Trang

Thursday, March 1, 2012

MỘT BẬC TRƯỞNG LÃO CỦA LÀNG VĂN HÓA VIỆT

Ông là GS - TS Đình Quang, đại danh nghe như sấm bên tai. Ông sinh năm Mậu Thìn, 1928. Năm Nhâm Thìn này là năm tuổi của ông. Ở tuổi 85, tuyệt vời thay, ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát; trí tuệ còn giữ nguyên sự uyên thâm, minh triết, sắc sảo và hóm hỉnh như ông vốn thế xưa nay.

Vị trưởng lão tôi muốn nói tới ở đây, với riêng tôi, là người chẳng xa lạ gì. Nhiều năm tôi là viên chức dưới quyền ông ở Bộ Văn hóa. Giờ nếu giở hồ sơ cán bộ của tôi ra, sẽ thấy vài chữ ký của ông trong các quyết định hành chính tạm gọi là đánh dấu mốc cho cuộc đời nhàn nhạt của mình. Chẳng hạn như được Bộ tiếp nhận lại sau khi trở về từ "thành trì của chủ nghĩa xã hội và cách mạng thế giới" hay thuyên chuyển công tác từ NXB Văn học sang NXB Ngoại văn...
Trong đời mỗi người, dường như tính cách và hoàn cảnh đã làm nên số phận không giống ai. Điều này không loại bỏ vai trò nhiều khi rất đáng nể của những gì là tình cờ, là ngẫu nhiên. Có thể rằng hôm nay chúng ta đã không có nhà hoạt động sân khấu hàng đầu - GS - TS Đình Quang, nếu cách đây gần 80 năm, cậu bé 6 tuổi lớp đồng ấu tên Quang không được thầy giáo chọn vào vai ... vợ Lý Toét của một vở kịch tự biên tự diễn trong buổi liên hoan văn nghệ cuối năm ở trường. Gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, linh lợi của cậu bé đã xui khiến người thầy giáo nọ giao cho cậu sắm vai phụ nữ, và cậu bé đã hoàn thành rất tốt vai diễn của mình, đem lại niềm thích thú bất ngờ cho các thầy cô, bạn bè và bố mẹ. Cậu bé bẽn lẽn đón nhận niềm vui lớn đầu đời và không ngờ rằng nó sẽ còn khiến cậu gắn bó một cách vô cùng tự nhiên với tất cả những gì là sân khấu - là tích trò lôi cuốn, là các vai diễn nửa hư nửa thực, là ánh đèn đầy mê hoặc và trên tất cả là không khí đợi chờ háo hức của đông đảo người xem trước giờ tấm phông màn được kéo lên...
Đến giờ, sau bao nhiêu năm, người nghệ sĩ già vẫn không thể nào quên những ngày đoàn ca Huế Kim Sanh đã dừng lại lưu diễn khá lâu tại thị xã Thanh Hóa. Chàng thiếu niên Đình Quang đã không bỏ một buổi diễn nào, gần như suốt ngày quanh quẩn bên các cô chú diễn viên xem họ tập, khiến bố mẹ cậu lo sốt vó, tưởng rằng đứa con trai mới lớn của mình đã bị các... đào Huế bắt mất hồn...
Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh trở thành hậu cứ an toàn. Đình Quang vừa vào độ tuổi đôi mươi. Và, như một lẽ tự nhiên, anh tham gia Đội kịch Trung đoàn 77. Năng khiếu bẩm sinh cùng niềm đam mê thời thơ trẻ cũng như các kiến thức tích lũy được và hoàn cảnh xã hội đưa đẩy đã giúp anh chẳng mấy chốc trở thành Trưởng Đoàn kịch chiến sĩ Quân đội Liên khu IV vào tăng viện cho Mặt trận Bình - Trị - Thiên với những tên tuổi như các nhạc sĩ Phạm Duy, kịch sĩ Bửu Tiến... Anh vừa là tác giả, vừa là đạo diễn, đôi khi còn là diễn viên của chính những vở kịch hướng về phục vụ kháng chiến của mình.
