“Mỗi tác giả, tác phẩm là một chữ, một câu
trong bài-thơ-chung
của nghệ thuật thi ca”
(Đ.Q)
* *
I. Tóm tắt quan niệm dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị:
Chúng tôi cho rằng, luôn chảy trong
tâm trí chúng ta một dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị, như lần đầu tiên
đã nêu trong bài đăng trên Tạp chí Nhà văn số 2/2009 về tác giả Tuyết Nga[i].
Không lệ thuộc hay-dở, mới-cũ, hiện
đại-truyền thống, cách tân-cổ điển… Có những tác giả của dòng thơ này không tạo
động, cứ lặng lẽ trôi với chân giá trị riêng. Trên văn đàn cũng như giữa công chúng, đó không hẳn
là các sáng tác “có vấn đề”. Nhưng với quan niệm mỹ
học và nghề
nghiệp, đó là những sáng tạo gây ám ảnh và âm ỉ - một trong các nhận dạng của thơ. Văn minh và văn hóa càng phức hợp, trong văn học, nhất là ở
thơ, sự hiểu và cảm ngày càng bị vượt quá, nếu chỉ đọc bằng hai
con mắt hiểu và cảm. Con-mắt-thứ-ba khi đọc thơ là gì? Chắc là
không có lời đáp; hoặc không chỉ có một lời đáp, nếu không muốn hỏi “Liệu cái
đang đọc có phải là thơ không?”
Vì sao có loại thơ cần giải thích giá trị, ngoài các phê
bình, nhận định thông thường?
Thi ca cũng như con người. Có những thơ chỉ đọc một đôi lần là biết cảm nhận
được hay không. Đó là loại thơ-đọc-một-lần. Ngược lại, có loại thơ-đọc-đi-đọc-lại.
Ví như thơ của Nguyễn Du, Bùi Giáng,
Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu,
Thanh Tâm Tuyền, Tố Hữu, Nguyên Sa, Thâm
Tâm, Tế Hanh, Du Tử Lê, Nguyễn Khoa Điềm, Viên Linh, Phùng Cung, Vũ Quần Phương, Hoàng Hưng, Nhã Ca, Thi Hoàng, Ý Nhi, Chân
Phương, Nguyễn Đạt, Phạm Đình Ân, Hoàng Vũ
Thuật, Thường Quán, v.v… (Trong số này có nhiều tác giả rõ không phải là “tác
giả khó”, thậm chí còn là “đại chúng”.)
Mai Văn Phấn cũng là một tác giả có thơ-đọc-đi-đọc-lại!
Còn kiểu phân loại nữa, quen thuộc, nhưng ít ai muốn định
danh dóng diết, rằng có thứ thơ-cho-người đọc, và có thứ thơ-cho-người-viết.
Về đối tượng, vô hình trung, có ba loại: Sáng tác dành cho người đọc nói
chung; Sáng tác dành cho không chỉ người đọc mà cả người viết; và Sáng tác dành
cho người viết nói chung, nhất là người phê bình. Thơ ở loại thứ ba nên gọi là thơ-cho-các-nhà-thơ,
và thơ-cho-các-nhà-phê-bình. Đó là thứ thơ mang tính sống còn của nghề
nghiệp: đặc trưng thể loại, phương pháp sáng tác, hình thức ngôn ngữ và thẩm mỹ
nhận thức - cả bốn tiêu chí đều ở đỉnh: hoặc là lao xuống tiêu tùng, hoặc là
bay lên thăng hoa. Đặng Đình Hưng (thể loại và thẩm mỹ), Dương Tường (ngôn ngữ
và hình thức), và nhiều thơ của Trần Dần (thi pháp), Lê Đạt (ngôn ngữ) ở thời
kỳ sau, một số sáng tác của Nhóm Mở miệng (thẩm mỹ) và rất nhiều sản
phẩm của trào lưu hậu hiện đại là thuộc loại này. Lặp lại cách nói của Margaret
Atwood: Có một số tác giả thơ phải đợi tới lúc người đọc sẵn sàng với họ; và
trong việc đọc có thể xảy ra may rủi.
Ở thơ loại thứ hai, để làm người đọc, có thể cảm được. Nhưng
để tri nhận nó, cần mang tâm thế như kẻ sáng tạo. Trong ba loại, loại này chiếm
số lượng cao nhất các bài thơ hay. Đó là thơ của tất cả, vì tất cả. Thơ Mai Văn
Phấn thuộc về loại này.
II. Điểm lại một số bài phê bình, nhận định:
Trong chừng 15 bài phê bình, nhận định (không kể phỏng vấn)
về thơ Mai Văn Phấn, chúng tôi muốn chia sẻ hoặc bàn lại với bài của Dương Kiều
Minh, Inrasara, Đặng Thân, Nguyễn Việt Chiến, Lê Vũ, Nguyễn Hoàng Đức. (Mời xem
phần Phụ lục với một số trích lược)
Hầu như chưa thấy các bài phê bình học thuật? Chính thế, khi
được biết các nhà phê bình kinh viện chiếm tỷ lệ 8/17 trên tổng số tham luận
viên, chúng tôi vững tin: Thơ Mai Văn Phấn đang có cơ để định giá, luận bàn một
cách toàn diện, chính quy và khoa học tương xứng với ý nghĩa của mình!
III. Những
dấu ấn nghệ thuật:
III.1. Mai Văn Phấn cách tân nương
theo mọi nẻo đường:
Nhìn nhanh các thời kỳ, dễ thấy tác giả đi vào đường lối
cách tân rất tự nhiên và thoải mái. Từ năm 1999 (với trường ca Người cùng
thời) đến 2003 (tập Vách nước), thúc bách thay đổi thi pháp truyền
thống của anh đã may mắn được cộng hưởng với môi trường chính trị, văn hóa và
văn học Việt Nam và quốc tế. Thế hệ Mai Văn Phấn và kế tiếp có thiên thời - địa
lợi. Chỉ còn ở tài năng cá nhân mà thôi.
Những dịp vinh danh các nhà cách tân
mới, âu cũng nên tái giải thích giá trị các cách tân gia tiền bối… Cách tân văn
nghệ phải từ yêu cầu của cả xã hội. Cách tân thơ còn cần sự đồng hành của cải
cách ngôn ngữ và được các điều kiện văn hóa chấp nhận. Văn chương là của chung
thiên hạ. Không bao giờ và không ở đâu, chữ nghĩa được là ý muốn của một cộng
đồng cách biệt, hay một nhóm văn sĩ riêng lẻ. Các trào lưu văn nghệ luôn thoát
thai từ những biến động văn minh, văn hóa.
Thơ Việt đã có một số minh họa: Đó
là sự hình thành và phát triển rực rỡ của cuộc cách mạng Thơ mới
1932-1945; Đó sự ra đời của dòng thơ tự do từ đầu thời kháng Pháp 1945 với
những tên tuổi cách tân đầu tiên so với thơ tiền chiến (dù ít ỏi về số lượng và
chất lượng) và sau đó đã trở thành biểu tượng - Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Nguyễn
Đình Thi - rồi chuyển tiếp sang 1954 bằng Nhóm Sáng tạo với Thanh Tâm
Tuyền, Nguyên Sa qua các thành tựu ổn cố; Đó là dòng thơ Tân hình thức Việt với
lý thuyết và thực hành gây tác động ít nhiều đáng kể từ ngoài nước tới trong
nước ở thập niên qua… Và lịch sử sáng tạo thi ca Việt Nam từng có một trang kỳ
dị với một loạt các nhà cách tân là hệ quả của một tư trào văn nghệ: đó là Trần
Dần, là Lê Đạt, là Đặng Đình Hưng, là Hoàng Cầm. Dù chịu ảnh hưởng hay không,
có thể nói hầu hết các tác giả thơ ở mọi phong cách cùng thời hay sau đó, cũng
đã nhìn ra ý nghĩa nghệ thuật của vấn đề. Chúng tôi cho rằng cả hai nhân vật
chính của cuộc hội ngộ hôm nay - Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn - cũng nằm trong
số đó!
