Trang

Friday, February 17, 2012

Nhà văn Thiếu Khanh: CÓ MỘT BÀ TÊN HUYEN (HUYỆN) HỌ QUAN LÓT CHỮ THANH

Mảng văn học cổ của Việt Nam (VN) là một phần quan trọng của nền văn học và văn hóa VN nói chung; nó góp phần tạo nên sự tự hào trong mỗi người VN chúng ta về truyển thống văn hóa rực rỡ của dân tộc. Có lẽ mọi người VN, dù ở đâu, đều dễ dàng đồng thuận với việc giới thiệu văn học cổ VN hòa nhập với nền văn học thế giới. Đó là chuyện quan trọng và cần thiết. Nhưng việc giới thiệu không phải chỉ cần có người am hiểu ngoại ngữ là đủ.

Dù rất thông thạo ngoại ngữ nhưng nếu dịch giả không có một sự “quen biết” tối thiểu về văn học và không lãnh hội được hoặc hiểu sai lạc nội dung các tác phẩm của tiền nhân thì sự giới thiệu sẽ không những không mang lại hiệu quả mong muốn mà còn gây hậu quả bôi bác rất tai hại đối với các di sản tinh thần của cha ông ta, biến các tác phẩm của cha ông ta thành những thứ xoàng xĩnh vô bổ, thậm chí một thứ trò cười dưới mắt độc giả trí thức từ các nền văn hóa khác. Chuyện đó đã xảy ra và không phải là một hai trường hợp cá biệt.


Bài viết dưới đây nêu ra một trong những trường hợp như thế. Chỉ với mong muốn đánh động để những người có trách nhiệm thận trọng hơn với công việc quan trọng họ đang thực hiện, chớ không nhằm gây tổn thương hay tổn thất (nếu có) cho một cá nhân nào, nên người viết sẽ không nêu tên dịch giả và nguồn xuất xứ của bản dịch thiếu chính xác đề cập trong bài. Tuy nhiên, đối với quý vị làm công tác về văn học có liên quan cần có các chi tiết cụ thể làm cơ sở chứng liệu để có thể tìm đến nguyên thể bản dịch nhằm xác định, đối chiếu văn bản và tìm hiểu thêm vì mục đích nghiên cứu, xin vui lòng liên hệ với người viết qua địa chỉ email: thieukhanh@gmail.com.
Trận trọng.
*
Nguyễn Thị Hinh là tên một nữ sĩ Việt Nam nổi tiếng sống vào khoảng đầu thế kỷ 19 mà văn học sử thường đề cập đến với tên Bà Huyện Thanh Quan. Sở dĩ được gọi như thế vì đương thời bà là vợ của một vị quan tri huyện tại Huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình)([1][1]) mà thời đó người ta tránh gọi tên húy của những nhân vật có địa vị trong xã hội.
Số tác phẩm thơ văn của bà Huyện Thanh Quan để lại chỉ còn được khoảng tám hay chín bài thơ thất ngôn Đường luật, trong đó có bài Thăng Long Thành Hoài Cổ:

Thăng Long Thành Hoài Cổ

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Bài thơ này được dịch ra tiếng Anh để giới thiệu với văn học thế giới, đăng trong một tập san kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đây là bản dịch tiếng Anh đó:

CONSIDERING THE ANCIENT CITY OF HANOI
By Mrs. Huyen Thanh Quan

One wonders why the Creator puts on such a show.
So much time has gone by since the City began –
carriages once rolled where now there is autumn grass
The setting sun casts shadows on old palace floors
and old stone walls lie upon under the moon.
The country frowns at such scene of modern squalor –
a thousand years lie on the face of the old mirror.
The people here have always had to endure misery.

