Trang

Monday, February 13, 2012

VĂN NHÂN VẼ MỸ NHÂN: “ĐÔI VAI XINH NHƯ GỌT, EO NHỎ NHƯ NẮM TƠ MỀM, CỔ CAO XINH XẮN LỘ RA…”

Thật kỳ lạ, sân khấu và điện ảnh dù có phát triển vượt bậc, với kỹ thuật hóa trang, kỹ xảo tài tình, cũng không làm khán giả thỏa mãn khi tái hiện những người đẹp “chim sa cá lặn” trong lịch sử. Hãy nghe Tào Thực- người con trai thứ ba dòng chính thất của Tào Tháo miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ trong Lạc thần phú -  Phong Đảo dịch nghĩa:

.

…Về hình dáng, nhẹ nhàng như con chim hồng giật mình tung cánh bay lên, mềm nhạt như con rồng lượn, rạng rỡ như hoa cúc mùa thu, đầy đặn như cây tùng mùa xuân tươi tốt. Lờ mờ như mây mỏng che trăng, lững lờ như bông tuyết bay theo gió. Nhìn từ xa sáng chói như như vầng đông vừa nhô khỏi mây; nhìn gần tươi tắn như hoa sen vừa vươn lên khỏi mặt nước. Béo gầy vừa phải, cao thấp vừa tầm. 
Đôi vai xinh như gọt, eo nhỏ như nắm tơ mềm, cổ cao xinh xắn lộ ra, không bao giờ cần đến phấn sáp. Búi tóc cao nghệu, đôi mày cong cong, môi son đỏ hồng, răng trắng, thấp thoáng bên trong. Mắt sáng liếc nhìn, đồng tiền lúm trên đôi má. 
Dáng vóc vừa đẹp vừa trang nhã, cử chỉ thư thả nhẹ nhàng, thái độ dịu hiền trang trọng, lời nói hấp dẫn người nghe. Áo choàng óng ánh, bông tai bằng ngọc xinh. Trang sức trên đầu nào vàng nào lông chim thúy, lại tô điểm hạt minh châu lấp lánh trên người. Chân mang hài thêu, tay áo dài và mỏng như sương, bay phất phơ nhẹ nhàng. 
Giữa mùi thơm thoang thoảng của hoa lan vừa nở, chân đi chầm chậm trên sườn núi. Bỗng nàng tung mình lên, vừa đi vừa chơi đùa. Bên trái tựa vào cờ mang, bên phải núp dưới bóng cờ quế. Rồi xắn đôi tay trong trẻo, thò xuống dòng nước chảy có nấm linh chi đen”.
Hậu thế khi đọc Lạc thần phú có lẽ không dừng được câu hỏi: người đẹp ấy có thật không? Nếu thật, nàng là ai? Nhiều giả thuyết nói về nàng, khi mập mờ, khi lại rất cụ thể. Nhưng điều không thể phủ nhận được, dù là thần hay người, nhan sắc của nàng được Tào Thực giữ lại, thách thức với thời gian, qua bài phú được công nhận là áng văn chương hay nhất của văn đàn Kiến An, do cha con Tào Tháo lập nên để chiêu mộ văn nhân. Là thần hay là người? Ngỡ như mọi việc đã rõ rằng, khi trước bài phú, Tào Thực có viết lời tựa:
Hiệu Hoàng Sơ năm thứ ba, tôi đi kinh sư để kiến triều, khi trở về có đi ngang Lạc Xuyên. Người xưa có nói vị thần của sông này tên gọi Mật Phi. Tôi cảm xúc về câu chuyện thần nữ mà trước kia Tống Ngọc đã kể cho Sở vương nghe nên mới làm bài phú này”.
Có thật mỹ nhân ấy là Mật Phi? Nếu như những dòng đầu miêu tả:
Nhẹ nhàng như mây hồng…
Lờ mờ như mây mỏng che trăng
thì mỹ nhân mang dáng dấp huyền ảo của nữ thần. Nữ thần quả thường rất xinh đẹp trong tâm thức con người nhưng nếu là thần, sao với Tào Thực lại gần gũi, rất chi tiết, từ dáng điệu, y phục… Phải ở cự ly rất gần và có thời gian nhìn ngắm mỹ nhân, tác giả mới cảm nhận được “thân hình cân đối không béo không gầy, cao thấp vừa phải, đôi vai xinh như gọt”. Và phải ngắm rất kỹ, rất tinh tế mới nhận ra “chiếc cổ cao xinh xắn, không cần phấn sáp”, đến ánh mắt đẹp mê hồn với lúm đồng tiền xinh trên má… Tào Thực còn miêu tả rất tỉ mỉ phục trang của mỹ nhân, từ áo choàng đính ngọc lấp lánh, đến mái đầu được búi “cao nghệu” trang điểm rất cầu kỳ nào cắm chiếc lông chim thúy, đính vàng, hạt minh châu… Cả đôi hài thêu, tay áo dài và mỏng như sương… Nhưng đó chỉ là diện mạo bên ngoài, còn vẻ dịu dàng, trang trọng - phẩm cách bên trong của mỹ nữ mới thật làm chúng ta ngưỡng mộ.  

