Trang

Friday, February 10, 2012

CUỘC ĐỜI RƠI LỆ CỦA NHẠC SĨ PHAN LẠC HOA

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa (1947-1982), tác giả những ca khúc nổi tiếng “Tàu anh qua núi”, “Tình yêu bên dòng sông quan họ”. Anh là người chồng 10 năm của NSND Thanh Hoa (tên thật là Nguyễn Thị Thanh, khi lấy nhau ghép với tên chồng thành tên ca sĩ), sinh hạ 3 người con là Thư, Lữ, Nguyên, nhưng Nguyên mất lúc còn nhỏ. Người con gái đầu lòng hiện là nhà thơ nổi tiếng Phan Huyền Thư. Năm nay tròn 30 năm anh ra đi bằng cái chết trong sợi dây thừng oan nghiệt, tôi vào mạng thấy có bài viết của bác sĩ biệt danh Sao Hồng, người đã từng là sinh viên thực tập tại giường bệnh của Phan Lạc Hoa ở bệnh viên Bạch Mai những ngày cuối cùng của anh. Bài viết tuy có một số thông tin thiếu chính xác, nhưng phần nào cũng đã “ghi lại” được sự thật về người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
.

CUỘC ĐỜI RƠI LỆ CỦA NHẠC SĨ PHAN LẠC HOA

SAO HỒNG   
Phan Lạc Hoa, sinh 1947, là nhạc sỹ tài hoa mà đoản mệnh. Tác giả của “Tàu anh qua núi”, “Tình yêu bên dòng sông quan họ”,.. và nhiều bài hát được ưa thích một thời. Anh bị sang chấn tâm thần kéo dài (từ một cuộc đời long đong bầm dập) trên một nhân cách nghệ sỹ nhạy cảm đã trở thành một “bệnh nhân đặc biệt” của Khoa Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai năm 1982.
Nhạc sỹ luôn luôn được các thầy thuốc, nhân viên trong Khoa và sinh viên Y Hà Nội quan tâm chăm sóc và quý mến. Những hôm Chủ Nhật phòng bệnh của Nhạc sỹ rộn ràng tiếng hát cười khi cả nhà (nghệ sỹ Thanh Hoa và hai con gái) vào thăm.
Nghệ sỹ Thanh Hoa và hai con cùng Nhạc sỹ thường hát phục vụ theo yêu cầu của bệnh nhân, sinh viên nhân viên trực ở khoa.
Đêm Chủ nhật, 19 tháng 9 năm 1982, một đêm thu Hà Nội, nhạc sỹ Phan Lạc Hoa đã tự nguyện giải thoát cho mình khỏi những bế tắc trong cuộc sống tại căn hộ chật chội của mình khi đang là bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai. 
Cả Bộ môn, Khoa Tâm thần và sinh viên chúng tôi tiếc nuối cảm thương xen lẫn chút ân hận vì giá như đừng để nhạc sỹ về thăm nhà ngày Chủ nhật hôm đó! Bạn bè, giới văn nghệ sỹ và những người hâm mộ đau đớn cảm thương cho một nghệ sỹ tài hoa đoản mệnh. 
Ngày nay, những tư liệu về ông rất ít. Người ta biết về ông, nhìn nhận ông và đánh giá ông qua những tâm sự và lời kể của con gái hay của người vợ một thời, rất nổi tiếng của ông.
Nhưng xuyên suốt trong các câu chuyện về ông, mình vẫn thấy người thân ông, vì nhiều lý do, chưa “bật mí” hết những khía cạnh chìm khuất của ông. Người đời thương quý ông và nghe đồn thổi mà sinh ra ghét bỏ và lên án người vợ mà ông yêu hết mình, vì quá yêu mà ông tìm đến cái chết.
Câu chuyện mình viết lên đây, chỉ là những ký ức và kỷ niệm một thời mà mình trực tiếp nghe, tiếp xúc và đọc được từ thời sinh viên đến nay, như một tưởng nhớ về ông.  

Phần I : Hoài niệm về số phận một bênh nhân đặc biệt

Mỗi lần về quê hay có dịp xuôi tàu trên đường thiên lý Bắc – Nam, dòng suy tư lại đưa mình nhớ khôn nguôi về một con người tài hoa nhưng sớm rơi rụng và chìm lấp trong cõi hư vô và sự nổi tiếng của người thân. Đó là Phan Lạc Hoa.
Chẳng phải do nhà tàu phát bài ca “Tàu anh qua núi” với giai điệu thiết tha trầm lắng mỗi khi qua đèo Hải Vần cheo leo bên bờ biển Đông. Chính cuộc đời bầm dập, long đong; cái cách giải thoát bế tắc của ông thuở sinh thời và sự nổi tiếng của vợ con ông sau này, gợi cho mình nổi nhớ ấy trong suy tư “theo nhịp con tàu đi”.
