Trang

Thursday, March 15, 2012

QUÁN 81 – NHỚ QUÁN CỦA NHỮNG NGƯỜI PHIÊU BẠT

Người ta cũng không biết vì sao, không chỗ nào khác mà cứ là 81, dân văn nghệ từ Nam chí Bắc mỗi lần phiêu dạt Sài Gòn thì câu cửa miệng đầu tiên là “Hẹn ở 81 nhé!” - Cứ thế không cần phải mất công bày vẽ giải thích lòng vòng, bằng bất cứ phương tiện gì cứ bảo “Đến quán 81” thì tự nhiên bạn sẽ được đưa đến tận nơi không sai đâu được.
Nguyễn Tấn Cứ, Lã Văn Cường, Nguyễn Lương Vị ở quán 81
Không biết từ bao giờ quán có tên là 81, chỉ biết đơn giản đó là một địa chỉ có số nhà là 81 đường Trần Quốc Thảo Q3, TPHCM. Đây nguyên là biệt thự của mẹ vợ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau 1975 là trụ sở Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật TPHCM là nơi dân văn nghệ sĩ khắp nơi đổ về.
Nơi đó lúc nào cũng ồn ào náo động bởi những tiếng ly tách chạm nhau chan chát, tiếng đọc thơ ca hát rầm trời. Có thằng cười khô khố có thằng khóc ư ử. Có gã ngồi tịnh không nói một lời như ông Phật. Có gã im lặng trầm ngâm như triết gia. Có gã thì “Vỗ gươm mà hát nghiêng bầu mà hỏi/ Thiên hạ mang mang ai người tri kỉ hãy cùng ta cạn một hồ trường!” nói xong một mình uống cạn. Nhưng vô phúc cho thằng nào lạng quạng tưởng dễ chơi bèn sà xuống “Xin chào đại ca cho đệ ngồi tá túc”, chưa kịp nâng li khi chưa được mời đã nghe phán một câu xanh rờn “Ông là ai?!?” nghe vô cùng khiếm nhã xa lạ kèm theo một cái hất mặt lên trời không bao giờ nhìn xuống “mục hạ vô nhân” như kẻ không mời kia chưa từng có mặt bao giờ...
Sáng 31-1-2012, tại số 81 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3 đã diễn ra lễ khởi công xây dựng trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM. Đây là một trong những công trình lớn và quan trọng nhất từ trước đến nay dành cho giới văn nghệ sĩ TPHCM. Công trình gồm 1 tầng hầm, 1 tòa nhà trưng bày, biểu diễn 3 tầng và 1 tòa nhà hành chính 7 tầng với tổng diện tích sử dụng hơn 8.500m², trong đó có hơn 3.400m² khuôn viên cây xanh.
X.X.L
Nhà thơ Phù Hư kể rằng sau 75 nơi ấy là một căng - tin của Hội Văn nghệ dành CBCNV của Hội nhưng cũng là nơi lui tới của những tay cùng trời cuối đất vì thời thế đổi thay họ không biết làm gì sau những cuộc mưu sinh không giống ai như đạp xích lô , buôn ve chai, mua răng vàng bạc vụn, bán sách cũ, và mua luôn những quả đạn chưa kịp nổ... sau khi đã mòn chân rũ gối vì cơm áo thì đích đến là 81 vì biết đi đâu bây giờ. Có tiền cũng tới không có tiền thì càng nên tới vì ở đó lúc nào cũng có chiến hữu văn chương trực chiến, hồi đó mỗi Hội viên có thẻ được mua ưu tiên 2 lít bia hơi, ngày nào cũng vậy tầm 10 giờ sáng đã có một xe bồn bia chạy tới bơm bia tại chỗ cho anh văn nghệ sĩ nhậu. Mười thằng gom lại cũng được 20 lít, vì không đủ đồ đựng nên anh em giao cho họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi kiếm một cái canh [thùng] 20 lít, khi nhận thì đúng không thiếu một giọt. Nhìn cảnh 5, 10 thằng ngồi quây quần quanh thùng bia y như đám Lương Sơn Bạc mới hiểu được vì sao 81 có được cái không khí giang hồ tứ chiếng ấy.
