Trang

Sunday, February 26, 2012

TRAO ĐỔI CÙNG TÁC GIẢ TIỂU THUYẾT “NGUYỄN THỊ LỘ”: PHẢI CHĂNG ÔNG HÀ VĂN THÙY QUÁ VỘI MÀ PHỦ ĐỊNH?

Vừa rồi, nhà văn Đặng Văn Sinh (ĐVS) lên tiếng, chỉ rõ: Nguyễn Thị Lộ - một tiểu thuyết hư cấu hạ thấp phẩm giá Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”.Tác giả Hà Văn Thuỳ có bài bác lại. Tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ của nhà văn Hà Văn Thùy (HVT), NXB Văn học ấn hành năm 2005. Nếu không có sách, có thể đọc ở HÀ VĂN THÙY, trên NEWVIETART.

Vui thay! Sau khi tự đánh giá tiểu thuyết của mình: Đây là lần đầu tiên hai vị (Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ) hiện lên trong hình tượng văn học sâu sắc và trong sáng như vậy, tác giả còn dẫn ra một ý kiến nào đó, cho rằng bài của ĐVS: Đặc sệt giọng lưỡi một giáo viên dạy văn xoàng xĩnh và chẳng hiểu biết gì về sáng tạo văn học.
Ai đúng đây? Có thể dẫn lại mấy điểm trong bài của HVT, trên trannhuong.com ngày 23/ 2/ 2012. .     
Trong bài của HVT trên trannhuong.com vừa rồi có những vấn đề bất ổn.
Ví dụ, HVT viết: Người phương tây có ngạn ngữ, khi không chặt được cánh tay đó thì hãy cầm lấy nó mà hôn! Do không thể bác bỏ được những dòng chính sử, tôi buộc phải chấp nhận nó như sự thực và mô tả trong sách của mình. Câu nói đó đúng ở đâu, chứ kẻ sĩ sao lại nghĩ thế, cái xấu khi chưa trừ bỏ được thì hãy cứ hôn chăng?  Nếu là nghi án tội lỗi, chưa làm sáng tỏ thì hãy hy vọng nhiều đời sẽ sáng tỏ, hoặc cứ để trong nghi án chứ sao lại chấp nhận, vội đầu hàng, đồng loã…   
HVT viết: Đúng là vua Thánh tông có trách cứ Ngô Sĩ Liên tội ăn của đút, tội “sự nhị quân” nhưng không hề quở trách ông trong việc viết sử. Điều này chứng tỏ ông không có lỗi ở chức phận sử gia. Ai dám chắc rằng, Viên quan kia ăn của đút, không phải là của đút về việc viết sử? Căn cứ ở đâu dám võ đoán “ông không có lỗi ở chức phận sử gia “, khi viên sử quan ấy bị Lê Thánh Tông mắng về nhân cách.
Về cuộc Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại xã Trần Phú, Khuyến Lương, Hà Nội phối hợp với Hội Sử học Việt Nam tổ chức ngày 19 tháng12 năm 2002, sau đó ra tập sách Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên (Thảm án LCV), NXB VHTT năm 2004. HVT viết: Hội thảo Khoa học về bà Lộ được tổ chức, tôi quá mừng, hy vọng, với tầm học cao biết rộng của những bậc tài danh hôm nay, oan án sẽ được xóa! Nhưng rồi tôi thất vọng: chứng không có mà lý đưa ra lại quá tù mù!
Tôi có nghĩ khác với HVT. Tôi đã đọc nhiều lần cuốn Thảm án LCV, 528 trang khổ 14,5 X 20,5 (cm), thấy cái tâm của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc chủ biên và thấy nhiều tham luận có sức thuyết phục. Đặc biệt là công trình của GS, TS, các nhà nghiên cứu: Đinh Công Vĩ, Mai Hồng,  Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Văn Thành, Hoàng Quốc Hải… các trang: 118, 119, 169, 170, 193 có thơ của Đinh Liệt, các trang 207 đến 212, có bài hai bài thơ thể Tứ lục và Tứ lục biến hoá… Quê tôi rất gần Lệ Chi Viên, đã nhiều năm tôi sống ở Côn Sơn, do lòng ham mê lịch sử, tôi từng vượt sông Luộc mà đến Tân Lễ - quê sinh bà Lộ, đi Lam Kinh, về Khuyến Lương, Nhị Khê… , song đọc Thảm án LCV- cuốn sách sau Hội thảo về Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, hiểu biết về Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ của tôi đã được bổ sung thêm nhiều.
Phải chăng, ông HVT đã quá vội mà phủ định? Nếu ông HVT về Khuyến Lương (Hà Nội) thăm nơi xưa Góc thành Nam lều một gian, thăm nhà dạy học của Nguyễn Trãi và nhà ở của bà Lộ, nếu đọc kỹ những bài thơ chữ Nôm chữ Hán của Nguyễn Trãi và bà Lộ, hẳn HVT sễ không viết trong bài Phải chăng Hà Văn Thùy xúc phạm Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ (Phải chăng… ) với cánh nhìn hơi bị… tàn nhẫn: Một điều cũng rất thực mà vì tế nhị, trong truyện tôi đã không cho nói ra từ miệng Nguyễn Trãi là, theo quan niệm đương thời, bà Lộ không phải chính thất mà chỉ là vợ lẽ, nàng hầu, một tài sản người đàn ông có thể mua bán đổi chác…
