Trang

Thursday, March 8, 2012

NGUYỄN ĐẮC XUÂN: VỀ BÀ “VỢ NHỎ” CỦA BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI TRƯƠNG ĐỊNH


Một ngày cuối năm 2011, tôi đi cùng nhà văn Vũ Hạnh về điền dã ở thị xã Gò Công. Trước tiên, chúng tôi đến viếng Lăng Hoàng Gia (nhà thờ và lăng mộ Đại thần Phạm Đăng Hưng - Đức Quốc Công Từ, thân sinh của Hoàng Thái hậu Từ Dũ), tại Giồng Sơn Quy, xã Long Hưng, thị xã Gò Công.
Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Công Định (thường gọi là Trương Định)
ở đường Lý Thường Kiệt, thị xã Gò Công.

Ở đó, chúng tôi được gặp cô Phạm Đăng Hồng Ngự (đời thứ 9, người lớn nhất của họ Phạm Đăng ở Gò Công), ông Phạm Đăng Được (đời thứ 11, 75 tuổi, Chủ tịch Hội đồng trị sự họ Phạm Đăng). Sau đó, các vị họ Phạm đưa chúng tôi đến viếng Nhà thờ bà Trần Thị Sanh (em con cô ruột của Hoàng Thái hậu Từ Dũ) ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, gặp gia đình ông thủ từ Dương Hữu Trí, rồi được ông Trí đưa đi thăm lăng mộ bà Trần Thị Sanh và lăng mộ bà Phạm Thị Phụng - thân mẫu của bà, tại phường 5.
Khi trở về viếng đền thờ Trương Công Định (thường gọi Trương Định) ở đường Lý Thường Kiệt, và ở gần đó có nhà Đốc phủ Hải – ngôi nhà truyền thống hiếm có của giới "quý tộc" trước đây của Gò Công, thuộc phường 1, trung tâm thị xã. Qua tiếp xúc và thăm viếng, tôi thu thập được thêm nhiều tài liệu thông tin mới. Những nơi thăm viếng trên là những di tích lịch sử văn hóa chủ chốt hàng đầu ở Gò Công. Điều sáng lên trong tâm trí tôi là tất cả những di tích lịch sử văn hóa hàng đầu ấy đều liên quan đến một người phụ nữ, đó là bà Trần Thị Sanh.
Vậy thì Trần Thị Sanh là ai?
Câu hỏi này làm xốn xang kiến thức lịch sử triều Nguyễn trong tôi.

1. Là em con cô cậu ruột với Hoàng Thái hậu Từ Dũ - thân mẫu của vua Tự Đức

Theo bia mộ do "hiếu tử Dương Thị Hương" lập năm Giáp Tuất (1934), bà Trần Thị Sanh sinh ngày 7/1/1820 và mất ngày 21/12/1882, con gái thứ sáu của Bá hộ Trần Văn Đổ và Phạm Thị Phụng (1782-1875). Bà Phụng là em gái của Đại thần Phạm Đăng Hưng – thân sinh của bà Phạm Thị Hằng (Hoàng Thái hậu Từ Dũ). Tức bà Trần Thị Sanh là em con cô cậu ruột với Hoàng Thái hậu Từ Dũ - thân mẫu của vua Tự Đức.
Lúc nhỏ, mẹ mất sớm, cha ra Huế làm quan, Phạm Thị Hằng ở với cô Phạm Thị Phụng, được cô nuôi dạy nữ công nữ hạnh, cho đi học chữ Hán với dượng Trần Văn Đổ. Nhiều lần chị Phạm Thị Hằng ẵm bồng em Trần Thị Sanh nhỏ hơn mình mười tuổi. Năm 14 tuổi, Phạm Thị Hằng xa gia đình cô Phụng ở Gò Công để ra Huế và được tiến cung, sau trở thành Giai phi Từ Dũ của vua Thiệu Trị. Năm 19 tuổi, Trần Thị Sanh được cha mẹ cho thành hôn với Bá hộ Dương Tấn Bốn. Hai vợ chồng được hưởng của hồi môn của hai gia đình, lại thuộc gia đình “ngoại thích” của Hoàng gia, có thế lực, buôn bán lúa gạo, khai khẩn nhiều ruộng đất, giao thương với cả các nước trong vùng, nổi tiếng giàu nhất Gò Công. Hai ông bà sống hạnh phúc gần 20 năm, bà Sanh sinh 9 lần, có trai có gái nhưng chỉ nuôi được một người con gái là Dương Thị Hương sinh năm 1844 (sau gả cho Huỳnh Đình Ngươn (1842-1893), Ngươn được thăng chức huyện nên Dương Thị Hương được gọi là bà Huyện Ngươn). Năm 1860, ông Dương Tấn Bốn qua đời, bà Trần Thị Sanh – thân mẫu của bà Huyện Ngươn – trở thành góa phụ.

