Nhân sự kiện vào trung tuần tháng 3 vừa qua, tại Việt Nam, ấn bản "Lolita" do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp xuất bản đã ra mắt bạn đọc, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về bước thăng trầm của tác giả cũng như tác phẩm độc đáo này...
Luôn nhớ mình là người Nga
Sinh thời, Vladimir Nabokov thường giới thiệu mình:
"Tôi là nhà văn Mỹ gốc Nga, được đào tạo ở Anh, nghiên cứu văn học Pháp và
mười lăm năm sống ở Đức".
Nabokov sinh trưởng trong một gia đình thuộc diện danh gia
thế phiệt. Ông nội của nhà văn - D.N.Nabokov - từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư
pháp dưới thời Hoàng đế Aleksandr II. Ông ngoại của nhà văn là nhà tỷ phú công
nghiệp khai thác vàng Rukavishnikov.
Năm 1918, trước các biến cố chính trị xảy ra tại Nga, chàng
thanh niên 19 tuổi Nabokov đã cùng gia đình sơ tán đến Krưm. Một thời gian sau,
họ quyết định rời nước Nga tới định cư ở Berlin, Đức. Tại đây, Nabokov theo học
Trường Đại học Tổng hợp Kembrizsky. Sau 15 năm lập nghiệp tại Đức, năm 1937, số
phận lại một lần nữa thử thách Nabokov cùng gia đình ông. Nabokov cùng vợ con
chuyển sang sống tại Paris, Pháp. Nhưng họ cũng chỉ "yên vị" ở đây
được vẻn vẹn chưa đầy 3 năm. Năm 1940, trước khi những đơn vị quân đội đầu tiên
của Đức phát xít tiến vào Paris, Nabokov đã kịp đưa cả gia đình di cư sang Mỹ.
Năm 1945, Nabokov chính thức nhập quốc tịch Mỹ. Trong gần 20 năm sống tại Mỹ,
Nabokov vừa dạy học, vừa viết văn. Một thời gian, ông là cán bộ nghiên cứu tại
Bảo tàng động vật học ở Đại học Harvard, với công việc trực tiếp là tham gia
thiết kế các bộ sưu tập bướm (sưu tập bướm là một thú đam mê suốt đời của
Nabokov).
Theo tiết lộ của ông Dmitry Nabokov - con trai Vladimir
Nabokov, sinh thời, bố ông thường hay đau đớn nhắc tới "ba bi kịch"
của đời mình: Đó là tuổi thơ ly loạn; cái chết bi thảm của thân phụ ở Berlin
(năm 1922) bởi bàn tay của những người theo chủ nghĩa quân chủ Nga tại hải
ngoại; và việc không được sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ khi bắt đầu di cư sang Mỹ
(trong 20 năm sống ở Mỹ, nhà văn không thể sáng tác bằng tiếng Nga vì ở đây
không có độc giả đọc tiếng Nga). Bản thân Nabokov, trong lời mở đầu tiểu thuyết
"Những bến bờ khác" cũng đã viết những dòng xa xót: "Năm 1940
tôi quyết định chuyển sang viết bằng tiếng Anh. Điều đáng nói là trước đó,
trong 15 năm trời, tôi sáng tác bằng tiếng Nga và đã ghi được những dấu ấn đáng
kể bằng thứ "công cụ" này. Phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ, tiếng của Pushkin,
Tolstoy là một sự đau đớn đối với tôi".
Mặc dù trong sáng tác, Nabokov đã phải "đoạn
tuyệt" với tiếng Nga, song ông vẫn giữ mối liên hệ với cố quốc bằng việc
nhận giảng dạy văn học Nga tại một số trường đại học ở Mỹ cũng như chuyển ngữ
những tác phẩm của mình ra… tiếng Nga.
Những năm cuối đời, Nabokov sống ở Thụy Sĩ. Trước khi mất,
trong một cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nữ sĩ Nga Bella Akhmadulina khi bà đến
thăm ông tại nhà riêng, Nabokov đã thổ lộ nỗi lòng: "Tôi tiếc là đã không
ở lại nước Nga". Nghe nhà văn thốt lên câu cảm thán này, vợ ông - bà Vera
- đã nhắc lại cho ông nhớ "bối cảnh lịch sử rất phức tạp" khi ông
buộc phải rời quê hương. Nabokov như không đoái hoài tới lời phân tích ấy, ông
nói: "Biết đâu ở lại, tôi có thể sẽ trở thành một tác giả hoàn toàn khác,
và hay hơn bây giờ nhiều".
Mặc dù thời gian sống, gắn bó với nước Nga không nhiều (chỉ
20 năm đầu đời), song trong tâm tưởng, không lúc nào Nabokov không hướng tới
nước Nga, không nhớ mình là một người Nga. Tình cảm ấy đã được ông đúc kết
trong một nhận xét: "Đầu tôi nói bằng tiếng Anh, tai tôi nghe bằng tiếng
Pháp nhưng trái tim tôi nói bằng tiếng Nga!".
Vượt lên sự "gợi dục"
Có thể nói, "Lolita" là một hiện tượng bất thường
vào loại bậc nhất của văn chương thế giới thế kỷ XX. Tác phẩm bị nhiều nhà xuất
bản từ chối! Mặc dù được viết bằng tiếng Anh nhưng tại thời điểm tác phẩm ra
đời, nó "khó đọc" và không được chấp nhận ngay cả ở Mỹ (có một công
ty nhận xuất bản cuốn sách nếu tác giả đồng ý biến Lolita từ một cô bé thành
một cậu con trai - có lẽ đồng tính luyến ái dễ được chấp nhận hơn?). Nabokov đã
phải gửi bản thảo sang Pháp và được xuất bản tại đây lần đầu tiên vào năm 1955
bởi một tờ báo khiêu dâm.
