Trang

Friday, March 9, 2012

TẢN MẠN VỀ VĂN HỌC MẠNG

 
Đây vốn là những đoạn tôi trao đổi ý kiến nhiều kì trên một blog bạn về đề tài "giao tiếp mạng và văn chương mạng". Khi đó, tôi cũng nói rằng mình không chuyên về văn chương mạng. Nay vì thấy đề tài này cũng còn nhiều người quan tâm nên gom góp lại, chỉnh sửa câu cú đôi chút. Vì không chuyên, nên tạm gọi là "tản mạn vậy". (Hoàng Phong Tuấn)
1. Có nhiều ý kiến khác nhau về văn chương (trên) mạng. Có ý kiến bàn về nó trong quan hệ với cách mạng khoa học công nghệ, có ý kiến bàn về nó trong bối cảnh tinh thần hậu hiện đại, có ý kiến đặt nó trong bối cảnh toàn cầu hóa... Dưới đây, chúng tôi theo quan niệm nhìn nhận nó ở góc độ giao tiếp nghệ thuật.
Văn học là một hình thái giao tiếp bằng ngôn từ nghệ thuật. Theo quan điểm của Jacobson, sáng tác văn học không chỉ phụ thuộc vào quan niệm thẩm mĩ, sáng tạo cá nhân... mà còn phụ thuộc vào hình thức giao tiếp, mã giao tiếp, kênh giao tiếp. Văn học mạng, do đó, gắn liền với kênh giao tiếp là thế giới mạng. Đó cũng chính là đặc thù của nó. Vì thế, xem xét nó, phải đặt trong quan hệ giao tiếp của thế giới mạng.
2. Có thể tạm chia văn học theo hình thái giao tiếp (theo Kagan), ta đã có văn học dân gian (hình thái giao tiếp trực tiếp của văn bản nói), văn học văn tự (hình thái giao tiếp gián tiếp của văn bản viết, chữ viết là đại diện). Mỗi hình thái giao tiếp như vậy tạo nên những đặc điểm riêng trong sáng tác và thưởng thức, tạo nên những hệ chuẩn thẩm mĩ riêng. Xét ở góc độ như vậy thì văn học (trên mạng) có những đặc điểm khác, vì giao tiếp mạng có những đặc điểm khác.
Đã có nhiều nghiên cứu về giao tiếp mạng (đáng chú ý là Umberto Eco). Giao tiếp mạng là hình thái giao tiếp nửa trực tiếp: có mặt đối mặt, nhưng không cùng không gian (webcam), có cùng thời gian nhưng thời gian cá nhân (chat), có âm thanh nhưng không có hình thể trực tiếp (webcam), xuyên thời gian, xuyên không gian nhưng mang tính chủ thể, tính liên văn bản, tương tác rất cao, độ tin cậy không thể kiểm sóat bằng thao tác thông thường, các dạng thức văn bản phong phú (text). Vì vậy, tính mở, tính cá nhân, tính xuyên văn hóa rất cao. Nhưng giao tiếp mạng có luật của nó, đại loại đó là luật "thỏa thuận", nghĩa là tôi và anh thỏa thuận, nhưng quyền duy trì, chuẩn đạo đức là mang tính cá nhân, tôi thỏa thuận với anh, tôi thỏa thuận với chính tôi, tôi thuộc về anh, tôi cũng thuộc về tôi. Hình thái thỏa thuận khác với trước. Tuân theo luật "thỏa thuận" kiểu này, văn học mạng vì thế có sáng tác và thưởng thức khác. Tôi sáng tác là tôi nói với chính tôi, anh có quyền đọc/ không đọc, nhưng không có quyền cấm; ví dụ như blog, vì anh đọc blog tôi là anh "đọc trộm". Không ai cấm viết cái gì trong nhật kí bao giờ. Nhưng ngược lại, "thỏa thuận" mang tính cộng đồng rất cao, nghĩa là tôi có thỏa thuận với anh thì không ai có thể ngăn cản tôi (trên lí thuyết), và sự tồn tại của tôi chỉ có trong sự thỏa thuận với người khác. Nhưng tính cá nhân cũng rất cao. Tôi đọc hay không là quyền của tôi, tôi phê bình nó trên blog của tôi là quyền của tôi, không ai cấm tôi có những liên tưởng ngộ nghĩnh, đặc biệt.
Căn bản của luật "thỏa thuận" là anh phải tôn trọng người khác ở tầm mức tính tự trọng của họ. Ở trong phạm vi này, chuẩn của nó (tạm gọi) là "liên kết" (link) và "hồi âm" (comment). Tôi sẽ không liên kết hoặc hồi âm với anh nếu không chia sẻ, đối thoại. Đó có nghĩa là tôi không giao tiếp với anh, dựa trên tự do của anh và tự do của tôi. Mặt khác, không gian mạng liên kết với con người sống trong thế giới thực. Cái ảo đặt cơ sở trên cái thực, nên anh không được trực tiếp có hành vi trái luật với con người thực.