Tại đây, đám văn nghệ từ trước 75 hầu như lúc nào cũng thường trực ở quán như Phù Hư, Cung Tích Biền, Huy Tưởng, Nguyễn Trọng Khôi, Ngụy Ngữ, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Trung, Bé Ký, Khánh Trường, Hồ Thành Đức, Nguyễn Thanh Trịnh, Doãn Quốc Sỹ, Trịnh Cung, Phạm Cung, Từ Kế Tường. Văn nghệ cách mạng thì có Thu Bồn, Trần Mạnh Hảo, Vũ Hạnh, Nguyễn Quang Sáng… Nhạc sĩ thì có Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Phú Quang, Trần Tiến, Diệp Minh Tuyền... Nhà văn ở Hà Nội, Huế, miền Trung vào có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Bùi Minh Quốc, Ý Nhi, Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Văn Cao, Phan Vũ… Văn nghệ trưởng thành sau 75 thì có Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Vị Thượng, Trần Hữu Dũng... Nếu ghi hết ra đây thì phải mấy trăm trang, chỉ điểm sơ sơ vài khuôn mặt điển hình “mặt gay mày gắt” không bao giờ vắng thời ấy ở 81 cho đến tận bây giờ thì 81 đúng là một địa chỉ lạ nhất đất nước này vì nó có đủ mọi thành phần nỗi buồn niềm vui của cuộc chiến tranh Việt Nam. Vì chỉ nơi đây mới có những cuộc hội ngộ hợp lưu của hai dòng văn nghệ đã từng là đối kháng nhau. Có thể họ đã từng là kẻ thù về quan điểm hay cả trên trận mạc nữa nhưng ở đây trong quán 81, trên bàn bia hơi đơn sơ này họ là bạn nhau, chí ít cũng là bạn “nhậu” văn nghệ với nhau.
Ngoài các nhà văn nhà thơ nhạc sĩ họa sĩ, 81 cũng là nơi lui tới của các diễn viên điện ảnh ca sĩ nổi tiếng. Nếu bạn muốn gặp một ai đó thì đây là nơi dễ dàng nhất để tiếp cận mà không đòi hỏi điều kiện gì. Chỉ với một li bia thôi bạn có thể vòng vòng chào hết bàn nầy đến bàn khác để làm quen mà không ai giận hờn gì. Hình như “ở một nơi ai cũng quen nhau” nầy (tên một tác phẩm văn chương của Hoàng Ngọc Tuấn) thì hình như ai cũng một tâm sự nào đó, nên họ rất dễ thân và cũng dễ lãng quên thân phận nhau sau một vài chầu bia túy lúy. Và sau những trận ngoại giao “bia bọt” phù phiếm hoang vu kia thì thường là “ai về bàn nấy”, mỗi người đều ưu tư nói cười với cuộc đời của mình. Người ta có thể im lặng hoặc la hét, ngâm thơ hoặc tự họa chân dung mình trên bao thuốc lá. Phan Vũ - nhà thơ của “Em ơi Hà Nội phố” là một ví dụ. Khi đã sương sương, Phan Vũ thường hay im lặng đi lượm những vỏ thuốc lá anh em vứt đi dùng làm giấy ký họa chân dung anh em chơi. Ai mà Phan Vũ thích sẽ được nhà thơ vẽ đi vẽ lại và biếu tặng tại chỗ . . .
81 có một khuôn viên cực đẹp với những cây cổ thụ rợp bóng mát phủ trùm xuống mái tôn gỉ sét, y như một ngôi chùa cổ hơn là một quán nhậu, trước sân là một bãi đậu xe rộng rãi có thể chứa cả xe hơi, nên mỗi khi vào đây chỉ cần vứt xe đã có người trông coi, bước vào quán bạn có thể chọn cho mình một cái bàn - rất bình dân chỉ là bàn ghế nhựa sứt càng gãy cánh. Có nhiều người đã ra đi ngay từ đây, đi theo nhiều nghĩa có thể là một chuyến đi kinh tế mới, cuộc “vượt biên” được lên kế hoạch từ đây và cũng có thể là một cái chết “bất đắc kỳ tử” ngay trên bàn nhậu... 81 trở thành nơi hội tụ và cũng là nơi bỗng dưng “mất tích”. Khi một ngày kẻ mất tích đột nhiên trở về, hỏi hắn đi đâu mà lâu vậy, hắn trả lời tỉnh queo “Tao đi vượt biên qua Mỹ” dĩ nhiên hắn đã trở thành “Việt kiều” và điều đầu tiên hắn làm là “hôm nay tao chiêu đãi anh em không say không về”. Anh em chỉ biết uống và cũng không lạ gì khi một ngày nọ hắn lại biệt tăm cũng như lúc hắn trở về...
