Trang

Monday, January 30, 2012

TẠ DUY ANH – MỐI TÌNH ĐẦU VĂN CHƯƠNG CỦA TÔI


Sang năm học thứ ba của một lớp trung cấp kỹ thuật nhưng chúng tôi vẫn chưa biết chuyên môn của mình là gì. Vẫn chủ yếu là học để lấp chỗ trống về thời gian. Những ông thầy dạy chúng tôi giống như đi đánh quả. Mà họ đánh quả thật. Một ông thầy như vậy đã lừa tôi để lấy cái ô phiếu vải 5 mét, bằng một miếng vải chỉ đáng làm giẻ lau. Giá như thầy biết cuộc đời còn dài và khó mà không gặp lại nhau, có lẽ thầy đã chẳng làm thế. Tất cả những người rắp tâm lừa đảo đều không bao giờ nghĩ xa quá một ngày. Nhưng tôi đã tha thứ ngay cho thầy khi biết mình bị lừa.
Vì chỉ lêu têu chơi nên chúng tôi làm đủ thứ việc vớ vẩn. Vài đứa bị đuổi học do ăn cắp và bắn súng trong khi gác đêm. Nhiều đứa khác đi lừa đảo những cô gái lỡ thì ở các lớp khác, lôi lên đồi làm tình sau khi bí mật bố trí cho cả bọn xem, rồi đá ngay sau đó.
 Chả đứa nào còn nuôi hy vọng đi Tây, chỉ mong sao nhanh ra trường để khỏi phải đói dài. Cuối cùng, có lẽ sợ chúng tôi phá quấy và thời gian học cũng đã hết, nhà trường quyết định cho chúng tôi lên công trường thực tập. Chúng tôi đều rất háo hức. Chưa biết tốt xấu thế nào nhưng ít ra thì cũng đổi không khí. Cụ Thứ được cử đi theo để trông nom. Với ngần ấy suất ăn, chúng tôi phải có nghĩa vụ nuôi một con lợn giúp nhà trường. Những đứa có gia đình ở thị xã hay ở công trường thì được về nhà, còn lại khoảng hơn ba mươi đứa chúng tôi bị tống vào ở tại khu nhà của thợ đóng gạch đã bỏ hoang khá lâu, giữa một bãi cát.
Ngôi nhà cấp bốn, xây bằng gạch non, lợp ngói proximang, nền nhà loang lổ những đống than củi. Chắc là vết tích những bếp nấu ăn của thợ đóng gạch. Tất cả các bức tường đều thủng lỗ trỗ, nhiều vết bằng cái chiếu một. Có cả thảy sáu gian, ngăn đôi cũng bằng bức tường thủng. Nữ một bên, nam một bên. Cứ tối đến là phần lớn bọn con trai đi tìm trò tiêu khiển giết thời gian. Đứa thì đi tìm gái điếm, đứa thì đi tán tỉnh các em bên thị xã, đứa thì đi chơi bạc...
Sau bữa cơm chiều ăn quếnh quáng, hầu như lúc nào cũng chỉ còn cụ Thứ và tôi ở nhà gác miếu. Cụ Thứ nằm trên tấm phản có kê gạch, cạnh những bao gạo, phía bên ngoài ngay sát vách là con lợn. Tuy không rời vị trí nhưng bọn con trai vẫn có cách để qua mắt cụ Thứ, xúc trộm gạo đem đi bán, khiến cụ rất bực tức nhưng đành chịu. Thỉnh thoảng cụ chỉ biết ca thán với tôi. Mấy hôm đầu tôi ngồi nghe. Về sau tôi không để tâm nên cụ thôi không kể nữa.
Bỗng dưng tôi muốn viết một cái gì đó. Ý nghĩ này đến bất ngờ nhưng nóng bỏng. Thế là đầu óc tôi cứ luẩn quẩn về điều đó khiến tôi mất hết tập trung cho việc khác. Tôi đi đi lại lại, hết nhìn ra bãi cát lại nhìn cụ Thứ ngồi nhổ râu bên đống gạo to lù lù. Có lúc tôi cảm thấy rõ một sự bức bối nhưng không thể gọi tên nó là cái gì. Nó giống như con chim tức cổ muốn gáy nhưng cứ vướng cái gì đó chưa thể bật tiếng được. Bao nhiêu nỗi buồn đau tích tụ, nay tôi muốn trút vào chữ nghĩa. Hình như chỉ có chữ nghĩa là chứa được những tâm sự của tôi.
