Trang

Thursday, February 2, 2012

NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG VÀ KUNG FU “ĂN THỊT ĐỒNG LOẠI” TRÊN NGHỆ THUẬT MỚI



"NHẬU" NGUYỄN NGỌC TƯ


Mình đang trên xe từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, em Nguyễn Phan Quế Mai ngồi hàng dưới khen bài "Nhậu NNT" viết công phu in trên NTM hôm qua Nguyễn Quang Thiều đã mang đến chỗ Phan Hoàng giới thiệu sách mới. Báo 2 màu mà sang và có gu lắm. Bài này ém mãi, giờ báo ra mới mang mời bạn đọc.
_____________________
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

          Thú thật là trước khi bay từ Sài Gòn xuống Cà Mau, tôi không có ý định và cũng không nghĩ mình sẽ gặp Nguyễn Ngọc Tư. Phần vì biết Tư dạo này làm báo rất bận, chắc gì đang ở Cà Mau, phần vì vẫn cấn cái cái vụ phỏng vấn Tư cho tờ Văn học và Tuổi trẻ mà... 6 tháng Tư mới trả lời email. Thêm nữa lịch duýt duỵt, mà lại còn bao nhiêu bạn văn tụ tập về vùng đất này, chỉ nguyên việc bắt tay, làm với nhau 1 ly là đã đủ hết ngày và đứ đừ rồi.
          Ấy thế mà lại lòi ra một tối rỗi. Tôi ngồi với nhà thơ Lê Huy Mậu, Đàm Chu Văn và mấy người nữa ngay ở cái xe đẩy trước cửa khách sạn và uống... nước rau má. Thế này thì phí thật, phí nguyên cái buổi tối tuyệt vời ở cái thành phố tận cùng đất nước mà ai cũng một lần mong đến này, phí cả cái ly nước rau má và cái ghế ngồi trông ra trước cái đại lộ gì quên mất tên... Tôi rút điện thoại gọi Nguyễn Ngọc Tư, mới tút hai nhịp đã thấy cái tiếng đơn đớt hơi lặp của Tư: Anh đang ngồi đâu, em biết anh ở Cà Mau rồi, đến đây cà phê với tụi em đi, em đang ngồi với... Tôi nói anh ngồi cũng đông người, muốn cà phê với em ngay tại cửa khách sạn cho có không khí, vì có mấy nhà thơ già (tôi nhìn Mậu cười) không đi nổi. Tư bảo thế ngồi đấy đi, tí em tới... Nhưng rồi chính tôi lại chủ động gọi lại nói Tư thôi cứ ngồi với bạn ở đấy đi, mai mình gặp nhau, người chứ có phải cái bánh xe đâu mà lăn qua lăn lại mãi thế. Mình cũng chỉ là một trong những fan hâm mộ mà thôi, phải biết... nhường cơm xẻ áo cho kẻ hâm mộ khác.
          Tối sau Tư chủ động gọi, hẹn sau tiệc chiêu đãi của ủy ban anh em mình gặp nhau hén. Có một chuyện ngoài lề nữa, là vô tình vợ chồng tôi lại gặp nhau ở Cà Mau. Vợ tôi đi công tác với cơ quan bằng ô tô qua nhiều tỉnh, đi trước tôi cả tuần và đến Cà Mau trước tôi một hôm. Tư biết nên hẹn em sẽ đến đón chị. Lại còn ngoặc thêm: Vẫn chị bữa trước hả. Là có đận Tư đã vào nhà tôi ở Pleiku. Vào lần đầu tiên mà rất hiên ngang, tự nhiên đi thẳng xuống bếp như đã quen lâu lắm với một câu chào mà bất cứ bà chủ nhà nào cũng... mát ruột: Em chào chị dâu.
