Trang

Thursday, March 8, 2012

NHÀ VĂN LÊ HOÀI LƯƠNG: “MỘT BÀI VIẾT BỊA TẠC VÀ VU KHỐNG TRẮNG TRỢN VỀ NHÀ NGHIÊN CỨU VŨ NGỌC LIỄN”


Mới đây (19.02.2012), trên báo Tiền Phong có bài viết của tác giả Minh Tâm “Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất” viết về nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Đọc thấy sững sờ vì sự bịa tạc và vu khống trắng trợn của bài viết này.
Cũng tác giả này sau đó cho tải nguyên bài “bản gốc” trên trang mạng “Văn chương +” với cái tít “Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn bạo gan đạo văn của nhà thơ Xuân Diệu và Hoàng Trung Thông, ‘âm mưu giật giải thưởng nhà nước 2011’!?”. Bài trên báo Tiền Phong biên tập lại cho nhẹ nhàng hơn từ ngữ, chứ căn bản giữ đúng hai nội dung chính bài viết đề cập là: 1, ông Vũ Ngọc Liễn đạo văn những người nổi tiếng đã khuất, và 2, sản phẩm “đạo” này đang định “giật giải thưởng Nhà nước”. Xin nói lại hai điều bài báo này “kết tội”:

1. Về chuyện đạo văn người đã khuất:

Tác giả Minh Tâm kết tội Vũ Ngọc Liễn đạo văn bằng cuộc so sánh hai cuốn sách “Thơ và từ Đào Tấn” do nhóm tác giả biên soạn Vũ Ngọc Liễn (chủ biên), Xuân Diệu (giới thiệu), Hoàng Trung Thông (lời bạt), Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỷ (hiệu đính) (NXB Văn Học, 1987), và cuốn “Đào Tấn thơ và từ” Vũ Ngọc Liễn biên khảo (NXB Sân Khấu, 2003). Và tác giả viết rằng “tá hỏa” vì cuốn trước đã được “kính chuyển” sang cuốn sau, chỉ chút khác là cuốn 1987 in 24 bài Từ của Đào Tấn, cuốn 2003 in 60 bài. Thêm lời bạt của Thanh Thảo. Và nhất là nó được “kính chuyển” khi ông Vũ Ngọc Liễn là người còn sống duy nhất và “cướp công người đã khuất”!
Sự thật thế nào?
Đây là hai cuốn sách khác nhau. Cuốn 1987 ông Vũ chủ biên, cùng những người bạn tham gia, mỗi người một phần, người viết giới thiệu, người hiệu đính, lời bạt, người dịch…, công trình hối hả thực hiện cho kịp “Hội thảo khoa học về Đào Tấn lần III, 1988”. Đến cuốn in năm 2003, không phải in lại cuốn 1987 mà là sự bổ sung rất lớn từ tác phẩm trước của ông và các cộng sự: trong  lời bạt đầu sách có ghi rõ trong tổng số 204 bài của sách lần này, có đến 94 bài thơ và từ, trước nay chưa công bố. Và nhiều phụ lục, đáng kể là nguyên văn 201 bài thơ và từ bằng chữ Hán. Riêng quy mô về số trang: 286 và 650 đã là một khẳng định.
Chưa kể, với nhiều bài in lần trước vì điều kiện tư liệu lúc ấy chưa đầy đủ nên có những nhầm lẫn, lần này đã chỉnh sửa rất nhiều. Ví dụ các chú giải và dịch các bài “Trùng phỏng Long Cương”, “Đắc quy thư thử liêu đương biệt giản”, “Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật”, v.v… Rất nhiều những công sức và tâm huyết cho từng chữ danh nhân Đào Tấn mà nếu ai thử đối chiếu sẽ dễ dàng nhận thấy.
Thêm nữa, cuốn 2003 nằm trong công trình biên khảo của ông Vũ Ngọc Liễn về Đào Tấn (3 tập I, II, III, ngót 2.400 trang khổ lớn) và hoàn toàn không phải là cuốn 1987 in lại, nên ông ghi tên mình là chính. Các đóng góp khác (nếu sử dụng) đều ghi đủ tên từng người, từng bài: Xuân Diệu giới thiệu, Hoàng Trung Thông viết lời bạt, cụ thể từng người dịch… Nào có “đạo”, có “cướp công” ai?
Kể thêm, phần dịch thơ còn có cả Hà Giao, Huỳnh Chương Hưng, Mịch Quang, Giang Tân (tức Nguyễn Thanh Hiện)… Trong số này khi in trọn bộ Đào Tấn (2007), họ còn sống sờ sờ. Nhà văn Nguyễn Thanh Hiện giờ vẫn sống và viết ở Quy Nhơn, cách nhà ông Vũ Ngọc Liễn hơn hai cây số thôi mà, và hai ông gặp nhau hoài đó!