Mình bắt đầu nghe tiếng Phan Lạc Hoa từ những bài hát nổi tiếng một thời qua làn sóng phát thanh: “Tàu Anh Qua Núi“, “Tình Yêu Bên Dòng Sông Quan Họ“,…
Sau này, được trực tiếp nghe người vợ trẻ của ông, ca sỹ Thanh Hoa thể hiện những bài hát này tại sân trường đại học. Hồi đó, Đoàn trường Đại học Y Hà Nội thường mời các ca sỹ Kiều Hưng, Thanh Hoa, Ngọc Bé, Ngọc Tân,… về biểu diễn cho sinh viên vào dịp cuối tuần.
Tháng 9 năm 1981, mình là sinh viên Y5 đi học luân khoa ở Khoa Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Sức khỏe Tâm thần). Phan Lạc Hoa đang là một trong những “bệnh nhân nổi tiếng” ở Khoa này.
Thời đó, nhiều bệnh nhân nam của Khoa Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, có “lý lịch cuộc đời” rất ấn tượng với sinh viên như tụi mình. Đa số họ, có biệt tài, học giỏi, thông minh hoặc uyên bác một lĩnh vực nào đó.
Họ vào viện từ hầu hết ở các lĩnh vực trong đời sống thượng tầng. Thậm chí, có người từ “tầng lớp cung đình”. Những tư duy, những suy nghĩ thầm kín của họ hoặc là quá cao siêu hoặc là lạc lõng giữa thời cuộc, làm cho họ luôn cảm thấy cuộc đời mình bế tắc.
Những trường hợp này thường được các nhà tâm lý học, bệnh học tâm thần xếp vào nhóm nhân cách yếu. Nói một cách ví von là họ thuộc nhóm nhân cách nghệ sỹ.
Những lúc rảnh rỗi, các sinh viên thường lấy cớ chăm sóc và thăm bệnh nhân để tiếp cận và nghe những câu chuyện từ họ. Thậm chí, khi sang học ở khoa Da Liễu, hay Truyền nhiễm, thi thoảng mình vẫn còn la cà sang khoa Tâm thần hóng hớt.
Bệnh nhân Phan Lạc Hoa một trong số bệnh nhân nổi bật được sinh viên quan tâm đặc biệt.
Trong trí nhớ của mình, Phan Lạc Hoa thuộc diện xí trai. Mái tóc bờm lên những nếp xoăn màu nâu cháy nắng. Khuôn mặt gồ ghề sắc cạnh. Da mặt ngăm ngăm lại lổ chổ vết rỗ. Dấu tích của bệnh đậu mùa một thời ấu thơ nghèo khó (có lẽ, điều này giải thích vì sao hiếm có hình ảnh của ông trên phương tiện truyền thông hiện nay).
Người ông tầm thước. Hai bàn tay đầy vết chai sạn của người công nhân quen cầm búa, cầm kìm, cầm xà-beng. Nó tương phản với hình ảnh ông ôm đàn ghi ta với giọng khàn khàn thuốc lào cất lên những bài ca mà ông tâm đắc.
Đặc biệt, ông có biệt tài kể chuyện. Ông kể chuyện rất hấp dẫn và lôi cuốn như hút hồn người nghe. Chính những câu chuyện chắp nối giữa những khoảng tỉnh và mê đã vẽ nên cuộc đời bôn ba chìm nổi của ông.
Từ chuyện cuộc đời; chuyện bạn bè đồng nghiệp; chuyện sáng tác, nghiệp và nghề đến chuyện tình yêu với vợ con và gia đình. Ông thường nói về vợ mình với một tình cảm đau đớn. Vì khi đó, cuộc hôn nhân đã đi đến hồi kết mà tình yêu dành cho vợ nơi ông vẫn còn như xưa. Có lúc, câu chuyện kết thúc trong nước mắt làm những sinh viên trẻ như tụi mình cũng rưng rưng trong lòng.
Đặc biệt, ông vẫn không nguôi được nỗi đau mất đứa con trai duy nhất. Cháu Phan Cao Nguyên. Ông nói 10 năm hôn nhân thì chỉ có khoảng 5 năm hạnh phúc. Nhưng hai vợ chồng vẫn có với nhau 3 đưa con kháu khỉnh xinh đẹp. Phan Huyền Thư, Phan Thế Lữ và Phan Cao Nguyên. Đó là nhờ tình yêu của vợ ông.
Trong câu chuyện của ông, vợ ông là một người đàn bà có sức cuốn hút đàn ông, tuy không đẹp cho lắm. Hừng hực sống, khao khát yêu đương. Say mê ca hát. Cháy hết mình mỗi khi lên sân khấu cũng như trên giường.
Cũng như bao người khác, với ông mỗi đứa con là một thiên thần bé nhỏ. Phan Cao Nguyên là niềm tự hào, hy vọng và là nguồn sống tinh thần của ông. Vì thế, khi cháu mất đi ông suy sụp hẳn. Cuộc đời coi như hết đối với ông.
