dường như muốn gửi gắm tâm sự của chính nhà thơ nên mỗi bài thơ giống như là một sự chia sẻ, tâm tình. Nguyễn Thị Mai cho rằng, nhờ Cánh buồm nâu mà “có một cánh buồm đang trở về bến thơ”.
Dã quỳ tím (Nxb. Trẻ, 2011) gồm 50 bài thơ, là tập thơ đầu tay tương đối trọn vẹn của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Dã quỳ tím giống như những dòng tự sự, kỷ niệm về tình yêu, tình đất và tình những vẫn mang tính thời sự và hiện thực cuộc sống. Thấp thoáng đâu đây trong thơ Huỳnh Dũng Nhân là men say của rượu cần Tây Bắc, sự nồng nàn, bay bổng của xứ sương mù Đà Lạt. Tập thơ Dã quỳ tím dường như đã khép lại hành trình 30 năm đi tìm chính mình trong những lần vấp ngã của nhà thơ quê dừa Bến Tre Huỳnh Dũng Nhân.
Thơ của thi nhân đã qua tuổi mộng mơ 
Đó là những thi phẩm của một số nhà thơ đã bước qua cái tuổi “biết dừng biết đủ” như nhà báo, nhà thơ Phạm Chu Sa, nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu, Ngàn Thương, Đàm Khánh Phương, Cảnh Giang, Thang Ngọc Pho, Vạn Lộc, v.v... Tháng 7/2011, tập thơ Một nửa (Nxb. Thanh niên) của Phạm Chu Sa được xuất phẩm. Một nửa viết về niềm kiêu hãnh đắng cay của tuổi trẻ thời chiến loạn, về một thứ gọi là “hạnh phúc tật nguyền”, những giấc mộng hão huyền, những mối tình dang dở. Trải qua những mất mát, đắng cay và chiêm nghiệm cuộc đời khiến thơ Phạm Chu Sa nhuốm màu đẹp đẽ của cuộc sống và tình yêu. Tuy không có nhiều phá cách nhưng thơ Chu Sa trầm lắng, giống như mưa dầm thấm lâu. Một nửa chính là “một nửa” tâm hồn nhà thơ muốn chia sẻ với độc giả những ký ức lắng đọng sâu xa về cuộc sống. Theo Trần Hữu Dũng, Một nửa chính là “cảm thức của những mùa hương…”.
 Năm nay, nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu đã xuất bản tới tập thơ thứ 7 của mình. Tập thơ Tứ tuyệt (Nxb. Hội nhà văn) trải dài tâm tình của nhà thơ qua 106 bài thơ tứ tuyệt. Là nhà thơ từng trải qua thời chiến cũng như thời bình, Nguyễn Văn Hiếu viết về mọi chuyện trên trời dưới biển, thể hiện rõ phong cách thoải mái, lãng tử, phóng túng. Tứ tuyệt lẫn lộn giữa chuyện đời xưa và đời nay, giữa một vùng quê yên bình và một miền biên giới dễ xảy ra chiến tranh. Nhiều bài thơ trong tập thơ gợi suy ngẫm về sự thế xoay vần, sinh lão bệnh tử. Thơ hay thường lắng đọng trong lòng người đọc một nỗi buồn không tên. Thơ Nguyễn Văn Hiếu cũng không phải là một ngoại lệ. Nhiều khi, cảnh vật trong thơ anh đẹp nhưng vẫn mang nét u buồn lặng lẽ, cũng là tâm tình không mấy vui vẻ của một nhà thơ đứng tuổi, đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời. Tuy vậy, Tứ tuyệt thể hiện khá rõ phong cách nhà thơ, tuy có trăn trở với cuộc đời những vẫn nhìn đời một cách bình thản pha chút thờ ơ.
 Đi qua ba phần tư cuộc đời, tháng 6/2011, nhà thơ Ngàn Thương (tên thật là Bùi Công Tọa), Hội viên Hội nhà văn Thừa Thiên – Huế  đã có thứ 5 của mình. Thủng thẳng qua cầu (Nxb. Thuận Hóa) của Ngàn Thương là sự “thủng thẳng” hành trình qua những miền đất ông từng qua và cũng là sự thấm thía của một người hiểu thấu tình đời và tình người. Thơ Ngàn Thương đủng đỉnh như chính cuộc đời ông nhưng tràn đầy cảm xúc về quá khứ, hiện tại của mưa nắng đời người. Tuy thong thả, nhưng nghĩ về thời gian, nhà thơ dường như thảng thốt, bàng hoàng. Đúng là thời gian chẳng chờ đợi ai bao giờ, nhưng cảm nhận được sự lắng đọng của thời gian như Ngàn Thương quả là hiếm có. Cũng chính điều đó khiến thơ của Ngàn Thương lan tỏa lặng lẽ, gợi mở sâu xa.
