Trang

Sunday, April 1, 2012

NGÀY CÁ THÁNG 4: NÓI THẬT VỀ TRỊNH CÔNG SƠN

 Sống thật lòng, yêu thật lòng, nhạc cũng thật lòng. Đó là Trịnh Công Sơn. Oái oăm, những người lạ lại thường gặp số phận lạ. Ông mất đúng vào Ngày nói dối (01/04/2001). Độc giả yêu Sơn cho đó là Ngày nói dối huyền thoại dành cho một thiên tài âm nhạc. Hàng năm cứ đến ngày ấy, những người quen biết Sơn lại hay nhắc đến tên của người nghệ sỹ này như một chỉ dấu kỷ niệm. Một bàn trà nhỏ có nhạc sỹ Hồng Đăng – người được biết đến với Hoa sữa, nhạc sỹ Văn Dung với Những bông hoa trong vườn Bác, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo với Khúc hát sông quê và nhà thơ Mai Linh, người rất mê nhạc Trịnh cùng trò chuyện về những kỷ niệm thật với Trịnh.
Từ trái sang phải: Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sỹ Văn Dung,
nhạc sỹ Hồng Đăng và nhà thơ Mai Linh - Ảnh: Ngọc Thành

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi nhớ có một bài hát mà Trịnh từng hát một lần duy nhất tại Sài Gòn năm 84 cho tôi và Nguyễn Thụy Kha nghe mà giờ không nghe thấy ở đâu nữa, đó là “Dung Hòa ca”. Dung Hòa là cô gái Hà Nội “rất bụi”, có giọng hát khàn khàn lạ lạ, khuôn mặt rất đẹp.
Nhạc sỹ Văn Dung: Sơn thì gặp ai cũng viết được bài hát hết. Sơn từng bảo: “Moa gặp Nguyệt viết Nguyệt ca, gặp Diễm viết Diễm ca, gặp Dung Hòa viết Dung Hòa ca, gặp Oanh hay gặp bất kỳ ai cũng thành bài hát hết”.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Sau này gặp Dung Hoà, Dung Hòa lấy chồng nước ngoài, làm doanh nghiệp, bảo “em cũng chưa nghe bài đó bao giờ”.
Nhạc sỹ Văn Dung: Trịnh Công Sơn và một nhóm anh em du ca như Trần Long Ẩn, Trần Tiến, Hoàng Hiệp đã từng bị cụ Võ Văn Kiệt gọi lên nhắc nhở: “các anh muốn làm gì thì làm, nhưng âm nhạc là chính trị, không thể  chỉ là du ca đâu nhé”.
Trịnh Công Sơn biết chuyện: “Chỉ có bạn bè là vui thôi” rồi cầm đàn hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa chọn những nụ cười, và như thế tôi sống vui từng ngày…”
Nói về chuyện chết của Trịnh Công Sơn, có một chuyện rất đặc biệt. Ngày 2/8/1997, tôi vào Sài Gòn và đến nhà Diệp Minh Tuyền chơi. Lúc đó chỉ có vợ và hai cô con gái ở nhà chuẩn bị dọn nhà, cô con gái bảo “bố cháu đi chuẩn bị làm hậu sự cho chú Sơn rồi”. Nhưng lần đó Sơn không chết, mà đùng một cái đến tháng 11 thì Diệp Minh Tuyền chết. Hóa ra Tuyền ủ bệnh từ lúc nào không hay.
Nhà thơ Mai Linh: Khi Sơn chết thật, tờ báo đầu tiên đăng bài của tôi về kỷ niệm với Trịnh Công Sơn ở Huế năm 1977 là tờ Thể thao ngày nay do Đỗ Hóa làm. Báo ra lúc 5g sáng ngày 2 tháng 4. Đỗ Hóa đùa bảo: “Trịnh Công Sơn chết rồi mới biết chơi thể thao. Cả đời chỉ biết  cử tạ (nâng ly và đặt ly), nhưng lại được ông Mai Linh cáo phó ở báo Thể thao”. Đỗ Hóa là võ sư nổi tiếng và cũng nổi tiếng về sự hào hiệp. Đỗ Hóa chết sau Trịnh 5 năm vì ung thư xương. Buồn quá. Người tốt lại thường đoản mệnh.