Hơn một tuổi, Cao Nguyên bị bệnh tiêu chảy nhưng mức độ chưa trầm trọng. Khi vào Viện Nhi (hồi đó đang ở trong Bệnh viện Bạch Mai) điều trị. Nằm chung phòng với một cháu trai cùng tuổi những bị bệnh nặng hơn. Hai đứa khá giống nhau.
Nên y tá điều trị đã sơ suất không “3 tra 3 chiếu” khi thực hiện chỉ định truyền dịch của bác sỹ. Thay vì thực hiện cho cháu bên cạnh, y tá đã truyền cho cháu Nguyên. Kết quả là cháu Nguyên bị phù phổi cấp không cứu được.
Chuyện này, mình nghe các anh lớp trên đi học lầm sàng Nhi kể lại. Cho đến bây giờ, mình vẫn nghĩ, nếu Cao Nguyên còn sống, chắc bệnh nhân Phan Lạc Hoa không tìm cách giải thoát bế tắc một cách bi thương như thế.
Đó là nhưng khi tâm trạng của ông trở nên u uất. Những khi ông khỏe và tỉnh táo. Ông vẫn vui cười và vẫn đàn hát cho sinh viên và bệnh nhân bên cạnh nghe.
Mỗi chủ nhật, sáng hoặc chiều, ca sỹ Thanh Hoa và hai cô con gái cỡ 7, 8 tuổi vào thăm bố. May mắn cho sinh viên nào trực vào ngày chủ nhật là được nghe và chứng kiến những giây phút hạnh phúc hiếm hoi của gia đình nghệ sỹ.
Nếu chứng kiến cảnh sum vầy ấy, nhiều người sẽ không ngờ chính trong thời gian này, tình yêu và hôn nhân của hai nghệ sỹ này đã rạn nứt và không có cơ hàn gắn như sự thừa nhận có vẽ buông xuôi của bệnh nhân Phan Lạc Hoa.
Đôi khi, nhìn cảnh ấy, chính mình cũng ước ao được sống trong một gia đình nghệ sỹ như vậy. Chỉ đến khi tham dự buổi báo cáo tốt nghiệp Chuyên khoa cấp I của anh Kim Việt, một bác sỹ nội trú giỏi của Bộ môn Tâm thần học, Đại học Y mình mới hiểu thêm về cuộc đời và những khổ đau, dằn vặt dẫn đến căn bệnh của bệnh nhân Phan Lạc Hoa.
Mình đã khóc khi nghe anh Việt trình bày luận văn trước hội đồng. Bản luận văn như một tiểu thuyết cuộc đời chìm nổi của Phan Lạc Hoa thấm đẫm nước mắt và nhân tình thế thái. Mà không riêng gì mình, các bạn mình, các bác sỹ, y tá và hộ sinh đều rơi nước mắt.
Chính ấn tượng sấu sắc hồi đó làm mình nhớ mãi bệnh nhân Phan Lạc Hoa. Cuộc đời ông, tình yêu tuyệt vọng của ông như một cánh hoa tả tơi và ắt sớm rụng rơi trước dông bão cuộc đời.
Chiêm nghiệm từ cuộc đời long đong của mình, có lần ông nói vui rằng, cái tuổi Hợi mà sinh giữa ban đêm, nên cuộc đời ông kiếm được miếng ăn không phải dễ.
Mồ côi cha. Tuổi thơ trôi dạt qua nhiều vùng quê. Phải lao động từ nhỏ. Học hành chắp vá. Nghề nghiệp bấp bênh. Dáng vẻ phong trần, bất cần đời. Không thích khuôn phép và sống theo cảm xúc. Kỳ thực, ông rất nhạy cảm và mặc cảm. Một nhân cách yếu, theo thuật ngữ tâm lý học.
Nhân cách yếu, cộng với một cuộc đời bầm dập long đong và một cuộc hôn nhân đỗ vỡ đã làm cho ông mát phương hướng và đi đến cái chết bi thương.
Phần II : Bệnh án một bệnh nhân, tiểu thuyết một cuộc đời bầm dập và long đong.
Mình đã khóc khi nghe anh Việt trình bày luận văn trước hội đồng. Bản luận văn như một tiểu thuyết cuộc đời chìm nổi của Phan Lạc Hoa thấm đẫm nước mắt và nhân tình thế thái.
Phan Lạc Hoa sinh ra khi nền cộng hòa dân quốc vừa hai tuổi. Dư âm trận đói năm Ất Dậu (1945) còn bao trùm đồng bằng thôn quê Bắc Bộ. Quê ông ở Hữu Bằng, Thạch Thất. Bố mất sớm, hai mẹ con dắt díu nhau lang bạt kiếm ăn xứ người.
Từ quê hai mẹ con trôi dạt theo dòng di dân quen thuộc thời Pháp: Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh. Ông học ở trường đời nhiều hơn ở trường lớp. Những công nhân và thợ lò vùng cảng, vùng mỏ tốt bụng đã cưu mang giúp đỡ mẹ con ông.
