Trang

Sunday, February 26, 2012

PHAN THỊ THANH NHÀN KỂ CHUYỆN VUI VỀ CÁC NHÀ VĂN NHÀ THƠ NỮ

Lứa “con gái” viết văn, làm thơ trạc tuổi tôi, giờ đã kẻ còn, người mất, nhưng chuyện vui về các chị thì do được  tiếp xúc nhiều, tôi cũng ghi lại được đôi điều. Nhân ngày phụ nữ 8-3, tôi kể lại vài chuyện nhỏ, để bạn đọc hiểu là dù trong hoàn cảnh nào, có thể có lúc, có người trong chúng tôi rất đau khổ, nhưng chúng tôi vẫn luôn tìm ra niềm vui, vẫn luôn rất tếu táo và vui nhộn!

Nhà thơ Xuân Quỳnh
Nhà thơ Xuân Quỳnh là một phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo và hài hước. Thơ chị rất hay và truyện viết cho thiếu nhi của chị thì hóm hỉnh và bất ngờ, rất hấp dẫn với các em nhưng Quỳnh thường than với tôi:
- Tao dốt quá cơ, truyện viết cho trẻ con của tao cái nào cũng ngắn như… cái quần đùi ấy, không làm sao mà kéo dài ra được, cứ như là chạy thể dục! Viết bao giờ mới đủ trang để in thành tập đây?
Và Quỳnh thường tuyên bố:
- Đứa nào bảo tao khen thơ nó rồi đưa cho mày in báo của mày (tôi phụ trách phần văn nghệ của báo Hà Nội mới) thì mày đừng có tin. Tao khuyên mày là ai nhờ đọc thơ mày cũng cứ khen hết cho đỡ mệt, nhưng không in được thì phải chối khéo. Ví dụ như tao bảo họ là báo Văn nghệ thì không hợp, nhưng anh mang sang cho chị Nhàn bên báo Hà Nội mới thì chắc chắn được!
Tôi gật đầu:
- Ừ, tao sẽ bảo họ, ví dụ bài này hay đấy, nhưng anh mang sang báo Nhân dân thì đỡ phí, vì báo Nhân dân nhiều người đọc hơn, rồi kệ cho bên đó giải quyết, đúng chưa?
Hai đứa tôi ôm bụng cười và Quỳnh khoái chí khen:
- Được, hiểu bài nhanh, cứ thế nhé!
Hai đứa tôi thường rất tếu khi tâm sự về chuyện làm biên tập, suốt ngày có người mang thơ đến nhờ đọc. Có hôm Quỳnh kể:
- Lão ấy đến, đàng hoàng ngồi rung đùi đọc thơ, mà đang giờ làm việc, đúng việc của tao là tiếp cộng tác viên thơ mới chết chứ! Làm sao để trốn đây? Tao vờ ôm bụng: “Ôi xin lỗi anh, anh cứ để bản thảo lại, tôi phải ra ngoài một lát, tôi sẽ đọc sau”. Thế nhưng đến lúc tưởng lão đã đi, tao quay lại, lão vẫn đang ngồi rung đùi đọc thơ, nhưng người nghe đã là anh Phạm Hổ! May thế chứ! Tao chuồn luôn…
Đại loại là người làm thơ thì rất nhiều, mà ai cũng nghĩ thơ mình là hay nên chúng tôi cũng… hơi khổ, lại không dám than với ai vì có người đã chê là... còn trẻ mà không khiêm tốn!
Còn một người mà tôi cũng yêu quí là chị Như Trang hiện nay đã nhiều tuổi lại đang ốm đau nhưng vẫn rất tếu. Khi đến thăm chị, tôi đùa, đọc một câu thơ của tôi để trêu chị: “Người yêu ngày ấy đâu rồi?’’… Chị lừ mắt:
- Không có như người yêu phải gió của mày đâu nhóc ạ. Người yêu tao vừa ra khỏi cửa, chạy theo mà ngó còn thấy kia kìa!