Cuối cùng, bỗng vào một buổi tối trời rét, dưới ngọn đèn dầu ma-zút tù mù, đen kịt khói, với chiếc hòm mìn kê làm bàn, tôi đặt bút viết những chữ đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của mình. Tôi đã từng nói ở đâu đó tôi viết truyện từ năm học lớp tám, khi làm một bài văn có cái đề mở hiếm hoi hồi ấy: "Kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong đời mình". Tôi đã bịa ra chuyện tôi bị bom Mỹ vùi và một đứa con gái mà tôi vẫn coi thường, đã bới đất cứu tôi khiến tôi vô cùng ân hận vì đã nghĩ sai về nó. Bài văn đó của tôi được cô cho điểm 7, điểm cao nhất lớp lần ấy và là điểm văn cao nhất trong suốt những năm học cấp ba của tôi. Cho dù nó có dáng dấp một truyện ngắn nhưng đó cũng chỉ là bài văn, tôi làm do tình thế bắt buộc. Còn lần này tôi hoàn toàn ý thức mình viết truyện, tức là bịa ra một câu chuyện y như thật.
Muốn vậy thì từ nhân vật, không gian, thời gian, diễn biến những vụ việc đều phải do mình tưởng tượng. Đầu tiên là nhân vật. Mình phải hình dung ra họ, rồi gán cho nó những đường nét về hình thức, những hành động mà nó sẽ thể hiện. Lần đầu tiên tôi thấy mình có khả năng tạo ra trong đầu bất cứ thứ gì mình muốn mà không mấy khó khăn. Thích nhất là nhân vật thế nào, nói năng, đi lại ra sao, đẹp hay xấu... đều do mình quyết định.
Truyện ngắn đầu tiên của tôi hình thành như vậy. Nội dung kể về một anh công nhân lái máy xúc có tài, có đức nhưng chuyên bị ông đội trưởng tên là Thuyết trù úm, do ông này có thói quen thích được nghe nịnh, mà anh công nhân kia thì không bao giờ nịnh ai. Anh công nhân kia liên tục bị hại, kể cả bị bỏ đinh vào trong chiếc máy mà anh ta xung phong sửa chữa, khiến chiếc máy bị hỏng nặng thêm và vì thế mà người ta quy cho anh tội phá bĩnh. Anh bị kỷ luật, chỉ cho làm những công việc vớ vẩn như quét dọn, lau máy... trong khi xí nghiệp lại rất thiếu những thợ máy giỏi. Cuối cùng có nhân vật tôi là kỹ sư, tên Thắng (hàm ý sự chiến thắng của lẽ phải), là người mới đến nhận công tác, vượt qua được mọi định kiến và vì thế mà được anh công nhân lái máy chia sẻ.
Nhân vật tôi hiểu ra bản chất thật của từng con người, bèn đưa vụ việc lên giám đốc. Giám đốc vốn cả tin cấp dưới, hơi quan liêu, nghe một chiều nên cũng nghĩ oan về anh lái máy xúc. Nhưng vì bản chất ông là người tốt (lãnh đạo luôn phải là người tốt, người sáng tác phải chấp nhận nguyên tắc đó) nên khi nghe thủng câu chuyện thì nhanh chóng đứng về phía lẽ phải. Tôi kết thúc truyện bằng cách để cho nhân vật lái máy xúc được minh oan, được tiếp tục công việc của mình cho đến khi chiếc máy xúc hỏng nhiều năm nổ máy giòn rã trong tiếng vỗ tay của hàng trăm người.
