Trang

Thursday, April 12, 2012

LÊ KIỀU NHƯ - TÁC GIẢ CUỐN SÁCH ĐƯỢC COI LÀ DÂM THƯ “SỢI XÍCH” LẠI CÔNG BỐ MỘT TIỂU THUYẾT MỚI “NGƯỜI ĐÀN BÀ LÚC 0 GIỜ”


Văn chương không phải trò đùa
Chúng ta cũng không nên xét nét, hoặc phủ nhận tất cả những gì Lê Kiều Như đang làm. Sẽ rất nhẫn tâm nếu bảo Lê Kiều Như không yêu văn chương nghệ thuật, có thể cô ấy đang khát khao hướng tới cái đẹp, nhưng xem ra việc “dấn thân” này quá nhiều toan tính. Mà toan tính thì văn chương đã biến mất…

Một lần nữa Lê Kiều Như tác giả của cuốn được coi là dâm thư “Sợi xích” lại công bố một tiểu thuyết mới: “Người đàn bà lúc o giờ”. Và trước khi ra mắt cuốn tiểu thuyết kia Lê Kiều Như lại tung ra một bộ ảnh mang tên: “Yêu nữ tì bà”. Có tờ báo gọi đó là kiểu “khoe thân trước khi ra sách”. Hay có thể coi đó là chiêu PR của cô người mẫu kiêm “nhà văn” này.

Sẽ chẳng ai cấm Lê Kiều Như viết sách, chụp ảnh, đóng phim, ca hát, vẽ tranh… hay làm một cái gì đó trong nghệ thuật. Người ta chỉ cấm nhiều điều phản cảm, vô đạo đức và thứ nghệ thuật vớ vẩn. Sau tai tiếng của “Sợi xích” và những bộ ảnh mang tính “cởi truồng” Lê Kiểu Như bắt đầu được biết đến nhiều hơn – nổi tiếng hơn trong làng giải trí. Như thế là ổn, cũng có vẻ như đạt được mục đích. Nhưng những trò ồn ĩ đó cũng chỉ kéo dài một thời gian nhất định. Nói chính xác rằng nó chỉ kéo dài vài tuần và lập tức chìm nghỉm trong làng giải trí ồn ã, xô bồ này.

Thế rồi Lê Kiều Như lại tiếp tục cho ra đời bộ truyện tranh công chúa gì đó. Lần đó cũng một số báo đưa tin, chụp ảnh, trích dẫn lời tâm sự, lý giải… của Lê Kiều Như. Nhưng xem chừng, cái bộ truyện tranh đó không gây ấn tượng gì. Đơn giản rằng, đối tượng của truyện tranh là trẻ con, mà trẻ con thì hay quên vô cùng. Và cũng rất ít bà mẹ, ông bố nào lại đi mua truyện tranh của Lê Kiều Như về cho con mình đọc. Nói túm lại, vụ truyện tranh có vẻ như thất bại việc PR cho hình ảnh Lê Kiều Như.

Như đã nói ở trên, việc sáng tác văn học là tự thân, chúng ta sẽ ủng hộ bất cứ người nào say mê sáng tạo, hồi hộp chờ đợi tác phẩm của họ. Thế nhưng việc sáng tạo có quy luật riêng của nó. Nếu chúng ta coi việc sáng tác là việc chính thì những mục tiêu khác: giải thưởng, tiếng tăm, tiền bạc… sẽ là việc phụ. Nghĩa là người sáng tác chỉ còn một việc suy nhất: lao động sáng tạo! Anh ta (chị ta) sẽ không quan tâm đến bất cứ điều gì vì khi đó sáng tạo là tối thượng. Còn kết quả chỉ là điều tất yếu, nó sẽ tự đến và tỉ lệ thuận với việc lao động sáng tạo của mình.
Lê Kiều Như tâm sự rằng, cô bị ám ảnh bởi những giấc mộng: “Tôi từng nằm mơ mình có chồng, bị chồng đánh rồi bị anh ta bỏ rơi để theo người đàn bà khác còn tôi thì trở nên điên loạn… Tỉnh dậy sau cơn ác mộng ấy, tôi đã bật khóc suốt một ngày. Dù trong cuộc sống thực tại tôi chưa từng trải qua những chuyện như vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy và thấu hiểu nỗi đau khổ khi bị phụ bạc, bỏ rơi… Đó là lý do vì sao tôi có cảm xúc, chất liệu để viết về những chuyện mình chưa từng trải qua trong đời thực. Điều này nghe có vẻ vớ vẩn nhưng nó lại là sự thật.”.

