Trang

Friday, February 24, 2012

“BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ XUNG QUANH BẢN DỊCH CỦA NGÔ LINH NGỌC VÀ MAI QUỐC LIÊN


Lời người dịch: Bản dịch Bình Ngô đại cáo (
吳大誥) của cụ Bùi Kỷ (1888-1960) là một kiệt tác về nghệ thuật dịch. Nó đã trở nên quen thuộc, đã được GS Bùi Văn Nguyên nhuận sắc và đem dùng trong nhà trường.Với tất cả tấm lòng kính yêu các bậc tiền bối, chúng tôi _ Ngô Linh Ngọc (1922-2004) vốn là học trò của cụ Bùi Kỷ và Mai Quốc Liên _ cũng ra công dịch lại thêm một bản dịch mới. Vì sao?

Chúng tôi đã trình bày vấn đề này trong bài Đại cáo bình Ngô, từ chữ nghĩa đến tầm tư tưởng Nguyễn Trãi (in trong Phê bình và tranh luận văn học, NXB Văn Học, 1998). Trên đại thể, bản dịch của cụ Bùi Kỷ đã để lại rất nhiều chữ Hán không dịch (vào thời hiện tại, những chữ ấy rất không dễ hiểu với người đọc: manh lệ (
), thế thù (世讎), đế ()(trong các đế nhất phương (各帝一方) - mỗi bên xưng đế một phương), hiếu đại(好大) - ham lớn… Còn có những chuyện quan trọng hơn là chữ nghĩa. Đó là quan niệm: quan niệm Nho giáo, quan niệm vũ trụ của phương Đông. Chẳng hạn câu: Bại nghĩa thương nhân, càn khôn cơ hồ dục tức (敗義傷仁,乾坤幾乎欲息) mà dịch là Bại nhân nghĩa nát cả đất trời thì không hết ý. Trời, Đất thấy giặc Minh tàn ác quá, thì cơ hồ (dục) muốn ngừng lại (tức) không vận hành nữa. Chứ không phải nát v.v… Câu: Quyết hội nghĩ ư băng đê – Chấn cương phong ư cảo diệp (決潰蟻於崩堤,振剛風於稿葉) cũng vậy. Nếu hiểu:
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ
thì cơn giótổ kiến biến thành chủ từ trong khi chủ từ ở đây ẩn và phải hiểu là ta, chúng ta (nghĩa quân Lam Sơn).
Ta xoi tổ kiến vỡ ở con đê móng
Ta nổi cơn gió mạnh ở đám lá khô
bản dịch của Les Chefs d’oeuvre (Sài Gòn 1955), hiểu là:
Đạo quân của chúng ta tiến tới không gì ngăn cản nổi, như nước ngập tổ kiến, hay như trận cuồng phong thổi trên lá khô… tuy chưa thật sát, nhưng sáng rõ về cú pháp…

Vì lẽ đó, chúng tôi xin trình chính cùng bạn đọc bản dịch của chúng tôi nhân kỷ niệm ngày Bình Ngô đại cáo ra đời (cuối năm 1427, trong quân doanh Bồ Đề - Thăng Long) để bạn đọc tham khảo và chỉ giáo.

***  
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt để yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ ngược
Như nước Đại Việt chúng ta,
Văn hiến rỡ ràng một nước.
Núi sông bờ cõi đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu Đinh Lý Trần xây nền dựng nước,
Cùng Hán Đường Tống Nguyên xưng đế một phương.
Dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt chẳng đời nào thiếu.

Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thảm bại,
Triệu Tiết ham lớn càng chóng thua.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng vùi thây Ô Mã.
Xét xem việc cũ,
Chứng cớ rõ ràng!

Vừa qua:
Vì họ Hồ chính sự phiền hà,
Khiến nên nỗi lòng dân oán hận.
Giặc Minh thừa dịp tàn hại dân ta,
Đảng ác mưu gian manh tâm bán nước.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ dưới hầm tai ách.
Dối trời lừa dân, kế độc đủ ngàn vạn khóe,
Liền năm gây hấn, chứa ác ngót hai mươi năm.

Bại nghĩa thương nhân, càn khôn cơ hồ nghẹn tắt,
Nặng sưu vét thuế, núi đầm ắt hẳn sạch không.
Đãi cát đào non, khai mỏ vàng, ép vào nơi lam chướng,
Dò khơi dong chạc, mò trai báu ắt chạm trán giao long.
Bẫy hươu đen, hố khoét phiền dân,
Bắt chim trả, lưới giăng hại vật!