Tôi viết một cách mê mải, theo mạch chuyện mà mình bịa ra, trên loại giấy xé từ sổ ghi nhật ký công trường, nét chữ nhỏ li ti để tiết kiệm. Tôi viết lần thứ nhất, coi như bản nháp. Sang lần thứ hai trôi chảy và... hoàn chỉnh hơn hẳn. Chính tôi cũng không ngờ là tại sao bỗng dưng mình lại bịa được một câu chuyện có đầu có cuối như vậy. Nhiều từ, nhiều thuật ngữ chuyên môn liên quan đến máy móc, đến miêu tả tình cảm, mô tả công việc... hàng ngày tôi ít nghĩ đến, thậm chí có nặn óc cũng không tìm thấy, vậy mà khi viết cứ tuồn tuột ở đâu tuôn ra, không sao hãm được. Chỉ có thể dùng từ ào ạt mới diễn tả được chút ít. Những trang giấy kín đặc chữ, thứ chữ nghiêng đều, không hề có chữ nào bị gạch xoá. Bởi vì ngay cả khi viết gần hết trang mà có chữ nào bị xoá, lập tức tôi bỏ đi bằng cách chép lại từ đầu. Thói quen và có lẽ cũng là "tính xấu" này tôi duy trì cho đến năm 2004, trước khi chuyển sang dùng máy tính.
Đến đêm thứ mấy tôi không nhớ, sau khi hạ câu kết và thấy hài lòng, tôi viết ngay cái tên Tạ Duy Anh xuống bên dưới mà không hề có tí ti chủ định trước mình sẽ mang một cái bút danh như vậy. Nghĩa là cách đó vài giây tôi chưa hề nghĩ đến cái tên đó. Tôi là Tạ Viết Đãng, sau đó cô giáo Hương sửa thành Tạ Duy Đãng như tôi đã kể. Nhưng chính vì cái chữ DUY đó mà tôi khốn khổ với đủ các loại giấy tờ nên quyết định dùng lại tên bố mẹ đặt cho. Bố tôi không coi trọng hình thức, cực kỳ đơn giản hoá mọi thứ, kể cả những thứ linh thiêng - hậu quả của tinh thần duy vật tuyệt đối - nên đặt tên con vô cùng tuỳ tiện (Mới đây, tình cờ đọc cuốn sách của Phùng Hữu Lan, tôi phát hiện ra nghĩa của từ "đãng" là trừ hại, một phát hiện tình cờ nhưng khiến tôi thích thú và càng tin vào định mệnh!). Tên chị gái tôi còn khó gọi hơn và khiến tuổi thơ của chị đẫm nước mắt. Tuy không khó lắm nhưng hầu như không mấy ai lần đầu gọi đúng tên tôi. Hoặc là Đăng, hoặc là Dũng chứ không mấy khi là Đãng. Điều đó sau này làm nên một tấn bi hài kịch văn chương khiến tôi suýt tàn đời mà tôi sẽ kể sau.
Trở lại với cái tên Tạ Duy Anh. Chính tôi cũng bất ngờ với bút danh từ trời rơi xuống ấy. Bình thường khi nhà văn dùng bút danh, họ sẽ chiết tự để nó có nghĩa bóng, nghĩa ẩn nào đó. Có người ghép hai địa danh gắn với đời họ, với kỷ niệm của họ. Có người lấy tên con, tên người tình đầu tiên, tên quê hương hoặc tên loài cây nào đó... Riêng tôi, cái tên Tạ Duy Anh không được cấu tạo từ bất cứ chủ ý nào. Nó như câu cuối cùng của truyện mà phải viết nốt mới xong. Sau này có người cứ hỏi về ý nghĩa của nó, tôi trả lời cho xong là "Duy chỉ có mình anh". Nhiều người tin như vậy, tức là họ tin tôi đặt bút danh với hàm ý ấy, tôi cũng không thanh minh. Nhưng sự thật thì hoàn toàn không phải như vậy. Trời đã tặng tôi cái tên đó mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào, không giải nghĩa cho tôi biết.
Đọc lại vài lần, ngắm nghía cái tên kỳ lạ do chính mình viết xuống bên dưới, tôi như sống ở thế giới khác. Nó có vẻ cũng hợp lý về âm và tự dạng. Tuy thế, tôi cứ hay cười một mình, tâm trạng vô cùng phấn khích. Sau đó tôi xin giấy bìa về, tự tạo một chiếc phong bì to, rồi nhét bản thảo độc bản vào (ngày đó chưa có photocopy mà tôi thì viết tay), đề gửi cho báo Lao Động, 51, Hàng Bồ, Hà Nội. Ngay cả việc tôi chọn báo Lao Động cũng như có ai xui. Bởi đó là lựa chọn mang tính số phận và vô cùng chính xác, như sau này tôi nghiệm thấy. Xong, tôi mang ra bưu điện ở phố Đúng, đưa thẳng cho chị nhân viên mà không nhét vào thùng thư. Chị nhân viên, sau này thành quen, lật ngược lật xuôi, thấy ghi gửi báo thì cảnh giác hỏi: "Viết gì thế?". Tôi đáp nhỏ: "Em viết truyện". Chị bưu điện nhìn tôi như xem tôi là ai mà dám viết truyện. Rồi chị bảo tôi ghi ở góc phải, phía trên phong bì hàng chữ: "Bài gửi đăng báo" để không phải dán tem.