Có chữ “kỳ dị” ở trên là bởi cuộc cải
cách và hiện đại hóa văn chương ở miền Bắc từ sau 1954 là không tự nhiên với
biến cố Nhân văn - Giai phẩm, đúng như Đỗ Lai Thúy mới rồi nói về xuất
xứ cách tân ở Lê Đạt: “…do các ông cách li với xã hội, rơi vào sự cô đơn, dồn
tới một là cách mạng (trong thơ) hai là chết.” Có lẽ sinh ra trong cưỡng bức,
không ít sáng tạo ngôn ngữ của Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng đã là các thí
nghiệm bất tử. Và có thể mãi là các thí nghiệm văn học, ở mức văn bản, chưa
thành phẩm ngay cả với phê bình học thuật. Chúng tôi cảm tưởng, chỉ Hoàng Cầm
tìm được điểm dừng. Đến như Thanh Tâm Tuyền, lĩnh hội đầy đủ các điều kiện
thiên thời -địa lợi - nhân tài như thế, cũng chỉ có được dòng thơ tự do “hũ
nút” của mình trôi trong các năm 1956-64 và trên không quá một phong cách; ngưng
viết hàng chục năm và khi viết lại đã trở về truyền thống với phong thái riêng.
Cho tới nay, có thể hiểu rằng, công lao “tột đỉnh” ở các sáng tạo của Trần Dần,
Đặng Đình Hưng và Dương Tường không chỉ là cách-tân-được-gì, mà còn là
không-thể-cách-tân-được-gì; Tức là đã phác họa ra một số giới hạn trên trong
hành trình biến đổi thi ca Việt.
Đọc Mai Văn Phấn gần 15 năm, nhưng
chỉ hơn ba năm nay, chúng tôi mới tin mình đúng khi đặt thi sĩ ở ngoài danh
sách các tác giả song hành giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật hiện đại.
Nhiều, rất nhiều nhà thơ Việt Nam đã rạng rỡ ở phong cách song hành, và chỉ ở
phong cách này: Hồ Dzếnh và Đồng Đức Bốn; Hữu Thỉnh và Trần Mộng Tú; Tô Thùy
Yên và Lê Đạt; Nguyễn Trọng Tạo và Phạm Phú Hải; Nguyễn Duy và Nguyễn Bình Phương;
Bích Khê và Tam Lệ… Chỉ bằng tâm thức muốn xô lề phá lối, là gượng như Phạm
Tiến Duật đã từng trong ít năm, là bấp bênh như Dư Thị Hoàn trong ba, bốn năm
trước, là “sát thi” như Đỗ Trung Quân đang làm. Là hao phí chất lãng mạn trí
thức mà hiện thực, da diết mà nhị nguyên hiếm có, như Bằng Việt gần đây. Với
Việt Phương, kẻ hậu sinh cứ tiếc: sự trở về truyền thống nguyên sơ trong thực
tiễn thô ráp đã không nên chuyện ở một người từng đạp tung cửa đi tìm và đã đến
hiện đại. Phạm Đình Ân có nguồn thơ dân tộc sinh ra đã thành hiện tại, nên tiến
thoái chầm chậm. Cũng nên khu biệt những cách nhìn khác: Truyền thống mà không
hoặc ít Hiện đại, ngay với những tác giả đã kinh điển hay rất mới; ví như Đoàn
Văn Cừ và Trương Nam Hương, Phạm Thiên Thư và Thanh Nam, Huy Thông và Hà Thượng
Nhân… Hiện đại mà ít Truyền thống, như Nguyễn Vỹ và Như Huy, Lê Thị Thấm Vân và
Nguyễn Hoàng Tranh… Thế mới biết, đến cùng, nghệ thuật là sự chao lệch giữa hai
bàn cân Truyền thống - Hiện đại. Mọi khuynh hướng và thi cảm, mọi hình thức và
nội dung, chỉ là những quả cân lớn bé, những xô lệch của bàn tay nhân sinh hay
của mặt bàn thời thế!
Thơ Mai Văn Phấn mang tải những-thi-pháp ẩn hiện trong khi
cách tân. Nghệ thuật biểu đạt không hẳn nhiều tượng trưng ít siêu thực, nhưng
quyết không là hiện thực hay lãng mạn đơn tuyến. “[Tập thơ] Hôm sau là
hiện thực giả định trong khi Và đột nhiên gió thổi là hiện thực tâm
tưởng” (Dương Kiều Minh). Tân cổ điển? Cũng là cách gọi cho rất nhiều tác giả
khác mà các khái niệm của lý thuyết thơ Việt chưa theo kịp: Phùng Khắc Bắc, Thi
Hoàng, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh... Nhưng Trần Nhuận Minh và
Tuyết Nga; Nguyễn Bình Phương và Lê Văn Ngăn, thì hẳn là tân cổ điển rồi. Ở Mai
Văn Phấn, lượng trí huệ của thi ca, tức cái trực giác của thi sĩ, đã dấu hiện
thực và lãng mạn nằm nghỉ nơi tầng dưới của ngôn ngữ. (Xem tiếp mục IV.4.
Vấn đề thi pháp…)
Trừ một ít bài hơi “quậy” trong tập Hôm sau (như Bài
học, Chỉ là giấc mơ, Hội chứng từ một tin đồn…), khi phá cách
Mai Văn Phấn thường cố công vừa phá vừa lập, ngay tại chỗ. Và người đọc
không kịp nhận ra. Ở các lần đọc sau cũng thế, nếu không đổi cách đọc. Bút
thuật vừa phá vừa lập này, chúng tôi lờ mờ thấy rằng, ai biến hóa được
thì sẽ thành thi hào, như Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. Nguyễn Công Trứ và Cao Bá
Quát: thi bá; bởi nhị vị tiên sinh phá dữ dội và mê mải quá, nhiều khi để lại
những hoang vu trong lòng người đọc. Hoàng Hưng thành quả, thi sĩ phá vừa phải,
nhiều khi không buồn phá, cứ xây nhiều cái mới cạnh thứ cũ đang đổ nát. Nữ sĩ
Dư Thị Hoàn không chịu, người toan đòi phá banh, “gót chân” mải “nện
xuống dữ dằn”, mà không đưa tay xây cất khiến các vệt thơ hậu hiện đại tạo
nên một công trường.
Cách mạng, cải cách, cách tân, đổi mới văn nghệ thường được
xét theo cặp phạm trù nội dung và hình thức. Ở một số tác giả “khó”, nên chăng
thêm cặp phạm trù láng giềng: nội tại và ngoại hình. Và sẽ có nhiều tập hợp:
Như trước, trong nội dung có hình thức. Nay, trong nội tại có cả nội dung và
hình thức; trong nội dung có cả nội tại và ngoại hình… Đọc Mai Văn Phấn, chúng
tôi cứ như đang loay hoay với một con xúc xắc!
Trước khi tới từng mặt của thi pháp, bút pháp, thủ pháp theo
các sáng tác cụ thể, mong tiếp cận đặc điểm tìm tòi ở Mai Văn Phấn, chúng ta
nhìn lại một điểm son dư luận trên gương mặt văn học đang được thị sát.
Chúng tôi chưa được đọc một bài viết nào về thơ Mai Văn Phấn
tỏ các phản ứng quyết liệt như đã và đang từng với đa số các tác giả mở đường
khác. Đây còn là một tác giả hiếm có của văn đàn Việt hiện thời: đứng chắc
trong dòng chính thống về tư cách văn nghệ sĩ, đĩnh đạc về nhân thân, mà vẫn
“tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc” theo các trào lưu tân thời nhất. “Từ tốn,
cẩn trọng với một nền tảng xúc cảm có bề dày, bề rộng, Mai Văn Phấn vẫn giành
được cảm tình của bạn đọc tại thời điểm trong chính bản thân anh đang diễn ra
một ‘cuộc cách mạng’ “. [ii]
(Khánh Phương)
Chúng tôi thử đưa ra một số lý do:
Một là, nhà thơ đã tạo động dưới nền móng, không khiêu khích
về hình thức trên gần hết các tiêu chí dễ thấy của thơ. Ngay với một ít bài có
đôi ba yếu tố dễ tạo phản cảm (như câu: “Đạo mạo chỉnh lại con c... trong
túi quần nơi hội họp” – Bài học) cũng không là hồn vía của trường thơ này.
Cái nền tảng đó là môi trường thơ, đời sống thơ, và đạo thơ.
