Ngày 17 tháng 12 năm 2011, tức trước Tết Nhâm Thìn một tháng, vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chào anh em văn nghệ sĩ Huế để vào Sài Gòn ăn Tết với con gái và hai cháu ngoại . Tôi đang nằm bệnh viện Trung ương Huế vì bệnh “thoát vị đĩa đệm” đau nhức nhối, vẫn đi xe thồ về để tiễn anh Tường và Mỹ Dạ, người bạn thân thiết của tôi từ hồi trường huyện. Ngồi trên xe taxi, nhà bút ký nổi tiếng Việt Nam bắt tay tôi thật chặt rồi rưng rưng bảo: “Vào ăn Tết Nhâm Thìn với con cháu xong là ra Huế liền. Mình mà xa Huế lâu không chịu được…”.
Nhưng cách đây mấy ngày, anh Nguyễn Đình Vụ, su gia với gia đình Tường-Dạ tìm đến nhà tôi, bảo rằng: “Anh Tường-chị Dạ sẽ ở lại định cư ở Sài Gòn để sống gần con cháu vì tuổi già, sống ở Huế không ai chăm sóc hàng ngày. Mà hai vợ chồng bây giờ đều là người đau yếu. Mỹ Dạ ốm đau nhiều bệnh lắm. Là su gia thân thiết nhiều, vợ chồng tôi cũng buồn lắm”.
Nghe anh Vụ nói, tôi bỗng bâng khuâng. Gia đình
tôi và gia đình Tường-Dạ quen thân nhau mấy chục năm nay ở Huế. Do anh
Tường đau nằm một chỗ nên Mùng Một Tết nào vợ chồng tôi cũng lên dốc Bến Ngự
thăm anh trước, để cho anh vui thêm chút đỉnh. Ở Huế, vài ba ngày tôi lại
ghé lên ngồi với anh Tường vài chục phút, nghe anh nói phều phào
“chuyện ngày xưa”. Hồi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn ở Huế, anh Tường chưa bị
bệnh, Tường-Tạo – và tôi là bộ ba văn nghệ ở quanh chợ Bến Ngự. Nên chúng tôi
gọi vui là “Chi hội Nhà văn Bến Ngự”. Ngày nào cũng gặp nhau ở lò Rượu Hiếu
cạnh nhà thờ Phủ Cam, hoặc ngồi quán cóc bên chợ nhâm nhi rượu với hột lang
rang… Nay, Hoàng Phủ – Mỹ Dạ ở hẳn Sài Gòn, xa ngái thế làm
răng gặp nhau được. Tôi nhắn tin ra cho Nguyễn Trong Tạo ở Hà Nội: “Hoàng Phủ
đã vào sống ở Sài Gòn !”. Tạo nhắn lại: “Buồn nhỉ ?”
Huế là nguồn cảm hứng vô tận của văn chương Hoàng Phủ
Ngọc Tường. Bút ký, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường không nêu cụ thể địa danh
Huế vẫn nồng đậm chất quyến rũ của Huế. Chỉ đọc qua tên các tác phẩm đẫ xuất
bản của Hoàng Phủ, cũng đã thấy “rất Huế” , “rất Mệ”: Ngôi sao trên
đỉnh Phu Văn Lâu (1971); Rất nhiều ánh lửa (1979, Giải thưởng Văn
học Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981); Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984);
Bản di chúc của cỏ lau (1984); Hoa trái quanh tôi (1995); Huế
– di tích và con người (1995); Ngọn núi ảo ảnh (2000); Trong mắt
tôi ( 2001); Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (bút
ký văn hóa, 2005); Lời tạ từ của một dòng sông ( 2011)
Cầm tập bút ký “Lời tạ từ gửi một dòng sông” của
Hoàng Phủ Ngọc Tường mà buồn. Bởi đây là lời chia tay, là tập sách cuối
cùng sau hơn 20 tập thơ và bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường gửi đến bạn đọc. Trong
20 tập sách ấy, có đến 16 cuốn anh viết và in sau khi bị trong bệnh ở Đà
Nẵng , nằm một chỗ từ tháng 6 năm1998 . Thế mới biết cái trữ lượng Huế trong anh. Bởi thế nên
anh đã gọi đời văn của mình là một dòng sông – Lời tạ từ gửi một dòng sông
. Trong lời đề từ cuốn sách, nhà văn viết: “Cuốn
sách nhỏ này có thể xem là lời tạ từ của tác giả gửi một dòng sông và dòng chảy
của nó xuyên qua mọi bờ bến. Quả là tập bút ký này có hay có dở nhưng cuối cùng
là tâm huyết của tôi gửi lại cho bạn đọc.” Cứ
như là anh đang tạ từ Sông Hương, dòng sông đã cho anh bút ký nổi tiếng Ai
đã đặt tên cho dòng sông . Dòng sông đã chảy suốt đời
văn và đời người của Hoàng Phủ . Anh chiêm nghiệm : “Như
một người đã chiêm nghiệm trong im lặng và trong sương khói chỉ để giữ lại
những nét đẹp sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một đời cầm
bút, tôi đã không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng
màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên tĩnh như một lẻ vĩnh hằng trong
cảnh vật cố đô.”
Bị trọng bệnh nằm một chỗ, những khi nhớ sông, Hoàng
Phủ bảo vợ và người phục vụ đẩy xe lăn ra bờ sông Hương ngồi quán ca phê Thiên
Đường bên cầu Trường Tiền để nhâm nhi cà phê và ngắm sông suốt cả
buổi . Bây giờ sống ở Sài Gòn chắc anh nhớ sông Hương, nhớ Huế lắm !
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường- Lâm Thị Mỹ Dạ có 2
người con gái: Cô chị là Hoàng Dạ Thư (lúc nhỏ gọi là Bê Líp), hiện công tác
tại Nhà xuất bản TRẺ, TP HCM, đã có hai cháu, một trai một gái. Gia đình
định cư ở TP Hô Chí Minh . Còn cô út là cháu Hoàng Dạ Thi ( Bê Lim, làm
thơ,viết văn) thì lấy chồng Việt Kiều, định cư tại Mỹ. Hai cháu thương nhớ ba
mẹ, muốn chăm sóc ba mẹ lắm, nhưng một năm vào kỳ phép hoặc nghỉ Tết mới được
ra Huế ở với ba mẹ một tuần. Nên hai cháu đã có kế hoạch đưa ba mẹ vào Sài Gòn,
bán nhà, đất ở Huế, lấy tiền mua một căn hộ chung cư cạnh nhà mình để hàng ngày
chăm sóc tuổi già cho ba mẹ. Ở Nam Bộ tuổi già không bao giờ bị các bệnh
liên quan đến sự thay đổi khí hậu như khớp, cảm cúm.v.v… Hơn nữa, ở Sài
Gòn, còn có gia đình anh Hoàng Phủ Ngọc Phan, em trai anh Tường. Rồi bao nhiêu
bạn văn thân thiết như Nguyễn Quang Lập, Hà Nhật, Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân,
Nguyễn Quang Sáng… Hơn nữa Hoàng Phủ đã có “Lời tạ từ…” với văn
chương , Nên cuối đời Hoàng Phủ- Mỹ Dạ vào Sài Gòn coi như để “đoàn tụ gia
đình” là rất hợp lý.
Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn buồn ngơ ngẩn, mỗi khi đi
trên đường Lê Lợi, nhin Sông Hương, tôi lại thốt lên: “Tường ơi… ĐÃ TẠ TỪ SÔNG
HƯƠNG thật ư?”
NGÔ MINH
No comments:
Post a Comment