Thời Lê sơ, đầu thế kỷ XV có nhiều oan khuất: Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn bị sát hại năm 1431 (sai đã được sửa năm 1456), Thái Bảo Phạm Văn Xảo bị hãm hại năm 1432 ( đời Trần Nhân Tông được minh oan), Thừa chỉ Nguyễn Trãi bị trảm năm 1442 ( Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan, lại truy tặng ông: Tấm lòng sáng như sao Khuê…
Hồi ấy, hai chục năm sau, ông vua Thánh mới biết Nguyễn Trãi bị oan, chứ quan lại dân chúng nhận rõ ngay do sự rối ren nhũng loạn trong triều chính. Đại công thần Đinh Liệt, người phải đứng ra làm chánh án vụ xử Nguyễn Trãi thấy rõ oan mà đành bất lực. Ngay trong ngày Nguyễn Trãi bị trảm (16 tháng 8 năm 1442), Đinh Liệt đã làm bài thơ rồi giấu đi, (Bút ký Hồng Mai của Đinh Liệt bị thất lạc mấy thế kỷ, năm 1953 mới tìm thấy…), đến nay ta mới được đọc. Đinh Liệt gọi Nguyễn Trãi là quan gia, ông là chánh án nhưng không phải là Bao Công và than, chờ Bao Công còn xa lắm:
Khả tích quan gia mạc thức thời
Tru di tam tộc thị thương ôi!
Phá kính trung viên, hà thời giải
Bao Công, chân lý đẳng tương lai.
Dịch:
Quan gia đáng tiếc chẳng theo thời
Tam tộc chu di xót quá thôi
Gương vỡ bao giờ lành được nhỉ?
Bao Công, chân lý ngóng xa vời...
Trong triều, Hoàng hậu Thị Anh và thế lực hắc ám lấn át cả, đại công thần - chánh án Đinh Liệt chịu bó tay, Nguyễn Thiên Tích - bạn cố tri của Nguyễn Trãi, làm phán quan cũng bó tay... Sử gia thời Lê sơ không cùng đẳng cấp với các thái sử Đổng Hồ, Thôi Trữ xưa, đã ghi theo “lề phải”, chính thống.
Xử: Nguyễn Trãi dùng bà Lộ tiến độc vua là oan, “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, xử trảm bà Lộ cũng là oan.
Xin nói rõ thêm, theo sử, ngày 3 tháng 8, vua dời Côn Sơn về kinh. Bà Lộ được đi hộ giá. Từ Lục Đầu Giang rẽ vào sông Thiên Đức (Đuống) thuyền rồng ngược dòng, nên luôn phải hàng chục phu thuyền dùng dây tam cố gò lưng mà kéo. Đến ngang xã Đại Toán thuộc Quế Võ thì phu kéo mãi thuyền không nhích lên được. Vua hỏi. Lương Dật (em nuôi Lương Đăng - viên quan chống Nguyễn Trãi quyết liệt) tâu: “Ngay trên bờ có Cầu Bông, cạnh cầu có mộ Bạch Sư rất thiêng, nếu không cúng sẽ nhiều trắc trở”.
Tham tri chính sự Nguyễn Xí nói, không tin vào điều đó được, song vua lại truyền bảo: “Cho thuyền dừng, cắm trại, lệnh cho sở tại thịt nghé tơ để tế thần”. Mấy hôm liền, vua vẫn không được khoẻ. Đêm 4 tháng 8 vua về đến Lệ Chi Viên... Trong chuyến vua vi hành này, Hoàng hậu Thị Anh không có mặt, nhưng tất nhiên tất cả các quan và năm cung nữ bên vua đều là người của Thị Anh cả. Chỉ có bà Lộ một phía. Có việc gì qua mắt được cánh Nguyễn Xí, Tạ Thanh, Lương Dật, các cung nữ? Lại cùng đoàn lặng lẽ hồi kinh. Từ Lệ Chi Viên đến kinh đô chỉ chừng 45 cây số. Hồi ấy, đoàn xa giá phải đi cả ngày, đêm mồng 5, hết ngày mồng 6, nửa đêm mới vào cung, phát tang.Nếu bà Lộ có mưu giết vua, cớ sao khi vua đã băng, không trốn?  Vì ngoại phạm, bà Lộ tự cho vô can mới không trốn. Từ đó, suy ra, ngay câu mà sử gia chép “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, cũng là câu đã qua dàn dựng!   
Có lẽ do quá say sưa với kiểu Eudipe mà tác giả tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ, đã tung hoành trong “trận bút” dẫn đến có lỗi với Nguyễn Trãi. Ví dụ, đoạn:
“Không cầm được lòng, nàng (bà Lộ) đặt lên trán chàng (vua, đáng tuổi con) nụ hôn nhẹ như thoáng qua... Tội lỗi, tội lỗi, nàng thầm nhủ. Nhưng sao lạ quá, một cái gì đó mới mẻ chưa bao giờ nàng thấy. Nó dữ dội nó bạo liệt như xoáy lốc cuốn nàng bay vút lên tới tận trời xanh, toàn thân nàng đê mê như tan ra, nàng như muốn ngộp thở, nàng kiệt sức ngất đi... Tình yêu là như vậy sao? Nàng tự hỏi. Thật khác xa những gì nàng đã có với Nguyễn Trãi...”. (chương 4).
Đúng như ĐVS nhận định, những đoạn như thế này có hạ thấp cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Viết tiểu thuyết lịch sử là khó, viết về thiên cổ kỳ án Lệ Chi Viên  lại càng khó. Nhà văn Hà Văn Thùy viết tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ khởi nguồn từ niềm yêu kính hai danh nhân, đã xuất bản, có sự thành công nhất định. Song, tác phẩm còn phải tiếp tục đối diện với lịch sử, thi pháp, bạn đọc...    
DUY PHI

No comments:

Post a Comment