Trang

Tuesday, February 28, 2012

HỒI KÝ TRẦN ĐĂNG KHOA: CÁN BỘ CỦA HAI ĐẢNG ANH EM (ĐẢNG DÂN CHỦ & ĐẢNG XÃ HỘI) CŨNG LÀ CÁN BỘ CỦA ĐẢNG (Lao động)


(Trích Hồi ký của Cụ Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Quốc Hội)

Đối với Đảng lãnh đạo và Hồ Chủ Tịch, cha tôi luôn luôn một lòng kính mến và biết ơn. Cha tôi thấy Đảng là ánh sáng, là trí tuệ là anh hùng. Hồ Chủ Tịch là một vị thiên tài là một vỹ nhân, là thầy, là cha, là bác kính yêu của cả dân tộc. Người là tinh hoa của dân tộc, là hình ảnh của non sông. Cha tôi rất tự hào về Đảng, về Bác Hồ. Thật là một hạnh phúc, một vinh dự vô cùng lớn lao cho cha tôi được làm việc gần Bác, được nhìn nét mặt trầm tĩnh, bình thản của Bác trước những diễn biến lịch sử có lúc vô cùng gay go phức tạp, tưởng chừng như nan giải, và cha tôi chờ Bác kết luận, một kết luận ngắn gọn nhưng sáng suốt, đúng đắn làm sao.
Cha tôi biết ơn Đảng, biết ơn Bác đã quan tâm đến cha tôi và gia đình tôi, sỡ dĩ cha tôi được đóng góp phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp Cách mạng của dân tộc chính là nhờ Đảng, nhờ Bác. Điều này cha tôi không bao giờ quên. Tôi và các em tôi những người con của ông đều nên người và phục vụ tốt cho Cách mạng, chúng tôi cũng biết ơn Đảng và Bác.
Tôi nhớ khi cha tôi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chinh, gia đình tôi được phân một buồng trong khuôn viên của Bộ. Lúc đó nhiều Bộ cùng ở chung một nơi, cả phòng làm việc của cán bộ, nhân viên, cả hộ gia đình. Gia đình tôi 8 người cũng phải chen chúc trong cái phòng chật hẹp chưa quá 10 m2. Thấy gia đình tôi ở như thế, Bác Hồ bảo: “Ở như vậy không được”. Sau đó Bác cho ở một cái nhà trên đường Hoàng Diệu, gần nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp bây giờ.
Gia đình tôi thật là cảm kích.
Cả gia đình tôi, trong ấy có một số đảng viên, nguyện theo Đảng mãi mãi, một lòng trung thành với Đảng. Ý nghĩ tình cảm chân tành của cha tôi, gia đình đối với Đảng và Hồ Chủ Tịch đã được nói lên nhiều lần: trên báo, trên đài, trong những dịp lớn đại hội Đảng, kỷ niệm Đảng, kỷ niệm Hồ Chủ Tịch.
Một điều làm cho tôi càng nghĩ, càng cảm động là Đảng lãnh đạo tin tưởng cha tôi ủng hộ cha tôi từ lúc đầu nên cha tôi mạnh dạn lắm. Đảng đã cho làm vì xét thấy làm đúng. Nhờ vậy cha tôi làm việc rất hăng say không kể ngày đêm, không nghĩ đến mình, đến gia đình mình. Đầu óc cha tôi chỉ nghĩ đến công việc mà Đảng và Chính phủ giao cho. Xin nêu một con số có ý nghĩa: Suốt 8 năm kháng chiến chống Pháp, cha tôi đi khắp nơi để làm nhiệm vụ, từ Cao Băng, Lạng Sơn cho đến Quảng Bình, từ Ninh Bình cho đến Sơn La. Ông đi đến các huyện bằng xe đạp, có khi đi bộ. Tính trong  8 năm theo nhật ký của cha tôi, trung bình mỗi ngày ông đi 20 km. Cứ 4 ngày có 1 ngày đi 80 km, còn 3 ngày làm việc ở cơ quan. Anh em theo cha tôi thường kêu cha tôi đi nhanh quá. Anh em còn tặng cha tôi danh hiệu “ bon ministe, mauvais compagnon de route”
Cha tôi đã tích cực góp phần nhỏ bé xây dựng các chủ trương, chính sách, phương châm cụ thể của Đảng, nhất là xây dựng kế hoạch thực hiện trong lĩnh vực mà cha tôi phụ trách và nắm được. Trong các cương vị ở chính quyền, Mặt trận, Đảng Dân chủ, đối ngoại, ông tích cực góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, có tác dụng rõ rệt. Trong khi góp phần xây dựng như vậy, thế nào cũng có va chạm chút ít với những đồng chí gần cha tôi. Nghiêm khắc tự kiểm điểm, thì nhiệt tình thì cha tôi có thừa, nhưng phương pháp đấu tranh thì quả vụng về. Điều ấy ông cũng lấy làm rất tiếc. Nó cũng một phần hạn chế kết quả công tác của cha tôi. Cha tôi nhận có khuyết điểm là nóng nảy, sốt ruột, chủ quan, quá tự tin, không kiên nhẫn thuyết phục, kém tiếp thu ý kiến người khác, chưa thật đi theo đường lối quần chúng…
