Trang

Saturday, March 10, 2012

NHÀ VĂN PHẠM XUÂN NGUYÊN: “NĂM NAY THỜI GIAN TRAO GIẢI BỊ CHẬM LẠI LÀ DO KHUYẾT ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỘI”

9h00’ sáng 9/3/2012, tại Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên năm 2011. Điểm mới năm nay là: Đây là giải thưởng đầu tiên của nhiệm kỳ XI (2011 – 2015, hơn nữa năm nay không tổ chức tại 19 Hàng Buồm như thông lệ. Trong báo cáo tổng kết giải thưởng văn học chủ tịch Hội cũng đã thừa nhận: Năm nay thời gian trao giải bị chậm lại là do khuyết điểm của Chủ tịch Hội, nhưng giải năm 2012 sẽ được xét và trao đúng hạn. Văn chương + giới thiệu với bạn đọc toàn văn báo cáo.

NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA SÁNG TẠO VÀ NHÂN VĂN
(Báo cáo tổng kết giải thưởng văn học 2011)
Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên nhận khuyết điểm vì muộn trao giải

Giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) bắt đầu tạo được tiếng vang và uy tín trong văn giới và công chúng từ nhiệm kỳ X (2005-2010). Tiếng vang từ phẩm chất nghệ thuật của phần lớn tác phẩm được trao và từ chất lượng của cách trao giải.
Giải được xét cho các tác phẩm xuất bản từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau nhằm cập nhật được nhanh nhất các sách mới. Giải được trao chỉ căn cứ vào tác phẩm. Mỗi bộ môn (văn, thơ, dịch thuật, phê bình) chỉ chọn trao một cuốn, không chọn được thì bỏ trống, không trao gượng ép. Đối tượng được tham gia dự giải là sách của các nhà văn hội viên HNVHN, sách của các nhà văn ngoài Hội sống trên địa bàn Hà Nội, sách về Hà Nội của các nhà văn cả nước – cả ba đối tượng được xét bình đẳng với nhau, dựa vào chất lượng tác phẩm. Hội đồng chung khảo gồm toàn bộ Ban chấp hành Hội và chủ tịch bốn hội đồng chuyên ngành, các thành viên Hội đồng chung khảo không tham gia dự giải.
Giải thưởng văn học năm 2011 của HNVHN là giải đầu tiên của nhiệm kỳ XI (2011 – 2015). Theo thông lệ giải được xét và trao vào ngày giải phóng thủ đô 10/10. Năm nay thời gian trao giải bị chậm lại là do khuyết điểm của Chủ tịch Hội, nhưng giải năm 2012 sẽ được xét và trao đúng hạn. Quy chế giải thưởng văn học của HNVHN nhiệm kỳ XI vẫn kế thừa thành quả của nhiệm kỳ trước để bảo đảm giữ vững và phát huy uy tín của giải đã xác lập được những năm qua.
Cuộc họp của Hội đồng chung khảo giải thưởng văn học HNVHN năm 2011 đã diễn ra ngày 28/2/2012 tại trụ sở 19 Hàng Buồm. Tham gia cuộc họp có:
- Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng chung khảo
- Nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại, Phó chủ tịch Hội
- Nhà thơ Dương Kiều Minh, Phó chủ tịch Hội
- Nhà thơ Bằng Việt, Ủy viên BCH
- Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên BCH
- Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Ủy viên BCH
- Nhà văn Lê Minh Khuê, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi
- Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Hội đồng thơ
- Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình
- Dịch giả Đoàn Tử Huyến, Chủ tịch Hội đồng dịch thuật
Căn cứ vào sự xét chọn của các hội đồng chuyên môn và sự giới thiệu, đề nghị của các ủy viên BCH, Hội đồng chung khảo đã thảo luận và thông qua danh sách chung khảo các tác phẩm xét giải thưởng văn học HNVHN năm 2011 gồm có:
Văn xuôi:
- Những ngã tư và những cột đèn, tiểu thuyết của Trần Dần, nxb Hội Nhà văn.
- Đội gạo lên chùa, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, nxb Phụ Nữ.
- Kín, tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, nxb Văn Học.
Thơ:
- Những kỷ niệm tưởng tượng, tập thơ của Trương Đăng Dung, nxb Thế Giới.
