GIẢI TƯ
CUỘC THI “THƠ CA VÀ NGUỒN CỘI” LÀNG CHÙA LẦN THỨ 2
1. Trần Huy Minh Phương với “Ký ức cánh đồng” và “Hát bên dòng sông mẹ”
2.
Nguyễn Hoài Nhơn với “Làng núi” và “Phập
phồng bong bóng”
3. Hàn
Thủy Giang với “Đêm thu”, “Trở lại” và
“Một”
4. Nguyễn
Ngọc Tung với “Huyền thoại cái đấu của
mẹ” và “Nụ mồ hôi”
5. Đặng
Quang Vượng với “Cao nguyên đá khát”
và “Con gái Mông”
6. Nguyễn
Hồng Công với “Giếng làng”
7. Đặng
Cương Lăng với “Chị tôi”
8. Nguyễn
Lâm Cẩn với “Mắt xưa” và “Đêm
còn đang ở…”
9. Bàn
Hữu Tài với
“Những mùa đông xưa"
|
TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI:
1. TRẦN HUY MINH PHƯỢNG
KÝ ỨC CÁNH ĐỒNG
những cánh đồng trải dải xa tít
chị, em tôi bì bõm lùa vịt chiều
nắng cháy rụi
phía xa bờ rạ cũ
gọi mùa đi
chao chát nỗi buồn trôi
chân đất, đầu trần
hú gió đồng mải miết
chị và tôi
nghe tiếng thở của sao, trăng... đầm đẫm nước
khe khẽ cười
vịt đẻ dày - trong những đêm!
vẫn đầy gió
cánh đông tăm tắp nuốt chửng tuổi thơ mùi nắng rạ
vẫn mái lều tàn tạt gió bạt những chiều đông
vẫn cái sào làm cọc neo ghe bến sông bồi lở
nhớ váng phèn mỏng mảnh chênh chao...
cha ngồi đầu ghe
vấn thuốc gò vê khói hoàng hôn
tuổi bốn mươi - nâu thẫm một mái nhà!
chị trôi tuột một thời xuân nữ
thầm thĩ cùng tiếng vịt buổi chạy đồng
tôi kìm hãm nỗi khát khao: Mẹ!
trong giấc mơ - kẹt bồ lúa tuổi thơ!
vãi rơi sau mùa gặt
chị và tôi và... những cánh đồng
tiếng dầm lại khua
chiếc ghe bầu chông chênh
gọi những mùa…
Sóc Trăng, 17-1-2006
HÁT BÊN DÒNG SÔNG MẸ
Em cúi mặt khóc oà bên vũng kí ức
Chắp nhặt nỗi buồn thắp nến bình minh xanh
Cháy đỏ ngày khát khao chảy quanh thân nến
Ba mươi mốt năm - cuộc hành hương mới bắt đầu
Ta trẻ lắm, vắt áo xiêm gỡ tóc
Miên man qua con rạch, dòng kênh chi chít
Rướn chân lên
Hội ngộ chín nẻo nặng tình dòng sông mẹ
Ba mươi mốt tuổi hồn nhiên sau vấp ngã
Lấm láp đất quê, bùn sáp nặn ân tình
Em ngẩng mặt trông hàng dừa sai quả
Gió lừng khừng, cây trăm tuổi oằn thương
Chưa qua bão bùng sao hiểu hết quê hương!
Áo rịn mồ hôi thương mẹ ngày giáp hạt
Ú ớ giấc thơ
Con mơ một lần làm chú Cuội
Sao bây giờ lầm lụi mà thương lắm Cửu Long ơi!
Ngày xưa bên mẹ:
Bông súng mắm kho
Nước mắm dằm me đằm thương vương hương tóc
Vắt vẻo lưng trâu trẻ cười khoe răng sún
Ta ngược dòng cổ tích
Mái dầm khua câu vọng cổ
Người phương Nam khăn rằn, chân đất...
