Trang

Monday, April 30, 2012

KHỎA THÂN BÍ KÍP

Tương truyền, ngoài miền biên ải có tòa thành cổ bị chôn vùi dưới lớp cát sâu. Cứ mỗi năm một lần, vào ngày Đông chí, cuồng phong sa mạc sẽ nổi lên thổi tan lớp cát dày, khi ấy tòa thành hiện ra rực rỡ. Trong tòa thành, không có châu báu, thứ duy nhất khiến giang hồ thèm khát chính là quyển bí kíp mang tên “Khỏa thân đại pháp”.

Gốc tích của bí kíp cho đến giờ vẫn chưa được ai kiến giải, chỉ biết rằng, một khi đã nhặt được bí kíp, thì chỉ trong vòng một sớm một chiều công phu trong bí kíp sẽ giúp cho người hữu duyên nhanh chóng luyện được môn công phu “Phì diện hắn tâm”, đao thương bất nhập, thật là toàn bích vậy…
1. Tiết trời vào lúc cạn xuân, ngoài ngõ mưa bụi rây rây, không khí lạnh lẽo, đường vắng bóng người. Mai cô nương ngồi trong thư phòng, đang nghĩ ngợi rất mông lung.
Mai cô nương đến Tây Côn thành từ nơi xa phía Bắc. Năm nay Mai cô nương mới ngoài đôi mươi, hình dung xinh xắn, mặt phấn da hoa.
Ở trong thành Tây Côn, Mai cô nương không có bằng hữu, thân mình mình biết. Trong một lần tìm đến thanh lâu, nói chuyện với Ma ma đại tổng quản, Mai cô nương tình cờ nghe được câu chuyện về Khỏa thân đại pháp. Từ đó, Mai cô nương kiên quyết mình phải có trong tay quyển bí kíp này.
Mai cô nương tìm đến đại tài chủ, người đang phụ việc cho thượng thư bộ lại. Đại tài chủ danh vang vạn dặm, nghĩa khí ngất trời. Mai cô nương hỏi: “Tài chủ, ngài có muốn giúp ta không?”.
“Xưa nay, ta luôn buôn bán theo kiểu hàng thật giá đúng, không thêm không bớt. Bình sinh, ta chưa cho không ai cái gì, cũng chưa nhận của ai không cái gì. Vô công bất thụ lộc. Cô nương có gì cho ta để đổi lại?”, tài chủ không trả lời mà hỏi ngược.
“Tiểu nữ từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên, vẫn trinh nguyên toàn vẹn. Nếu tài chủ giúp được tiểu nữ, thì thân này là của tài chủ. Chết không làm ma của tài chủ, nhưng sống sẽ là người của tài chủ”, Mai cô nương cất tiếng.
“Giao dịch đã xong. Cô nương muốn ta làm gì?”, tài chủ đặt vấn đề.
“Tiểu nữ muốn trở thành thiên hạ đệ nhất kỹ nữ trong thành Tây Côn. Muốn làm được điều này, tiểu nữ cần có Khỏa thân đại pháp”, Mai cô nương đáp lời.
“Đó là chuyện hái sao trên trời, vớt trăng dưới nước. Cô nương tuổi nhỏ tài ít, e rằng không được”, tài chủ thoái thác.
“Vậy thì, xin cáo từ”, Mai cô nương cất bước.
Đêm, tài chủ ngồi trong đại sảnh, nghĩ ngợi về hình dung của Mai cô nương. Này mắt, này mũi, này tay, này chân, này eo… Sớm mai, tài chủ cho gia nhân đến quán trọ của Mai cô nương, mời Mai cô nương tới phủ của mình để thương lượng.
“Ta không thể giúp cô nương có được Khỏa thân đại pháp, bí kíp ấy danh bất hư truyền, ta phận mỏng không dám mơ đến điều đó. Nhưng bù lại, ta sẽ đưa cô nương lên hàng đệ nhị kỹ nữ. Dưới một người, trên vạn người. Ý cô nương ra sao?”, tài chủ hỏi.
“Dẫu đó là điều không thỏa chí của tiểu nữ. Nhưng e rằng, tiểu nữ không còn sự lựa chọn nào khác”, mặt Mai cô nương đỏ bừng sau câu trả lời đó.
Rất nhanh chóng, tài chủ thét gia nhân đóng cửa miễn tiếp khách. Ngoài trời bất thần mây đen chớp giật, mưa đổ rào rào. Trong đại sảnh của tài chủ, cũng có một trận mây mưa cuồng bạo không thua kém.
Sau khi trời tạnh mây quang, sau lúc chỉnh trang y phục, tài chủ kề sát miệng vào tai Mai cô nương, nói: “Cô nương cần làm như thế này, thế này… Ắt sẽ có kết quả”. Mai cô nương vừa nghe tài chủ dạy bảo, vừa liên tiếp gật đầu ra chiều chấp thuận.
2. Danh họa trong thành Tây Côn đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, không phải danh họa thì nhiều như cát dưới biển sâu.
Tài chủ quẳng lên bàn 600 lượng hoàn kim, nói với quản gia: “Nhà ngươi tìm một kẻ biết vẽ. Mang nó về đây cho ta dạy việc”. Quản gia chắp tay nghe dạy, tài chủ dứt câu, quản gia cúi đầu đi thẳng.
Bất nam bất nữ không phải là một danh họa. Nhưng, tên tuổi của Bất nam bất nữ trong thành rất vang dội. Bất nam bất nữ có thể thực hiện tất cả các công việc mà người khác không dám làm.
Năm tám tuối, Bất nam bất nữ đã sờ soạng khắp thân thể của cha nuôi. Cha nuôi đánh Bất nam bất nữ bật cả máu mồm, trước khi đuổi gã ra khỏi nhà.
Năm chín tuổi, Bất nam bất nữ kiếm sống bằng nghề truyền tin giúp kỹ nữ với các quan nhân.
Năm mười tuổi, Bất nam bất nữ công khai sở thích yêu mến nam nhân của mình. Từ đó, trong kinh thành đều căm ghét bản mặt của Bất nam bất nữ.
Bất nam bất nữ người cao, da đen nhẻm, đôi mắt trắng dã.
Bất nam bất nữ đến phủ của tài chủ, đứng giữa sân nói vọng vào: “Kẻ hèn mọn là Bất nam bất nữ, nghe tài chủ đòi, chân không mang giày, đầu không đội mũ, mặt chưa kịp rửa, áo quần mới chưa kịp thay vội vã đến hầu”.
