Trang

Saturday, January 14, 2012

PHẠM XUÂN NGUYÊN – GÃ ĐẦU (THÌ) BẠC, LÒNG (LẠI) XANH


Có ai ở xa về, đi qua Viện văn 20 Lý Thái Tổ may mắn ra thì thấy một gã đầu bạc ngồi quán nước chè đầu ghế cạnh cổng cơ quan đang tán gẫu (viết theo giọng Vợ chồng A Phủ). Nói là “may mắn ra” bởi vì gã đầu bạc này chủ yếu làm việc ở nhà, chẳng mấy khi đến công sở, hoặc nếu không ở nhà thì thường đang đàn đúm quán xá nào đấy. Chuyện của gã đầu bạc này là những gì. Gã cứ nói, không cần ai nghe.

Nhà phê bình VH Phạm Xuân Nguyên
                             
Nhưng mà ai cũng lắng nghe. Gã bảo đúng hôm nay là ngày của năm 1963, tổng thống Mỹ John F.Kenedy bị ám sát tại bang Texas. Gã lại bảo ngày mai là ngày sinh của Lê Nin. Gã lại bảo cũng ngày mai, cách đây mấy chục năm, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ nói một câu bất hủ: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”…Đại loại, gã là người có trí nhớ đáng nể. Gặp đâu, ngồi đâu, gã cứ vanh vách điểm mục các sự kiện quá khứ cùng ngày. Để làm gì? Chẳng để làm gì. Nhưng cũng vui vui. Hay có thể cũng để làm gì lắm chứ. Nó giúp ta phục hồi ký ức, mà ký ức nếu để ngủ lâu dễ bị xóa trắng. 

Trong một thời đại chóng quên hôm nay, đôi khi những điểm danh ký ức như gã đầu bạc lại thành một món thú vị ra trò. Rồi gã lại tủm tỉm đọc vè, tức là những bài vè dân gian đương đại, nói về đủ thứ chuyện trên đời, có thể do gã chế, hoặc cũng có thể do gã nghe ai đó rồi nhớ nằm lòng. Về cái trí nhớ những bài vè kiểu này, ở Việt Nam ta chỉ có hai người vô địch: nhà thơ Nguyễn Duy và gã. Tôi đã có lần ngồi gần suốt đêm nghe Nguyễn Duy trình diễn vè, hết đọc lại hát theo giọng xẩm. Rất buồn cười. Vô cùng sâu sắc và thông tuệ. Chớ ai lại dại dột coi thường cái món vè này. Nó là hàn thử biểu của thời cuộc đấy. Lâu lâu gặp gã, sướng nhất là lại được nghe gã diễn vè. Mà không chỉ có vè đâu. Gã còn hát nhạc chế. Đủ thứ bài. Cái giọng trọ trẹ xứ Nghệ khàn khàn như giọng thằng hết hơi của gã xướng lên nghe mà cười đến vãi ra nước mắt.
Gã là Phạm Xuân Nguyên – Nghiên cứu viên Viện Văn học. Nơi đây, lưu truyền một câu: Viện văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình. Chả là thế này, làm anh nghiên cứu, nếu là dân nghiên cứu tự do thì thôi, chứ anh đã đầu quân vào cơ quan, mà lại là cơ quan Viện, thì ai ai cũng phải đi học để có tí học vị gọi là, cốt cho nó chính danh. Âu cũng là lẽ thông thường. Đằng này gã đầu bạc không tha thiết, không sống chết cái việc này lắm. Thấy bảo cũng đã có lần đăng ký đi làm nghiên cứu sinh, sau có cái trục trặc nho nhỏ gì đấy, thế là tức mình (chẳng biết có tức mình thật không) đ…thèm làm nữa. 

Cả Viện người ta tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, mèng ra với cánh trẻ, chúng cũng thạc sĩ hết cả. Ấy thế mà gã đầu bạc này chỉ có mỗi học vị…cử nhân. Gã chả bao giờ lấy làm chạnh lòng. Ai trong Viện bảo vệ Luận án, gã cũng ôm hoa đi dự. Với bạn bè, đàn em bên ngoài cũng thế. Khi gặp gỡ nhau trong đám đông, gã thường giới thiệu đầy đủ mũ mãng cân đai của mọi người như một việc cần phải thế. Với gã, có hay không có học hàm học vị không hẳn là quan trọng, cái quan trọng nhất là cái đầu của mỗi người, hay nói một cách nghiêm chỉnh là năng lực thực của mỗi người. Cử nhân như gã mà lại được tin cậy giao cho cái chức trưởng phòng Văn học so sánh. Cử nhân như gã mà thông thạo mấy ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp. Cử nhân như gã mà lại dịch không ít các tác phẩm quan trọng, khi thì tiểu luận, khi tiểu thuyết, khi là công trình nghiên cứu, đều đẳng cấp cả; ví như các tiểu thuyết Sự bất tử, Chậm rãi, Bản nguyên của Milan Kundera, Người tình Sputnik của Murakami Haruki; chuyên luận Hoàn cảnh hậu hiện đại của Franςois Lyotard. Gã lại góp mặt khá đều các bài tiểu luận phê bình. Tuy nhiên, tính cho đến bây giờ, phần đóng góp đáng kể nhất trong sự nghiệp của Phạm Xuân Nguyên vào đời sống văn chương vẫn chính là phần dịch thuật kể trên. Gã không học hàm học vị. Gã siêu thoát về điều ấy. Không như ai đó, không có bằng cấp, nỗi cay cú lắm khi không kiểm soát được, thường cứ lại cứ xùy ra chỗ này chỗ nọ. Khổ thế. Dĩ nhiên, ai chả biết, trong đám học hàm học vị, nhiều người chữ nghĩa nào có ra gì…

