Một tác giả trẻ, sau khi liên tục đoạt giải tại các cuộc thi văn chương “tiết lộ”: các nhà sách còn đưa sẵn tiền đặt hàng anh. Anh viết gì họ cũng sẵn sàng in. Điều đó cũng dễ hiểu. Sau cuộc thi, người đoạt giải được cấp một “bằng chứng nhận” chất lượng. Báo Tết đặt hàng. Nhà sách đặt hàng. Truyền hình cũng đặt lịch phỏng vấn, mời tọa đàm…Người viết bỗng dưng thành “người của công chúng”, dù muốn hay không.
Thế nên cái sự lặng lẽ biến mất của
Hồ Thị Ngọc Hoài khiến không ít người ngỡ ngàng, và lấy làm tiếc. Vì dường như
chị đang đáng rơi mất cơ hội vàng ngọc của mình.
Trong sự luyến tiếc ấy, có người tự
hỏi: Hồ Thị Ngọc Hoài bây giờ ở đâu?
Thực ra Hồ Thị Ngọc Hoài không biến
mất. Chị chọn cho mình một góc lặng lẽ. Lặng lẽ sống, lặng lẽ chiêm nghiệm và
lặng lẽ viết - chậm. Người sống quanh chị chỉ biết chị là một cô giáo dậy văn
yêu trẻ.
Số phận của Hồ Thị Ngọc Hoài khá lạ.
Mê văn chương từ những ngày còn trên ghế nhà trường, chị cũng âm thầm thử viết
rồi cất biệt đi. Nhưng số phận chị không xuôi chèo mát mái. Đang học đại học,
chị bỗng quyết định bỏ ngang, ở nhà lấy chồng sinh con. Phụ nữ phàm đã có gia
đình, thì những chuyện con cái, nội trợ chi phối khá nhiều thời gian. Hồ Thị
Ngọc Hoài cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cả ngày quay cuồng với những công
việc không tên và có tên. Văn chương ngỡ phải xếp lại để nhường cho những lo âu
thường nhật. Nhưng lạ thay, khi chị càng chị dìm đam mê ấy xuống thì nó càng
dội lên như sóng mùa biển động. Chị kiên nhẫn đợi đến ngày con cứng cáp, để
quyết định đi học trở lại. Nhưng vì ngày trước chị bỏ học nửa chừng, nên nay sự
học lại phải bắt đầu từ đầu. Nhưng chị không ngại. Chị cũng không nản. Điểm thi
đại học bị chấm sai, chị làm đơn gửi Bộ GD&ĐT để yêu cầu phúc tra. Kết quả
là chị tiếp tục bước chân vào giảng đường đại học. Trường học cách nhà cả trăm
cây số. Hàng tuần đi học xa nhà, thương con như xát muối trong lòng. Nhưng chị không
đành lòng ở nhà quanh quẩn với việc nội trợ. Chị muốn học để mở mang đầu óc.
Học để có cơ hội đọc nhiều hơn. Càng học càng thấy mình phải học, phải đọc thật
nhiều nữa.
Chị kể: Vào đại học lần nữa là một
bước ngoặt quan trọng của tôi. Gian khổ, vất vả… nhưng sự thỏa chí, niềm say mê
đã cho tôi sức mạnh. Học, và vẫn nung nấu, mong mỏi sẽ có ngày lại Viết. Viết
gì? Tôi không xác định thật chắc chắn, cụ thể, vì rằng nếu viết được cái gì
cũng đều tốt cả, chỉ biết rằng nếu muốn viết gì đi nữa, thì cũng phải học, phải
đọc đã.
Năm 2001, Hồ Thị Ngọc Hoài chính
thức tốt nghiệp đại học, về dậy cấp ba tại quê nhà - huyện Tân Kỳ.
