Trang

Tuesday, February 14, 2012

BÀN TÀI ĐOÀN - NGƯỜI LÀM THƠ Ở NÚI ĐÈN

Là một nhà thơ dân tộc ít người duy nhất của Việt Nam được Hội đồng nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Ủy ban Dân tộc Trung ương, Bộ Văn hóa, Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng Văn học. Bộ Lâm nghiệp trao giải thưởng viết về phát triển và bảo vệ rừng... Bàn Tài Đoàn còn là đặc trưng của tâm hồn  Dao thuần chất.

Những tuyệt phẩm của ông đều toát lên niềm tự hào về một nền văn hóa truyền thống lâu đời của tộc người mình. Ông luôn tự hào vì mình đã được sinh ra và lớn lên trưởng thành bên chân núi cao vút - Một trong những ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc - Quanh năm sương sa mây phủ. Một miền sinh thái ôn hòa ngây ngất tình người.
Tương truyền, thủa xa xưa nơi đây chỉ có dấu chân của thú dữ với rừng rậm hoang vu. Một ngày kia người vùng thấp bỗng phát hiện trên đỉnh núi Phja-Bjoóc cao vút xuất hiện một ngọn đèn rực sáng suốt ngày đêm. Ngọn đèn trên đỉnh núi đã là một điềm lạ. Lạ hơn nữa là ngọn đèn cháy từ mùa rẫy này sang mùa rẫy khác. Bốn mùa đã trôi hết mà ngọn đèn vẫn lung linh chiếu sáng bốn phương trời. Cho đó là điềm lành dân các vùng gần xa bèn hú gọi nhau về hội tụ ở quanh Núi Đèn ngày một đông đúc. 
Từ đó núi mang thêm một cái tên: Núi Đèn (Phja Đén). Núi Đèn đứng bên cạnh núi Phja-Bjoóc (Núi Hoa). Một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Người làm thơ ở chân Núi Đèn cũng đã cất tiếng khóc chào đời trong một hang đá có tên là  Xí-Kèng. Đứa con trai của một bà mẹ nghèo khổ vùng cao. Người mẹ đó đã được Mẻ Bjoóc trên trời thả hoa vàng trên ngực (1). Đó là vào năm 1913 Quý Sửu.
Uống sương mà lớn, ăn củ mà khôn. Sớm có lòng yêu nước thương nòi, vào những năm đầu của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc, nhà thơ Bàn Tài Đoàn đã gia nhập mặt trận Việt Minh với tất cả nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Được sự dìu dắt trực tiếp của Cách mạng và nhất là của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Tư tưởng trong sáng tạo văn học của Bàn Tài Đoàn là tư tưởng của Cách mạng. Tất cả nguồn cảm hứng sáng tác của nhà thơ là những nguyên mẫu gần gũi, thân thuộc. Tất cả xoắn theo một định hướng rõ rệt như một con đường sáng trong phong cách sáng tạo rất Bàn Tài Đoàn: "Anh lìa em ra đi cứu nước. Em khắc ở nhà trông đứa con thơ..." (Bài thơ Dặn vợ dặn con). Ông là người cùng khổ biết vì những người cùng khổ vươn lên đòi quyền sống, quyền bình đẳng tự do từ giai cấp thống trị Thực dân, phong kiến. Thơ ông trọn đời chiến đấu cho mục đích cao cả đó. "Cụ Phan, Cụ Hoàng cũng đã đánh... mặc dù không thắng cũng làm Pháp kinh hoàng. Đến đời Cụ Hồ mới tìm thấy, con đường Các-Mác mà đi theo..." (Bài thơ Lịch sử nước Việt Nam).
Bàn Tài Đoàn viết như kể chuyện tâm tình, rủ rỉ khúc triết đời thường. Những câu tục ngữ, ngạn ngữ, những trải nghiệm gập ghềnh đèo dốc trong sâu thẳm tâm hồn cũng như ngoài thực địa. "Không phải người Dao con với   cái, mới là bỏ đi được mẹ cha". (Bài   thơ Đừng nghe gió hoang). "Khi còn ở trên lưng con vịt, lông làm con vịt hóa chiếc thuyền, khi bị người ta lấy đi mất, thân vịt tiêu tan một lúc ngay" (Bài thơ Lông vịt).
Có thể nói bài thơ "Muối của Cụ Hồ" là một sáng tác tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tạo của Bàn Tài Đoàn.   Bài thơ rất giàu âm sắc của trường ca    Bàn Hộ:
Con khóc đòi ăn cơm chấm muối
Mẹ tìm đâu hột muối cho con
Mẹ dỗ: Con ơi đừng khóc nữa
Bố gánh củi đi đổi muối rồi
Con nín nghe theo lời mẹ bảo
Bố về được muối đầu đũa ngon".
Khi cánh cửa xác xơ mở ra đón bố vào thì:
Con hỏi muối đâu bố lắc đầu
Không đủ tiền người giàu không bán...
Thế rồi:
Đến ngày không có tàu bay giặc
Quân Pháp phải bỏ đất Hà - Giang
Từ khi cán bộ Cụ Hồ đến
Ngoài chợ có bán nhiều thứ hàng.
Bởi vậy các cô sơn nữ mặc dù quanh năm ngày tháng tất bật với công việc nương rẫy nhưng cô nào cũng xinh đẹp hơn vì có quần áo, giầy dép đẹp. Mỗi buổi chợ phiên các cô dậy sớm hơn mặt trời để xuống núi. Các cô như một rừng hoa xuân vậy.
Những câu Páo-Dung đối đáp của trai gái Dao đã đi vào thơ ông và vật vã sinh nở. Từ một thành viên của tộc người rẻo cao heo hút với vốn ngôn ngữ chỉ đủ để nói chuyện với thần thánh, Bàn Tài Đoàn đã dùng Hán   Nôm bước ra hội nhập, giao thoa với  54 dân tộc anh em của dải đất hình  chữ S, góp thêm vào nền văn hóa chung của Việt Nam bằng văn hóa Dao hồn nhiên đặc sắc. Đó là 11 tập thơ    do Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Việt Bắc, Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành trong khoảng thời gian  liên tục từ năm 1960 đến năm 1985, chưa kể hai tập văn xuôi ký và tiểu luận do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cùng với một tập hồi ký hoạt động Cách mạng của ông. Đó đúng là một kho báu, biểu trưng về tinh thần Dao trong lao động sáng tạo không mệt mỏi với trách nhiệm công dân cao nặng.
Long đong trong chuyện tình duyên nhưng rồi ông cũng vừa lòng với những gì thượng đế đã ban cho: "Được làm chồng một người mẹ trẻ". Đã là một    vợ chồng rồi thì: "Khi yêu chẳng muốn rời một buổi, lúc giận nặng lời chẳng muốn trông, nhưng làm cỏ nương mong trời tối".
Bàn Tài Đoàn còn là một người sơn cước mẫn cảm, luôn luôn xúc động trước đồng loại. Tuy nhiên chỉ xúc động thôi thì chưa đủ, ông tỏ ra là một cây bút tài năng thiên bẩm. Ông biết cách truyền tải, chia sẻ những xúc động đó với bạn đọc một cách mộc mạc bất ngờ đến kỳ tài qua ngôn ngữ rất hữu hạn của mình. Thơ ông cập bến khắp mặt bằng cuộc sống sơn dã của tộc người Dao trong một mối liên kết với cộng đồng các dân tộc anh em khác qua các giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Thơ ông ấm áp thủy chung son sắt như tình bạn, tình anh em, vợ chồng, cha con.
Dưới chế độ cũ, không có tiền đồng nghĩa với không có gì cả. Không bạn bè, không muối ăn, không người yêu thương, không dám đi hỏi vợ, không cả tình nghĩa ruột rà. Bởi vậy mọi quan hệ tốt đẹp nào đến với ông là ông hết sức nâng niu:
Đoàn với Chấn và Chấn với Đoàn
Hai người tình bạn nặng nhân văn
Người ở xa nhau cách sông núi
Tấm lòng thì ở cạnh thêm gần. (2)