- Phim đôi – Tình tự chậm, tập thơ của Vi Thùy Linh, nxb Thanh Niên.
- Lúc ấy& bằng ấy, tập thơ của Tấn Phong, nxb Văn Học.
Phê bình:
- Đánh đường tìm hoa, tập tiểu luận của Nguyễn Minh Thái, nxb Văn hóa – Văn nghệ TP HCM.
- Suy tưởng, giấc mơ, viết..., tập phê bình của Khánh Phương, nxb Hội Nhà văn.
Dịch thuật:
- Olga Berggolts của tôi, Thụy Anh biên khảo và dịch từ nguyên bản tiếng Nga, nxb Trẻ.
- Các người khắc biết tay tôi, tiểu thuyết của nhà văn Ba Lan Katrzyna Grochola, Lê Bá Thự dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan, nxb Hội Nhà văn.
Sau khi nghe các chủ tịch hội đồng chuyên môn phân tích, đánh giá từng tác phẩm được chọn, các ủy viên Hội đồng chung khảo đã trao đổi nhận xét về từng tác phẩm, sau đó tiến hành bỏ phiếu kín. Kết quả giải thưởng HNVHN năm 2011 đã thuộc về các tác phẩm:
- Những ngã tư và những cột đèn, tiểu thuyết của Trần Dần (9/10 phiếu)
- Những kỷ niệm tưởng tượng, tập thơ của Trương Đăng Dung (7/10)
- Olga Berggolts của tôi, Thụy Anh dịch (10/10).
Có thể nói, ba tác phẩm đạt giải thưởng văn học năm 2011 của HNVHN đều có điểm đặc biệt.
Tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn (NTCĐ) của Trần Dần (1926-1997) đặc biệt ở chỗ là nó được viết ra từ 45 năm trước. Đó là vào giữa những năm 1960, nhà văn Trần Dần khi đang trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của bản thân đã được một vài cán bộ công an hảo tâm tìm cách cho đi thâm nhập một số trại giam do Bộ Công an quản lý đang giam giữ những ngụy quân thời Pháp sau ngày tiếp quản thủ đô. Kiểu đi như thế gọi là “đi thực tế” để khi về viết văn trên những cứ liệu của thực tế chuyến đi đó. Nếu an phận, viết theo lối trả bài, nhà văn dễ phóng bút viết được nhanh, được trơn tru, nộp quyển, và quên đi nhanh chóng cái viết ra đó. Nhưng ông, người coi nhân cách nhà văn là văn cách, đã không làm thế. Trần Dần là nhà văn luôn táo bạo quyết liệt trong từng câu chữ hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, trong từng cái viết. Viết, với ông, bao giờ cũng là phải mới, phải khác, phải cách tân. Vì vậy, kết quả chuyến thực tế ấy, dưới tay ông đã thành tiểu thuyết NTCĐ. Năm 1988 bản thảo được trả lại tay nhà văn, ông có sửa chữa, nhưng phải đến 2011 cuốn sách mới được ra đời. Và lập tức nó được đón nhận bằng những lời đánh giá cao, được coi là một sự kiện văn học trong năm. Nội dung tiểu thuyết NTCĐ  không phải chỉ là nhật ký của anh ngụy binh Dưỡng vì nó không được trình bày trực tiếp mà thông qua sự đọc, sự bình luận, suy ngẫm của anh nhà văn. Anh nhà văn đọc nhật ký của Dưỡng để viết tác phẩm của mình và cũng như nhân vật của mình, anh bị mắc kẹt trong thời gian, lẫn lộn ngày tháng. Có thể nghĩ anh nhà văn đó là chính tác giả, và quá trình anh ta đọc nhật ký của Dưỡng và gặp gỡ các nhân chứng quanh Dưỡng để viết tác phẩm cũng chính là quá trình Trần Dần tìm cách giải bài toán văn chương của mình.
