Trang

Saturday, February 25, 2012

VÔ HÌNH TRUNG HAI CÂU THƠ CUỐI CÙNG CỦA BÀI THƠ KHÔNG CÓ DỰ KIẾN ĐỌC, ĐÃ KẾT THÚC BUỔI GIAO LƯU THƠ VIỆT MỸ

Không nằm trong chương trình Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X, cuộc giao lưu giữa các nhà thơ ở Hội Nhà văn Hà Nội với đoàn nhà thơ, nhà viết kịch Mỹ thuộc Hội Trái tim người lính đã diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn Hà Nội vào chiều 30/1/2012.
Toàn cảnh cuộc giao lưu thơ Việt Mỹ tại 19 Hàng Buồm
Đoàn Mỹ gồm 15 tác giả cựu chiến binh do - nhà văn Edward Tick dẫn đầu. Phía chủ nhà, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội điều khiển cuộc giao lưu, với sự hiện diện của nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và nhiều nhà thơ, nhà văn khác như Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Thị Minh Thái, Võ Thị Hảo, Lê Huy Quang, Nguyễn Thị Mai, Bùi Kim Anh, Hoàng Việt Hằng...     

Sau "lời nói đầu" của Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên là những lời tâm sự cởi mở của nhà văn Trưởng đoàn Mỹ Edward Tick:
- Nghệ thuật là tiếng nói của hòa bình. Ta càng hiểu nhau khi ta cùng nói bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Cái "nghiệp" không may mắn đã buộc chúng  ta đi qua một cuộc chiến tranh. Những người tham gia cuộc chiến không hề mong muốn, nay lại đến với nhau. Nghệ thuật thơ văn đã thay cây súng kết duyên với nhau… Như ngày xưa, vua Lê xong cuộc chiến đã trả lại vũ khí cho Rùa thần.
Rồi, rút ra cuốn "Chiến tranh và tâm hồn" của nhiều tác giả Mỹ viết về Việt Nam, ông nói thêm:
- Có nhiều người Mỹ khi xem tập tranh của thiếu nhi Việt Nam, đã xúc động trước những nét vẽ, cách nhìn cuộc sống, mơ ước ngây thơ của các em.... Họ đã lấy cảm hứng từ những tranh này mà viết…
Ông giới thiệu tạp chí Thời báo và tội ác chiến tranh mà cả ông và vợ ông đều có thơ in trên đó. Ông giới thiệu bà vợ ngồi cạnh ông, là bác sĩ chuyên điều trị những vết thương tinh thần cho lính Mỹ. Ngồi phía sau Edward Tick là một đôi vợ chồng cựu chiến binh khác, bà vợ còn ở cấp bực cao hơn ông chồng. Họ ngồi thành từng đôi. Nhưng người thứ 5 đã không thể có đôi, vì bà là góa phụ của một phi công trực thăng chết trận ở Việt Nam. Tiếp đến, một cựu binh Mỹ khác được giới thiệu đã sang Việt Nam và sống ở Nha Trang từ hàng chục năm nay, coi đây là quê hương thứ hai! (tôi xin lỗi không dám ghi tên từng vị, vì chỉ nghe đọc tên, viết rất dễ sai, sẽ mắc lỗi lớn hơn). Tiếp theo là một nhà thơ chuyên gỡ bom mìn ở afganistan, nay sang gỡ bom mìn ở Việt Nam. Một bác sĩ nhà văn đã sang Việt Nam đến 9 lần, từng là nhân chứng cuộc tàn sát sinh viên Mỹ chống chiến tranh ở Trường Đại học Kent State, bang Ohio… Phần đông thành viên trong đoàn là những bác sĩ chuyên điều trị các vết thương tinh thần cho các cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam… 
Những bài thơ trong chương trình giao lưu đã được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Cứ xen kẽ một nhà thơ Mỹ, lại một nhà thơ Việt. Tôi lần đầu được "giáp mặt" những cựu chiến binh Mỹ này, vì vậy, tôi rất quan tâm đến nhận thức mới của họ sau chiến tranh. Không chỉ ghi chép tại chỗ, tôi còn xin về một ít bản dịch để nghiên cứu. Và tôi đã được nghe, được đọc bằng mắt những suy nghĩ này: "Tôi tìm thấy một phần khác, một kẻ sát nhân, trong chính bản thân mình!" (Phía bên kia "Họ và chúng ta", Peter Winnen).