Việc Lê Kiều Như mơ thế nào chỉ có cô ấy biết. Nhưng rất tốt! Ám ảnh là sự khởi đầu của nghệ thuật. Vấn đề là tác giả sẽ thể hiện sự ám ảnh đó như thế nào, có đẩy nó trở thành tác phẩm hút hồn bạn đọc hay không. Điều đó thuộc vào tài năng.

Khởi đầu của Lê Kiều Như có vẻ đã rất văn chương rồi. Những giấc mơ cứ ám ảnh cô ấy, sáng hôm sau, nó sống động như thật, nó đeo bám, nó không dứt ra khỏi trâm trí và buộc cô ấy phải ngồi xuống viết cái gì đó.

Thật tuyệt vời! Chúng ta quá hồi hộp để chờ đợi một tác phẩm nữa ra đời (hy vọng không bị coi là dâm thư), nhưng có cần thiết hay không, khi cứ nói mãi về nó, cứ phải xuất hiện (kèm cả bộ ảnh mới nhất) trước giới truyền thông để tâm sự, lý giải..? Bởi đơn giản rằng, cái người đọc muốn thưởng thức là tác phẩm chứ không phải là những lời “õng ẹo” của tác giả. Mục đích chính là tác phẩm chứ không phải những thứ xung quanh nó. Nhưng xem ra ở đây, cái mà Lê Kiều Như và cộng sự (nếu có) muốn là những thứ xung quanh nhiều hơn. Đặc biệt là bộ ảnh: “Yêu nữ tỳ bà”. Nếu bộ ảnh này xuất hiện đơn độc, không “gầm ghè” về sự ra đời của tiểu thuyết mới thì có vẻ như hơi cụt lủn, hơi thiếu sự sinh động, và độ gây chú ý sẽ ít đi rất nhiều. Riêng trường hợp này thì hơi lộ cái kiểu PR, nhưng cứ huỵch toẹt ra là quảng cáo đi thì đã làm sao? Bản thân PR chẳng có gì xấu, nó được sinh ra bởi sự sinh động của cuộc sống - nó buộc phải sinh ra vì nó làm cho sản phẩm đến nhanh hơn với công chúng. Rõ ràng nó không xấu, nhưng có cần phải mượn cả văn chương để gây chú ý!?

Bây giờ hãy nhìn vào bộ ảnh: “Yêu nữ tỳ bà”. Cứ bảo bộ ảnh này có vẻ liêu trai, và nghệ thuật. Nói thực bộ này quá yếu về tính tạo hình. Trông nó rất Tàu, nó chẳng có gì là liêu trai cả, nó yếu về màu sắc, bố cục, đường nét và nó chẳng lạ chút nào. Nó nhanh nhản, nó quen đến nỗi ra chợ là mua ngay được một bức kiểu như vậy. Nó cho thấy sức sáng tạo của Lê Kiều Như và cộng sự (nếu có) rất nghèo nàn. Nó chơi vơi nửa tranh, nửa ảnh, nó chỉ thưỡn thẹo, ưỡn ẹo rất tầm thường.

Nói chính xác hơn, bộ ảnh này thất bại với chính chủ đề yêu nữ. Có vẻ như Lê Kiều Như muốn xây dựng hình ảnh liêu trai, thần bí, đẹp ma mị hút hồn… nhưng không đạt được. Thậm chí nó quá rõ ràng, quá khô cứng, quá nông cạn! Nó không có chút gì được gọi là liêu trai để hút hồn người xem.