Như vậy, cuốn tiểu thuyết NTCĐ còn là tiểu thuyết nói về cách viết một tiểu thuyết. Ở đây không phải câu truyện kể làm nên nội dung, mà là cách kể câu truyện, hay hình thức - đó cũng chính là nội dung. Một điểm mới khác của NTCĐ là cách Trần Dần “chơi” ngôn ngữ và nhịp điệu. Ông đã cấp cho lời văn tiểu thuyết phẩm tính thơ theo kiểu Trần Dần, nhờ đó trong một dung lượng nhất định của sách, nghĩa của từ ngữ và ý nghĩa của nội dung được tăng lên, đưa lại cho người đọc “khoái cảm văn bản” (Le plaisir du texte – R. Barthes). Chính cái viết đó đã tạo nên sức ám ảnh của tâm trạng nhân vật, thể hiện được quá trình băn khoăn ở giữa “những ngã tư và những cột đèn” của con người bị lâm tình thế, mặc dù đoạn kết tác phẩm nhà văn đã viết khác đi. Một cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản, nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn thấy mới mẻ, đó là NTCĐ. Giải thưởng HNVHN 2011 trao cho NTCĐ là khẳng định một cá tính sáng tạo độc đáo, là đề cao một tác phẩm có lối viết khác lạ, là kêu gọi sự đổi mới nghệ thuật phải trở thành một bản năng thường trực trong mỗi người viết.
Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng  (NKNTT) của Trương Đăng Dung đặc biệt ở chỗ đây là tập thơ đầu tay của một nhà nghiên cứu lý luận thuộc dạng hàn lâm hiếm hoi trong ngành khoa học văn học ở nước ta. Trương Đăng Dung đã từng dịch Truyện Kiều ra tiếng Hungary khi còn là lưu học sinh và đã làm thơ từ lâu, ngay bài thơ lấy tên chung cho tập này là đã được viết ra từ gần ba mươi năm trước và in trên một tạp chí thơ ở Budapest. Thời gian qua, khi thơ anh xuất hiện nhiều hơn trên các báo chí, người đọc đã bắt đầu chú ý đến một giọng thơ mới và đẹp.
Cho đến khi tập NKNTT được xuất bản vào tháng 6/2011 thì lập tức  thơ Trương Đăng Dung gây ra được một hiệu ứng thơ mạnh với nhiều bài viết (18 bài trong khoảng nửa năm) của các nhà thơ, nhà phê bình đi sâu phân tích, khám phá trong cùng một giọng khẳng định và khen ngợi. Đó quả là một điều hiếm thấy trong đời sống thơ nước ta hiện nay. NKNTT là tiếng thơ trĩu nặng cảm xúc suy tư về tồn tại nhân thế trong dòng thời gian chảy trôi của kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Có thể coi “trôi” và “kiếp nhân sinh ngắn ngủi” là từ khóa của tập thơ này. Từ cái sống của mình và cái sống của nhân quần, nhà thơ nghiệm sinh về lẽ vô thường của cuộc đời, về những ảo ảnh đời người, về những đường chân trời chưa tới và những bức tường ngăn cách, chia rẽ, biệt lập trong cõi nhân gian, trong mỗi con người.
Thơ-thời-gian, Thơ-tư-tưởng, đó là những tên gọi đã được nêu lên để định danh thơ Trương Đăng Dung ở ngay tập đầu này. Đó là một thứ thơ mang nỗi buồn sâu lắng của sự trầm tư triết học về tồn tại và bản thể, về hiện thế và hư vô. Những câu thơ, những bài thơ giàu chất suy tưởng trong mạch cảm xúc tầng sâu được thể hiện bằng từ ngữ có khả năng gợi mở, phát lộ ý niệm và tư tưởng. Có thể nói, NKNTT đã trở thành “vật chứng trước thời gian” của Trương Đăng Dung, nghĩa là thơ đã hiện hữu hóa ý thức sống của nhà thơ, biến cái sống tự nhiên thành một cái sống được nhận thức, do đó đối với Trương Đăng Dung có thể nói như R. Descartes: Tôi làm thơ, vậy tôi tồn tại. Giải thưởng trao cho NKNTT là sự khẳng định một tập thơ hay, một giọng thơ mới lạ, một sáng tạo thơ đích thực và cũng khẳng định một hướng đi tốt đẹp của thơ.