Hòa bình lập lại ít lâu, cùng với Trần Hoạt, Đình Quang được cử đi tu nghiệp tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh để trở thành các đạo diễn sân khấu đầu tiên ở nước ta được đào tạo bài bản. Sau vài năm công tác, ông còn có dịp bổ sung hiểu biết chuyên sâu của mình bằng việc làm quen, nghiên cứu thực tiễn và lý luận của nền sân khấu Đức và bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ về sự nghiệp lẫy lừng của kịch tác gia Bertold Brecht.
Trở về Việt Nam, ông vừa trực tiếp làm nghề vừa đảm nhiệm trọng trách đào tạo thế hệ trẻ với cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Sân Khấu & Điện ảnh Việt Nam. Thời kỳ này, Đình Quang để lại dấu ấn khó quên cho nền kịch nước nhà với việc dàn dựng - và quan trọng hơn, là cả trong vai người bảo vệ có lý có tình những vở diễn đầy gai góc (theo quan niệm chính thống còn có phần sơ lược, giản đơn thời đó) như "Bạch đàn liễu" của Xuân Trình, "Nhân danh công lý" của Võ Khắc Nghiêm và Doãn Hoàng Giang, "Tôi và chúng ta" của Lưu Quang Vũ… v.v... Sự kiện đêm diễn kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên (1984) tại Nhà Hát Lớn, khi hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh - trái ngược với ý đồ của một vài người, có đóng góp lớn của ông trong vai trò nhà chỉ đạo dũng cảm, khéo léo và cương quyết...
Năm 1984, khi được biết có quyết định điều động ông rời Trường lên Bộ làm Thứ trưởng phụ trách khối văn học nghệ thuật, ông đã không vội hoan hỷ đón tin mừng được thăng quan tiến chức như lẽ thường vốn thế. Điều khiến ông thực sự phân vân là vì vướng bận vào những công việc quản lý đầy tính sự vụ mà ông có thể phải xa rời sân khấu - lĩnh vực đã trở thành máu thịt của cả đời ông. Chỉ khi được cấp trên hứa rằng sẽ vẫn dành thì giờ cho ông tiếp tục làm nghề ông yêu thích thì ông mới vui vẻ lên Bộ nhận trọng trách mới. Trên cương vị này, ông tiếp tục có những cống hiến đáng kể vào sự nghiệp phát triển không chỉ sân khấu mà rộng ra là cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Chính ông là người khởi xướng sự tái sinh Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia mà hôm công bố Quyết định tái lập, biên chế dàn nhạc chỉ có... 5 người! Để hôm nay Dàn nhạc này trở thành niềm tự hào của nghệ thuật Việt Nam đương đại, từng được mời biểu diễn ở thính phòng nổi tiếng bên New York năm 2011. Có được điều ấy là nhờ một phần công lao khai phá của nhà quản lý - NSND Đình Quang.
Ngoài những công trình đồ sộ mang tính nghiên cứu cơ bản về sân khấu nói riêng và văn hóa nói chung - các công trình đã đem lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh từ năm 2007, tản văn có lẽ là nơi hiển lộ rõ nhất con người  ông - đầy ưu tư, nhân hậu và tinh tế. Với một trí não luôn háo hức làm việc, một đôi mắt tinh tường luôn quan sát, ông luôn khiến chúng ta thú vị với những liên tưởng bất ngờ. Một buổi xem xiếc cuối năm, chứng kiến các nghệ sĩ đứng trên mấy tầng ván đặt trên các con lăn chao qua chao lại mà vẫn giữ được thăng bằng, miệng vẫn cười tươi, ông bất giác nghĩ tới sự mất thăng bằng trong cuộc sống của mỗi con người rồi  rộng ra là của toàn xã hội: Phải chăng chúng ta đang "mất thăng bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa đầu óc thực dụng và lý tưởng, giữa ảnh hưởng ngoại lai và truyền thống dân tộc, giữa lợi ích cá nhân và quyền lợi tập thể, giữa nông thôn và thành thị...". Rồi ông chỉ ra cái kết cục khó tránh của sự mất thăng bằng nguy hại đó là đủ kiểu "tật bệnh xã hội, tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, sự thao túng của các nhóm lợi ích... phát triển tràn lan".