Đêm nay trên dòng sông Hậu
Ngẩn ngơ một dòng thơ
Ta lại thèm tiếng nước chảy
Gàu sòng ai múc mát miết ngày qua.
...
An Thạnh 2, 05-3-2009
2. NGUYỄN HOÀI NHƠN
LÀNG NÚI
Kính tặng làng Cao Mại thương yêu của tôi
Lên chót đỉnh Lâm Lang sợ gió cuốn xô
Ngôi làng nhỏ của tôi khuất mơ đầu nguồn thác
Những mắt núi thiền ngư như mắt Phật
Ngó xuống dương gian cúi tạ mạch đất cằn.
Một ngôi làng trầm tích gió và trăng
Ngỡ chiếc xuồng con neo trong sương bạc
Bóng mẹ như cây, bóng cha như núi khắc
Thành nét cổ làng xưa đã mấy trăm đời?
Giữa thung lũng buồn nghe gió hụt hơi
Thu chửa kịp đi, heo may luồn tê ngực
Em gái ơi, em gái miền sơn cước
Hai mươi năm gió mưa, em có nhận ra tôi?
Vẫn đôi mắt ấy ngày xưa nâu tròn như hạt dẻ
Có ai mang cầm theo suốt cuộc chiến tranh
Những người lính của làng ra đi không quay trở lại
Em hoá đá chờ ai khi tóc chẳng còn xanh.
Ngôi làng nhỏ của tôi ơi! Xin hãy cứ bình yên như chưa hề trận mạc
Mà sao mỗi nóc nhà nước mắt chảy vòng quanh
Như long mạch nối hồn quê, hồn nước
Em là của đất đai, của đau đớn sinh thành!
Mùa hương dẻ thơm vào đâu cho bớt nhớ
Tôi khắc khoải mang cùng ký ức tháng ngày xa
Sẽ có lúc quay trở đầu về núi
Với cái bóng đen gầy làng vẫn nhận ra ta.
PHẬP PHỒNG BONG BÓNG
Bong bóng không mưa chợt trưa bong bóng
Ảo ảnh mây đen, ảo ảnh cuộc đời
Tôi ngôn ngốt giữa phập phồng bong bóng
Bong bóng không mưa, hạt nước vỡ làm đôi.
Mẹ theo bão đi giữa chập chờn rốn lũ
Nước mắt mù u có chảy nổi ra ngoài
Chút thềm nắng tí teo nheo mắt đợi
Con tật nguyền từ lúc mới phôi thai.
Bong bóng không mưa đâu còn bong bóng
Kí ức cả thôi sao chẳng thấy hiện về
Con sống giữa thị thành cứ như thằng trẻ lạc
Thèm chút gì như thể nhà, quê…
Bong bóng không mưa, nhập nhoà bong bóng
Nào có còn đâu cổ tích nắng thềm xưa
Con thấy mẹ hiện về trong giấc mơ lạ
Bong bóng nguyên còn, ơi ong bóng mưa.