Rồi quán mỗi ngày thêm một khuôn mặt mới, không biết có phải văn nghệ văn gừng gì không nhưng có một điều lạ, một khi ai vào đây dù là ai cũng đều tự nhiên là “thi sĩ”. Ai cũng có thể uống bia và ngâm thơ làm thơ tối ngày, cho đến một ngày tự nhiên mang đến một chồng thơ được in thành sách hẳn hoi, tất nhiên một cuộc kí tặng kèm theo bia mỏi tay cho bất cứ ai có mặt trong quán. Vậy là thêm một thi sĩ trời ơi nữa lại xuất hiện ung dung ngay 81, không cần biết xã hội có công nhận hay không, chỉ cần 81 “bảo chứng” là đủ. Bởi vậy ở 81 mới có những nhân vật chuyên môn “phát bằng khen và đóng dấu” là đã thành danh ở 81. Dĩ nhiên mấy ông nội làm công việc nầy sẽ được nhậu mệt xỉu khi đã “bảo kê” bằng mồm và thậm chí bằng một bài viết dấm dớ “vô thưởng vô phạt” trên một tờ báo lăng nhăng nào đó cho một bạn nhậu nào đó thành thi sĩ. Báo hại mấy ông này từ ngày thành nhà thơ thì không lo làm ăn gì hết. Có ông đang là tổng giám đốc, có bà đang là giám đốc - gia đình con cái trở thành ác mộng khi nhà mình bỗng dưng có một nhà thơ từ trên trời rơi xuống. Có bà vợ thấy chồng tự dưng mất tích bèn đổ đi tìm, thất điên không thấy đâu, có người mách nước chạy thẳng tới 81 thì thấy ông chồng đang ngồi ngất ngưởng ngâm thơ trước mặt là vài li bia vàng óng. Ngay cả khi vợ tới trước mặt hắn vẫn cứ tưởng một em nào đó mê thơ bèn móc ngay ra một tập thơ kí tặng ngay cho nàng thơ. Vợ chỉ biết vừa cười vừa mếu. Không biết sao vắng mặt được dăm bữa nửa tháng tưởng hắn đã tàn giấc mộng thi nhân thì một ngày nọ bỗng dưng hắn xuất hiện cùng với thơ nhiều hơn và. . . dĩ nhiên là điên nặng hơn nữa!
81 có một sinh hoạt rất kỳ lạ là chỉ đông vào ban ngày từ 9 giờ sáng cho đến 7 giờ đêm là tan hàng. Lạ hơn nữa là thứ bảy, chủ nhật vắng hoe, thì ra mấy ổng nhậu nhưng cũng có ngày nghỉ để còn lo nghĩa vụ cho vợ con nữa, nghĩa là quán ăn nhậu theo giờ “hành chánh” khi người ta bắt đầu vào giờ làm việc thì quán cũng bắt đầu hoạt động. Đến trưa là giờ cao điểm, những lúc ấy kiếm được cái bàn để ngồi thật cam go. Các em phục vụ gần như chạy bở hơi tai, còn vặc lại: “Chưa tới phiên ngồi chờ đó, muốn uống thì tự vào mà bưng ra. Đây không rảnh, xí!”. Ngay cả lúc có người đẹp xi nê hay hoa hậu hay ông hoàng bà chúa gì gì mà ngồi đó cũng thua luôn. Vậy là muốn có bia uống mồi nhậu thì phải vào tận trong quầy tự mang ra. Cũng lạ không ai buồn bực gì cả, 81 là như vậy, dân văn nghệ mà! Họ vốn có lòng thương nhân loại vô bờ bến, đã không trách thì thôi nhưng khi đứng dậy vẫn móc tiền boa cho các em đàng hoàng, với nụ cười cầu tài với lời nhắc ngầm: “Lần sau anh tới, nhớ phục vụ anh cho tử tế nhé”, đáp lại chỉ là sự im lặng đáng sợ “hãy đợi đấy!” Nhiều tay tưởng mình tiền rừng bạc biển, khi vào quán 81 nghĩ ở đây chắc cũng giống quán khác, bèn thét lác khinh khỉnh, thì được đáp nhận lại ngay tức thì sự lãng quên không có phục vụ, không mồi không bia, không ai thèm nhòm ngó dù chỉ bằng nửa con mắt, có vỗ bàn có kêu gào cho mấy cũng chỉ vào “hư không”, chỉ đến khi nào cái hành vi “kẻ cả” ấy biến mất thì may ra...