Một thời gian sau "Lolita" được in ở Mỹ
Với nội dung chủ yếu mang tính khảo sát trí óc của một kẻ
dâm ô với một bé gái 12 tuổi, cuốn tiểu thuyết của Nabokov đã gây tranh cãi gay
gắt trong công luận. Trong lời bạt cho một bản sách ra mắt bạn đọc vào năm
1956, Nabokov không giấu việc cuốn sách của ông nhận được nhiều lời lên án. Tuy
nhiên, bất chấp những giả định người ta đặt ra cho "Lolita", Nabokov
tuyên bố ông không đưa ra bất cứ một thông điệp đạo đức nào mà chỉ muốn độc giả
tự thưởng thức câu chuyện và rút ra những bài học từ chính nhận thức của mình.
"Đa số độc giả sẽ chán ngấy, thậm chí cảm thấy buồn nôn
khi đọc cuốn sách" - Một bài viết trên Tạp chí Providence Journal đưa ra
nhận xét. Đại bách khoa toàn thư của Liên Xô gọi "Lolita" là
"một thử nghiệm kết hợp tiểu thuyết khiêu dâm với tiểu thuyết đạo
đức". Một số ý kiến ôn hòa hơn cho cuốn tiểu thuyết là "tiếng nói đại
diện cho thời đại nữ quyền nổi lên ở phương Tây hồi thập niên 50".
Dù còn ý kiến, quan điểm này khác song không thể phủ nhận
một thực tế, kể từ lần xuất bản đầu tiên cho tới nay, tiểu thuyết
"Lolita" đã tiêu thụ được trên 50 triệu bản. Cuốn sách cũng được tái
bản rất nhiều lần (trong đó có kỷ lục được tái bản chỉ sau… 4 ngày). Tác phẩm
cũng được dựng thành phim, đem về cho tác giả của nó danh vọng và tiền bạc. Hẳn
từ đây, sẽ có người phải ngẫm lại rằng, lẽ nào chỉ với nội dung "khiêu
dâm" thôi mà một cuốn sách gặt hái được nhiều vinh quang đến thế?
Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, "Lolita"
không thuần túy là một tác phẩm gợi dục. Nó đã rất xuất sắc trong việc lột tả
một cách chi tiết, tinh vi tâm lý của con người. Đặc biệt, nó thể hiện một khả
năng sử dụng ngôn ngữ trác tuyệt của tác giả. Riêng ở nước Nga, nơi chôn nhau
cắt rốn của Nabokov, nhiều độc giả trẻ đã đón nhận cuốn sách với một thái độ hồ
hởi, và họ đã có một nhận xét xác đáng rằng: "Nabokov là nhà văn biết ca
ngợi tình yêu thể xác một cách kỳ diệu".
Những kiệt tác suýt bị… tiêu hủy
Ngày nay, mấy chữ "Lolita" có thể gợi lên trong
đầu người đọc, người xem ý niệm về một thiếu nữ tuổi "teen" gợi dục
quá độ. Thật ra, khi đặt bút viết "Lolita", tác giả không bao giờ có
ý định tạo ra cho độc giả sự liên tưởng ấy. Từng có lúc, Nabokov đã hoang mang,
thậm chí ông "sợ hãi" chính mình. Theo người thân của nhà văn kể
rằng, Nabokov từng "hỏa thiêu" bản thảo vì… kinh sợ, vì quá mệt mỏi
với việc phải đấu tranh với các nhà xuất bản xung quanh việc có nên đưa hình
một cô gái ít tuổi như vậy lên trang bìa cuốn sách hay không. Chính bà vợ Vera
đã cứu được bản thảo "Lolita" từ đống lửa, nhờ đó mà
"Lolita" mới có cơ hội xuất chiêu ra với thế giới vào năm 1955.
Giống như "Lolita", cuốn tiểu thuyết chưa có phần
kết được Nabokov chấp bút vào năm 1975 (mang tên "Laura và nguyên
mẫu") cũng có số phận đặc biệt. Trước khi qua đời, nhà văn đã viết di chúc
yêu cầu vợ con hủy bản thảo bởi lý do ông viết chưa xong. Nabokov không thể yên
lòng khi để "độc giả đọc cuốn sách mới có trong đầu mà chưa được viết ra
giấy". Tuy nhiên, di chúc thì di chúc vậy, người con trai Dmitry Nabokov
đã làm trái ý thân phụ mình. Ông này đã giữ bản thảo cuốn tiểu thuyết dở dang
ấy suốt 32 năm. Cũng có lúc ông muốn đốt tập bản thảo "Laura" để
tránh mọi sự tranh cãi như đối với trường hợp tiểu thuyết "Lolita"
trước đấy, nhưng rồi ông thay đổi ý định và vì lẽ đó, tác phẩm đã được ra mắt
bạn đọc (sách được xuất bản lần đầu vào tháng 11/2009 tại New York, Mỹ).
Mặc dù cuốn tiểu thuyết còn ở tình trạng dở dang, nhưng có
lẽ vì thấu hiểu nỗi lo lắng của tác giả quá cố, các nhà làm sách đã cho in trọn
vẹn bản thảo, không hiệu đính và viết thêm để kết thúc câu chuyện. Đây cũng là
một "ca" lạ trên văn đàn thế giới.
Hà Ngọc Tường
No comments:
Post a Comment