3. HÀN THUỶ GIANG
ĐÊM THU
Tiếng suối sâu rừng vắng
Chợt thức giấc. Trăng bàng bạc giữa trời
Người ra đi từ chiều
Hẳn đã tới đỉnh núi
Người ở lại trắng áo trăng ngàn
Ngả lưng nơi bậc đá
Đêm hiền từ. Người ấy thôi kinh kệ
Buông tràng hạt. Tay chạm vào đá sần sùi
Đá lạnh ướt đêm Thu để lại
Từng bậc nâng chân bước sớm mai
Đêm Thu ấy người trước lần bậc đá mãi vào trăng sáng
Người sau dừng lại nghe tiếng suối rừng
Đi đâu nữa
Vầng trăng đã vằng vặc vượt qua đỉnh núi
Dòng suối đã tràn trề mãi chảy dưới khe sâu
Quá khuya. Người ấy ngập ngừng nhìn thấy
Có phải ánh trăng đang rọi thẳng xuống mấy nóc nhà
Sườn núi bên kia
TRỞ LẠI
Rồi cũng qua tháng ngày lưu lạc
Bạn về cánh rừng thuở trước
Lối mòn quanh co không bóng người
Mặt hồ vỗ sóng. Thẳm sâu cô tịch
Vẫn đây những quả đồi khổ hạnh vô danh
Như một bài ca cổ cất lên trên đất xám buồn
Bạn sinh ra với lời nguyện trên đầu một vầng mây trắng
Mây ngày xưa đã bay không trở lại
Bạn mãi bước đi đơn độc nơi cõi đời
Bạn kết thân với rừng cây, dãy đồi, hồ nước
Chắp tay nguyện cầu cho những người bạn vô danh bình an
Rồi Thu đến với làn sương thấm qua manh áo mỏng
Bạn chợt day dứt trước số phận một ai
Ngày trở lại. Mây trắng long lanh đáy nước
Ở trong nhau mà vời vợi xa nhau
Tiếng thầm thì chợt lao xao từ con đường đất
Mùa này đám hoa dại đã nở trắng chân đồi
MỘT
Bạn đã nghe giữa cảnh núi đồi im lặng
Một giọng nói không thay đổi
Bạn ngắm lá khô nơi lối mòn ven rừng
Mà biết cả bầu trời trên cao…
Đấy. Tình thương đã tỏ bày trong tất cả
Ngọn đồi kia, dòng suối này cùng khung cảnh hoang sơ
Một nụ cười gần gũi, một cách chia
Cơn giận dữ cùng đôi lần yếu mềm day dứt
Những di tích hoang phế bên con đường rừng ngập lá uá
Bạn cũng tỏ bày tình thương ấy trong im lặng ra đi
Những bước chân nhỏ bé
Dáng người nhỏ bé giữa rừng
Giữa cảnh tĩnh mịch của núi đồi
Giọng nói ấy không hề thay đổi
Vẻ đẹp của chốn này là hàng cây cổ thụ
Và ngôi miếu vô danh, an tịnh trầm tư…
4. NGUYỄN NGỌC TUNG
HUYỀN THOẠI CÁI ĐẤU CỦA MẸ
Mẹ đi xa
Cái đấu cũ mòn
Có hạt thóc vàng ở lại
Như tuổi thơ con trong nôi mẹ hời ru.
Ngày xưa
Cha leo núi rẽ rừng tìm gỗ, đẽo vầng trăng
Mẹ chèo sóng vượt lũ vớt nứa, uốn vành khuyên
Cây sơn quê mình vắt từng giọt nhựa
Gắn vành khuyên với vầng trăng thành cái đấu
Cái đấu tình yêu của cha và của mẹ.
Những năm cha xông pha nơi chiến trường
Mẹ lam lũ cày cấy nuôi con
Cơn gió bấc làm bông lúa lép
Nắng đốt cháy trời khát mạ non
Trận bão lốc nát lúa ngậm đòng
Mùa thành trắng tay
Hạt cơm cõng củ sắn củ khoai
Cái đấu mẹ đong đói no, nghèo khó đầy vơi.
Đêm đêm mẹ thức
Cái đấu nghiêng về phương cha đánh giặc
Đổ đầy trăng sao thương nhớ lên trời
Con thương mẹ tóc thêm bạc.
Cái đấu cũ mòn
Cả đời mẹ đong
Chẳng hết mồ hôi
Chẳng vơi nước mắt
Con bưng lên nắng ấm đong đầy
Rưng rưng bóng mẹ…
NỤ MỒ HÔI
Tôi gặp em trên những tầng cao
Mồ hôi trộn sỏi cát
Mồ hôi toá ra những tia chớp thép.
Rừng thép vươn trong mây
Thép mọc từ mồ hôi gieo gió
Gặp tay bay múa đường bay lụa
Ròng ròng rơi.