Tài chủ không trả lời. Bất nam bất nữ tiến thêm hai bước, bất thần cúi đầu quỳ rạp dưới thềm: “Bạch đại tài chủ, Bất nam bất nữ có điều gì khiến tài chủ không vui, kính mong tài chủ lượng thứ. Bất nam bất nữ trên chỉ biết có vua, dưới chỉ biết tài chủ. Tuyệt nhiên, không biết đến ai khác. Xin tài chủ mở lòng”.
“Ta muốn nhà ngươi đến Mãn Hoa lầu, tìm gặp Mai cô nương, chờ Mai cô nương sai xử. Tiền công của nhà ngươi do quản gia cất giữ. Có vậy thôi, đi đi”, tài chủ không mở cửa, nói vọng ra từ đại sảnh.
Bất nam bất nữ cúi đầu bái tạ, khom lưng lui dần ra cổng.
Mãn Hoa lầu, là nơi để những giai nhân tuyệt sắc ẩn mình chờ ngày vang danh trong chốn giang hồ. Giả như không có sự can thiệp của đại tài chủ, với uy thế là người giúp việc cho thượng thư bộ lại, thì Mai cô nương không thể lưu trú tại nơi này.
Mãn Hoa lầu có ba tầng. Tầng cao nhất là nơi trú ngụ của Ngọc cô nương. Giang hồ đồn đoán rằng, Ngọc cô nương là thiên hạ đệ nhất vưu vật.
Mặc dầu không có trong tay bí kíp Khỏa thân đại pháp, nhưng Ngọc cô nương đã khiến Lục dạ nhất giao đến từ xứ sở nhân sâm phải xá ba xá trước khi quay lưng đào tẩu.
Có lần, Ngọc cô nương còn mang thân mình vào giữa rừng vắng, không mảnh vải trên người, mặc cho danh họa vẽ vời đủ tư thế. Chính từ đây, dâm thư Mỹ nhân hoan lạc mới xuất hiện trong kinh thành.
Bảy nhân bảy bốn mươi chín đêm liền, Mai cô nương đã nằm chiêm bao thấy mình là Ngọc cô nương. Tiếc rằng, giấc chiêm bao của Mai cô nương mãi mãi không thể thành hiện thực. Đơn giản, Ngọc cô nương đã tạo được chỗ đứng không thể bị xô ngã trên chốn giang hồ.
3. “Bất nam bất nữ, ta nghe giang hồ đồn rằng, nhà ngươi là kẻ bất cứ chuyện gì cũng dám làm, chuyện trên trời dưới bể, trong nhà ngoài ngõ, xó bếp thư phòng đều rành rẽ. Vậy nhà ngươi có chuyện gì kể cho ta vui không, lòng ta đang héo hắt quá”, Mai cô nương liếc nhìn Bất nam bất nữ.
“Cô nương muốn nghe chuyện gì?”, Bất nam bất nữ hỏi lại.
“Nói cho ta câu chuyện về Khỏa thân đại pháp đi, ta muốn biết tận tường về pho bí kíp này”.
“Được, tại hạ sẽ kể”.
Ba mươi năm trước, trong kinh thành đột nhiên xuất hiện một cô nương trẻ tuổi, không ai thấy được khuôn mặt của nàng, chỉ có thể phỏng đoán đó là một mỹ nhân tuyệt thế. Họ gọi nàng là Nguyễn cô nương.
Dọc ngang giang hồ được ít lâu, Nguyễn cô nương bặt vô âm tín. Kẻ thạo tin nhất trong giới giang hồ nhận được món ngân lượng cực lớn của các đại tài chủ, bôn ba khắp nơi để tìm tung tích của Nguyễn cô nương.
Ròng rã nhiều ngày đêm trên biển, tìm nát các đảo hoang, họ phát hiện Nguyễn cô nương đã xuất ngoại. Trước khi đi, Nguyễn cô nương để lại một pho bí kíp, mà ai may mắn sở hữu được nó thì chỉ trong một thời gian cực ngắn sẽ vang danh thiên hạ.
Rất tiếc pho bí kíp ấy lại được Nguyễn cô nương chôn sâu trong tòa thành cổ ngoài miền biên ải. Hơn ba năm trước, một mỹ nhân đã tìm thấy bí kíp, luyện thành môn công phu “Phì diện hắc tâm”.
“Người đó là ai?”, Mai cô nương vội vã hỏi.
“Còn ai khác hơn là Hoàng tiểu thư”, Bất nam bất nữ trả lời.
Sau khi luyện được môn công phu “Phì diện hắc tâm”, Hoàng tiểu thư đã cẩn thận để bí kịp lại tòa thành cổ. Chắc có lẽ, Hoàng tiểu thư sợ hiệp khách giang hồ sẽ tìm đến mình mà sinh chuyện. Giờ thì, Hoàng tiểu thư đã biến thành đại bàng thay vì chỉ là chim vàng anh.
“Bất nam bất nữ, ta nghe nói rằng, chỉ có nữ nhân mới luyện thành môn công phu này. Điều đó có đúng không?”.
“Sai rồi, Mai cô nương. Đoàn công tử cũng đã luyện thành môn công phu ấy. Nhưng thật là tiếc, uy lực của nam nhân sau khi luyện thành lại không cao bằng nữ nhân’’.
“Nhà ngươi còn biết thêm gì nữa?”.
“Tại hạ nghe rằng, trong pho bí kíp Khỏa thân đại pháp, là những hình vẽ thiếu nữ không mặc xiêm y, với các thư thế đứng ngồi nằm ngửa khác nhau. Bên cạnh các hình vẽ này, là khẩu quyết để phối hợp khi luyện công. Rất ư là vi diệu”.
Mỗi lời Bất nam bất nữ nói ra, Mai cô nương đều lắng tai nghe cẩn thận kể cả lúc Bất nam bất nữ hít thở lấy hơi nên ngắt câu.
“Vậy là phải cởi đồ, phải giũ bỏ tất cả à?”, Mai cô nương thỏ thẻ.
“Chính xác. Ngoài tên gọi Khỏa thân đại pháp, thì bí kíp ấy còn có tên gọi Mỹ nhân thoát y”, Bất nam bất nữ giọng lạnh tanh.
“Còn công phu Phì diện hắc tâm?”.
“Đơn giản thôi, đó chính là mặt dày lòng đen”.
“Đủ rồi, nhà ngươi về đi, ta không còn gì để hỏi nữa cả. Tưởng chuyện gì khó khăn, chứ chuyện đó ta có thể làm được mà không cần khẩu quyết lẫn bí kíp. Chỉ là chuyệt vặt ta vẫn làm mỗi ngày với nam nhân mà thôi”, Mai cô nương hất đầu tiễn Bất nam bất nữ.
