Trang

Friday, January 27, 2012

KẺ VỚT TRĂNG BAO LẦN TRĂNG VỠ NÁT


VĂN NGHỆ – Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947. Quê quán Diễn Châu, Nghệ An. Đã xuất bản 20 tác phẩm thơ, trường ca, văn xuôi, phê bình tiểu luận và ca khúc. Giải thưởng văn học: Giải thưởng thơ Hội Văn Nghệ Nghệ An 1969, Báo Văn Nghệ, Nhân Dân, Văn Nghệ Quân Đội (1978), 2 giải thưởng VHNT Cố Đô (1989-1994, 1995-1999), Giải thưởng Hồ Xuân Hương và nhiều giải thưởng có giá trị khác.
Bức ảnh được Nguyễn Đình Toán mang đến tặng Nguyễn Trọng Tạo vào tối 12/11,
một ngày trước sự kiện ra mắt sách "Thơ và Trường ca".
Khi đó, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã rất bất ngờ và vui sướng.
Nguyễn Trọng Tạo là một phức thể. Tài năng của anh như viên ngọc lấp lánh nhiều sắc màu và khía cạnh. Trong thơ, nhạc và họa hay phê bình tiểu luận anh đều ghi được những ấn tượng đậm nét. Nhưng có lẽ hơn hết, anh là nhà thơ. Một nhà thơ xuất phát từ mạch nguồn trong trẻo của thơ ca dân gian, từ những truyền thống đẹp của thơ cách mạng đã vươn thẳng vào hiện đại, tìm ra một lối đi riêng sau rất nhiều tự vấn và trăn trở, sau rất nhiều khúc quanh của định mệnh.

Thơ Nguyễn Trọng Tạo bây giờ đã khác nhiều so với buổi khởi đầu hơn bốn mươi năm trước. Đó là cả một hành trình huyết lệ. Không hề đơn giản, thơ anh ngổn ngang những hình tượng và triết lý, nhiều tìm tòi trong hình thức thể hiện với ngôn từ giàu nhạc tính biến hóa, với lối ẩn dụ làm lóe sáng nhiều suy ngẫm và gợi liên tưởng. Nguyễn Trọng Tạo đã trở thành một nhà thơ vượt qua đề tài chiến tranh vốn dĩ là chủ đạo của thế hệ nhà thơ chống Mỹ, gặt hái được nhiều thành tựu trong sáng tác thời hậu chiến kể từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước đến nay. Anh là người dấn thân. Sự dấn thân đã mang đến cho anh sự kính trọng của độc giả và nhiều đồng nghiệp, nhưng cũng vì thế, anh gặp không ít cay đắng.
Tôi đặc biệt chú trọng đến bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo được viết năm 1981, khi đó anh mới ngoài ba mươi tuổi. Theo tôi bài thơ ấy đã trở thành một trong những bài thơ nổi bật của thập kỷ tám mươi thế kỷ trước. Ở đó ta gặp một giọng thơ mới mẻ, một cách nhìn và tái tạo cuộc sống không giống ai, đề cập đến một hiện thực đau đớn, trần trụi, phơi bày cái nghèo nàn, cái hoang mang, sự thất vọng và cả sự sụp đổ thần tượng một thời. Đó thực chất là một cách “nhìn thẳng vào sự thật”, một cách vượt thoát khỏi những dư tưởng thời chiến tranh, vượt thoát khỏi những giáo điều để đưa thơ vào thế tục. Đó là một sự đổi mới trong chất liệu thi ca, hé mở một con đường để thơ tiệm cận hiện thực. Với bài thơ này, Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa hơn những nhà thơ cùng thời và hé mở một con đường mới cho thi ca thời hậu chiến.