Trước hết không hiểu sao dịch giả không muốn dịch tựa đề của bài thơ vốn rất quen thuộc đối với tất cả những ai đã từng có đọc thơ của bà huyện, mà tự ý đặt cho bài thơ dịch của mình một cái tên mới:
CONSIDERING THE ANCIENT CITY OF HANOI, có nghĩa là xem xét hay cân nhắc về thành cổ Hà Nội (!).
Còn tên tác giả thì được “dịch” sang tiếng Anh một cách rất… ngộ nghĩnh: Mrs. Huyen Thanh Quan. Tức là một bà họ Huyen (Huyện) tên Quan, lót chữ Thanh ở giữa. Hoặc hiểu theo lối tên trước họ sau của người Anh Mỹ thì bà ấy có tên là Huyen (Huyện), họ Quan, chữ lót cũng là Thanh.
Nhìn vào hình thức của bài dịch có thể thấy dịch giả hoàn toàn không hiểu cấu trúc của một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Các chữ đầu các câu thứ ba, thứ năm và thứ bảy trong bài dịch không viết hoa, như thể các câu ấy được dứt ra hoặc nối tiếp từ các câu chẳn thứ hai, thứ tư và thứ sáu ở trên chúng, trong khi một bài thơ thất ngôn bát cú gồm bốn phần, mỗi phần hai câu riêng biệt: hai câu đầu là phá đềthừa đề, hai câu ba và bốn là cặp câu thực; câu năm và sáu là cặp câu luận, và hai câu cuối là cặp câu kết thúc. Như thế các câu thứ ba, thứ năm, và thứ bảy phải mở ra một ý mới chớ không tiếp nối từ các câu chẳn ở trên chúng.
Nhưng điều kỳ lạ hơn hết là dịch giả không hiểu chút gì trong nội dung bài thơ Đường luật “tám câu năm vần” rất nổi tiếng này của bà Huyện Thanh Quan. Dịch và giới thiệu ra văn học thế giới một tác phẩm của cổ nhân mà người dịch không có chút hiểu biết mảy may nào cả về hình thức lẫn nội dung của nó là một chuyện thật hiếm có.

