Trang

Sunday, February 26, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN NGỌC PHÚ - TÁC GIẢ BA NGHÌN CÂY SỐ BIỂN: “CON NGƯỜI TRƯỚC BIỂN CẢ, SẼ NHANH CHÓNG GỤC NGà NẾU ĐƠN THƯƠNG ĐỘC MÔ

Con người trước biển cả, sẽ nhanh chóng gục ngã nếu đơn thương độc mã. Cần phải kết thành một khối đoàn kết, đồng tâm đồng lòng. Nếu chỉ hời hợt, chỉ hô khẩu hiệu, biển cả sẽ mãi mãi ở ngoài bạn, là điều bạn không thể có được. Với biển, bạn phải thật lòng, thật tâm. Sức mạnh dân tộc cũng được hình thành từ chính tinh thần ấy.
Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải Nhì "Đây biển Việt Nam" cho nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
với bài thơ "Ba nghìn cây số biển"

Tôi sinh ra ở vùng biển Cửa Sót (Hà Tĩnh) , nơi giao thoa giữa 2 dòng nước, nơi thường xuyên tạo ra những vực xoáy chết người. Ở quê tôi, từng có những gia đình cả nhà đều đi biển và rồi mãi mãi không trở về. Từ nhỏ , ám ảnh trong tôi là những hàng mộ chí dài thăm thẳm của con dân vùng biển. Tôi lớn lên trong hơi gió biển. Bữa cơm là đậm đà vị muối biển.  Đêm ngủ không được nghe tiếng sóng biển là tôi thấy thiếu điều gì đó. Được viết về biển, nói về biển, tôi thấy mình như con cá được bơi trong nước.
Người vùng biển quê tôi lạ lắm. Lạ từ tính cách. Lạ đến cả tâm hồn. Người vùng biển ăn sóng nói gió, chân chất, thật thà, bộc trực. Chỉ ở vùng biển, mới có những đám tang tập thể, những nấm mộ chung, hàng hàng lớp lớp, nằm bên nhau, cận kề bên biển cả. Ở vùng biển, người dân chài có một lịch thời tiết của riêng mình. Lịch thời tiết đo bằng những đám giỗ. Họ nhắc nhớ nhau về những người đã mất, những ngày mà biển cả đã lấy đi những người thân yêu của mình, để rồi cùng bảo nhau chọn ngày ra khơi sao cho tránh được những mất mát.
Người vùng biển có một “tâm tính biển” rất khác biệt. Bởi họ học được nhiều điều từ biển. Biển dạy cho con người không được phép chủ quan, dù nước lặng sóng ngừng. Nếu ở đất liền, mười người là mười tính thì khi ra giữa biển cả, mười người kết thành một khối thống nhất, tạo thành một khối sức mạnh vững chắc, bền chặt để cùng đương đầu với biển cả đầy bất trắc. Trên biển cả, mỗi người như một cây tre, giăng thành thành lũy để bảo vệ bờ cõi. Trên biển cả, nếu không biết gắn kết nhau lại thì không thể tồn tại.
Tôi không hề bất ngờ, khi một cuộc thi về biển đảo thu hút được lòng người mạnh mẽ đến như vậy. Rõ ràng có một điều gì đó vô cùng linh thiêng, khó diễn tả thành lời, khi chúng ta nói về biển. Dường như biển luôn hiện diện trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Và trong nơi sâu thẳm ấy, mỗi người luôn tồn tại một ý thức phải giữ gìn, bảo vệ biển trước mọi mối đe dọa, xâm phạm.
Con người trước biển cả, sẽ nhanh chóng gục mã nếu đơn thương độc mã. Cần phải kết thành một khối đoàn kết, đồng tâm đồng lòng. Nếu chỉ hời hợt, chỉ hô khẩu hiệu, biển cả sẽ mãi mãi ở ngoài bạn, là điều bạn không thể có được. Với biển, bạn phải thật lòng, thật tâm. Sức mạnh dân tộc cũng được hình thành từ chính tinh thần ấy.
Có thể thấy rất rõ trong những tác phẩm dự thi Đây biển Việt Nam lần này phần lớn đều không cầu kỳ cầu chữ, không nệ hình thức. Những bài thơ được gửi đến đều dào dạt một tình yêu chân thành với biển cả, với Tổ quốc. Chính sự chân thành ấy nên nó lay động được trái tim người đọc và tạo được hiệu ứng tích cực với xã hội. Do đó, lạ mà không lạ, khi cuộc thi phát động chỉ vỏn vẹn trong gần 6 tháng , mà nhận về hơn 1000 tác phẩm thơ và hơn 400 ca khúc dự thi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đánh giá rất chính xác: cuộc thi thực sự tạo ra một cơn lốc về sáng tác, cắm cột mốc chủ quyền bằng tinh thần, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu biển đảo cực kỳ sâu sắc trong lòng văn nghệ sĩ, người sáng tác trên toàn quốc.
Tôi viết về biển trong tâm thế là một người con của con vùng biển. Bài thơ Tổ quốc ba nghìn cây số biển được giải lần này chỉ là một trong rất nhiều những bài thơ tôi đã viết về biển.
Thật hiếm có quốc gia nào có hơn ba nghìn cây số đường bờ biển như Việt Nam. Bạn có để ý không, trên hình hoa văn trống đồng ở Đền Hùng, đã có những con thuyền vượt sóng ra khơi. Trong huyền thoại xưa, 50 người con của Âu Cơ – Lạc Long Quân đã theo cha xuống biển. Ý thức của cha ông ta  về biển đã hình thành từ rất sớm. Chúng ta có một văn hóa biển từ rất lâu đời. Và đến nay, nó vẫn được phát huy và là sợi dây gắn kết mọi con dân nước Việt. Tuy nhiên dường như chúng ta chưa có thật nhiều những tác phẩm văn học viết về biển đảo tạo được tiếng vang. Đây là trách nhiệm của mỗi người viết.
Có một vấn đề mà tôi đau đáu khi viết về biển đảo, về những người lính biển. Đó là hậu phương của những người lính. Còn có một Biển khác ở trên đất liền – Biển của người người phụ nữ, cũng gian truân, và đầy bão tố. Điều ấy thúc giục tôi viết tiếp.

Phong Điệp (thực hiện)
Nguồn: Văn nghệ Trẻ số mới, ra ngày 26/2/2012

No comments:

Post a Comment