Trang

Sunday, February 5, 2012

NHÀ THƠ MARY CROY: NGƯỜI MỸ SUY NGHĨ LÀM THẾ NÀO ĐỂ ‘BAY ĐẾN HÀ NỘI’?

Nhà thơ Mary Croy (Mỹ)
Tham luận tại Hội thảo thơ Châu Á Thái Bình Dương tại Hạ Long, Hà Nội từ ngày 2/2 đến 6/2/2012.
Mặc áo dài Việt Nam và đọc thơ tại TP Hạ Long, Quảng Ninh trong Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương

Thơ ca, Sự mỏng manh và Hòa bình: bài thơ “Bay đến Hà Nội” của Muriel Rukeyser
Tập thơ đầu tiên mà tôi tìm thấy ở Hà Nội là tập thơ của nhà thơ nổi tiếng người Mỹ - Muriel Rukeyser. Trong tập thơ này có một bài thơ rất ngắn về Hà Nội, có tên gọi Bay đến Hà Nội, như sau: 
Bay đến Hà Nội
Tưởng rằng sẽ đến gặp những nhà thơ, nhưng tôi đang đến gặp những đứa trẻ
Tưởng rằng sẽ đến gặp những đứa trẻ, nhưng tôi đang đến gặp những người phụ nữ
Tưởng rằng sẽ đến gặp những người phụ nữ, nhưng tôi đang đến gặp những chiến sĩ
Tưởng rằng sẽ đến gặp những chiến sĩ, nhưng tôi đang đến gặp những người phụ nữ và những người đàn ông, những người đang phát minh ra hòa bình
Tưởng rằng sẽ đến gặp những người phát minh ra hòa bình, nhưng tôi đang đến gặp những nhà thơ
Cuộc đời tôi đang bay
                   đến cuộc đời của bạn

Muriel Rukeyser hành động cùng lời nói và là nhân chứng đầy sức mạnh cho hòa bình bằng cách đã thực sự bay đến Hà Nội vào năm 1972 cùng với Denise Levertov và Jane Hart để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Cuộc hành trình dũng cảm này chỉ cho chúng ta thấy những con đường bất ngờ mà thơ ca sẽ dẫn chúng ta đi nếu chúng ta cho phép nó dẫn ta đi.
Bài thơ ngắn về chuyến bay của Muriel Rukeyser minh họa cách thức mà ngôn từ có thể dẫn dắt chúng ta đến thế giới của sự kinh ngạc. Thế giới này bao gồm những địa đạo, hang động, những hầm trú bom – những địa điểm có thể cho phép chúng ta lắng nghe như những con người và cất lên giọng nói của chính con người.
Cả bài thơ chứa đầy những sự thay đổi diệu kỳ và không thể lường trước. Thật vậy, như câu thơ đầu tiên khẳng định, chúng ta – những nhà thơ trong sâu thẳm tâm hồn chính là những đứa trẻ. Chúng ta đã bảo tồn và làm tinh tế hành vi tưởng tượng trong tâm thế vừa hạnh phúc tinh nghịch, và trong một chiếc giếng sâu có thể nuôi dưỡng chúng ta và cộng đồng của chúng ta. Chỉ bằng việc thông qua hành động sáng tạo, nhận lấy rủi ro của việc tiết lộ và sẻ chia những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta trong một hoàn cảnh dễ tổn thương, mà chúng ta có thể bước lên phía trước, tìm thấy giọng của mình và giọng của bài thơ.
Nhưng chúng ta cũng đừng để mình lẫn lộn giữa trạng thái trẻ thơ của nhà thơ với việc vô trách nhiệm hoặc non nớt. Thơ ca luôn luôn đòi hỏi sự trưởng thành và khám phá về một tiếng nói nhỏ bé nhưng phát sáng và  bền bỉ từ phía bên trong. Đó là một tiếng nói muốn được lắng nghe, bất kể những cái giá phải trả về mặt xã hội. Nhà thơ Muriel Rukeyser và những người bạn đồng hành của bà đã làm chính phủ Mỹ nổi giận và đã chấp nhận nguy hiểm tính mạng khi đến Hà Nội – lúc đó đang bị bao vây – bởi vì họ biết rằng ngôn từ của họ và cuộc đời họ yêu cầu họ làm thế - không thể kém hơn. Thơ ca hơn cả những ngôn từ trên một trang giấy, nó là một quá trình của sự sống, tuôn chảy như một dòng sông và đưa chúng ta đi, để chúng ta gặp gỡ rất nhiều nghe và lắng nghe nhiều bài hát trong hành trình ấy.
Thật nực cười, nhưng cũng từ sự tối cần thiết, ba nhà thơ (Muriel Rukeyser, Denise Levertov và Jane Hart) đã phải đến một địa điểm chiến tranh để tìm thấy ý nghĩa trung thực nhất của hòa bình, tìm thấy những chiếc rễ của hòa bình. Trong năm 1972, những người Hà Nội đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và việc đó kéo dài suốt những năm chiến tranh.
Nhưng những con người dũng cảm này không những chỉ mong chờ hòa bình, mà còn hiểu rất rõ về bản chất của hòa bình, chính vì những gì họ phải trải qua. Thơ ca không chỉ là hành vi sáng tạo đơn độc, mà nó còn là cách để sẻ chia và thấu hiểu một con người khác. Nhà thơ Muriel Rukeyser và những người bạn đồng hành biết rằng để có thể chiến đấu nhằm dành được, bảo vệ và trân trọng hòa bình, họ phải nhìn thấy gương mặt của hòa bình.
Bài thơ là một vòng tròn và xác nhận rằng những người phải chịu đựng sự đau khổ do chiến tranh gây ra không chỉ là “những người phát minh ra hòa bình”, họ cũng còn là những người cha và những người mẹ của thơ ca. Chỉ qua hành động cụ thể và đôi khi dũng cảm, và bằng sự mong muốn sẻ chia trái tim của chúng ta ở những thời điểm dễ tổn thương nhất, chúng ta mới có thể sáng tạo ra một bài thơ.
Vì lẽ đó, chúng ta có thể nói rằng hành động sáng tạo ra thơ ca (hoặc bất cứ loại hình nghệ thuật sáng tạo nào) là điều cần thiết cho việc thiết lập hòa bình. 
Thông qua hành vi cao cả của việc tiết lộ thế giới nội tâm, chúng ta mới có thể thực sự kết nối với những dân tộc khác và gây dựng được sự cảm thông và thấu hiểu từ nơi sâu thẳm nhất.
Nguyễn Phan Quế Mai dịch

1 comment: