Trang

Saturday, April 14, 2012

NGUYỄN TRỌNG TẠO NHÂN ĐỌC LẠI PHẠM TIẾN DUẬT, THANH THẢO, HỮU THỈNH



CHẤT TRẺ TRONG THƠ TRẺ CHỐNG MỸ
(Nhân đọc lại PHẠM TIẾN DUẬT, THANH THẢO, HỮU THỈNH)
Không rõ từ bao giờ, chúng ta bỗng dùng từ “thơ trẻ” để gọi chung cho thơ của một lớp người làm thơ mới xuất hiện trong làng thơ. Trước cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp, hình như chưa có từ thơ trẻ với ý nghĩa này, hoặc đã có mà chưa được dùng phổ biến. Nhưng đến thời chống Mĩ, nó bắt đầu trở thành quen thuộc cho đến nay.
Phạm Tiến Duật - Thanh Thảo - Hữu Thỉnh
Nếu lấy năm 1964 là năm đế quốc Mĩ chính thức mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam làm mốc khởi đầu cho lớp thơ trẻ này, thì đến nay, thơ của họ đang men tới ngưỡng cửa của tuổi hai mươi. Những nhà thơ khởi đầu cho lớp thơ trẻ này, nếu họ bước vào làng thơ với tuổi hai mươi của mình thì nay cũng đã ngót nghét tứ tuần, còn nếu ai đó không được may mắn lắm mà đến độ tuổi ba mươi mới bước làng thơ, hẳn tuổi đời nay đã chạc năm mươi rồi. Vào cái tuổi 40, 50 mà vẫn được gọi là “nhà thơ trẻ” quả là một điều hạnh phúc. Tôi nói hạnh phúc, bởi vì, mỗi một nhà thơ  hẳn không lấy gì làm vui cho lắm khi bị độc giả xếp thơ mình vào loại “thơ già”. Trong một lần nói chuyện ở Hội Nhà văn, nhà thơ Tố Hữu nhấn mạnh rằng, các thi sĩ không được phép già, âu cũng là muốn đề cao cái chất trẻ trung cần phải có của thơ vậy.
Ở đây, không nên nhầm lẫn giữa chất trẻ thanh xuân của thơ với chất trẻ nhi đồng của thơ. Chất trẻ trong thơ Phạm Tiến Duật khác với chất trẻ trong thơ Trần Đăng Khoa rõ ràng là khác nhau, mặc dù hai nhà thơ này gần như đồng thời xuất hiện rực rỡ trong giai đoạn đầu của thơ chống Mĩ. Nhưng chất trẻ trong thơ không hoàn toàn chịu sự quy định tuyệt đối của tuổi tác, nó được quy định bởi tâm hồn thi sĩ, nói cách khác, nó được bộc lộ bởi hồn thơ. Chất thơ trẻ hay chất thơ già chính là sự thể hiện của hồn thơ trẻ hay hồn thơ già. Trong thơ ta, không ít gặp những trường hợp như thế này: có những tác giả tuổi đời vừa bước vào độ xuân xanh mà thơ thì đã sớm “về già”; ngược lại, có tác giả tóc đã hoa râm mà thơ thì lại cứ tươi roi rói. Nhưng có lẽ trường hợp thứ hai ít xảy ra hơn trường hợp thứ nhất, bởi vì chất trẻ của thơ thường già đi theo tuổi tác nhà thơ – đó là một quy luật rất khó cưỡng. Sức khỏe giảm sút theo tuổi tác ảnh hưởng lớn đến sự sáng tạo của con người. Năm ngoái, trong một lần trò chuyện với nhà thơ Chế Lan Viên, một nhà thơ thông minh đến lạnh người, tôi có hỏi anh là: bây giờ anh làm thơ so với hồi trẻ có gì khác? Anh trả lời tôi ngay, như là đã nghĩ từ trước rồi: “Nếu như hồi trẻ, mình có thể viết một lúc ra ba bốn câu thơ, câu này gọi câu kia rất nhanh, thì bây giờ chỉ viết ra được một câu mà còn vất vả nữa. Ở cái tuổi sáu mươi bây giờ, thơ nó xuống dốc –  và anh cười hóm hỉnh nói tiếp – nhưng cố cho nó đừng xuống thẳng đứng thôi”.
Còn Abutalíp, nhà thơ Nhân dân của Đaghéttan thì nói rằng: “Khi tôi đã ngoài bảy mươi, cỗ xe của tôi không lên núi nữa, mà nó đã xuống đèo”.
Thế đấy, đời thơ của mỗi người đều có cái đỉnh của nó, người có đỉnh sớm, người có đỉnh muộn, người có đỉnh thật cao, người có đỉnh cao vừa vừa. Mỗi lớp thơ, mỗi giai đoạn thơ cũng có đỉnh của nó, và sau mỗi đỉnh cao ấy là sự đi xuống thẳng đứng, đi xuống thoai thoải hoặc là đi ngang. Nhưng dù sao, nó cũng đặt nền móng cho sự tạo nên những đỉnh cao mới của những giai đoạn thơ sau đó.
Thơ chống Mĩ được phát triển trên sự kế thừa nền thơ cách mạng của ta trước đó. Đấy là một giai đoạn thơ phát triển cao với lối thơ cấu tứ theo trục liên tưởng Quá khứ – Hiện tại – Tương lai, với những hình ảnh thơ đẹp trau chuốt, giàu nhạc điệu và có sức lay cảm lớn, với cách nói đậm đà màu sắc dân gian. (Có thể xem bài Việt Bắc của Tố Hữu là một thành công tiêu biểu). Đấy là một giai đoạn thơ thấm thía hạnh phúc sau bao nhiêu hi sinh gian khổ mà một dân tộc đã tự nguyện vượt qua, để rồi bước vào những thử thách mới trong cuộc xây dựng một viễn cảnh xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, đồng thời với khát vọng thống nhất nước nhà.
Trước khi đã bước hẳn sang giai đoạn chống Mĩ, thơ đã có một quãng chuẩn bị khá dài nhằm cách tân nội dung lẫn hình thức. Từ nhịp điệu gồ ghề không ổn định khi miêu tả nhịp sống mới xây dựng trong Ngói mới của Xuân Diệu đến sự xuất hiện nhịp trữ tình hành khúc trong các bài thơ viết về sự chia li, lên đường vào cuộc chiến đấu mới của khá nhiều người làm thơ trẻ buổi đầu chống Mĩ là những dấu hiệu mới của quãng thơ gối tiếp này. Những đóng góp buổi đầu của thơ trẻ có thể kể đến các tác giả như Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Mỹ, Thái Giang v.v…  Tuy nhiên, phải đợi đến sự xuất hiện của Phạm Tiến Duật, thơ chống Mĩ mới bộc lộ thật sự cái giọng điệu riêng của nó, cái giọng điệu riêng của lớp trẻ, với sự xuất hiện hàng loạt tác giả thơ trẻ sau đó.
1. Tôi cho rằng, sự thay đổi quan trọng giữa các thế hệ thơ chính là sự thay đổi về giọng điệu thơ, sự thay đổi giọng điệu không chỉ hiểu là sự thay đổi đơn thuần về hình thức, mà thực chất là sự thay đổi về hồn thơ, sự thay đổi về cái bên trong, cái bản chất của sự vật. Nếu như điệu nhạc tâm hồn của thơ mới (1930 – 1945) là điệu nhạc lãng mạn của cái tôi tiểu tư sản, và nhạc điệu tâm hồn của thơ ca kháng chiến cách mạng (1945 – 1960) là điệu nhạc tươi sáng hi vọng của cả một quần chúng rộng lớn hồn nhiên đi làm cách mạng và trở về thắng lợi, thì điệu nhạc tâm hồn của thơ chống Mĩ (1960 – 1975) là điệu nhạc hành khúc lạc quan tràn đầy sức sống của một dân tộc dám “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Và bởi vậy, tôi rất tán đồng ý kiến của nhà phê bình nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh khi anh nói: “Mỗi thế hệ văn học có tiếng nhạc riêng của họ, riêng đến nỗi, nếu họ có muốn bắt chước nhau cũng không xong”. Đấy là một nhận xét rất biện chứng. Bởi thơ là “tiếng nói của thời đại”, và mỗi thời đại lại có những giai đoạn lịch sử nhất định. Mỗi giai đoạn lịch sử tất phải có cái giọng điệu thơ riêng của nó.
Giọng điệu thơ chống Mĩ chính là phản ánh nhịp sống mới dồn dập, khẩn trương của một hiện thực lớn lao chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đó là cuộc chiến tranh vệ quốc với quy mô lớn chống lại chủ nghĩa đế quốc xâm lược hiện đại. Phạm Tiến Duật cũng như lớp trẻ đồng thời hòa mình trong dòng xiết của cuộc chiến tranh vệ quốc này. Sự xuất hiện những bài thơ của các anh cùng với sự xuất hiện của những cuộc hành quân giải phóng đầy khẩn trương và ác liệt. Đối tượng được đặc biệt chú ý của thơ trong giai đoạn đầu này là những sự cố mà cuộc hành quân lướt qua, những sự cố ẩn chứa một ý nghĩa khái quát nào đấy. Do nhịp hành quân quá khẩn trương, dường như không còn đủ thì giờ để ngẫm ngợi suy tư về các sự vật mà chỉ còn ghi lại những sự vật có ấn tượng mạnh nhất mà thôi. Phạm Tiến Duật là người đã bắt trúng cái nhịp điệu này. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Vầng trăng quầng lửa”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Tiếng bom ở Sen Phan”, “Qua một mảnh trời thành phố Vinh”, “Qua đèo Ngang” và hàng loạt những bài thơ khác của Phạm Tiến Duật là biểu hiện của cách nhìn mới ấy, cách – nhìn – chụp – ảnh đúng lúc các sự cố. Kể cả bài thơ có vẻ như suy tư ngẫm ngợi là bài “Lửa đèn”, vẫn mang cái âm hưởng gấp gáp khi anh viết: Bóng đêm ở Việt Nam là khoảng tối giữa hai màn kịch. Điệu cảm xúc này có giá trị mở ra vấn đề tốc độ, một vấn đề như là mới mẻ trong thơ ta lúc bấy giờ.
Có thể nói, thơ Phạm Tiến Duật là “mối tình đầu” của thơ chống Mĩ, nếu như thơ trẻ trước anh là sự thăm dò, tìm kiếm “người tình”. Trong mối tình đầu, tình cảm thường xảy ra rất mãnh liệt, và bởi vậy, nó dễ ghi được ấn tượng sâu sắc, bền lâu, cách nhìn có giá trị tốc độ trong thơ Phạm Tiến Duật không phải là sự cố tạo ra của thơ trẻ, đó chính là một nhu cầu của hiện thực với nhịp sống khẩn trương mới mẻ của nó. Giai đoạn này, chúng ta ghi nhận sự ùa vào thơ một cách ào ạt của chất liệu hiện thực. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức mô phỏng hiện thực thì thơ sẽ không bao giờ được đón tiếp niềm nở như người ta đã đón tiếp điệu thơ này. Phạm Tiến Duật là người đã tạo nên những thành công mới với nghệ thuật đẩy nhanh những sự cố bình thường lên sự khái quát bằng việc tạo ra sự bất ngờ bật lên tứ thơ độc đáo. Nếu như có nhà phê bình đã cho rằng, thơ trẻ chống Mĩ gần với kí, thì đấy chỉ là cái nhìn thiên lệch về những điểm yếu của nó mà thôi. Những bài thơ hay của thơ chống Mĩ chứng tỏ rằng, chất liệu kí trong đó chỉ được nhà thơ sử dụng như là những phương tiện cho sự phát triển của tứ thơ. Có thể kể ra nhiều bài thơ thành công của Phạm Tiến Duật viết theo lối này. Ví dụ: sau khi kể khá nhiều về “tiểu đội xe không kính”, tứ thơ liền được bật lên bằng sự kết thúc khá bất ngờ:
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe  có một trái tim
Sau khi nói về tiếng bom ở Sen Phan, thơ phát hiện ra điều mới lạ này:
Thế đấy, giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ.
Nói về đèo Ngang, thơ lại mang lại một ý nghĩa mới:
Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang
Mà quên mất con đèo chạy dọc
Với sự thành công trong lối thơ cấu tứ chân đế này, Phạm Tiến Duật mang đến cho thơ trẻ chống Mĩ một đóng góp mới mẻ. Nhưng gọi lối thơ này là lối cấu tứ chân đế, chưa hẳn đã chính xác. Đây là lối cấu tứ theo thủ pháp lật ngược vấn đề đã được đặt ra để khẳng định một vấn đề khác. Nó cũng không phải là phương thức “đặt cái đen bên cạnh cái trắng” kiểu truyện ngắn Môpátxăng, mà đấy là phương pháp cấu tứ với “thủ pháp ảo thuật”, nghĩa là thủ pháp tạo ra sự biến hóa bất ngờ với tờ giấy trắng thành tờ giấy đỏ trên tay nhà ảo thuật.