Nếu mỹ nhân không là một người thân quen, hàng ngày được tác giả tiếp xúc, gần gũi, thậm chí đứng trong một góc khuất lặng ngắm thì tác giả không thể “vẽ” nên một bức chân dung truyền thần sinh động, chăm chút từng chi tiết đến vậy. Tào Thực còn hiểu rõ thế giới nội tâm của người đẹp, hiểu vì sao nàng do dự, chao đảo, tiến thoái, đi lòng vòng mà không thể dứt khoát được. Đối diện với một người đẹp hoàn mỹ, cốt cách trang trọng, tao nhã như vậy sao Tào Thực không bước tới mà chỉ “nhờ những đợt sóng lăn tăn gởi đến nàng. Điều đó cho thấy giữa mỹ nhân và tác giả có một khoảng cách không thể vượt qua. Đó là sự mâu thuẫn, giằng xé giữa sự thôi thúc của trái tim và ràng buộc khắc nghiệt của lễ giáo chốn cung đình. Nếu chỉ đơn thuần cảm mến nàng Mật Phi, sao Tào Thực lại có những câu xé lòng:
Nâng tay che nước mắt chừ
Lệ thấm áo không ngừng
”.


Có lẽ vì yêu mến một văn nhân tài năng, chí lớn bị chính người anh ruột là Tào Phi sau khi lên ngôi, xưng Ngụy Văn Đế bức hại đến chết trong cô đơn, buồn tủi, mà người đời sau đã có nhiều giả thuyết về sự ra đời của  Lạc thần phú  và mối quan hệ giữa Tào Thực với mỹ nhân mà ông miêu tả đến xuất thần. Và cũng vì yêu mến ông mà hậu thế không muốn tin lời dẫn của Tào Thực: khi qua sông Lạc vì cảm xúc chuyện Mật Phi mà viết nên bài phú. Người đời vẫn muốn tin do Tào Thực thầm yêu Chân Thị, vợ của Tào Phi nên một năm sau ngày bà mất, ông đã làm bài Lạc thần phú để tỏ lòng thương tiếc người chị dâu bạc mệnh. 


Truyền thuyết ấy được những tiểu thuyết gia, kịch tác gia đời sau khai thác triệt để, từ cuộc đời của Chân Thị - một mỹ nhân có thật và bi kịch cũng có thật trong lịch sử thời Kiến An. Đó là thời kỳ mà Tào Tháo - một nhà chính trị và quân sự kiệt xuất cuối đời Hán với đường lối cai trị táo bạo đã tiêu diệt các thế lực cát cứ, nắm lấy binh quyền, vua Hán chỉ còn cái bóng mờ nhạt. Thật kỳ lạ, một con người chinh Nam phạt Bắc, đa nghi đến mức giết cả ân nhân mình, không từ bỏ những thủ đoạn tàn bạo trong dựng nghiệp lại có những câu thơ đầy nhân hậu, cảm thán:
“… Xương trắng phơi ngoài nội
Tiếng gà vẳng dặm trường.
Trăm người còn có một,
Ai nghĩ chẳng đoạn trường”.