Sinh ra ở đất Vân Đình (Hà Tây cũ), Đàm Khánh Phương đã có mấy chục năm cầm bút làm thơ và đã giành được một số giải thưởng về thơ: báo Người giáo viên nhân dân (1961); giải nhất thơ Hà Tây (1965); 3 giải thưởng thơ tại cuộc thi sáng tác văn học do Sở Giáo dục - Đào tạo và Hội Văn nghệ Hải Phòng tổ chức (2005). Năm 2011, Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản liền hai tập thơ của anh: Nghe gió về cậy cửaDưới vòm hương tinh khiết. Thơ anh mang nặng tình đời, tình người trong cõi nhân gian với những ân tình chân thật, bình dị. Nhà thơ lấy cảm hứng nhiều từ bạn bè, người thân trong gia đình nhưng cũng có khá nhiều hình ảnh cây cỏ, hoa lá. Có thể thấy, nhà thơ không những nặng nợ với con người mà còn ân nghĩa với cả cỏ cây, hoa lá. Chẳng thế mà Văn Giá cho rằng, thơ Đàm Khánh Phương là “những câu thơ thắp sáng đủ mặt người.”
Giống như thơ thiên nhiên xưa, thơ Thang Ngọc Pho như vươn tới thiên nhiên, đắm chìm trong không gian vũ trụ bao la. Sao ái tình (Nxb. Hội Nhà văn, 2011) của Thang Ngọc Pho gồm gần 300 bài thơ. Những bài thơ trong Sao ái tình là tiếng lòng, là tiếng nói cất lên từ trái tim nhà thơ có tình yêu mãnh liệt với cuộc sống, con người. Ngoài ra, tập thơ cũng thể hiện triết lý về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan khá rành mạch của tác giả.
Là nhà thơ sinh ra bên bờ sông Gianh, Cảnh Giang (tên thật là Nguyễn Tiến Chung, sinh năm 1949) đã chứng kiến sự tàn khốc của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong những ngày bám trụ kiên cường tại quê nhà, cuộc chiến với anh đã trở nên bi tráng khiến anh không thể nào quên. Sau này, Cảnh Giang làm nhiều thơ về chiến tranh, về những người đã ngã xuống trên giới tuyến đầy lửa khói. Nhưng không thể ngờ, thơ tình của Cảnh Giang lại thâm tình, ý tứ, vượt qua cả câu chữ, đậm chất lãng tử. Tập thơ Lời ru của biển (Nxb. Hội nhà văn, 2011) như lắng đọng những nỗi đau sâu thẳm từ lịch sử quê anh nhưng quả thực là một tập thơ tình đúng nghĩa. Có thể thấy trong đó những câu thơ tình không chỉ nồng nàn mang hương gió biển mặn mòi mà còn chứa đựng tình yêu đời, tình yêu cuộc sống.
Nằm trong số ít những nhà thơ nữ ở lứa tuổi xế bóng, nhà thơ đất Quảng Nam Vạn Lộc (bút danh Vũ Thị Hội) vẫn trung thành với thơ ca. Năm 2011, chị đã trình làng tập thơ thứ 5 của mình mang tên Gió thổi từ Đông Yên (Nxb. Văn học) gồm 69 bài thơ, được chắt lọc qua tâm hồn của “người đàn bà làm thơ”.  Gió thổi từ Đông Yên mang đậm nỗi ám ảnh về thời gian, cũng là nỗi ám ảnh muôn đời của con người. Nỗi buồn trong thơ Vạn Lộc là sự nặng lòng với quá khứ, là ký ức thời gian, là những cánh cò lẻ loi cô độc ở chính cánh đồng làng Đông Yên quê chị. Đó là nỗi buồn chân thật, sâu lắng, có được bởi sự cảm nhận khá nhạy cảm của nữ giới về tình đời, tình người.
