Trang

Saturday, April 14, 2012

KHẮC KHOẢI PHẬN NGƯỜI TRONG THƠ TRƯƠNG ĐĂNG DUNG

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
(Trịnh Công Sơn)
 
 Đấy là nỗi khắc khoải của chủ thể - ngôi thứ nhất - là "ta", là "tôi", là "anh" - các biến thể khác nhau của một cái tôi trữ tình nhất quán trong tập thơ.
Ta là ai? Ta đang ở đâu? Ta sẽ về đâu? - những câu hỏi tưởng rất cũ, rất nhàm, từng làm bận trí nhân loại từ bao đời nay, vậy mà vẫn không thôi khiến những con người cả nghĩ day dứt. Người đời đã trả lời những câu hỏi ấy bằng triết học, âm nhạc, bằng văn chương, trong đó, rất nhiều bằng thơ ca, và Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung là một trường hợp trong số đó.

Ý thức về sự tồn sinh trước hết gắn với sự thức nhận về tương quan giữa tôi với tha nhân. Nói cách khác, qua tha nhân để xác nhận sự tồn tại của mình. Chỉ có qua cái nhìn, cảm xúc, thái độ và sự tri nhận của người khác, ta mới biết ta đã thực sự có mặt trên cõi đời này.
Làm thơ, người ta rất cần có đối tượng để giãi bày cảm xúc. Thường, đối tượng trữ tình ấy là em. Trong thơ tình đã đành, ngay cả trong thơ chính trị, thơ công dân, em - phiếm - chỉ - đa - năng ấy vẫn không hề vắng mặt.

Trong 25 bài của tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng, 12 bài có hình ảnh em. Cũng có thể xem đây là những bài thơ tình. Nói đến tình yêu là nói đến nhục cảm. Thơ Trương Đăng Dung cũng không vắng bóng nhục cảm, có điều, chúng được biểu đạt bằng một thứ ngôn từ đầy ẩn nghĩa:

Anh chiếm chỗ bóng đêm

cơ thể lún sâu đến kiệt sức
những khoảnh khắc trong đêm
sâu lắng và bí ẩn.
Bóng đêm chạy trốn
Thủy triều lên từng đợt, từng đợt
Bãi cát mịn mượt mà dâng hiến
(Anh chiếm chỗ bóng đêm)
Anh nằm nghe trong em
muôn giọt hồng tíu tít
của anh và của em
rủ nhau làm sự sống
trong phút giây diệu huyền.
(Ánh sáng này...)

Tuy nhiên, cảm xúc tình yêu vẫn không phải là mạch chính trong thơ Trương Đăng Dung. Với những bài thơ có hình ảnh em, độc giả sẽ không tìm thấy những rung động đầu đời, những hò hẹn, đợi chờ, nhớ thương, hờn giận... Em hiện diện trong thơ là để anh biết rằng anh đã từng có thật trên đời:
Anh nhìn vào mắt em
thấy hình anh ở đó
Nếu mắt em khép lại
ảnh hình kia chỉ còn lại trong em
(Ảo ảnh)

Chính vì thay những cảm xúc quen gặp trong thơ tình bằng suy cảm đầy màu sắc triết học, thơ Trương Đăng Dung thường có cách khai tứ theo một hướng khá bất ngờ. Anh chiếm chỗ bóng đêm là một trường hợp như thế. Bài thơ có thi đề lạ và gợi chất diễm tình. Bóng đêm đã từng ôm ấp em. Yêu em, mỗi lần anh chiếm chỗ bóng đêm là mỗi lần được giao hòa tuyệt đối, giữa em và anh không còn khoảng cách. Với thi đề như thế, bài thơ có thể được triển khai bằng những rung cảm, những hình ảnh đầy tính lãng mạn. Vậy nhưng, sau những dòng thơ ít nhiều nhuốm màu nhục cảm, cái thi vị của tình yêu bỗng nhường chỗ cho những suy tư triết lí:

Có phải chúng ta

đang bị tự nhiên lừa
để kéo dài sự sống?
anh vẫn muốn bị lừa
để chiếm chỗ bóng đêm
để có em vĩnh viễn!
(Anh chiếm chỗ bóng đêm)

Tuyệt đỉnh của tình yêu là tình tự, ái ân. Câu chuyện ấy chưa bao giờ vơi trong nguồn thi hứng của nhân loại. Vật chứng cho ta thấy "hiện trường" sau phút ân ái của một cặp tình nhân (hay vợ chồng?). "Hiện trường" ấy sẽ là thi liệu rất đắt cho kiểu thơ tình thuần túy. Với Trương Đăng Dung, độc giả sẽ không tìm thấy ở đây những cảm giác ngất ngây, những mê đắm cuồng nhiệt. Cũng không có cái khoảng lặng đằng sau khoái lạc. Cô gái nào đây hẳn sẽ rất thất vọng khi biết cái dụng ý bất ngờ, có phần kì dị sau những lời khẩn cầu của người tình:
Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi
cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng

Anh cần vật chứng
trước thời gian.
Những tưởng em đừng xếp lại chăn, đừng chải lại tóc, đừng tô lại môicứ để nguyên áo quần trên ghế để anh kéo dài, tận hưởng thêm cái dư vị của ái ân. Nào ngờ, tất cả những nồng nàn mà em dành cho anh, rốt cuộc chỉ đóng vai trò là một thứ... vật chứng, nhằm xác nhận rằng anh đã tồn tại. Vâng, anh trong em nghĩa là anh tồn tại! Đây hoàn toàn không phải là thơ triết lí về tình yêu, ngược lại, mượn tình yêu để triết lí. Ngỡ được đọc thơ của một tâm hồn đa tình, hóa ra lại gặp thơ của một con người trĩu nặng suy tư.

Với con người thích đắm mình vào những suy tư về lẽ hiện tồn thì, không chỉ em, mà cả ngoại giới cũng chỉ là những vật chứng. Trời xanh, hoa cỏ, núi non, trăng sao, sông suối, lâu đài, thành quách... đều là những gì đã tồn tại, và, nhờ nhận biết về chúng, anh biết rằng anh đã tồn tại. Có lẽ không phải vô tình, trong tập thơ này, những hình ảnh thơ gắn với sự tri giác của chủ thể về thế giới ngoại tại xuất hiện với mật độ khá cao (những chữ in đậm do tôi nhấn mạnh): Anh thấy những đám mây di chuyển; Anh thấy những đám mây ngày một bạc màu; Anh không thấy thời gian trôi; Em nhìn anh và anh nhìn dòng sông; Anh nghe bóng đêm tan trên cơ thể em; Anh cảm nhận thời gian qua từng giọt nước; Anh không biết dòng sông trôi về đâu; Anh không còn nhớ nữa hôm nay; Anh đã thấy những người dị dạng; Anh đã thức nhiều đêm chờ đợi; Khi ta ngước mắt nhìn trời xanh; Khi ta cúi xuống nhìn mặt đất; Khi ta nghĩ đến những miền xa; Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054... Thoạt nhìn, cứ tưởng cách sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động của tri giác như vậy trong thơ là chuyện thường tình, nhưng nếu đọc kĩ tập thơ, ta sẽ thấy dụng tâm riêng của tác giả. Dường như mọi hình ảnh được khắc họa, miêu tả, luôn gắn với sự tri nhận của chủ thể, và tất cả đều theo nguyên lí: khi con người đưa ngón tay chỉ vào ngoại giới thì đồng thời cũng là tự trỏ vào mình để xác quyết sự hiện diện của bản thân. Những câu hỏi ngơ ngác kiểu Trang Chu ở bài thơ Trên đồi Vọng Cảnh:

Em nhìn anh và nhìn dòng sông

anh có thực và dòng sông có thực,
anh nhìn em và nhìn dòng sông
em có thực hay dòng sông có thực?
chính là một cách nhận biết ta thông qua ngoại giới. Dòng sông ấy có thực, nghĩa là anh và em có thực. Vậy nên:
Anh sợ đến một ngày
dòng sông ngừng trôi
đất khô cứng,
những giọt buồn hóa đá,
anh sợ đến một ngày
hồn anh từ cõi lạ
trở về đây mà không có dòng sông

thì đó không phải là sự tiếc nuối một vẻ đẹp của thiên nhiên đã mất, mà chính là nỗi sợ cố hữu, thường trực: sông không còn, lấy gì làm vật chứng về chuyện ta đã từng là một kiếp phù du trên dòng vô tận của thời gian?

Với một hồn thơ luôn khắc khoải về lẽ tồn sinh, thì sự nhạy cảm về thời gian là một tất yếu. Ý thức của con người về tồn tại luôn gắn với những cảm nhận về không gian và thời gian. Nếu trong thơ trung đại, thời gian của tiểu vũ trụ (cá thể) hài hòa với thời gian của đại vũ trụ (trời đất) theo nguyên lí thiên nhân hợp nhất, thì trong thơ hiện đại, thời gian của đời ngườithời gian của thiên nhiên là hai phạm trù khác biệt. Những ám ảnh về thời gian (cũng là ám ảnh về sự ngắn ngủi của kiếp người) trong thơ Xuân Diệu chẳng hạn, chính là ý thức về sự đối nghịch giữa hai "đại lượng" thời gian ấy.

