Trang

Wednesday, January 18, 2012

NHÀ THƠ ĐOÀN VIỆT BẮC – MỘT SỐ PHẬN BỊ LÃNG QUÊN


Tôi đã nghe kể nhiều về anh, một con người có số phận kỳ lạ. Và trong những câu chuyện bạn bè kể, tôi vẫn ngẫm thấy một nỗi đắng đót, xót xa về một phận người dường như đã bị lãng quên trong thế giới này. Không giấu nổi sự tò mò và thương cảm, tôi đã đến thăm anh trong một buổi chiều cuối năm lạnh giá.
Ngôi nhà của Đoàn Việt Bắc nhỏ bé, lọt thỏm giữ khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) chen chúc người. Ẩm thấp. Mốc meo. Ngôi nhà không có bóng dáng của hiện tại, và tương lai, mà chỉ có những ẩn ức quằn quại của quá khứ xa xôi…
Tập thơ của Đoàn Việt Bắc

1.
Men theo ngõ Văn Chương, anh Đoàn Đình Thứ, anh trai của Đoàn Việt Bắc đưa tôi đến căn nhà nhỏ của anh. Mấy năm trước, trên mảnh đất này là một ngôi nhà đầy bụi và rác. Không điện nước. Không ánh sáng. Chỉ có một người đàn ông cô đơn ngồi lặng lẽ. Tranh vẽ xong vứt bừa bãi khắp sàn nhà và dưới gầm giường. Trên cánh cửa ải mục ghi dòng chữ: "Không tiếp khách".
Bây giờ Đoàn Việt Bắc đã có nhà mới. Gọi là nhà, nhưng xung quanh rêu mốc và ẩm thấp phủ kín. Ngôi nhà lúc nào cũng đóng cửa im lìm. Bấy lâu, Đoàn Việt Bắc không còn lang thang trên ngõ chợ Khâm Thiên và miệng lẩm nhẩm đọc thơ nữa. Anh trốn mình trong căn phòng, trốn cả những sự buồn vui ở đời. Mỗi ngày một hoặc hai lần nhà thơ Đoàn Đình Thứ lại phải mang cơm đến cho em.
Nhiều lúc đứng trước cánh cửa mục, Đoàn Đình Thứ không kìm được nước mắt. Anh kể, bà cụ (mẹ anh và Đoàn Việt Bắc) mất đã mấy năm. Đã tuổi ngoài 80, mỗi ngày cụ thường nấu cơm lọ mọ mang đến cho Đoàn Việt Bắc. Tận đến lúc sắp qua đời bà cụ vẫn còn lo lắng rồi đây không biết ai sẽ chăm sóc Đoàn Việt Bắc thay mình. Tôi đứng lặng người trước cánh cửa sắt lạnh lẽo. Đoàn Đình Thứ gọi to: "Cụ ơi, nhà có khách". Trước khi đi anh Thứ đã dặn tôi, phải gọi Đoàn Việt Bắc là cụ. Bởi lẽ Đoàn Việt Bắc đã thuộc về quá khứ. Đoàn Việt Bắc sửa soạn rất lâu, diện comple, đi giày, chỉnh tề. Anh Thứ bảo, lúc nào Đoàn Việt Bắc cũng vậy, vẫn giữ cái phong thái lịch lãm, giàu tự trọng của một nghệ sĩ.
Rồi anh  ra mở cửa, vẫn phong thái lịch lãm ấy, rót rượu mời tôi, "Chúc mừng tài đức". Đấy là câu nói cửa miệng của anh. Nhấp một chén rượu nhạt, Đoàn Việt Bắc trở nên hào hứng: "Cụ sẽ hát cho các me nghe bài Hoa Sa la nhé"…  Bài thơ anh làm khi chiến đấu ở biên giới Campuchia, một bài thơ tình tứ. Và câu chuyện với anh bắt đầu bằng những bài thơ anh viết chen lẫn ký ức rời rạc, nhớ quên.
Căn phòng tối, ẩm mốc, bừa bộn những hộp xốp, giấy và bút vẽ. Mọi thứ ở đây đều cũ kỹ rêu phong, như ký ức mờ xa của chủ nhân ngôi nhà này. Anh Đoàn Đình Thứ bảo, Đoàn Việt Bắc có ý thức dân chủ rất cao, không cho ai chạm vào đồ đạc của mình và cũng không lấy cái gì của ai bao giờ. Nên mọi thứ trong nhà dù bừa bộn như vậy nhưng không được dọn.