Ở cái tuổi dở dở ương ương, chẳng ra trẻ mà cũng chẳng ra già, cũng chẳng phải là nhà thơ chuyên nghiệp, Nguyễn Văn Dùng lại “mua đầy gánh nắng vàng” cho mình qua tập thơ Lục bát tặng mình (Nxb. Thuận Hóa, 2011). Đây cũng là tập thơ thứ 5 của tác giả. Là một người làm kinh tế, gắn bó với ngành du lịch tỉnh Quảng Trị, trải qua hơn 20 năm sống với thơ ca, Nguyễn Văn Dùng đã “mua về cho mình những cái hư vô” (theo cách nói của Ngô Minh). Nhà thơ trung thành với thơ lục bát bởi nét đẹp và buồn trong thơ anh rất hợp với thơ lục bát. Thơ anh còn khắc khoải, vấn vương về ký ức tuổi thơ, về quê hương và sự khám phá, trải nghiệm cuộc đời khiến người đọc thêm nặng lòng suy ngẫm.
 Thơ của những người lính trong thời bình
Chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm của chiến tranh để lại vẫn rất nặng nề. Cho nên, thơ của người lính trong thời bình vẫn có những khoảng tối từ cuộc chiến. Nhưng dù thời chiến hay thời bình, thơ của họ vẫn gắn với đời thường, với những vấn vương mà cuộc chiến để lại. Những nhà thơ từng trải qua đời lính như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Hoa, Nguyễn Trọng Văn, Cảnh Trà … vẫn có những khúc ca khải hoàn về cuộc chiến năm xưa.
Là nhà thơ từng nhập ngũ năm 1969, từng trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, thơ Nguyễn Trọng Tạo có chiều sâu của thời gian, có màu của năm tháng. Năm nay, Nguyễn Trọng Tạo có tác phẩm Nguyễn Trọng Tạo, thơ và trường ca (Nxb. Hội nhà văn) gồm 296 bài thơ, 2 trường ca và 4 bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thụy Kha, nữ nhà thơ Mỹ Mary E. Croy… Dư luận đánh giá đây là tác phẩm có nhiều cách tân, khơi lên những nguồn cảm hứng sáng tác mới. Có thể thấy rằng, những bài thơ trong Nguyễn Trọng Tạo, thơ và trường ca là những đứa con tinh thần tinh túy nhất của hồn thơ Trọng Tạo.
Từng trải qua đời lính, thơ Nguyễn Đức Thịnh chứa đựng sự đa cảm, suy tư, nặng đầy tâm sự nhưng vẫn mang sắc thái riêng. Tập thơ Khoảng sáng hình tam giác (Nxb. Hội Nhà văn, 2011) của Nguyễn Đức Thịnh thể hiện cảm xúc tươi mới, tình yêu quê hương đất nước và giàu tính liên tưởng. Với Đức Thịnh, thơ giống như người bạn tri kỷ. Với 41 bài thơ trong Khoảng sáng hình tam giác, Nguyễn Đức Thịnh đã khiến độc giả nhìn thấy những điều thật thú vị của cuộc sống.
Lại là một tập thơ nữa của một nhà thơ quân đội. Đó là Nguyễn Hoa với tập thơ Máy bay đang bay và những bài thơ khác (Nxb. Hội nhà văn, 2011). Nguyễn Hoa gắn bó với thơ ca như cơm ăn áo mặc hàng ngày hơn 40 năm nay. Nhà thơ chân thực cả trong thơ và trong cuộc đời thực. Có những lúc phá cách, Nguyễn Hoa tìm tới những bài thơ cực ngắn nhưng hết sức lắng đọng, thâm trầm, chứa đựng cả một không gian bao la của thi ca. Xuyên suốt trong tập thơ Máy bay đang bay và những bài thơ khác là tâm hồn chứa đầy khát vọng yêu thương, là tình yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước.
Tiếp bước tập trường ca, tùy bút Đường chân trời ra mắt bạn đọc năm 2010, nhà thơ Miên Đông (tên thật là Nguyễn Trọng Văn, sinh năm 1957) bổ sung thêm vốn thơ của mình qua tập thơ Môi trinh (Nxb. Văn học, 2011). Tập thơ viết nhiều về hiện thực cuộc sống. Cuộc sống ở đây là nỗi nhớ vấn vương, là đỉnh núi mờ sương, là “xì xụp quả cà”, là “cõi người”… Đọc Môi trinh mới thấy rõ tuy tác giả nặng về triết lý nhân tình thế thái nhưng cũng khá nghiêng về trữ tình. Theo J. Michel Maulpoix, “trữ tình là động tác chỉ đủ cất cánh bay lên và rơi chìm vào hố thẳm…”. Nhưng với Miên Đông, trữ tình chính là tình người, tình đời ngân lên từ trái tim một nhà thơ luôn tha thiết với con người, với cuộc đời và thơ ca.