Năm 2002, chị mạnh dạn gửi truyện ngắn đến báo Văn nghệ. Chị bảo không
hiểu sao khi đó mình liều thế. Vì mình mới chỉ tập tọng viết, nào biết đã biết
ra ngô ra khoai. Nhưng chị thích cảm giác được thử thách. Và chị chọn Tuần báo
Văn nghệ. Truyện ngắn (đã mất bản thảo) viết tiếp sau hai truyện ngắn in trên
Tiền Phong Chủ Nhật, được Trưởng ban văn xuôi Báo Văn Nghệ - nay đã nghỉ hưu là
nhà văn Trần Huy Quang khen nhưng không thấy được đăng. Năm 2006, chị gửi
truyện ngắn đến báo Văn nghệ dự thi. Nhà văn Dạ Ngân sau khi đọc truyện của
chị, đã viết thư khen và góp ý chỉnh sửa, đó chính là Thung Lam, tác
phẩm sau đó đã đoạt giải nhất cùng với truyện ngắn Buổi sáng biến mất
của Ngô Phan Lưu.
Chị bảo, lá thư của nhà văn Dạ Ngân
đến giờ chị vẫn giữ, chị khắc ghi cái tâm của nhà văn kể từ đó. Chuyển nhà từ
Tân Kỳ, Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh, rất nhiều thứ chị bỏ lại, riêng lá thư của
nhà văn Dạ Ngân, chị vẫn mang theo bên mình.
Nhớ lại hôm nghe tin đoạt giải nhất,
chị kể: “Lúc đó mừng đến nỗi Hoài cứ nhảy lưng tưng, lưng tưng như trẻ nhỏ -
một cảm giác chưa từng có”.
Chị thừa nhận, mình chịu áp lực sau
giải thưởng này, áp lực phải viết hay hơn. Nhưng đó là điều thực sự khó, nhất
là với người mới viết như chị. Không biết có phải vì thế mà chị quyết tâm ẩn
mình đi?
Chị bảo, là đàn bà, chỉ riêng chuyện
con cái thôi mà đã không đủ thời gian, nên không thể chuyên tâm cho văn chương.
Rồi còn công việc giảng dậy nữa. Ngày đứng lớp, tối về chong chong soạn giáo
án. Mà chị thì cầu toàn, không thể làm việc gì quấy quá, qua loa được. Nhưng
cầu toàn quá thì chỉ mình vất vả, chỉ mình phải chịu khổ, chịu thiệt thòi thôi.
Chị tâm sự, cuộc sống nhiều cái làm cho mình thấy nản, ngay cả chuyện văn
chương thời nay đây đó cũng có khi bị đối xử bạc bẽo. Những tác phẩm đích thực
thì chìm khuất, mà những thứ ồn ào, thị phi ngoài văn học thì hình như đang
“quá đà”. Chị bảo những chiêu trò "khua chiêng gõ mõ" hiện nay làm cho
đời sống văn học loạn cả lên, người đọc khó tìm thấy "châu ngọc".
Chứng kiến những chuyện ấy, thử hỏi không nản làm sao được. Nên chị lặng lẽ làm
người quan sát.
Gia đình chị rời Tân Kỳ vào sinh
sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Và chị vừa lưu luyến nghề dạy học, vừa muốn
thay đổi, trải nghiệm "vị trí" mới nên đã dùng dằng, chùng chình.
Thay đổi một nghề mình đã từng yêu nó, từng gắn bó với nó, thay đổi môi trường
sống mà từ bé đến lớn, mình đã thuộc từng gốc cây, ngã rẽ - điều này khiến bản
thân chị cũng có lúc hoang mang không biết ngày mai sẽ ra sao.
Chị muốn một sự thay đổi. Phải thay
đổi. Ngay cả trong văn chương cũng phải thế. Chị muốn có thêm những cơ hội để
trải nghiệm, để được đọc nhiều, viết nhiều, và cũng còn vì cả chuyện kiếm sống
nữa. Đó sẽ là thực tế quý giá cho các trang viết của chị.
Thực tế mà chị chấp nhận trả giá,
chứ không phải là một thứ thực tế ngồi mơ mộng tưởng tượng bên trang
viết. Chị muốn hiểu đời sống ở tầng sâu của nó, trong mọi hoàn cảnh. Vì thế chị
có thêm một lần từ bỏ sự ổn định.
