Trang

Thursday, January 19, 2012

KHOANH TAY TRƯỚC CAO NGUYÊN ĐÁ


Bút ký của Miên Di

Tặng Những người địu khát giữ Nước.
                                                  
Tôi đeo ba-lô, tạm rời miền đất bazan ấm đỏ, rời những ánh mắt Gia rai khao khát bập bùng, rời chốn hiền linh với những lạch khe kỳ bí, rời cõi ngực đồi hồng hoang uể oải… Để leo lên cực Bắc của Tổ quốc. Nơi tôi chỉ mới được biết qua trang sách, mới chỉ được nghe âm hưởng sống u trầm qua tiếng khèn vi vút đam mê. Hồi hộp quá! Cao nguyên đá – Nỗi núi lạnh gì mà mây trắng quấn khăn ?

Anh tài xế tuổi trung niên, đã nửa đời ôm vô-lăng vậy mà coi bộ vẫn căng thẳng lắm. Chăm chú nhìn đường không dám nói, không dám cười, dù dọc đường đi các câu chuyện dí dỏm của đoàn nhà văn vốn chưa bao giờ hết rôm rả. Đối diện sự hiểm trở của của vùng Cao nguyên đá này thì đèo An Khê nổi tiếng ác hiểm của Tây nguyên bỗng trở nên hiền lành như một lời nói dối dễ thương.
Chiếc xe leo gần chạm Mèo Vạc thì trời đã sẩm chiều, nhìn đâu cũng xám. Tôi tưởng buổi chiều nhuộm không gian nơi đây thành cái mầu lạnh hơn cả khí trời này. Hóa ra, sáng hôm sau khi bình minh vẫn còn tơ hớ thì màu núi đã xám xịt đón tôi sát rạt ngay trước mặt - ngay sau cánh cửa căn phòng trọ tồi tàn. Tôi đón màu xanh của bầu trời bằng cách… ngửa cổ, núi xám ngạo nghễ đã cản tầm mắt người ta nhìn thấy chân trời.
Cả đoàn ăn sáng bằng bữa ăn ấm đượm khói bếp của cô hàng bánh cuốn người Mèo:
-          Cho xin quả ớt!
-          Đây ạ!
-          Nhưng đây không phải là ớt quả.
-          Ớt quả đấy ạ. Ớt nhà em đã xay cả ra rồi!
Ớt đã xay, và tôi cũng… say. Chuếnh choáng bởi va đâu cũng gặp thật tình.
*
Lại leo núi. Khát, ngửa cổ tu chai nước suối, một người bản địa đi theo đoàn chỉ vào cái “hồ treo” cạn trơ đáy. Bảo:
-     Nước đã khô từ vài tháng trước.
Thì ra, người dân ở đây chắt chiu nước từ trời bằng những cái hồ treo lưng chừng núi. Khi hồ cạn họ phải đeo nước từ dưới đáy vực. Trời ạ! Ơn quá những con người địu khát giữ Nước – mỗi tấc đất thiêng nơi đây còn trong bản đồ nước Việt đều phải địu ơn những con người đã nhịn khát giữ nước đến tận cùng cơ cực. Tôi chợt nghĩ đến mảnh đất bazan nơi đang cưu mang mình – nơi mà đất đỏ sau mỗi nhát cuốc cứ lộ ra như một miếng thịt nạc tươi rói, chỉ cần gieo là gặt, chỉ cần chặt là có… điều kiện thiên nhiên của Tây nguyên quá ưu đãi so với sự khắc nghiệt ở nơi đây. Vậy mà sao quê tôi vẫn nghèo, vẫn khắc khoải trong âm hưởng rừng những lời than vãn, thở than…? Khâm phục quá những người sống nơi miền Cao nguyên xám lạnh này, nhìn đâu cũng thấy đá, đến cỏ cũng phải rụi tàn khi mùa đông đi qua. Vậy mà, những con người ở đây vẫn rực rỡ, vẫn như những đóa hoa nở trong không gian xám lạnh u buồn.
Những ngày lang thang ở vùng đá khắc nghiệt này đã làm đầy thêm trong tôi những bài học còn dang dở... Nhìn núi sừng sững như một sự tuyệt vọng bao quanh, tôi chẳng tìm thấy một cơ hội nào để mình tồn tại nếu sống ở đây - toàn đá là đá, toàn vực là vực! Vậy mà những con người vẫn lặng lẽ vượt dốc khổ, để sống với núi, với đá, với ngô, với lạnh, với khát, với đói… Tôi chợt thấy những khó khăn của riêng mình trở nên quá bé nhỏ. Đám hoa Bạc hà hiếm hoi ven đường bỗng nở ý nhị về một niềm hạnh phúc giản đơn…