Thực ra, đây không phải là phương thức mới lạ trong thơ thế giới. Trước đây khá lâu, nó đã thành công bởi nhà thơ thiên tài Béctôn Brếch. Cái mới của Phạm Tiến Duật là đã áp dụng nó một cách nhuần nhuyễn khi miêu tả hiện thực Việt Nam chống Mĩ, một giai đoạn hiện thực sôi động, đòi hỏi hình thức thể hiện này như là một nhu cầu. Trước Phạm Tiến Duật, thơ trẻ của ta đã có xu hướng tiến hành thơ theo phương thức này, nhưng vì thiếu một cái nhìn “tốc độ” mà không đẩy nhanh lên sự khái quát, gây ra cảm giác như là thơ bị chìm đi trong sự kể lể sự việc. Phạm Tiến Duật là người đã thoát ra được cái biển kể lể, làm chủ được những sự kiện khi miêu tả. Sự thành công của Phạm Tiến Duật tạo nên một từ trường khá mạnh trong lớp trẻ chống Mĩ sau anh.
Nhưng hiện thực luôn biến động không ngừng, cuộc kháng chiến chống Mĩ của ta chuyển dần sang những giai đoạn mới. Nhịp khẩn trương của cuộc sống không còn biểu hiện trên bề nổi nữa, nó tạo thành một mạch ngầm không kém phần mãnh liệt. Vì thế, đòi hỏi ở thơ những vận động mới. Nhiều bài thơ dài có âm hưởng trường ca xuất hiện. Nhằm phản ánh hiện thực trong một không gian nhiều chiều. Từ thơ ngắn, Phạm Tiến Duật cũng đã bắt đầu viết thơ dài, có lẽ chính là để đáp ứng đòi hỏi mới của cái mạch ngầm hành khúc của cuộc kháng chiến vậy. Nhưng xét cho cùng, thơ dài của anh là không tách khỏi mạch thơ ngắn trước đó. Kể cả những bài thơ ngắn về sau (được tập hợp thành tập Ở hai đầu núi), vẫn là sự tiếp tục ấy, cách nhìn ấy, phương thức cấu tứ ấy, vẫn là cách lật ngược vấn đề theo kiểu: “Lạ cho sợi chỉ mỏng manh – Buộc hờ mà trói lòng anh khôn về”, hoặc “Hình áo thế nào thì hình người thế ấy – Cô gái nông trường – cô thanh niên xung phong”, hoặc “Trước mắt giờ mình em – Riêng mình anh anh hát – Với bao lòng dào dạt – Thế cũng là đồng ca” v.v… Tiếc rằng, loạt thơ sau này không còn gây ấn tượng mạnh như loạt thơ đầu của anh, do đó, có cảm giác như là bị nhàm mòn. Tôi cứ nghĩ rằng, đôi vợ chồng đã về già mà vẫn cố làm nũng nhau như thuở ban đầu yêu nhau, thì những tốt đẹp sẽ chẳng còn nguyên giá trị như trước nữa.
2.  Thanh Thảo là một nhà thơ trẻ đã tạo được sự ứng xử đúng mức sau “mối tình đầu” của thơ chống Mĩ. Tất nhiên, trong sự tiếp tục này có sự đóng góp chung của cả một lớp nhà thơ hết sức đông đảo. Có thể kể đến Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Mĩ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Bế Kiến Quốc, Anh Ngọc, Hữu Thỉnh, Anh Chi, Thanh Tùng, Nguyễn Hoa v.v… Nói đến Thanh Thảo là tôi muốn nói đến cái điệu thơ thâm trầm, cái nhịp hành khúc ngầm của hiện thực đã được thể hiện với một nghệ thuật khá điêu luyện trong trường ca Những người đi tới biển. Để có được sự thành công của trường ca Những người đi tới biển, Thanh Thảo đã phải bước một bước chùng bằng giọng điệu của thơ trẻ trước anh khi anh viết tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ. Ví dụ bài thơ Qua đường 9  với lối kết thúc như thế này:
Cuộc sống ở đây vẫn cuộc sống bình thường
Cái lạ nhất là không thấy gì lạ cả.