          Chúng tôi đi ô tô, ngoài vợ chồng tôi còn có nhà thơ Lê Huy Mậu, Lê Thanh My, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc...  Tư xe máy dẫn đường. Tôi đề xuất là đến đâu đó vỉa hè uống với nhau chai bia nữa thôi, chứ còn lúc nãy đã uống rượu ủy ban rồi, tê tê cả rồi, nói huyên thuyên rồi. Tư bảo cứ theo em. Giản dị giày vải, quần jean áo thun với cái túi ký giả, cứ chạy một đoạn đến ngã tư lại hạ chân ngoảnh đầu đứng chờ, cái mũ bảo hiểm như cái nấm ngúc ngoắc trông rất ngộ. Một cái nhà hàng khá xịn với không gian rất đẹp, rất rộng, có sân vườn và những ngôi nhà cổ toàn bằng gỗ tuyệt đẹp với đội ngũ nhân viên đồng phục rất chuyên nghiệp. Chúng tôi chọn một cái bàn ngoài sân, khá biệt lập, bên cạnh một hồ nước nhân tạo có hòn non bộ để tận dụng hơi nước cho mát và thoáng, có thể nói chuyện thoải mái.
          Tư là người rất ghét chụp ảnh và rất sợ bị đưa ảnh lên mạng dù ở blog Sầu Riêng của chị cái ảnh avatar là một cô Tư đang lấy tay che mặt khá teen và duyên. Với tôi đã 2 lần Tư đề nghị điều ấy. Lần thứ nhất là hồi chị lên Pleiku, tôi đi theo làm hướng dẫn viên, tiện tay chụp một mớ ảnh, sau đó tối post lên blog. Khuya khuya nhận được một tin nhắn tửng tửng: làm ơn gỡ giùm mấy tấm ảnh hộ đi, trông muốn... ói quá. A té ra là cô nàng có đọc blog của mình. Lần sau là ở Bến Tre, sáng tôi đi bộ bên bờ sông Hàm Luông, gặp cô nàng huỳnh huỵch chạy, sẵn máy ảnh đang giương chụp bình minh Bến Tre tôi lia sang phát, nhưng cô nàng rất tinh, một tay che mặt, chân bước chéo về trái nơi có cái cây khiến cho bức ảnh chỉ nhòe một bóng con gái không rõ hình hài, như là một nhân vật của bức ảnh thôi. Tôi đưa lên blog trong entry chung về Bến Tre, thế mà cũng nhận được ngay tin nhắn: Đổi hen, anh hạ ảnh em xuống, em gửi truyện ngắn cho anh. Chả là một tờ báo nhờ tôi xin một cái truyện của Tư in số tết. Anh hạ xuống cái em mail truyện ngay, còn không thì...
          Thế nên tối ấy tôi đã rất ngạc nhiên khi tôi đề nghị trước khi nhậu tất cả chúng ta chụp chung một bức ảnh và Tư đã chấp nhận ngay.
          Bây giờ thì Tư đã là... đặc sản Cà Mau. Dân viết lách, mà chả cứ chỉ dân viết lách nữa, bạn đọc thôi, đã về Cà Mau là đều muốn gặp Nguyễn Ngọc Tư. Chả thế mà mới đây, nhà báo Mai Thanh Hải tự nhiên điện cho tôi: Em sắp Cà Mau, anh giúp em làm quen với Nguyễn Ngọc Tư với. Tôi hơi ngại, bởi ngoài chuyện làm báo khá bận, thì tôi biết tính Tư khá lành, có phần e dè tiếp xúc. Đến chụp ảnh còn ngại nữa là. Mà lại còn chồng còn con. Tuy thế tôi vẫn giới thiệu với Tư là anh có thằng bạn nhà báo như thế  như thế, fan hâm mộ em, nó về Cà Mau chỉ để thăm 2 nơi, một là địa đầu đất Mũi, và 2 là... em, em chịu khó gặp nó nhé. Tư hỏi lại tôi một chút về Hải rồi bảo anh cứ cho số điện thoại đi. Hải về Cà Mau, ngày đầu không gặp được, gọi máy không thưa, tôi phải "đền đạn" bằng một anh bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh, quan chức văn nghệ Cà Mau và một cây bút trẻ ở đấy. Tưởng Tư tránh thì tối sau chị chủ động gọi lại cho Hải và hẹn nhau ngồi ở một quán nhậu nào đấy. Cũng tưng bừng và tất nhiên là Hải chụp ảnh búa xua đúng với tư chất một fan hâm mộ. Nhưng cuộc nhậu nó hay ở chỗ là nhậu... đổi ca. Tôi chơi với Tư lâu nhưng chưa một lần biết mặt ông xã Tư, kể cũng tệ. Lẽ ra hôm nhậu cả hai vợ chồng với Tư phải đề nghị Tư mời ông xã ra. Thế mà hôm Hải ngồi với Tư nửa chừng thì Tư về trông con thay ông xã, điều chồng ra ngồi tiếp với Hải. Khuya thấy Hải gọi điện kể giọng đầy mãn nguyện. Chứ lại chả không, ước về gặp và thăm 2 đặc sản, giờ hóa 3. Chồng Tư làm nghề thợ bạc, nhưng ngoài ra anh còn là một chỗ dựa để Tư có thể tung tẩy viết văn. Nguyên cái việc cứ ở nhà trông con cho vợ đi công tác, và cả đi ngồi với fan hâm mộ là oách rồi, hiếm có anh chồng nào làm được rồi...