Có lần, trong căn phòng chật chội toàn sách là sách của anh trên tầng sáu của một khu chung cư cũ ở phố Phương Mai, tôi đã hỏi anh về hoàn cảnh sáng tác và số phận của bài thơ “Tản mạn thời tôi sống”. Nguyễn Trọng Tạo nhấp một ngụm rượu nhỏ. Anh lặng đi giây lát. Thoáng một chút buồn khi hồi ức trở về… Rồi anh kể: Bài thơ được viết nhanh trong một đêm ở khu tập thể Vân Hồ năm 1981. Như một kẻ lên đồng, anh đã miệt mài quên cả thời gian, quên cả chính mình. Câu chữ cứ thế tuôn chảy ra đầu ngọn bút. Viết một hơi, khi đặt dấu chấm hết cho bài thơ dài có dáng vẻ trường ca này, anh đọc lại thấy lòng như bàng hoàng. Bài thơ làm cho chính anh cũng thấy choáng váng. Biết rằng nó hay, nhưng sao trong lòng vẫn hết sức băn khoăn… Anh gọi người bạn thân cùng phòng là nhà thơ Nguyễn Hoa dậy. Hai người bạn pha trà, ngồi uống và cùng đọc lại bài thơ. Nguyễn Hoa nghe xong im lặng một lúc lâu ra chiều nghĩ ngợi rồi nói chậm rãi: “Hay… nhưng sợ rằng không in được đâu”.
Bài thơ sau đó được “xuất bản miệng” cho nhiều bạn hữu cùng nghe. Rất nhiều người đã gật đầu tán thưởng. Rồi như có một cơ duyên, nhà văn Hoàng Minh Châu đã quyết định cho in bài thơ này trên báo Văn Nghệ. Vừa in ra, dư luận đã râm ran. Trong văn giới và trong độc giả người ta truyền tay nhau đọc và bình luận. Nhưng sau đó không lâu là sự phản hồi từ một số người quản lý… Nguyễn Trọng Tạo bắt buộc phải tham gia những cuộc họp, phải bị kiểm điểm… Những định kiến lạ lùng bắt đầu giáng xuống chàng thi sỹ trẻ. Cuộc sống trở nên buồn bã, lạnh giá đến nỗi có lúc Nguyễn Trọng Tạo đã định kết thúc cuộc sống của mình bằng hai khẩu súng ngắn… Anh cầm khẩu súng trên tay, đớn đau với những oan khiên kỳ lạ của lòng mình… Những băn khoăn và se thắt dội lên trong cái khoảnh khắc ngặt nghèo ấy, và tình yêu cuộc sống bỗng dâng tràn cuộn xiết trong tim đã kịp kéo anh lại sự sống dù nó cùng cực, cay đắng đến tận cùng. Cuối cùng anh đã tra súng vào bao, mím môi lại, tự nhủ: “Mình không thể chạy trốn cuộc sống như thế này được. Mình không thể từ bỏ cuộc sống một cách vô lý như thế. Hãy tiếp tục sống và đón nhận tất cả”.
Rồi chính bè bạn, người thân đã an ủi, ủ ấm cho cuộc sống của anh. Lòng ngưỡng mộ lớn lao của lớp lớp độc giả từ khắp nơi đã làm cho anh có thêm niềm tin và sức mạnh. Sau đó, Nguyễn Trọng Tạo chấp nhận lệnh điều động vào công tác ở Nhà văn hóa quân khu Bốn, anh buộc phải bỏ dở việc học ở trường viết văn Nguyễn Du khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là tốt nghiệp. Đó là những ngày khởi đầu cho chuỗi gian lao của anh suốt mấy năm trời. Những đổ vỡ trong cuộc sống gia đình, rồi người em gái bị nhiễm độc máu khiến anh phải dồn hết sức lực xoay xở bằng mọi cách để có tiền chữa bệnh cho em. Cuối cùng Nguyễn Trọng Tạo đã vượt qua và tiếp tục có những sáng tác mới.
Sự nghiệp của Nguyễn Trọng Tạo được bồi đắp thêm những tầng vỉa văn hóa đặc sắc khi anh rời quân khu Bốn vào công tác ở Huế từ những năm cuối của thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Bước sang tuổi bốn mươi, Nguyễn Trọng Tạo làm một cuộc đổi mới quyết liệt nhằm lạ hóa thơ, biến đổi nhạc điệu câu thơ và tung ra những thủ pháp nghệ thuật khá độc đáo. Tập “Đồng dao cho người lớn” là một nỗ lực lớn của Nguyễn Trọng Tạo trong việc xác lập giọng điệu và thi pháp thơ của riêng mình. Người ta thấy cảm xúc của nhà thơ lặn sâu vào bên trong, câu thơ hoạt, chủ yếu sử dụng nhịp chẵn, ngắn và biến hóa liên tục, thủ pháp điệp và đảo ngữ sử dụng tự nhiên, điêu luyện, nhiều lúc đạt đến độ thần tình. Dù sự cách tân này dựa trên các loại thể đồng dao của dân gian, song cái đặc biệt của nó là ở chỗ tác giả một mặt vẫn giữ được nhạc tính tràn đầy, sự hồn nhiên trong biểu đạt, đồng thời vươn tới chiều sâu triết lý, gợi mở nhiều vấn đề nhân sinh thời hiện đại và mở ra những liên tưởng bao la với những câu thơ bừng lóe ánh sáng của một tâm hồn sáng tạo. Kỹ thuật sử dụng đảo ngữ biến đổi nhạc thơ, làm mới hình ảnh và ý tưởng thơ đã trở thành một đặc sản riêng của nguyễn Trọng Tạo trong tập thơ này. Và đúng như một số nhà nghiên cứu đã nói, đến “Đồng dao cho người lớn” Nguyễn Trọng Tạo đã hiện rõ một phong cách độc đáo trong bản đồ thơ Việt cuối thế kỷ hai mươi. Sự sáng tạo này còn được tiếp tục trong tập “Nương thân” sau đó. Dù vậy, tập thơ lúc đương thời đã không được đánh giá một cách xác đáng với những nỗ lực của tác giả.