Tuyển thơ dịch mang tên Olga Berggoltz của tôi (OBCT) đặc biệt ở chỗ đây là tập tuyển đầu tiên bằng tiếng Việt của nữ nhà thơ Nga-Xô Viết đã khá quen thuộc với độc giả yêu thơ Việt Nam lâu nay. Có lẽ, trong nền thơ xô viết trước đây, Olga Berggoltz không hẳn là gương mặt thơ nổi trội, nhưng khi đến Việt Nam bà đã trở thành một nhà thơ được truyền tụng và yêu mến. Vẻ đẹp tâm hồn, nỗi buồn cuộc sống, sự cô đơn thân phận của người phụ nữ Nga, của người đàn bà làm thơ, của một con người dám sống và biết sống cho mình và cho những điều mình quý trọng, đã làm nên một gương mặt của Olga Berggoltz trong lòng độc giả Việt Nam, dẫu thơ bà chưa được dịch nhiều, chưa được in ra thành tập. Giờ đây, thơ Olga Berggoltz đã lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Việt bằng một tập sách riêng với đầy đủ chân dung, tiểu sử, và thơ qua những chặng đường số phận của bà. Người đồng hành của Olga Berggoltz trên đất Việt là dịch giả Thụy Anh, người đã được thơ bà quyến rũ, dẫn dắt đến với cuộc đời bà để sẻ chia cuộc sống, đồng cảm tâm hồn, khát khao tình yêu.
Thụy Anh học ở Nga, nắm vững tiếng Nga, làm thơ và dịch thơ, nhưng trên hết và trước hết, chị đến với Olga Berggoltz bằng sự đồng điệu. OBCT, như vậy, là của Thụy Anh, khi chị đã dày công đọc các sách của Olga và về Olga để viết nên một bài tiểu luận đầy đủ, sâu sắc về nhà thơ “cây ngải đắng của nền thơ ca xô viết”, khi chị đã nhập thân hòa mình vào từng câu chữ tiếng Nga thơ Olga, lắng nghe và cảm nhận từng mạch đập tâm hồn của nhà thơ để đưa lại những bài dịch sát hợp và tinh tế. Những bài thơ như những trang đời lật ra cho người đọc thấy một nhà thơ chấp nhận số phận mình cùng số phận đất nước, nhân dân, kiêu hãnh trong cô đơn, không khuất phục khổ đau, giữ vững phẩm giá làm người. Dịch giả không chỉ cố gắng truyền đạt tinh thần của bài thơ, chị còn giúp người đọc biết hoàn cảnh bài thơ ra đời, để cùng chị thấu hiểu hơn tâm trạng cảm xúc của nhà thơ.
Trao giải với số phiếu tuyệt đối cho tuyển thơ OBCT ra đời vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nữ thi sĩ, HNVHN đánh giá cao công phu dịch thuật của dịch giả Thụy Anh và cũng ghi nhận sự trở lại của những giá trị văn học Nga-Xô Viết từ một lớp người dịch mới. Giải vừa được công bố đã ngay lập tức có tiếng vang đến nước Nga. Tiến sĩ ngôn ngữ học Kraevskaya Natalia Mikhailovna, phó giáo sư trường đại học Quốc tế Kherson (Ukraine), phó giáo sư khoa Văn hóa các nước phương Đông thuộc trường đại học tổng hợp nhân văn quốc gia Nga viết: “Việc cuốn sách của nữ nhà văn và dịch giả trẻ Thụy Anh “Olga Berggoltz của tôi” được Hội nhà văn Hà Nội quan tâm và đánh giá cao là một sự kiện đáng chú ý. Trong thời đại thực dụng của chúng ta, khi phần lớn giới trẻ thường chỉ nghĩ  đến cơm áo gạo tiền và những nhu cầu thiết thân, tìm chỗ học, kiếm việc làm lương khá, mơ hàng hiệu và xe xịn… thì trong các hiệu sách Việt Nam bỗng nhiên xuất hiện một cuốn sách thơ của nữ sĩ Nga (Xô Viết) Olga Bergggoltz, người mà ngay cả ở quê hương mình cũng chưa được đánh giá đúng mức.