Những gì mà dân tộc ông có được hôm nay là nhờ Đảng và Bác Hồ đem lại như tất cả các dân tộc anh em khác. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo văn học cách mạng của ông đã góp phần nâng ngọn núi thiêng của quê hương Nguyên Bình - Nơi có cánh rừng Trần Hưng Đạo tôn nghiêm, khai sinh lực lượng quân đội Việt Nam hùng hậu ngày nay - Lên thành huyền thoại! Ông là niềm kiêu hãnh là cây cổ thụ của đội ngũ cầm bút ở Cao Bằng nói riêng và của tất cả đoàn quân sáng tạo văn học nói chung. Ông đã làm được điều kỳ diệu: Tạc được tên tuổi của mình vào trái tim những người yêu văn học khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam.
Ông bây giờ đã ở cõi vĩnh hằng nhưng tất cả những gì ông cống hiến cho dân tộc mình nói riêng và nói chung cho cách mạng là vô giá.

TRẦN THỊ MỘNG DẦN

__________________
1. Tục truyền khi người đàn bà vùng cao sinh con trai hay con gái là do có một đấng quyền năng trên trời có tên là Mẻ-Bjoóc ban cho hoa vàng thì người đàn bà đó sinh con trai, ban cho hoa bạc thì người đàn bà đó sinh con gái.
2. Ý Bàn Tài Đoàn nói đến người bạn thơ thân của ông là nhà thơ lớn Nông Quốc Chấn.
Nguồn tin: TCNV 02-2012

No comments:

Post a Comment