Là một nhà thơ từng xuôi ngược qua các chiến trường khốc liệt xưa, thơ Cảnh Trà in đậm dấu ấn của một thời khỏi lửa. Sau này, sống trong thời bình, Cảnh Trà lại tìm đến với thiên nhiên và thả hồn thơ vào những hình ảnh mộc mạc của quê hương, đất nước. Tập thơ Phơi rơm (Nxb. Thanh niên, 2011) của Cảnh Trà giống như một tuyển tập thơ gồm 77 bài thơ. Phơi rơm thể hiện nhiều ý tứ thâm sâu pha chút hóm hỉnh của nhà thơ từng là người lính trên chiến trường chống Mỹ năm xưa. Tập thơ có bức họa chiến tranh, có cả hình ảnh hòa bình, nhưng được thể hiện kín đáo, đằm thắm mang đậm chất nhân văn. Nhiều bài thơ trong tập thơ gắn với miền quê mới, với những gốc lúa bờ tre, cây trái, mùa vụ trong sự sinh sôi của đất trời và tình người. Trần Hoàng Vy cho rằng, “thi ảnh trong thơ Cảnh Trà không lung linh màu sắc, cũng không là những thi tứ trác tuyệt hay diễm lệ, phải gia công gọt đẽo, mà bình dị như chính cuộc đời anh, lối thơ thô mộc, mang phong cách dân gian đồng quê…”. Dường như nhà thơ sẵn lòng chia sẻ tâm tình, tâm trạng với bạn bè, với những người mang nặng nỗi niềm riêng.
Thơ trẻ với nhiều suy từ về thời cuộc và những hy vọng mới
Thơ của nhà thơ bước sang tuổi “tri thiên mệnh” có sự lắng đọng của thời gian và quá khứ, còn thơ của các nhà thơ trẻ lại ẩn chứa nhiều suy tư về thời đại. Đó cũng là điểm tạo nên sự khác biệt giữa các thế hệ nhà thơ. Năm nay, sự xuất hiện của hai nhà thơ “nhí” Đặng Chân Nhân (18 tuổi, hiện đang du học ở Anh) và Ngô Gia Thiên An (12 tuổi, Trường THCS Đông Thái, Tây Hồ, Hà Nội) dường như tạo hy vọng mới cho thơ trẻ. Ngoài ra, Nguyễn Thế Hoàng Linh với tập thơ Hở cũng khá gây ồn ào trong dư luận và văn đàn bởi phong cách sáng tác mới lạ, đột phá. Thêm nữa, Vi Thùy Linh, nhà thơ nữ khá thành công về mảng thơ tình (Phim đôi – tình tự chậm) lại có cả tập thơ viết cho thiếu nhi Chu du cùng ông nội in đậm dấu ấn về ký ức tuổi thơ. Từ đó có thể thấy rằng, thơ trẻ đang dần dần mở ra những chân trời mới và nhiều hy vọng mới.
Hai tập thơ Giấc mơ (Đặng Chân Nhân, Nxb. Kim Đồng, 2011) và Những ngôi sao lấp lánh (Ngô Gia Thiên An, Nxb. Kim Đồng, 2011) thể hiện lối nghĩ nghĩ sâu sắc và cách trình bày chặt chẽ, ngắn gọn, cô đọng của hai nhà thơ tuổi đời còn khá trẻ này. Ngôn ngữ trong thơ Thiên An giàu hình ảnh và đậm chất thơ, thể hiện một tâm hồn lãng mạn, mộng mơ nhưng sớm ưu tư, lo lắng, trăn trở với cuộc đời.
Nhà thơ thích câu cá Nguyễn Bình Phương có tập thơ Buổi câu hờ hững (Nxb. Văn học). Đọc tập thơ, có thể thấy rõ sự giăng mắc của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống bộn bề và thế giới tinh thần đầy băn khoăn. Nguyễn Bình Phương ngồi “câu cơn giông”, “câu hy vọng” ... giữa không gian vô biên nhưng lại muốn dứt bỏ cái vô cùng của thời gian. Thơ anh không những mang đậm chất triết lý, suy tưởng về cuộc đời, về chính mình mà còn giàu liên tưởng về sự sống, về giá trị nhân sinh, gắn kết giữa quá khứ với hiện tại, giữa hiện thực với thế giới mộng mơ, cho nên dù là “buổi câu” nhưng thật “hờ hững”. Và là nhà thơ vốn nặng lòng với cuộc đời, nặng tình với văn chương, nhiều câu thơ của Nguyễn Bình Phương giống như một lời tự vấn về bản thân, về nghiệp văn, in dấu một hồn thơ luôn đi tìm chính mình.