Trong câu chuyện, ông vẫn ví von, tuổi thơ mình như cây cỏ dại mọc lên giữa cánh đồng hoang.
Việc học hành chắp vá nhưng ông là người thông minh và nhạy cảm. Ông có “hoa tay” và năng khiếu văn nghệ gần như là bẩm sinh. Vì thế, từ phong trào văn nghệ vùng mỏ ông được cử về học ở trường Âm Nhạc Hà Nội, như là hạt nhân phong trào văn nghệ vùng Mỏ trong tương lai.
Tại trường Nhạc, ông gặp và yêu mê mệt cô nữ sinh năm thứ ba “bé choắt có đôi mắt đẹp hút hồn và giọng hát đầy triển vọng”, Nguyễn Thị Thanh. Mối tình lãng mạn bay bổng đạt đến đỉnh của sự ngất ngây thì… cả hai phải đối diện với thực tại. Cô sinh viên có thai khi chưa kết thúc khóa học.
Việc có thai ngoài ý muốn mà chưa hôn thú, “chưa báo cáo tổ chức” là vấn đề rất nghiêm trọng bấy giờ. Chế độ tem phiếu có thể không chết đói với người độc thân nhưng với một “gia đình sinh viên” chưa có hộ khẩu.. thì có thể đói nhăn răng.
Như một cú sốc, ông mất thăng bằng một thời gian vì không biết sẽ tổ chức cuộc sống thế nào. Ông chạy trốn với thực tại và lang thang với bạn bè. Hồi tâm, ông quay về và sống với Thanh mà không cưới hỏi.
Khi ra trường, ông lại có quyết định đi phục vụ chiến trường khi người vợ trẻ mang thai bảy tháng. Ông kể, ông hoang mang tột độ. Dằn vặt giữa việc đi chiến trường bỏ vợ ở nhà với bụng bầu hay ở lại.
Ở lại với vợ con, có nghĩa là bị kỷ luật, như một người thoái thác sự phân công tổ chức. Đồng nghĩa với việc đào ngũ. Tình cảm lấn át lý trí, cuối cùng, ông liều mình ở lại chăm sóc vợ con. Nghiễm nhiên, ông bị kỷ luật, bị  loại ra khỏi biên chế  và “vất ra lề đường”.
Mất biên chế, đồng nghĩa với trắng tay. Không có sổ gạo, tem phiếu. Không nơi nào dám nhận ông, “một thằng đào nhiệm”, như lời ông nói.
Như một người tỉnh lẻ trắng tay “trôi dạt về thủ đô” mà gánh trên vai trách nhiệm làm cha làm chồng. Ông làm bất cứ công việc gì để tồn tại cùng vợ con. Nhưng cũng có khi, sáng đi tìm việc, chiều về hai bàn tay trắng trong cơn say bét nhè.
Những năm tháng bị “tống ra lề đường” bị hắt hủi, ông mang tâm trạng mặc cảm và tự ti. Ông bảo, thật là hèn khi phải ăn bám vợ.
Vợ ông, ca sỹ trẻ Nguyễn Thị Thanh được nhận về Đài Tiếng nói Việt Nam (*) như một biên chế chính thức. Rồi trở nên nổi tiếng với nghệ danh Thanh Hoa. Nổi dày vò mà mặc cảm và ngày càng chồng chất, khi vợ ông ngày càng khẳng định được chổ đứng trong lòng khán giả.
Qua bạn bè, ông được gặp vị cứu tinh. Ông Tạ Đình Đề (Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt), một nhân vật huyền thoại của thời kháng Pháp với bản tính nghĩa hiệp, giỏi thu phục nhân tâm. Ông về làm “lính” của ông Tạ Đình Đề.
Thời đó, Tổng Cục đường sắt có phòng trào văn nghệ và hoạt động thể thao rất sôi nổi. Họ có cả Đoàn văn công, Đội bóng đá, bóng chuyền rất nổi tiếng.
Ông Tạ Đình Đề có tài và có tâm. Ông biết nhìn người và cưu mang những người có cá tính và thất cơ lỡ vận như Phan Lạc Hoa, Lưu Quang Vũ,… tạo công ăn việc làm cho họ; cho họ môi trường để phát huy sở trường sở đoản.
Khi ông Tạ Đình Đề bị bắt oan lần thứ nhất, đoàn văn công đường sắt cũng dần dần… rã đám. Phan Lạc Hoa quay lại làm công nhân sắp chữ ở xưởng in.
Lao động chân tay đối với ông, không có gì lạ. Nhưng tiếp xúc nhiều với bản kẽm bằng chì, cộng với thiếu cơm thừa rượu tạp, thuốc lá, thuốc lào rẻ tiền, đã tích cóp nên… bệnh tật của ông sau này.
Nước nhà thống nhất. Năm 1976, ông Tạ Đình Đề vô tội và trở lại làm việc. Phan Lạc Hoa vẫn vừa làm công nhân vừa làm… văn nghệ. Những sáng tác của ông bắt đầu có tiếng vang qua giọng hát của vợ ông.
