Trang

Friday, January 20, 2012

THẾ GIỚI TƯƠNG HỢP TRONG THƠ HOÀNG VŨ THUẬT – PHẦN I


PGS TS Hồ Thế Hà
Hành trình thơ Hoàng Vũ Thuật trải dài gần 40 năm với những thăng trầm, vinh quang và hệ lụy. Và ở từng chặng hành trình, Hoàng Vũ Thuật đã lấy thơ ca làm cứu cánh, làm chứng chỉ văn chương và tâm thức sáng tạo của mình với quan niệm nghệ thuật sáng rõ như trong lời tự bạch, anh viết: "Với tôi, hầu như tất cả những sản phẩm sáng tạo đều xuất phát từ một chuyện buồn, một niềm cô đơn, vật vã. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt. Cô đơn là một đặc tính của con người. Trong ý niệm tương đối, cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp. Tôi coi trọng cái riêng con người, chất cá thể con người, nên có lúc bài thơ bật ra trong trạng thái vô thức. Thơ chính là mảnh tâm trạng, cõi riêng thân phận, một cảnh huống đơn độc của con người” [1].
Đến với thơ Hoàng Vũ Thuật, tôi chọn chìa khóa nội tâm này để tìm ra cơ chế tâm lý sáng tạo trong hai tập thơ "song sinh" của ông được xuất bản năm 2010: Ngôi nhà cỏ (Nxb Hội Nhà văn) và Màu (Nxb Lao động).
  Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật
 Điều nhận xét đầu tiên và tổng quan của tôi về hai tập thơ này là ở chất đời, chất triết lý nghiệm sinh được tác giả nghiền ngẫm từ kinh nghiệm buồn của chính mình và thế giới chung quanh trên chất liệu ngôn từ được tổ chức và tư duy theo "một hệ thi pháp" mang tính sáng tạo riêng độc đáo, mới mẻ hơn so với các tập thơ trước. Sự tiết kiệm ngôn từ và ưu tiên thể hiện chất thơ trên trục lựa chọn mà nhà thi học R. Jakobson quan tâm chính là ý thức sáng tạo mà Hoàng Vũ Thuật đã theo đuổi và thành tựu. Chính điều đó đã làm cho chất thơ và sự tạo sinh nghĩa trong thơ Hoàng Vũ Thuật trở nên đa dạng, biến ảo, lấp lánh lời giải đáp về những điều muôn thuở của cuộc sống và hiện sinh con người. Chỉ riêng phẩm chất ấy thôi cũng đủ để thơ ông hấp dẫn độc giả bằng những tầm đón đợi và đón nhận khác nhau. Với ý nghĩa đó, hai tập thơ đã trở thành thông điệp da diết về cõi người, kiếp đời vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận.
Bài thơ Chân dung có thể xem là cái nhìn đồng cách hóa để Hoàng Vũ Thuật nói lên quan niệm của mình về sứ mệnh của thi ca:
hiện ra trên trang giấy những gương mặt
ông đã vẽ trang trọng và
mực thước
chằng chịt đường gân thớ thịt căng phồng
lửa đèn tắt sáng nụ cười trên môi
thời sủng ái
...
trên trang giấy gương mặt ông vẽ
máu thấm bao cánh hoa
không còn hương sắc
những cánh hoa
bốc cháy
nơi miền đất chết
(Chân dung)
Ở đó, nhà thơ tự vực dậy những hiện hữu và hư vô, những tiềm thức, vô thức và ý thức để nhận biết bóng tối và ánh sáng, ngày và đêm, bão tố và bình yên, dịu dàng và cuồng nộ, qua đó, thấy hết những đối lập và sinh thành của vạn vật cũng là một thực tế có tính bản thể triết học mà con người phải đối diện để tồn tại và hành động như một chủ thể hiện sinh tự nghiệm: "mấy vạn cánh chim đến được phương ấy - khoảng cách ngày và đêm - đủ nhận biết vũ trụ... mấy vạn bước chân đến được miền ấy - khoảng cách tối và sáng - đủ nhận biết thế giới... mấy vạn lời nguyền đến được chốn ấy - khoảng cách bão tố và bình yên - đủ nhận biết nhân gian... mấy vạn hơi thở đến được cõi ấy - khoảng cách yêu và giận - đủ nhận biết mình" (Nghiệm). Qua thơ, Hoàng Vũ Thuật luôn nghĩ và đặt ra những câu hỏi trùng điệp về những điều có tính hằng cửu và tính khoảnh khắc của cuộc sống và con người, như cách để tự nhận thức và kêu gọi mọi người cùng nhận thức:
một cái gì đó hiện hữu sẽ tốt lên rất nhiều
cho mỗi thời khắc sống hướng về phía trước
anh đã bước không mệt mỏi
bằng đôi chân nối dài
mảnh ghép quả cảm
Cứ thế, nhà thơ làm người hành trình đơn độc trong đêm tối, có khi vấp ngã, nhưng liền đứng dậy và mong thấy một cái gì đó hiện hữu trước mặt mình để được tin yêu và có hình bóng để làm điểm tựa tinh thần "dẫm lên cơn đau đơn độc - đạp đổ khoảnh khắc bóng tối nhìn ra vĩnh hằng và - anh tìm thấy - một cái gì đó" (Một cái gì đó). Phải tin vào những quy luật tương đối của tự nhiên và cuộc sống xã hội như thế thì mới mong nhận thức và tìm  lối thoát trong tư tưởng và cảm tính để đối diện với sự thật:
có lẽ nghìn năm đã trôi qua
trong giấc ngủ không là giấc ngủ
trong tỉnh thức không là tỉnh thức
trong cái chết không là cái chết         
                                             (Giao cảm)
Hoặc:
hết con đường gặp con đường lại con đường 
thăm thẳm
dấu chân mờ tiếp dấu chân chồng dấu chân
cuộc chạy trốn phiêu pha nghiệt ngã