Khi bóng Bất nam bất nữ khuất sau cánh cửa phòng, thì cũng là lúc ánh trăng đã chếch soi rõ Mãn Hoa lầu.
Mai cô nương, đầu tựa vào khung cửa sổ, mũi thoảng nghe mùi dạ lý hương, miệng lẩm nhẩm: “Ngày mai, ta sẽ ra biển… Nhất định, ta sẽ ra biển…”.
Vài hôm sau, Tây Côn thành xôn xao bởi tà thư Mỹ nhân bức hải.
Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: ANTGCT

VỀ VÀI PHƯƠNG DIỆN TRONG TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT

Với một nhan đề như thế này (Về vài phương diện trong tính cách của người Việt), nếu có đủ sự hiểu biết, thời gian đầm mình trong sách vở cũng như trong thực tế đời sống, và cả sự dũng cảm đương đầu với cái khó, có lẽ người viết sẽ phải tính đến chuyện cho ra đời một công trình nghiên cứu đồ sộ nhằm trả lời câu hỏi: tính cách/ nhân cách văn hóa thực sự của người Việt là gì?

Tuy nhiên, tài vốn sơ, trí vốn đoản, vả lại trong khuôn khổ của một bài báo, thì đó là điều muôn lần bất khả. Vì thế, tôi sẽ tự giới hạn công việc của mình chỉ ở một nội dung thôi, đó là “lẩy” ra một vài nét trội (tôi sẽ học theo cách của tác giả Bá Dương khi ông viết cuốn Người Trung Quốc xấu xí, nhưng trên cơ sở đọc kho tàng tục ngữ Việt Nam. Tại sao lại là tục ngữ?
Trên bìa bốn cuốn Tục ngữ Việt Nam do Nguyễn Cừ biên soạn và giới thiệu, có viết: “Tục ngữ là sản phẩm tinh thần tập thể của nhân dân lao động. Đó là sự tổng kết cao nhất về kinh nghiệm sống, nhân sinh, ứng xử, đạo đức và cả trong lao động sản xuất, dự báo thiên nhiên” (NXB Văn Học, 2008). Cách hiểu này không xa mấy so với những cách hiểu về tục ngữ trong các công trình nghiên cứu, các giáo trình về văn học dân gian có uy tín (của Vũ Ngọc Phan, Chu Xuân Diên, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Xuân Kính v.v...). Nó cho thấy rằng, không gì khác, tục ngữ Việt vừa là túi khôn của người Việt, vừa là kết tủa tâm tính, sắc thái tinh thần, diện mạo nhân cách của người Việt. Tục ngữ Việt, có thể nói, chứa đựng trong nó những cái gì chung nhất, mang tính phổ quát nhất, phản ánh rõ ràng nhất những nét đậm trong tính cách của người Việt.
Trước hết, phải nói tới tính bất nhất của người Việt như nó được thể hiện qua kho tàng tục ngữ. Bất nhất có thể hiểu là sự lệch pha, thậm chí là sự trái ngược trong quan niệm, trong cách hành xử của con người, dù vẫn là tình huống ấy, bối cảnh ấy, đối tượng được nói đến ấy. Khảo sát/ đọc tục ngữ Việt Nam, không ít phen chúng ta sẽ phải “ngớ” người ra trước những biến đổi - như một con tắc kè hoa - trong thái độ ứng xử của người Việt. Hãy thử đặt câu “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã” (hoặc câu “Họ chín đời còn hơn người dưng”) bên cạnh câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Hãy thử đặt câu “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” bên cạnh câu “Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ”. Hãy thử đặt câu “Hàng xóm tối lửa tắt đèn” bên cạnh câu “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”,v.v và v.v...
Cặp thứ nhất: câu đầu khuyên người ta coi trọng những mối quan hệ cộng đồng thân tộc, câu sau lại khuyên người ta coi trọng những mối quan hệ cộng đồng xã hội. Cặp thứ hai: câu đầu nhấn mạnh vào tính độc lập, khả năng tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình của mỗi thế hệ, câu sau lại nhấn mạnh vào mối liên hệ nhân - quả trong hành động giữa các thế hệ. Cặp thứ ba thì mới thật kỳ lạ làm sao: câu đầu dạy rằng hàng xóm láng giềng phải biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn cơ nhỡ, câu sau lại “xui” người ta mặc kệ nhau lúc xảy ra chuyện! Tôi chỉ lấy ba ví dụ, thực tế thì chúng ta có thể “lẩy” ra có vô số ví dụ như vậy từ kho tàng tục ngữ Việt Nam, nhất là ở mảng tục ngữ về quan hệ gia đình - xã hội.
Đến mức thậm chí có thể khẳng định: ở mảng tục ngữ này, nếu có một câu mang ý nghĩa A, thế nào cũng phải có một câu mang ý nghĩa - A, như cực đối lập không thể thiếu của A! Nếu chúng ta quan niệm rằng mỗi câu tục ngữ là một bài học về đạo đức hoặc ứng xử, hay nói cho mạnh mẽ hơn, một chân lý, thì chẳng phải là các chân lý đang lớn tiếng cãi lộn nhau đó sao? Và, điều này có nhiều khả năng sẽ đưa đến một hậu quả: nếu người Việt Nam nào đó muốn đi vào kho tàng tục ngữ Việt Nam, muốn tìm ở tục ngữ một chỉ dẫn hoặc một niềm tin xác quyết nào đó cho hành vi ứng xử của mình trong đời sống, có thể anh ta sẽ rất hoang mang, không biết phải theo cái nào, phải làm thế nào mới đúng? Vậy, đâu là bí mật ở đây?
Bí mật, có lẽ nằm trong kiểu tư duy “mềm”, tư duy với biên độ co dãn cao của người Việt. Kiểu tư duy này không cần biết đến nguyên tắc “dĩ nhất quán chi” (lấy một cái mà bao trùm tất cả) mà đức Khổng Tử đã dạy, và nó càng không thèm quan tâm đến tính hệ thống, tính logic chặt chẽ như kiểu tư duy khách quan lạnh lùng của triết học phương Tây. Nói một cách hơi vu khoát: năng lực tư duy trừu tượng của người Việt nói chung chỉ cao đến mức có thể nắm bắt được những tình huống cụ thể, những quan hệ cụ thể, những phương diện cụ thể mà thôi, không nâng sự phán đoán của mình lên thành nguyên tắc phổ quát được. Vì thế mà các chân lý của chúng ta cứ cãi lộn nhau! Diễn đạt cho dễ hiểu: chân lý chỉ có một, đã là chân lý thì trong trường hợp nào cũng đúng, nhưng chúng ta, những người Việt, ưa thích sự đồng tồn tại của nhiều chân lý khác nhau. Để, trong những khoảng thời gian khác nhau, những chân lý khác nhau ấy - về cùng một đối tượng - sẽ được lấy ra và sử dụng cho phù hợp với những mục đích cụ thể khác nhau của chúng ta.