Hai là, sáng tạo của Mai Văn Phấn
tới gốc cả nội dung lẫn tư duy nghệ thuật, nhưng không qua các vấn nạn thời
cuộc Việt Nam (như ở Nguyễn Đức Tùng và Trần Tiến Dũng), ngôn ngữ không đột
biến (Nguyễn Quốc Chánh và Trần Quang Quý), ý thức không gấp gáp (Hoàng Hưng và
Inrasara), không khiêu khích văn hóa truyền thống (Vi Thùy Linh và Nhóm Mở
miệng), không phá tan hình thức (Dương Tường và Nguyễn Thúy Hằng), không
luận lý chay (Nguyễn Hữu Hồng Minh và Như Huy)… Các so sánh đó chỉ để
thấy độ trung dung về cách thể hiện và hiệu quả thay đổi từ thơ Mai Văn Phấn.
Ba, đây là loại thơ tâm linh, dễ đọc từng câu đoạn mà khó
hiểu bao quát, và chắc chắn không là loại thơ để hiểu, thậm chí cũng
không để cảm. Để giác ngộ chăng? Có lẽ nhờ thế, ai không thấy
hợp, khó bề phê phán.
Bốn là các đơn vị của thơ hầu như không thay đổi so với quan
niệm quen thuộc: đa số câu thơ có ngữ pháp bình thường; hình ảnh gần gũi; nhịp
thơ dễ, nhẹ; cấu trúc bài thơ và đoạn thơ là tuyến tính; từ vựng phổ thông,
giọng điệu không gây hấn.
III.2. Thơ hậu hiện đại của Mai Văn
Phấn với phương pháp phê bình:
Lối thơ cách tân của tác giả này đòi hỏi nhiều phương thức
lý giải khác nhau. Với hai tập mới nhất, khó đọc nhất là Hôm sau (mang
đậm sắc hậu hiện đại) và Bầu trời không mái che, nếu như được dùng phê
bình giải cấu trúc (thi pháp học văn hóa)[iii]
thì có lẽ sẽ hiệu quả nhất chăng? Dưới đây, chúng ta dần dần thấy hai tập thơ
có nhiều điểm lọt vào tầm ngắm của phương pháp luận được xem là “trước cuối
cùng” trong lý luận văn học thế giới và Việt Nam. Với hai tập này, tính nội tại
của thơ không còn cố định, kết cấu nghệ thuật được buông lỏng. Tác giả luôn
loay hoay vượt qua những hạn chế của văn chương truyền thống để đi tới văn
hóa phổ cập khi chú ý cảm thức và tâm linh. Dù nhiều lúc cần “lách rào” để
không lệ thuộc vào hệ thẩm mỹ cổ điển và vươn tới “giá trị tiêu dùng”, Mai Văn
Phấn không hề thách thức văn hóa dân tộc, tập tục truyền thống, mà trái lại đã
chuyển chúng sang cách đón nhận mới, nghệ thuật và bài bản.
Tiện dịp xin biện biệt một điều có thể là nhầm lẫn trong dư
luận, về bản chất và mục đích sáng tạo của hai hiện tượng là Nhóm Mở miệng
và Vi Thùy Linh. Ở một diễn đàn khác, chúng tôi đã có lần nói về Nhóm Mở
miệng như là hiện-tượng-văn-hóa trong văn học và thực hiện bằng thơ. Nay,
bổ sung: Vi Thùy Linh là hiện-tượng-văn-hóa có tính văn chương, có chất thơ ở
cấp độ cao. Và, lối thơ cách tân của Mai Văn Phấn mang cốt cách văn hóa. Khi
đón nhận các tác giả này, nên xem diễn ngôn văn học là các liên văn bản. Chẳng
nên - mà cũng không thể - “đọc” từng bài thơ, từng câu thơ, từng ý thơ như
nhiều người đã làm với Vi Thùy Linh, nhất là với Bùi Chát và Lý Đợi. Với Mai
Văn Phấn ở hai tập thơ mới, và với không ít các tay bút hậu hiện đại khác,
loằng ngoằng nhất là Đặng Thân, vì không là hiện-tượng-văn-hóa thì sẽ không cần
cách đón nhận phi văn chương như thế. (Xem tiếp IV.4.2.)
III.3. Những cảm nhận rời:
III.3.1. Giọng thơ Mai Văn Phấn, ngay ở một số ít bài bạo nhất, cũng
trung dung về thái độ mà không nhân nhượng về mỹ cảm. Hình ảnh tràn ngập vẫn
không phóng dật. Gợi cái đa diện trong vũ trụ để nhắm các nét tinh vi của đời
sống.
III.3.2. Với ba tác phẩm mới nhất, đây là loại thơ để đọc khi không
còn việc gì hơn là đọc thơ. Không hẳn bởi “cái chia rẽ một bên tâm hồn tác giả,
một bên những người đọc.” (Chế Lan Viên)
III.3.3. Trừ tập Hôm sau, thơ Mai Văn Phấn tưởng cổ mà
tân; nhưng là cái tân không tạo sang chấn. Khác hẳn nhiều nhà
cách tân khác cùng thế hệ, như Nguyễn Quang Thiều ở hai điều: hình tượng thơ và
văn xuôi hóa thơ. Chắc chắn có lớp độc giả không ưng, thậm chí ghét, thơ Mai
Văn Phấn giai đoạn từ sau năm 2000. Hình như các độc giả đó chỉ lầu bầu thôi;
chứ không “la rủa tru tréo” như với các tác giả khác. Mà muốn lầu bầu với thơ
Mai Văn Phấn cũng không dễ, như đã nói. Thật tình, chúng tôi đang hồi hộp trong
Hội thảo, giới hàn lâm-khoa bảng sẽ “lầu bầu” ra sao?
III.3.4. Chất chân quê trong thơ Mai Văn Phấn không qua sự kiện, tự sự
thẳng thớ, tình cảm trực tiếp mà qua hình ảnh, người, vật độc lập. Thiên nhiên
đồng quê cụ thể lại siêu nhiên. Cùng Phùng
Cung, Nguyễn Duy,
Nguyễn Quang Thiều, Đồng Đức Bốn; Mai Văn Phấn là người làm thơ hiện đại hóa
theo kiểu riêng vẻ chân quê trong thơ Việt Nam.
III.3.5. Trong thơ
đương đại Việt có những cặp bài trùng, như Nguyên Sa và Thanh Tâm Tuyền; Mai
Văn Phấn và Nguyễn Quang Thiều... với cái khác nhau trong thi pháp và thi cảm,
khiến cách nói này được nghiệm đúng: “Trời đã sinh ra Tuyền và
còn sinh ra Sa!”; “Trời đã sinh ra Thiều và còn sinh ra Phấn!”
III.3.6. Có tác giả
hợp với nhà thẩm thơ hơn cả; có tác giả hợp với nhà phê bình hơn cả; lại có
loại chỉ hợp với nhà lý luận. Nguyễn Tất Nhiên, Phan Thị Thanh Nhàn là loại thứ
nhất. Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo là loại thứ hai. Huy Cận, Xuân Diệu thì là cả
thứ nhất lẫn thứ hai. Loại thứ ba thuộc về các tác giả có sáng tác thí nghiệm,
như đã nêu. Chúng tôi vẫn chưa biết Mai Văn Phấn là loại nào?
III.3.7. Thật ra câu
thơ thứ hai nên là câu kết! Nó chỉ không nên được viết ra ngay lập tức
mà thôi. Bằng không, câu thứ hai (thật sự) và các câu sau đó, sẽ không ra nổi.
Nhưng khác với đại đa số đồng nghiệp, Mai Văn Phấn là dạng nhà thơ không cần
mẹo luật này. Anh thường ít có các câu kết đóng đinh độc giả, theo kiểu thơ
Đường luật hay thơ nói chung. Trong thời kỳ truyền thống và tiền hiện đại của
mình, tác giả cũng làm được một số ít bài có kết nổi trội, nhất là với loại có
“cốt truyện”, hay chủ điểm cụ thể: “Ai như là Tám Bính?/ Tắm bằng nước
mắt Ông” (Nguyên Hồng vào nhà thờ), “Hoa uống cạn nước mắt với mồ
hôi/ Chim có về bới tóc tôi mà làm tổ?” (Lời người trồng hoa). Điều
này, trong cách đọc thông thường, bị coi là nhược điểm. Chắc vì thế họ Mai sớm đi
tìm các lối ngả khác, hợp hơn?