Quán 81 thời ấy là dịch vụ của Văn phòng Công đoàn Hội Văn nghệ, nên cách thức kinh doanh cũng sặc mùi bao cấp. Nghĩa là ăn uống cũng “xin cho” đàng hoàng: muốn uống bia của Hội thì phải có thẻ, có thẻ thì quán mới cấp vé cho mua bia. Mà muốn uống được nhiều thì phải mua “kèm mồi”, hai bình bia 4 lít phải mua kèm một đĩa mồi, muốn cho nhanh và chất lượng thì phải nịnh chị Lan, một người đàn bà phốp pháp lúc nào cũng có nụ cười tình tứ thường trực trên môi. Chị Lan ngồi sau quầy tính tiền kiêm luôn việc đòi nợ mấy ông thần bia văn nghệ. Vì mấy tên nầy hay uống quá chén, xỉn quá quên luôn là mình không có tiền, khi sực tỉnh thì… Những lúc này chị Lan phải níu áo đòi tiền, không trả không cho về, nhưng tiền đâu mà trả? Nhiều tay còn lì ra đòi uống nữa, vậy là phải thả ra cho về với điều kiện mai phải trả, không trả thì đừng có mơ mà tới quán nữa nhe! Chỉ vậy thôi khách thong dong ra về và đúng ngày hôm sau đã thấy xuất hiện, tất nhiên nợ nần phải trả trước khi bia và mồi được chị Lan cho mang ra. Nhưng cũng có nhiều tay nợ đầm đìa trốn biệt cả tháng làm chị Lan cũng trông đứng trông ngồi. Nhưng rồi cuối cùng cũng phải xuất hiện vì nhớ quá chịu không nổi cũng phải lò mò tới dù… trong túi không có đồng nào. Bị chị Lan đòi nợ rát quá, kẻ tội đồ bèn mở chiêu năn nỉ thương thân trách phận, xin “khoanh nợ”. Lúc này, chị Lan cũng phải chịu chết, không lẽ kêu công an bắt nhốt? Nhưng hắn sẽ không được nợ nữa, mặc kệ, hắn đã có cách: chỉ việc kiếm bàn nào thân quen đến sà xuống giả lả ngồi trơ khấc ra để uống chùa. Anh em thì cám cảnh cho thằng bạn nghèo, đành cưu mang hắn cho qua ngày đoạn tháng . . .