Chẳng biết ai là người đặt câu vè đó đầu tiên? Hay cũng có thể là chính gã cũng nên. Gã là người rất biết tự trào. Người biết tự trào là người có bản lĩnh. Và tự tin. Nếu không có hai phẩm chất này, chắc chắn không thể có khả năng tự cười cợt chính mình. Thậm chí ngược lại, dễ biến thành …ông quan trọng. Gã đầu bạc này chưa bao giờ thấy mình quan trọng. Gã đi lẫn vào với mọi người. Gã trêu người nọ, gã chọc người kia, gã giễu vào cái chất Nghệ của mình, của xứ mình. Gã cứ…nhơn nhơn. Vui thế. Ấy thế mà có người lại bảo: lúc nó tự nhạo mình là lúc nó kiêu ngầm lắm đấy. Ừ thì cũng có thể. Người ta phải có cái gì thì mới kiêu được chứ. Anh chỉ có nước lã thôi làm sao kiêu được  rượu ngon.

 Ba gã đầu bạc
Thế là cái gã đầu bạc này la cà hết với người này người nọ. Người sang kẻ tiện. Người trong nước lẫn người ngoài nước. Người bên Á lẫn người bên Tây. Kẻ lên lão lẫn đứa đầu xanh. Từ phụ nữ cao niên trung niên cho đến…thấp niên mắt xanh mày biếc. Tất tật. Nhưng để ý mà xem, bạn giao du của Phạm Xuân Nguyên chỉ toàn là giới trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí, giới sinh viên thôi. Nếu gã đầu bạc này nhận lời đi nhậu cho đủ các nơi mời trong một ngày, những chỉ có đi không thôi cũng đủ phát ốm. Toàn những chỗ thân quý. Với gã, chỗ nào mà chả thân quý. Gã phải đi. Phải gặp. Cho dù gặp một chút thôi. Thế là gã đến chỗ này, uống một chén rượu tán vài ba câu, nhắc lại vài sự kiện trong quá khứ, rồi gã bảo lại phải đi, chỗ ấy chỗ nọ nó hẹn, mà nó ở tận bên Đức về, nó ở Sài Gòn nó ra, nên không thể. Thỉnh thoảng nghe trong điện thoại vọng ra tiếng em gái véo von, thế mà gã lại bảo thằng bạn hẹn. Cái cười tủm tỉm trên gương mặt gã đang tố cáo gã…nói điêu. Đại loại thế. Nếu là em thì càng mừng cho gã chứ sao. 

Ở độc thân đã có dễ đến chục năm rồi còn gì…Có người nói vui, nếu gã là đàn bà, dễ thường chửa hoang liên tục. Hí hí. Có người giải thích: gã bị vợ bỏ cũng là vì lý do gã vui chơi bát ngát. Gã không phải tạng con người của gia đình. Gã chẳng những vô tích sự với gia đình đã đành, mà gã còn làm khổ gia đình. Ngày đang còn yên ấm, khiếp, căn phòng tập thể làm chỗ ở của gia đình gã, vốn đã chật chội, mùi thức ăn, mùi bếp dầu, mùi nước đái trẻ con cứ váng cả đầu, ấy thế mà lúc nào cũng thấy mấy ông ngồi lù lù uống rượu, hút thuốc lào, người hôi như cú, toàn nói chuyện trên giời. Có lần tôi đến thăm, chứng kiến cái cảnh ấy, không nỡ làm cho cái căn phòng ấy thêm “hỏa lò” nữa,  tôi đành cáo vội. Thế thì vợ con nào nó chịu được cơ chứ. Thôi thì, nói theo cách nói thường ngày, cái số gã bị Giời đầy, có muốn tránh cũng không tránh được. Người ta thì vượng cái cung điền trạch, cung phu thê hay ho biết mấy, còn gã chỉ được vượng mỗi cái cung bằng hữu. Sướng khổ cũng từ đấy mà ra cả.
Thế là gã lại nhận đủ thứ việc người ta nhờ. Chơi với người ta đâm ra nể. Mà đã nể thì khi người ta nhờ đâu dám chối từ. Gã nhận viết một bài về quyển sách mới ra. Gã nhận làm một bài bình luận cho trận bóng đá đêm hôm trước. Gã nhận viết một lời giới thiệu để in trang đầu cho tập sách sắp xuất bản. Gã lại nhận làm MC cho một số cuộc gặp gỡ, ra sách, tọa đàm. Gã rối rít nhận lời đi Hà Giang, Mù Căng Chải, Phú Yên, Cà Mau Đất Mũi…Nghĩa là nhận búa xua. Hứa búa xua. Mà rất thật lòng. Gã yêu quý mọi người mà. Gã không có khả năng chối từ. Gã lại ham chơi. Nhưng than ôi, sức người có hạn, làm sao mà cùng một quãng thời gian ngắn như vậy gã thực hiện được ngần ấy cái hẹn. Thế là gã thất hứa, gã ỡm ờ thoát hiểm, gã tạt chỗ nọ ghé chỗ kia cho có mặt, gã đành đánh bài chuồn. Những người được gã nhận lời ban đầu còn mời mọc, nhờ cậy, sau đó thì giục giã, nài nỉ, rồi trách móc, rồi hờn giận, thậm chí cáu kỉnh…

