Trang

Thursday, February 23, 2012

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN DỊCH “TRUYỆN KIỀU” SANG TIẾNG NHẬT

Cách đây 7 năm, vào dịp kỷ niệm 240 năm sinh của thi hào Việt Nam Nguyễn Du, ở Nhật Bản đã ra đời thêm một bản dịch "Truyện Kiều". Bản dịch lần này của anh Seiji Sato, có sự cộng tác của NXB Văn học, Hà Nội. Sách in trang trọng, bề thế, khổ 14 x 21 cm, bìa cáctông cứng có áo bọc, giấy đẹp, sách dày tới 250 trang.
Cuốn Truyện Kiều được dịch sang tiếng Nhật
Ngay từ thế kỷ XVIII - XIX, ở Nhật người ta từng được biết đến truyện "Kim Vân Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả người Trung Quốc. Vào năm 1763, một người Nhật có tên Korenori Nishida đã in bản dịch sang tiếng Nhật "Câu chuyện Kim Vân Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân. Sang thế kỷ XIX, một người Nhật khác là Bakin Takizawa (1767-1848), năm 1829 lại công bố bản phóng tác truyện này bằng tiếng Nhật. Sang thế kỷ XX, người Nhật bắt đầu được biết đến "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Và liên tiếp từ năm 1942 đến trước bản dịch của Seiji Sato, ở Nhật đã có ba bản dịch tác phẩm của Nguyễn Du: Năm 1942 có bản dịch của nhà văn Kiyoshi Komatsu (1900-1962), tiếp đó là bản dịch của Yomosuke Takenchi (1922-1999) ra sau năm 1975, và bản dịch của Tokio Akiyama (1917-1999) ra năm 1996.
Trong bài viết này, chúng tôi xin tập trung tư liệu để giới thiệu với bạn đọc nhà văn Kiyoshi Komatsu. Theo học giả Vĩnh Sinh, giáo sư lịch sử của Trường Đại học Allerta (Canada) trong thư và tài liệu gửi cho Giáo sư Phan Huy Lê vào năm 1996 thì tiểu sử của nhà văn Nhật Bản đầu tiên dịch "Truyện Kiều" như sau :
"Komatsu Kiyoshi là một nhà văn, nhà bình luận và cũng là một nhà nghiên cứu văn học Pháp nổi tiếng. Ông là một trong những người đầu tiên đã dịch và giới thiệu các tác phẩm của Andre Malraux, Andre Gide cùng các tư trào mới trong văn học Pháp ở Nhật.
Sinh năm 1900 tại Kobe, Komatsu sang Pháp năm 1921, lúc đầu với dự định theo đuổi hội họa. Sau đó, tình cờ Komatsu trở thành bạn của Malraux và theo Lacouture, mô hình của nhân vật "Kyo" - nhân vật chính trong tác phẩm "La Condition Humaine (Điều kiện con người) của Malraux - chính là Kyo Komatsu (tức là Komatsu Kiyoshi), chứ không phải là Chu Ân Lai như một số người lầm tưởng. Lacouture viết: "Mô hình thực sự là một nhà văn trẻ tuổi người Nhật, ở Paris vào năm 1922 người đó đã là bạn của Hồ Chí Minh (lúc đó có tên là Nguyễn Ái Quốc), và sau này là bạn của Mauraux: anh tên là Kyo Komatsu" (Jean Lacouture: Andres Malraux - bản tiếng Anh do Alan Sheridan dịch, New York : Pantheon Books, 1975, trang 146).
Ông Vĩnh Sinh còn cho biết, Komatsu Kiyoshi (Tiêu Tùng Thanh) trong thời gian 4 năm ở Việt Nam từng làm cố vấn Viện Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội, và một truyện ngắn của ông có nhan đề "Cuộc tái ngộ" được dịch giả Giáng Nguyên (rất có thể là nhà văn Nguyễn Giang, con trai Nguyễn Văn Vĩnh - ở đây bút danh được viết theo cách nói lái), dịch từ bản tiếng Pháp, đăng liên tục trên 30 số báo "Trung Bắc chủ nhật" (từ số 208 ra ngày 25/6/1944 đến số 237 kéo dài gần bảy tháng rưỡi).