Có thể nói, chính giai đoạn ngắn ngủi làm quân của ông Tạ Đình Đề, Phan Lạc Hoa mới được “hồi sinh” và có những tác phẩm nổi tiếng để lại. Vì thế, trong câu chuyện, với ông, Tạ Đình Đề không chỉ là thần tượng mà còn là một ân nhân.
Tuy vậy, ông vẫn mặc cảm cho thân phận và cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt khi chỗ đứng của hai người trong xã hội ngày càng xa nhau, vì không cùng một hướng. Nó giống như câu ca quen thuộc “một người về đỉnh cao, một người về vực sâu”.
Kết quả cuộc hôn nhân của hai người là 3 đứa con trong 5 năm thực sự… chung tình. Từ sự khác biệt về tình cảnh và suy nghĩ trong cuộc đời, họ ly thân nhiều năm trước khi ông phát bệnh.
Rồi khi bệnh tình thuyên giảm, ông quyết định chia tay trong đau đớn và tủi nhục. Sau gần 10 năm cuộc hôn nhân của hai người kết thúc bằng một phiên tòa lặng lẽ.
Không có nhà riêng, họ vẫn phải “ràng buộc nhau” bỡi 3 đứa con bé nhỏ và căn hộ tập thể chật chội. Căn hộ được ngăn cách bằng bức phên cót và chung bếp và khu vệ sinh. Cuộc sống đó, có lúc ông cảm thấy căng thẳng như ở địa ngục.
Ca sỹ Thanh Hoa ngày càng thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu và trên làn sóng phát thanh. Sự chúc tụng săn đón của khán giả. Trong đó có những người đàn ông đam mê nàng, kể cả họ từng là bạn bè chung của hai người thời còn mặn nồng.
(…….)
Tinh thần ông ngày càng hoảng loạn. Những ứng xử thất thường càng làm không khí căn hộ bức bối và căng thẳng. Những cơn trầm cảm và hoảng loạn thất thường càng dày lên. Năm 1981, ông trở thành “bệnh nhân được yêu mến” của Khoa Tâm – Thần kinh, bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài những triệu chứng kéo dài và tập hợp chuỗi thành hội chứng để được chẩn đoán là bệnh nhân tâm thần. Ông còn mắc nhiều chứng bệnh thực thể khác. Viêm dạ dày – tá tràng. Viêm gan mãn có nguy cơ xơ gan. Rối loạn tuần hoàn não đưa đến những cơn nhức đầu kinh niên.
Đó là hậu quả của cuộc sống khổ ải và thiếu đói triền miên từ thuở thiếu thời cho đến khi có gia đình. Những bế tắc trong cuộc sống đưa ông đến với những thói quen rất có hại với sức khỏe. Những bữa rượu suông đói cơm triền miên; nhiễm tật thuốc lào, thuốc lá từ thuở làm thuê ở vùng mỏ,..
Những bệnh tình đó của ông chỉ được phát hiện thêm trong các lần khám tổng quát khi vào điều trị tại Khoa Tâm – Thần kinh.
Dù vậy, thời gian điều trị ở Bạch Mai chính là thời gian ông được sự quan tâm và chăm sóc của vợ con. Dù cuộc hôn nhân sắp đến hồi kết. Ông được các thầy thuốc, sinh viên yêu quý. Cuộc đời ông, bệnh tật của ông được một sinh viên nội trú quan tâm và chọn làm luận văn tốt nghiệp Bác sỹ nội trú khóa 1979-1982.
Bản luận văn như một tiểu thuyết viết về một cuộc đời long đong và bầm dập, thấm đãm nước mắt những trang giấy. Mình ví luận văn của anh Việt như cuốn tiểu thuyết vì cái kết của nó đầy hi vọng: chẩn đoán bệnh của Phan Lạc Hoa theo luận văn là TÂM CĂN. BỆNH DO CĂN NGUYÊN TÂM LÝ & SANG CHẤN TINH THẦN.
Nhưng thực tế cuộc sống lại khắc nghiệt. Chỉ mấy tháng sau, trong một đêm diễn thành công của người vợ cũ tại Rạp Công Nhân và Nhà Hát lớn Hà Nội, “bệnh nhân yêu mến” Phan Lạc Hoa đã tự giải thoát sự bế tắc của mình bằng một sợi dây thừng oan nghiệt.
Cái kết bi thương nay đã chìm vào quên lãng của người đời. Nhưng khi đó, nó để lại bao hệ lụy cho người vợ cũ và những đứa con của ông. Âu cũng một kiếp người.

Phần III: Sự giải thoát bế tắc & hệ lụy với người ở lại.

Về bệnh tình, để chẩn đoán và xác định đúng bệnh tình của một bệnh nhân tâm thần không dễ chút nào. Cần phải có thời gian theo dõi dài lâu; phải tìm hiểu cặn kẽ tâm tư và cuộc sống quá khứ, hiện tại của bệnh nhân.