Thế mà lạ thay, chẳng ai giận gã được lâu. Cũng đến cười trừ với nhau là xong chứ gì. Tính gã thế. Ai may mắn thì được gã hoàn thành đúng hẹn. Còn ai vô duyên với gã thì thôi thành bó tay. Ai nỡ trách một người nhiệt tâm đến thế, thành thực đến thế. Lắm khi, thấy gã cứ lúng ba lúng búng thanh minh thanh nga đủ thứ đến là buồn cười. Nhận cho lắm vào rồi thì thất hứa. Hix. Như một đứa trẻ hồn nhiên đoảng tính trong một gã đầu bạc. Gã đầu thì bạc, lòng lại cứ xanh. Nhưng mà cứ nhìn vào khối lượng những gì gã đã làm được, kẻ thân người sơ với gã đều nắc nỏm: không hiểu gã này làm việc vào lúc nào mà gớm nhỉ?...
Cái ngày gã mới bị vợ bỏ, con gái thì đang du học ở xa, mà Tết thì đã tới, thấy gã không về quê, ở lại một mình, tôi mới mời gã: bất kể lúc nào, xuống nhà tôi ăn Tết cho vui (tôi không dám nói cho đỡ buồn). Mời gã với cái ý sợ gã ngại đi chơi thăm bạn bè dịp Tết do kiêng kỵ, kiêng cái chuyện đi ăn Tết nhà bạn đầu năm dễ bị rông cả năm, hoặc có thể kiêng bởi ngộ nhỡ biết đâu người ta lo cái người bị vợ bỏ này đến chơi đem theo cái rủi đến nhà người ta. Tôi chả nghĩ thế. Tôi mời thực lòng. Gã bạc đầu cười cười cảm ơn, bảo sẽ xuống. Rồi Tết ấy gã cũng xuống thật. Nhưng gã không đi một mình. Gã rủ cả ông Trần Thiện Đạo từ bên Pháp về ăn Tết ở Hà Nội xuống cùng. Bữa rượu hôm ấy vui…như Tết. 

Tôi không dám hỏi gã ăn Tết thế nào. Tôi chỉ dám hỏi thăm con gái gã. Lúc ấy cháu đang du học bên Hàn quốc. Gã yêu con gái lắm. Thỉnh thoảng gặp nhau, không hỏi thì thôi, chứ hỏi là gã khoe con gái đoạt học bổng du học này nọ, con gái vừa dịch và đã ký hợp đồng xuất bản tập sách, con gái có nơi mời về làm việc. Vậy là con gái đã kiếm được tiền rồi đấy nhỉ. Nếu tốt duyên, nó sắp bắt gã lên… “anh ngoại” đến nơi rồi! Nó có thể còn hôn nhân trước bố.
Thỉnh thoảng gặp nhau, hỏi khi nào cho nhau ăn cỗ, gã lại cười cười. Có hôm, gặp gã trong một buổi sinh hoạt văn chương nào đó, thấy có một em đi cùng xinh ra phết. Cứ tưởng đấy là…Nhưng mấy hôm sau, gặp ở chỗ khác, lại có một em khác. Cũng xinh. Nhưng mãi vẫn chả thấy gì.
Năm nay gã đầu bạc lại một mình ăn Tết.                                                                               ---
Ngày Chúa Giáng sinh, 2011
PGS TS VĂN GIÁ(Bản gốc tác giả gửi)
Đã đăng báo: Lao động và xã hội

No comments:

Post a Comment