Trang

Tuesday, March 6, 2012

TRỊNH SƠN: “THOẠT NHÌN TRẦN QUANG QUÝ, HẲN NHIỀU NGƯỜI NGHĨ ÔNG GIỐNG MỘT GÃ TIỀU PHU HƠN MỘT CHÀNG NGHỆ SĨ”


NGƯỜI BIÊN TẬP GIẤC MƠ


Thoạt nhìn TRẦN QUANG QUÝ, hẳn nhiều người nghĩ ông giống một gã tiều phu hơn một chàng nghệ sĩ. Khuôn mặt chắc nịch nét Bắc – thể hiện khá hoàn chỉnh bức chân dung của Thạch Sanh trong cuộc đại chiến Chằn tinh cứu Mỹ nhân. Giọng ông trầm ngang, thích hợp với khuông nhạc ra trận hơn là ngồi hát khúc đợi chờ dưới gốc đa nào đó. Ngay lần đầu gặp ông trong GIẤC MƠ HÌNH CHIẾC THỚT, tôi đã nghĩ ngay đến những nhát chữ sắc ngọt trên bình diện con người lọt thỏm trong bình địa tổ quốc & cội nguồn: chiến tranh, hòa bình, phân ly, kết tụ, dân dã, thị thành, màu cờ sắc áo và nước da chẳng thể nào chối cãi…
Nhà thơ Trần Quang Quý
Đập vào thính giác tôi, từng quai rìu ngọt/nhạt, vui/buồn, sướng/khổ đã bắt đầu lên men, dậy giống chuẩn bị cho một công cuộc khó thở: Triết lý của một Không-tượng. Bạn chớ nghĩ ngợi nhiều về khái niệm mới mẻ có vẻ nghịch lý này, tôi chỉ muốn gợi một chút suy tư ánh lên sau rất nhiều hào quang đom đóm (hay bản chất một nòi thiêu thân) mà một nhà văn nhận được trong suốt cuộc đời anh ta. Cả cuộc đời của thể xác với đầy đủ mắt tai mũi họng xyz lẫn cuộc đời lẳng lặng tâm hồn chảy trôi trên dòng tâm thức thời đại dung chứa hai khối cầu não nguy nga riêng mình. Một bức tượng – dù là trừu tượng nhất, vẫn có thể nhắc nhớ tâm trí bạn trở về một khoảnh khắc ký ức hoặc một đoạn ngày tháng đã qua đời. Lác đác trên những vân gỗ tự nhiên, gã thợ mộc nhấn chìm bản thể chợt sâu chợt cạn, đôi lúc hời hợt vài khi cố ý, vụn sáng tạo không nằm trong mớ dăm bào hình cánh sóng vừa thoát khỏi thân cây – tâm hồn chúng ta đang tìm kiếm chính mình trong dáng vóc bức tượng vừa xong đục đẽo cắt gọt.
Cái hay của TRẦN QUANG QUÝ ở chỗ ông không cho bạn cái khuôn thẩm mỹ có sẵn để đong định ánh xạ tâm hồn bạn qua tác phẩm của ông – đọc kỹ GIẤC MƠ HÌNH CHIẾC THỚT, ta thấy hình hài của chủ thể sáng tạo như một cơ thể không xương sống trong nhiều phim khoa học viễn tưởng: một khối chất dẻo có khả năng uốn éo, tự biến đổi mình tùy ý. Chiếc thớt đủ chỗ cho nhiều sự gắt gỏng, phản kháng, oán thán của những giấc mơ trước bổn phận trơ trọi không sinh thể nào chối từ được. Khi người ta e dè, sợ hãi dưới lưỡi dao tâm trạng, luôn phải sống trong cảm giác áy náy, lo âu đến nỗi dè xẻn cả những mơ ước bình thường nhất thì va chạm của gã tiều phu với đại ngàn trước mặt y luôn bảo toàn lực hấp dẫn giằng xé sự mất-còn: Không thể bớt một đêm đông lạnh giá, chẳng thể thêm một ban mai ấm áp, mọi nỗ lực bóc tách theo kiểu loài bò sát thay da đều bất lực.