“Điên cuồng với thơ”, khá thành công trong nhiều mảng thơ ca nhưng năm nay Vi Thùy Linh lại có tập thơ dành cho thiếu nhi Chu du cùng ông nội (Nxb. Kim Đồng). Vẫn đang trong cuộc hành trình đi tìm “đường thơ” cho mình, Chu du cùng ông nội đã mở ra một hướng sáng tác mới cho Vi Thùy Linh. Chu du cùng ông nội là những bài thơ được Vi Thùy Linh chắt bóp từ vốn tuổi thơ của mình, qua một thời gian dài dành dụm mới có được. Tập thơ gồm 23 bài thơ, mang hơi thở gia đình, hoài niệm về ông ngoại, về một tuổi thơ đã xa không bao giờ trở lại.
Năm nay, ngoài tập ký chân dung Tiếng hạc trong trăng (Nxb. Thanh niên), nhà thơ Nguyễn Quang Hưng còn ra mắt tập thơ Mùa vu lan (Nxb. Hội nhà văn). Lễ Vu lan diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hàng năm, là ngày Lễ của Phật giáo. Mùa Vu lan là lúc tăng ni, Phật tử và mọi người nhìn nhận lại bản thân, nhưng tập thơ Mùa Vua lan lại gợi nhiều ý tưởng về văn hóa, quá khứ, truyền thống mang màu sắc Phật giáo. Dường như, nhà thơ đã mượn Mùa Vu lan để viết nên những câu thơ tràn đầy tình đời, tình người.
Sau 2 tập thơ Lẽ giản đơn (2006), Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới (2008), Hở (Nxb. Hội nhà văn, 2011) đã vun đắp thêm gia tài thơ cho Nguyễn Thế Hoàng Linh. Tập thơ Hở với 100 bài thơ khá giàu chất triết lý về cuộc sống, tình yêu cũng những suy ngẫm về thời cuộc. Hở là sự đối diện của lớp trẻ trước thách thức của đô thị hóa, là những suy tư của nhà thơ về cuộc sống hiện đại. Cho nên, nhiều nhà phê bình cho rằng, những chi tiết vụn vặt được nhắc tới trong tập thơ Hở khá gần gũi với đời thường. Tuy vậy, Hở đã gây nhiều ngạc nhiên và tranh luận trong độc giả và giới phê bình bởi những cảm hứng tiểu tiết của nhà thơ. Nguyễn Hoàng Thế Linh có cảm nhận khá đặc biệt, có những góc nhìn khá sâu sắc và lạ lùng. Tuổi trẻ không thiếu sáng tạo và đổi mới, cho nên sự phá cách của Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng không có gì lạ.
Từng nhiều năm cầm bút và viết nhiều thể loại, năm nay, Đỗ Doãn Phương đã trình làng tập thơ Những ngọn triều nhục cảm (Nxb. Hội nhà văn, 2011). Tập thơ gồm 50 bài mang chủ đề: thành phố và những ngọn triều nhục cảm, thể hiện cảm nhận của nhà thơ về thế giới, cuộc sống và tình yêu. Thơ Doãn Phương là thế giới cảm giác, là những tâm tình, nhận thức, rung cảm, trăn trở, nỗi niềm của nhà thơ về thế giới vô thức. Doãn Phương viết khá tinh tế nhưng cũng tương đối trần trụi, cho nên không ai lấy làm lạ bởi anh có đứa con tinh thần Những ngọn triều nhục cảm.
Nỗi buồn đập cánh (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2011) của Nguyễn Đức Phú Thọ, chàng sinh viên Đại học An Giang được viết khá ung dung, lặng lẽ nhưng không thiếu cá tính. Vốn tự tin và kiêu hãnh, nhưng thơ Nguyễn Đức Phú Thọ lại chìm đắm trong muôn ngàn nỗi buồn, giữa những đổ vở ngổn ngang đời thường. Có lẽ đó là những trăn trở rất chân thực của một hồn thơ đang tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Nỗi buồn đập cánh là sự cảm nhận nhiều chiều, nhiều góc cạnh của nhà thơ về thời cuộc, về nhân tình thế thái, về cuộc sống hiện đại. Có lẽ, sinh ra ở miền quê được phù sa bồi đắp, tuy nặng lòng và hoài cảm với quá vãng, nhưng giống như bao người trẻ tuổi khác, nhà thơ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức của cuộc sống hiện đại. Có thể, đó cũng là những lúng túng và trải nghiệm rất điển hình cho lớp trẻ ngày nay.
