Trang

Tuesday, April 24, 2012

NHÀ KÝ HIỆU HỌC UMBERTO ECO VỚI LÝ THUYẾT VỀ TÁC PHẨM MỞ

Umberto Eco sinh năm 1932 tại thành phố Alessandria ở miền Bắc Italia. Ông là một nhà nghiên cứu văn học trung đại, nhà phê bình văn học, nhà triết học và là một nhà ký hiệu học có danh tiếng. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là một nhà văn, với sáu cuốn tiểu thuyết được coi là sách bán chạy trên thế giới như Tên gọi của hoa hồng (1980), Con lắc Foucault (1988), Hòn đảo ngày sáng thế (1994), Chàng Baudolino (2000), Ngọn lửa bí ẩn của hoàng hậu Loana (2004), và gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết Nghĩa địa Praha, xuất bản tháng 10-2010; với tác phẩm cuối cùng này, Eco được coi là một trong những tác giả ăn khách nhất trên thế giới. Hiện tại ông là hiệu trưởng Trường Cao cấp Nghiên cứu Khoa học Nhân văn thuộc Đại họcBologna.

Với tư cách là một nhà ký hiệu học và phê bình văn học, Eco nổi tiếng bởithuyết về tác phẩm mở (t. Italia: “opera aperta”; t. Anh: the “open work”) qua bài viết từ năm 1959 “Thi pháp tác phẩm mở”. Quan niệm về tác phẩm mở của ông liên quan chặt chẽ đến quan niệm về người đọc và đếnthuyết ký hiệu học của ông. Nhìn chung,thuyết ký hiệu học quan tâm chủ yếu đến vấn đề về mối quan hệ giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt. Và để hiểu được mối quan hệ này, nhà ký hiệu học phải xác lập được các ngôn ngữ của văn bản để diễn giải văn bản tác phẩm. Đó là cách làm thông thường của các nhà ký hiệu học.
Theo Eco, khi đọc một văn bản tác phẩm, người đọc cần phải dựa vào các cấu trúc diễn ngôn để diễn giải tác phẩm. Với tư cách là nhà ký hiệu học, Eco quan niệm cấu trúc diễn ngôn đó bao gồm các mã ngôn ngữ mà người đọc cần phải dựa vào để diễn giải tác phẩm. Ông phân ra 7 mã hay có thể coi đó là 7 yếu tố tham chiếu. (Đến năm 1970, trong công trình S/Z, nhà ký hiệu học người Pháp Roland Barthes lại đề xuất 4 mã ngôn ngữ cho diễn giải văn bản). Eco trình bày 7 mã ngôn ngữ của mình như sau:
1. Từ điển cơ sở. Ở cấp này, người đọc cầu viện đến một vốn từ vựng dưới dạng một cuốn từ điển cơ sở, để anh ta có thể khám phá những thuộc tính ngữ nghĩa cơ bản nhất của các nghĩa vị có liên quan, để từ đó thực hiện một hỗn hợp nghĩa đầu tiên.
2. Các quy tắc cùng tham chiếu. Trên cơ sở của sự phân tích ngữ nghĩa đầu tiên và của việc khám phá các thuộc tính cú pháp, người đọc sẽ làm cho những sự diễn đạt trùng lặp và mang tính chỉ định trở nên không còn tính mơ hồ đa nghĩa. Ở cấp độ này, người đọc thực hiện mỗi một sự biến hoá từ bề mặt đến cấu trúc tầng sâu của các câu đơn. Trong những trường hợp có sự mơ hồ đa nghĩa, thì anh ta sẽ trông chờ vào những đầu mối của văn bản.
3. Những lựa chọn văn cảnh và tình huống. Trong khi tất cả các mối quan hệ trong cùng một văn bản đều là những mối liên kết được biểu lộ thông qua các từ vị được diễn đạt bởi sự biểu hiện văn bản tuyến tính, thì những sự lựa chọn văn cảnh lại được thiết lập từ trước bởi một sự biểu thị ngữ nghĩa dưới dạng một bộ bách khoa thư, và chúng có mặt chỉ ở thế tiềm năng trong một văn bản nhất định. Một trong những nhiệm vụ của người đọc là phải hiện thực hoá chúng (bằng cách bỏ qua bất cứ một sự lựa chọn thay thế nào). Còn những sự lựa chọn tình huống thì có nhiệm vụ mã hoá sự cố tương liên khả dĩ của một từ nhất định với những tình huống bên ngoài. Ví dụ từ cổ “aye” trong tiếng Anh, trong một khung cảnh nào đó thì nó có nghĩa là “Tôi bỏ phiếu thuận”, nhưng trong hải quân [Anh-Mỹ] thì nó có nghĩa là “Tuân lệnh”.
4. Siêu mã hoá [tiếng Anh: overcoding] về phương diện tu từ và phong cách. Theo tinh thần này, các quy tắc siêu mã hoá sẽ cho người đọc thấy được liệu một sự diễn đạt nhất định (cho dù là một từ đơn, một câu văn, hay cả một đoạn văn) có được sử dụng một cách tu từ hay không. Ví dụ câu nói “ngày xửa ngày xưa” là một sự diễn đạt siêu mã hoá có nhiệm vụ xác lập: 1/ rằng các sự kiện xảy ra trong một thời đại phi lịch sử và phi xác định; 2/ rằng những sự kiện được thuật lại không phải là những sự kiện “có thật”; 3/ rằng người kể chuyện muốn kể một câu chuyện hư cấu.