Hãy thử hình dung: một người đang gặp khó khăn, về tiền bạc chẳng hạn, nếu anh ta được một người bà con xa giúp đỡ, câu “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã” sẽ trở thành câu đầu miệng, nhưng nếu người giúp anh ta là người hàng xóm không có quan hệ máu mủ ruột rà gì, thì không gì hợp cảnh hơn câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. (Trong những trường hợp như thế này, tính bất nhất tỏ ra rất gần với chủ nghĩa cơ hội và tinh thần thực dụng: “Gió chiều nào, che chiều ấy”). Thử thoát ra khỏi thế giới của tục ngữ, nhìn vào thực tế lịch sử dân tộc, chúng ta sẽ thấy rằng đây cũng chính là đặc điểm trội trong cách ứng xử của người Việt. Tôi xin dẫn ra một ví dụ.
Năm Đinh Mùi 1427, sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược, Lê Thái Tổ đã chỉ đạo Nguyễn Trãi thảo hai bản văn cực kỳ quan trọng: Bình Ngô đại cáoBiểu cầu phong. Bản văn đầu là ta viết cho ta, nên đến cả Hoàng đế Tuyên Tông nhà Minh cũng bị xem thường rất mực: “Thằng nhãi con Tuyên Đức”.
Bản văn sau là ta viết cho địch - một kẻ địch tuy thua nhưng cực kỳ hùng mạnh - thì vẫn “thằng nhãi con” ấy, nhưng lại được ca tụng rất mực: “Cúi nghĩ bệ hạ là bậc thánh thần văn võ, trí tuệ thông minh, đức hiếu sinh đây đó thấm đều, lòng nhất thị xa gần không khác...”. (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch của Viện Sử học. NXB Giáo Dục 2008. Tập II, tr. 544). Có hai chân lý xem ra tốt hơn là chỉ có một chân lý!
Tiếp theo, phải nói tới tính khôn vặt của người Việt, như nó được thể hiện qua tục ngữ. Khôn vặt, nghĩa là chỉ nhìn thấy cái lợi be bé trước mắt, và chỉ là cái lợi cho bản thân mình mà thôi. Người khôn vặt, thường là người thông minh theo kiểu láu cá. Anh ta nhận định tình huống rất nhanh, và cũng rất nhanh để đưa ra cách xử lý sao cho có thể thu lợi nhiều nhất cho mình, bất chấp việc mối lợi ấy được đánh đổi bằng sự thiệt hại của người khác.
Tục ngữ Việt Nam có khá nhiều câu “xui” người ta khôn vặt như vậy: “Trâu chậm uống nước đục”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, “Ăn sau là đầu quét dọn” v.v... Không gì khác, những câu tục ngữ trên chính là sự chỉ dẫn cho người ta con đường ngắn nhất để trục lợi: tranh cướp. Mang cái vẻ khách quan đến mức gần như “trong suốt” - nghĩa là chỉ nêu hiện tượng, không bình luận - thế nhưng chúng lại bày ra trước mắt người đọc một thứ quan hệ nhân quả rất sòng phẳng, rất logic: nếu anh chỉ làm thế này, thì anh sẽ nhận được chỉ thế này. Nếu không nhanh tay, anh sẽ chỉ nhận được phần thiệt về mình. Bằng “khôn ngoan” ra, biết đi trước thiên hạ, anh sẽ hưởng lợi và đẩy phần thiệt cho những người khác.
Để chứng minh cho cái tính khôn vặt kiểu này, không gì tốt bằng hãy cứ nhìn vào sự phát triển kịch phát của thị trường chứng khoán Việt Nam vài năm trước. Có mấy “nhà đầu tư” có những hiểu biết sơ đẳng về thị trường chứng khoán? Có mấy “nhà đầu tư” định “đầu tư” một cách tử tế, hay là chỉ nhanh tay trong việc mua cổ phiếu sao cho rẻ nhất, rồi bán ngay khi có thể để kiếm chênh lệch, bán qua bán lại đến lúc mớ cổ phiếu chỉ còn là đống giấy lộn? Có mấy “nhà đầu tư” đã kịp nghĩ đến sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân?
Tính khôn vặt của người Việt còn có những biến thể khác, in dấu trong tục ngữ. Biến thể 1: nếu không nhanh tay tranh cướp để hưởng lợi được, thì ít ra, anh cũng phải biết cách giảm thiểu rủi ro cho mình, bằng việc lảng tránh đương đầu với những khó khăn, quay lưng lại hoặc đi đường vòng trước những thách thức: “Một điều nhịn, chín điều lành”, “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “Lắm người yêu hơn nhiều kẻ ghét”, “Biết tay ăn mặn thì chừa/ Đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày”, “Chú bạo chú khốn, tôi dát tôi trốn, tôi hãy còn đây” v.v... (Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương từng nói về chuyện này: tục ngữ Việt Nam dạy con người Việt Nam cách biết sống... hèn!). Biến thể 2: anh cần phải biết cách nắm cho chặt, giữ cho chắc quyền lợi của mình, của gia đình mình, của cộng đồng mình, và chỉ cần quan tâm đến điều đó thôi, mọi thứ quyền lợi khác của những người khác đều không đáng phải để ý: “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Lệnh làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, “Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ”, “Thừa người nhà mới ra người ngoài”, “Thương, cái xương chẳng còn”, “Thương người thì khó đến thân” v.v... Biến thể 3: anh cần phải biết một trong những phương cách tốt nhất để giữ an toàn cho mình, đó là xóa bỏ sự tồn tại độc lập của cá nhân, chạy trốn vào tập thể, lấy tập thể và cơ chế chịu trách nhiệm liên đới của chủ nghĩa tập thể làm thành luỹ, làm lá chắn: “Lụt, thì lút cả làng”, “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt riêng mình ai đâu”, “Dại đàn còn hơn tốt lỏi”, “Xấu mặt xin tương, cả phường cùng húp” v.v... (Về điểm này, nhiều nhà nghiên cứu, từ góc độ xã hội học, dân tộc học, sử học v.v..., đã lý giải bằng cách chỉ ra căn tính tiểu nông của người Việt Nam, những con người được cố kết và bị chi phối rất chặt bởi những quan hệ cộng đồng huyết tộc, quan hệ làng - họ, nếu muốn diễn đạt theo cách khác).