          Cách đây gần hai chục năm, tôi cùng Nguyễn Ngọc Tư dự một trại sáng tác văn học tổ chức tại trường phụ nữ trung ương ở Láng Trung. Hồi ấy Tư đang là nhân viên thủ quỹ của hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau. Trong trại tôi thấy Tư có hai việc hay làm, một là kêu một tay xe ôm chở ra bờ hồ chơi, nhiều khi tha thẩn cả ngày ở đấy, đến nỗi tay xe ôm quen mặt, có lần... không lấy tiền. Hai là thi thoảng lôi cuốn sổ ra cộng cộng nhân nhân. Thì ra đấy là sổ... nợ của cơ quan. Tôi thấy trong cuốn sổ ấy có tên cả mấy nhà văn tôi quen như Nguyễn Thanh, Lê Đình Trường. Cái thời ấy vui và trong sáng đáo để...
          Đến giờ, gặp được Tư quả là khó vì chị thoắt ẩn thoắt hiện như chim. Đại hội nhà văn lần thứ 7, cứ cậy mình quen, ào xông vào rủ Tư đi đám này đám kia, té ra có nhiều người... quen hơn mình cũng ào ào xông vô. Nhưng tính Tư vốn lặng lẽ, xong cơn ào ào ấy, Tư lại ở một mình trong phòng, còn cái đám ào ào kia thì đi nhậu.

           Đại hội nhà văn 8 vừa rồi, gặp nhau nhoáng một cái. Thấy Tư vẫn lặng lẽ tránh các đám đông dù rất nhiều người kéo Tư vào chụp ảnh. Tôi phát hiện thấy nếu né không được thì Tư mới đứng vào chụp chứ không có vẻ hào hứng một tẹo nào thế nên cũng không... bằng mọi giá xông vào chụp ảnh với chị. 
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư qua nét cọ của họa sĩ Còm
. 
          Một lần Tư hẹn, anh với em thi thoảng chat nhé. Bảo biết lúc nào em lên mạng mà chat. Trả lời tỉnh bơ: Cứ thấy em đỏ đèn thì là... em đang online. Thế mà có bao giờ thấy email của Tư đỏ đèn đâu, mail thì cả tháng chưa thấy trả lời. Đây là một cuộc chat hiếm hoi giữa tôi và Nguyễn Ngọc Tư:
          VCH- Từ "Ngọn đèn không tắt" đến "Cánh đồng bất tận" là một sự thay đổi rất lớn của Nguyễn Ngọc Tư cả về bút pháp và cách nhìn đời sống. Em công nhận không?