Có lẽ vì gian nan trong khởi nghiệp mà Tào Tháo có cái nhìn khá thoáng trong hôn nhân của Tào Phi. Chân Thị xuất thân nhà giàu có, nổi tiếng không chỉ vì sắc đẹp, am hiểu thi ca, được Viên Thiệu hỏi cưới cho con trai là Viên Hy. Khi Tào Tháo tiến vào Nghiệp Thành, đánh chiếm căn cứ địa của Viên Thiệu, nghe đồn sắc đẹp của Chân Thị sai quân vào thành tìm kiếm, không ngờ Tào Phi bức quân lui ra, tự mình vào phủ đệ của Viên Thiệu, muốn tận mắt nhìn nàng. Bàng hoàng trước sắc đẹp Chân Thị, Tào Phi xin Tào Tháo cưới nàng làm vợ và được chấp thuận. Lần đầu tiên gặp Chân Thị, Tào Thực cũng không khỏi ngưỡng mộ, say đắm sắc đẹp của nàng, thầm yêu chị dâu. Chân Thị giấu trong lòng tình cảm dành cho Tào Thực, cảm nhận đó là một người tài năng, nhân hậu nhưng không dám vượt qua sự trói buộc của lễ giáo. Tám tháng sau ngày kết hôn với Tào Phi, Chân Thị sinh con trai, đặt tên Tào Duệ. Hạnh phúc của họ bắt đầu rạn nứt bởi Tào Phi nghi ngờ đứa bé đó là con Viên Hy. Khi Tào Phi phế Hán Hiến Đế lên ngôi, Chân Thị được tôn làm hoàng hậu. Nhưng về sau, Tào Phi sủng ái Quách Thị, lại nghi ngờ mối quan hệ chị dâu em chồng giữa Chân Thị và Tào Thực, ngày càng ghẻ lạnh nàng. Chân Thị vì đau lòng đã nói những lời oán thán khiến Tào Phi nổi giận đày nàng ra Nghiệp Thành, rồi sau đó bức chết. Một năm sau ngày nàng mất, Tào Thực từ Quyên Thành về cung. Tình huynh đệ của Tào Phi và Tào Thực lúc đó rất căng thẳng. Sau khi lên ngôi, Tào Phi “ân đền oán trả”, diệt những người thân với Tào Thực, phong vương nhưng thực chất là cô lập những đứa em mình đến những vùng đất xa xôi, sống cuộc đời nghèo khó. Với Tào Thực, đứa em mà trước đó Tào Tháo đã có ý đưa lên làm thế tử,Tào Phi càng đối xử tệ bạc hơn. Tuy nhiên, có lẽ vì hối hận việc bức hại Chân hậu nên Tào Phi mang chiếc gối thêu kim tuyến của nàng ban cho Tào Thực. Đau đớn trước sự tha hóa quyền lực và số phận đau thương của Chân hậu, Tào Thực trở về Quyên Thành. Trên thuyền qua sông Lạc, Tào Thực mơ thấy Chân hậu. Nàng cất giọng trầm buồn:
Lòng thiếp vốn ưng chàng nhưng không thể thực hiện được. Chiếc gối này thiếp đã dùng lúc ở nhà, khi xuất giá cũng mang theo. Trong thời gian qua thiếp trao nó cho Ngũ Quan Trung Lang tướng (chức quan của Tào Phi trước khi lên ngôi Hoàng đế) dùng hàng ngày. Đến nay thì nó vào tay chàng. Thiếp hết sức vui sướng khi từ nay chiếc gối thiếp đã dùng được chàng gối đầu. Không có thứ ngôn ngữ nào diễn tả được tình cảm vui sướng của thiếp. Hiện nay, thiếp bị Quách hoàng hậu nhét cám đầy miệng, lại kéo tóc của thiếp phủ kín mặt, tức nhan sắc của thiếp đã bị hủy hoại rồi, nên không thể hiện ra trước mắt chàng được.
Tào Thực tặng nàng chiếc ngọc bội. Chân hậu hoàn mỹ, “thông lễ nghĩa, hiếu thi từ” tặng cho ông ngọc quỳnh. Tỉnh giấc, Tào Thực tiếc nuối, bàng hoàng. Ông lấy bút viết ngay Cảm Chân phú. Về sau, Ngụy Minh Đế - con đẻ Chân hậu lên ngôi, phong cho mẹ là Văn Chiêu hoàng hậu. Ông đổi tựa Cảm Chân phú thành  Lạc thần phú.
Cho dù mượn hình ảnh thần tiên để chuyển tải tâm sự, hay xúc  động, đau đớn trước mối tình ngang trái thì Tào Thực cũng đã vẽ nên một mỹ nhân bằng xương bằng thịt mà ông hằng yêu thương, tôn thờ nhưng rất gần gũi trong tâm tưởng, gần đến mức ông cảm nhận được vẻ đẹp hoàn mỹ của nàng, thấy được răng nàng trắng sau làn môi đỏ thắm. Cho dù Quách Thị có nhét cám đầy miệng, phủ tóc kín mặt nàng thì Tào Thực bằng sức mạnh ngôn ngữ, bằng tình yêu đau đớn, thầm lặng đã giúp nàng tái sinh, để gương mặt tươi tắn như hoa sen vừa vươn lên khỏi mặt nước của nàng mãi mãi thanh xuân.
TRẦM HƯƠNG

No comments:

Post a Comment