Tất cả, đúng
ra là 26/27 bài, ở tập Hôm sau, đi theo cung cách hậu hiện đại. (Bài Giấc
mơ vô tận không theo cách đó, nhưng vì “có công” mang tải câu thơ tựa sách
cho tập thơ sẽ ra vào năm sau là Bầu
trời không mái che nên được chiếu cố chăng?!) Vì thế kết của mỗi bài thơ
theo kiểu gì cũng được. Nếu là siêu độc giả, mỗi chúng ta có bổn phận và quyền
lợi làm một câu kết cho mình và độc lập với cái kết của văn bản (chứ không phải
của tác giả.) Chúng tôi thấy 4 bài Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Bài
học, Sống hồn nhiên và Giả thuyết cho buổi sáng hôm sau có
câu kết phải nói là bất ngờ, đáng danh làm kết. Nhưng không phải là cái bất ngờ
bất khả thế của những cái kết trong thơ bình thường. Chẳng hạn, khi Mai Văn
Phấn đi ngủ, hay lên hẳn Văn Miếu (Hà Nội) vài ngày tham dự Ngày thơ Việt
Nam 2011, hậu hiện đại như Dư Thị Hoàn hay truyền thống như Trần Quốc Minh
đều có thể thừa cơ làm một cái kết xứng danh Dư Thị Hoàn, xứng danh Trần Quốc
Minh. Điều kiện hậu hiện đại đã sai khiến tác giả “chết” những khi cần “chết”,
đã điều hành trò chơi văn bản bị xâm thực bởi các diễn ngôn văn hóa có thể trái
ngược nhau, các hình thức văn học có thể mâu thuẫn nhau. Nếu liên văn bản
(tưởng tượng) đó được thực hiện bởi các liên-tác-giả cùng hệ thống thì, trên
thực tế, các nhà phê bình theo trường phái Roland Barthes sẽ dễ tháo gỡ văn bản
hơn.
Còn hai tập Và đột nhiên gió thổi và
Bầu trời không mái che thì không có các “bài thơ” theo nghĩa thông
thường. Ngay các bài lẻ ở Và đột nhiên gió thổi cũng là các đoạn rời
trong một tập hợp thơ. Bầu trời không mái che đã cho khái niệm “bài thơ”
thăng thiên, nói gì đến kết với luận! (Xem tiếp mục IV.8. Nói riêng về ba
tập thơ mới nhất)
III.3.8. Đồng ý với Khánh Phương, từ khởi đầu đến năm 2000, tạm lấy
mốc với tập Vách nước, Mai Văn Phấn là “nhà thơ ‘dễ đọc’, dễ gây thiện
cảm”. Và đúng như Dương Kiều Minh đã khái quát: “Hình thức thể hiện trong giai
đoạn này, từ nhịp điệu, kết cấu bài thơ... chưa vượt ngoài những hình thức giá
trị ổn định của thơ Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.”. Nhưng cho phép chúng
tôi được phản biện, không hưởng ứng với Dương Kiều Minh về nhiều trích dẫn thơ
được đánh giá hơi cao trong bài. (Phụ lục – 1)
Vì sao trong thời kỳ này “những ý tưởng, hình ảnh lạ” của
tác giả chỉ mới “tạo nên sự độc đáo nhất định”? Như các câu “Đem hồn ta rót
cho hồng chân mây” (Rượu xuân); “Hồn mình dựa chốn mong manh/ Rồi hư
danh ấy cũng thành hư không” (Kinh cầu ban mai) đều chỉ thấy chữ, thấy
cảnh. Không thấy hồn người! Hay “Tán lá hiện ngôi nhà bình yên/ Phía sau nằm
úp một con thuyền/ Lá rụng khi dòng xanh tưởng cạn/ Con thuyền phía ấy lật mình
lên” (Chiếc lá): về ý có phát hiện, một quan hệ thiên nhiên thú vị (lá và
thuyền) trong nhân sinh (nhà), nhưng diễn đạt vụng và vội (ở chữ “lật”).
Câu chót suýt bị thành… vè! Gần đây Nguyễn Thế Hoàng Linh thường theo cách này
trong tâm trạng hài tếu.
Đó là vì trong phép truyền thống các ý, các hình thường nếu
không được tu từ đặc sắc thì phải với bút pháp lọc lựa khổ công. Như không ít
người làm thơ khác, Mai Văn Phấn, trong thời kỳ đó, có một sở đoản là… ứ chịu
dừng ở đỉnh. Chúng tôi tin rằng, tác giả với tài cao như thế dư biết đó là
“đỉnh”, nhưng lại tưởng sau là “đỉnh” sẽ là “đỉnh” nữa. Thưa không! Thuật làm
thơ phương Đông khó là ở điểm dừng, ở chỗ bỏ đi. Bùi Giáng thường làm thơ ngắn,
rất nhiều câu chữ là là mặt đất, thậm chí thô lậu, bên cạnh các câu chữ thăng
thiên. (Sở trường này khiến tiên sinh, trên thực tế, đã không thể làm nổi một
bài thơ dài, một trường ca nào chăng?)
Ở bài Qua hoàng hôn, Mai Văn Phấn đã tạo đỉnh ngay ở
câu đầu tiên“Hoàng hôn như một cửa chùa”, rồi lại “thừa thắng xông lên”
câu thứ hai “Hư không trên ngón tay vừa đi qua” không được như đỉnh, lại
đòi làm đỉnh. Cứ thế, cả bài thơ đi xuống trong sự loay hoay tìm từ lập ý. Tản
mát, xao xác, để rồi cả bài thơ nằm dài ra ở câu chót: “Cho ta về lại luân
hồi kiếp sau.” Tiếc! Nếu biết cấu tứ hơn, Qua hoàng hôn có đủ các
điều kiện để là một thi phẩm đặc sắc.
Còn bài Rượu xuân, so với mặt bằng thơ, kể cả lúc
này, cũng là một bài thơ khá. Nhiều điểm hiển lộ các chỗ mạnh yếu của tác giả
để từ đó thành tựu trong các thời kỳ sau. Đọc đến câu “Bầu trời tựa cái chén
không”, chúng tôi rùng mình. Đỉnh! Dù trước đó có hai, ba cái nhấp nhô khác
(“Nỗi buồn cầm cũng nhẹ tênh/ Buông vào đáy nước rùng mình đậu tăm”). Đến
đây, xin được kể một giai thoại dường như gia đình nào cũng có: Thằng con bà
chị gái tôi, hồi 5 tuổi, một sáng chủ nhật, ngủ dậy tè ẩu xong bèn vươn vai trước
cửa nhà sát mép Hồ Tây, rồi bỗng kêu to: “Trời như một cái vung lớn…” Nghe
thấy, mẹ nó sợ quá, ngỡ con mình sắp hóa thần đồng; hớt hải ôm lấy con và vội
bị miệng nó lại. Thế là thằng bé nghiễm nhiên trở thành VIP của cả nhà
cả họ suốt vài năm! Chúng tôi thường đem cái-bịt-miệng-của-người-mẹ trước
một ông Trạng con tưởng tượng để rèn thơ mình, để đọc thơ người. Nhà thơ là trẻ
thơ. Thi thoảng “phụt” ra dăm chữ vài ý của trời. Làm thơ may mắn là biết tự
bịt mình sau mỗi ý, chữ trời cho. Thi sĩ của chúng ta, trong bài thơ đang nói,
đã không may khi làm nhòa đỉnh đi bởi câu kế, “Đem hồn ta rót cho hồng chân
mây”, đầy những tu từ mòn vẹt và có phần khiên cưỡng.
Thế đấy! Mai Văn Phấn không là chủ nhân của các câu thơ,
đoạn thơ hút hồn theo nghĩa đơn tuyến. Các bài hay và khá của thi sĩ đều là
những mạng đan xen trên một phông văn hóa ổn cố bằng loại ngôn ngữ giản dị,
chiêm nghiệm. Khó mà tìm được bài nào hoàn hảo ở lộ trình đầu của người thơ
này, nhưng từ các sự chưa hoàn hảo đã ló rạng tiềm năng cho một cách viết khác.
Hoàn toàn khác!
IV. Các vấn đề riêng trong thơ Mai Văn Phấn:
IV.1. Những bài thơ tiêu biểu:
Nếu buộc phải coi đơn vị là “bài
thơ” theo cấu trúc bình thường, chúng tôi thấy, tất cả các bài thơ làm nên tên
tuổi Mai Văn Phấn đều thuộc giai đoạn cuối, trong hai tập Và đột nhiên gió
thổi và Hôm sau. Dùng lại lời Hoài Thanh về Nguyễn Đình Thi, có thể
nói: Các bài thơ hay của Mai Văn Phấn không nhiều, nhưng những bài thơ không
hay cũng không nhiều.