          NNT: Từ "ngọn đèn" tới "cánh đồng" mình gói vào một câu nhưng là khoảng cách 5 năm. Lẽ tự nhiên, em lớn lên, chững chạc thêm chút già đi thêm chút. Văn phong cũng vì vậy mà thay đổi, nói chung thì càng ngày càng… phức tạp. Em thường nghĩ trời đất ơi mình phức tạp quá, liệu hai mươi năm nữa thì sự phức tạp đó đậm đặc tới mức nào. Cũng may ông trời sáng suốt, thấy nhiều ông bạn già của mình giờ đơn giản lắm, hồn nhiên như trẻ con vậy. Cứ nhìn họ là mình lại thấy hy vọng…
          VCH- Anh khâm phục "Cánh đồng bất tận" nhưng lại thích thú và yêu mến "Ngọn đèn không tắt" hơn. "Ngọn đèn không tắt" tài hoa và đằm sâu nhân hậu. "Cánh đồng bất tận" khốc liệt và thông minh. Tất nhiên nó vẫn là một Nguyễn Ngọc Tư của đồng bằng Nam Bộ, của Cà Mau, nơi mà mình thấy Nam Bộ với nền văn hóa độc đáo khu biệt đã làm nên tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư và ngược lại Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho vùng đất này trở nên phổ biến không chỉ trong nước, mà cả ở nước ngoài, bằng những trang văn tài hoa và tình yêu ngộp thở với nó...
          NNT: Tư cũng yêu "Ngọn đèn không tắt". Dạo ấy còn ngây ngô, viết câu văn cũng ngây ngô, ý tưởng càng ngây ngô. Mà trong trẻo, giản dị. Em vẫn thường nói đó là cuốn hay nhất, bởi vì mình không thể viết lại giống như vậy. Những va chạm, những trải nghiệm mới đã làm em vẫn yêu vùng đất này, nhưng yêu kiểu khác, riết róng và thực tế. Em nhận ra rằng chỉ cần mình yêu và gắn bó thật lòng, thì yêu kiểu nào cũng truyền dẫn tình yêu đó đến với người đọc, dù ít hay nhiều. Đọc "Cánh đồng bất tận" không làm người ta sợ Nam Bộ đâu, em tin vậy…
          VCH- Nếu có một thành phố nào đó, chiêu hiền đãi sĩ, mời thì em có chuyển nhà về đấy không?
          NNT: Không, cho đến giây phút này, em chẳng mảy may nghĩ mình sẽ bỏ xứ mà đi đâu đó. Để bứng mình đi hẳn phải có cú sốc nào đó ghê gớm lắm. Nhưng nó chưa xuất hiện mà em thì cũng chẳng mong đâu (hình icon mặt cười xuất hiện). 
          VCH- Em đang đọc gì? Có cuốn nào của tác giả trong nước không?
          NNT: Ôi, nhiều loại lắm, biết kể sao cho xiết. Sách cũng tùy tâm trạng, buồn thì tìm đọc thứ nhẹ nhàng, vui lại tìm những cuốn sách nặng đô, những cuốn có vấn đề đọc để… buồn. Nhưng văn học dịch thiếu nhi bao giờ cũng thích, con nít trong đó mới đúng là con nít. Đọc bao giờ cũng thấy mình bớt phức tạp hẳn.
          VCH- Có một hiện tượng là các nhà văn rất ít đọc... thơ? Tất nhiên anh biết vừa rồi em có tạt ngang chút đỉnh với thơ và... đau đớn thay cho cánh làm thơ (có anh) là thơ Nguyễn Ngọc Tư cũng được chào đón như văn xuôi.
          NNT: Trời, em đọc thơ chứ. Sổ tay ghi đầy những câu thơ (của người khác, tất nhiên). Em còn hay lân la chơi với mấy chú nhà thơ như Chim Trắng, Lê Văn Ngăn, Tô Thùy Yên… Nhưng thơ thường khó mua lắm, nếu như tác giả không… tặng, em buộc phải mò lên mạng để đọc, nhất là của những anh chị thơ trẻ. Việc làm thơ cũng là em bỗng nghĩ ra ý này ý nọ mà không thể diễn đạt bằng văn xuôi, mà bỏ luôn thì uổng quá. Không mấy khi gặp trường hợp vậy, mong anh đừng tỏ ra… đau đớn, hahaha.