Từ kho tàng tục ngữ của người Việt, nói chung, có thể đọc ra khá nhiều nét trội trong tính cách của người Việt được “găm” vào đó. Tôi mới chỉ nói đến tính bất nhất và tính khôn vặt mà thôi, dù rằng thực ra có thể và cần phải liệt kê nhiều hơn thế. Nhưng chỉ thế thôi đã thấy gợn lên một mối lo: những câu tục ngữ xưa - chứ không phải tục ngữ hiện đại - nhưng hình như tính bất nhất và tính khôn vặt của người Việt được phản ánh trong đó không xưa một chút nào. Nó vẫn vậy, tươi rói, sống động và đặc biệt phổ biến trong lối suy nghĩ, lối ứng xử của người Việt ngày hôm nay. Với những “phẩm chất” ấy, đến lúc nào mỗi người Việt Nam mới trở thành một công dân thế giới đích thực, cho dẫu không phủ nhận được là rất nhiều người trong số chúng ta đang sở hữu và sử dụng thành thạo các phương tiện của nền văn minh hiện đại không thua kém gì ai? Đây là câu hỏi chắc chắn không dễ trả lời.

Hoài Nam

KHI NHÀ VĂN TRỞ THÀNH ANH HÙNG

(Toquoc)- Xưa nay, Anh hùng vẫn là nhân vật lý tưởng của các nhà văn. Với sứ mệnh ngợi ca con người và cuộc sống nhà văn luôn tìm những mẫu người lý tưởng, những người sống hiên ngang, khí phách, vượt lên những hoàn cảnh hiểm nghèo của bản thân và xã hội, lập những công tích chói lọi, để gieo niềm tin và hi vọng cho con người.
Thời nào, đất nước nào cũng cần những con người như vậy. Nhà thơ (Chế Lan Viên) từng viết:
Ôi thương thay những thế kỷ thiếu anh hùng
Những đất nước thiếu người cầm gươm ra trận
Nét mới mẻ nổi bật đáng tự hào của hơn 30 năm đất nước có chiến tranh là các nhà văn Việt Nam đã luôn có mặt bên những chiến sĩ trực tiếp cầm súng, một số không ít những chiến sĩ cầm súng đã trở thành nhà văn. Nhiều người đã nghĩ, trong những năm kháng chiến, mỗi tác phẩm văn chương hay xuất hiện được tiếp nhận như một tin thắng trận, thực sự có tác động như một trận thắng. Được như thế, một phần quan trọng là do tư thế của nhà văn trong đội hình chiến đấu của dân tộc. Vẫn nhà thơ Chế Lan Viên viết:
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ
Bên những dũng sĩ bắn xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi
Hàng trăm nhà văn mặc áo lính trong sắc phục các quân binh chủng, và có mặt ở khắp các chiến trường đã tự trình diện bằng những sáng tác kịp thời thuộc nhiều thể loại. Đánh giá cao đóng góp của các nhà văn cũng như các nghệ sĩ khác, nhà nước đã có nhiều hình thức khen thưởng, mà giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước đã và đang trao tặng là một sự ghi nhận. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang vừa được tặng cho ba nhà văn Chu Cẩm Phong (1941-1971), Nguyễn Thi (1928-1968) và Lê Anh Xuân (1940-1968), thêm một lần nữa khẳng định đóng góp của Văn học và Nhà văn những năm chiến tranh. Trong hơn 20 nhà văn hi sinh ở mặt trận, cho đến nay, ba nhà văn được tuyên dương là có những lý do xác đáng.
Trong mấy cuộc kháng chiến lớn vừa qua, ngay cả những đầu óc lớn của đối phương, khi tìm nguyên nhân thất bại khi họ có một ưu thế áp đảo về trang bị vật chất: Vũ khí tối tân, hiện đại, nhưng cuối cùng họ thua ở một khâu bất ngờ nhất: Tinh thần chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Điều đó không tự nhiên mà có. Nó là kết quả kỳ diệu của công tác tuyên truyền vận động quần chúng của Đảng với tác phong gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm, nơi nào khó cán bộ Đảng viên đi trước, hàng vạn Đảng viên bám dân bám đất ở những nơi ác liệt nhất. Trong cả những thời kỳ thoái trào, đen tối nhất, lòng tin của Dân vào Đảng, vào ngày cách mạng thắng lợi là luôn kiên định. Khối thống nhất Đảng với Dân, Quân với Dân đã làm nên sức mạnh chiến thắng. Thành quả ấy hôm nay phải được tiếp tục giữ gìn, bảo vệ và phát huy.
Làm nên thành tựu lịch sử ấy có đóng góp của các Văn nghệ sĩ với các tác phẩm Văn học nghệ thuật  trên suốt các chặng đường kháng chiến. Ba nhà văn quê ở 3 miền Bắc Trung Nam vừa được tuyên dương là những tấm gương tiêu biểu: Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi quê ở Hải Hậu- Nam Định, Trần Tiến- Chu Cẩm Phong quê ở Hội An- Quảng Nam và Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân ở Châu Thành- Bến Tre. Có thể nói cả ba đều được bồi dưỡng đào tạo ở miền Bắc sau hoà bình 1954. Vào Sài Gòn năm 15 tuổi, tham gia cách mạng Tháng 8/1945 rồi vào bộ đội Nam Bộ 9 năm chống pháp, năm 1954 theo đơn vị tập kết ra Bắc. Do có năng khiếu văn thơ, Nguyễn Ngọc Tấn được điều về Văn nghệ Quân đội. 6 năm ở đây, anh đã được bồi dưỡng và tự đào tạo để thành nhà văn. Vượt qua mọi trắc trở đời riêng, khi có điều kiện, anh đã tình nguyện trở lại chiến trường từ 1962 cùng nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả Đất nước đứng lên.
Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong theo gia đình tập kết, được vào học phổ thông ở Trường học sinh miền Nam. Cả hai đều được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lê Anh Xuân học Khoa Sử trước Chu Cẩm Phong học Khoa Văn một năm. Hai người được trở về Nam cuối 1964. Nhiệm vụ dự kiến là về lập Trường Đại học ở vùng giải phóng. Nhưng tình hình thay đổi trên đường đi. Chu Cẩm Phong được phân ở lại Thông tấn xã khu 5, Lê Anh Xuân về Tiểu ban giáo dục Nam Bộ. Chỉ là do sự phân công của tổ chức mà hai người trở thành nhà văn, và họ đã xứng đáng với sự tin cậy đó.
Những năm bước vào giai đoạn chiến tranh đặc biệt, khi chiến tranh lan ra cả nước, các tác phẩm từ miền Nam nổi bật tên tuổi Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong. Trước hết là các truyện ký về các anh hùng. Nguyễn Thi có: Sự tích ở Đất Thép, Người mẹ cầm súng (Chị Út Tịch), sau này là Ước mơ của đất (anh hùng Nguyễn Thị Hạnh), Lê Anh Xuân có truyện Anh hùng Nguyễn Văn Tư, Trường ca Nguyễn Văn Trỗi, Chu Cẩm Phong với các truyện ký in trong các tập Mặt biển mặt trận, Rét tháng giêng. Các tác phẩm đó thực sự là những tượng đài văn học về các anh hùng gan dạ, kiên cường trong chiến đấu mà bình dị, hồn nhiên, trong cuộc sống.
Nhà văn Chu Cẩm Phong (hàng sau, thứ hai từ phải sang) và các bạn học 
cùng Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp (ảnh: báo Lâm Đồng)

Nhưng điều đáng quí nhất, khi tiếp xúc được với sổ tay ghi chép, nhật ký của các tác giả, người đọc càng thấy tầm vóc, tâm huyết nghị lực và quyết tâm của các nhà văn âm thầm, kiên trì chuẩn bị vốn sống, tư liệu cho những tác phẩm tương lai. Điều kiện chiến trường nào cũng ác liệt. Mật độ bom đạn dày đặc, đói thiếu triền miên, kẻ địch truy đuổi, bệnh tật rình rập, rồi các nhiệm vụ chuyên môn, sẵn sàng chiến đấu, tăng giá trị túi lương thực, băng rừng lội suối gùi gạo cõng lương thực, thâm nhập cơ sở lấy tin tức, xây dựng phong trào. Con người triền miên lăng ra trong công việc. Phải có một kỷ luật tự giác cao, một ý chí lớn mới thường xuyên ghi chép được các tài liệu trong nhiều năm. Nhật ký, ghi chép thể hiện một thế giới tinh thần phong phú, đẹp đẽ của những con người có giác ngộ lý tưởng cao, kiên định, vượt qua mọi hạn chế của sức khoẻ, tình cảm cá nhân để hoà mình vào cuộc chiến đấu chung. Tình yêu đẹp của Chu Cẩm Phong, Lê Anh Xuân đã nâng bước họ trên những chặng đường công tác. Phẩm chất tự nhiên có sức toả sáng đến mức khi rơi vào tay đối phương, nhật ký Chu Cẩm Phong còn được một sĩ quan trân trọng gìn giữ để ngày giải phóng trao lại cho đồng đội tác giả. Nhưng, khi cần, các anh đã sẵn sàng xông ra nơi ác liệt nhất. Trong nhật ký, ai cũng biết, có thể sẽ hi sinh, nhưng không vì thế mà chùn bước. Cả ba nhà văn, ở các đơn vị khác nhau, đều đã vượt qua mọi lời can ngăn, để có mặt ở nơi ác liệt nhất. Tháng 5/1968, nhà văn Nguyễn Thi hi sinh anh dũng khi theo một đơn vị chiến đấu trong đợt 2 Tổng tấn công Mậu Thân. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nơi hi sinh. Cũng dịp đó, Lê Anh Xuân cùng bạn văn Nguyễn Hồng Tân từ hậu cứ xin lên tuyến trước. Sắp một trận càn, hai anh xuống hầm bí mật làm bằng những chiếc chum chôn giữa vùng sình lầy Long An. Có lẽ do thiếu kinh nghiệm, khi kẻ định rút lui, đồng đội thấy hai anh đã hi sinh. Ba năm sau, 01/5/1971 ở Duy Xuyên- Quảng Nam, Chu Cẩm Phong hi sinh khi bị địch khui hầm bí mật. Ở nơi anh hi sinh, mấy năm trước bạn bè đã dựng một bia tưởng niệm.
Còn lại hôm nay, ngoài các sáng tác đã được xuất bản, do nỗ lực của đồng đội, gia đình, di cảo của ba nhà văn được công bố giúp bạn đọc hiểu thêm về thực tế xã hội miền Nam những năm trước và sau Đồng Khởi. Điều rõ nhất qua ghi chép để lại là mức độ khốc liệt của cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam trước và sau Đồng Khởi. Thực tế những ngày đen tối khi mà người cách mạng bi truy kích, tận diệt, vẫn tìm mọi cách duy trì sự tồn tại để tìm cơ hội vùng lên. Còn ít được tìm thấy trong Văn học. Trong thời điểm lịch sử bi đát, lắm lúc, lắm nơi tưởng như tuyệt vọng đó mà tận bề sâu, lòng dân vẫn hướng về cách mạng, chọn sự hi sinh để bảo vệ, chở che từng đốm than hồng chờ ngày bùng lên. Lòng dân hầu như là kho báu vô tận mà các nhà văn khai thác với một niềm say mê chăm chú không che dấu sự cảm phục, qua sự khảo sát hàng ngàn cuộc đời thật, ở những địa chỉ làng quê cụ thể, người còn sống và người đã hi sinh, người đang ở phía bên này và bên kia của trận tuyến. Chính niềm say mê khám phá hiện thực đó, mà khi có điều kiện, là các nhà văn lại tìm về các địa bàn đang diễn ra chiến sự ác liệt, và giữa các trận càn, trong những khoảnh khắc có thể, họ vẫn liên tục ghi chép. Những dòng viết cuối cùng cách thời điểm hi sinh chỉ tính bằng giờ. Tất cả họ đều có chung ý nghĩ như Nguyễn Thi: Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức mà anh nghĩ mình có chết đi cũng không có gì đáng ngại… Biết lấy gì đền đáp xương máu nhân dân đã hi sinh không tính toán để bảo vệ cách mạng những năm tháng này? Mai này, đất nước thống nhất, cách tưởng niệm xứng đáng nhất chưa phải là xây những tượng đài to tát mà phải là tạo dựng đời sống no đủ, hạnh phúc cho những con người còn sống.