Ta tưởng như bài thơ có một phát hiện, một sáng tạo, nhưng thật ra đấy vẫn là cái giọng điệu mà Phạm Tiến Duật đã thành công trước rồi. Xa hơn nữa, trước Phạm Tiến Duật, năm 1964, Nguyễn Mĩ cũng đã thành công với cách nói này trong bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ:
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia li
Một lí do nữa khiến tôi có cảm giác Dấu chân qua trảng cỏ ít có những khám phá mới lạ, vì nó được viết trước ra mắt sau trường ca Những người đi tới biển của anh. Những gì mà anh tỏ ra tìm tòi trong Dấu chân qua trảng cỏ, thì trong trường ca anh đã huy động trở lại nó và đạt được những thành công cao hơn. Cũng là lời tâm sự của người lính với Mẹ, trong tập Dấu chân qua trảng cỏ, anh viết:
Cả thế hệ xoay trần đánh giặc
Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua bưng
Vì mẹ sinh chúng con
Vì chúng con là con mẹ
Trong trường ca Những người đi tới biển, lời tâm sự mới thật là gan ruột:
Những năm
Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời
Rồi tới lúc chúng con thay áo khác
Nhưng khi cởi áo ra
Con không còn gì thay được!
Điệu thơ thông minh một cách thâm trầm, và sắc sảo một cách ngọt ngào, này là một bước tiến vượt bậc trong thơ Thanh Thảo, đó cũng là một bước tiến mới trong thơ chống Mĩ. Chất mới trẻ của thơ Thanh Thảo là ở chỗ đó, hồn thơ ẩn chứa một tâm trạng sâu kín và dữ dội. Nếu như giọng thơ trẻ trước anh ồn ào như mạch thác phía đầu nguồn, thì đến Thanh Thảo, dòng thơ lai láng dấu trong nó một sức chảy ngầm của quãng cuối dòng sông. Với cái mạch ngầm mạnh mẽ này, thơ anh tiềm ẩn một ý nghĩa cao xa khác, tạo ra được những lay động lâu bền. Có thể nói điệu cảm xúc của thơ Thanh Thảo là điệu cảm xúc trùng phức, và mỗi yếu tố cảm xúc đều muốn được khai thác nhanh chóng đến tận cùng, cho nên, có khả năng biểu hiện những vấn đề lớn rộng và phức tạp của một hiện thực lớn. Hầu như điệu tâm hồn của lớp trẻ cuối chống Mĩ có một nét chung như vậy, và đó là nguyên nhân của sự xuất hiện hàng loạt những trường ca viết về chiến tranh. Sự ra đời của hàng loạt trường ca là nhu cầu tự thân một hiện thực lớn phát triển đến mức độ phong phú nhất của nó, mà nhịp sống của lớp thơ trẻ đã có được sự phát triển đồng điệu. Những người đi tới biển của Thanh Thảo xuất hiện khá sớm trong loạt trường ca này (hai năm sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi), đóng vai trò mở đầu cho trường ca viết về chiến tranh sau chiến tranh, với một giọng điệu riêng, đưa thơ trẻ chống Mĩ lên tới đỉnh cao đáng tin cậy. Sự mở ra của thơ Thanh Thảo chính là cách nói trầm tĩnh, khai thác cảm xúc đến tận cùng nhằm đẩy nhanh tứ thơ đến những hình tượng khái quát giàu chất suy nghĩ, mang được một vẻ đẹp riêng:
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(nhưng tuổi hai mươi làm sao mà không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn
chi  Tổ quốc
Cỏ sắc mà ấm quá phải không em…
hoặc là:
Và cứ thế nhân dân thường ít nói
Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời
Và cứ thế nhân dân cao vời vợi
Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời.