Và đối chiếu với thực tế thì nhân vật trong ba số báo "Trung Bắc chủ nhật" từ số 223 (5/10/1944) đến 225 (22/10/1944), "Người Á Đông đầu tiên đã cùng tôi giao du trong một thời gian khá dài trên đất Pháp", có thể khiến ta dễ dàng liên hệ tới nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong "Cuộc tái ngộ" có đoạn kể lại buổi tối giao lưu thân mật với một nhóm trí thức Hà Nội ở nhà ông Lê Văn Thái - nhân vật "tôi" - tác giả Komatsu cho biết về "người Á Đông đầu tiên" kia: "Tôi sang Pháp và tới Paris vào mùa xuân năm 1921. Chỉ mới được vài ngày, nên tôi nhớ kỹ, thì độ mươi ngày sau khi tới Paris, một sự tình cờ run rủi, tôi gặp một người thanh niên Việt Nam trong một nơi hội họp công khai. Người thanh niên Việt Nam ấy chính là người Á Đông đầu tiên đã cùng tôi giao du trong một thời gian khá dài trên đất Pháp", "Người ấy làm một nghề ăn lương công nhật mà sống, các ông chẳng thể tưởng tượng được khổ cực là ngần nào. Người ấy ăn rất ít, ngủ rất ít, làm việc rất nhiều. Mỗi buổi chiều, khi đã làm xong công việc khó nhọc, một chân thợ phụ trong xưởng máy, người ấy lại ngồi vào bàn viết lách hoặc đọc sách.
Khốn nạn thay! Thân thể anh ta khi ấy đang bị tàn hại bởi một chứng bệnh ác nghiệt, mà chẳng mấy khi người đã mắc có thể khỏi được. Hai mắt anh ta thường sáng quắc lên bởi cơn sốt râm rỉ bên trong. Đôi khi anh ho rũ rượi như người sắp tắt thở. Thế vậy mà cuộc đời tinh thần của anh vẫn dồi dào phong phú, sự hoạt động của anh vẫn ráo riết không ngừng. Hai ba lần, tôi được dịp nghe anh ta nói trước mặt những thính giả người Pháp bằng tiếng Pháp, lời lẽ rất trôi chảy, hùng hồn. Anh làm trợ bút cho nhiều nhật báo và tuần báo ở Paris bằng cách cứ ngồi nhà viết bài và gửi đến đều đặn".
Tuy trở thành bạn của nhau, nhưng sau lần đầu gặp nhau, thăm hỏi trò chuyện với nhân vật "tôi" - tác giả Komatsu và "người bạn Việt Nam" của mình cũng ít có điều kiện gặp lại nhau. Sau đó Komatsu đi xuống miền Nam nước Pháp sống ẩn dật, còn người bạn Việt Nam của ông rời Pháp "đi sang những nước ở Bắc Âu châu, rồi đã trở thành một nhà văn có tiếng sau khi được mấy nhà xuất bản ở Berlin và Pragne in cho các tác phẩm". Komatsu vẫn theo dõi tin tức về bạn mình và tin tưởng.
Câu chuyện kể của nhà văn Nhật Kiyoshi Komatsu về "người bạn Việt Nam" gặp gỡ ở Paris trong truyện ngắn "Cuộc tái ngộ" của ông phần nào cho người đọc đoán biết "anh bạn của ông" là ai. Sau này câu chuyện đã được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận bằng tài liệu lịch sử khác nhau.
Kiyoshi Komatsu lần đầu tiên đặt chân lên đất Pháp vào tháng 8/1921 với dự định trở thành họa sĩ. Đến Paris, Komatsu ở chung nhà với họa sĩ Sakamoto và một người Nhật khác (ba người tình cờ gặp nhau trên chuyến tàu từ Nhật sang Marseille). Phòng trọ của Komatsu nằm chót vót trên tầng tám áp nóc nhà trong một tòa nhà không có thang máy ở gần nghĩa địa Montparnasse. Chính căn phòng này là nơi Nguyễn Ái Quốc đã đến thăm Komatsu lần đầu tiên, đúng như Komatsu đã nhắc lại trong "Cuộc tái ngộ".