*
Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa. Nhưng sự kiện các nhà văn hi sinh trong chiến tranh được tuyên dương Anh hùng không đơn giản mà chỉ là một sự tưởng thưởng đang gửi đến những nhà văn hôm nay một thông điệp giàu nội hàm. Trước hết là sự nhắc nhở trách nhiệm của nhà văn với sự phát triển của đất nước, bài học lịch sử về sự gắn bó với số phận của nhân dân là nguồn gốc, động lực cho những sáng tạo thành công. Chính tác phẩm sẽ xác định vị thế và phẩm chất của từng nhà văn.
Ngô Thảo
----------
(*) Nhân ba nhà văn Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang
- Bài viết nhân dịp 30/4 Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

HỒ THỊ NGỌC HOÀI: LẶNG IM ĐỢI SÓNG

Sau giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ năm 2006 - 2007, Hồ Thị Ngọc Hoài (tên thật là Hồ Thị Hoài) dường như biến mất. Người ta không thấy chị xuất hiện trên mặt báo, ra sách, … - như cái cách mà nhiều tác giả thường làm. Bởi thông thường, sau một cuộc thi văn học – nhất là cuộc thi ấy lại do những địa chỉ văn chương hàng đầu của cả nước tổ chức như Tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội – đây sẽ là cơ hội quý giá để xác lập tên tuổi cho những cây bút mới.

Một tác giả trẻ, sau khi liên tục đoạt giải tại các cuộc thi văn chương “tiết lộ”: các nhà sách còn đưa sẵn tiền đặt hàng anh. Anh viết gì họ cũng sẵn sàng in. Điều đó cũng dễ hiểu. Sau cuộc thi, người đoạt giải được cấp một “bằng chứng nhận” chất lượng. Báo Tết đặt hàng. Nhà sách đặt hàng. Truyền hình cũng đặt lịch phỏng vấn, mời tọa đàm…Người viết bỗng dưng thành “người của công chúng”, dù muốn hay không. 
Thế nên cái sự lặng lẽ biến mất của Hồ Thị Ngọc Hoài khiến không ít người ngỡ ngàng, và lấy làm tiếc. Vì dường như chị đang đáng rơi mất cơ hội vàng ngọc của mình.
Trong sự luyến tiếc ấy, có người tự hỏi: Hồ Thị Ngọc Hoài bây giờ ở đâu?
Thực ra Hồ Thị Ngọc Hoài không biến mất. Chị chọn cho mình một góc lặng lẽ. Lặng lẽ sống, lặng lẽ chiêm nghiệm và lặng lẽ viết - chậm. Người sống quanh chị chỉ biết chị là một cô giáo dậy văn yêu trẻ. 
Số phận của Hồ Thị Ngọc Hoài khá lạ. Mê văn chương từ những ngày còn trên ghế nhà trường, chị cũng âm thầm thử viết rồi cất biệt đi. Nhưng số phận chị không xuôi chèo mát mái. Đang học đại học, chị bỗng quyết định bỏ ngang, ở nhà lấy chồng sinh con. Phụ nữ phàm đã có gia đình, thì những chuyện con cái, nội trợ chi phối khá nhiều thời gian. Hồ Thị Ngọc Hoài cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cả ngày quay cuồng với những công việc không tên và có tên. Văn chương ngỡ phải xếp lại để nhường cho những lo âu thường nhật. Nhưng lạ thay, khi chị càng chị dìm đam mê ấy xuống thì nó càng dội lên như sóng mùa biển động. Chị kiên nhẫn đợi đến ngày con cứng cáp, để quyết định đi học trở lại. Nhưng vì ngày trước chị bỏ học nửa chừng, nên nay sự học lại phải bắt đầu từ đầu. Nhưng chị không ngại. Chị cũng không nản. Điểm thi đại học bị chấm sai, chị làm đơn gửi Bộ GD&ĐT để yêu cầu phúc tra. Kết quả là chị tiếp tục bước chân vào giảng đường đại học. Trường học cách nhà cả trăm cây số. Hàng tuần đi học xa nhà, thương con như xát muối trong lòng. Nhưng chị không đành lòng ở nhà quanh quẩn với việc nội trợ. Chị muốn học để mở mang đầu óc. Học để có cơ hội đọc nhiều hơn. Càng học càng thấy mình phải học, phải đọc thật nhiều nữa.
Chị kể: Vào đại học lần nữa là một bước ngoặt quan trọng của tôi. Gian khổ, vất vả… nhưng sự thỏa chí, niềm say mê đã cho tôi sức mạnh. Học, và vẫn nung nấu, mong mỏi sẽ có ngày lại Viết. Viết gì? Tôi không xác định thật chắc chắn, cụ thể, vì rằng nếu viết được cái gì cũng đều tốt cả, chỉ biết rằng nếu muốn viết gì đi nữa, thì cũng phải học, phải đọc đã.
Năm 2001, Hồ Thị Ngọc Hoài chính thức tốt nghiệp đại học, về dậy cấp ba tại  quê nhà  - huyện Tân Kỳ. Năm 2002, chị mạnh dạn gửi truyện ngắn đến báo Văn nghệ.  Chị bảo không hiểu sao khi đó mình liều thế. Vì mình mới chỉ tập tọng viết, nào biết đã biết ra ngô ra khoai. Nhưng chị thích cảm giác được thử thách. Và chị chọn Tuần báo Văn nghệ. Truyện ngắn (đã mất bản thảo) viết tiếp sau hai truyện ngắn in trên Tiền Phong Chủ Nhật, được Trưởng ban văn xuôi Báo Văn Nghệ - nay đã nghỉ hưu là nhà văn Trần Huy Quang khen nhưng không thấy được đăng. Năm 2006, chị gửi truyện ngắn đến báo Văn nghệ dự thi. Nhà văn Dạ Ngân sau khi đọc truyện của chị, đã viết thư khen và góp ý chỉnh sửa, đó chính là Thung Lam, tác phẩm sau đó đã đoạt giải nhất cùng với truyện ngắn Buổi sáng biến mất của Ngô Phan Lưu.
Chị bảo, lá thư của nhà văn Dạ Ngân đến giờ chị vẫn giữ, chị khắc ghi cái tâm của nhà văn kể từ đó. Chuyển nhà từ Tân Kỳ, Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh, rất nhiều thứ chị bỏ lại, riêng lá thư của nhà văn Dạ Ngân, chị vẫn mang theo bên mình.
Nhớ lại hôm nghe tin đoạt giải nhất, chị kể: “Lúc đó mừng đến nỗi Hoài cứ nhảy lưng tưng, lưng tưng như trẻ nhỏ - một cảm giác chưa từng có”.