Các bài tiêu biểu: Vẫn trấn tĩnh
tiễn khách ra ngõ, Tắm đầu năm, Ghi ở Vạn Lý Trường Thành, Gió
thổi, Sống hồn nhiên, Bài học, Chuyện còn dài.
Những bài này xứng mặt trong các bài thơ điển hình của trào
lưu văn học hậu hiện đại Việt Nam. Ở đây dùng các chữ “điển hình”, “tiêu biểu”.
Bởi phải nói sòng phẳng rằng, chưa thể (và không biết đến bao giờ?) có khái
niệm “hay” trong dư luận cho một tác phẩm cách tân mang phong cách hậu hiện
đại. Không chỉ với văn học Việt, mà ở bất kỳ nền văn học nào, ngay cả các quốc
gia sản sinh ra trào lưu này. Với phong cách hiện đại, và nhất là với các trào
lưu trước đó, dù sao tiêu chí “hay” dễ được đồng thuận hơn.
Chúng tôi đã thú vị đi thú vị lại
trước các bài bình, lời bàn của Bão Vũ (Tắm đầu năm), Lê Vũ (Bài học). Ba nhà thẩm thơ Đặng Văn Sinh, Đặng Thân và Nguyễn Hoàng Đức đưa
ra ba diễn giải Ghi ở Vạn Lý Trường Thành đều đắc ý…
Và đây là lời bình của chúng tôi với
bài Gió thổi:
Mai Văn Phấn vẫn còn nhiều rung động
của tuổi yêu với hình ảnh "Con sâu đo em đu lên người anh". Câu
kết đã làm nên chuyện: "nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về một
phía." Thi sĩ người Nga Joseph Brodsky là bậc thày của thủ pháp, tạm
gọi là, hình ảnh lớn đứng trên vai các hình ảnh nhỏ. Gió thổi có nhiều
hình ảnh nhỏ đỡ một hình ảnh lớn là vậy. Đó là một thủ pháp khó trong thơ ca
Tây phương; tạo vẻ đẹp giản dị, bất ngờ, lại... dân chủ! Khác thơ Đông phương,
thường tụ vào một hình tượng chủ, mang nặng tình ý, tư tưởng - tất cả dệt nên
một cái khá mông lung gọi là tứ. Có tứ thơ, với gia giảm tu từ, qua các âm
điệu, sắp xếp câu chữ thì sẽ cấu tứ được thành bài thơ. Độ lớn của hình ảnh
trung tâm không phải vì nó lớn thật sự, tuyệt đối mà lớn tương đối, nhờ nhiều
điều nâng nó lên. “Tất cả ngọn cây đều bạt về một phía" đã được tôn
lên từ "hôn nhau trong hành lang hẹp", "Con sâu đo em
đu lên", “thác đổ đều đều…" Thủ pháp này làm cho triết lý
của thơ đến rất vô tình, từ các sự tượng hình, mô tả. Bao năm nay thơ
Nguyễn Đình Thi chinh phục độc giả một cách nhẹ và dai có lẽ cũng nhờ vậy
chăng?
IV.2. Thơ Mai Văn Phấn với “những câu thơ hay”:
Nhà thơ của
các câu thơ hay - đó là một đề tài sôi động, nhất là với thơ phương Đông, trong
đó có Việt Nam. Với thơ được hiện đại hóa, đơn vị câu thơ khó có vẻ đẹp ổn
định. Sự thẩm thơ trên câu cũng hoang mang theo.
Lê Đạt, Hoàng Cầm, thậm chí không cách tân như Phùng Quán, có nhiều câu được
cho là để đời, trộm nghĩ cũng có phần nhờ “ăn theo” tên tác giả. (Nói vui tí
tẹo, xin các cụ tha tội: Nếu cũng như câu thơ đó là của Lê Văn Đạt hay Hoàng
Thị Cầm chửa chắc mấy ai đã chịu thẩm chịu thấm?) Với Trần Dần thì khác:
Những câu được ca tụng thực ra mang dáng vóc tư tưởng trong khổ thơ ngắn. Và
chính người cũng sinh hạ cả một đường thơ mini đó thôi! Vấn đề “câu thơ hay”
quả là bất định, trong đó các yếu tố như tác giả (và nhân thân), xuất xứ (tình
thế), và nhất là quán tính thẩm mỹ của dư luận đã lấn át tính văn chương.
Chúng tôi tin rằng, các tay phê bình,
điểm thơ Mai Văn Phấn phải hơn một lần gặp khó khi chọn câu thơ điển hình, xuất
thần. Đây là một tác giả hoàn toàn không dễ xơi với các phê bình gia lười nhác
quen dùng tài hoa và kiến văn để nếm một thìa canh phán cả bàn tiệc. Những bài
thơ hay ở Mai Văn Phấn, và các tác giả tương tự, là sự kết hợp không những hài
hòa ở từng câu lẻ mà – quan trọng - được xây cất trên một tầng nào đó. Gọi được
tên của cái tầng đó ra, là mong muốn của tham luận này hòa chung cả cuộc Hội
thảo.
Như nói
trên, cây viết này hầu như không hạ xuống, những câu thơ tuyệt bút, riêng rẽ và
yên vị. Trong thời kỳ đầu, nhà thơ cũng có các câu thơ đứng được. Nhưng lại có
dáng chông chênh. Sang thời kỳ cách tân, thi thoảng anh cho ra các câu được độc
giả cảm phục: nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã từng thốt lên “hằng đời người mới có”
với câu “Những ngọn thác câm lặng đang đổ xuống rất mạnh”; còn chủ bút
tạp chí Thi Bình, nhà thơ Hàn Quốc Ko Hyeong Ryeol đánh giá câu “Ngọn đèn lặng
phắc càng tỏ” trong bài Tắm đầu
năm “dường như tiêu biểu cho phong
cách thơ Mai Văn Phấn”. Ngẫm kỹ sẽ thấy hai câu đó cũng chỉ có sức khi sống
trong toàn văn bản; không chỉ trong bài, đoạn đó mà cả tập thơ, trường thơ Mai
Văn Phấn. Khác hẳn với lối tu từ truyền thống, những câu “hằng đời người mới
có” thường bỏ bài thơ ra ở riêng!
Cũng vậy,
Nguyễn Hoàng Đức muốn rằng tác giả này cần phải thêm các “phương ngôn cứng”, vì
“độc giả nhớ về nhà thơ nào đó lại phải ghi dấu ở câu nào hết sức cụ thể.” Có
nhẽ đâu thế! Bởi đã đi qua cách làm thơ cần các câu thơ hay và độc lập, không
biết nhà thơ của chúng ta có trở về “tắm lại lần hai”, sau tác phẩm mới nhất Bầu
trời không mái che? Bởi chính nó làm nên phong cách thơ Mai Văn Phấn đang
thành quả ở giai đoạn thơ cách tân của mình. Bởi với tinh thần hậu hiện đại,
những câu thơ gây choáng, những cách làm thơ thôi xao Giả Đảo đã không
còn thích hợp. Nói đâu xa, đến như Nguyễn Quang Thiều cận cổ điển, hiện đại rồi
hậu hiện đại, cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu của Nguyễn Hoàng Đức? Chúng tôi
có trong tay, trong mắt những câu cứng cáp của nhà cách tân đầu bảng thơ Việt
đương đại đó. Rất nhiều. Mà không sao có nổi trong… đầu! Thêm bằng chứng nữa:
chúng tôi nhìn nhận, về phong cách hậu hiện đại ở hải ngoại, đi tiền phong là
Ngu Yên, còn tạo ảnh hưởng nhất phải là Nguyễn Hoàng Nam, đến mức Đỗ Kh. –
người có tác động rõ rệt đến các tác giả hậu hiện đại trong nước - thường gọi
kẻ trẻ hơn mình một con giáp là “thầy”. Lăng-xê dông dài để hỏi một câu: Liệu
có ai nhớ nổi một “câu thơ hay” của Nguyễn Hoàng Nam?