Tóm lại trong 40 năm qua, đời cha tôi thật là đẹp. Có thể nói đời cha tôi bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám, một cuộc đời chứng kiến bao nhiêu biến đổi kỳ diệu trên đất nước, trong xã hội, trong con người Việt Nam, mà trước kia không có ai tưởng tượng được. Một cuộc đời dồi dào, phong phú, tích cực, sáng tạo, trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, nhưng đầy vui thú, thơ đẹp, hạnh phúc là mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì nhân loại. vì lý tưởng cao quý mà phục vụ. Tất cả chân lý là ở đó, chân lý của thế giới quan duy vật, của nhân sinh quan Cách mạng. Làm sao  mà cha tôi tìm được chân lý ấy, nếu không có Cách mạng, không có Đảng.
Vì lý tưởng và chân lý ấy, cuộc đời cha tôi còn phấn dấu lâu dài, gian khổ nhưng không có trở ngại nào trên con đường vinh quang của Cách mạng có thể ngăn cản được bước tíến lên không ngừng của ông và của mọi người đang cống hiến. Đó là một nhận thức, một thái độ, một quyết tâm, một ý chí hành động.
Trong cuộc đời dài nói trên, có những giờ phút rất đẹp, rất cảm động, cha tôi có ghi lại những giờ phút không quên ấy bằng những câu thơ vụng về nhưng thật thà, chân phương, toát ra từ tình cảm nồng nàn lúc trái tim rung động. Hai tập thơ kèm sau đánh dấu những chặng đường mà cha tôi đã qua ghi lại cảm xúc muôn nghìn cái đẹp của chế độ, của đất nước.
Cuộc đời của cha tôi có thể kết luận được rằng: “Một người chỉ chuyên môn thuần túy, xuất thân từ một gia đình nghèo, có lòng yêu nước, ước mong nước nhà độc lập, thoát khỏi ách thực dân, nhưng không làm gì được, vì không sớm gặp Cách mạng, không biết đường mà đi, chỉ miệt mài về kỹ thuật. Nhưng Cách mạng đến, lôi cha tôi từ một địa phương nhỏ của tỉnh Khánh Hòa ra Thủ Đô, vạch đường chỉ lối cho mà đi, giao cho những trách nhiệm nặng nề, thì con người ấu trĩ ấy dần dần, sáng mắt sáng lòng, phát huy được mọi khả năng tiềm tàng và đóng góp tài trí cho Tổ quốc, cho xã hội trong nhiều lĩnh vực rất khác nhau” 
Lúc sinh thời, cha tôi có thắc mắc là không được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam! Thật thà mà nói cha tôi không đứng trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một lần đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng hỏi cha tôi có muốn vào Đảng Lao động không? Bảo cha tôi tự kiểm điểm trước đồng chí và viết thư lên Trung ương. Nhưng sau đó Đảng chủ trương không kết nạp những cán bộ Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội, để cho hai Đảng ấy phát huy tác dụng của mình. 
Đảng lãnh đạo giải thích đó là vì lợi ích của Cách mạng. Đảng coi những cán bộ của hai Đảng anh em cũng như cán bộ của Đảng mà thôi. Những cán bộ ấy nếu tiến bộ đều là những người Cộng sản không Đảng.

Trích hồi ký “Đi theo Cách mạng của Trần Đăng Khoa - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội)
Bà Trần Thị Hoàng Ba - Giáo sư, Tiến sỹ Dược – Con gái đầu của Cụ Trần Đăng Khoa kể - Đỗ Hoàng ghi
(Blog nhà thơ Đỗ Hoàng)

No comments:

Post a Comment