Trang

Monday, April 2, 2012

NHÀ VĂN KIM LÂN: ĐỘC THOẠI MỘT MÌNH TRONG ĐÊM


Mới đây, người thân, các nhà văn và độc giả yêu mến ông đã tới dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm nhà văn Kim Lân ở nội đô Hà Nội. Nhìn những bức ảnh và tranh vẽ chân dung nhà văn Kim Lân do những người con họa sĩ nổi tiếng của ông là Thành Chương và Nguyễn Thị Hiền thực hiện, tôi có cảm giác gương mặt hiền từ, nụ cười ấm áp và giọng nói khôi hài của ông vẫn phảng phất đâu đây trong tâm tưởng những người yêu mến ông.

Nhà văn Kim Lân
Ông ra đi mang theo một kho ký ức  
Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi, khoảng một năm trước ngày nhà văn Kim Lân qua đời, bất chợt một hôm đến thăm nhà ông ở xóm Hạ Hồi, nhà văn cho tôi biết, thời gian gần đây ông không ngủ được, cứ thao thức suốt đêm với nhiều chuyện ám ảnh, nhiều lúc cứ ngồi nói chuyện một mình và cứ độc thoại trong đêm như thế cho tới sáng. ông bảo, những đêm như thế, muốn thôi không nghĩ ngợi nữa cũng không được, do vậy nhà văn chợt nảy ra cái ý nghĩ viết một thiên truyện có cái tựa đề khá độc đáo Lảm nhảm một mình trong đêm. Tôi giật mình, thưa với ông: “Cháu thiển nghĩ, đã nhiều năm bác không viết, nên những ẩn ức sáng tạo tích lũy trong con người văn chương của bác đang dồn nén và đến bây giờ mới bật ra chăng? Có lẽ bác phải bảo Thành Chương mua ngay cho bác một chiếc máy ghi âm và trong những đêm độc thoại như thế, bác cứ bật máy và tha hồ nói, máy ghi âm sẽ lưu lại hết. Cháu nghĩ rằng, chỉ cần vài tuần độc thoại với máy ghi âm thôi, chắc chắn hồi ký và chuyện đời của nhà văn Kim Lân sẽ có khối nhà xuất bản đến đặt mua!”. Lúc ấy, cụ Kim Lân chợt nhìn tôi cười hóm hỉnh: “Thế cái máy ghi âm cậu đặt trên bàn từ nãy đến giờ có làm được một phần cái công việc ấy chưa?”. Tôi chữa ngượng: “ấy là cháu nói tới cái đoạn độc thoại một mình trong đêm của bác mới thú vị, mới đáng ghi âm chứ, còn cái máy này cháu chỉ xin phép ghi lại mấy thông tin báo chí thôi, bố già ạ!”.
Nhà văn Kim Lân người nhỏ nhắn, hiền lành, cởi mở và dễ gần. ông có duyên kể chuyện, hoạt bát và khá khôi hài.  Khi trò chuyện cùng nhà văn Kim Lân, các nhà văn trẻ chúng tôi thường được nghe một số giai thoại thú vị về thế hệ các văn nghệ sĩ thời kỳ đầu cách mạng như: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Thúc Bình, v.v.
Những năm tháng gian lao ấy, vùng ấp Đồi Cháy ở Nhã Nam, Bắc Giang đã trở thành một “căn cứ địa” của văn hoá kháng chiến và không ít văn nghệ sĩ đã đưa cả gia đình tản cư lên đây theo cách mạng. Sau này, cánh văn trẻ chúng tôi thường bị lôi cuốn bởi cái duyên kể chuyện, hoạt bát và khá khôi hài của ông. Trong con - người - nhà - văn của Kim Lân, cùng với sự hiểu biết sâu sắc thông tuệ là cả một kho ký ức. Giờ thì ông đã mang theo kho ký ức về các nhà văn kháng chiến về thế giới bên kia.
Trong những lần trò chuyện với anh em viết trẻ, nhà văn Kim Lân cho biết, ông cầm bút vì nhiều nguyên nhân ẩn ức chứa chất trước sự bất công trong đời sống xã hội nơi làng quê thời trước cách mạng. Sinh ra ở một miền quê bị trói buộc bởi nhiều hủ tục phong kiến, lại ở vào thân phận mặc cảm - con một người vợ lẽ, ngay từ thuở thiếu thời, Kim Lân đã có ý chí tự lập thân, tự vươn lên khá mạnh mẽ. Những tâm trạng ẩn ức này thể hiện khá rõ trong một số truyện ngắn đầu tay của ông.