TRẦN QUANG QUÝ chưa bao giờ mang đến cho tôi sự háo hức muốn đi sâu vào Không-tượng của ông trong suốt quá trình những con chữ chạy nhảy qua tròng mắt, có chăng, là chút vấn vương bám riết hai bàn tay lật sách – tôi ngẫu nhiên tự tùng xẻo bức tượng đã có rồi lại chắp nối, đan ghép chúng lại cho ra hình ra dáng. Thì ra, chút vấn vương tưởng như chẳng hề hấn gì ấy khiến tâm hồn tôi bật dậy như mầm non sau tháng ngày ủ dột chờ thối rửa. Trong Cánh bướm và đóa hướng dương, Vương Trí Nhàn viết: “Chắc chẳng phải là quá, khi người ta vẫn bảo rằng đôi khi phải dùng đến công phu dời non lấp biển thì mới đủ sức biến mấy câu pha trò tầm thường thành một tác phẩm thơ ca thực thụ”, tôi lại cho rằng thứ công phu dời non lấp bể ấy nếu có là để làm công việc ngược lại, biến thơ ca thực thụ trở thành những câu pha trò tầm thường. Bởi, sự quan ngại của người ta trước một cuốn sách là gì?
Dù muốn hay không, đọc là một hành động có phần độc ác: thả gàu của mình vào giếng tâm trí tác giả và múc lên từng chút một – nước trong mát thì chẳng sao nhưng lỡ giếng cạn hay nước phèn đục thì chính người đọc đang tự độc ác với chính mình. Còn, sự quan ngại của người ta trước một trò đùa hoặc một nụ cười là chi? TRẦN QUANG QUÝ trả lời câu hỏi này bằng thi thoảng một cái nhếch mép của chữ: “bóng tối tự do đi rỗng dưới trời”. Thạch Sanh trên sàn diễn của những khi còn Lý Thông và một khi without-Lý-Thông, cần thêm một bộ ria Từ Hải chăng? Cái nhếch mép này có khi chẳng thua cái sự run của Nguyễn Quang Lập: “Hồi đại hội Hội nhà văn IV, mình còn hung hăng lắm. Mặc bộ đồ bò đầu gấu lên diễn đàn nói văng mạng, được vỗ tay càng nói hăng. Nói xong về chỗ thì run, không biết mình có nói hớ chỗ nào không” (Bạn Văn). Lý thuyết của sự nông nổi luôn dài hơn một cuốn sách viết về nó. GIẤC MƠ HÌNH CHIẾC THỚT mô tả khá kỹ lưỡng chân dung một người đi trên xác chữ – từ A tới Z, từ khởi nguyện Nam mô đến khấn tận Amen, từ một hạt mầm cho đến bàn tay đốn củi. Đường vòng! Xuôi ngược ngược xuôi, TRẦN QUANG QUÝ lắm lúc rối bời chẳng biết đâu là thượng nguồn đâu là hạ lưu của một dòng chảy. Than ôi! Cuộc đời chúng ta lại có biết bao dòng chảy! Luôn sẵn sàng bơi bất kể nước lên nước xuống nước ròng nước lớn không phải là tư thế dễ chịu với nhiều người.
Ở lời tựa GIẤC MƠ HÌNH CHIẾC THỚT, Nguyễn Trọng Tạo kéo quá sâu cánh cung đã bị giới hạn bởi muôn chiều bão tố: “Đấy là giấc mơ của “những trái tim yếm thế” trong cuộc đời đầy rẫy bi ca. Màu sắc triết luận đã khiến cho thơ Trần Quang Quý trở nên lung linh hướng về hiện đại. Từ cái lưỡi ngôn từ, cái tai trung thực, anh nhận ra bản chất của sự thật ngay cả trong những lời giả dối, lừa gạt. Từ một “cái tên (Olof Palme) làm tấm lát trên đường”, anh nhận ra sự thật của sự vinh quang nâng bước. Những bài thơ vụt đứng lên trên chân chữ ấy, khiến ta thấy một Trần Quang Quý vững chắc bước đi giữa làng thơ sau cơn say chợt tỉnh”. Sau rất lâu gặp chiếc thớt văn chương, tôi mới thực sự gặp TRẦN QUANG QUÝ khi ông đóng vai một anh biên tập thuộc nhà xuất bản Hội nhà văn.