Nói dịch giả không hiểu chút gì bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ của bà Huyện Thanh Quan không phải là nói ngoa hay cường điệu. Ngay từ cái tựa đề bài dịch mang nghĩa Xem xét Thành cổ Hà Nội người dịch đã tỏ ra không hiểu gì về tâm tình hoài cổ của tác giả đứng trước những cảnh phế hưng ở nơi vốn là kinh đô lâu đời của đất nước. Người dịch đã tự ý loại bỏ tâm tình hoài cổ của tác giả, mà đó vốn là trọng tâm của bài thơ, và biến Thăng Long thành Hà Nội một cách vô lối. Sao phải làm vậy? Không hiểu “hoài cổ” nghĩa là gì chăng?
Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La vào năm 1010 và đổi tên Đại La thành Thăng Long Thành, Thăng Long trở thành kinh đô của nước Đại Việt từ đó. Nhưng đến khoảng cuối thế kỷ 18, khi Lê Chiêu Thống bỏ kinh đô chạy theo giặc để mưu “cõng rắn cắn gà nhà” một cách nhục nhã thì Thăng Long bắt đầu đánh mất vai trò chính trị quan trọng của nó theo với sự chấm dứt của triều Lê. Nguyễn Huệ, dù với tước Bắc Bình Vương, nhưng khi lên ngôi hoàng đế thì hoàng đế Quang Trung không đặt kinh đô ở Thăng Long (như được hoàng-đế-anh Thái Đức phong cho ở phía Bắc) mà vẫn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), đồng thời cho xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An để làm kinh đô mới. Từ đây Thăng Long chính thức không còn là kinh đô của đất nước nữa. Vua Gia Long lên ngôi, tiếp tục đóng đô ở Huế, đổi Thăng-Long-thành thành Bắc Thành, và đặt quan Tổng trấn cai trị, đồng thời đổi cách viết chữ Long để Thăng Long không còn nghĩa Rồng bay lên, mà thành ra “vươn lên và phát triển”. Thăng Long thực sự mất “rồng”. Đến năm 1831 vua Minh Mạng đổi tên Thăng Long Bắc thành thành tỉnh Hà Nội. Tên Hà Nội này tồn tại đến nay. Chúng ta không rõ bà Huyện Thanh Quan sinh và mất năm nào, cũng như không biết thời gian ra đời chính xác của bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ”, nhưng chúng ta biết tác giả từng được vua Minh Mạng mời vào triều giữ chức Cung Trung Giáo tập để dạy lễ nghi cho cung nữ. Như thế nhà thơ sống đồng thời với vua Minh Mạng và biết rõ tất cả những biến đổi trong “thân phận” của thành Thăng Long.
Hai câu phá và thừa đề của bài thơ:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
chính là tác giả đề cập đến những đổi thay đã xảy ra cho “số phận” của kinh thành này mà tác giả ví như những màn tuồng hát biến diễn trên sân khấu. Khi được dịch thành:
One wonders why the Creator puts on such a show.
(Người ta không biết tại sao tạo hóa dựng lên một vở diễn như thế này)
thì rõ ràng dịch giả không hiểu tâm tình của nhà thơ: cuộc hý trường mang nghĩa biến đổi rộng lớn hơn such a show – chỉ là một “sô diễn”, cho nên puts on such a show là không chính xác – (kể cả việc dùng động từ put ở thì hiện tại, thay vì dùng present perfect thì phải hơn). Sự không hiểu của dịch giả càng rõ hơn với câu dịch thứ nhì:
So much time has gone by since the City began –
(Đã qua nhiều thời gian kể từ khi thành phố này bắt đầu)
Câu thơ nguyên tác Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương – “Tinh sương” là khoảng thời gian mới chuyển từ đêm sang ngày (còn nhìn thấy sao và còn mù sương)”. (Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học ấn bản 1992) Vậy tinh sương là cách để nói một ngày. Thấm thoắt mấy tinh sương – mới đó mà đã trải qua nhiều thời gian rồi.
Nhưng cái gì thấm thoắt mấy tinh sương? Đó không phải là cái thành Hà Nội – không phải “đã qua nhiều thời gian từ khi thành phố này bắt đầu”.
“Thăng Long thành” đề cập trong bài thơ là khu vực hoàng thành (citadel), chớ không phải toàn bộ tỉnh thành Hà Nội (mà dịch giả gọi là City). Về mặt thành quách, thì thành Thăng Long đời Lý hay đời Nguyễn khi bà huyện Thanh Quan làm thơ nó vẫn thế thôi. Nó có thể được tu sửa, mở rộng ra hay xây cao lên tùy theo yêu cầu của mỗi thời. Điều đó không có gì đáng nói hay đáng gợi lòng hoài cổ cả. Cái đáng làm cho nhà thơ – hay bất cứ ai – bâng khuâng hoài cổ chính là sự thay đổi ý nghĩa, tư thế hay vai trò chính trị của thành Thăng Long qua những biến cố phế hưng của lịch sử như nói trên. Từ vị thế kinh đô “Rồng bay lên” của cả nước, giờ đây Thăng Long chỉ còn là một trấn thành “không còn rồng” hay một tỉnh thành bình thường do một quan tổng trấn – về sau là quan Kinh lược - cai quản. Cảnh huy hoàng rực rỡ xe ngựa vua quan ngày xưa không còn nữa, thay bằng những sinh hoạt bình thường của một tỉnh thành bình thường. Những thay đổi đó khiến nhà thơ liên tưởng cảnh tuồng diễn biến trên sân khấu rạp hát (hý trường). Và nhà thơ nhận thấy cảnh hý trường biến đổi đó “thấm thoắt” đã “mấy tinh sương”, chớ đâu phải “từ khi thành phố này bắt đầu” đến nay trải mấy tinh sương! Mà “thành phố này bắt đầu” (since the City began) là sao? Bắt đầu cái gì – began… what?
Hai câu thực trong bài thơ:

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
được dịch một cách… thật thà đến ngộ nghĩnh:
carriages once rolled where now there is autumn grass
The setting sun casts shadows on old palace floors