Giờ chị đã là một người đàn bà tuổi
bốn mươi. Càng ngày chị càng thấm thía lời nhắc nhở của bậc tiền nhân: sống đã
rồi hãy viết. Có nhiều người trải nghiệm nhiều nhưng họ không cầm bút. Còn
người cầm bút đôi khi cuộc sống của họ lại quá đơn điệu. Nhưng muốn đi dài với
nghề này, nhất định phải có nhiều trải nghiệm, nhiều vốn sống. Hãy thu nạp thực
nhiều cho mình rồi hãy viết cũng không muộn. Việc nóng vội là tuyệt nhiên không
được. Cái gì nóng vội cũng không được, với văn chương thì lại càng không.
Nhìn lại hành trang văn chương khá
khiêm tốn của mình: chừng hơn 10 truyện ngắn đã đăng các báo Văn nghệ, Tiền
phong, Tạp chí Văn nghệ quân đội… Một vài truyện ngắn còn nằm ở dạng bản thảo,
bởi vậy Hồ Thị Ngọc Hoài không tự tin lắm về việc ra một tập truyện ngắn của
mình. Không phải ai cũng đủ sự tỉnh táo khi nhìn nhận về mình – như chị. Sự
thẳng thắn của chị khiến ai ngồi trò chuyện với chị cũng có cảm giác dễ gần, dễ
than thiết.
Chị nói thẳng: Trước truyện ngắn Thung
Lam, chị rất "mờ mịt" về tình hình văn chương lúc bấy giờ, dù khi
đó đã có 2 truyện đăng trên Tiền phong. Bút danh của chị cho truyện ngắn đầu
tiên trên báo Tiền Phong là Hoài Ngọc - cũng là bởi vì chị ngại có người nhận
ra mình giữa đời thường, nên chị không kí tên thật là Hồ Thị Hoài. Khi đó chị
còn đầy vô tư hồn nhiên để bắt đầu một câu chuyện.
Hồ Thị Ngọc Hoài kể: Thung Lam được viết trong một lúc xuất thần. Viết rất nhanh. Viết
xong đọc lại, sửa sang, cũng bị “buốt óc”. Bây giờ chị thèm sức sáng tạo "chiến
đấu" được như thế.
*
Lặng im, khước từ hào quang của một
giải thưởng văn chương danh giá, chị dặn mình phải tự nghiêm khắc hơn. Chị chấp
nhận im lặng cho một cơn sóng mới sẽ đến.Vì mọi thứ với chị vẫn chỉ là sự khởi
đầu. Niềm đam mê văn chương của chị vẫn còn nguyên vẹn đó, cồn cào từng ngày
từng giờ. Vì chuyện cơm áo gạo tiền, văn chương có thể tạm lui bước, nhưng rồi
sẽ có ngày nó xuất hiện như xoáy, như lốc.
Từng có người khuyên chị vứt đam mê
văn chương đi sống cho nhẹ lòng. Nhưng tự chị hiểu, văn chương đã là một phần
đời sống của chị. Văn chương giúp chị được sống nhiều hơn. Với chị, điều ấy đã
là quá nhiều rồi.
Tôi biết
ơn những gì mình đã trải qua. Cả những đau khổ! Thật sợ khi những đau khổ đến
với mình, nhưng khi đã vượt qua nó rồi thì quả như một nhà văn đã nói: “Đau khổ
là tài sản”, và “Chỉ bàng sự đau khổ chúng ta mới học yêu mến cuộc đời”. Thật
đúng! Nhà văn là người nói hộ cho chúng ta rất nhiều. Ta thấy mình được hiểu,
và có thêm sức mạnh.
Ai cũng đi
tìm sức mạnh cho mình. Ai cũng có thể cùng lúc bằng nhiều cách để thu nhận được
nhiều sức mạnh. Sức mạnh từ văn chương? Tìm đến văn chương? Tất nhiên rồi! Ai
mê say cái gì thì sẽ tìm thấy sức mạnh ở đó.
PHONG ĐIỆP
Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ
No comments:
Post a Comment