- Ông có biên tập được những giấc mơ của mình không?
- Có. Ồ, có không nhỉ? Tôi cũng chẳng biết nên biên tập một giấc mơ như thế nào nữa. Cứ thế mà làm. Có khi, anh chàng Don Quixote sướng gấp ngàn lẻ một lần một người làm biên tập văn học ở ViệtNam. Cối xay gió xem ra dễ chịu hơn tâm tính mấy ông văn thi sĩ nước mình. Ấy là chưa kể đến lực lượng hùng hậu sau lưng mỗi cây bút.
- Trong 2 khâu quyết liệt nhất của người biên tập – thay đổi hoặc cắt bỏ – ông thường chọn thái độ xử sự thế nào cho phải lẽ với đồng nghiệp?
- Khi ấy, tôi làm gì có đồng nghiệp. Làm được việc thì tốt, không đặng thì bị chê bai. Vẫn thế mà.
- Cô đơn? Hay ông tự tách mình ra khỏi bầy đàn sáng tạo mà bao nhiêu người cố ghi tên mình vào?
- Tôi buồn quá vì em xinh đẹp quá! Tôi chọn cô đơn nếu tự giác thấy mình không thể xứng hành cùng cái đẹp.
Nếu có đủ quyền năng, hẳn nhiều người khi tiếp xúc với cuộc đối thoại trên sẽ thẳng tay đưa ra một phán xét “chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng / chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi thanh âm, trên thác ghềnh cú pháp / chiếc lưỡi bị hành hình trong một tuyên ngôn”. Không-tượng nên không-lưỡi? Chắc gì một con người đã dám tự đọa đày mình từ sơn thổ tổ tiên đến vàng vạc tiếng sâm cầm buổi chiều Hà thành không nhìn thấy sự đổ vỡ của một chiếc bóng sau rất nhiều uyển chuyển công trạng e ấp trải qua và hồi hộp chờ đợi kết thúc? Tôi tin TRẦN QUANG QUÝ nói thật khi ông đối diện chân dung thảm hại của ông trước tấm gương muôn mặt cuộc đời: “Và một ngày trầm tĩnh trước gương, tôi bỗng đọc ra nhiều ngôn ngữ / Tự tay mình từng đã vốc lên / một gương mặt từ trong chậu rửa”. Cuộc đối thoại giữa tôi và ông ở sân Thái học, còn sót lại mấy lời:
-         Dường như, ông luôn nghĩ mình sống tốt với đời?
-         Tốt hay xấu, chờ ông định giá ư? Tôi thắt cà vạt, mặc com lê tới ngân hàng vô thức / như một công chức xịn, hay một doanh nhân, đặt tấm thẻ credit card đầu tiên / tấm thẻ trang trọng một cái tên: Giải phóng mình!
Trong bài một bài trả lời phỏng vấn, TRẦN QUANG QUÝ tỏ ra yếu ớt hơn nhiều so với những gì ông đã viết:
-         Anh gửi gắm gì trong hình ảnh “chiếc thớt”?
-         Đó là những thực thể tồn tại trong cõi nhân sinh. Đó cũng là bi kịch của kẻ mạnh, kẻ yếu đời đời tiếp diễn. Và trong mối quan hệ ấy, trước những định lý mang tính định mệnh, kẻ yếu thế có khát vọng đổi đời nào hơn là mơ những giấc mơ? Biết bao những thân phận đáng cảm thông chia sẻ đã đẻ ra lối nói ngược trong Giấc mơ hình chiếc thớt.