Phân loại bệnh tâm thần trước thập niên 1990s (khi chưa có hội nghị lần thứ 43 của WHO, 5-1990, và hệ thống phân loại bệnh ICD-10) tựu trung có 3 thể: tâm thần thực thể mà điển hình là Tâm thần phân liệt; Rối loạn hành vi tâm lý; Tâm căn hay là rối loạn hành vi cảm xúc.
Bệnh nhân Phan Lạc Hoa, sau một thời gian điều trị cuối cùng được chẩn đoán thể TÂM CĂN. Thể bệnh này không gây nguy hiểm cho xã hội cũng như bản thân cá nhân họ.
Chính chẩn đoán cuối cùng này đã tránh cho ông khỏi phải đi điều trị lâu dài ở… Trâu Quỳ, nơi có Bệnh viện Tâm thần Trung ương.
Cũng chính vì chẩn đoán TÂM CĂN nên bệnh nhân Phan Lạc Hoa được ưu ái về sống và sinh hoạt cùng gia đình vào dịp mỗi chủ nhật hàng tuần.
Thực ra lúc đầu, bệnh của ông các thầy thuốc nghiêng về thể tâm thần thực thể dạng TÂM THẦN PHÂN LIỆT. Đây là thể bệnh nặng cần theo dõi, giám sát và chăm sóc đặc biệt. Thể bệnh dễ đưa bệnh nhân đến trạng thái hoang tưởng và có khả năng tự hủy hoại bản thân hay gây nguy hiểm cho người xung quanh.
Có những lúc bệnh nhân Phan Lạc Hoa rơi vào trầm cảm. Nhưng nhiều khi ông rất tỉnh táo. Thỉnh thoảng ông vẫn tiếp tục sáng tác viết lách ngay tại bệnh viện như một người đang… an dưỡng.
Hơn nữa, hình ảnh gia đình nghệ sỹ sum họp đầm ấm mỗi chủ nhật ở bệnh viện, đã làm các thầy thuốc lầm tưởng rằng cảnh đó cũng xảy ra ở nhà. Họ đâu ngờ sau cánh cửa căn hộ chật chội thời bao cấp là căn phòng có bức phên cót mỏng manh ngăn cách hai thế giới.
Tiếng cười rộn rã bên kia là tiếng đau xé lòng của bên này. Bức ngăn mỏng manh như sợi nứa tạo nên nó nhưng là khoảng cách giữa hai người ngày càng dày lên theo thời gian. Chia cách thế giới riêng trong tâm hồn của hai người nghệ sỹ.
Họ đâu ngờ đêm chủ nhật định mệnh đó, “một người ở đỉnh cao; một người về vực sâu”. Người vợ yêu quý của bệnh nhân, đã hoàn thành thủ tục ly hôn trước đó một tháng, có một đêm xuất thần trong cả hai sô diễn tại Rạp Công Nhân và Nhà Hát lớn.
Có thể, ít người còn nhớ cái đêm mà Phan Lạc Hoa, một người chồng, một nhạc sỹ của một ca sỹ nổi tiếng, đã tự vẫn. Nhưng mình vẫn còn nhớ như in sự kiện đó.
Mình nhớ vì không chỉ đã nhiều lần hóng hớt “bệnh nhân nổi tiếng” kể chuyện tại giường bệnh. Thời đó, ca sỹ Thanh Hoa và những đồng nghiệp Kiều Hưng, Ngọc Bé, Ngọc Tân,.. đã rất quen thuộc với sinh viên trường Y vì những đêm “hát cho sinh viên nghe” tại sân trường.
Kiếm một giấy mời hay vé vào cửa của một đêm diễn của một ca sỹ mà mình hâm mộ không khó. Mình có được giấy mời từ ông dượng là Sếp của báo Lao Động. Vì thế, đêm 19/9/1982, mình là một trong những khán giả của Rạp Công Nhân trên đường Tràng Tiền.
Những bài hát nức tiếng mà ca sỹ Thanh Hoa hát tối đó mình cũng đã nghe nhiều lần nhưng chưa bao giờ chán. TÀU ANH QUA NÚI, TÌNH YÊU BÊN DÒNG SÔNG QUAN HỌ; EM VẪN ĐỢI ANH VỀ,…
Hôm đó, mình biết vẫn như thường lệ, “bệnh nhân đặc biệt” được “tại ngoại” và đang đứng bên cánh gà của Rạp Công Nhân. Như bao lần ông kể, sau khi ly thân, mỗi lần Thanh Hoa đi hát, là ông tự nhủ mình hãy ở nhà.
Nhưng rồi, khi thì vì bạn bè, khi thì vì con cái mà ông đến nghe “người đàn bà hát”. Cũng có lúc ông đến với đêm diễn của vợ mình như người… mộng du.
Những khi như thế giọng hát của Thanh Hoa càng vút cao và những tiếng vỗ lay không dứt yêu cầu ca sỹ hát lại, thì ông cảm thấy như ngực mình nhói đau và đầu óc quay cuồng.