Những chi tiết nêu ra trên đây hoàn toàn trùng hợp với các tư liệu bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp. Chúng ta có thể tìm thấy, chẳng hạn trong cuốn "Thời thanh niên của Bác Hồ" của tác giả Hồng Hà có ghi lại: Ngày 14/3/1923, anh (Nguyễn Ái Quốc) dọn về ở ngay trụ sở báo Người cùng khổ, mang theo một cái giường cá nhân và một chiếc vali mà mật thám đến khám chỉ thấy toàn sách ở trong. Mạng lưới mật thám theo dõi anh tại Paris tăng lên từ khi Bộ Thuộc địa lập một tổ chức mới chuyên theo dõi những người Đông Dương ở Pháp. Chúng đến khám xét cả những người nước ngoài sống ở Paris hay liên lạc bằng thư từ hoặc đi lại gặp gỡ anh Nguyễn. Trong số những người đó có anh sinh viên Nga Mikhailopxki, Pêtơrôp ở số nhà 6 phố Gay Luyxắc, có nhà yêu nước Ấn Độ Alitaba Gôdơ, các nhà yêu nước Ailen ở gác 3 số nhà 12 phố Capuyxin, nhà văn Nhật Bản Kiôshi Komatxư (Komatsu Kiyoshi) ("Thời thanh niên của Bác Hồ", NXB Thanh Niên, 1994, trang 160). Tác giả Thu Trang trong công trình "Nguyễn Ái Quốc ở Paris, 1917-1923" cũng cho biết: "Trong khoảng thời gian này (nửa sau năm 1921), theo mặt báo, Nguyễn Ái Quốc cũng đã nhận được nhiều thư từ các nơi gửi đến, từ Việt Nam sang, những nơi khác là Anh, Mỹ, Cuba và có một thư do người Nhật tên là Komats gửi đến" ("Nguyễn Ái Quốc ở Paris, 1917-1923", Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam xuất bản, 1991, trang 1272).
Trong một tài liệu đáng tin cậy được công bố trên tạp chí Xưa & Nay số 29 năm 2002 với nhan đề "Nhà văn Nhật Bản Kiyoshi Komatsu và Nguyễn Ái Quốc", tác giả Đinh Mạnh Thoại cũng khẳng định mối quan hệ thân thiết của hai người thanh niên yêu nước của hai dân tộc Việt - Nhật gặp nhau ở Paris vào đầu những năm 20 thế kỷ trước. Ông Đinh Mạnh Thoại từng có thời gian bảy tháng làm thư ký cho Komatsu Kiyoshi, khi ông này sang làm việc ở Việt Nam những năm 1940. Trong vài dòng hồi ký, ông Thoại đã kể câu chuyện đối thoại giữa ông chủ Komatsu và ông hơn nửa thế kỷ trước ở sảnh vila số 11 phố Colombert, Sài Gòn (nay là Thái Văn Lung, thành phố Hồ Chí Minh). Buổi tối hôm ấy có hai người, nhà văn Nhật Bản Komatsu đã hỏi ông Thoại về Nguyễn Ái Quốc.
Trong bối cảnh đất nước lúc đó, khi quân đội Nhật và giới thương mại, chính trị Nhật đang đổ vào Đông Dương tuyên truyền rầm rộ thuyết Đại Đông Á, e ngại nên ông Thoại còn ngập ngừng và trả lời cho qua chuyện: "Thú thực với ông, tôi không rõ nhiều về ông Nguyễn Ái Quốc!". Sau câu trả lời trên, ông Thoại kể: "cứ tưởng trả lời tránh né là xong. Nào ngờ, cơn lôi đình ập đến, con người ông bật đứng dậy, vươn người qua bàn mây, hai tay ông đập mạnh vào vai tôi, giọng cáu kỉnh, ông dằn từng tiếng:
- Ông là đứa con nít, là lyceen (học sinh trung học) trường bảo hộ, vào đời, ông có vợ, lại là người Việt Nam nữa, vậy mà ông không rõ lắm về ông Nguyễn Ái Quốc? Ông thật đáng thương và đáng trách", "…Ông Thoại, thật con nít quá. Nguyễn Ái Quốc là bậc đại tài đã cống hiến vô cùng lớn lao cho dân tộc ông. Bản thân tôi khâm phục, và lúc nào cũng nhớ đến ông Nguyễn Ái Quốc !".
"Truyện Kiều" của Nguyễn Du không những được mọi tầng lớp độc giả ở nước ta yêu mến, trân trọng mà còn đến được với bạn bè ở nhiều nước trên thế giới. Ở Nhật cho đến nay đã có tới bốn bản dịch "Truyện Kiều" và thật đáng tự hào là bản dịch đầu tiên sang tiếng Nhật lại do nhà văn Komatsu Kiyoshi, người đã từng là bạn thời trẻ của Nguyễn Ái Quốc ở Paris thực hiện. Biết đâu, khi Komatsu bắt tay vào dịch "Truyện Kiều" của Nguyễn Du một phần là do sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc.
Thuý Toàn

No comments:

Post a Comment