Cuộc đối thoại giữa ông và chiếc-thớt-ông chưa thấu đáo thì chúng ta vẫn đang trông đợi hoạt náo gì sẽ xảy ra trên chiếc-thớt-vắng-ông mà cuộc đời mỗi người ai cũng phải/bị trải qua ít nhất dăm ba lần? Tôi chợt nhận thấy giá trị của cặp mắt Vương Trí Nhàn khi ông nói về Lưu Quang Vũ: “Và cái việc gây ra đớn đau kinh sợ với một người sáng tác đã xảy ra, đó là không được in bất bất cứ cái gì viết ra nữa… Giận dữ hờn tủi đã nảy nở lên thành những hoài nghi khinh bạc lấp đầy tâm hồn anh…”. TRẦN QUANG QUÝ đang đóng vai nào trong vở HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT mà nhà nghệ sĩ trứ danh gởi gắm vào một lớp người lịch sử không thể chối cãi mang tên Thế-hệ-chống-Mỹ? Con đường mỗi chúng ta chọn có thể khác nhau, nhưng rốt cuộc sẽ gặp gỡ bất chợt theo một căn duyên nào đó. Bàn chân là thứ của cải quý hiếm mà Thượng đế ban tặng cho một loài biết đi. Không ngoa ngoắt khi nhìn nhận TRẦN QUANG QUÝ đã đồng hóa hai khái niệm Con đường và Cánh rừng (hoặc Cánh đồng) thành một: Mọi bao la đã có, chưa có, sẽ có không phải ở trước vùng mắt bé nhỏ, mà luôn sẵn có trong bàn chân nhẫn nại của ta chỉ chờ cơ hội bộc phát thành chân trời chân-thiện-mỹ. Không-tượng trong GIẤC MƠ HÌNH CHIẾC THỚT như cây kim lâu ngày trong bọc – chẳng thể giấu diếm sức quyết liệt nội tại, gã tiều phu hốt nhiên gánh lấy vai trò nặng nề mà Nghệ thuật ban cho số phận y: THƠ. Công dời non lấp bể để dành cho một chân dung sẵn sàng bị nghiền nát bởi u uẩn cội nguồn nở ra trên ngọn đòng đòng sau rất nhiều mùa rơm rạ trải úng mắt diều. Còn gì khó nhọc và khổ sở hơn với một người tự biên tập những giấc mơ của mình?
Cũng ở sân Thái học ngày ấy, tôi chạm vào TRẦN QUANG QUÝ bằng cách một cánh én lạc vào bầy đàn của mình sau rất lâu vẩn vơ qua mùa vụ xa lắc lơ nào. Chúng ta, ấy là nói trộm nhiều hồn người còn mải mê im lặng, riêng trong tôi, TRẦN QUANG QUÝ đã trở thành Không-tượng giữa vô vàn bức tượng mà ai ai vẫn phải tốn giấy mực khá nhiều. Một chân dung không cần chân dung nào nữa:
- Vâng, có khi thơ mang tới cho người đọc nhớ, quên, buồn, đẹp mà không cần giải thích vì sao. Chỉ biết rằng, những nhớ, quên, buồn, đẹp mà thơ Trần Quang Quý mang tới cho ta, khởi thủy từ tấm lòng chân thật, từ nỗi đau của thi nhân, từ tình yêu của người tình muôn thưở. Bởi anh chính là một thi sĩ mang hơi thở hiện đại trở về làm mới những câu chuyện cổ tích chốn đồng quê…( Lời tựa GIẤC MƠ HÌNH CHIẾC THỚT – Nguyễn Trọng Tạo)
1/2012
TRỊNH SƠN
(nguồn: nhathonguyentrongtao)


_______________________


_______________________

No comments:

Post a Comment