Khi chị nhân viên đóng cái dấu vào phong bì, tôi thấy tim mình đập rộn ràng. Cứ y như tôi sắp được cấp vé để lên một con tàu số phận du hành sang một cuộc đời khác. Hoặc cũng có thể chị ta thay mặt thần số phận đóng dấu vào cuộc đời mình. Tôi tần ngần đứng nhìn chị một lát rồi quả quyết quay ra.
Tôi đi thẳng về nhà, chui vào chăn vì sợ mình đổi ý không gửi nữa. Đó là tháng 12-1980, trời đang là mùa đông và tôi vừa sinh nhật lần thứ hai mốt! Tôi nằm và nghĩ miên man, càng nghĩ càng cảm thấy mình vừa làm một việc quá liều. Rồi thì người ta cười cho thối mũi ra. Sao tôi lại hấp tấp gửi ngay mà không cân nhắc thêm. Giờ thì mọi chuyện đã muộn. Tất nhiên tôi sẽ giữ bí mật, nên mọi việc chỉ mình tôi biết. Dù thế tôi cứ thấy một nỗi xấu hổ ngấm ngầm. Nhất định ở tòa soạn báo người ta sẽ lôi truyện của tôi ra rồi đọc cho nhau nghe và cười ầm lên. Lại còn cũng bút danh bút diếc, lố lăng quá. Rồi người ta cho vào đống giấy lộn, chờ đem bán cân. Như thế cũng đáng. Tôi chỉ muốn chuyến thư đó bị trục trặc gì đó và chiếc phong bì của tôi không bao giờ đến địa chỉ tôi gửi. Hoặc nếu đến rồi thì vì hỏa hoạn hay gì đó nó bị cháy thành than trước khi có ai đó giở ra.
Tuy rất bi quan như vậy nhưng có điều gì đó không thể cưỡng được cứ khiến có lúc lòng tôi tràn ngập niềm hy vọng. Hy vọng rồi thất vọng, lại hy vọng... cứ vậy tôi sống trong tâm trạng vô cùng bất an, có lúc hoảng loạn. Chẳng hạn như trưa hôm đó, tôi thấy có một chiếc xe con cứ nhằm vào chỗ tôi ở mà tiến. Tim tôi bỗng dội lên khi nghĩ, rất có thể tòa soạn cử người về gặp tôi để xác minh (hoặc đón đi!). Ý nghĩ đó hóa ra có sức đeo bám rất dai dẳng. Nó vừa khiến tôi sợ, vừa hướng tôi đến một tương lai đầy ánh sáng! Cái viễn cảnh mình là nhà văn có sức hấp dẫn vô cùng ma mị với tôi cho dù suốt hồi bé tôi không thích nghề văn vì thấy nó vô dụng. Và tôi âm thầm chờ tới ngày đó, kể cả khi bản thảo cứ biệt vô âm tín. Tức là ra đi không để lại tăm dạng. Nếu bình thường thể nào tòa soạn cũng phải hồi âm cho tôi. Đằng này không có lấy một dòng. Nhưng có lúc tôi lại nghĩ, khéo mà mọi lo lắng của mình chỉ là hão huyền vì chẳng có ma nào sờ đến cái phong bì đầy dấu ấn công trường ấy. Cả nước có hơn chục tờ báo, trong khi tới hàng ngàn hàng vạn người viết, phải xếp hàng nhiều năm mới đến lượt, họ cần gì phải đăng truyện của kẻ viết còn sai chính tả như tôi. Đầu óc tôi có lúc như đặc lại một màu đen tối. Rồi tôi lại thấy nó bừng lên thứ ánh sáng hy vọng vô cùng ngoan cố.