Cùng hai con và bạn bè thân thiết đi “cổ vũ” cho vợ mình, nhưng ông thường hoặc ra về trước với con hoặc một mình theo các “chiến hữu” đi… cuốc lủi. Thanh Hoa thì có nhiều người đưa đón và thường kéo nhau đi ăn lót dạ hay uống nước sau buổi diễn.
Rạp Công Nhân lúc 20 giờ, khi hát xong phần của mình, ca sỹ Thanh Hoa “chạy sô” sang Nhà Hát Lớn ngay đầu đường Tràng Tiền. Vì nói như ngôn ngữ bây giờ, khi đó Thanh Hoa đang là ca sỹ HOT. Ông, con gái và bạn bè tất nhiên cũng theo sang.
Tại Nhà hát Lớn, ba bài hát kết thúc chương trình của “người đàn bà hát”: Tàu anh qua núi, Vì sao anh ra đi, Em vẫn đợi anh về, như giọi nước cuối cùng làm tràn căng cái hộp sọ đã chất chứa bao nhiêu oan ức bất công làm “nổ tung” và đẩy bệnh nhân đến tận cùng tuyệt vọng.
Hôm sau, sinh viên trường Y đã kháo nhau tin ông mất. Bỡi vì, bệnh viện được báo tin “bệnh nhân đặc biệt” mãi mãi sẽ không đến nữa. Xung quanh cái chết của ông có rất nhiều lời đồn đoán và thêu dệt. Vì ông không để lại thư tuyệt mệnh(**).
Hồi đó, mình cũng được nghe có người kể y như là họ chứng kiến cái chết của ông từ đầu đến cuối.  Đêm hôm trước, từ Nhà Hát lớn ông về nhà trước ngồi đốt thuốc lá trên chiếc ghế tựa và trong tay với sợi dây thừng như có ý chờ Thanh Hoa về. Chắc ông muốn nói lời vĩnh biệt và tuyên bố sẽ ra đi.
Như mọi lần, sau các sô diễn liền nhau, vợ ông chỉ muốn đi nằm và tránh “đối đầu” với “bệnh nhân tâm thần”. Khi vợ con đã yên giấc, ông đứng lên chiếc ghế đầu lòn qua sợi dây treo từ chiếc quạt trần giữa phòng khách, đồng thời là phòng ngủ và không gian riêng của ông. Bên kia tấm phên cót, chắc vợ ông đã chìm vào giấc ngủ sau hai sô diễn hết mình (***).
Sáng hôm sau, hay tin, khi những người hàng xóm đầu tiên bước vào căn hộ, người ta thấy Thanh Hoa ngồi bất động câm lặng trên chiếc ghế mà ông ngồi đốt thuốc đêm qua.
Dưới sàn nhà là tàn thuốc lá vương vãi. Trên giữa trần nhà là cái quạt và ông treo lơ lững trong chiếc thòng lọng làm từ sợi dây kéo cánh phông màn (***). Chính điều này, đã góp phần để lại tai tiếng và hệ lụy không ít cho Thanh Hoa một thời gian dài sau đó.
Đám tang ông, mình không tham gia đưa tiễn. Nhưng bạn bè ở KTX đi về kể lại, những chiến hữu văn nghệ tâm giao với ông, trước lúc ném cho ông nắm đất, đã tưới lên ông những ly rượu trắng uống dở và thề sẽ trả thù. Nói thế thôi, chứ lúc đó họ cũng không hiểu họ sẽ trả thù ai và vì cái gì.
Trong vòng một trăm ngày tang, Thanh Hoa vắng bóng trên sân khấu ca nhạc. Cô ca sỹ rơi vào cơn lốc xoáy nghi kỵ và dèm pha của dư luận. Những câu chuyện về cái chết của Phan Lạc Hoa được bàn tán và thêu dệt khắp nơi.
Sau ngày giỗ trăm ngày, Thanh Hoa đi hát trở lại. Vẫn những bài hát quen thuộc ngày nào. Cũng chính giọng hát và những bài hát đó. Tiếng hát vút lên có lúc như nghẹn lại. Khán giả lắng nghe cũng có những cảm nhận khác với trước đây, tùy theo tâm trạng và mức độ tin cậy của họ đối với lời đồn thổi.
Phần lớn khán giả đón đợi và chia sẻ sự cảm thông với ca sỹ. Nhưng không phải buổi diễn nào cũng êm thấm. Xen lẫn tiếng vỗ tay là tiếng la hét chưởi rủa: “đồ sát chồng”, “xuống đi”,… buổi diễn tại sân KTX trường Y sau cái chết của Phan Lạc Hoa cũng như thế.
Những lúc đó, Thanh Hoa đi xuống sau cánh gà với vị nước mắt đắng chát. Những sinh viên, bác sỹ hiểu và thông cảm cho Thanh Hoa như mình vẫn chiếm số đông. Vì thế Thanh Hoa mới đến trường hát như ngày nào.
