Trang

Saturday, February 11, 2012

THỪA ĐỔI MỚI, THIẾU ĐẶC SẮC TRONG NGÀY THƠ VIỆT NAM


Chú trọng hơn yếu tố nghe, nên phần nhìn giảm bớt, ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội 5/2 (tức 14 tháng giêng) có đôi chút khiến người ta hụt hẫng. Bởi cái tài văn chương thì đã thấy, nhưng chất nghệ sĩ thì chả tìm được ở đâu. Chưa kể đến sự nghịch lý trong khâu tổ chức, chẳng hạn sân “thơ trẻ” năm nay còn già hơn sân “thơ già”. Trong khuôn viên ngày hội, các gian hàng kinh doanh chè của một doanh nghiệp chiếm khá nhiều diện tích, trong sân thơ lại bán sách dạy toán, chơi cờ vua…

Tôn vinh và ngoại nhập
Đó là hai điều dễ nhận thấy trong ngày hội thơ lần thứ 10, đồng thời kỉ niệm 80 năm phong trào thơ Mới. Thay vì được đúc tượng như những năm trước, các tấm áp phích lớn in khá trang trọng giới thiệu ngắn gọn tên tuổi, tiểu sử và tác phẩm tiêu biểu của những thi sĩ giai đoạn này. Những văn sĩ được giải thưởng Hội Nhà văn hai năm gần đây cũng được giới thiệu trong sân Thái Học bằng những tấm áp phích nhỏ hơn và treo cao hơn, khó để ý hơn.
Vẫn đông vui nườm nượp như mọi lần, nhưng ngày thơ năm nay có thêm nhiều phong vị mới, đó là các thi sĩ đến từ Nga, Mỹ, Trung Quốc, Uzerbekixtan, Philippines… Vậy là, khán giả được thưởng thức mỗi tác phẩm ít nhất hai lần, một là bằng tiếng mẹ đẻ của thi sĩ, lần hai là bằng tiếng Anh. Thậm chí, có tác phẩm còn được dịch ra tới ba thứ tiếng khác nhau, chẳng hạn tiếng Trung – Việt– Anh. Nhưng cũng vì phải “phá” hàng rào ngôn ngữ như vậy, mà thời gian trình diễn thơ bị nhân đôi, nhân ba lên khiến không ít người xem bị đuối sức.

Tiết mục trình diễn thơ của Vi Thùy Linh, Đào Anh Khánh
và Quyền Thiện Đắc. Ảnh: Lê Thoa

Ngoài các quầy thơ địa phương, câu lạc bộ, vẫn có hai sân thơ trẻ và sân thơ truyền thống. Những năm trước đây, sân thơ trẻ bao giờ cũng đông đúc bởi giới trẻ không ngại thể hiện mình bằng các “chiêu trò”, trong khi đó, sân thơ già lại khá đóng hộp vì có vẻ như các thi sĩ lớn tuổi đạo mạo hơn. Thực tế năm nay lại “quay ngoắt” 180 độ. Trong số những gương mặt gọi là trẻ, không ít đã ở tuổi trên dưới 40. Một số thi sĩ khác tuy trẻ, nhưng lại “giữ mình” như ở tuổi trung niên.
Được chú ý đặc biệt là nhà thơ Đỗ Doãn Phương bởi giải thưởng Hội nhà văn 2011 của anh vẫn còn “tươi roi rói”, nhưng thi sĩ họ Đỗ lại đọc tác phẩm đầy ý nghĩa của mình bằng giọng rời rạc và phải nhìn vào sách. Có nhà thơ quốc tế sau khi đọc lại xin hát một bài rất không liên quan. Nhà văn Hòa Bình dí dỏm: Dẫn chương trình ở sân thơ “già” cùng Đỗ Trung Lai là nhà văn trẻ Di Li, trong khi đó, MC của sân thơ trẻ lại là hai thi sĩ không còn trẻ chút nào: Hữu Việt và Nguyễn Phan Quế Mai.
Cá tính ở đâu?
Một trong những điều thú vị mà khán giả chờ đợi, đó là tìm kiếm sự nghịch ngợm, sáng tạo khác người của các thi sĩ. Người ta không được trầm trồ xem chiếc xe máy “chổng ngược” viết những câu thơ đầy cá tính của nhà thơ Lê Anh Hoài. Khán giả cũng không được xem một Dạ Thảo Phương “cởi trói” lão thi sĩ Dương Tường hay Đoàn Văn Mật cùng Tấn Cường “chèo hóa” thơ…

Đã vậy, các cây thơ vài năm nay bị “tuyệt diệt” không biết vì lí do gì… Phần trình diễn thơ năm nay chỉ nên gọi là phần “đọc thơ” và BTC cũng không dành đất cho các nghệ sĩ giao lưu với khán giả. Duy nhất có màn Vi Thùy Linh “liên tài” với Đào Anh Khánh, Quyền Thiện Đắc để kết hợp thơ với trình diễn đương đại trong tiếng kèn saxophone không có gì mới nhưng vẫn “lôi” được nhiều khán giả đến xem. 
Những bài thơ được đọc miên man xen kẽ các màn trình diễn nhạc dân tộc trở nên bàng bạc, nhàn nhạt… Theo dịch giả Thúy Toàn, ngày thơ ở Nga đã có từ hơn một nửa thế kỷ trước và cũng không tránh khỏi giai đoạn thoái trào, đến mức bây giờ, gần như ở Nga không còn nữa. Bởi vậy, tuổi lên 10 của ngày thơ Việt Nam vẫn đầy sức hút với bạn bè quốc tế, nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn VN: “Họ vẫn được “lôi kéo” một cách hào hứng”.
Lê Thoa
Nguồn: Đất Việt

No comments:

Post a Comment