         sẽ rụng rơi như trái chín qua thời
sẽ vụn nát những điều chưa tới
thất vọng còn thất vọng nữa
(Thất vọng còn thất vọng nữa)
Trong hai tập thơ, ta bắt gặp một thực tế có tính dụng điển của Hoàng Vũ Thuật. Đó là hình tượng và tư tưởng lạc lối hay mất tích cũng thế. Đó phải chăng là sự vô nghĩa lý và bất ổn của cuộc sống trước những rào cản của hiện thực mà con người quyền lực cố tình bày ra để hạn chế con người nhỏ bé mà F. Kafka đã nhìn thấy từ lâu trong Lâu đài Vụ án. Đó có thể xem là tâm lý hậu hiện đại kiểu "như người điên đi trong dầm dã - hai mươi năm sau - không biết nơi nào để dừng" (Mưa trên mười ngón tay dài):
- anh ngược con đường
để trở về con đường khác
(Ngược)
- đi trọn một năm vẫn không
ra khỏi vùng ám tượng
lưỡi hái thần chết
đốn ngã linh hồn
...
đi trọn một đời vẫn không
ra khỏi cuộc tranh giật
nghìn cánh tay giơ cao
biểu quyết
không biết nữa cái gì xảy ra
ý tưởng chắp nối lạc vần
rung trên sợi dây mặc cảm
lửa
(Ý nghĩ vụt hiện)
Bài thơ K đặt vấn đề về hiện tồn và hư vô khi chính con người không thể trả lời cho những câu hỏi day dứt do chính mình đặt ra: "liệu chúng mình còn sống được tới hôm sau - bốn bề núi và núi - bốn bề đá và đá - bốn bề suối và suối - sương âm u run rẩy bốn bề - trái đất chật chội thế này ư". Và một nỗi cô đơn đồng hiện hữu:
biết nói thế nào với k
ba vạn chín nghìn bậc ta chưa hết một nghìn
thôi ngủ đi ngày mai biết đâu rồi khác
ta gõ tiếng chuông cho số kiếp lạc loài
mây trắng chở về miền thiên hư