Đúng là Trương Đăng Dung không nói đến thứ thời gian tồn tại khách quan, ngược lại, ông quan tâm thời gian ở trong máu, không lời; ẩn mình trong khóe mắt làn môi, là "thời gian bên trong con người" như nhận xét của Đỗ Lai Thúy. Cảm nhận thời gian bằng sự hao khuyết của đời mình như thế thì khác gì xem thời gian cũng là vật chứng. Nhưng bên cạnh đó, còn một thứ thời gian được thể hiện bằng cái nhìn đậm màu siêu thực:
- Có thể em quên rằng
anh đã gặp em
hai mươi ba ngàn năm về trước
- Anh cảm nhận thời gian qua
từng giọt nước
hai mươi ba ngàn năm
trong giọt nước mắt này,
giọt nước của ngày xưa
còn lại đến hôm nay
- Anh không biết dòng sông
trôi về đâu
bốn mươi sáu ngàn năm nữa
(Có thể)
- Em chưa đến ngày chưa tỏa sáng
sông mênh mang nỗi nhớ một con đò
núi lặng lẽ đứng chờ bóng đổ
ba mươi năm hay ba triệu năm rồi.
(Ba mươi năm hay ba triệu năm rồi)
- Tôi không thể quên
một ngày tháng Năm năm 1054
tôi với anh đã nhìn thấy mặt trời
ngày ta sinh
là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
(Những kỉ niệm tưởng tượng)

Hóa ra, những niên đại cụ thể theo qui ước của con người nào có nghĩa lí gì. Mấy trăm, mấy ngàn năm chẳng là gì giữa hai cực vô thủy - vô chung. Do vậy, chỉ có thời gian vĩnh hằng mới đủ thẩm quyền xác nhận rằng, ta đã từng là một khoảnh khắc trên dòng vô tận ấy.

Ý thức về lẽ tồn sinh cũng chính là ý thức về thân phận. Không chỉ là thân phận của tôi, của em, của chị, của anh, mà là phận người. Cái phận người ấy mới nhỏ nhoi, ngắn ngủi và bất lực làm sao:
- Thôi em đừng khóc
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ
bàn tay ta bất động giữa đất dày
bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy
(Ảo ảnh)
- ... dáng em đi
nghiêng nghiêng như đang
viết lên mặt đất thành lời
về kiếp người ngắn ngủi
(Anh không thấy thời gian trôi)
- Có thể em vẫn nhớ
một bóng hình, giọng nói
đã tan trong sương khói
những kiếp người
(Có thể)
- những gương mặt người lướt qua
như con số
đếm giây trên đồng hồ điện tử
(Thành phố phía chân trời)

Rất nhiều trong thơ Trương Đăng Dung là những chi tiết "âm tính": bóng đêm, trăng hấp hối, con kiến, tiếng côn trùng, tiếng quạ,... Dễ thấy, đó là những biểu tượng gợi những bất trắc, bất an. Không chỉ bất trắc, bất an bởi chiến tranh, bởi bạo lực với những hình ảnh rùng rợn: những xác người được tìm thấy / trong lớp đất bom vùi / Những người mẹ / chết vẫn ôm con, những đứa con chết / mặt úp vào ngực mẹ; Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo / máu người trộn đỏ sách Kinh; những đám tang không có hòm / chân người chết thò ra khỏi chiếu / những người mẹ bị thương ruột lòi ra / vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn / những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo..., mà sự bất trắc ngầm ẩn trong mỗi kiếp người ngay giữa cuộc sống ngày thường. Nó gợi ta nhớ đến một câu ai đó đã nói: con người sinh ra vốn đã là thua cuộc.
Điều này cắt nghĩa vì sao thơ Trương Đăng Dung thấm đẫm một giọng buồn rất đặc trưng. Giọng buồn ấy không cần thể hiện bằng những từ ngữ trực tiếp miêu tả tâm trạng, mà bằng sự phối ứng giữa hình ảnh, nhịp điệu, âm hưởng của thơ. Ở đây, thể tự do đã phát huy cao nhất hiệu quả của nó trong việc biểu đạt một tạng thơ, một điệu hồn. Tương ứng với điều đó, những hình ảnh có tính siêu thực xuất hiện như một nhu cầu tự nhiên để bộc lộ một cảm quan, một lối suy tư về đời sống, hay nói theo kiểu Picatxô: "Tôi không vẽ đối tượng như tôi nhìn thấy, mà như tôi suy nghĩ về nó". Thơ ấy mời gọi nhiều cách đọc, và dường như không có nghĩa nào là độc tôn, là duy nhất đúng.
Đối diện với văn bản thơ, độc giả phải ngầm chấp nhận một thỏa thuận:

Người nghe lặng lẽ nghe
người nói thản nhiên nói
người nghe tự hiểu
người nói tự im
và ngôn ngữ
tự do tạo nghĩa.
 
Đ.L
__________________________________________
* Tập thơ được Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2011.

Nguồn tin: TCNV 04-2012
Top of Form
Bottom of Form

No comments:

Post a Comment