Xe ngựa trong câu thơ không nhất thiết mang nghĩa đen là chiếc xe ngựa – thời đó vốn không có nhiều. Đó là phương tiện sang trọng biểu hiệu của quyền lực tối cao chỉ dành riêng cho vua chúa. Các quan toàn đi kiệu, hoặc cỡi ngựa. Cho nên Dấu xưa xe ngựa không nhất thiết mang nghĩa đen là nơi xe ngựa từng chạy qua (carriages once rolled), vốn không làm nổi rõ ý của tác giả. Nó chỉ có nghĩa là nơi sang trọng ngày xưa dập dìu võng lọng ngựa xe vua quan qua lại.
Hồn thu thảo không phải là cỏ mùa thu (autumn grass) như trong câu thơ dịch, tuy thu thảo có nghĩa đen là cỏ mùa thu. Mùa thu thì cây cỏ vàng úa trông ảm đạm buồn bả, nên hồn thu thảo chỉ có nghĩa là vẻ thê lương vàng vọt của cảnh vật, trái ngược với cảnh dập dìu xe ngựa ngày xưa. Nhà thơ nhìn cảnh vật thông qua tâm trạng cho nên dù tả cảnh thành cổ vào mùa xuân thì tác giả cũng chỉ nhìn thấy mọi vật mang hồn (của) thu thảo.  
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
mà được dịch là
The setting sun casts shadows on old palace floors  - Mặt trời lặn tỏa bóng vào các old palace floors là hoàn toàn không đúng.
Old palace floors không có nghĩa là “nền cũ lâu đài” mà là những tầng lầu của (một) cung điện cũ. Khi cung điện lâu đài không còn nữa, cái nền cũ hoang phế của nó là ground.
Tịch dương là mặt trời lúc sắp lặn. Nhưng bóng tịch dương trong câu thơ nguyên tác không mang cái nghĩa đen như trong câu thơ dịch, mà gợi không khí u buồn ảm đạm của cảnh vật nơi ngày trước là cung điện lâu đài lộng lẫy vàng son; đồng thời tác giả nhìn thấy quá khứ rực rỡ đang lụi tàn dần như bóng chiều sắp tắt.
Đến hai câu luận:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
mà được dịch là
and old stone walls lie open under the moon.
The country frowns at such scene of modern squalor –
(và những bức tường thành bằng đá nằm phơi ra dưới trăng – Đất nước cau mặt với quang cảnh bẩn thỉu tồi tàn hiện đại)
thì người dịch đã hiểu sai lời và ý thơ … “by a mile”([2][2]). Đá được tác giả đề cập ở đây chỉ là… đá một cách chung chung (để đối với nước) thôi, chớ chẳng phải “những tường thành cũ bằng đá” (old stone walls) nào cả.
Tuế là năm hay tuổi. Bách tuế = trăm năm hay trăm tuổi; “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” thường nghe trong các phim Tàu là “muôn năm, muôn năm, muôn muôn năm”.
Nguyệt là tháng. Tuế nguyệt là năm tháng. Trơ gan cùng tuế nguyệt là trơ trơ ra đó thách thức với thời gian chớ, sao lại… nằm tênh hênh dưới trăng?
Nước là… nước, water – thứ chất lỏng gần gũi hàng ngày với chúng ta, chớ không phải là đất nước (country) như dịch giả hiểu lầm.  Có lẽ rất khó hình dung đất nước (country) cau mặt như thế nào, nhưng nhìn thấy mặt nước (trên hồ hay trên sông chẳng hạn) gợn lăn tăn, tức thì người ta hiểu nhà thơ đã nhân cách hóa (personify) cái mặt nước kia, thấy nước như con người cau mặt vì đau đớn hay khó chịu trước những đổi thay lớn lao trong cuộc sống.
Tang thương, ai không biết đó là nói tắt câu “Thương hải biến vi tang điền” (Biển cả hóa thành ruộng dâu), chỉ sự biến đổi lớn lao. Mặt nước (hồ…) cau lại khó chịu với cái tang thương đó, chớ có gì là “cảnh nhếch nhác bẩn thỉu hiện đại” (such scene of modern squalor) đâu! Hồi đó chắc chắn là chưa có cảnh ô nhiễm như bây giờ. Và câu thơ cũng không hề nói gì dù gần hay xa về chuyện đó.
Với hai câu kết của bài thơ
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
được dịch giả dịch thành:
a thousand years lie on the face of the old mirror.
The people here have always had to endure misery.
(một ngàn năm nằm trên mặt tấm gương cũ / Nhân dân ở đây vẫn luôn phải chịu đựng sự lầm than khốn khó)
Đọc câu thơ nguyên tác ai cũng hiểu nhà thơ có ý nói nhìn cảnh vật thành Thăng Long hiện nay có thể thấy cả những biến đổi bể dâu trải qua thời gian dài từ trước đến nay như thể nhìn vào một tấm gương, chớ không có một “tấm gương cũ” (old mirror) cụ thể nào có một ngàn năm nằm trên mặt nó như dịch giả hiểu cả.
Trong câu thơ “Cảnh đấy người đây…” thì người đây chính là tác giả. Tác giả nhìn khung cảnh thành quách và liên hệ với những đổi thay đã diễn ra trên cảnh vật này mà bùi ngùi cảm thán, chớ có phải là nhân dân (people) nào đâu!
Đoạn trường nghĩa đen là đứt ruột, một cách diễn tả ước lệ sự đau lòng. Chính tác giả cảm thấy đau lòng trước cảnh biển dâu đã diễn ra trên thành Thăng Long thân yêu của bà, chớ chẳng phải “nhân dân ở đây luôn phải chịu cảnh lầm than khốn khó” (The people here have always had to endure misery) gì cả!
Bài thơ của bà Huyện Thanh Quan có tám câu, thì cả tám câu dịch giả đều hiểu không đúng và dịch ra tiếng Anh một cách hoàn toàn sai lạc. Có thì giờ và hứng thú dịch văn thơ chơi, thì muốn dịch thế nào tùy thích, có lẽ chẳng ai quan tâm làm gì chuyện mình dịch đúng hay sai; nhưng dịch để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài là một chuyện khác. Giới thiệu như thế thì oan cho bà Huyện Thanh Quan quá, và cũng tội nghiệp cho văn học Việt Nam nữa.
Vậy mà ở dưới bản dịch ấy – như với tất cả các bản dịch của dịch giả người Việt khác in trong tập san này – cũng có một dịch giả người Mỹ ký tên mình hiệu đính. Một sự xác nhận tai hại cho cả… bốn bên. Người dịch đã vậy, còn [những] người ký tên hiệu đính thì đã làm công việc hiệu đính đó như thế nào? How did they do that? Chuyện này có lẽ sẽ bàn riêng vào một dịp khác.