          VCH- Em đánh giá về tản văn như thế nào? Người ta có thể sống được bằng chuyên viết tản văn không nhỉ?
          NNT: Không sống được. Nếu viết dở. Không ai đăng cho. Nhưng nói sống theo kiểu khác thì sống được, nhất là nếu người đó cô đơn và trầm tính, không thích bộc bạch mình bằng lời. Thì viết tản văn. Như một kiểu nhật ký, để người viết gửi gắm những điều mình nghĩ. Bằng cách này em gửi gắm được nhiều thông điệp, giải tỏa những cảm xúc đầy ứ trong lòng, mà truyện ngắn không làm được. Truyện của em toàn ảo, không gian và người ảo, không có hoặc rất ít Nguyễn Ngọc Tư ở đó. Em cho rằng tản văn gần với người viết nhất, bộc lộ tâm tư tình cảm của người viết nhiều nhất... 

           Nguyễn Ngọc Tư là một hiện tượng của văn chương Việt Nam. Ngoài truyện ngắn và tiểu thuyết, tản văn của chị cũng là một thương hiệu, đến nỗi có ít nhất  2 trang web có hẳn mục riêng- Tản văn Nguyễn Ngọc Tư-  chỉ đăng tản văn của chị và thường xuyên có rất nhiều lượt truy cập.  Chị chứng minh một điều rằng, tài năng văn chương là thiên bẩm, nó sẽ phát lộ khi có điều kiện. Việc học đối với nhà văn chính là quá trình vật vã sáng tạo của họ. Quá trình ấy có sự quan sát đời sống, nghiền ngẫm cuộc đời, độc thoại với mình và đối thoại với mọi người, đau đớn với nó, trăn trở cùng nó... rồi là tìm cách thể hiện nó ra thành chữ, bắt những con chữ ấy cựa quậy trên trang giấy và trong lòng người đọc. Quá trình học tập của nhà văn là quá trình tự vượt lên những trang viết của chính mình để mình trưởng thành từ chính những trang viết ấy. Tất nhiên nhả ra một thì phải thu nạp hàng trăm, bằng chính những trải nghiệm của mình, sự quan sát tinh tế và cả sự khốc liệt của suy nghĩ... 
          Nhớ cái đận "Cánh đồng bất tận" gặp nạn. Không khí căng như dây đàn. Cũng là người ở tỉnh lẻ, và cũng từng dính vài ba vụ quy kết văn chương, tôi hình dung cái tỉnh Cà Mau khi ấy nó nặng nề như thế nào. Nếu như ở thành phố lớn một thì sự ngột ngạt ấy ở tỉnh lẻ là cả trăm, ai cũng nhìn mình như tội phạm, như sắp bị bắt đến nơi. Khi ấy Tư lại còn đang là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nữa, một câu nói thật của Tư về vai trò cá nhân của mình trong hội đồng lại càng làm "ngứa con mắt bên trái" của mấy bác, trong đó đặc biệt là bác Vưu Nghị Lực. Tôi nêu tên đích danh bác này là bởi hồi ấy bác này đăng đàn rất ghê, oánh cho Tư không có đường lùi, thậm chí còn đề xuất "trục xuất" Tư khỏi Cà Mau. Tất nhiên không phải tất cả bạn đọc Cà Mau đều nghĩ như vài bác cán bộ là Tư nói xấu người Cà Mau, nói xấu dân đồng bằng, nhưng họ lại không có diễn đàn, thế nên hồi đầu chỉ thấy các bài quy kết "cánh đồng bất tận" độc diễn. Sau đó thì một loạt báo lên tiếng, tôi nhớ mình cũng có một bài ngắn trên báo Văn Nghệ trẻ, rồi Hội Nhà Văn trao giải thưởng cho cuốn này, một cuộc trao giải "vượt ngưỡng" vì nguyên tắc là chỉ trao giải cho sách của năm ấy, mà tập của Tư thì ngoài "Cánh đồng bất tận" còn có thêm mấy truyện ngắn in lại. Biết thế nhưng không ai phản đối, bởi thứ nhất là "Cánh đồng bất tận" xứng đáng, thứ 2 là đây là một cách bày tỏ thái độ một cách rõ ràng và cương quyết của Hội Nhà văn. Bây giờ gặp có hỏi Tư cũng không thích nhắc lại chuyện này, thường là lảng sang chuyện khác, và bác Lực ấy, bây giờ chuyển công tác nhưng cũng không như xưa nữa, cái nhìn đã thông thoáng và nhân hậu hơn, thấu đáo và nhân văn hơn.