Nhạc sỹ Văn Dung: Mình rất thích chuyện về đám cưới 3 người mà Tạo viết trên báo Gia đình xã hội, nhưng văn học là văn học, báo là báo, ông đừng hư cấu đấy nhé, ta phải sòng phẳng thế.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Chuyện thật, đó là bài báo cơ mà. Hôm đó, Trịnh Công Sơn nói với Đinh Cường và Trịnh Cung là muốn  làm đám cưới với Thanh Thúy (Tàu).  Thanh Thúy chỉ là ca sỹ nghiệp dư thôi. Thế là ba ông đến quán bar, đợi Thanh Thúy hát xong, Trịnh Công Sơn bẽn lẽn rút ra một món quà cưới. Trời ơi, đó là cái nhẫn bằng mê ca do Đinh Cường và Trịnh Cung sắm cho. Trịnh Công Sơn rất trang trọng đeo vào tay Thanh Thúy. Sơn kể: “Lúc ấy Sơn thấy một giọt nước mắt (thật) rơi xuống lưng bàn tay Sơn nóng bỏng”.
Đưa Sơn và Thanh Thúy về nơi ở của Thúy thì Đinh Cường và Trịnh Cung đi về, đi được một đoạn thì thấy tiếng chân rất hớt hải chạy đằng sau. Hóa ra là Sơn. Sơn bảo: “Sơn thấy lần đầu tiên ở một  mình trong phòng cùng với một người phụ nữ, thấy nó cứ vô lý thế nào ấy”.
Nhạc sỹ Văn Dung: Lại chuyện Sơn và các cô gái. Một lần Sơn ra Hà Nội ở Khách sạn Đồng Lợi, Sơn đến đây bao giờ cũng mướn phòng 202, mà Sơn đến khách sạn nào người ta cũng giành riêng cho phòng 202. Tất cả ngồi uống say be bét, còn mình với Sơn ngồi lại, lúc đó là 1g chiều, bỗng có người điện thoại. Sơn bảo “Em đến đi, phòng 202 nhé” rồi quay ra bảo mình: “Văn Dung, ông cứ giả vờ ngủ say không biết gì nhé. Khi cô gái kia đến, hai người nói chuyện tíu tít,  “anh ra Hà Nội bao lâu mà em không gặp được”, “thôi chết, em quên mất rồi, em để quên chìa khóa dưới xe”. Khi cô ấy xuống thì Sơn khóa cửa trong lại và bảo tôi: “Văn Dung ơi, moa không biết cô bé này là cô bé nào”. Tôi bảo: “nói chuyện một lúc hỏi han thân thiết như thế mà gặp nhau còn phải hỏi”. Sơn bảo: “ai moa cũng quen như thế”. Nhưng một người tài hoa như thế thì nhớ hết các fan hâm mộ làm sao được.
Rồi một lần mình dẫn Sơn đến nhà trung đoàn trưởng trung đoàn phi công.
Chủ nhà mừng rơn khi gặp Sơn và việc đầu tiên là mở rượu. Ba người làm hết cả chai. Trên đường đưa Sơn về, mình và Sơn còn rẽ vào nhà Thái Bá Vân, hôm ấy chỉ có Mì ở nhà, Sơn lại hỏi “ở nhà có chi không”, lại tìm được chai rượu, mình bảo mình mệt rồi, mình đi nằm đây. Sơn ngồi uống một mình đến 12h đêm thì mình tỉnh dậy. Mình bảo Sơn: “mình phải về nhà với vợ con”. Sơn bảo: “Bây giờ Văn Dung về thì đến lượt Moa nằm”. Thế là Sơn hồn nhiên khò một giấc đến sáng.
Chỉ có thằng nghệ sỹ đích thực thì mới thoải mái đến thế.