          ngủ đi ngủ đi k
đàn bướm ngoài kia đã ngủ
ngọn nến vàng rũ xuống từ lâu
mặt trời cuộn tròn đêm
trắng
Hình như không chỉ có con người - chủ thể có ý thức mới cảm nhận được nỗi cô đơn và lạc lõng ấy. Hoàng Vũ Thuật đã thấy được cả sự mất tích và lạc loài của các sự vật, hiện tượng trong không gian. Bài chó con là một trường hợp đáng thương như thế:
đứng trước cổng nhà
ngơ ngác
người người bận rộn vô ra
một con chó con tội nghiệp
quên mất đường về
lang thang
(Chó con)
Với bài thơ Đọc Kafka, theo tôi là một thực tế cho thấy, ở một ý nghĩa có tính triết lý, con người là một thế giới xa lạ với thế giới thực tồn. Khi ấy, muốn cô đơn cũng không được phép cô đơn, muốn trả lời cho những nghi vấn cũng không thể trả lời cho những nghi vấn, chỉ còn biết dùng phép thắng lợi tinh thần,  ước mơ vào một thế giới trời ban cho trong tưởng tượng:
trốn chạy thế giới nghiệt ngã
câm lặng nấm mồ chật hẹp
dưới vực thẳm tình yêu
em trao hết anh tất cả thuần khiết
mà thế gian gạt bỏ

         chết miền phục sinh
phôi thai từ thế giới khác
em gọi thế - giới - trời - ban - cho
không có hạnh phúc giống nhau
không có cay đắng giống nhau
gương mặt anh và em hai nửa trái đất hợp lại

         đơn lẻ cơn đau đến mức không hiểu nổi
ai sinh ra ta và ta sinh ra ai
chỉ tiếng khóc vỡ òa tồn tại
đứa bé
rời bụng mẹ bước ra ngoài

         như chiếc lá khan buồn mất ngủ
trên nhành cây cạn kiệt thân hình
ta ngù ngờ u mê ương dại
thế giới là ai
và ta nữa là ai
(Đọc Kafka)
Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng về mục đích và khát vọng sáng tạo thi ca, Hoàng Vũ Thuật quan niệm dứt khoát: "viết để giải tỏa ẩn ức luôn đeo đẳng mình, viết cho mình. Tôi quan niệm rằng, thơ là dấu ấn cá nhân. Dấu ấn từng cá nhân làm nên dấu ấn xã hội. Một xã hội tốt đẹp hay không, hãy nhìn vào từng cá thể ấy. Tôi cự tuyệt với những thứ thơ chung chung, những thứ thơ lấy đề tài, chủ đề làm thước đo cho nghệ thuật. Vì thế, các nhà thơ đích thực, họ luôn cô đơn trước đám đông, thậm chí bị khích báng, lên án hoặc chỉ trích"(2). Như vậy là đã rõ. Trong hai thi phẩm Ngôi nhà cỏ và  Màu, Hoàng Vũ Thuật đã tạo được tâm thức sáng tạo khớp với quan niệm và  tư tưởng trên. Và may thay, những khát vọng thi ca ấy không mất hút giữa rổn rang câu chữ, mà chúng biến thành thế giới tương hợp mới mẻ trong thơ. Nhiều bài thơ hay được cấu trúc theo trục lựa chọn với kiến trúc hiện đại, hình thức tự do, tổ chức câu thơ theo dòng tâm trạng, có khi vô thức, trực giác và vắt dòng theo nhịp cảm xúc thế sự, triết lý. Kết cấu theo nhịp thơ lỏng và chặt, đan xen, kiệm lời làm cho thế giới hình tượng lung linh, lạ hóa nhưng lại có sức năng động, bùng nổ bên trong, bên sau, bên xa của bề mặt câu chữ. Tôi gọi đó là thơ tạo nghĩa hay thơ ẩn dụ, thơ tượng trưng cũng thế.

HỒ THẾ HÀ


[1] Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội nhà văn, tr. 289.

No comments:

Post a Comment