Đời Nguyễn Trọng Tạo có nhiều nghịch lý. Chưa đến mười tuổi anh đã phải chứng kiến nỗi đau khi gia đình gặp nạn trong cải cách ruộng đất. Bố anh là một nhà nho thông tuệ, biết chữ Hán và chữ Pháp, hiểu văn chương đông tây, kim cổ, nhưng rồi đã bị thất thế và làm nghề thợ xây cho đến cuối đời. Nhà cửa và tài sản của gia đình anh gần như bị tịch thu hoàn toàn, chỉ còn lại mấy cuốn sách mà thôi. 14 tuổi, Nguyễn Trọng Tạo đã làm thơ sau khi đọc được cuốn sách viết về Hàn Mặc Tử và những câu thơ thần diệu của Hàn đã làm bật lóe lên tài năng thơ trong anh. Bài thơ đầu tiên thấm đẫm chất thơ mới và mãi gần ba mươi năm sau mới in được. Hồi nhỏ Nguyễn Trọng Tạo học giỏi cả văn và toán. Lẽ ra anh đã là học sinh chuyên toán của Nghệ An, nhưng rồi do địa phương (cố tình) làm thủ tục chậm mà anh phải học tiếp ở quê nhà. Khi thi tốt nghiệp cấp ba, anh được điểm cao nhưng lại bị đánh hỏng tốt nghiệp vì tội chép bài cho bạn…
Ai gặp Nguyễn Trọng Tạo cũng thấy mình được vui lây. Tính anh hòa đồng, giản dị và hết lòng với bạn bè. Người ta thấy anh hát, anh cười và trò chuyện, sẻ chia về chuyện đời, chuyện thơ. Anh dí dỏm và ít khi trầm tư. Giữa đám đông với lòng ngưỡng mộ của mọi người, anh càng thăng hoa biết mấy. Ít ai biết anh đã buồn cháy ruột cả một quãng đời thơ ấu. Cả một quãng trung niên đằng đẵng phải đối mặt với những oan khiên, những định kiến hẹp hòi, những nghĩ suy lạc hậu của một số người. Và rồi cả những nghèo nàn, cả đổ vỡ trong hạnh phúc riêng tư để lại xiết bao cay đắng. Những đêm sâu khó ngủ có khi anh giật mình trong nỗi cô đơn vây tỏa. Và chính trong tịch lặng cô đơn, trong gào réo của tâm tư, cuộn xiết của những ý nghĩ anh đã cặm cụi viết. Những tứ thơ bạo liệt, mới lạ đã xuất hiện trong những giờ khắc như lên đồng đó.