Côn trùng cây cỏ trốn chết không đường,
Góa bụa khốn cùng sống yên không đất.
Hút máu dân, lũ tham quan môi mép béo nhờn,
Ham nhà đất, bao biệt thự công tư xây cất.
Huyện châu sưu dịch nặng nề,
Làng xóm cửi canh lặng ngắt.
Nước biển Đông không đủ rửa tanh nhơ,
Trúc non Nam không đủ ghi tội ác.
Thần, người đều giận,
Trời đất chẳng dung!

Ta đây:
Phát tích Lam Sơn, nương mình hoang dã.
Nhớ thù nước há đội trời chung,
Thề với giặc chẳng cùng đất sống.
Đau lòng nhức óc đã quá mười năm,
Nếm mật nằm gai phải đâu một bữa.
Quên ăn vì giận, sách lược thao nghiền ngẫm không dời
Lấy cổ nghiệm kim, lẽ hưng phế xét suy đầy đủ.
Chí diệt thù khôi phục nước non, trằn trọc nhớ cả khi thức ngủ,
Buổi đầu cờ nghĩa mới giương, chính lúc thế thù đang dữ.

Vậy mà:
Lưa thưa tuấn kiệt: sao mọc đầu hôm,
Lác đác nhân tài: lá thu cuối cữ.
Việc ngược xuôi thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi màn trướng hiếm tay phò trợ
Tức uất hướng về Đông, cứu dân đen đau đáu một niềm,
Thành tâm chừa góc trái, cầu hiền tài đinh ninh một dạ,

Thế nhưng:
Được bậc hiền tài đâu dễ, tựa nhìn khơi khói tỏa mịt mù,
Bởi ta chi chút lòng thành, như cứu kẻ chết chìm vội vã.
Giặc hung tàn giận chửa dẹp xong,
Vận thế nước nghĩ còn nghiêng ngửa.
Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện quân không một lữ.
Trời hẳn muốn trao mệnh lớn, bày lắm khó khăn,
Ta càng thêm vững chí bền, vượt muôn nguy khổ.
Sào thay cờ hiệu, dân cuốc cày bốn ngả theo về,
Rượu rót nước sông, quân phụ tử một lòng hăm hở.
Lấy yếu đánh mạnh, thường đánh địch bất ngờ,
Lấy ít chống nhiều, luôn phục binh biến hóa.

Kết cục:
Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn,
Đem chí nhân mà thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
Trận Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Sĩ khí ngày một tăng,
Quân uy ngày một lớn.

Trần Trí, Sơn Thọ cả bầy, nghe gió mà bở vía,
Lý An, Phương Chính một lũ, nín thở cầu thoát thân.
Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh ta mau lấy lại
Tuyển quân tiến chiếm, Đông Đô đất cũ thu hồi.
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi muôn dặm,
Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để ngàn thu.
Trần Hiệp, tâm phúc của giặc, đã phải bêu đầu,
Lý Lượng, sâu mọt hại dân, lại đành phơi xác.
Vương Thông dẹp loạn, lửa cháy to càng lại bùng to,
Mã Anh cứu nguy, căm hờn quân ta thêm nung nấu.

Chúng đã chí cùng lực kiệt, chờ chết, bó tay,
Ta nhằm “đánh vào lòng người”, không đánh, tự vỡ.
Tưởng chúng biết thay lòng đổi ý,
Nào hay còn gây ác mang tai.
Khư khư một ý, gieo họa cho người,
Tham công một thời, mua cười thiên hạ.
Khiến cho đứa trẻ ranh Tuyên Đức chẳng chán dụng binh,
Lại sai bầy tướng nhát Thạnh Thăng đổ dầu chữa cháy.

Năm Đinh Mùi tháng chín, Liễu Thăng từ Khâu Ôn dẫn quân tiến sang,
Cũng tháng ấy Đinh Mùi, Mộc Thạnh tự Vân Nam chia đường kéo đến.
Ta đã giấu quân chẹn hiểm, bẻ gãy mũi dùi,
Lại phái kỳ binh chặn đường, cắt nguồn lương thực.
Ngày mười tám, Liễu Thăng bị đánh, đồng Chi Lăng sụp đổ mưu mô.
Ngày hai mươi, Liễu Thăng bị thua, đèo Yên Ngựa tan tành thây xác.
Ngày hai mươi lăm, Bá tước Lương Minh trận hãm tan thây,
Ngày hai mươi tám, Thượng thư Lý Khánh kế cùng thắt cổ.