2. Về việc dự Giải thưởng Nhà nước 2011:

Tác giả Minh Tâm đã viết “không hiểu bằng cách nào(cuốn sách) đã lọt vào tới vòng chung khảo của Giải thưởng Nhà nước 2011”, thì hẳn biết nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn tham gia dự giải với hai công trình: bộ 3 Đào Tấn đồ sộ nói trên và cuốn“Góp nhặt dọc đường”, tập hợp những nghiên cứu sân khấu tâm huyết một đời ông. Đây là các công trình biên khảo, nghiên cứu đúng nghĩa chứ không phải lối xéch mé rằng “không có điều khoản nào dành cho người sưu tầm”.
Ông từng nhận được nhiều giải thưởng cho những đóng góp của mình với sân khấu hát bội, với nghiên cứu Đào Tấn. Đâu phải tự nhiên văn giới, báo giới viết nhiều về ông với tất cả sự trân quý, nể trọng trên Văn Nghệ, Sân Khấu, Tuổi Trẻ, trên các đài truyền hình nam, bắc…?
Đóng góp của ông Vũ Ngọc Liễn nếu được trao Giải thưởng Nhà nước thì đó là tưởng thưởng xứng đáng, sòng phẳng từ trí tuệ, công sức, tâm huyết của ông chứ không ai có thể bôi nhọ được!

3. Lu loa vu khống

Tác giả Minh Tâm nói đúng một điều rằng, khi liên lạc với nhà nghiên cứu, phê bình Ngô Thảo (làm giám đốc NXB Sân Khấu thời in cuốn sách 2003), ông Ngô Thảo bảo “đây là lần đầu tiên ông nghe nói Vũ Ngọc Liễn đạo văn”. Vì như đôi điều người viết bài này “nói lại”, hẳn bạn đọc sẽ thấy tác giả Minh Tâm chỉ lu loa vu khống.
Xin khép lại bài viết bằng nhận xét của nhà thơ Thanh Thảo in trong cuốn “Góp nhặt dọc đường”: “Gọi Vũ Ngọc Liễn là “Nhà Đào Tấn học” không chỉ vì Ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Đào Tấn, mà chính vì Ông đã chọn Đào Tấn và nghệ thuật Tuồng của Cụ Đào như một nghiệm sinh của mình. Vũ Ngọc Liễn đọc Đào Tấn, học Đào Tấn, nghiên cứu Đào Tấn và cuối cùng Ông chiêm nghiệm Đào Tấn, rồi có thể Ông thiền Đào Tấn, thường khi là với một nụ cười lặng lẽ. Nó mất của Ông cả đời. Và được cho Ông cũng cả đời người”.
Ông đã cười khi biết mình bị bôi nhọ. Và tôi viết bài này trả lời cho câu hỏi nhiều phẫn nộ, bức xúc của bạn bè khắp nơi khi thấy ông bị xúc phạm!
LÊ HOÀI LƯƠNG
 

No comments:

Post a Comment