Từ một trò xiếc giữ thăng bằng "nhìn qua cứ tưởng chỉ là trò du hí", bậc thức giả khả kính của chúng ta chiêm nghiệm rằng "suy cho cùng, đó chính là bí quyết và thước đo của mọi sự nghiệp bền vững trong cuộc đời này" ("Đi xem xiếc tất niên", Báo Sức khỏe & Đời sống số Xuân Nhâm Thìn).
Internet hôm nay đã kết nối cả thế giới, trong đó có ông, một thành viên, một "công dân toàn cầu" dẫu tuổi đã cao, vẫn không thôi thao thức, lo toan cùng mọi người trước mọi hiểm họa "vật thể và phi vật thể" đang bủa vây tứ phía cuộc sống của chúng ta hôm nay. Những trang viết chậm rãi, thâm trầm, đầy ý vị vẫn đều đều theo nhau đến với người đọc dưới những ngón tay của ông trên bàn phím...
Cuộc sống của người già như ông ngày qua ngày hầu như quẩn quanh trong căn phòng nhỏ với computer và cái Galaxy tablet dễ gây ra cho ông cái cảm giác tù túng. Và phải chăng cảm giác ấy đã khiến ông đôi lúc muốn thoát ra ngoài phố, mong tìm sự thăng bằng trong những lần gặp gỡ mấy ông bạn già nơi quán ăn quen  thuộc, "cùng nhau nâng lên đặt xuống, tán gẫu chuyện đời... buồn vui lẫn lộn"?
Hơn hai mươi năm trước, khi đang còn làm Thứ trưởng phụ trách khối văn học nghệ thuật của  Bộ Văn hóa, trước Đại hội Đảng lần thứ VII (1991), nghe nói ông đã được chọn vào danh sách do Trung ương giới thiệu. Nhưng rồi vì lý do nào đó mà cuối cùng tên ông không được chốt lại trong danh sách đó mà chỉ có trong danh sách do các đại biểu Đại hội giới thiệu... Sau này, thi thoảng nhớ lại chuyện cũ, ông lại hào hứng bộc bạch: "Nghĩ cũng may mà hồi đó mọi việc diễn ra như thế. Giả thử mình được cơ cấu vào..."nhà đỏ" thì bây giờ chắc khó có dịp được vui vẻ thoải mái với các bạn như thế này...".
Thật sự là nếu ông đã ngồi chót vót trên cao thì cũng ít có thời gian và nhu cầu giao tiếp với các thường dân như chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi cũng đâu có dám làm mất thì giờ vàng ngọc của cấp trên bằng những cuộc mời mọc... Chuyện như thế với ai khác chắc sẽ là chuyện xui xẻo, tiếc hùi hụi, còn ông thì lại thật lòng biến cái rủi thành cái may, biết "vừa lòng với mình" và sẻ chia sự "bình tâm của cỏ" (chữ của Nguyễn Khoa Điềm)...
Thế mới hay, với GS - TS Đình Quang, bạn bè quý hơn công danh hoạn lộ...Với sự từng trải dư thừa của mình, ông thấu hiểu cái lẽ đời giản dị "Quan nhất thời, dân vạn đại".  
Và đông đảo công chúng cũng như bạn bè ông, từ già đến trẻ, chắc chả mấy khi nhớ tới ông như một nhà quản lý, một vị sếp nghiêm khắc mà thấu tình đạt lý. Trong tâm trí họ, ông trước hết và sau cùng, mãi mãi là một học giả uyên thâm, một nghệ sĩ tài ba.
7/2/2012

  Phan Hồng Giang

No comments:

Post a Comment