Ta đưa mác tới đâu tan đó,
Giặc quay giáo tự đánh lẫn nhau.
Ta thêm quân bốn mặt bao vây,
Hẹn trung tuần tháng mười tận diệt.
Liền chọn quân tì hổ, can trường
Lệnh cho tướng vuốt nanh kiệt hiệt.
Voi uống nước, cạn hết nước sông,
Dao mài đá, vẹt mòn đá núi.
Một hồi trống tơi bời kinh ngạc,
Hai hồi trống, tan tác chim muông.
Khoét tổ mối, sụt toang đê cũ,
Nổi gió to, rụng sạch lá khô.

Đô đốc Thôi Tụ quỳ gối, xin tha,
Thượng thư Hoàng Phúc trói mình, nạp mạng.
Lạng Sơn, Lạng Giang xác chết nghẽn đường,
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.
Gió mây vì thế mà đổi sắc,
Nhật nguyệt thảm đạm mà tối sầm.

Quân Vân Nam bị quân ta chặn ở Lê Hoa, hoảng vía mà mất mật,
Bọn Mộc Thạnh nghe Liễu Thăng thua nơi Cần Trạm, dày xéo nhau tháo thân.
Lãnh Câu bến đọng máu thù, nước sông rền rĩ,
Đan Xá gò ùn xác giặc, cỏ nội tím bầm.
Cứu binh hai ngả, trở gót chẳng kịp, tan tành,
Cùng khấu các thành, cởi giáp theo nhau, hàng phục.

Đầu sỏ giặc bị bắt, đã ra tuồng hùm đói vẫy đuôi,
Ta khoan dung oai thần, cũng rộng mở lòng trời, sinh phúc.
Tham tướng Phương Chính, Nội quan Mã Kỳ.
Thuyền đã cấp cho 500 chiếc, ra khơi còn phách lạc hồn xiêu,
Tổng binh Vương Thông, Tham chính Mã Anh;
Ngựa lại cho trên mấy nghìn con, về nước vẫn lạnh tim, rủn bước.
Chúng đã tham sống sợ chết, thật lòng xin kết hiếu cầu hòa,
Ta thì cốt được toàn quân, vả cũng muốn để dân nghỉ sức.

Chẳng những mưu kế cực sâu xa,
Mà thật cổ kim chưa thấy vậy.
Xã tắc do đó mà vững bền,
Non sông do đó mà đổi mới.
Càn khôn đã bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt đã mờ mà lại trong.
Để mở nền muôn thuở thái bình,
Để rửa nỗi nghìn thu sỉ nhục.

Than ôi!
Một gươm đại định, tạo thành công nghiệp vô song,
Bốn biển thanh bình, đại cáo duy tân ban bố.
Bá cáo xa gần,
Thảy cùng nghe rõ.
NGÔ LINH NGỌC – MAI QUỐC LIÊN

2 comments:

  1. Bài dịch vỡ nghĩa kiểu học trò, thiếu cái thông sướng, thần uy của một đại cáo thiên hạ.Bản của Cụ Bùi có được cái cổ kính ấy, chỉ cần chú thích vài chỗ là ổn. Đọc cổ văn mà thiếu chút u linh thì còn gì là cồ văn! "Cầu nước chảy còn trơ bến cũ" thì còn đâu là Cung oán ngâm khúc!! Họ Ngô và họ Mai "háo đại" nhưng tiếc rằng không có thi tài!

    ReplyDelete
  2. Đúng thế! Người Tàu học cổ văn của họ cũng bở hơi tai! Những bản bạch thoại chỉ dành cho học trò, bổ sung chứ không có tham vọng thay thế.Dịch cổ văn có quy luật riêng, biết giữ lại vài từ hán việt khó hiểu, tưởng là vụng mà chính là khéo! Hai ông Ngô và Mai không hiểu lẽ đó,nên bản dịch này cũng như bản dịch lại Trương hận ca và Chinh phụ ngâm khúc của ông Ngô nhạt nhẽo như ..máy dịch google!!

    ReplyDelete