Trong những buổi đầu đến với văn chương, Kim Lân đã gặp gỡ Nguyên Hồng (lúc ấy đã là một nhà văn nổi tiếng), và tình bằng hữu văn chương đã gắn bó các ông suốt một thời gian dài từ trước cách mạng đến kháng chiến và sau này trong hoà bình. Có lần tâm sự với tôi, nhà văn Kim Lân khẳng định: “Có thể nói, kể từ khi gặp Nguyên Hồng, ý thức viết văn chuyên nghiệp của tôi mới dần dần được hình thành sáng rõ, vì thời gian trước đó, tôi viết theo cảm hứng và viết để giải toả những bức xúc, ẩn ức mà mình thấy cần phải cầm bút để nói. ông Nguyên Hồng thấy tôi cũng nghèo nghèo khổ khổ nên ông ấy cũng thích. Vào năm đói 1945, tôi thường mang truyện ngắn đến nhờ Nguyên Hồng “bán” hộ cho các tờ báo lớn, trong đó có nhiều chuyện viết về phong tục và thú chơi của các làng quê ở xứ Kinh Bắc”.
Nhà văn Kim Lân viết không nhiều, đa số sáng tác của ông là về nông thôn được viết trước cách mạng và trong kháng chiến như các tập truyện ngắn: Làng, Vợ nhặt, Con chó xấu xí, Nên vợ nên chồng… Thời gian sau nay, ông viết ít dần, nhưng các truyện ngắn trước đó đã đưa ông lên hàng các tác giả tiêu biểu của nền Văn học Cách mạng Việt Nam những năm 50. Mới đây, nhà văn Kim Lân rất mừng rỡ khi một bạn văn may mắn tìm lại được một số truyện ngắn của ông đã in trước cách mạng trên một số tờ của báo Trung Bắc chủ nhậtTiểu thuyết thứ bảy mà ông đã quên bẵng hơn nửa thế kỷ vì mất bản thảo. Trao đổi với tôi, nhà văn cứ ngơ ngẩn, xuýt xoa kêu tiếc vì không bao giờ có thể tìm lại đủ các số của hai tờ báo nói trên trong những năm ấy.
Ông phàn nàn: “Những truyện ngắn này tôi in từ năm 1942 đến năm 1945 rồi quên bẵng đi mất, không nhớ rằng mình đã từng viết chúng, như các truyện: Người kép già, Chó chết, Món đồ mừng, Người ta, Đứa con người cô đầu... Tiếc rằng một số truyện ngắn khác cũng đã từng in mà bây giờ mất bản thảo không sao tìm lại được như: Tông chim, Cả Chuống, ông pháo, Chim họa mi, Chó săn, Trạng vật. Riêng chuyện Chó săn được nhà văn Lan Khai khen và nhà văn Vũ Bằng viết lời đề dẫn”. Sau một số truyện ngắn viết về thú chơi và phong tục làng quê, nhà văn Vũ Bằng đổi bút danh của Kim Lân thành Lan Kim (vì có ý muốn giữ bút danh Kim Lân cho những truyện ngắn đã nổi tiếng). Chính Vũ Bằng đã khuyên Kim Lân: “Ông viết về đời sống nghèo khổ ở nông thôn thì làm sao bằng được cụ Ngô Tất Tố. Ông hãy viết về thú chơi và phong tục nông thôn thì một mình ông một chiếu”.
Người viết phải là người tử tế trước đã
Nhà văn Kim Lân không ít lần xuýt xoa nói với tôi: “Tiếc nhất là tiếc cho Nam Cao, chứ không phải là tiếc cho tôi. Nam Cao viết nhiều, in khoẻ và cũng giống như mấy nhà văn hồi ấy, ông không lưu lại báo và cũng chẳng còn bản thảo”. Kim Lân kể cho tôi nghe câu chuyện đãng trí về nhà văn Nguyễn Công Hoan, khi mới về Hà Nội, được ông chủ nhà xuất bản Tân Dân ngưỡng mộ, biếu đầy đủ trọn vẹn một tập báo Tiểu thuyết thứ bảy.
Ông Nguyễn Công Hoan mừng rỡ, đem báo về, cắt lấy những truyện ngắn của mình in trên đó, rồi sau đó, sơ ý, bán toàn bộ số báo cũ này cho một cô hàng đồng nát mà quên mất rằng, trên các số báo đó còn in nhiều sáng tác của các nhà văn đương thời, cũng giống mình, mất bản thảo sau kháng chiến.
Lúc chợt nghĩ ra, nhà văn Nguyễn Công Hoan muốn đuổi theo cô hàng đồng nát đòi lại báo mà không kịp. “Thế có nẫu ruột không chứ! Đãng trí nhất chính là Nguyễn Công Hoan, vì trên Tiểu thuyết thứ bảy ngày ấy còn nhiều truyện ngắn của Nam Cao mà sau này không thấy có mặt trong các tuyển tập truyện ngắn của ông”, nhà văn Kim Lân chép miệng, xuýt xoa tiếc nuối. Sau khi đóng vai Lão Hạc trong bộ phim dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, người bạn văn chương cùng thời với mình, nhà văn Kim Lân dường như đã đạt được mong muốn nhập thân trở lại một thời cùng khốn của làng quê Việt trước cách mạng.