Nhà văn Edward Tick đã đọc bài thơ "Góc nhìn". Bài thơ từng cặp hai câu một, có 20 cặp câu như thế. Câu đầu dành để nói rõ góc nhìn nào, chỉ có hai phía: Từ góc nhìn viên đạn (chiến tranh) hoặc từ góc nhìn con người (nhân bản). Thí dụ: "Từ góc nhìn viên đạn: Ta là kẻ đầy tớ của số phận", hay: "Từ góc nhìn con người: Anh bắt tôi phải sống cho cả hai"…mỗi câu chỉ gói gọn một ý của tác giả về cuộc chiến (ví dụ: "Từ góc nhìn viên đạn: Định mệnh là một phát súng thẳng và nhanh… Từ góc nhìn con người: Cái chết của anh lẽ ra là của tôi"… Một bài thơ rất trí tuệ!
John Becknell đọc bài thơ "Khóc thương một người dân thường" viết tặng Mike Hall - bạn anh, từng tham chiến ở Việt Nam những năm 1969 -1972. Mike Hall là một sinh viên đi lính nghĩa vụ. Anh sang Việt Nam khi mới 19 tuổi với lòng tự hào về sức mạnh tuổi trẻ, ngỡ mình như một hiệp sĩ đi bảo vệ nền dân chủ. Sự quả quyết của anh đã thành điểm tựa cho một lữ đoàn bộ binh Việt Nam Cộng hòa tiến binh trên đường 9 về Bản Đông… Thế rồi đoàn bộ binh anh dẫn đường bị tiêu diệt trước hỏa lực và sự quả cảm của đối phương. Đối phương cứ tiến lên không ngừng, anh chỉ còn cách hạ thấp khẩu 40 ly hai nòng, thứ vũ khí không bao giờ dùng cho bộ binh, và bắn cho tới viên đạn cuối cùng… Anh hạ súng trước cánh đồng ngập xác người và thấy buồn nôn bởi tủi hổ và hối hận… Sau đó anh bỏ ngũ, học để trở thành bác sĩ. Suốt thời gian còn lại, anh làm việc tận tụy ngày đêm, cố cứu những con người khỏi bàn tay Thần Chết, như để bù lại những mạng sống đã bị anh cướp đi trong trận đánh ấy. Cho tới khi người ta tìm thấy anh, chết cô đơn trong một khách điếm…
Bài thơ có nhiều chi tiết của một truyện ngắn! Tôi càng hiểu vì sao những người bạn khác của anh, từ biển lửa đó bước ra, nhiều người đã mắc bệnh tâm thần, nếu không tìm được cách tự cứu rỗi. Một nhà văn khác trong đoàn đang làm nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn đã đọc cả một chương trong cuốn truyện anh vừa xuất bản. Trong đó có câu: "Trò chuyện với bất kỳ cựu chiến binh nào đã từng tham chiến, người đó có thể kể cho bạn về sự phá hoại và hủy diệt. Mỗi người trong chúng tôi đều có một địa ngục riêng và phải tự tìm ra sự cứu rỗi cho riêng mình!… Mỗi người trong chúng tôi đều có một phiên bản của riêng mình về địa ngục!".            
Thời gian trôi qua… những vết thương cơ thể đều được chữa lành,  nhưng vết thương trong tâm hồn người lính thì  còn mãi…
Tôi hiểu vì sao sau cuộc chiến tranh thảm khốc, nước Mỹ cần đến nhiều bác sĩ chữa bệnh tâm thần đến thế! Các bạn chữa bệnh bằng tâm lý chưa đủ, các bạn còn cầm lên cây bút nghệ thuật, những con dao mổ không kém phần hiệu quả!    
Các bạn thơ Việt của tôi đọc thơ, mỗi người đều chọn bài theo dụng ý của mình. Trong phạm vi một bài báo ngắn, tôi không thể kể hết ra, nhưng sự việc tôi đọc thơ không có sự chuẩn bị văn bản dịch, lại là bài đọc cuối cùng thay lời phát biểu, tôi thiết nghĩ cũng có điều nên thuật lại:      