Khi gần như đã lên đến đỉnh cao sáng tạo của cuộc đời thì Nguyễn Trọng Tạo lại gặp bi kịch gia đình lần thứ hai. Cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước, anh từ giã Huế và trở lại Hà Nội một lần nữa. Hà Nội là bến đỗ đầu tiên và cũng là sự lựa chọn cuối cùng để anh sống và dựng xây sự nghiệp của mình. Anh tâm sự: “Hồi ở Huế ra, anh chỉ có năm triệu thôi, chính bạn bè đã cho anh vay để mua được căn hộ làm nơi ở ổn định mà sáng tác”. Nguyễn Trọng Tạo làm thơ, làm báo, viết nhạc và vẽ… Chỉ hơn một năm sau anh đã trả được nợ và cuộc sống tạm ổn. Anh lao vào công việc chung với tất cả nhiệt huyết. Nguyễn Trọng Tạo cùng bàn bạc với các nhà văn, nhà thơ có trách nhiệm cho ra đời báo Thơ. Đích thân anh trực tiếp lên maket, vẽ măng-sét, trình bày báo và làm Trưởng ban biệp tập, chọn lựa bài vở cho in. Nguyễn Trọng Tạo cũng là người tích cực cho sự ra đời của Ngày thơ Việt Nam rằm tháng Giêng hàng năm. Anh cũng là người vẽ lá Cờ Thơ đã trở thành một dấu ấn đáng nhớ trong đời sống văn chương.
Ngoài mảng thơ thế sự, Nguyễn Trọng Tạo rất mạnh ở mảng thơ tình. Anh có hàng trăm bài thơ tình, mà nhiều bài trong số đó được bạn đọc thuộc làu, ở các trường đại học sinh viên vẫn thường chép thơ anh trong sổ tay. Thơ tình của Nguyễn Trọng Tạo cũng có một hành trình biến đổi khá thú vị. Tuổi đầu đời mười chín hai mươi, thơ tình của anh trong trẻo, e ấp và càng ngày càng sung mãn, càng dữ dội. Điều lạ là khi đã qua tuổi sáu mươi anh vẫn giữ được men say và có những bài thơ tình mãnh liệt, thấm thía.
Ý thức đổi mới liên tục, không né tránh hiện thực là một phẩm chất quan trọng làm nên thành công và bản lĩnh trong sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo. Không chỉ đổi mới chính mình, liên tục hiện đại hóa thơ, Nguyễn Trọng Tạo cũng là một trong những người cổ vũ mạnh mẽ cho xu hướng cách tân thơ của các cây bút trẻ. Phần lớn các cây bút trẻ được dư luận chú ý trong vài chục năm nay đều coi Nguyễn Trọng Tạo như một người anh đáng quý bởi sự phát hiện, nâng đỡ tài năng của họ trong buổi chập chững đầu tiên. Tuy nhiên, Nguyễn Trọng Tạo cũng là người thấy rõ sự quá đà, rối rắm khi một số cây bút đã đi quá những giới hạn cần thiết, biến thơ thành một cái gì xa lạ và trái với truyền thống dân tộc. Đổi mới thơ là để làm cho thơ hay hơn, phù hợp với thời đại chứ không phải làm cho thơ thành một thứ dị biệt, xa lạ và bế tắc.
Nguyễn Trọng Tạo cũng được đánh giá là một nhạc sĩ có nhiều thành công ở các ca khúc trữ tình, đượm màu sắc dân ca. Đáng nói nhất là hai tác phẩm: “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê”. Những giai điệu ấy hồn hậu, da diết và lắng sâu biết mấy. Anh kể với tôi, anh học nhạc qua vài lớp ngắn hạn trong quân đội và chủ yếu là học truyền nghề qua một người anh, người thầy là nhạc sĩ Ngô Trí Thậm. Vậy mà rồi anh đã tự trau dồi, trở thành một nhạc sĩ có danh tiếng, những bài hát của anh vẫn liên tục được hàng triệu người nghe khắp mọi miền đất nước.
Càng có tuổi Nguyễn Trọng Tạo càng hay trở về quê. Anh bảo tình yêu quê hương càng lúc càng thẳm sâu hơn. Những lúc cô đơn anh thường trở về căn nhà nhỏ ở làng Tràng Khê, nơi anh đã sinh ra. Ở đó anh như được đối thoại với tuổi thơ xa thẳm, với linh hồn của làng quê đẹp và buồn, và anh như được gặp lại những trìu mến thân thương của những tình thân yêu máu mủ bao nhiêu đời dồn tụ lại. Anh thấy mình được an ủi, chở che, thấy lòng mình ấm áp. Nguyễn Trọng Tạo yêu quê và cũng được người quê yêu anh hết lòng. Ở Nghệ An, nhất là Diễn Châu, hầu như ai cũng biết đến Nguyễn Trọng Tạo. Ai cũng hát những bài hát của anh. Ai cũng tự hào quê hương mình có một con người tài hoa và nhân hậu đến thế.
Hà Nội 11-10-2011
Nhà văn THIÊN SƠN

No comments:

Post a Comment