Chị thừa nhận, mình chịu áp lực sau giải thưởng này, áp lực phải viết hay hơn. Nhưng đó là điều thực sự khó, nhất là với người mới viết như chị. Không biết có phải vì thế mà chị quyết tâm ẩn mình đi?
Chị bảo, là đàn bà, chỉ riêng chuyện con cái thôi mà đã không đủ thời gian, nên không thể chuyên tâm cho văn chương. Rồi còn công việc giảng dậy nữa. Ngày đứng lớp, tối về chong chong soạn giáo án. Mà chị thì cầu toàn, không thể làm việc gì quấy quá, qua loa được. Nhưng cầu toàn quá thì chỉ mình vất vả, chỉ mình phải chịu khổ, chịu thiệt thòi thôi. Chị tâm sự, cuộc sống nhiều cái làm cho mình thấy nản, ngay cả chuyện văn chương thời nay đây đó cũng có khi bị đối xử bạc bẽo. Những tác phẩm đích thực thì chìm khuất, mà những thứ ồn ào, thị phi ngoài văn học thì hình như đang “quá đà”. Chị bảo những chiêu trò "khua chiêng gõ mõ" hiện nay làm cho đời sống văn học loạn cả lên, người đọc khó tìm thấy "châu ngọc". Chứng kiến những chuyện ấy, thử hỏi không nản làm sao được. Nên chị lặng lẽ làm người quan sát.
Gia đình chị rời Tân Kỳ vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Và chị vừa lưu luyến nghề dạy học, vừa muốn thay đổi, trải nghiệm "vị trí" mới nên đã dùng dằng, chùng chình. Thay đổi một nghề mình đã từng yêu nó, từng gắn bó với nó, thay đổi môi trường sống mà từ bé đến lớn, mình đã thuộc từng gốc cây, ngã rẽ - điều này khiến bản thân chị cũng có lúc hoang mang không biết ngày mai sẽ ra sao.
Chị muốn một sự thay đổi. Phải thay đổi. Ngay cả trong văn chương cũng phải thế. Chị muốn có thêm những cơ hội để trải nghiệm, để được đọc nhiều, viết nhiều, và cũng còn vì cả chuyện kiếm sống nữa. Đó sẽ là thực tế quý giá cho các trang viết của chị.
Thực tế mà chị chấp nhận trả giá, chứ không phải là một thứ thực tế ngồi mơ  mộng tưởng tượng bên trang viết. Chị muốn hiểu đời sống ở tầng sâu của nó, trong mọi hoàn cảnh. Vì thế chị có thêm một lần từ bỏ sự ổn định.
Giờ chị đã là một người đàn bà tuổi bốn mươi. Càng ngày chị càng thấm thía lời nhắc nhở của bậc tiền nhân: sống đã rồi hãy viết. Có nhiều người trải nghiệm nhiều nhưng họ không cầm bút. Còn người cầm bút đôi khi cuộc sống của họ lại quá đơn điệu. Nhưng muốn đi dài với nghề này, nhất định phải có nhiều trải nghiệm, nhiều vốn sống. Hãy thu nạp thực nhiều cho mình rồi hãy viết cũng không muộn. Việc nóng vội là tuyệt nhiên không được. Cái gì nóng vội cũng không được, với văn chương thì lại càng không.
Nhìn lại hành trang văn chương khá khiêm tốn của mình: chừng hơn 10 truyện ngắn đã đăng các báo Văn nghệ, Tiền phong, Tạp chí Văn nghệ quân đội… Một vài truyện ngắn còn nằm ở dạng bản thảo, bởi vậy Hồ Thị Ngọc Hoài không tự tin lắm về việc ra một tập truyện ngắn của mình. Không phải ai cũng đủ sự tỉnh táo khi nhìn nhận về mình – như chị. Sự thẳng thắn của chị khiến ai ngồi trò chuyện với chị cũng có cảm giác dễ gần, dễ than thiết.
Chị nói thẳng: Trước truyện ngắn Thung Lam, chị rất "mờ mịt" về tình hình văn chương lúc bấy giờ, dù khi đó đã có 2 truyện đăng trên Tiền phong. Bút danh của chị cho truyện ngắn đầu tiên trên báo Tiền Phong là Hoài Ngọc - cũng là bởi vì chị ngại có người nhận ra mình giữa đời thường, nên chị không kí tên thật là Hồ Thị Hoài. Khi đó chị còn đầy vô tư hồn nhiên để bắt đầu một câu chuyện.
Hồ Thị Ngọc Hoài kể: Thung Lam được viết trong một lúc xuất thần. Viết rất nhanh. Viết xong đọc lại, sửa sang, cũng bị “buốt óc”. Bây giờ chị thèm sức sáng tạo "chiến đấu" được như thế.
*
Lặng im, khước từ hào quang của một giải thưởng văn chương danh giá, chị dặn mình phải tự nghiêm khắc hơn. Chị chấp nhận im lặng cho một cơn sóng mới sẽ đến.Vì mọi thứ với chị vẫn chỉ là sự khởi đầu. Niềm đam mê văn chương của chị vẫn còn nguyên vẹn đó, cồn cào từng ngày từng giờ. Vì chuyện cơm áo gạo tiền, văn chương có thể tạm lui bước, nhưng rồi sẽ có ngày nó xuất hiện như xoáy, như lốc.
Từng có người khuyên chị vứt đam mê văn chương đi sống cho nhẹ lòng. Nhưng tự chị hiểu, văn chương đã là một phần đời sống của chị. Văn chương giúp chị được sống nhiều hơn. Với chị, điều ấy đã là quá nhiều rồi. 
Tôi biết ơn những gì mình đã trải qua. Cả những đau khổ! Thật sợ khi những đau khổ đến với mình, nhưng khi đã vượt qua nó rồi thì quả như một nhà văn đã nói: “Đau khổ là tài sản”, và “Chỉ bàng sự đau khổ chúng ta mới học yêu mến cuộc đời”. Thật đúng! Nhà văn là người nói hộ cho chúng ta rất nhiều. Ta thấy mình được hiểu, và có thêm sức mạnh.
Ai cũng đi tìm sức mạnh cho mình. Ai cũng có thể cùng lúc bằng nhiều cách để thu nhận được nhiều sức mạnh. Sức mạnh từ văn chương? Tìm đến văn chương? Tất nhiên rồi! Ai mê say cái gì thì sẽ tìm thấy sức mạnh ở đó.
PHONG ĐIỆP
Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