Trường ca của Thanh Thảo có nhiều đoạn thơ, câu thơ đẹp và súc tích như vậy. Nếu như buổi đầu thơ chống Mĩ chỉ chú ý đến cái hay của toàn bài mà ít chú ý cái hay của từng câu, từng đoạn, thì thơ Thanh Thảo, thơ trẻ cuối chống Mĩ đã phấn đấu khắc phục những nhược điểm trước đấy của nó. Dĩ nhiên, có bài thơ, tách riêng từng câu, từng đoạn thì bình thường, nhưng nó lại hay trong tổng thể của nó, nghĩa là cái hay  ở toàn bài. Nhưng, có được những bài thơ hay mà từng câu, từng đoạn đứng độc lập vẫn hay, thì đấy là tiêu chuẩn cao nhất của thơ, cái tiêu chuẩn mà thơ phải nỗ lực phấn đấu để vươn tới. Cái chất mới trẻ của Thanh Thảo chính là sự nỗ lực vươn tới này.
3.  Khi nói đến những câu thơ hay, tôi không thể không nhớ đến Hữu Thỉnh, một nhà thơ trẻ gần như đồng thời với Thanh Thảo. Anh là người sớm nhận ra sự thành công mới mẻ trong thơ Thanh Thảo, trong thơ trẻ cuối chống Mĩ. Trong một lần trò chuyện về thơ, tôi nhận thấy Hữu Thỉnh rất quan tâm đến “phương thức sản xuất những câu thơ hay”. Thoạt nghe, tưởng như là đùa cợt, nhưng ngẫm lại, thấy anh có lí. Tôi ngược về dòng thơ chống Mĩ và thấy rằng, trước đây đã có một thời những câu thơ tạo ra được sự hấp dẫn đối với thơ trẻ lúc đó, đã được “sản xuất “theo phương thức:
Câu thơ hay = Cái hữu hình +động từ+ cái vô hình.
Đại loại như sau:
Đã nghe tiếng bom rắc trong nỗi nhớ
(XUÂN SÁCH, 1965)
Hoặc:
Em úp mặt vào đêm
Tay vịn vào tiếng hát
(KHÔNG RÕ TÁC GIẢ)
Hoặc:
Chúng tôi bơi trong thương nhớ của riêng mình.
(HỮU THỈNH, 1975)
Ngay chính Hữu Thỉnh, phần đầu trường ca Đường tới thành phố của anh, vẫn còn rải rác một số câu thơ được sản xuất theo phương thức nói trên, ví dụ như: “quàng vai bạn vô tình ta chạm phải – cái cựa mình tin cậy của rừng đêm”, “chúng nó đang săn ngày sum họp của ta, v.v…   Cứ theo phương thức này, có thể sản xuất ra hàng loạt những câu thơ “hay” tương tự. (Quả là sau khi tìm ra được phương thức, thật là lợi hại). “Phương thức sản xuất những câu thơ hay” mà Hữu Thỉnh quan tâm sau này là gì, cái bí quyết ấy anh không tiết lộ, nhưng thực sự là anh đã “sản xuất” được khá nhiều những câu thơ hay trong trường ca Đường tới thành phố. Có thể dễ dàng nhặt ra những câu thơ hay trong trường ca của anh:
Khi viết về những khó khăn của hậu phương:
 -  Năm thì ngắn mà tháng ba dài thế
Nhìn trong nhà rộng rãi đến là lo
 -  Cây rơm gầy xay giã cũng thưa đi
Những câu thơ viết về mẹ, thật cảm động:
-  Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng chiều
Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió
Những câu thơ viết về sự hi sinh âm thầm của người chị:
 -  Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra
Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại
 -  Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Những câu thơ nói về tâm trạng của người yêu, và những người con gái trong chiến tranh:
 -  Mưa to quá mà niềm vui dễ vỡ
Nếu em buồn rừng còn có gì che
Và đây là những câu thơ cảm động viết về sự hi sinh của người lính:
 - Trận đánh đi qua thành bản tin giờ chót
Những người vỗ tay không biết mặt anh
 -  Sắt thép vô danh như cuộc đời chiến sĩ
Tôi có cảm giác rằng, có được những câu thơ như vậy không thể không có sự từng trải. Phương thức sản xuất những câu thơ hay của Hữu Thỉnh chính là sự chắt lọc cô đúc những điều từng trải của tâm hồn thông qua những chi tiết được chọn lọc tinh vi trong đời sống. Cái hay của câu thơ chính là sự kí thác tâm huyết những rung động thật sự của tác giả, tới mức cô đúc. Sự cô đúc của câu thơ đã tạo nên một tốc độ mới cho thơ chống Mĩ. Có cảm giác là từ một câu thơ cô đúc, trước đấy, người ta có thể viết thành cả một bài thơ. Nói cách khác, câu thơ hay của Hữu Thỉnh có xu hướng rút gọn lại một bài thơ:
Chiếc khăn tay của một thời nước mắt
Sẽ tung cờ hạnh phúc trước hàng hiên
Vế đầu tiên của câu thơ trên chính là sự rút gọn của nhiều chi tiết mà người ta có thể kể được về “chiếc khăn tay của một thời nước mắt”; và vế sau của câu thơ tất nhiên là sự kết thúc của bài thơ ấy.
