Trang

Thursday, March 22, 2012

TRÒ CHUYỆN VỚI TRUNG TƯỚNG BÙI VĂN HUẤN: “THẤM NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU”



Trung tướng Bùi Văn Huấn (sau này là Thượng tướng) - Thấm nỗi buồn nhược tiểu.
 
Tháng 4 năm 2007 tôi đi Trường Sa và viết bút ký "Xa thắm Trường Sa" được giải thưởng hai năm 2007- 2008 của Tạp chí Nhà văn. Tôi có dịp nói chuyện trao đổi với Trung tướng Bùi Văn Huấn, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, trưởng Đoàn đi thăm Trường Sa của quân dân chính Đảng do Quân đội tổ chức. Buổi trò chuyện vào lúc nghỉ ngơi lúc mọi người lên bong tàu hóng mát, trên đường tàu đi vê các giàn khoan (gọi DK) phía Nam.
  Những điều trao đôi có cái ghi trong bút ký, có cái không được ghi, nay tôi muốn thuật lại vài ý từ năm ấy.
  Tôi nói: - Thưa tướng quân, bố phòng hầm hào trên các đảo là tốt lắm, quân dân ta có thể đánh trả các cuộc xâm lấn, nhưng vũ khí ít ỏi, sơ sài, cổ lổ quá, vũ khí từ thời chống Mỹ đã bị loại như 12ly 7 (12ly vác), xe tăng t34, súng trường, bộc phá, hỏa tiễn... Trang bị các đảo quá ít phương tiện, không nói đến mỗi đảo một chiếc tàu mà mỗi đảo không có nổi cái ca - nô để liên lạc với nhau, trong khi Trung Quốc, Đài Loan đảo nào cũng có tàu lớn, vũ khí hiện đại.
  Mấy ông đại tá công vụ, tùy viên sợ hãi bấm tôi, nhưng tôi nói, tôi là nhà báo trao đổi với Trung tướng, các anh không ngại gì cả.
  Tướng Huấn không nói gì, tôi tiếp:
  - Bộ đội, đơn vị nào cũng gian khổ, nhưng Hải quân gian khổ quá mà đãi ngộ cũng vừa phải, như đồng chí Chính trị viên Tàu HQ 996, 13 năm vẫn đeo lon thiếu tá. Ở đất liền những người làm báo, chụp ảnh viết báo, làm thơ viết văn dù không giữ chức vụ gì cũng được phong đến cấp Đại tá, xin tướng quân xem lại.
 Trung tướng Bùi Văn Huấn cười:
  - Điều này tôi có thể đề đạt lên cấp trên được.
 Tôi tiếp:
 - Thời chống Pháp, chống Mỹ, bộ đội chiến đấu hy sinh tình cảm nhiều, hoàn cảnh chiến tranh không ai kêu ca, nhưng thời bình, anh em chiến sỹ trên đảo thiếu thốn tình cảm quá, đoàn nào ra thăm có phụ nữ, chị em đều bị mất đồ lót, nên chăng cho anh em luân phiên về đất liền hay là cho chị em ra giao lưu.
  Trung tường Bùi Văn Huấn lại cười, các cộng sự cũng cười chua chát:
 - Đã nghĩ rồi, chưa biết cách như thế nào cho hợp lý, hợp tình.
 Tôi thưa tiếp:
   - Mình để Đài Bắc chiếm đảo lớn nhất Trường Sa vào năm 1946, tiếc quá. Thời gian gần đây thì Trung Quốc lấy mất của mình nhiều đảo và còn  dùng tàu gấy hấn bắn Hải quân ta. Trung Quốc được đằng chân, lân đằng đầu, mình nhường nhịn là minh mất hết. Trung Quốc nước to để đất không, không ai ở nhưng họ lấn từng xăng ty mét biên giới các nước. Trung Quốc muốn chiếm hết biển Đông để làm bàn đạp chiếm Ấn Độ Dương đấy!
   Tướng Huấn đăm chiêu một lúc rồi nói với giọng thật buồn:
  - Trung Quốc họ lấy cái gì của ta thì ta phải đành chịu thua. Họ là nước lớn.
   Mọi người nghe tướng Huấn nói, ai cũng im lặng!
 Thật buồn, tôi không hỏi thêm nữa!
Cái nỗi buồn nhược tiểu có từ ngàn năm trước, thế mà trong thời đại mới hôm nay nó vẫn diễn ra như các đế quốc phong kiến ngày xưa!
    Một nỗi buồn nhược tiểu!
  Hà Nội ngày 18 - 3 - 2012
      Nhà thơ Đỗ Hoàng
(Nguồn: blog Đỗ Hoàng)

No comments:

Post a Comment