Chính Mai Văn Phấn tuyên ngôn trong nhiều tiểu luận, trả lời
phỏng vấn, gần giống trao đổi sau đây cùng chúng tôi tháng trước: “Thực ra những
câu thơ hay, tuyệt bút giờ đây không phải là cái đích của những tác giả cách
tân. Sự khác biệt giữa hệ thống thơ ‘cũ’ và ‘mới’ chính là vậy. Hệ thống thơ cũ
tập trung vào các điểm chói sáng; trong khi hệ thống mới chủ yếu thiết lập từ
trường thơ. Nếu cứ đòi hỏi các ‘câu thơ hay’ thì chưa thoát khỏi vòng kim cô
của quan niệm truyền thống”. Còn Nguyễn Đức Tùng, cũng trong vòng chia
sẻ này, đẩy vấn đề xa hơn: “Tuy nhiên nếu ‘phương ngôn cứng’ suy rộng là các
điểm thi pháp sáng chói, các khúc quanh và nơi tập trung thẩm mỹ” thì
sao? Vâng, một thách đố cho những tác giả muốn mở lối đi về giữa hai, ba thi
pháp. Họa có Trần Dần mới nhiều “phương ngôn cứng” trong một bàn tay mà hai mặt
trái phải đều có cái gọi là thơ!
Nhưng nói gì thì cũng không qua mặt được sở trường sở đoản.
Văn chương Mai Văn Phấn nói chung không thuộc tạng tinh sắc ở các sang chấn cô
đọng, ở các thi tứ lập ngôn. Có lẽ tự biết mình, người thơ này đã không chiêm
bái hào quang có được chút ít trong “miếu đường” lãng mạn pha hiện thực,
để rồi anh đã “đi về những hướng sao rơi”. Và cũng khác với Nguyễn Hoàng
Đức, chúng tôi lại mong họ Mai chỉ nên thâm canh trên cánh đồng thơ. Không
giống với Nguyễn Quang Thiều; truyện, ký sự, kịch bản có thể sẽ không chào đón
Mai Văn Phấn! Tiểu luận thơ thì OK! Mà ngay trong cái thể loại không có tính
thể loại ấy, nhà thơ của chúng ta cũng vẫn hơn người ở các luận cứ nền gốc,
trong khi các ví dụ, dẫn chứng thường tản mạn, và đôi khi để hớ. Phạm
Khải đã tinh tường chỉ ra ở cách làm thơ truyền thống tiêu biểu có
một hạn chế mà đa số chúng ta ít nhiều mắc phải: “Tô Hà là người rất có ý thức
tạo dựng toàn bài bắt đầu từ việc tạo dựng nên những câu thơ hay. Phương thức
sáng tạo ‘phát một’ theo kiểu súng trường của anh đã khiến cho mỗi câu thơ là
một ý, chúng có đích để đến, bởi vậy mà chúng thường tách bạch, đổ bóng, hắt
bóng xuống nhau chứ không mấy khi ‘bén rễ’ sang ‘đất’ của nhau.”
Chúng tôi không chúc Mai Văn Phấn có
nhiều “câu thơ hay”, nếu như xâm phạm đến cái hay trong cả trường thơ của mình!
Vẫn có những chàng trai không đẹp với chiếc răng khểnh… Vẫn có những cô gái
không duyên với cái núm đồng tiền…
IV.3. Nội dung, tư tưởng:
Có thể hình dung được phần nào nội
dung và tư tưởng thơ Mai Văn Phấn qua tên các tác phẩm đã xuất bản: Giọt
nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997),
Nghi lễ nhận tên (1999), Trường ca Người cùng thời (1999),
Vách nước (2003), Hôm sau (2009), Và đột nhiên gió thổi (2009),
Bầu trời không mái che (2010).
Khi đặt các cuốn sách đó lên chiếc bàn ba chân của thơ ca
thế giới trong tương quan với tư tưởng của mỗi nền văn minh, chúng ta sẽ thấy
nhà thơ này vẻ như nghiêng về văn hóa Ấn Độ - ở đó đạo giáo, tâm linh là
nền tảng của tư duy, trong khi văn minh Tây phương thuộc về triết luận, và
Trung Quốc là của đạo đức. Do ảnh hưởng ở mức quyết định của thơ Trung Hoa, thơ
Việt ít có sự bất ngờ rành mạch ở tư tưởng. Trong quan niệm làm thơ, người mình
không chuộng sự biến thiên ở ý tưởng thông qua chi tiết, mà tỉ mỉ tạo động với
tu từ bằng một vài quan niệm sống đã thành đạo lý. Không thuần Việt trăm phần
trăm như thế, ý niệm tâm linh đã như sợi chỉ đỏ chạy dọc hồn thơ Mai Văn
Phấn! Giai đoạn gần đây đã bừng sáng trong tập Bầu trời không mái che. Còn
ở thời kỳ đầu nó cũng lấp lóe trên cả những chủ đề đời thường: “Biết ơn sợi
tóc trên đầu/ Buộc ta vào những nhiệm màu khói sương” (Bâng quơ), hay rõ
rệt trong các chủ đề tôn giáo, tâm linh ở bài Qua hoàng hôn.
Ngoại lệ duy nhất về nội dung có thời cuộc là trường ca Người
cùng thời đan xen nhiều chủ đề và đối tượng khi tác giả truy tìm vấn nạn từ
các xã hội và các nền văn minh, trong đó có hai cuộc đại chiến thế giới của thế
kỷ 20, nhưng hướng giải quyết lại thuộc về nền văn minh tâm học của tương lai.
Nhân sinh quan và thế giới quan của tác giả được tuyên bố rõ trong chương cuối
của trường ca: “Đã hé mở cánh cửa nền văn minh tâm học, những linh
hồn tâm hồn có đủ lương năng, lương tri rời thể xác tìm nhau. Vượt gấp nhiều
lần tốc độ ánh sáng, trái tim hiền lành rung động các vì sao.” (Xem tiếp
mục IV. 9. Thơ Mai Văn Phấn và vấn đề trường ca)
Cũng gần thế, Trần Nhuận Minh có một
hướng khác với khuynh hướng hiện thực XHCN, bằng loại thơ, và nhất là tổ
khúc, trường ca luận đề. Có lẽ cảm quan tâm linh đã góp phần làm một nhà thơ
tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mỹ và xây dựng CNXH vượt lên chính
mình và cả thời đại. Hướng này vẫn đồng hành với những gì nhà thơ phục vụ lâu
nay trên nền thơ mang cảm hứng sử thi và nội dung chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Thơ Mai Văn Phấn rất ít thời thế,
càng không có các chủ đề chính trị, sự kiện thời sự. Ở giai đoạn sau, có thể
xem đây là loại thơ không đề tài (trừ đề tài muôn thuở và căn bản là tình yêu
đôi lứa). Thơ này rất gần nghệ thuật phương Đông ở chỗ tư tưởng qua tả cảnh,
nhưng lại xa phương Đông ở cảm xúc sầu đau. Mai Văn Phấn không làm ra thứ thơ
để đọc xong thấy đau đớn, da diết vì buồn. Kể cả ở thời kỳ đầu với các bài sát
tim gần máu nhất, chúng tôi như không thấy bài nào của anh khiến người đọc đổ
lệ theo nghĩa đen cùng nghĩa bóng. Chất thiền thi đã vượt thắng nỗi sầu thi
nhân chăng? Tiêu chuẩn quen thuộc - cái buồn sầu chính là hồn vía trong một bài
thơ - không tìm được đất sống ở nhà thơ này!
Trong những gì chúng tôi được đọc,
nhất là ở bản thảo Thơ tuyển Mai Văn Phấn (dự tính ra vào tháng 4/2011
này), tuyệt không có bài nào về chiến tranh? Bài duy nhất về đề tài hậu chiến
là Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc. Là người lính từ trước mốc lịch sử
1975 và phục vụ trong quân ngũ 8 năm, nhà thơ có tác phẩm xuất bản kể từ 1992 (Giọt
nắng). Kể như anh đã “kinh qua” thời kỳ Đổi mới từ 1986. Phải chăng đó là
một trong các lý do để bút pháp truyền thống và hiện thực XHCN ở thời kỳ đầu
không thả neo lâu được? Câu hỏi này chỉ có thể dành cho Mai Văn Phấn. Dù ngẫu
nhiên hay chủ đích, sự nhổ neo đã là động thái đúng và dứt khoát, về tư duy và
cảm hứng sáng tạo. Không thế, chắc là nhân vật chính trong Hội thảo hôm nay
không là Mai Văn Phấn!