Chúng tôi phá ra cười. Bởi vì thực thì chị được nhiều người yêu quí, nhưng nay các anh đều đã mất hoặc cũng nhiều tuổi, ít ai còn ra khỏi nhà, như chị bây giờ, mấy khi thăm ai được nữa! Nhiều năm trước, khoảng 1985, tôi được cùng chị và các nhà văn, nhà thơ Hoàng Minh Tường, Vũ Quần Phương, Hồ Phương, Thế Hùng, Vũ Tú Nam… vào thăm Đắk Lắk, tôi đã thấy chị rất vui tính và lém lỉnh. Buổi tối, tôi và nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh ngủ chung một phòng, phòng bên là nhà thơ Thế Hùng và nhà văn Hoàng Minh Tường. Chúng tôi ngồi tán láo, Thế Hùng cười:
- Trời lạnh như thế này mà hai mụ gầy gò ngủ một phòng có khổ không? Thôi, hai phòng mình cạnh nhau, đổi chỗ cho ấm áp đi!
Chị Như Trang làm mặt nghiêm:
- Chỉ được cái võ mồm là giỏi. Cái Vân Anh nó lườm cho một phát lại chả chạy mất dép!
Và trong chuyến đi, tôi đã được cười rất nhiều. Trong đoàn có hai người trùng tên là Hồ Phương và Vũ Quần Phương, mọi người, trong đó có chị Như Trang, làm thơ trêu: “Nhìn hồ lại hóa ra ao - Tìm quần, không biết quần nào Quần Phương…”. Rồi chị Như Trang kể rất tếu về anh Hồ Phương: “Bác này đi chơi về muộn, bị vợ mắng, sang cơ quan than thở, tao mới đưa cho lão một lọ dầu con hổ, chẳng khuyên can gì, thế mà lão cũng thông minh, từ đó đi đâu về muộn, lão xức dầu đầy người, đi lảo đảo, bảo là trúng gió, làm bà vợ cuống lên, dìu vào nhà, bắt lên giường, đắp chăn, thế là thoát!”.
Khi đi dự trại viết của Hội Nhà văn Hà Nội ở Tam Đảo, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn (nay đã mất) cứ mỗi bữa ăn lại đọc một câu thơ tặng một bạn nữ của trại. Đầu tiên là tặng nhà thơ Phi Tuyết Ba, tác giả bài thơ Trăng khuyết rất nổi tiếng: “Thanh Sơn mà được Tuyết Ba/ Thì mây Tam Đảo thành ga trải giường”. Sau đó là tặng nhà thơ Phạm Hồ Thu: “Thanh Sơn mà được Hồ Thu/ E rằng có lúc đi tù cũng cam!” (Bởi vì dự trại lần ấy có cả chồng Phạm Hồ Thu, nhà thơ Trần Quốc Thực). Cuối cùng là thơ tặng… trại trưởng là tôi: Thanh Sơn mà được Thanh Nhàn/ Thì cho nước mất nhà tan cũng đành!”.
Bọn phụ nữ chúng tôi và anh em trại viên đều cười vui, vì hiểu là Trịnh Thanh Sơn chỉ tếu cho vui, nhưng hôm tổng kết trại có Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đến dự, một nhà văn đã rất nghiêm khắc phê bình nhà thơ Trịnh Thanh Sơn:
- Tôi thấy anh Sơn rất coi thường các nhà thơ nữ của chúng ta. Ai anh cũng muốn “được” là được kiểu gì? Nhất là với chị Thanh Nhàn trại trưởng của chúng ta, anh cũng đem ra đùa tếu. Tôi đề nghị anh phải rút kinh nghiệm và phải xin lỗi các chị!
Trong khi nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đỏ mặt đứng lên, tôi vội dàn hòa:
- Bác ơi, chúng ta đi trại viết, ai cũng cặm cụi cả ngày, đến bữa ăn đùa chút để cười, có sao đâu? Chúng tôi còn mong được nghe nhiều bài thơ vui của mọi người cười chê nhau nữa cơ!
 Một nhà thơ rất tếu khác đọc ngay: “ Lần sau mở trại hội ta/ Ai mà nghiêm túc, ở nhà cho xong!”
Mọi người vỗ tay và cuộc họp kết thúc trong tiếng cười của các nhà văn, nhà thơ. Thế đó, chúng tôi thường rất vui nhộn và tếu táo!

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

No comments:

Post a Comment