Trong khi phấp phỏng chờ đợi trong bí mật điều kỳ diệu xảy ra, tôi vẫn tiếp tục với công việc thực tập vô cùng buồn tẻ. Ngày ngày chúng tôi chia thành nhóm, đi theo một chị công nhân trưởng thành từ thuỷ điện Thác Bà, góa chồng từ trẻ nên cực kỳ khó tính, đến những nơi người ta làm đường, làm nhà... để lấy mẫu vật liệu. Lúc thì là bê tông, thử độ sụt, lúc là xi măng để làm thí nghiệm chảy dẻo. Có hôm chúng tôi lấy mẫu nhựa đường về, đun lên rồi thử độ cứng. Mùi nhựa đường khét lẹt khiến tôi thấy ớn vô cùng.
Tôi sẽ gắn bó cả đời với thứ công việc đó ư? Chỉ nghĩ thế đã thấy chân tay không buồn cựa quậy. Bao nhiêu ước mơ của tôi, cộng với ước mơ của bố tôi, ước mơ của cả dòng họ âm thầm gửi vào tôi, cuối cùng chỉ thế này sao? Tôi sẽ là cán bộ bằng cách đó sao? Thực tế đến tận lúc ấy tôi vẫn chưa biết rồi thì mình có thể tự tin làm việc gì nhất. Những ngày thực tập mệt mỏi, tẻ nhạt, đầy thất vọng khiến tôi càng chán nản khi nghĩ mình chẳng làm được việc gì ra hồn. Tương lai hoàn toàn mù mịt, mặc cho người ta ra rả tuyên truyền về biểu tượng rực sáng của công trường. Tôi chỉ còn trông đợi vào sự kỳ diệu là một hôm nào đó truyện ngắn của tôi được đăng! Chỉ điều đó may ra cho tôi nghị lực sống, xóa tan mọi u ám. Tôi sẽ sống vì điều đó và cho dù gian khổ bao nhiêu tôi cũng chịu được.
Nhưng mọi thứ vẫn vô tăm tích.
Chúng tôi được nghỉ tết. Đó là cái tết đầu tiên tôi về nhà.
Những tết trước tôi đều về Hải Phòng vì việc tôi ở Hòa Bình, trong làng không ai biết. Họ vẫn đinh ninh tôi ở Lâm Đồng, làm trong ngành công an vũ trang với nhiệm vụ tiễu trừ Fulro. Khi tôi lù lù xuất hiện và cưới vợ, bố giải thích là tôi được chuyển ra Hòa Bình. Vì thế, sau bao nhiêu năm "trong bóng tối", nay tôi được phép "ra công khai". Đó là một cái tết vô cùng buồn tẻ với cả nhà tôi. Sau vài hôm thì tôi trở lại Hòa Bình, gặp bạn bè, thấy vui lên chút ít mặc dù ý nghĩ u ám về gia đình luôn bám theo.
Tôi nhớ hôm đó chúng tôi lên cơ quan mà mình về thực tập, cũng là nơi sẽ ở lại làm việc sau khi chính thức tốt nghiệp, để gặp mặt đầu xuân. Đang ngồi chen chúc nhau nghe ông giám đốc nói những lời chúc tết có cánh, tôi bỗng thấy chị Hương, quê Nghệ Tĩnh, cứ chăm chú dán mắt vào đọc tờ báo Lao Động. Tôi liếc nhanh vào thì thấy cái dòng tít: Để hiểu một con người, bên dưới ghi hai chữ truyện ngắn. Không phải là tên truyện của tôi. Truyện của tôi có cái tựa đề Những tâm sự thầm kín. Biết rõ là thế nhưng không hiểu sao tim tôi đập loạn lên. Tôi linh cảm cái tên có vẻ rất gắn với nội dung truyện tôi viết. Nhưng vì xa quá nên tôi không đọc được dòng đầu tiên. Bỗng chị Hương giở sang trang bên để đọc hết truyện. Trời ơi, cái gì kia, liệu tôi có hoa mắt hay đang mơ không? Bởi vì tên tác giả bên dưới là Tạ Duy Anh. Tôi phải ngồi ngay trở lại để đỡ ngực kẻo tim vọt ra mất. Có lẽ do quá mong đợi mà tôi nhìn ra cái tên ấy. Sự thật thì từ khá lâu rồi tôi đã không còn dám nghĩ tới truyện của mình được đăng. Tôi hoàn toàn tin rằng nó là thứ vớ vẩn, chỉ đáng ném đi. Rồi không khí những ngày tết khiến tôi quên khuấy mất. Chả nhẽ những gì tôi mơ ước đang là sự thật ngay trong tầm tay? Không, nó quá lớn, lớn đến mức tôi không tin.
