Trang

Thursday, February 2, 2012

Tham luận tại Liên hoan thơ Châu Á lần thứ nhất - NHÀ THƠ MAI VĂN PHẤN: VẺ ĐẸP VÀ QUYỀN NĂNG CỦA THI CA


 (Tham luận tại Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 1 tại Quảng Ninh, từ ngày 2/2 đến ngày 3/2/2012)
.

Kiếm tìm chỗ đứng cho thi ca Việt trong khu vực và thế giới ngày nay là cơ hội và thách thức to lớn đối với các nhà thơ Việt Nam đương đại. Chúng ta sẽ tụt hậu, và, bị quên lãng nếu cứ giữ mãi những quan niệm cũ. Nhất định là cần thiết tiếp xúc với con đường nghệ thuật và tư tưởng mà thi ca thế giới đã đi để sáng tạo những giá trị mới và riêng biệt
Nhà thơ Mai Văn Phấn

Dù được viết theo bất kỳ khuynh hướng nào, thơ ca luôn mang vẻ đẹp nguyên khởi, nhằm phục sinh, tái tạo thế giới, mãi đối lập với cái xấu và gian tà. Thơ ca là ánh sáng đẩy lùi bóng tối, là nước mát làm xanh tươi mặt đất, là vị thuốc chữa lành những vết thương tâm hồn, đánh thức thiên lương con người để họ không rơi vào vũng lầy tha hóa, sống nhân hậu thân thiện hơn.
Lịch sử, tâm lý, tập tục truyền thống… của mỗi dân tộc đã tạo nên những mật mã trong ngôn ngữ, vừa hiển ngôn vừa bí ẩn sau những tín hiệu vần điệu, tục ngữ, dân ca, và… Thơ. Tất cả đã cháy lên, như ngọn lửa bất diệt soi chiếu tầm vóc, cốt cách dân tộc. Nó đã trở thành tài sản tinh thần của dân tộc Việt qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đồng hành với lịch sử, những bài thơ hay, câu thơ hay treo lên lý tưởng đẹp đẽ của độc lập dân tộc và giá trị nhân văn cao cả, tạo nên nội lực, sức mạnh phi thường để chúng ta từng giành lại đất nước.
Qua mỗi giai đoạn lịch sử, những cuộc giao lưu giữa các nền văn hóa đã làm thay đổi, phong phú thêm những quan niệm thơ ca. Quan niệm mỗi nền thi ca chỉ có giá trị trong ngôn ngữ mẹ đẻ là phiến diện và nghèo nàn, không thể tồn tại lâu khi những cuộc giao thương, di dân, hội nhập trong lịch sử đã mang đến cho thơ những quan niệm mới. Nó như luồng gió mạnh bên ngoài ùa vào làm thay đổi, phồn sinh những quan niệm có sẵn. Phong trào Thơ mới (1930 - 1945) là ví dụ điển hình - kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Đông–Tây hồi đầu thế kỷ XX.
Chúng ta đang sống trong một thế giới còn nhiều cách biệt giữa các dân tộc, giữa con người với nhau còn xa lạ, đôi khi là hố thẳm..., thơ ca là cầu nối, là bàn tay chân thành, giọng nói ấm áp để chúng ta tìm đến với nhau, cảm thông, thấu hiểu nhau hơn. Nhờ có thơ ca, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh diệu, bí ẩn... cũng như thấy được sức mạnh tinh thần hiển linh và tiềm ẩn của dân tộc ấy. Chúng ta tựa vào thơ ca để ngày thêm hoàn thiện, thay đổi, được lớn lên và bình đẳng giữa các dân tộc trên trái đất.
Thơ ca với muôn vàn những quan niệm khác nhau và dị biệt, luôn được cải biến hoàn thiện, phong phú cùng với thời gian tựa như cây lớn trong trời rộng chiết thêm nhiều cành nhánh. Mỗi cá thể sáng tạo đều chọn cho mình con đường riêng biệt, nhưng mọi nhà thơ đều chung một đích đến là khám phá và tôn vinh cái Đẹp. Nhà thơ thường đơn độc khi sáng tạo với cái tôi riêng biệt, duy nhất của mình; nhưng trong sự riêng tư, tưởng như đơn độc ấy, anh ta đã gặp nhân loại, gặp cội nguồn những khát vọng, chạm mặt mơ ước của loài người về một thế giới hòa bình, không kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, vượt lên sự khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, bạo loạn… Đó là thế giới của những giá trị nhân văn. Do vậy, tầm vóc của thi sỹ nhiều khi không nằm ở vấn đề mà anh ta đặt ra, mà ở cách tiếp cận, cách dồn nén cảm xúc đến tột đỉnh cho một vấn đề tưởng chừng đơn giản, nhưng hiệu quả của nó thật lớn lao và bất ngờ. Ánh sáng của nó soi rọi cho bạn đọc nhìn thấy những mối quan tâm lớn của thời đại, tính cập nhật của đời sống. Thơ ca bất ngờ cất lên tiếng nói chân thành. Và, chân thành luôn là nghệ thuật hàng đầu của thơ ca.
Chúng ta nhận ra thơ ca đích thực, dù được chú trọng hay thờ ơ, được tôn vinh hay bị lợi dụng vẫn luôn tỏa sáng.
Cần lưu ý là mọi thái độ, cung bậc tình cảm của con người nhiều khi là cái cớ chứ không phải mục đích của thi ca. Thơ ca vốn tạo ra thế giới riêng biệt mà chỉ nhà thơ mới có. Tất cả hiện tượng đời sống, mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên là “chất liệu” để nhà thơ đặt vào trong không gian riêng biệt và kỳ ảo của mình. Thơ ca thường không áp đặt mà mở cánh cửa để bạn đọc đi vào thế giới của nhà thơ, đúng hơn là nhà thơ dẫn dắt, khêu gợi để bạn đọc tự mở cửa tâm hồn mình, để họ thấy được những kỳ diệu và bất ngờ, giống như ai đó tự tìm được kho báu ngay chính trong ngồi nhà của mình.
Kiếm tìm chỗ đứng cho thi ca Việt trong khu vực và thế giới ngày nay là cơ hội và thách thức to lớn đối với các nhà thơ Việt Nam đương đại. Chúng ta sẽ tụt hậu, và, bị quên lãng nếu cứ giữ mãi những quan niệm cũ. Nhất định là cần thiết tiếp xúc với con đường nghệ thuật và tư tưởng mà thi ca thế giới đã đi để sáng tạo những giá trị mới và riêng biệt. Chúng ta cần xác định chính xác và chân thực thơ Việt đang ở đâu và cần phải làm gì. Tôi luôn khao khát và tin tưởng thơ chúng ta sẽ tạo được khuynh hướng hiện đại cách tân mang đậm bản sắc Việt. Nếu vẻ đẹp của thơ là đóa hoa thấm đẫm nhân văn thì quyền năng của thơ chính là sự tái tạo khả năng cảm xúc và suy tưởng, làm xuất hiện những giá trị tinh thần mới, một thế giới mới.
Nhà thơ Mai Văn Phấn
(Hải Phòng, Email: maivanphan@gmail.com)

No comments:

Post a Comment