Đoàn Đình Thứ lần giở ký ức về người em đáng thương của mình. Đoàn Việt Bắc tên thật là Đoàn Đình Hảo, sinh năm 1949 tại Hải Yến, Phù Tiên, Hải Hưng (nay là Hưng Yên). Đoàn Việt Bắc đã có một thời thanh niên sôi nổi đầy nhiệt huyết, bởi anh sớm bộc lộ tư chất thiên bẩm của một nghệ sĩ, biết vẽ tranh, làm thơ từ khi còn đi học, từng được nhiều giải thưởng của miền Bắc thời bấy giờ.
18 tuổi, Đoàn Việt Bắc đã về làm phóng viên Báo Tuyên Quang dù lúc đó thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Rồi vác ba lô vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đó là những năm tháng chiến tranh ác liệt, mưa bom bão đạn, những cơn sốt rét ác tính hành hạ, và đau xót nhất là trận sập hầm ở biên giới Campuchia, anh bị chấn thương sọ não. Năm 1974, anh được đưa ra Bệnh viện Quân đội 91 Thái Nguyên. Đoàn Đình Thứ lặn lội lên thăm em, nhìn cái cảnh em bị nhốt trong căn phòng bê tông 9m2, anh không cầm lòng đựơc.
Với một niềm tin kỳ lạ trong lúc tuyệt vọng nhất, Đoàn Đình Thứ đã xin được vào sống cùng với người em trai tội nghiệp của mình. Hai ngày đêm, Đoàn Đình Thứ kiên trì gợi lại những kỷ niệm về gia đình, bạn bè, ký ức tuổi thơ và anh khẳng định, em mình chỉ bị một cú sốc nào đó chứ không bị điên hay tâm thần. Sau này lúc tỉnh táo, chính Đoàn Việt Bắc kể lại, anh và người bạn thân, Thái Vượng, đã có những hiểu lầm nhau ghê gớm và anh từng uống thuốc ngủ tự tử. Có lẽ đó là những va đập đầu tiên của cuộc sống dội vào tâm hồn nghệ sĩ mong manh, dễ tổn thương của anh.
Hiểu và thương em mình hơn ai hết, Đoàn Đình Thứ và gia đình, một năm ròng lặn lội lên Thái Nguyên, chăm sóc, thuốc men cho anh. Đầu năm 1975, sức khoẻ của Đoàn Việt Bắc đã gần như bình phục, anh trở lại cuộc sống đời thường và tiếp tục công việc của mình. Đoàn Việt Bắc trở thành sinh viên Đại học Mỹ thuật, Khoa Kiến trúc.
Và anh làm thơ. Thơ anh, bài Lá trung quân đã từng được giải B của Báo Văn nghệ (1976). Cái tên Đoàn Việt Bắc đã từng làm xôn xao giới viết trẻ miền Bắc hồi đó. Anh là một nhà thơ chiến sĩ, được chú ý từ những năm 60. Nhưng anh có duyên nợ với cả thơ và họa. Học xong, anh về làm họa sĩ thiết kế cho xưởng phim truyện Việt Nam, là một trong những họa sĩ thiết kế đầu tiên của hãng. Con người có đôi mắt hoang hoải đó từng là một họa sỹ thiết kế phim Hồi chuông màu da cam đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim Caclovy Vary tại Tiệp Khắc thập niên 80.
Chúng tôi lặng người trong những câu chuyện về anh. Bỗng Đoàn Việt Bắc phá tan không khí đó bằng một câu trầm hùng, nghiêm trang: "Nhà thơ Đoàn Việt Bắc nói chuyện thơ trước toàn dân vũ trụ". Rồi anh lại im lặng. Tôi bảo: "Cụ đọc một bài thơ mà cụ thích nhất đi". Đoàn Việt Bắc không nói gì, ánh mắt anh trở nên xa xăm. Rồi giọng anh vút lên, vỡ oà nỗi cô đơn dồn nén. Nỗi cô đơn chưa ai từng chạm tới trong tâm hồn giá lạnh của anh.
Chén rượu giao thừa anh uống một mình anh/ Rượu không uống buông tay rơi vỡ chén/ Trời và đất bỗng bùng bùng lửa bén/ Màu máu hồng loang đỏ cả chiều xuân. (Chén rượu giao thừa)
Tôi thấy mình gai lạnh, có lẽ đó là cách Đoàn Việt Bắc đang thưởng thức nỗi cô đơn của một con người bị bỏ quên nơi góc trời.
Chân dung Đoàn Việt Bắc
 