Tôi gặp em cái nắng cháy trời
Hối hả đoàn xe chở đầy gió bụi
Cánh tay thép nâng mặt trời lên núi
Mồ hôi quánh hoàng hôn.
Tôi gặp nụ cười
Gieo từ nụ mồ hôi.
5. ĐẶNG QUANG VƯỢNG
CAO NGUYÊN ĐÁ KHÁT
I
Ngược miền cực Bắc
Đá núi san sát
Lô nhô cao ngất
Không có chỗ cho đất, cho cây
Khô hạn hai trăm hai chục ngày…
Đồng Văn - Cao nguyên đá…
Miền đất cổ sinh
Từ buổi Cambri đến Trias
Cái thuở biển lên đây để hát
Lũ san hô, sò, hến…đánh đàn
Bản hợp xướng đại dương
Dấu tích những trận chiến thần thuỷ, thần sơn…
Đất trời đành chia tách
Bức tranh thiên nhiên kiệt tác.
II
Từ cửa ngõ cổng trời Quản Bạ
Bước chân người mòn đá?
Tay xếp nương bậc thang?
Những ngôi nhà rào đá bao quanh?
Tồn tại và tái sinh…
Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh…
Những cây ngô vặn mình
Sinh trong đá
Những hạt ngô vắt kiệt sức thành giọt sữa
Nuôi người…
Mẹ oằn lưng cõng trời
Gùi đất, gùi con lên nương sớm tối…
Ngày ngóng mưa chiều
Đêm mong sương rơi
Khao khát
Bàn chân em máu toạc
Đạp lên đá sắc
Vượt mấy con đèo
Lội bao con suối
Tiếng khèn gọi
Chẳng con đường nào xa…
Thương nhau đá mềm dưới chân
Yêu nhau núi thấp hơn đầu gối.
III
Cao nguyên đá
Nước ít hơn mồ hôi
Không có chỗ cho con người khóc
Tình yêu lớn hơn sức vóc.
Chiếc giường hẹp, rộng hơn đợi chờ
Miếng mèn mén câu thơ nào sánh đủ
Bát rượu ngô không quên quá khứ
Đêm nằm hồn đá chiêm bao.
Các em nhỏ đến trường
Gót chân dài hơn con chữ
Những phép cộng, trừ, nhân, chia… chưa đủ
Khát vọng cao nguyên…
Cao nguyên đá Đồng Văn, 4-2011
CON GÁI MÔNG
Con gái Mông lấy chồng
Không thích giường rộng
Xoay bên nào cũng không sợ trống...
Con gái Mông
Chẳng sợ núi cao
Không dốc đèo nào
Cao hơn đầu gối.
Bàn chân biết trăm lối...
Chọn lối về nhà
Bàn tay biết nói
Trăm màu trên áo hoa…
Con gái Mông đi chân không
Để chồng cưỡi ngựa
Bát rượu thay lời hứa
Chỉ lá ngón mới chia lìa…
6. NGUYỄN HỒNG CÔNG
GIẾNG LÀNG
(Trích)
Kính tặng làng Cao Lãm - Quê hương tôi
Làng tôi vùng châu thổ sông Hồng
Ruộng hai vụ chiêm khê mùa úng
Đồng gặt ướt thân lúa quây dàn hàng như nơm úp
Hạt thóc mặn mồ hôi tinh đất tình người
Xanh tre bóng toả xuống đời
Giếng làng lấp lánh một trời sao đêm
Hạc đình nghiêng bóng hoàng hôn
Cánh cò xao động một miền dân ca…
Quê nghèo
nhà tre vách đất
mỗi mùa bão giông
gió vặn tàu cau vắt nước chum sành
Mưa xối thủng mái gianh
chậu thau đồng
đổ nước trời qua bậu cửa
ướt đêm nhà giột ngủ ngồi
thân gầy sưởi ấm áo đơn
Gió rít từng cơn
đòn tay tre bỗng thành cây sáo…
Nét quê