Đã mấy chục năm trôi qua với nhiều biến thiên dâu bể, 81 vẫn không thay đổi gì ngoài việc thay đổi con người. Khách cũng thay đổi theo thời gian, chị Lan cũng về hưu thay vào đó là một chủ quán khác vào thầu. Vài cái ghế gãy bàn hư được thay vào cũng không mới gì hơn. Nhiều tay nhậu lâu đến nỗi cái quán cũng như xập xệ vì sự lưu niên của mấy gã. Cứ sáng bảnh mắt ra đã thấy hắn ngồi quán cà phê đối diện cũng nằm trong khuôn viên 81, và đúng 10 giờ là hắn phóng qua chiếm một bàn và chỉ với một chai bia thôi hắn ngồi cho đến chiều tà. Nhưng, đừng tưởng là hắn chỉ uống 1 chai, chai đó là “mồi” câu, trong cả ngày hôm đó thế nào cũng có gã điên điên nào đó xin tá túc cho đỡ sầu vì ngồi một mình buồn quá. Dĩ nhiên muốn thì phải “Cho tôi mời ông một chai nhé”, đương nhiên là được ngay, nhưng ngồi cả ngày một chai làm sao đủ khi đã có bạn hiền? Vậy là thêm vài ba ve nữa, rồi thêm vài người bạn nữa… vậy là thành bàn nhậu tưng bừng. Hết ngày hắn lời to…
Dân tây balô nghe danh quán này cũng kéo đến nhậu vài ve đã muốn xỉu khi nhìn thấy các bậc vĩ nhân của nước Việt nhậu đến kinh thiên động địa. Không biết tiền ở đâu mà mấy ổng uống suốt từ sáng tinh mơ cho đến chiều tà? Họ không biết ở đây, cái chuyện share, chia tiền ai kêu nấy trả có vẻ không “ra dáng con người lắm”. Các bậc thánh nhân văn nghệ ở đây thường được các “mạnh thường quân” bao. Họ là một vài ông nhà giàu muốn thành thi sĩ hoặc quá yêu thi sĩ, uống quá vui nên cái chuyên bỏ ra một vài chầu bia rượu là không thành vấn đề. Mà cũng đúng thôi vì được uống được là bạn bè với các văn nhân thi sĩ nhạc sĩ trứ danh thì còn gì bằng. Mà đâu phải dễ chơi, nhiều tay cũng có tiền mà muốn mời các nhà thơ uống được đâu phải là chuyện dzỡn, nhiều người đã ngậm đáng nuốt cay khi đem bia rượu ra mời mà không ai thèm đụng tới vì một lẽ “mời phải đúng cách mời, lễ phép chưa đủ mà còn phải đồng điệu tâm hồn nữa cơ!”. Vậy đó.
Những nhân vật ở 81 thường khi là những... quái vật mà chỉ ở 81 mới có, tóc tai dài thậm thượt, mắt sáng trưng khi thấy bia rượu, tướng tá thằng nào ông nấy dường mới như đống rác chui lên hay từ trên trời rơi xuống. Vậy mà không hiểu vì sao chung quanh hắn lúc nào cũng có một vài em đẹp ngất trời, bàn bia của mấy gã đó lúc nào cũng có một vài bóng hồng tô điểm cho những cuộc vui và cũng từ những cơn cuộc này mà cũng đã có một vài cuộc tỉ thí võ công lãng xẹt mà cũng chỉ ở 81 mới có được. Người ta gọi đây là “đặc sản” của quán 81 vì mấy quán khác mà có chuyện này thì chỉ có nước đóng cửa sập tiệm cho xong.
Mất đi một chốn kỷ niệm
Ngôi biệt thự 81 Trần Quốc Thảo, TPHCM, sau 75 thuộc về Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM. Trong khuôn viên này ngoài các Hội Âm nhạc TPHCM, Văn phòng đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam, báo Văn nghệ TPHCM… còn có một quán nhậu mang tên 81, quán cà phê, chơi bi-da.
Biệt thự 81 Trần Quốc Thảo nguyên là của mẹ vợ Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Nhiều người đồn đại, trong khuôn viên 81 đã được vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu mời thầy phong thủy về trấn yểm rất kỹ. Nhiều người lại nói, biệt thự 81 nguyên là của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời - một nhà tài phiệt miền Nam trước 1975 - bị Nguyễn Văn Thiệu “tịch thu”.
Nay thì toàn bộ khuôn viên nơi có quán 81 đều đã được “dọn dẹp” bằng phẳng. Nơi đây, dự kiến sẽ mọc lên một tòa nhà cao tầng, dành cho rất nhiều Hội thuộc lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Đập cũ xây mới cũng là chuyện bình thường trong nhân gian, nhưng với những người từng có kỷ niệm một thời với nơi này, âu cũng là một mất mát với một nơi chốn đầy kỷ niệm.
Hiền Anh

Nguyễn Tấn Cứ

No comments:

Post a Comment