Ở Đồng Văn, lần đầu tiên tôi thấy một vị chủ tịch không hề… oai vệ. Anh giản dị với tấm áo dù đã cố chỉn chu nhưng vẫn không giấu nổi cái nghèo cứ lộ ra sờn sờn nơi vai áo, giọng nói khê mùi thuốc lào kể về đời sống ở đây, về “thành tích” tính bằng đầu dê, đầu lợn… Những con số kham khổ như căn phòng cố tươm tất để đón chúng tôi. Chỉ có sự ấm áp trong ánh mắt thì vẫn như một cốc trà nghi ngút khói, và nụ cười hiền hiền khoe những cái răng vàng xỉn vì thuốc lào. Người ở đây hiền quá, ấm áp quá! Hình như họ đã giấu cả dũng khí vào núi, cất nó đi như để dành nhúm đất, gieo nó vào kẽ núi như mầm ngô đầy sức sống… Khó khăn đã khiến con người kiên gan với sự khắc nghiệt, tất cả năng lượng sống phải để cho những điều cần thiết. Vì thế, giữa người và người ở đây hiền lành với nhau lắm – một sự hiền lành tha thiết mà… mãnh liệt
Ngôi trường nội trú nhỏ bé treo trên vách núi Sủng Máng. Các cháu đón chúng tôi bằng những… đôi mắt, những ánh mắt thao thiết như những cánh tay đang muốn níu lại một điều gì đấy sắp mất. Ở đây cái gì cũng cũ, chỉ có những đôi dép nhựa là… mới tinh một cách đồng loạt dưới chân các cháu. Tôi chợt hiểu, vì trường có khách nên chỉ có hôm nay các cháu mới mang dép để tiếp đón chúng tôi. Những đôi dép có lẽ chỉ vừa nếu được dùng từ vài năm trước, những đôi dép quá chật so với những bàn chân già dặn hơn thân thể, già dặn một cách khó hiểu, giống như không thuộc về các cháu vậy. Những bàn chân leo núi hàng ngày, những bàn chân kham khổ như lấy từ đâu đó lắp vội dưới những khuôn mặt hốc hác trẻ thơ…
Tôi ngả lưng nhờ trên giường của các cháu, những cái giường làm bằng vài tấm ván kê trên bốn cục đá, gối đầu trên tấm chăn bông được các cháu nâng niu xếp vuông vức đến độ cảm thấy nó như một… tài sản. Mà cũng đúng, ngoài tấm chăn bông, tìm mãi cũng chả có thứ gì đáng giá. Thầy hiệu trưởng buồn buồn tâm sự:
-          162 nghìn tiền trợ cấp chỉ đủ nuôi các cháu bằng mèn mén. Hôm nào có cơm là vui lắm rồi, giá như mỗi tuần các cháu được ăn một bữa thịt…
Gắp miếng thịt gà lên, mà tôi chợt nghẹn, chợt thấy mình… ác quá. Chúng tôi có làm gì được cho trường đâu. Vậy mà các thầy đã giết gà chiêu đãi. Miếng thịt này liệu bao năm rồi các cháu có được ăn không?
Tạm biệt Cao nguyên đá, tạm biệt phiên chợ phiên mà tôi mua được cái thật thà. Tạm biệt những đóa Người hiền minh nở trên vùng đời xám đá. Tạm biệt những cô gái giấu má hồng trong vẻ bẽn lẽn dễ thương. Tạm biệt những chàng trai đeo củi sưởi chúng tôi bằng những nụ cười. Tạm biệt cụ già người Mông ngồi bên xó núi thả cái nhìn tới được phía núi bên kia…
Và tạm biệt ngôi trường nhỏ bé. Chúng tôi không biết có để lại được gì vui gì cho các cháu không, mà khi rời đi thấy lòng trĩu nặng. Đứng trước đôi tay các cháu khoanh lại lễ phép chào tạm biệt. Bất giác tôi cũng… khoanh tay. Xin được lễ phép trước sức chịu đựng vô cùng của những đứa trẻ, trước những đôi mắt thao thiết như đang đói một vòng ôm…
Xin được khoanh tay trước Những Con Người Cao Hơn Cao Nguyên Đá - tôi đã biết - nỗi núi lạnh gì mà mây trắng quấn khăn.
MIÊN DI
(Bài đã đăng trên Tạp chí Nhà văn số mới nhất, tháng 2/2012)

No comments:

Post a Comment