          Sau đấy thì "Cánh đồng bất tận được trao giải thưởng văn học ASEAN, một cách công nhận nữa, và nó được làm phim, một bộ phim rất thắng về doanh thu, nghe nói cao nhất Việt Nam từ trước đến nay ở thời điểm ấy. Nhưng riêng tôi, khi xem đến cái kết, tôi đã phải không thể kìm nén một tiếng thở dài. Thôi bỏ qua các loại sạn lổn nhổn như mọi phim Việt ta hiện nay, thì nó là phim khá nhất trong các loại phim Việt mà mình được xem đến giờ, trừ cái kết. Một cái kết lạ lùng nhất trong mọi cái kết phim tôi đã xem. Cả bộ phim là sự dồn nén, dồn nén cùng cực giữa một thằng cha thù đàn bà với một cô gái điếm nhưng... đoan trang, với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, dậy thì mà lại sống chung thuyền với ngồn ngộn da thịt... cho đến khi cô gái điếm đoan trang kia chịu không được gã đàn ông khùng thì bỏ đi, cậu trai tí nhau bỏ đi theo tìm với tư cách trai tìm gái, còn lại cô gái trong sáng như thiên thần và thằng cha tăm tối kia ở lại cái thuyền với những con vịt thì bị một lũ lực điền côn đồ hiếp. Kinh hoàng là chúng dùng sức mạnh bẻ cổ người cha đang nằm dưới bùn bắt ngẩng đầu lên nhìn cô con gái mỏng manh ngơ ngác kia bị hiếp cũng trên cánh đồng năn lác, cảnh này quay kinh lắm, giỏi lắm, hai cái thân bầm dập lê lết, với với ngoắc ngoắc trong hoàng hôn đầy ám ảnh. Thế rồi... kết. Cả hai bố con cười tí tớn như địa chủ được mùa. Ông bố giãn nở cơ mặt chở đò đưa học trò đi học. Cô con gái thiên thần thuở nào bây giờ thỏa mãn và hạnh phúc vênh váo cái bụng bầu lên như một cuộc tình hạnh phúc khoe với những đám mây và đàn chim đang bay về tổ, một trăm phần trăm phim Việt, bỏ vào xứ nào cũng không lẫn. Tôi phải thốt lên: Sao nó giống phim Triều Tiên, Trung Quốc thuở nhỏ mình hay xem quá. Nhân hậu tha thứ là nhẽ đương nhiên, là thông điệp chính của bộ phim như đạo diễn nói, nhưng nhân hậu kiểu kết phim này, tôi lại thấy nó... ác.
          Trở lại cái hôm nhậu ấy. Tôi và Lê Huy Mậu đều đã say, chúng tôi như hai con... nghé ngồi kích bác nhau đủ thứ, chủ yếu là về cái bài hát Khúc hát sông quê mà Mậu là tác giả phần lời. Tư chỉ ngồi cười cười và thi thoảng lại nâng ly dzô. Mà Tư dzô thật chứ không chỉ hô lấy đà như các bà các cô khác. Và chính vì thế mà chúng tôi cầm lòng không đặng, chúng tôi tiếp tục như hai con nghé thấy cỏ non. Kết quả là Lê Huy Mậu liêu xiêu lên xe và sáng sau bỏ cuộc đi Đất Mũi... 