Và bây giờ thì người ta bắt đầu tò mò về cuốn tiểu thuyết. Cô ấy sẽ viết gì trong đó, cô tâm sự: “Mặc dù khi đọc phần đầu của cuốn tiểu thuyết này người ta cũng dễ tưởng tôi đang viết kiểu "Liêu trai chí dị" thật nhưng càng đi sâu vào cốt truyện thì người đọc sẽ càng khám phá ra những điều bí mật trong tâm sinh lý của nhân vật chính là cô Hạ. Nội dung truyện xoay quanh cuộc đời người phụ nữ này. Sau một cú sốc đau thương do người tình để lại cô dần thay đổi tâm sinh lý mỗi lúc một trở nên phức tạp, thậm chí bệnh hoạn. Cô luôn bị ám ảnh về những nhục hình mà mình đã phải chịu đựng trong cuộc sống. Thế rồi từ đây những chuyện kỳ lạ đã liên tiếp xảy ra vào lúc 0 giờ…”

Lê Kiều Như viết gì cũng được, kể cả sex nhưng nó phải hay, phải nhân văn, phải đi đến cái mục tiêu cuối cùng của văn chương: cái đẹp! Nhưng xem ra, từ những cuốn sách trước, nữ tác giả này đã không đạt được điều đó (ít nhất không nhận được sự đồng thuật của độc giả, trừ những người tò mò, hiếu kỳ và chẳng biết gì về văn chương), nếu là người có tài văn chương thật sự thì anh ta (chị ta) cứ việc viết – viết bất cứ về cái gì, ngay cả về cái bếp của mình cũng sẽ hay. Từ ngàn xưa đến nay có rất nhiều gã say rượu nhưng chỉ có một Chí Phèo, bởi chỉ có một Nam Cao mà thôi. Hãy nghĩ nhiều về điều đó!

Chúng ta cũng không nên xét nét, hoặc phủ nhận tất cả những gì Lê Kiều Như đang làm. Sẽ rất nhẫn tâm nếu bảo Lê Kiều Như không yêu văn chương nghệ thuật, có thể cô ấy đang khát khao hướng tới cái đẹp, nhưng xem ra việc “dân thân” này quá nhiều toan tính. Mà toan tính thì văn chương đã biến mất.

Nếu bây giờ Lê Kiều Như viết một cuốn tự truyện, dũng cảm ngồi xuống và viết một cách chân thực về những suy nghĩ của mình, những khát khao của mình muốn hướng tới… Có lẽ như vậy văn chương thực sự sẽ xuất hiện. Nên nhớ rằng, văn chương chỉ xuất hiện khi lòng người viết ở trạng thái trong sáng nhất. Và nếu xét về mặt PR thì muộn cuốn tiểu thuyết với cái tên: “Người đàn bào lúc o giờ” không thể hot bằng cuốn sách: “Tự truyện của Lê Kiều Như”. Bởi người đọc không hề quan tâm đến văn chương của Lê Kiều Như, họ chỉ quan tâm đến việc Lê Kiều Như đang nghĩ gì, muốn gì và như thế nào mà thôi. Hay nói chính xác hơn, công chúng chỉ muốn “xem” Lê Kiều Như.

Đó là lời khuyên chân thành. Đừng lấy văn chương ra để xây dựng hình ảnh, bởi văn chương không phải một trò đùa, hay dùng để PR. Văn chương chỉ xuất hiện và tỏa sáng khi con người ta thật sự trong sáng, thật sự vô ưu. Không tin cứ chờ tiểu thuyết của Lê Kiều Như ra đời, nó sẽ là minh chứng sống động cho chính bản thể của cô: trong sáng hay toan tính!
HN ngày 2/4/2012
A SÁNG
 Bài đã đăng trên báo VNT




Lê Kiều Như trong bộ ảnh "yêu nữ tỳ bà" cũng được cho là mang hơi hướm, minh họa phần hồn của quyển sách "NGƯỜI ĐÀN BÀ LÚC 0 GIỜ".

 

No comments:

Post a Comment