Triền dâu xanh sông Đáy
hoạ hình uốn lượn thân đê
Con đê mùa chiêm óng sợi rơm
tháng Mười thơm hương nếp mới
đệm cỏ mùa trăng
thanh bình tiếng sáo diều ngân
Đê nối làng, nối thành đôi lứa
đêm hội dài hơn…
Quê hương
hoàng hôn
những cánh chim cò lửa
cháy rập rờn trên thảm lúa xanh
rêu thời gian trĩu mái chùa cong
thinh không tiếng chuông ngân…
người xa quê canh cánh nỗi lòng
Cây đa - Sân đình - Giếng nước
Giếng là Gương trời - Mắt đất
Nguồn chảy của mạch làng bất tận
thẩm lọc tầng tầng văn hoá
tuổi giếng trăm năm…
Chốn quê
Nơi ta lớn chẳng bao giờ là đất tạm
mãi chữ tình buông neo
Biển còn phụ thuộc vơi đầy
Nước giếng làng không cạn
thương đất khô ruộng hạn
bà quảy gánh nuôi đồng
nồi đất nước trong theo dáng lưng còng
cổng làng lệch bước chân
sóng sánh vơi dần
sức mòn theo năm tháng…
Ngày em từ làng bên về quê chồng
buổi đầu gánh nước
mẹ dặn nàng dâu
bậc giếng làng rêu trơn
chiếc đòn gánh tre mòn vai bà, vai mẹ…
Nơi giếng làng
có phút giây con tim thao thức
câu thơ anh bật lên
xốn xang… một lúm đồng tiền
khuôn mặt in hình bóng nước…
Chị cầm bút
Con tim thắp lửa
ôm mảnh hồn
thả cánh Ti-gôn tím gạch giếng làng…
Mỗi lần về quê
thói quen đầu tiên vục tay trong nước
nguồn chắt lọc qua đất
từng vi ti huyết mạch… chảy râm ran
Giếng làng
chứng nhân lịch sử
buồn vui năm tháng quê hương
người đi xa có một miền để nhớ
…
Lớp chúng tôi qua thời chân đất
Tóc rễ tre
tan học quần nhau sân bóng làng Chùa
phơi trần lặn ngụp
Bên kia sông Đáy
bài học địa lý vòng cung đá vôi xanh
Thời gian nhuộm bông lau trắng
Mái đầu sợi tóc thưa hơn
Nước chảy xói mòn bờ đất
Xục bàn tay vào cát bồi lạnh mát
bãi ngô lên xanh, cánh đồng mía mật
cây gạo đường thôn thắp lửa đợi chờ
…
Ta về quê
Chọn ngày không thể chọn nắng mưa
nén tâm nhang kính dâng cha mẹ
Đồng gió lạnh hương thơm cháy dở
ngửa mặt mình là đáy hạt mưa rơi
Nhoà đất nâu như thấy bóng cha, dáng mẹ vai áo bạc màu
tưởng bàn tay dịu dàng lau đầu con khô tóc ướt
ta trôi dần vào cơn mê
nghe tiếng gọi vọng trên cánh đồng mùa màng, vọng về làng rồi tan trong
gió
bàn chân lại bì bõm lội bùn
sao mỗi bước cứ lùi
lùi dần
về tuổi thơ
thấy mình vùng vẫy trong mưa
đuổi bắt những bong bóng nước?
Con đường làng
Dấu gạch nối đời người và lịch sử
Chùa mái vút cong
đình hội tụ
nước giếng trong
Phận người làng ta
được - tắm - hai - lần
nguồn nước từ thăm thẳm tận cùng
ta đi nhặt những câu thơ bềnh bồng
thấy lấp lánh tuổi lớp ba, lớp bốn…
tiếng ai
thôn một giếng - tiếng một làng
lật giở mãi đất ơi!...