Vào lúc thi ca nghiêm túc đang dần biến mất khỏi đời sống văn hóa tinh thần của giới trẻ thì tiến sĩ giáo dục học Thụy Anh, người tốt nghiệp trường đại học sư phạm Moskva, lại cho xuất bản tập thơ dịch các tác phẩm của nữ sĩ người Nga chủ yếu được sáng tác từ những năm giữa thế kỷ trước, kèm theo những tư liệu lưu trữ và những phân tích lý giải của mình. Và cuốn sách đã có được phản hồi tích cực từ phía độc giả. Đối với tôi, sự kiện ấy là bằng chứng cho cuộc sống văn hóa tinh thần ở tầng nấc cao của người Việt và là tia hy vọng rằng, đằng sau sự hào nhoáng của cuộc sống tiêu dùng thời nay vẫn có một tầng sâu văn hóa khác.”
Ba tác phẩm được giải, mỗi cuốn đặc biệt theo cách của mình, nhưng đều có chung những giá trị của sáng tạo và nhân văn. Sáng tạo trong nghệ thuật, nhân văn trong tư tưởng. Đọc chúng, ta được sống trong chiều sâu của những trạng thái nhân thế hiện ra ở những phận người. Đọc chúng, ta thấy văn chương vẫn luôn đồng hành cùng con người trong cõi nhân gian bé tí này một khi đó là văn chương đích thực. Giải thưởng văn học 2011 của HNVHN bỏ trống hạng mục lý luận phê bình. Hai tập sách vào chung khảo bộ môn này đã không có đủ số phiếu để đạt giải. Điều này cho thấy, lý luận phê bình luôn luôn là một lĩnh vực khó, đòi hỏi người làm nghề này không chỉ phải đọc rộng hiểu sâu, vừa cụ thể vào từng tác giả tác phẩm, vừa bao quát cả một thời kỳ, giai đoạn, mà còn phải nắm vững và thao tác tốt các lý thuyết văn học, để có được những bài viết chuyên sâu, học thuật. Đó là điều chúng ta có thể hy vọng và chờ đợi ở lực lượng phê bình lý luận văn học trẻ hiện nay.
Giải thưởng văn học 2011 của HNVHN đã chọn được những tác phẩm xứng đáng để trao. Công lao này trước hết thuộc về các tác giả đã lao động sáng tạo chữ nghĩa, văn chương, không phải cốt để được giải, mà cốt để làm cho con người và cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn. Chúng ta biết ơn họ.
Công lao này thuộc về nxb Hội Nhà Văn, nxb Trẻ, nxb Thế giới, Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam đã đưa ra thị trường ba tác phẩm văn học có giá trị cao. Chúng ta cám ơn họ. Công lao này cũng có phần đóng góp của các phương tiện thông tin đại chúng sớm giới thiệu các tác phẩm văn học đáng chú ý, và luôn theo sát, đồng hành cùng HNVHN trong việc trao giải thưởng hàng năm cũng như các hoạt động khác. Chúng ta cám ơn họ. Trên hết và trước hết, Hội Nhà văn Hà Nội xin chúc mừng gia đình nhà văn Trần Dần, nhà thơ Trương Đăng Dung, dịch giả Thụy Anh đã được nhận giải thưởng văn học 2011 của HNVHN bằng những tác phẩm xuất sắc. Chúc gia đình nhà văn Trần Dần sẽ tiếp tục cho công bố những tác phẩm còn trong di cảo của ông để chân dung sự nghiệp của nhà văn ngày càng đầy đủ, trọn vẹn. Chúc nhà thơ Trương Đăng Dung vững bước hai chân nghiên cứu – làm thơ và thơ ông ngày càng hay hơn. Chúc dịch giả Thụy Anh sẽ đi sâu vào công việc dịch thuật, có thêm những bản dịch hay các tác phẩm văn học Nga trước đây và hiện nay, cũng như tiếp sức nối liền nhịp cầu văn học Nga-Việt từng có truyền thống tốt đẹp.
Mong rằng giải thưởng này sẽ có sức lan tỏa và tác động tốt đến sự phát triển văn học ở thủ đô và trong cả nước. Từ đây chúng ta chờ đợi giải thưởng ở những năm tiếp theo sẽ tiếp tục có được những tác phẩm xứng đáng để trao.
Xin chúc mừng và cám ơn tất cả quý vị và các bạn!
Hà Nội 3.2012
PHẠM XUÂN NGUYÊN

No comments:

Post a Comment