Trang

Thursday, April 19, 2012

ĐỖ DOÃN PHƯƠNG VIẾT NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ


'Một bông hồng và triệu bông hồng', cuốn sách mới của nhà thơ ‘Hoan ca’ gồm những truyện rất ngắn, khoảng vài trăm chữ, đọc chẳng mất nhiều thời gian hơn ăn một bát phở, nội dung giản dị lấy từ cuộc sống thường ngày.

“Dậy muộn. Ở quán phở sáng, tôi thường chậm rãi nhai và chẳng còn biết làm gì khác ngoài lơ đễnh lắng nghe câu chuyện của các bà, các chị, các cậu, các mợ bàn bên. Họ nói chuyện rì rầm không to, không nhỏ về gia đình, con cái, công việc, tình yêu… những chuyện xảy ra hàng ngày với họ và thông thường như thể những bữa sáng của họ”, Đỗ Doãn Phương bộc bạch trong lời nói đầu sách.
“Tôi quan niệm viết văn là phải dễ đọc và khiến người ta ăn ngon miệng hơn. Văn dễ đến với độc giả hay không, tác giả có thể tự quyết định ngay từ cách viết”, tác giả tâm sự. Khi được hỏi “Nhưng có nhiều tác giả lớn rất nổi danh với những tác phẩm không dễ đọc chút nào?”, anh đáp: “Nhưng mình là tác giả bé”.
Những mẩu chuyện của Đỗ Doãn Phương, theo anh đánh giá, là “không đủ to lớn để thành một đoản thiên hay trường thiên tiểu thuyết. Các nhà văn chuyên nghiệp nghe qua còn bảo là vớ vẩn, rườm rà”. Nhưng với anh, đó là những “mảnh nhân tình”, chúng sẽ tan đi nếu như không ai ghi chép, không ai lắng nghe.
“Tôi muốn kể những câu chuyện đời thường, với lối viết đơn giản, bỏ đi những mô tả bối cảnh và tâm trạng”, nhà thơ được giải thưởng Hội Nhà văn 2011 nói về quan điểm viết truyện rất ngắn của mình. Truyện rất ngắn của anh có độ dài khoảng 2 hay 3 trang giấy, không quá ngắn và không có những câu văn cô đọng, đắt giá, sốc. Các truyện hầu hết có kết thúc bất ngờ, nhiều khi khiến người đọc chạnh lòng vì sự hiển nhiên mà tàn nhẫn của cuộc đời.
Những câu chuyện trong tập truyện có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trong cuộc đời này. Những chuyện như tắc đường, bún đậu vỉa hè hay chủ nhà - osin thường xảy ra ở các thành phố lớn; chuyện hiến máu, thưởng Tết, quà Tết, bánh trung thu hạng sang, nuôi dạy con trẻ… rộng hơn về mặt địa lý. Chủ đề đời thường luôn dễ đi vào lòng người, nhưng cũng là thách thức cho tác giả khi phải tìm ra cách viết có nét riêng.
Trong thời gian qua, Đỗ Doãn Phương gây chú ý nhờ tập thơ “Hoan ca” được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2011. Hội trao giải này tại Ngày thơ ở Văn Miếu tháng 2 năm nay. Chỉ sau 2 tháng, nhà thơ trẻ trở lại với một tập truyện rất ngắn không nhiều chất thơ mà có tư duy của một nhà báo (anh hiện là Phó tổng biên tập báo Thể thao Văn hóa). Góc nhìn và cách quan sát của người viết truyện mang tính thời sự và trực diện rất báo chí.
Đỗ Doãn Phương sinh năm 1977 tại Sơn Tây, Hà Nội, là em trai của cây bút phóng sự Đỗ Doãn Hoàng. Cả hai viết chung tập truyện Tình cơm bụi năm 2008. Đỗ Doãn Phương ra riêng 3 tập thơ: Ánh chớp (2006), Những ngọn triều nhục cảm (2008), Hoan ca (2011).
HẠ HUYỀN
Nguồn: Evan

No comments:

Post a Comment