Sơn bảo: Thái Bá Vân vào Sài Gòn đến  nhà Sơn nhưng thực ra ông ấy có ở đâu. Ông ấy uống rượu, say, ngủ”.
Nhà thơ Mai Linh: Thái Bá Vân đẹp trai lắm, đẹp như tạc. Đó là người làm chữ giỏi, gieo chữ quá siêu đi.
Nhac sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Lúc đầu, đoạn đường ven hồ Tây có ngã ba với đường Văn Cao định đặt tên Đỗ Nhuận, nhưng Dương Trung Quốc phát biểu: “Đỗ Nhuận là nhạc sỹ cách mạng, nên để cái đường to. Còn Trịnh Công Sơn thì là một người yêu Hồ Tây, đường tuy nhỏ nhưng lại hợp với cái lãng mạn thơ mộng của nhạc sỹ”. Toàn hội nghị đặt tên đường đều tán thành.
Sau khi Sơn mất 1 năm, tôi có nói với ông bạn làm Chủ tịch Thừa Thiên Huế là Nguyễn Xuân Lý nên đặt tên đường Trịnh Công Sơn ở Huế. Ông Lý nói quy định phải sau khi chết 5 năm mới được đặt tên đường, sau 5 năm tôi hỏi vẫn chưa được đặt tên. Mãi đến đầu năm 2011 mới đặt, một con đường rất đẹp, nằm dọc sông Hương.
Nhà thơ Mai Linh: Hà Nội đặt tên con đường bên Hồ Tây là Trịnh Công Sơn thật khéo. Thế là từ Văn Cao đến Trịnh Công Sơn đúng với cái tên Đài truyền hình Nhật Bản đã làm phim về hai người.
Nhạc sỹ Văn Dung: Tại sao lại “từ”, Văn Cao nói: “Sơn là 1 người hát thơ, dù tôi rất yêu Sơn nhưng Sơn chỉ là người hát thơ, chuyển tải thơ bằng âm nhạc”. Sơn tự nói: Tôi đến âm nhạc ban đầu là một thầy giáo, tôi chỉ là một người học sư phạm ở Quy Nhơn.
Nguyễn Trọng Tạo:  Văn Cao dùng chữ: “Trịnh Công Sơn là người thơ ca”.
Nếu nhìn TCS bằng ca khúc thì có nhiều kiểu: ca khúc có thể là hát thơ, có thể là một bản nhạc mà bỏ lời đi vẫn tồn tại độc lập như Hạ trắng. Ca khúc TCS có lớp lang, khúc thức rất chuẩn, rất classic, còn hát thơ thường bị thơ dẫn dắt.
Nhạc sỹ Văn Dung: Tất cả những cái đó là khuôn mẫu. Quan họ không phải là phát triển hay cải biên quan họ, một bài hát của Phó Đức Phương hay Nguyễn Trọng Tạo là tôi tạo ra một tác phẩm phát triển trên ngôn ngữ của các cụ chứ không giống các cụ.
Nhạc sỹ Hồng Đăng: Giới nhạc Hà Nội tiếp xúc với TCS vào năm 75, 76. Hồi đó tôi còn ở trong một cái nhà tranh vách đất ở Lý Thường Kiệt thì Trần Tiến dẫn Sơn  đến gặp tôi. Tiến gõ cửa nói: “Anh Đăng ơi, Tiến đây, có ông bạn hay lắm đến gặp anh đây này”
Tôi thấy một người lơ phơ, gầy gầy nói tiếng Huế, chưa biết là ai cả.
Người đó giới thiệu: “Tôi là Trịnh Công Sơn, sáng mới gặp Văn Cao, chiều đến đây gặp anh”.
Bọn tôi ngày đó ít có điều kiện để nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng nghe loáng thoáng một số bài thấy ông là  một người rất đặc biệt. Viết mà có bút pháp đặc biệt thì rất ít. Khen Sơn thế thì Sơn nói: “Sơn có học hành chi mô”.