2. Anh cũng đã từng có một gia đình, vợ anh là họa sĩ Giáng Hằng. Họ có với nhau một cô con gái. Đó là những năm tháng chật vật của cuộc sống nhưng ấm áp hạnh phúc. Đoàn Việt Bắc vẫn luôn mang trong mình một ảo mộng, giấc mộng của người nghệ sĩ. Thế nên, trong đời sống anh không ít nhiều va vấp. Hồi đó, khi con gái vừa một tuổi, anh tham gia cùng nhóm họa sĩ Phan Kỳ Nam sang Lào 18 tháng làm bộ phim Cánh Đồng Chum. Hạnh phúc vừa mới chạm khẽ vào anh đã mang những vết rạn. Chị có những lý do riêng của mình và đã ra đi, từ đó đến nay vẫn bặt tin nơi trời Tây.
Cô con gái bây giờ đã lớn và trở thành họa sĩ, những bức tranh đầu tiên cô vẫn mang về treo trong nhà của bố mình. Nhưng con gái giờ cũng có cuộc sống riêng. Nỗi đau tan vỡ gia đình và những khủng hoảng về kinh tế thời đó đã làm Đoàn Việt Bắc suy sụp. Tâm hồn anh không đủ mạnh mẽ để chống chọi. Anh lại rơi vào trạng thái tỉnh mê. Cách đây 7 năm có một cô gái thương anh, tự nguyện về sống với anh. Cô gái chịu đựng mọi bất thường của anh để chỉ mong có một cuộc sống bình yên. Nhưng với Đoàn Việt Bắc, số phận sinh ra anh để hứng chịu trọn vẹn nỗi cô đơn của kiếp người.
Sống với nhau được một năm, có lần trong lúc không kiểm soát được mình, anh đã đánh chị bất tỉnh. Về sau chị mất. Trong đám tang chị, Đoàn Việt Bắc mang vành tang trắng của vợ và gào lên thảm thiết: "Trả lại vợ cho tôi", tiếng gào xé lòng tất cả mọi người chứng kiến. Nhưng mấy ai hiểu được nỗi đau của anh.
Nỗi cô đơn lại trả về với anh. Từ đó anh càng bị đọa đày trong bệnh tật, nghèo đói. Anh trở thành người không ai có thể hiểu được nữa.
Nhưng trong những cơn mê mê tỉnh tỉnh ấy, Đoàn Việt Bắc vẫn làm thơ, vẽ tranh. Những bài thơ mang khát vọng của một tâm hồn thi sĩ nhiều ẩn ức trước cuộc đời. Nhà thơ Ngô Văn Phú khi viết lời bạt cho tập thơ Lá trung quân của anh đã nhận xét: "Và thật là lạ, chính ở những phút mê mê, tỉnh tỉnh ấy, cảm xúc của anh đã gây men cho những câu thơ đầy vẻ lạ và có hồn".
Con bướm vàng lạc vào vườn hoa/ Anh lạc vào phiên chợ núi/Núi chao nghiêng trong tiếng khèn bè/Hoa mặt trời nở trên vồng ngực/… Em ném cho anh nỗi nhớ/ Quả bứa chua chua đến bất ngờ. (Phiên chợ núi). Và con người đã mê mê tỉnh tỉnh ấy vẫn yêu cái đẹp, cái đẹp được viết bằng ảo giác: Em im lặng nằm trong bóng lá/ Làn mi cong, thân thể trắng ngần/ Đôi môi đỏ, má màu hồng ngọc/ Mùa thu ơi, chớ ngủ quên (Mùa thu ơi, chớ ngủ quên). Tập thơ Lá trung quân của anh được bạn bè chuyền tay nhau đọc và không ít lời ngợi khen… "Bởi thơ anh vừa có họa, vừa có nhạc, có cả sự sâu lắng và thăng hoa".
Tôi ngồi lặng trước anh rất lâu, không dám chạm đến những ký ức đau buồn của anh. Anh có thể bất thường bất cứ lúc nào, với những nỗi đau tưởng chừng như đã ngủ quên. Anh ngồi lặng lẽ, ánh mắt hoang vu, bởi lẽ anh không thuộc về hiện tại. Tâm hồn anh, trái tim anh đã thuộc về một cõi khác. Nơi đó, nỗi đau hay niềm vui, không còn chạm tới anh.
Bạn bè tôi, những người yêu quý anh, đang dự định sẽ tổ chức một buổi đọc thơ của Đoàn Việt Bắc. Nhưng Đoàn Việt Bắc chẳng bận tâm đến điều đó nữa. Từ lâu anh đã trở thành người bí ẩn trong thế giới của riêng mình. Nhưng những bài thơ của anh, tôi tin, đâu chỉ thuộc về quá khứ…
Đoàn Việt Bắc đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, Campuchia và Tây Nguyên, thuộc Đoàn Quân khu Việt Bắc, Đoàn 222. Nhưng đến nay, anh vẫn chưa nhận được một chế độ nào. Do bị chấn thương sọ não từ trong chiến trường, nên nhiều giấy tờ, hồ sơ của Đoàn Việt Bắc đã bị thất lạc, chỉ còn lại tờ giấy chứng thương. Nhiều năm nay gia đình đã đi làm hồ sơ chế độ cho Đoàn Việt Bắc nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Đó cũng là một thiệt thòi cho Đoàn Việt Bắc khi anh đã cống hiến những năm tháng tuổi xuân của mình ở chiến trường và bị thương nặng trở về.

  Khánh Linh

No comments:

Post a Comment