Nhờ sự cô đúc của những câu thơ mà trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh giàu lượng thông tin tâm hồn, mang dấu ấn rõ nét cái tôi trữ tình của nhà thơ, góp với Thanh Thảo và lớp thơ trẻ chống Mĩ một tiếng nói nhân hậu về cuộc chiến tranh, và đặc biệt, những câu thơ hay của Hữu Thỉnh có tính chất kêu gọi những câu thơ hay trong ta nói chung. Điều cần đề phòng là sự chọn lọc quá cầu kì, dẫn đến việc xảy ra sự chính xác khó tin của chi tiết thực, kiểu câu thơ:
Đội hình xe tăng dồn xích cho nhau
75 miếng một bên ba xe dồn lấy một
pháo thủ
lái xe
ngày hao năm cân mốt
Do cách chọn hình tượng cho trường ca là cuộc chiến đấu của dân tộc đi từ gian khổ những cánh rừng tới thành phố của chiến thắng mà người đọc dễ cảm giác Hữu Thỉnh trùng lặp với Những người đi tới biển của Thanh Thảo. Nhưng xét cho cùng, giọng điệu tâm hồn của các anh có những nét đặc sắc riêng, đấy là điều quan trọng nhất tạo nên bản sắc riêng của từng tác giả.
*
Đến nay, tôi cảm giác là thơ chống Mĩ đã đi xa trên chặng đường vinh quang của nó. Những tác giả trẻ xuất hiện trong chống Mĩ với những thành công đáng kể, cũng có thể tiếp tục mở ra những thành tựu mới, cũng có thể các anh tiếp tục triển khai những thành tựu đã đạt được. Điều đó, không thể đoán định trước, có điều, những từ trường mà thơ chống Mĩ đã tạo ra, đã từng thu hút nhiều người làm thơ trẻ một thời, chắc chắn còn tiếp tục thu hút nhiều người làm thơ trẻ hiện nay. Cái quan trọng là những người làm thơ trẻ cần nhanh chóng thoát khỏi những từ trường mạnh của thơ chống Mĩ, đồng thời cần nhanh chóng tạo ra những từ trường mạnh khác của chính mình, của lớp thơ mình.
Đọc thơ trẻ của ta trong 5 năm qua (sau 1975), dễ nhận thấy nó đang được hình thành và phát triển, tuy chưa thật rõ nét, nhưng quả đã bắt đầu tạo nên một giọng điệu mới. Điều này khiến tôi chợt nhớ về những năm 1964 – 1965, thanh niên bỗng nhiên rất thích mặc quần áo bộ đội, và, lập tức xảy ra sự xuất hiện hàng loạt những bài thơ với giọng điệu mới viết về cuộc chiến đấu anh dũng của chúng ta. Còn bây giờ, khi quần áo bò đã bắt đầu trở thành mốt mới đối với thanh niên, phải chăng, hàng loạt những bài thơ với nhịp sống công nghiệp sẽ xuất hiện như là một điều không thể khác?
Những người làm thơ trong chúng ta, có thể những năm 1964 – 1965 không hề bận quân phục một lần, và bây giờ cho mãi về sau này cũng không bận quần áo bò, nhưng cuộc sống không cho phép chúng ta bàng quan trước những biến động ấy trong lớp người trẻ tuổi. Và có thể là nhờ sự không bàng quan này mà chất mới trẻ trong thơ chúng ta luôn luôn được nuôi dưỡng, tránh được sự què quặt ốm yếu, và trở thành lực lưỡng.
Hà Nội, cuối tháng Mười, 1981
NGUYỄN TRỌNG TẠO

No comments:

Post a Comment