Sau đó, chúng tôi đi bộ quay trở lại nhà Văn Cao. Văn Cao thấy tôi thì mừng lắm “ôi giời ơi, ông Đăng ơi, thế thì hôm nay phải làm bữa rượu”.
Buồn cười nhất là trên đường đi bộ đến nhà Văn Cao, Sơn nhìn thấy một tấm biển con con bằng bìa trên viết dòng chữ “Ở đây Quy Gai Xốp”, Sơn hỏi: “ở đây có ông Quy Gai Xốp là ông nào thế, là người Liên Xô à?Lúc biết được nơi sản xuất bánh quy, bánh gai, bánh xốp thì mọi người cười rũ ra.
Nhà thơ Mai Linh: Cuộc lưu diễn cuối cùng của Trịnh Công Sơn tại Hà Nội là ở Cung Hữu Nghị năm 95,96 gì đó. Trịnh Vĩnh Trinh vừa về nước, lúc đó không có điện thoại, tôi đến đầu tiên nhìn thấy bà Cầm, Phu nhân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngồi hàng trên cùng với vợ chồng ông Nguyễn Khoa Điềm. Lúc đó ông Điềm là Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin. Anh Sơn bảo “Em lên hàng trên ngồi” nhưng tôi từ chối, ngồi hàng hai. Sơn lúc đó chắc chỉ 39kg, gầy khủng khiếp mà hát gần nửa  chương trình. Lúc kết thúc, mọi người đi ra dần. Tôi để ý thấy bà Cầm nán lại và ủng hộ cho quỹ từ thiện 10 triệu đồng.
Tôi hỏi: sao anh không làm ở Nhà Hát lớn cho sang? Anh Sơn nói “Chỗ ni có 4 mặt tiền. Nhà hát Lớn nó kênh kiệu quá. Còn để Dương Minh Long nó phát hành đĩa.
Người hát hay nhất bài hát của mình là Trịnh Công Sơn. Sau Trịnh Công Sơn là Trần Tiến.
Nhạc sỹ Hồng Đăng: Người quý Trịnh Công Sơn là bà Mão, giám đốc khách sạn Đồng Lợi. Có 1 năm ông Sơn ra, ngồi tán phễu với nhau.
Nhà thơ Mai Linh: Hình như chính ông Thái Bá Vân xui Trịnh Công Sơn vẽ.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Lần đầu tiên gặp Sơn, Tạo phụ trách đoàn văn công xung kích đóng quân tại Lệ Kỳ, Quảng Bình. Tự nhiên gần trưa có anh trực ban vào báo cáo có khách, khách lạ, tóc dài, mặc áo măng tô màu cánh gián, đi xe đạp mini, cười có răng khểnh. Tôi mới đi ra cổng lính,  người khách giới thiệu: “Mình là Sơn, Trịnh Công Sơn”. “Ô, tôi có nghe nhạc anh”. Tôi rất bất ngờ là tại sao Trịnh Công Sơn  đến một mình thì Sơn bảo: “Ở ngoài giếng có mấy anh em văn nghệ sĩ đang rửa chân còn Sơn không rửa”. Các vị Vĩnh Nguyên, Xuân Hoàng, Võ Quê, Lâm Thị Mỹ Dạ… đi xe đò từ Huế ra Quảng Bình, mang theo cả xe đạp, xe đò hỏng đúng ở Quán Hàu, nghĩ đến tôi, liền đạp xe đến chơi. Tôi đón đoàn vào. Tôi hỏi cô quản lý nhà bếp: “có gì ăn không”, “báo cáo thủ trưởng có 5 cân thịt lợn tươi, trong kho còn 1 tạ giò cừu hộp”, “rượu còn không?”, “còn 28 chai rượu chanh HN”, còn thuốc lá thì chính trị viên chạy sang người bạn làm quân nhu lấy về một tút.
Trưa ăn cơm uống rượu xong, Sơn bảo “Thích quá, nhưng cho Sơn ngủ một tí, Sơn mệt quá”.