3. Không thể nói một cách chung chung là "văn chương mạng", mà phải tiến tới phân loại hình thái cho nó. Cũng đúng là không phải cứ bót bài lên (xuất bản tức thì, theo kiểu "vè", "mõ rao" ngày xưa) là hình thái văn học mạng. Đây mới chỉ là dạng sơ khởi của nó. Hiện nay nó phát triển nhiều bình diện, đặc biệt là bình diện đồng sáng tác, đồng chỉnh sửa, liên văn bản...
      Tiến đến một định nghĩa về văn học mạng: “LITwebERATURE may be defined as literature which is developed and formed in webs as it is found on the World Wide Web; with multiple links, levels and dimensions and without centre, beginning or end.” (Terrell Neuage, http://neuage.org/masters1.html).
Dịch tạm: Văn học mạng có thể được xác định như là loại văn học được hình thành và phát triển trên những trang web, hay là được tìm thấy trên thế giới mạng; với những kết nối, những mức độ và chiều kích đa dạng mà không có trung tâm, không có khởi đầu và kết thúc.
Định nghĩa này chỉ là một định nghĩa, và nó thuộc khuynh hướng cấp tiến. Người định nghĩa chọn tiêu chuẩn cho đối tượng định nghĩa là những tác phẩm văn học mạng thuộc loại mới nhất, nghĩa là được sáng tác theo kiểu đồng sáng tạo, liên văn bản. Hiểu theo nghĩa như vậy thì có mấy hệ quả sau:
1/ Blog là một loại văn học mạng. nếu blog này viết tâm sự cá nhân và được người khác đồng cảm, chia sẻ comment. Đây là hiểu khái niệm văn học theo nghĩa rộng, theo nghĩa phương Tây (lire).
2/ Một loại văn chương nghệ thuật, sau khi viết ra được tương tác và chia sẻ, phê bình và cảm luận. Đây là hiểu văn học theo nghĩa bộ phận của văn hóa, cách hiểu khá thịnh hành lúc này.
3/ Loại văn chương nghệ thuật đặc thù, được viết theo kiểu đồng sáng tạo một tác phẩm không có kết thúc, như kiểu thơ Renga của Nhật. Hiểu theo nghĩa này là phân biệt văn học mạng với tất cả những loại văn học xuất hiện trước đây. Nên nó là hình thái trung gian giữa văn học dân gian và văn học viết.
Thực ra thì tất cả các cách hiểu trên đều có thể tranh luận cả, vấn đề là nhìn nó ở góc độ nào mà thôi.
Một vấn đề nữa là hệ chuẩn thẩm mĩ, hay nói cách khác là "cái hay" của văn học mạng. Nói về cái "hay" của văn học mạng cực kì khó. Các nước khác họ đã nghiên cứu từ lâu, tập trung nhiều nhà khoa học chuyên ngành, nhiều lĩnh vực liên ngành, nhiều góc độ, nhiều thế giới quan... Nhưng họ vẫn chưa thống nhất được.  
4. Vậy, điều băn khoăn là: Việt Nam có văn học mạng hay chưa? Cảm quan của văn học mạng là cảm quan mà người ta nói là "hậu hiện đại". Gần đây (không nhớ rõ), có một buổi tọa đàm của các nhà phê bình về vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại, họ đặt vấn đề là có hay không chủ nghĩa hậu hiện đại tại Việt Nam? Nhiều nhà phê bình cho rằng đã có, họ lấy nhiều bằng chứng trong các tác phẩm thời gần đây. Duy chỉ có một ông là Dương Ngọc Dũng ở KH XH NV cho rằng nước mình chưa từng có tinh thần hiện đại, không thể nói đến hậu hiện đại. Nói như thế không phải không có cơ sở.
Umberto Eco nói rằng nó sẽ là hình thái giao tiếp tương lai... Và theo chiều hướng đó, nó có một hệ chuẩn mĩ học riêng của nó... Nghệ thuật của văn chương mạng là nghệ thuật mang tính hậu hiện đại, không có ranh giới giữa nhã-tục, cao quý-thấp hèn, chính thống-phi chính thống,... Nó là một không gian tưởng tượng của sự tự do.
HOÀNG PHONG TUẤN

No comments:

Post a Comment