          Rời Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau, giờ Tư làm cho một tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh, nghe nói thu nhập cũng rủng rẻng, nhưng phải làm việc quyết liệt, phải đi nhiều. Hôm Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc ở Tuyên Quang, Tư vừa là thành viên ban nhà văn trẻ, vừa là đại biểu "nhà văn trưởng thành" được mời, nhưng chị chỉ ghé Tuyên Quang được một đêm rồi sáng sau phải sang trước Thái Nguyên chứ không dự được chút nào, dù rất nhiều cây bút trẻ háo hức muốn gặp chị, và ngay ban tổ chức cũng hình như là chưa gặp được. Cũng như thế, hôm hội thảo văn xuôi ở Bến Tre do Hội Nhà Văn tổ chức, chị là thành viên Ban công tác nhà văn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng cũng chỉ dự được một ngày, hôm sau phải từ Bến Tre vọt xe đò thẳng về  Bạc Liêu tác nghiệp theo điều động của tòa soạn. Nghề báo nó khắc nghiệt thế. Nó tôn trọng sự nổi tiếng của tác giả, nhưng nó cần hơn kết quả trước mắt, ngay lập tức. Sản phẩm của nó là ăn tươi, là bắt tận tay day tận mặt. Anh lè phè là bị gạt ra ngoài ngay. Công việc ấy vừa là danh dự, lại vừa là nguồn sống của gia đình nên không thể lơ mơ được. Và cũng nhờ đi thế, dạo này tản văn của Tư lên sắc hẳn, đọc không lênh phênh như hồi đầu, mà nó cứ nhoi nhói thân phận, cứ mang mang cái nỗi buồn chợt gặp. Những chợt gặp ấy như cái cớ, cái duyên để tác giả tải cái nghĩ cái biết cái đau đáu không cùng của mình. Trông cái người có vẻ đơn giản thế kia mà bên trong ấy bao nhiêu suy nghĩ đang giằng xé, bao nhiêu cảnh đời đang găm lại, bao nhiêu điều muốn bày ra. Chữ của Tư thì khỏi nói rồi, nó vừa lấp lánh vừa trĩu nặng, và cái chính là nó không làm dáng, nó hiện lên đúng lúc cần, tải ngay điều nó phải có trọng trách, mà vẫn tung tẩy, vẫn tài hoa, vẫn tươi rói dư vị phương nam như con cá kèo đang quẫy trong ruộng, con cá thòi lòi bậm bạch bên sông... Mà cái dáng Tư dễ lẫn vào đời lắm. Cứ giày vải, túi tòng teng, một cái xe máy hoặc xe đò, nước da lẫn vào phù sa thế, đi đâu chả tới. Mới đây Tư hẹn: Hôm nào em bay lên Pleiku, anh thuê giúp cái xe máy, em chạy lên Măng Đen ngủ một đêm. Tôi hiểu ngay một đề tài đã lóe trong đầu. OK thôi, thậm chí nếu rảnh, anh đi cùng em, gần hai trăm cây số đường đèo chứ mấy...
          Viết xong bài này, như tính cẩn thận thường có, tôi mail cho Nguyễn Ngọc Tư với lời nhắn: "Em thân yêu, anh phải "nhậu" em thôi. Em đọc giùm anh nhé, và nếu có thể, cho anh vài cái ảnh, không thì anh phải dùng ảnh em đang chạy thể dục thôi, hơ hơ". Tư trả lời ngay, "Biết rằng không thể ngăn được con đường... nhậu của anh. Thôi đành. Nhưng đừng nói chuyện tiền bạc ai trả trả ai, cho bọn nhà văn nó có tính sang trọng tí, anh. Ảnh đây, ít nhất không làm thất vọng các chàng trai". Tôi mail tiếp: "nhất trí, không đứa nào trả tiền cả dù đoạn ấy khá vui và hot". Và Tư: "Bỏ 1 câu thôi mà. không suy suyển tới thằng hot và thằng vui". Thế nên trong bài này tôi đã bỏ một câu khá hot và vui về việc ai trả tiền bữa nhậu ấy và biết thêm chi tiết là trên đời có một thằng hot và một thằng vui.
VĂN CÔNG HÙNG

(Nguồn: vanconghung.blog)

No comments:

Post a Comment