Chiều tôi bảo “giờ anh Sơn có thích nghe văn công bộ đội hát không”, Sơn bảo “Thích. Sơn chưa được nghe bao giờ”. Tôi tổ chức một hội trường lợp bằng cây rừng, tập hợp bốn chục người lại nghe các nhà thơ đọc thơ. Giới thiệu Trịnh Công Sơn hát, Sơn bảo Sơn mệt, không hát được, cho Sơn ngồi nghe. Sau khi nghe anh em văn công bộ đội diễn mấy tiết mục, Trịnh Công Sơn bỗng hứng lên, bảo “cho Sơn mượn cái đàn ghita Sơn hát một bài với các anh chị”. Và Sơn hát “Rừng núi dang tay nối lại biển xa…”. Đến khi Trịnh Công Sơn đi rồi, anh em cứ hát mãi “nối liền một vòng tử sinh”. Bài hát của Trịnh Công Sơn để lại cho anh em một ấn tượng lạ lùng. Đến giờ thì đã thành bài hát của thanh niên hát trong các hội trại.
Cuộc gặp bất ngờ nhưng cái gì cũng đủ, mà chia tay thì lưu luyến.
Sau 7 năm, gặp lại Trịnh trong ngày sinh nhật Văn Cao 60 tuổi ở Hội Nhạc sỹ. Sơn, Trần Long Ẩn từ Sài Gòn bay ra. Văn Cao đánh đàn bằng nắm đấm và cùi chỏ tay, âm thanh chói tai vô cùng, sau cùng kết thúc bằng một ngón tay trỏ đánh vào nốt đô. Người ta vỗ tay không thể tả được. Văn Cao bảo: “Đánh như thế là vì tay nó bị đau, do bị cái xe húc vào. Hai là vì mình không thể chơi đàn như một nhạc công được vì mình là thằng sáng tác, làm thế mới độc đáo chứ”. Sơn bảo “Sơn chưa bao giờ hình dung Văn Cao là một người ghê gớm thế”, “âm nhạc của anh Văn Cao là núi, âm nhạc của Sơn là đồng bằng”. Tôi bảo: “đi núi mỏi thì cũng phải đi xuống đồng bằng, đó là sự nối tiếp, sự bù trừ”.
Trịnh Công Sơn hiền, nhưng khi cảm xúc thực sự, anh luôn quên cả mình.
Nhà thơ Mai Linh: Sơn tán gái bằng sự im lặng.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường hay phê phán Trịnh Công Sơn vì rượu, “Bạ ai mời Sơn cũng đi, người ta biến Sơn thành cây cảnh để người ta trang trí, Sơn phải biết phân biệt chỗ nào nên đi, chỗ nào không nên đi”. Sơn cười: “Sơn biết chi mô, người ta mời mình là người ta quý mình thì mình quý lại, biết chi mô”.
Khi làm tập sách “Trịnh Công Sơn – một người thơ ca, một cõi đi về” (cuốn sách do Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Đoàn Tử Huyến làm sau ngày mất TCS), dư luận đánh giá rất cao, có bài báo đã nói “Trịnh Công Sơn là một thiên tài”.
Nhà thơ Mai Linh: Văn Cao rất trọng Trịnh Công Sơn.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Sau triển lãm tranh với Đinh Cường, Trịnh Công Sơn  bảo Trọng Khôi đưa cho một đĩa màu, rồi ngồi vẽ, nhìn ai cũng vẽ, Trịnh Công Sơn vẽ có thể không giống nhưng rất đẹp.
Nhà thơ Mai Linh: Sơn hỏi Mai Linh “anh vẽ có đẹp không”, Mai Linh bảo “anh vẽ giống như em làm nhạc”.
Nhạc sỹ Hồng Đăng: Trịnh Công Sơn có cảm tình với các cô gái Hà Nội. Khánh Ly, Lệ Thu, Vân Anh, Hồng Nhung đều là người Bắc.