Khi nhà thơ Bằng Việt đọc thơ và phát biểu ý kiến cuối với tư cách Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó chuyển sang trao tặng khách các tác phẩm thơ Hà Nội, mọi người biết đã đến lúc kết thúc cuộc giao lưu, rục rịch định ra về thì Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên lên tiếng: "Chúng tôi có truyền thống "kính lão đắc thọ". Để kết thúc cuộc giao lưu hôm nay, tôi xin mời một nhà thơ cao tuổi nhất ở đây phát biểu vài ý kiến. Đó là nhà thơ Vân Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội chúng tôi!".
Thú thực, tôi không phải người hoạt khẩu. Chiều đã muộn, đèn đường đã bật, mọi người nóng lòng muốn trở về với không khí Tết còn đầm ấm, nói gì bây giờ cũng dễ lặp lại, làm hỏng cuộc giao lưu thơ rất ý nghĩa này! Tôi chợt nhìn sang bên cạnh, có tờ An ninh thế giới Tết, đang mở ra ở trang có bài "Nhớ Hà Nội B52 tháng 12/1972 và tiếng hát Joan Baez…" của Nguyễn Thị Minh Thái mà tác giả bài báo để trước mặt chưa kịp cất vào cặp. Tôi đã đọc bài đó. Tác giả kể lại cái đêm được ông bố đưa đến phòng thu thanh Đài Tiếng nói Việt Nam gặp mặt nữ ca sĩ Mỹ đang cất lên tiếng hát bạn bè, chia lửa với Việt Nam đúng vào đêm bom Mỹ rải xuống, chộn rộn tiếng còi báo động, những lằn chớp tên lửa của ta đan khắp bầu trời, rồi tiếng bom B52 thật gần. Hẳn đó là trận mưa bom xuống Khâm Thiên…
Ồ! Thì ra tiếng nói nghệ thuật của một nghệ sĩ Mỹ đã cất lên từ ngày ấy, lại đúng lúc chiến sự căng thẳng nhất, giữa bao nhiêu dòng nhạc, trang thơ của các văn nghệ sĩ Việt Nam viết về cuộc chiến mà sau được mệnh danh lả trận Điện Biên Phủ trên không. Chúng ta Việt và Mỹ, đã có cuộc giao lưu nghệ thuật sớm như vậy! Tôi nhớ ra ngay: Ở thời điểm đó, tôi đã làm gì?                   
Và tôi đọc bài thơ "Qua quán bán hoa" viết trong thời điểm ấy ở Hải Phòng. Khi viết bài thơ này, tôi không bao giờ nghĩ có lúc nào đó, bài thơ sẽ được đọc cho những người lính phía bên kia, những người dù muốn hay không vẫn thuộc bộ máy khổng lồ gieo mưa bom B52 chết chóc xuống thành phố chúng tôi, đất nước chúng tôi. 
Bài thơ miêu tả kiểu ngắt ngọn một hiện thực kiên cường của những con người không chịu khoanh tay, hay than oán, căm hờn… mà chỉ mỉm cười khi đi qua quán hoa Hải Phòng: "Có vòng hoa nào cho ta không đó?".
Đó là một vệt các quán hoa nằm ngay khu trung tâm, bên cạnh quảng trường Nhà hát thành phố: bốn góc quán có mái cong như mái đao đình, tập trung màu sắc các loại hoa, cũng là nơi được xem như biểu tượng cho cả vui lẫn buồn, bởi không chỉ có những bó hoa, lẵng hoa mà còn cả những vòng hoa, cơ man nào là vòng hoa… cho những đám tang!
Qua quán bán hoa
Quán bán hoa hôm nay quá nhiều hoa!
Thành phố bộn rộn những hồi còi báo động
Người vào xưởng máy vai mang súng
Người đi phá bom kìm búa trong tay
Nhìn mái quán cong rêu phủ, mỉm cười:
"Có vòng hoa nào cho ta không đó?" 
Sống và chết? Chẳng phải bàn chi nữa!
Những mái nhà kiêu hãnh ngẩng cao…
Hải Phòng 1972
Vô hình trung, hai câu thơ cuối cùng của một bài thơ không có dự kiến đọc, đã kết thúc buổi giao lưu thơ Việt - Mỹ.
NHÀ THƠ VÂN LONG
(Bài đã đăng trên VNCA)

No comments:

Post a Comment