2. Là "vợ nhỏ" của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định

Bà Trần Thị Sanh làm "vợ nhỏ" (vợ hầu) của lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp Trương Định vào năm 1859 hay năm 1860, 1861, 1862 chưa ai khẳng định được, nhưng đây là một sự kiện lịch sử có thật, trong cuốn sử kháng Pháp của dân Gò Công. Trong tờ đơn viết tay gởi cho viên Chánh Tham biện Hạt Gò Công của Pháp xin làm lại ngôi mộ cho Trương Định vào tháng 3 năm 1874, bà Sanh khai "năm Kỷ Dậu" (tức 1859) bà đã "làm vợ nhỏ ổng (tức Trương Định) hai năm". Có lẽ bà lừa tụi Pháp chứ năm 1859 ông Dương Tấn Bốn còn tại thế làm sao bà có thể đi làm "vợ nhỏ" của Trương Định được?
Theo tôi, ý kiến của thầy giáo "chuyên gia về lịch sử Gò Công" Hoàng Ngọc Hùng, cho rằng cuộc hôn nhân đó diễn ra vào năm 1862 là có lý nhất. Năm 1862, triều đình ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862) với Pháp, thi hành Hiệp ước thì tất cả các lực lượng chống Pháp phải giải giới (Điều 11). Về mặt công khai Triều đình lệnh cho Trương Định phải rút ra Phú Yên (Đại Nam thực lục, bản dịch, 2006, tập 7, tr.783), nhưng vua Tự Đức vẫn ngầm giữ lại lực lượng để giữ đất, đợi thời cơ kháng chiến lấy lại nước (Sđd, tr.707). Biết đâu cuộc hôn nhân này lại do một "mật chỉ" của Hoàng Thái hậu Từ Dũ nên nó đã diễn ra đột ngột như vậy chăng? Bà Trần Thị Sanh – dì của vua Tự Đức – lấy Trương Định xem như Triều đình cử được người đại diện bí mật liên hệ mật thiết với Trương Định. Bà Sanh cung cấp tiền bạc, lúa gạo, chiêu mộ dân chúng theo Trương Định kháng chiến chống Pháp.
Về phía Trương Định, lấy được bà Sanh là có được nguồn hậu cần phong phú để yên tâm tiếp tục kháng chiến, uy thế của nghĩa quân cũng được nâng cao, thuận với lòng dân Nam Bộ khi nào cũng tưởng nhớ đến công ơn mở cõi của các chúa Nguyễn. Nếu lấy Trương Định vì tình, trong hai năm (từ 1862 đến 1864 - năm Trương Định tuẫn tiết), bà Sanh không được chăn gối với Trương Định nhiều ngày. Vì lẽ Trương Định hoạt động bí mật, lo chinh chiến nay đây mai đó làm sao đem theo được bà vợ con nhà danh giá như thế? Tình nhẹ như tơ ấy nếu có thì sau khi Trương Định mất, nó cũng sẽ nhạt nhòa ngay thôi. Nhưng không. Bà nhận làm "vợ nhỏ" của Trương Định chính vì việc nước. Triệt hạ được mật khu Đám Lá Tối Trời, bọn Pháp lấy được nhiều tài liệu có liên quan đến công cuộc kháng chiến của Trương Định.
Trong cuốn Địa chí tỉnh Gò Công (Monographie de la Province de Go Cong, 1936), người đứng đầu tỉnh Grimald viết: "Các giấy tờ có ghi chép nhiều điều lý thú, tên tuổi của những kẻ tòng phạm và nhất là sự giao thiệp mua bán lương thực của một nhà buôn ở Phan Rí tỉnh Bình ThuậnRõ ràng hơn cả là có sự tòng phạm của triều đình Huế". Triều đình Huế lúc đó là ai? Không ai khác hơn là tay chân của bà Trần Thị Sanh. Trương Định chết, giặc kéo xác ông về phơi giữa trung tâm huyện lỵ Tân Hòa (nay thuộc phường 1, thị xã Gò Công) để làm nản lòng những người còn tin tưởng vào nghĩa quân. Nhưng bà Sanh không nản, đêm đêm bà cho cháu lén ra thắp hương cho Tương Định rồi bà cùng với người em kế là Trần Văn Toàn tự Tú Hội (1824-1888) làm đơn vận động đưa xác Trương Định về táng ngay trên đất họ Trần nhà bà. Mộ của Trương công được làm bằng hồ ô dước và trên bia đá có khắc mấy chữ:
"Đại Nam – An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây, Trương Công Định chi mộ"
西
Theo thầy giáo Hoàng Ngọc Hùng, chuyên gia về lịch sử Gò Công, cho biết: Tấm bia tồn tại được vài năm, vì quân nghĩa dõng ở Gò Công vẫn tiếp tục gây rối, nên bọn Pháp cho là dư đảng của Trương Định vẫn còn và đến mộ tra xét dòng chữ trên bia. Bọn Pháp tức giận gọi bà Sanh đến trách rằng đất này thuộc Pháp, triều đình cớ gì phong tước cho Trương công. Chúng phạt bà Sanh 10.000 quan tiền vì tội khắc bia trái phép và cho đục bỏ hàng chữ Bình Tây Đại tướng quân.
Tưởng như thế đã xong, mười năm sau (1874), bà lại viết đơn gởi Chánh tham biện Hạt Gò Công xin tu sửa mộ cho chồng. Lá đơn lịch sử này còn lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP Hồ Chí Minh) được sao lại dưới đây:

Lá đơn được chấp thuận với những lý lẽ được nêu trong tờ trình của địa phương gởi lên cấp trên có nhiều chi tiết đáng lưu ý như sau (bản dịch của Bửu Ý):
Gò Công, ngày 2 tháng 8 năm 1874,
Kính gởi Giám đốc,
Quả phụ của Quản Định viết đơn và cầu xin được phép làm ngôi mộ cho chồng vốn đã chết, như mọi người đều biết, vào năm 1864, giữa khi cầm khí giới chống trả chúng ta.
Trước đây không thể cho phép như thế này vì sẽ gây ra rắc rối giữa các phe của quận huyện nhưng nay ai nấy đã quên hẳn Quản Định, chính thất của y không trở về lại đây, con cái chết hết.
Tôi trân trọng chuyển đến Giám đốc đơn xin của bà Trần Thị Sanh kèm theo ý kiến chấp thuận vì tôi không thấy trở ngại gì trong việc xây mộ cho Quản Định vốn xưa nay dũng cảm chống trả chúng ta và tôi thiết tưởng sẽ có hại hơn là có lợi nếu để cho dân chúng tưởng rằng chúng ta vẫn còn sợ hình ảnh và ảnh hưởng của người chỉ huy nổi tiếng ấy.
Kính chào Giám đốc. Thuộc hạ tận tụy của Ngài. Ký tên Esmile Pirech (Tham biện Gò Công). Kính gởi Giám đốc Sở Nội vụ(2) .
Bình luận: Tờ trình viết: "rắc rối giữa các phe của quận huyện" chứng tỏ lúc ấy những người yêu nước phải đương đầu với bọn Việt gian làm tay sai cho quân cướp nước khá gay gắt; giữ bí mật với kẻ thù ở xa tới dễ hơn đối với bọn phản bội ở ngay bên mình.
Tờ trình viết: "chính thất của y không trở về lại đây, con cái chết hết" chứng tỏ bọn thực dân ở Nam Kỳ không biết bà chính thất của Trương Định Lê Thị Thưởng lúc ấy đang được chính quyền Nam triều che chở, nuôi dưỡng ở quê chồng bà là xã Tư Cung, Bình Sơn, Quảng Ngãi (Sđd, tập 8, tr.46)(3).
Tờ trình viết: "Quản Định vốn xưa nay dũng cảm chống trả chúng ta và tôi thiết tưởng sẽ có hại hơn là có lợi nếu để cho dân chúng tưởng rằng chúng ta vẫn còn sợ hình ảnh và ảnh hưởng của người chỉ huy nổi tiếng ấy". Qua đoạn trích này cho thấy hình ảnh anh hùng của Trương Định như thế nào và bọn thực dân sợ Trương Định đến như thế nào.
Ngôi mộ Trương Định được xây mới bằng đá hoa cương, có 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá lại bị Pháp ra lệnh đục bỏ... Sau năm bà Sanh qua đời, ngôi mộ không người chăm sóc trở nên hoang phế. Tưởng nhớ công ơn bà ngoại, bà Huỳnh Thị Điệu (tức bà Phủ Hải, cháu ngoại bà Trần Thị Sanh) cho sửa chữa lại. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ngôi mộ lại được trùng tu, tấm bia được khắc lại có nội dung: "Đại Nam Thần Dõng, Đại tướng quân, Truy tặng Ngũ Quân, Ngũ Quận CôngTrương Công Định chi mộ"
Và kế bên phải là dòng chữ nhỏ "Tốt ư Giáp Tý, Thất nguyệt thập bát nhật" (tức chết ngày 20/8/1864), kế bên trái đề "Trần Thị Sanh lập thạch".
Bia cuối mộ cũng có mái che, trên bia khắc hai chữ "Trung Nghĩa". Trước mộ có đôi câu liễn:
"Sơn hà thu chính khí
Nhật nguyệt chiếu đan tâm"
Có nghĩa:
"Núi sông thu chính khí
Nhật nguyệt chói lòng son"
Từ năm 1972 đến năm 1973 xây thêm đền thờ. Lăng mộ và đền thờ Trương Công Định tại đường Lý Thường Kiệt (thị xã Gò Công) đã được Bộ Văn hóa-Thông tin nước CHXHCN Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia từ ngày 6/12/1989.
Việc xây cất, trùng tu, khắc bia biển mộ phần, vinh danh người anh hùng Trương Định lẽ ra là trách nhiệm của Triều đình Huế. Nhưng triều đình không thể làm việc đó trên đất Nam Kỳ thuộc địa của Pháp mà chỉ thực hiện được ở quê xã Tư Cung, Bình Sơn, Quảng Ngãi của ông mà thôi (Thực Lục, tập 8, tr.461). Vì thế bà Trần Thị Sanh và cháu của bà làm công việc đó có giá trị như thay mặt Triều đình Huế mà làm vậy.