5. Suy luận dựa vào những khung cảnh chung. Theo nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và lĩnh vựcthuyết văn bản, một khung cảnh trông sẽ giống như một thứ nằm ở giữa một bên là sự trình bày ngữ nghĩa theo kiểu bách khoa thư rất bao quát được diễn đạt về mặt ngữ pháp, với một bên là cấp siêu mã hoá. Ví dụ với một câu văn tả một “người đàn ông giơ tay hùng hổ tiến đến chỗ người vợ” thì có thể được suy diễn là ông ta giơ tay lên để đánh vợ, mặc dù văn bản không mô tả cái hành vi đánh vợ của ông ta.
6. Suy luận dựa vào các khung cảnh liên văn bản. Eco cho rằng không có một văn bản nào được đọc một cách biệt lập khỏi kinh nghiệm của người đọc về các văn bản khác. Kiến thức liên văn bản có thể được coi là một trường hợp đặc biệt của việc siêu mã hoá, và nó xác lập các khung cảnh liên văn bản của riêng nó. Người đọc khi đọc đoạn văn “người đàn ông giơ tay hùng hổ …” nói trên sẽ tin rằng ông ta tiến đến để đánh vợ là vì người đọc đã dựa vào một loạt tình huống tự sự đã được siêu mã hoá để xác lập cái tình huống “cãi nhau giữa chồng và vợ” như thế. Có thể nói, nếu như các khung cảnh chung xuất phát từ kho kiến thức bách khoa của người đọc và là những quy tắc chủ yếu cho đời sống thực tiễn, thì ngược lại, các khung cảnh liên văn bản đã thực sự là những chủ đề văn học, những đề cương tự sự. Những chủ đề văn học này đã được quy giản thành những tình huống điển hình, ví dụ như chủ đề “cướp tàu” đã là một tình huống điển hình của một loạt phim cao bồi viễn Tây và từ đó trở thành một trong những khung cảnh liên văn bản để giải mã một văn bản văn học.
7. Siêu mã hoá tư tưởng. Eco đã mô tả các hệ thống tư tưởng như là những trường hợp siêu mã hoá. Ông cho rằng người đọc thường tiếp cận văn bản theo một quan điểm tư tưởng cá nhân, và vì thế anh ta phải có một tư tưởng hệ để chỉ đạo hành động diễn giải văn bản. Nhưng ông cũng cho rằng không phải lúc nào độc giả cũng đặt cho mình mục đích phân tích các cấu trúc tư tưởng của văn bản. Ví dụ khi quan điểm tư tưởng của người đọc trùng hợp với tư tưởng của tác giả, thì có thể anh ta sẽ không quan tâm đến việc “phát hiện” cái cấu trúc tư tưởng của văn bản nữa; ngược lại, khi một người có tư tưởng đối lập với tư tưởng của tác giả thì anh ta sẽ có thiên hướng “bóc trần” cái ý đồ tư tưởng của nhà văn ẩn chứa trong văn bản, thậm chí cả những ý đồ giả định, không được nói ra. Mặt khác, Eco cũng lưu ý rằng khuynh hướng tư tưởng nhiều khi cũng có thể hoạt động như là những nhân tố chuyển mã, dẫn người đọc đi đến chỗ đọc một văn bản theo các mã khác thường, thậm chí “sai lệch” (tức là khác với các mã do tác giả đưa ra). Ví dụ như lối phê bình thời trung được đại áp đặt một cách sai lệch cho nhà thơ Latin cổ đại Virgilius, hay lối diễn giải theo quan điểm vô sản được áp đặt cho cuốn tiểu thuyết Những bí mật của thành Paris của Eugène Sue.
Với quan điểm về các mã diễn giải như vậy, Eco đã nói đến hai loại văn bản: văn bản “khép kín” và văn bản “mở”. Theo ông, có một số tác giả khi sáng tác đã không tính đến khả năng là người đọc thường diễn giải văn bản theo các mã khác với các mã do tác giả chủ ý đề xuất, mà họ chỉ tính đến một người tiếp nhận trung bình liên quan đến một bối cảnh xã hội nhất định. Vì thế, văn bản của những tác giả đó thường nhận được sự diễn giải của các loại người đọc khác nhau với những cách giải mã khác nhau và có khả năng “sai lạc”. Và ông cho rằng “Một văn bản được ‘mở’ một cách thái quá như thế cho mọi khả năng diễn giải sẽ được gọi là văn bản khép kín”. Tức là loại văn bản đó được sáng tác theo những mã có chủ đích của nhà văn, nhưng không loại trừ việc nhận được sự diễn giải “sai lạc”. Thậm chí những truyện như truyện tranh về siêu nhân có thể được đọc theo nhiều cách khác nhau, mỗi cách đều độc lập với các cách khác.