Chủ thể của tự ý thức, cái tôi trữ
tình trong thơ Mai Văn Phấn, không phải là cái tôi công dân, cái tôi sử thi,
hay cái tôi riêng tư. Mà là cái tôi nhân sinh. Nhà thơ chuyển từ
quan niệm thơ là nỗi lòng mình, mục đích khiến cảm động lòng người đến thái độ
coi thơ là cách lập ngôn, làm thơ là thực hiện đạo sống. Hai đối tượng chính đã
lập trình dòng thơ này là con người và thiên nhiên, đến mức tác giả không nén
được, phải tuyên bố bằng câu kết của trường ca Người cùng thời: “Khắp nẻo
không gian đã giãn ra cho tiếng trẻ con đồng thanh trong lớp/ Muôn năm con
người! Muôn năm thiên nhiên!”
Với Mai Văn Phấn, thêm một kinh
nghiệm nữa trong việc làm thơ: điều đầu tiên không phải là luyện chữ; mà là
luyện tâm.
IV.4. Vấn đề thi pháp và thơ Mai Văn Phấn:
IV.4.1. Không kể được âm thầm viết từ trước bởi các thi sĩ đứng đầu
Nhóm Nhân văn - Giai phẩm và một vài thi hữu gần gũi, sau Đổi mới 1986
cho đến tận 2011 này, cả trong lẫn ngoài Việt Nam, đã và đang bung nở nhiều
loại thơ khác hẳn với những gì gọi là thơ trước đó. Sẽ không quá lời khi cho
rằng, với mỗi nhóm tác giả, thậm chí mỗi tác giả, có một loại-thi-ca-mới xuất
hiện! Có những loại nằm vào các khuôn viên hay ở đường biên các trào lưu văn
chương trước đó hay đương thời. Có không ít loại không hoặc chưa định danh
được, mà thi ca Mai Văn Phấn là một.
Không ít bài phê bình (Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Việt Chiến,
Đặng Văn Sinh - Phụ lục) và cả các tuyên bố của tác giả đã đóng đai một
số khuynh hướng thơ quen thuộc trong lý luận thi ca Việt Nam và thế giới lên
thơ Mai Văn Phấn. Tác giả đã tự lý giải: “Vong thân tức một cuộc cách mạng
trong thi pháp, sự tái sinh/lột xác để đến với một chân trời khác. Sau khi vượt
thoát khỏi hệ mỹ cảm cũ, năm 2009 tôi in hai tập thơ với hai phong cách, khuynh
huớng khác nhau. Hôm sau là hướng triển khai phong cách hậu-hiện đại kiểu
Việt Nam. Và đột nhiên gió thổi thuộc cổ-điển-mới. Đến Bầu trời
không mái che, tôi không còn bận tâm về khuynh hướng, chủ thuyết. (…)”[iv]
Đồng ý, dù không hoàn toàn. Nhưng khó mà phản biện những gì
chưa chia sẻ. Bởi tính đa phong cách từ sản phẩm ngôn ngữ trữ tình này, chúng
tôi sẽ gợi ý cách nhìn khác hoặc bổ sung.
IV.4.2. Thi pháp văn
chương, nhất là thơ, chỉ viên mãn khi có những liên mạng nào đó trong hay
ngoài hệ thống với văn hóa của ngôn ngữ mà nền văn chương đó sử dụng.
Tức là không thể có thứ thi pháp hoàn thiện để mà toàn cầu hóa; bởi vì chẳng
thể nào có văn hóa toàn cầu. Giản dị là không hề có ngôn ngữ (tiếng nói, chữ
viết) chung cho nhân loại. Mọi nỗ lực trong văn minh, huyền thoại, lịch sử hay
trên thực tế (với Quốc tế ngữ Esperanto) là lý tưởng nhân văn cần có nhưng
không thể có.
Trong số các tác giả mà giới phê bình báo chí thường gọi
chung là “trẻ và hậu Đổi mới”, Nguyễn Lương Ngọc, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu
Hồng Minh, Văn Cầm Hải đã làm lạ hoặc chuyển biến một mặt nào đó ở ngôn từ và ý
niệm. Thay đổi thi pháp tổng thể, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều; và dữ dội
hơn về cấu trúc thể loại và diễn ngôn là Đỗ Kh., Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Quốc
Chánh, Đinh Linh, Nguyễn Đình Chính, Đặng Thân, đã “cách tân” thơ. Hai
chữ này ở đây có thể khác về nội hàm như trên một số báo chí. Dương Tường đã phân biệt ở một hiện tượng: “Thơ
Vi Thùy Linh có cái vẻ mạnh mẽ của nó, song để nói là cách tân thì e là chưa.”
Trong tham luận, chúng tôi tạm gọi “cách tân” nặng về hình thức, “đổi mới”
nghiêng về nội dung, dù ở hầu hết các tác giả thành đạt thì tuy hai là một.
Trong trẻo, Anh Ngọc đổi mới cái thật của hiện thực chiến tranh và đời
sống; Cảnh tỉnh, Nguyễn Duy đổi mới cái thiện của một xã hội hậu chiến;
Bão táp, Phùng Quán đổi mới cái chân của nhân sinh, của thời đại. Sông
núi thi ca Việt Nam thế kỷ qua có những đỉnh cao một mình một cõi vút trời
xanh, không bằng sự cách tân hay đổi mới, không ràng buộc truyền thống hay hiện
đại: Quang Dũng và Nguyễn Tất Nhiên; Thâm Tâm và Nguyễn Đức Sơn… đã đưa hơi thở
đương thời tới mai sau bằng cái thi ca kỳ khôi không thể nào thay thế.
Với Mai Văn Phấn, chúng tôi muốn
mượn cách nói đắc địa: “cách tân (văn học) từ cách tâm.”
Và đề nghị không như thế cho trường hợp Vi Thùy Linh và nhất là cho Nhóm
Mở miệng, như Hoàng Hưng[v]
từng làm, bởi ở các thi sĩ đó sự cách tâm nằm trong ý nghĩa cách tân về văn
hóa bằng phương tiện văn học (xem mục III.2.) Khi Hoàng Hưng
viết, “Vi Thùy Linh chẳng hạn gây chấn động nhờ cảm hứng bạo liệt, tuôn trào
của người đàn bà yêu một thứ tình khát dục không cần kiềm chế hay giấu giếm, là
tiếng nói chân thực của một bộ phận lớp trẻ thời chuyển tiếp hai thiên kỷ”, thì
đó là văn hóa; Còn “[Vi Thùy Linh] chưa mới bao nhiêu về thể điệu, cấu trúc, từ
pháp, cú pháp”: đó là văn học!
Trong các hiện tượng về quan hệ văn
hóa trong văn học đương đại ở một-nửa-thế-giới Việt - người phụ nữ, người yêu,
người vợ, người mẹ Việt – có sự công phá trong thái độ ở Lê Thị Thấm Vân; sự ẩn
sâu ở Xuân Quỳnh; độ nhuần nhụy văn chương ở Nhã Ca, Phan Huyền Thư. Với thơ
Mai Văn Phấn, người tình nữ là yếu nhân không chỉ ở đối tượng trữ tình. Trong
giai đoạn cách tân của tác giả, chủ thể trữ tình nhòa đi nhờ nghệ thuật giải
trung tâm. Cái tôi trữ tình - mặt trời sáng tạo trong các phong cách tiền hiện
đại và hiện đại - bây giờ chỉ là mặt trời hoàng hôn. Nhân vật “Anh” là anh của
ước lệ sót lại. “Em” cũng vậy. Liệu có bất ngờ không khi chúng tôi so sánh,
rằng thiên nhiên và tâm linh Việt ở hai tập Và đột nhiên gió thổi và Bầu
trời không mái che có vai trò như thời cuộc và đời sống thường nhật của nửa
nước Việt Nam ở các thập niên 70-80 của thế kỷ trước trong thi ca Xuân Quỳnh?
