Trang

Thursday, April 12, 2012

KHEN NHAU NHƯ THẾ, HÓA BẰNG…


Đọc những bài báo nói về một số nữ thi sĩ từng nổi danh trong quá khứ, nhìn ngắm những bức ảnh giới thiệu kèm, tra cứu các nguồn tư liệu nói về họ, lắm lúc tôi cứ cảm thấy… ngờ ngợ về độ chuẩn trong cách nhận xét của người viết, nhất là khi họ tụng ca nhan sắc của nhân vật mà mình đề cập. Hình như hiện nay, nhiều nhà báo, nhất là nhà báo trẻ luôn tỏ ra hào phóng khi "truy tặng" (hoặc trao tặng) cho ai đó những mỹ từ...

Bàn luận về cái đẹp của một người phụ nữ là chuyện không dễ, và nếu không khéo, có thể bị xem là thiếu tế nhị. Vả chăng, như một ngạn ngữ phương Tây: "Cái đẹp không ở trên má hồng người thiếu nữ, mà ở trong con mắt của kẻ si tình", cái đẹp ấy còn bị chi phối bởi tình cảm riêng của từng người. Tuy nhiên, nói thì nói vậy, ngoại trừ những người trong cuộc, có liên quan (như vợ chồng, các cặp tình nhân nhận xét về nhau), còn thì với số đông bên ngoài, cái đẹp vẫn có một khuôn thước, một cách "định vị" riêng, không thể muốn nói thế nào cũng được.
Đọc những bài báo nói về một số nữ thi sĩ từng nổi danh trong quá khứ, nhìn ngắm những bức ảnh giới thiệu kèm, tra cứu các nguồn tư liệu nói về họ, lắm lúc tôi cứ cảm thấy… ngờ ngợ về độ chuẩn trong cách nhận xét của người viết, nhất là khi họ tụng ca nhan sắc của nhân vật mà mình đề cập. Hình như hiện nay, nhiều nhà báo, nhất là nhà báo trẻ luôn tỏ ra hào phóng khi "truy tặng" (hoặc trao tặng) cho ai đó những mỹ từ kiểu như "hoa hậu một thời", "xinh đẹp nhất tỉnh", "nổi danh tài sắc"…Hình như với các nhà báo này, tài năng bao giờ cũng song hành với vẻ đẹp ngoại hình, nhất là khi người họ đề cập tới là một nhân vật nổi tiếng mà họ ít có điều kiện tiếp xúc.
Cách đây ít lâu, tôi đọc trên Báo NTNN một bài viết đề cập tới một số cuộc tình của nhà thơ Nguyễn Bính. Bài viết có nhắc tới một nữ sĩ của Tao đàn Sông Thương (Bắc Giang) mà Nguyễn Bính từng một thời lăn lóc si mê. Không cần nhắc tên, nhiều người yêu văn học cũng biết người phụ nữ đó là nữ thi sĩ Anh Thơ. Về nhan sắc của nữ thi sĩ Anh Thơ, tác giả bài viết có đoạn tụng ca ngất trời: "Tại Tao đàn này có một nữ sĩ rất xinh đẹp từng hút hồn Nguyễn Bính bấy nay. Nguyễn Bính kết lắm, nhưng nữ sĩ thì có vẻ chỉ mê thơ chàng chứ không mặn mà với con người chàng cho lắm".
Thật ra, không phải tác giả bài báo này là người đầu tiên dùng mỹ từ "rất xinh đẹp" để nói về nữ thi sĩ Anh Thơ. Trước đó đã có một số bài báo nói như vậy. Nhưng sự thật thế nào? Trong hồi ký của Anh Thơ có in một bức ảnh to, rõ nét, ghi lại hình ảnh của nữ thi sĩ hồi mươi chín, đôi mươi. Bức ảnh không cho thấy chủ nhân của chúng là một người "rất xinh đẹp" như ai đó viết. Bản thân nữ thi sĩ Anh Thơ, trong một bài viết (cũng in trên tờ NTNN) chỉ nhận mình là người "duyên dáng". Còn trong cuốn hồi ký của bà, mặc dù nữ thi sĩ đưa dẫn nhiều ý kiến nhận xét của bạn bè về mình, nhưng không thấy chỗ nào nói bà "rất xinh đẹp" cả. Vậy cái nhận xét "rất xinh đẹp" ấy khởi nguồn từ đâu, và căn cứ vào đâu?
Cũng hay được nhắc tới với cụm từ "rất xinh đẹp" là nữ thi sĩ Pháp Mađơlen Riphô, người tình một thời của nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi. Song xem các bức ảnh thời trẻ của nữ thi sĩ này, người ta không thấy nhan sắc của bà tương ứng với những mỹ từ ấy. Tôi nhớ, một lần hỏi chuyện nhà văn Tô Hoài (từng được tiếp xúc với bà Mađơlen Riphô trước đây nhiều chục năm) về việc bà Mađơlen Riphô có đẹp tới độ như ai đó ca tụng không, nhà văn Tô Hoài khẽ lắc đầu và thay cho câu trả lời là tiếng cười rinh rích.
Câu chuyện lại khiến tôi nhớ tới trường hợp liên quan tới bà Bội Trâm, vợ nhà thơ Phùng Quán. Hiện trong một số cuốn sách thuộc dạng hồi ức của nhà thơ Phùng Quán (hoặc viết về Phùng Quán), bạn đọc có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của bà Bội Trâm bên cạnh chồng mình, cả ảnh hồi trẻ lẫn lúc về già. Thật khó dùng tới những chữ "xinh đẹp" để nói về bà. Vậy mà từng có nhà thơ đã không ngần ngại tung ra những mỹ từ ấy. Thậm chí có người còn viết về bà như thể "tuyệt sắc giai nhân" một thời. Điều này khiến cho những người từng gắn bó nhiều năm với vợ chồng nhà thơ Phùng Quán như tác giả Huy Thắng phải cảm thấy "gai gợn". "Nói thì bảo là xét nét, mà không nói thì thấy nó… không phải" - Đã có lần ông Huy Thắng thổ lộ với người viết bài này như vậy.
Có thể nói, tất cả những người phụ nữ được nhắc tới trong bài viết này đều là những phụ nữ có vẻ đẹp nhân cách rất đáng trân trọng. Họ sống hồn hậu, làm việc cần cù và để lại cho người đời một tấm gương sáng về lối sống, về cách hành xử… Tuy nhiên, không thể vì thế mà ai đó cứ mặc phiên phong tặng cho họ những điều mà họ…không có, hoặc còn khuyết thiếu. Làm vậy là "lợi bất cập hại", thậm chí là là thiếu tế nhị, nhất là trong thời đại mà mạng internet nối tới từng nhà như hiện nay.

Linh Nguyên

No comments:

Post a Comment