*

NOSTALGIA ON THĂNG LONG CITADEL
by the Lady of the Thanh Quan District Chief.([3][3])
English translation by Thiếu Khanh.

Why has the Creator staged such a drama here?
How much time has elapsed so far is unclear
Old splendid streets are now deserted gloomy ways
Those palaces and castles have seen their better days
Rocks and stones stubbornly challenge the time to stay
Water frowns at the great changes that display 
It’s like a mirror reflecting a thousand years in a vision
The sight has made me greatly heartbroken


THIẾU KHANH


[1][1] Vị quan tri huyện này tên Lưu Nghi, có nơi ghi tên ông là Lưu Nguyên ÔN hay Lưu Nguyên Uẩn. Nguyên Ôn hay Nguyên Uẩn có lẽ là tên hiệu, kiểu như chí sĩ Phan San hiệu là Bội Châu, tự là Sào Nam, nên thường được gọi là Phan Bội Châu hay Phan Sào Nam
[2][2] Rất xa
[3][3] Bà Huyện Thanh Quan” không phải là tên riêng hay bút hiệu của nhà thơ nữ Nguyễn Thị Hinh mà chỉ là một từ được gọi thay tên, theo cách người xưa bày tỏ sự kính trọng, cho nên dịch ra tiếng nước ngoài để đọc giả người nước ngoài hiểu có lẽ là cần thiết. Trong phần tiểu sử các tác giả (tiếng Anh) in ở phần sau tập san đề cập trên đây danh hiệu “Bà Huyện Thanh Quan” được dịch là “the Thanh Quan District First Lady”. Thiết nghĩ dịch như thế là không chính xác. “First Lady” là một từ đặc biệt chỉ riêng dùng cho phu nhân Tổng thống Mỹ hoặc phu nhân của thống đốc một tiểu bang của Hoa Kỳ (The first lady: the wife of the President of the US, or of the governor of a US state – Longman Dictionary of Comtemporary English).
Tuy nhiên, riêng chữ Lady là một từ vừa xưng hô lịch sự, vừa có nghĩa (informal) “phu nhân” (a man’s wife). Trong khi chờ có một cách dịch chính thức và chính xác hơn, người viết tạm dịch danh hiệu mà người đời gọi bà Huyện Thanh Quan là The Lady of the Thanh Quan District Chief - với nghĩa “vợ của ông quan huyện (của) huyện Thanh Quan”, theo cách gọi lịch sự vừa trân trọng.
                 

No comments:

Post a Comment