Cũng như Ngọc Tân sau sự cố vượt biên không thành, bị cấm hát. Các bệnh viện và trường Y vẫn mời họ về hát cho cán bộ nhân viên và sinh viên nghe.
Dù thù lao ít ỏi, nhưng tình cảm của người hâm mộ là nguồn động viên và vực dây tinh thần để những người như Thanh Hoa, Ngọc Tân còn trụ lại với nghề hát bạc bẽo của mình.
Một tác giả không rõ tên (****) đã viết như sau:
Đấy là một ngày đầu thu của năm 1982. Mưa rây rắc như ai đó thầm khóc. Tôi xuống thăm Phan Lạc Hoa ở khu tập thể Đài tiếng nói Việt Nam tại Ngã tư vọng. Anh vừa rời Bệnh viện Bạch Mai về nhà. Trước đấy ít ngày, khi anh còn nằm ở khoa tâm thần bệnh viện, tôi có ghé thăm.
Ngày ấy, Phan Lạc Hoa đã rất nổi tiếng với bài hát Tàu anh qua núi do vợ anh – ca sĩ Thanh Hoa hát ở khắp các sàn diễn, thu âm ở Đài Phát Thanh, thu đĩa ở Dihavina. Đến khi anh phổ bài thơ Đêm sông Cầu của Đỗ Trung Lai, thì có hai sự đánh giá ngược nhau.
Phái đàn anh thì chê viết hơi dễ dãi, còn bạn bè thì khen là một thứ xẩm mới tuyệt hảo. Bởi vậy dù Đài không nhận thu âm, Thanh Hoa vẫn mang đi hát ở khắp các sàn diễn. Lần nào hát Tình yêu bên dòng sông quan họ đều được đề nghị hát lại nhiều lượt. Và Thanh Hoa thì cứ thế mà “về đỉnh cao”, còn Phan Lạc Hoa ngày càng chìm “về vực sâu”.
Bữa gặp nhau, sau rất nhiều câu chuyện bàn về sự sống và cái chết qua những chén rượu. Phan Lạc Hoa có hát cho tôi nghe một bài viết tặng các “nàng tiên áo trắng” của Bệnh viện Bạch mai. Anh đặt tên là Bài ca áo trắng.
Bài hát viết ở cung đô thứ, nốt trầm mở đầu là nốt “sòn”, nốt cao nhất là “si giáng”. Có lẽ anh dành bài hát này cho giọng nữ trung hát theo nhịp nhạc nhẹ, có thể là swing-fox hay show-suf chăng?
Lời ca rất cảm động “… ở nơi đây – bao ánh mắt bao tấm lòng, vì người bệnh yêu thương…”. Hát xong anh đưa cho tôi và cười nói bâng quơ: “Có khi đây là bài hát cuối cùng của tao”.
Bâng quơ mà hoá thật. Khuya đó, Phan lạc Hòa đã vĩnh biệt cuộc sống ở tuổi 36…
Phan Lạc Hoa, sinh 1947, là nhạc sỹ tài hoa mà đoản mệnh. Tác giả của “Tàu anh qua núi”, “Tình yêu bên dòng sông quan họ”,.. và nhiều bài hát được ưa thích một thời.
SH.
________
Chú thích của Nguyễn Trọng Tạo:
(*) Thanh Hoa được biên chế về Đài phát thanh Giải Phóng, trụ sở bên cạnh Đài TNVN, sau 1975 mới nhập vào Đài TNVN.
(**) Theo Thanh Hoa kể lại thì sau khi PLH chết, thấy trong túi áo sơmi của anh có một mảnh giấy với dòng chữ: “Vĩnh biệt các con! Vĩnh biệt gia đình! Vĩnh biệt bạn bè! Ôi Thanh Hoa! Ôi tình yêu!”.
(***) Cũng theo Thanh Hoa kể lại thì sau đêm diễn, khi các con đã ngủ, PLH pha cafe “thương lượng” với Thanh Hoa hủy giấy ly hôn, nhưng không được, anh tuyên bố cả hai sẽ “đi tàu suốt” (nghĩa là cùng chết). TH sợ quá chạy sang nhà cô gái bên cạnh. Một lát, nghe tiếng đạp tường vọng sang, TH có linh tính không ổn, chạy về nhà từ cửa sau, không thấy PLH ở trong nhà, còn cửa trước đã bị khóa ngoài. Sợ quá, TH chạy vòng dãy nhà A4 gõ cửa nhạc sĩ Lê Đình Lực. Khi TH và LĐL đến hiên trước cửa nhà thì thấy PLH đã treo cổ, liền kêu cứu. Mọi người đưa được PLH xuống, rồi đưa anh sang bệnh xá khu tập thể Đài TNVN cấp cứu, nhưng đã muộn, vì trước đó anh uống café pha rượu…
Vậy thì không phải PLH treo cổ ở trong phòng mà ở trước hiên nhà.
(****) Đoạn trích của Nguyễn Thụy Kha.
Nguồn:



No comments:

Post a Comment