Còn nhớ, ngày rằm tháng giêng cách đây dăm sáu năm, chúng tôi gặp nhà văn Kim Lân ở sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong dịp lễ tôn vinh Ngày Thơ Việt Nam. Mấy anh em nhà văn trẻ chúng tôi thường vẫn kính trọng, thân mật gọi ông là “Bố già Kim Lân”. Hôm ấy, một anh tếu táo nói: “Bố tám mấy tuổi rồi mà trông vẫn còn điển trai ra trò, khối em mê!”. Bố già Kim Lân nở một nụ cười hóm hỉnh đầy ý nhị: “Có viết nhiều, viết khoẻ được như các cậu đâu mà lắm em theo!”.
Nếu được ngồi hầu chuyện Bố già Kim Lân thì có lẽ cánh viết trẻ nghe cả ngày không chán, vì tuy đã ở tuổi gần đất xa giời nhưng trí nhớ của ông là cả một kho tàng sống về một giai đoạn văn học Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng 8 - 1945, với nhiều gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ngày ông chưa mất, tôi vẫn thường trao đổi với họa sĩ Thành Chương (con trai cả của nhà văn Kim Lân): “Nếu cụ không viết hồi ký, không ghi chép lại những diễn biến về giai đoạn văn học ấy thì sẽ là một thiếu hụt lớn mà sau này chúng ta không có cách gì bù đắp nổi”.
Thành Chương cho biết, đã rất lâu nhà văn hầu như không viết gì (hoặc không muốn viết thì đúng hơn!), dù cụ vẫn còn minh mẫn và luôn quan sát đời sống thế sự theo con mắt nghiền ngẫm chiêm nghiệm khá khôi hài của một nhà văn. Tôi cũng đã có lần mạo muội hỏi nhà văn Kim Lân về chuyện này. Ông nhìn tôi, cười ý nhị và thủng thẳng: “Cái đáng viết thì đã viết rồi, còn cái không đáng viết thì viết làm gì. Viết nhiều mà nhạt thì thà không viết còn hơn, vả lại giời cũng chỉ cho mình có thế, muốn hơn cũng không được. Viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm…!”. Rồi nhà văn nghiêng người với cái điếu bát, khói thuốc lào lẩy bẩy bay lên trên gương mặt hiền hậu đầy chất hóm hỉnh dân dã của ông.
Tôi lại nhớ, hôm ấy, khi tôi xin phép nhà văn ra về, ngoài trời mưa bụi đã lất phất bay. Thứ mưa bụi như sương, như khói chỉ có duy nhất vào tháng chạp, tháng giêng ở vùng nông thôn Bắc Bộ. Tôi chợt liên tưởng đến những truyện ngắn viết về vùng nông thôn này của nhà văn Kim Lân, nó sẽ vẫn còn mãi như thứ mưa bụi sương khói kia, làm thao thức trong ta nỗi nhớ quê mỗi độ xuân về.
Giờ thì nhà văn Kim Lân đã từ giã cõi trần bụi bặm này để đi gặp lại những bạn văn chí cốt một thuở với ông như Nguyên Hồng, Nam Cao... Và tôi cứ thao thức mãi với những lời nói tâm huyết của ông về nghề văn trước lúc đi xa: “Tôi nghĩ muốn theo đuổi nghề văn thì người viết phải là người tử tế trước đã. Dĩ nhiên, không phải hễ là người tử tế ắt hẳn viết văn hay được. Viết văn phải có tài. Cái tài đến với nhà văn rất tự nhiên, mất đi cũng rất tự nhiên. Tôi thấy nhiều nhà văn lúc chưa biết nghề nếp tẻ ra sao, hồn nhiên, thoải mái, viết cái mình yêu, mình thích, thì viết lại rất hay, đến lúc hiểu kỹ về nghề thì viết lại tồi đi rất nhiều. Hay chăng cái mình biết đã gò bó cái tự nhiên của mình. Những hiểu biết về nghề văn là rất cần. Nó nâng tầm nhà văn lên, nhưng nếu để nó khống chế mình, làm mất cái thiên bẩm của mình đi thì nhà văn ấy không còn là chính mình nữa”.
Nguyễn Việt Chiến

No comments:

Post a Comment