Nhạc sỹ Văn Dung: Một lần Sơn nói với mình “có một lần, 2 giờ rưỡi đêm tự nhiên Moa lại thấy nhớ Hồng Nhung, liền đi xích lô một vòng đến nhà Hồng Nhung gõ cửa, thì người ra mở cửa lại là Lê Viện (bố Hồng Nhung), Sơn bảo: “moa không hiểu tại sao đang đêm lại nhớ Viện”.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Một buổi tối, có 4 người: Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Quang Sáng, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, thêm tôi với Nguyễn Thụy Kha là 6 người. Thế mà nhoáng cái đã hết một chai Vodka ngựa đen, Sơn gọi “dì ơi, dì cho tiếp 2 chai nữa nhé”. Bà giúp việc lên xích lô mua thêm hai chai vodka nữa. Uống một hồi lại “dì ơi, 2..”, tổng cộng bốn lần “dì ơi”. Sau đó Sáng về trước. Tôi, Kha, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Đinh Cường rời nhà Sơn, đi vào một quán ăn trứng chim cút. Chia tay nhau đã 2h sáng thế mà vẫn mò được về nhà Nguyễn Duy. Đến cổng gặp một bóng người lại tưởng là ăn mày, ăn xin. Gọi Duy xuống mở cổng thì thấy người đó đứng bật dậy hỏi “Tạo à”. Hóa ra là lão Trần Mạnh Hảo.
Nhạc sỹ Văn Dung: Trịnh Công Sơn lần nào đi uống xong cũng bảo đi karaoke, nhưng đến quán là ngủ gật.
Nhà thơ Mai Linh: công bằng mà nói bài Phú Quang và Hồng Đăng về Hà Nội nó ẩm ướt hơn, bài của TCS trẻ quá, tươi sáng quá,
Ở Đà Lạt có một thằng cha rất hay. Hắn ta rất yêu Trịnh Công Sơn nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Hai vợ chồng hắn tuy rất nghèo nhưng cũng vay mượn bạn bè để mở một cái quán để tụ tập những người yêu Trịnh. Hắn tên là Phương, hát rất hay, chơi các loại nhạc cụ rất giỏi. Quán Dương Tùng của Phương như một hoài niệm rất êm ái về Trịnh. Lần nào vô Đà Lạt tôi cũng đến đấy để nhâm nhi Trịnh cùng với những người mình chưa quen biết bao giờ.
Nhạc sỹ Văn Dung: Sơn không bao giờ nói ra để truyền tải những gì mình hiểu biết, mà dùng âm nhạc để truyền tải. Sơn viết nhạc không phải là những gì anh thấy mà là những gì anh nghĩ.
Cuối tháng chạp năm 1976, tôi đưa anh Sơn đến Hồ Tây, trước đền Quán Thánh, Sơn nói: “Moa đã đọc rất nhiều, nghe rất nhiều về Hồ Tây. Nhưng hôm nay moa đến đây  mới thấy Hồ Tây đẹp hơn tất cả những gì moa nghe, đọc”. Bài Nhớ mùa thu Hà Nội là bài hát viết trong thời điểm mùa đông, viết về anh những gì anh nghĩ, ở đó tất cả Hà Nội hiện lên với những cung bậc trong suy nghĩ của anh Sơn. Nhờ Sơn, chính người Hà Nội mới hiểu về cây cơm nguội vàng, người Hà Nội ăn cốm nhiều nhưng không biết đến cốm sữa. Sơn là thế, ra Hà Nội vào mùa đông nhưng viết Hà Nội về mùa thu. Trịnh Công Sơn biết nhiều nhưng trong cuộc sống ông ít nói. Tất cả những gì ông biết, những khát khao, ước vọng đều được truyền tải qua âm nhạc.
Thế là Trịnh. Đã khuất núi mà vẫn hoàn nguyên kỷ niệm. Những người tài vẫn bên cạnh chúng ta. Giai phẩm của họ vẫn sống mãi.

(Nguồn: Báo điện tử Tổ quốc và
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

No comments:

Post a Comment