Còn loại văn bản được gọi là “mở” thì, theo Eco, không thể được đọc như vậy. Những văn bản được gọi là “mở” chỉ phát huy tối đa hiệu quả của chúng khi mỗi một sự diễn giải lại được hô ứng bởi những sự diễn giải khác và ngược lại. Ông cho rằng một tác giả có thể nhìn thấy trước một độc giảtưởng có khả năng làm chủ các mã khác nhau và ham muốn làm việc với văn bản như là với một mê cung các vấn đề. Nhưng cuối cùng thì điều quan trọng không phải là bản thân các vấn đề mà là cái cấu trúc giống mê cung của văn bản. Bạn không thể sử dụng văn bản như bạn muốn, mà chỉ như văn bản muốn bạn sử dụng nó. “Một văn bản mở, cho dù được ‘mở’ đến đâu, thì nó cũng không thể chấp nhận bất cứ một sự diễn giải nào” – Eco đã tuyên bố như vậy.[1] Tức là theo Eco, tác phẩm mở không phải là tác phẩm mà người đọc có thể tuỳ tiện muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Một điều đáng lưu ý là, trái với những gì mà ở Việt Nam nhiều người vẫn tưởng, Eco không quan niệm tính “mở” là thuộc tính phổ biến của mọi tác phẩm văn học, tức là ông không quan niệm rằng mọi tác phẩm đều mang tính mở. Mà, như trên cho thấy, tính mở phụ thuộc vào ý đồ của nhà văn, và rằng tính mở chủ yếu chỉ có mặt trong văn học nghệ thuật thời hiện đại, với dấu hiệu ban đầu của nó xuất hiện từ thời barốc (thế kỷ XVI).
Mặt khác, tự thânthuyết về tác phẩm mở không phải là một giá trị đứng ở bậc cao hơn so với cácthuyết khác trong số cácthuyết nghiên cứu văn học, mà nó chỉ là một trong vô vàn cách tiếp cận và phương pháp diễn giải văn học. Vì thế nó có thể được người này ủng hộ nhưng lại bị người khác phản bác. Chẳng hạn, khi bài viết Thi pháp tác phẩm mở của Eco được dịch sang tiếng Pháp và được đưa vào cuốn sách Tác phẩm mở xuất bản tại Paris năm 1966, thì đến năm 1967, trong một lần trả lời phỏng vấn, nhàthuyết cấu trúc luận người Pháp Claude Lévi-Strauss đã nói rằng ông không thể chấp nhận quan điểm của công trình Tác phẩm mở, bởi vì theo ông, một tác phẩm nghệ thuật “là một vật có những đặc tính rõ ràng và chính xác, những đặc tính đó phải được nghiên cứu tách biệt bằng cách phân tích, và tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn có thể được xác định trên cơ sở của những đặc tính như vậy. [...] Chúng tôi [tức Lévi-Strauss và Jakobson – NVD] đã tiếp cận [tác phảm nghệ thuật] như là một vật mà, một khi nó đã được sáng tạo, thì – có thể nói – nó có sự cô đặc như một tinh thể [nguyên văn trong bản dịch tiếng Anh: “stiffness of a cristal” – NVD]; chúng tôi chỉ giới hạn ở việc làm sáng tỏ những đặc tính đó.”[2]
Cuối cùng, chúng tôi cũng xin có nhận xét rằng việc phân tích và diễn giải văn bản theo các mã của Eco như trên không hẳn là hoàn toàn mới. Trên thực tế, cách phân tích tác phẩm theo các cấp độ khác nhau như vậy cũng vẫn có thể được thực hiện ở một nhà phê bình này hay nhà phê bình khác, kể cả ở nước ngoài lẫn ở Việt Nam ta, bất kể người đó có ý thức về ký hiệu học hay không. Nhưng ở đây, giống như nhiều người khác, Eco đã hệ thống hoá lại để làm thành mộtthuyết ký hiệu học văn bản. Đó chính là kết quả của lối tư duy lôgic duycủaluận phê bình phương Tây.
Tóm lại, chúng ta chỉ nên coithuyết về tác phẩm mở là một trong vô số cácthuyết nghiên cứu văn học mà chúng ta không nên tuyệt đối hoá bất cứthuyết nào. Trên tinh thần đó, chúng tôi xin giới thiệu bài viết Thi pháp tác phẩm mở như là một quan điểmthuyết ký hiệu học và như một cách tiếp cận tác phẩm của Eco để chúng ta tham khảo.
Nguồn: Văn học nước ngoài, số 7-2011.
Nguyễn Văn Dân

[1] Umberto Eco, The Role of the Reader (Explorations in the Semiotics of Texts [“Vai trò của người đọc (Khảo sát ký hiệu học văn bản”)], Indiana University Press, Bloomington, USA, 1984 (chương Mở đầu [Introduction]).
[2] Trích theo Umberto Eco, The Role of the Reader, Sđd, tr. 3-4. 
Bản vi tính Copyright © phebinhvanhoc.com.vn

No comments:

Post a Comment