Nhân vật người tình của Mai Văn Phấn trong diễn ngôn hiện đại không khác lắm,
về Việt tính, với nhân vật người yêu của Xuân Quỳnh ở ngôn ngữ lãng mạn và hiện
thực XHCN. Khác về cấp độ phổ cập hóa ở toàn cõi Việt Nam và thế giới hóa: Ở
tác giả đầu, Việt tính của ái tình nam nữ nằm sâu trong văn hóa, trong tâm linh
Việt; với tác giả sau: người con gái Việt mang một văn-hóa-yêu đặc thù ở miền
Bắc Việt Nam thời hòa bình và thời chiến tranh chống Mỹ. Cùng trang lứa và thời
đại với nữ sĩ, trong số các tác giả (mà tất cả đều là nữ) đã viết thành công về
đề tài phụ nữ, về nữ quyền và tình yêu, chưa nói đến tính nghệ thuật
(hay dở), thì Ý Nhi có thơ cao về tính văn học (học thuật), Dư Thị Hoàn
có thơ xã hội hơn về văn hóa nữ quyền (nghề nghiệp). Nhưng thơ Xuân
Quỳnh đã là đại biểu Số 1 cho phong cách diễn ngôn thời đại mà nay đã bị vượt
qua về văn học, về thi pháp. Vì sao nó sẽ mãi còn được xã hội hóa, được ở vị
trí tiêu biểu trong văn học Việt Nam? Vì tính văn hóa thời cuộc mà dòng
thơ Xuân Quỳnh từng tận lực tận tâm chuyên chở. Cái tôi ở thơ của nữ sĩ
đầu là cái Tôi phụ nữ miền Bắc Việt Nam; với hai nữ sĩ sau không vậy: đó
là những cái tôi văn học. Có nhiều dòng thơ Việt như thế, đã vòng qua
thi pháp để vượt lên thi pháp, nhưng không phải dòng nào cũng trở nên đại diện
văn học.
Để rõ hơn mối liên hệ văn hóa với
thi pháp văn chương của thơ Mai Văn Phấn, chúng tôi thử phụ họa bằng các tác
giả văn xuôi hiện đại Việt Nam quan trọng nhất.
Vũ Trọng Phụng, qua tiểu thuyết và
ký sự, đã tạo những cơn bão cách mạng về văn hóa (và ít nhiều về tư
tưởng) trên sân cỏ văn học và báo chí đương thời. Các lỗ hổng về nghệ thuật
thể hiện được khỏa lấp bởi sự dấn thân không khoan nhượng về nội dung cùng đẳng
cấp khác biệt ở phương pháp sáng tạo thể loại và phong cách ngôn ngữ. Vũ tiên
sinh đã văn chương hóa và báo chí hóa được một khối lớn trong văn hóa Việt.
Nguyễn Huy Thiệp - một dòng văn đã
cuồn cuộn chảy, và sẽ còn chảy lâu nữa, trong lòng độc giả. Bình nguyên văn
hóa Việt đã làm màu mỡ cho dòng sông Nguyễn Huy Thiệp! Ngay cả ở nơi nào đó
trong hay ngoài bình nguyên, để đọc văn chương ấy người ta cũng có thể không
cần ngước lên, cúi xuống những ngọn núi, các vực sâu của xã hội, chính trị Việt
đương thời. Thi pháp văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp, trên thực tế, đã và đang
làm nên giáo trình của một trường-phái-văn-học Việt không-mang-tên Nguyễn Huy
Thiệp. Sông văn Nguyễn Huy Thiệp không đổ ra biển được cho đúng vòng luân hồi
thiên địa trong Việt Nam (tạm chưa tính ngoài thiên hạ), có lẽ vì thiếu sức đẩy
bất tận của chất tiểu thuyết chăng? Tiếc mà không làm gì được. Văn hóa
Việt lỡ một cơ hội có tính thế kỷ!
Nguyễn Khải là một
nhà-văn-của-chế-độ trước khi là thư-ký-của-thời-đại. Tiểu thuyết, truyện, ký là
phương tiện trời cho, thời đại tặng và chế độ giao phó cho bàn tay và khối óc
ấy. Làm văn chương, Nguyễn Khải phải giấu đi trái tim - nơi chứa chất hồn vía văn
hóa Việt mà ông không thể không bày tỏ. Yếu tố văn hóa trong người-văn này
đã làm phẳng đi những gì của thời cuộc, thời thế và bao trùm là của chính trị
Việt Nam lúc đó. Văn hóa đã hiện đại hóa văn học Nguyễn Khải! Phương pháp sáng
tác hiện thực XHCN đã được chắp cánh bởi tất cả những gì nhà văn có: bàn tay,
khối óc và trái tim. Cho đến cuốn hồi ký cuối đời - văn bản cuối cùng - đó vẫn
là một liên văn bản của toàn hệ thống con người, văn chương, văn học và văn hóa
mang tên Nguyễn Khải. Về học thuật, nhà văn đã vô thức cập nhật vào bút pháp
của mình một vài cách biểu hiện của các trường phái khác hiện thực XHCN, khác
Marxism.
Nam Cao là một tác giả văn xuôi Việt
hiện đại mà chúng tôi cho là lớn lao, là có một không hai như một văn sĩ tạo ra
văn phái nguyên chất và thuần túy. Bất kể nhân thân và tác phẩm
của người, giai đoạn trước trong dòng hiện thực phê phán, giai đoạn sau thuộc
về đường lối văn học cách mạng. Văn hóa và tất cả những gì khác mà Vũ
Trọng Phụng, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp lăm lăm trên tay, người đã cho trước
vào các trang văn trước khi hạ bút. Có thể nói, văn học và văn hóa Việt
thêm một lần bị trúng đạn, và một Lỗ-Tấn-của-Việt-Nam như thế đã không thể xuất
hiện!
Thời cuộc Việt Nam và cao vọng chính
trị đã từng làm yếu đi một dòng văn chương đang sắp sửa trở thành bộ phận quyết
định của nền văn học Việt đương thời với cha đẻ là một tác gia văn xuôi thực sự
làm cách mạng văn hóa bằng văn học và báo chí: Nhất Linh! Khuynh
hướng lãng mạn và hiện thực tiền chiến của Tự Lực Văn Đoàn đã được xây
dựng trên một công trường văn hóa Việt ngổn ngang các tòa nhà phong kiến - thực
dân, các nguyên vật liệu Trung Hoa - Pháp… Văn Nhất Linh vượt xa hơn thế so với
các tác giả cùng văn phái bằng bút pháp chính luận chưa hoàn thiện của mình.
Nhưng dòng văn của ông không thể đi trước thời gian.
Văn minh, và nhất là văn hóa vùng
đất mới, trong đó có nền báo chí khai phóng miền Nam Việt Nam, đã là cửa biển
cho nhiều dòng sông văn học truyền thống đổ về: Bình Nguyên Lộc và Sơn
Nam. Thi pháp không tân kỳ nhưng tươi mạnh, hai dòng văn học này đã thành kinh
điển nhờ Việt tính khỏe khoắn và bao dung mang sắc thái văn hóa phương Nam.
Không thể trở thành kinh điển, bởi
còn nhiều pha tạp gấp gối cả về văn hóa (Âu - Mỹ) lẫn văn chương
(ảnh hưởng từ các trào lưu văn học, tư tưởng, lối sống Pháp - Mỹ), Túy Hồng và
Mai Thảo; Nguyễn Thị Hoàng và Thanh Tâm Tuyền; Dương Nghiễm Mậu và Thảo Trường;
v.v… và v.v… nhìn chung không ai vượt trội hơn ai, bằng tiểu thuyết, truyện
dài, truyện ngắn đã diễn tả chính xác tâm thức và gương mặt giới trẻ, văn nghệ
sĩ, trí thức và thị dân Sài Gòn - đô thị miền Nam Việt Nam sau hòa bình 1954 và
trong cuộc chiến 1965-1975. Cho đến nay, cùng với thơ, văn xuôi tiếng Việt lần
đầu, và có lẽ là chót, tìm được các diễn đàn tự do, hỗn loạn và phóng túng đến
thế với hầu hết các nhóm phái, trào lưu văn học đại diện cho mọi giai tầng xã
hội. Nhưng khác với thơ, hệ văn xuôi miền Nam nói trên không có được sự chuẩn
bị văn hóa cần thiết và tương xứng với các phong cách hiện đại, các chủ
nghĩa mới lạ của văn chương và tư tưởng thế giới mà nó được hay bị ảnh
hưởng.
Còn nữa
ĐỖ QUYÊN
[i] Đỗ Quyên: “Về một dòng thơ cần giải thích giá trị - Trường hợp Tuyết
Nga”, vannghesongcuulong.org 9/2/2009
[ii] Khánh
Phương: “Mai Văn Phấn, từ bóng tối của im lặng, đổ vỡ…”, Báo Thể thao
& Văn hoá 6/2/2004; Thơ tuyển Mai Văn Phấn, NXB Hội Nhà văn 2011
No comments:
Post a Comment