Cao Lãm, 8-2011
7. ĐẶNG CƯƠNG LĂNG
CHỊ TÔI
Thế là xong nợ với đời
Suối vàng anh nghỉ, hết rồi gian nan
Từ nay rũ sạch phong trần
Con sông trải kiếp trầm luân về nguồn.
Anh đi để lại nỗi buồn
Mái nhà xiêu lệch, cây vườn xác xơ
Thương sao ánh mắt trẻ thơ
Ngu ngơ chân đất bơ vơ với đời.
Anh đi bỏ lại đất trời
Căn nhà lạnh lẽo, thiếu người trông nom
Khói hương còn cháy đỏ thơm
Hay là mưa ướt, sớm hôm tắt rồi?
Chị tôi sét giật liên hồi
Tròn trăng mấy bận rụng rời ba tang
Cuộc đời đau đớn, dở dang
Trắng tang hai mẹ, lại mang tang chồng.
Người đi nhẹ bước thiên bồng
Để bao thương nhớ chất chồng lên ai
Chị tôi sóng gió hôm mai
Một mình gánh cả hai vai bão bùng.
8. NGUYỄN LÂM CẨN
ĐÊM CÒN ĐANG Ở…
Đêm còn đang ở trong nhà
Ta nhìn chẳng thấy
Ngỡ là mặt trăng
Ngỡ mặt trời
Ngỡ sao băng
Tưởng là ánh sáng vĩnh hằng… Biết đâu?
Đêm còn đang ở trong đầu
Nhìn đâu cũng chỉ cái màu nhá nhem
Cái nhá nhem ấy ai đem trả trời?
Đêm còn đang ở trong đời
Sống lâu trong phận quen hơi đói nghèo
Mưa sụt sịt, nắng leo heo
Giấc mơ hẫng hụt tong teo về trời
Cái ta quen
lạ với người
Cái ta yêu
hoá tiếng cười người ta!
Hà Nội, 4-2-2011
MẮT XƯA
Gửi B - học sinh của tôi
Mắt em xưa
Men say ủ mật
Thời gian thao thức
cái thời khát khao
lệch mười ngọn núi
và chín con suối theo em thì thào
và con sông Mã cắm trăm con sào…
Rồi sớm mưa rào
Rồi chiều nắng đổ
Rồi đêm cóng ngõ
Mắt bay khỏi hồn
Mở ra ngơ ngác hoàng hôn…
Lời lời nói đủ điều khôn
Lá rơi phận mỏng bồn chồn rừng hoang
Lắt lay trăng đổ lá vàng
Ai xui trót nhặt để ngang ngửa đời?
Thóp ngực tìm hơi
Lửa hư ảo lòng ai nhen nhóm
Quạ tha hồn mắt
bỏ hang Dạc Dìn*
Mắt xưa thao thiết ánh nhìn
Soi vào tận đáy cầu xin giọt vàng
Giọt thiêng thấm cõi mơ màng
Gọi tình về chốn mang mang xứ Mường.
Hà Nội, 22-2-2011
* Tên một hang núi ở Cẩm Lương.
9. BÀN HỮU TÀI
(Dân tộc Dao)
NHỮNG MÙA ĐÔNG XƯA
Rảo bước trên phố nhỏ
Chạm ngọn gió đầu mùa
Gió lạnh từ muôn thuở
Những mùa đông năm xưa
Áo mới mẹ chưa mua
Ngồi quanh bên bếp lửa
Đợi mẹ vá áo cũ
Cho cả đàn con thơ
Bữa ăn tối, chiều, trưa
Lại ngồi quanh bếp lửa
Chẳng may ai rơi đũa
Cháy cả đũa thành tro
Phên vách nhà hở khe
Đêm gió lùa lạnh quá
Than gần giường bà ngủ
Cháy cả góc chăn bà…
Nay rảo bước trên phố
Khẽ chạm gió đầu mùa
Tôi lắng nghe trong gió
Từ mùa đông năm xưa.
Thái Nguyên, 5-10-2010
No comments:
Post a Comment