3. Một trong những người quyền thế và giàu có nhất miền Tây Nam Kỳ

Sau ngày Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864), Trần Thị Sanh gả con gái là Dương Thị Hương cho Huỳnh Đình Ngươn. Theo nhà giáo người Gò Công Hoàng Ngọc Hùng, tuy làm việc cho Pháp, nhưng ông Ngươn là người có tâm hồn khoáng đạt, thích làm thơ để bộc lộ tâm tình yêu nước thương nòi của ông. Theo địa phương cho biết ông còn để lại một số bài thơ xướng họa với các bạn thơ như các ông Trương Duy Toàn (nhà báo, soạn giả, nhà cách mạng quê tại Vũng Liêm), Đặng Thúc Liên v.v… Bài thơ Ngựa sút chuồng bị bắt phạt cũng nói lên tâm trạng đó:
"Một mai chốn cũ dù day vó,
Đường cọp về non mặc dọc ngang..."

Bà Trần Thị Sanh có nhan sắc, người thân của Hoàng gia, quyền thế và giàu có nhất ở miền Tây Nam Kỳ. Một người như thế thường là họ phấn đấu để trở thành lãnh chúa một vùng. Nhưng bà Trần Thị Sanh lại có một đời sống ngược lại.
Việc bà nhận làm "vợ nhỏ" của Trương Định không những bà đối lập với thực dân Pháp mà còn phải đương đầu với bọn Việt gian như Huỳnh Công Tấn – người đã giết người chồng anh hùng của bà. Trong hoàn cảnh đó bà rất dễ bị tán gia bại sản như chơi. Biết thế mà bà vẫn làm. Bà làm "vợ nhỏ" của Trương Định không phải vì tình mà chính vì nhiệm vụ triều Nguyễn giao cho bà. Trước hết bà là chiếc cầu nối giữa nhà yêu nước Trương Định với triều Nguyễn, thể hiện những hoạt động ngầm chống Pháp của vua Tự Đức. Thứ đến, dù là cháu ngoại, bà cũng đã làm rạng danh thêm dòng họ Phạm Đăng ở Gò Công. Những gì bà để lại vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa. Bà xứng đáng được ghi tên vào danh sách Liệt nữ Việt Nam.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN

(1)
Chép lại nguyên văn:
"Tân Hòa huyện.
Hòa Lạc tổng. Thuận Ngãi thôn.
Trần Thị Sanh.
Cúi đầu lạy quan lớn cho phép tôi làm cái mả lại cho ông quản Định năm Kỷ Dậu. Tôi có làm vợ nhỏ ổng hai năm, bây giờ vợ lớn ổng trốn biệt, con chết hết, mấy năm nay tôi cũng sợ phép nhà nước không biết làm sao, bây giờ tôi liều mình tới nói với ông xin ông giúp cho tôi.
Trần Thị Sanh.
Điểm chỉ.Le 2 mars 1874".
(2)(3)
Cục Lưu trữ trung ương II (TP.HCM), Ký hiệu E.02-93 TĐBCCPNV.

1 comment:

  1. kính gửi ông Trần Đắc Xuân,
    Ông căn cứ vào đâu mà viết rằng: "Trương Định chết, giặc kéo xác ông về phơi giữa trung tâm huyện lỵ Tân Hòa (nay thuộc phường 1, thị xã Gò Công) để làm nản lòng những người còn tin tưởng vào nghĩa quân."? Có chuyện "GIẶC KÉO XÁC ÔNG" hay không?

    ReplyDelete