Tôi vẫn không đủ tự tin để lại gần chỗ chị Hương, hoặc xin chị cho ngó qua. Chờ cho chị Hương và vài người khác chuyền tay nhau đọc tờ báo chán chê, khi có vẻ mọi người không quan tâm nữa, tôi mới nhờ ai đó lấy giúp tờ báo. Mặt tôi tái đi, tay run lập cập. Những dòng nội dung do tôi viết ngày nào, đang hiện lên trước mắt tôi đây, nhưng bằng thứ chữ in ngay ngắn, rõ ràng, trăm ngàn chữ như một, không thể lẫn đi đâu được. Đoạn đầu và đoạn cuối truyện bị cắt, nhưng còn đủ dài để chiếm trọn hai trang. Tôi đọc lần một, lần hai, lần ba, lần thứ bao nhiêu không nhớ chỉ trong vòng mấy chục phút. Tôi thuộc lòng từ khi viết nhưng giờ đọc lại sao thấy nó vẫn mới mẻ, lạ lẫm, bất ngờ đến thế. Thấy nó hay hơn hẳn khi đọc bản thảo! Không thể tin rằng tôi lại có thể bịa ra cả một câu chuyện như thật, có tên nhân vật, có mâu thuẫn, thắt nút, cởi nút... để cuối cùng hoàn chỉnh thành một tác phẩm văn học.
Không có gì sướng hơn đọc văn của mình. Lúc ấy tôi chưa biết đến câu "Văn mình, vợ người". Đọc văn của mình thấy nó trôi chảy, sâu xa, và rất... vào! Nó là hay nhất, khỏi phải nói. Hàng tiếng sau tôi mới tạm lắng xuống cơn sung sướng để nhìn cái hình minh họa vẽ một anh công nhân đội mũ, trong khoảng sáng tối với vẻ mặt đăm chiêu nhưng cương nghị, nhìn là thấy ngay ra người tốt. Bên dưới chú thích là minh họa của Văn Cao. Lúc ấy tôi chưa đủ hiểu biết để có thể thấy đó là vinh dự to lớn của đời mình: Tác phẩm đầu tay in báo được Văn Cao minh họa. Tôi chỉ thấy điều đó có vẻ hay hay, thú vị.
Thú vị nhất là những gì mình viết ra, hoàn toàn do bịa, lại được hàng chục người sắp chữ, được Văn Cao dựa theo để minh hạo rồi in ra hàng vạn bản, chuyển đi khắp cả nước cho mọi người đọc. Hẳn những người đọc sẽ hỏi cái anh chàng Hùng Bĩnh này là ai, ông Thuyết là ai, nhân vật Thắng, là ai và cuối cùng ông tác giả Tạ Duy Anh là ai? Không gì dễ chịu hơn cái hình dung ấy! Tôi mỉm cười thích thú bởi tất cả đều do tôi... bịa ra.
Tôi xin tờ báo đem về nhà. Tôi không nói với ai đó là truyện ngắn của tôi. Chưa thể nói được bởi khó mà diễn đạt bất cứ điều gì một cách bình thường. Những người có máu ghen tị sẽ phao lên là nhờ tòa soạn viết lại mới được như vậy, như sau này tôi đã nghe thấy. Nhưng lý do chính là do tâm hồn tôi mở toang, phơi phới, không thể yên tĩnh ngay được để không nghẹn ngào khi nói. Những bước chân của tôi nhẹ bẫng.
Tôi không còn thấy bất cứ điều gì có thể gọi là nỗi khổ được nữa. Cuộc đời, dù thế nào cũng thật là tươi đẹp! Tất cả chỉ còn lại niềm vui bất tận. Những năm tháng đói khát, những ngày ăn khoai ăn sắn, ăn hạt bo bo đến thủng cả ruột, áo không đủ ấm, rồi bệnh tật, oan ức, thù hận, bị ép duyên... tất cả chẳng đáng là gì trước niềm vui bất tận đang tràn ngập trong tâm hồn tôi.

Tôi ghi nhớ vĩnh viễn số báo đó là số 3, ra ngày 15-01-1981.
 
TẠ DUY ANH
Nguồn tin: TCNV 01-2012

No comments:

Post a Comment