Tuyển tập thơ của nhiều tác giả kết nối những tâm hồn thi nhân đồng điệu
Tuyển tập thơ ca thường dày dặn, đa dạng và phong phú. Đó cũng là nhịp cầu kết nối những tâm hồn thơ. Năm nay, bên cạnh những tập thơ của cá nhân nhà thơ còn có những tuyển tập thơ ca của nhiều tác giả, trong đó tiêu biểu có Thơ tình sông Cửu Long (Nxb. Trẻ, 2011) do Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Quốc tuyển thơ của 84 gương mặt nhà thơ ở vùng sông Cửu Long. Đây là tập thơ thứ 6 của Tủ sách Sơn Ca do Nxb. Trẻ, Công ty truyền thông Sơn Ca thực hiện. Thơ tình sông Cửu Long tuyển những bài thơ có giọng điệu mộc mạc, chân thật của các nhà thơ viết về người dân miệt vườn, về tình yêu đôi lứa, về đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nhà thơ đã mạnh dạn khai thác mảng đề tài hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, rất hợp với nhịp đập và hơi thở của nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Thơ của các nhà thơ trẻ thường thể hiện khá rõ sự mạnh mẽ, tự tin, táo bạo, phóng khoáng, tự do và tràn đầy khát vọng tốt đẹp về cuộc sống. Tuyển tập thơ văn trẻ thành phố Hồ Chí Minh (2006 – 2011) dày 300 trang (Nxb. Trẻ, 2011) tuyển tác phẩm của 67 gương mặt nhà thơ, nhà văn trẻ, trong đó có thơ của 34 nhà thơ thuộc thế hệ 8X. Nhờ tuyển tập thơ này mà nhiều thi phẩm khá tiêu biểu của các nhà thơ trẻ như Trần Lê Sơn Ý, Ngô Thúy Nga, Trần Hoàng Nhân, Nguyệt Phạm, Trương Gia Hòa, Đồng Chuông Tử, v.v… được đông đảo độc giả biết tới.
Chút riêng gửi lại 2 (Nxb. Thanh Niên 2011) do Đặng Lê Huy Vũ tuyển là tuyển tập thơ dày như một cuốn từ điển, tuyển thơ của hơn 300 nhà thơ trong và ngoài nước. Đó là những bài thơ được tác giả ưa thích, tuyển theo cảm quan của mình. Tác giả đầu tiên của tuyển tập thơ là Phạm Thiên Thư (tên thật là Phạm Kim Long), một nhà thơ có tuổi được mệnh danh là người “dịch kinh Phật thành thơ”, từng đi tu rồi hoàn tục. Nhiều bài thơ của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Những bài thơ nổi tiếng của ông có Ngày xưa Hoàng Thị… Chút riêng gửi lại là tiếng lòng, là những suy tư, những tâm tình mà các thi nhân muốn gửi gắm lại người đời.
Tuyển tập thơ Văn thơ Việt, tập 1 (Lê Bá Duy chủ biên, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, 2011) có thơ của 76 nhà thơ, trong đó có 16 nhà thơ nữ. Đây là một tập thơ khá đậm nét bản sắc tâm hồn và con người Việt Nam. Sau Văn thơ Việt tập 1, Văn thơ Việt tập 2 có thể sẽ ra mắt bạn đọc vào năm 2012.
Có thể thấy, sáng tác trên thi đàn Việt Nam năm 2011 vẫn khá nhộn nhịp. Có thể bởi người làm thơ không cần hạch toán lỗ lỗi, được mất. Với họ, có thơ tức là có niềm vui. Nhưng không phải thơ và những người làm thơ không có vấn đề. Theo nhà thơ Trần Quang Quý, “những vấn đề thơ với bạn đọc, về tự do sáng tác, thơ tuyên ngôn hay không tuyên ngôn, cách tân thế nào là quan trọng, tính tư tưởng, tính xã hội của thơ…lại một lần nữa được đưa ra một cách thẳng thắn, tại hội nghị những người viết văn Trẻ toàn quốc lần XIII, với niềm hy vọng về một dòng chảy mãnh liệt, khỏe khoắn, mang nhiều khát vọng mới của thơ Trẻ…”.

Nguyễn Thị Hiền
Nguồn: Văn nghệ Trẻ số Tết

No comments:

Post a Comment