-
Ban nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam đã có một màn trình diễn thơ, văn xuôi
khá công phu tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2012. Xin chị cho biết, việc lên
ý tưởng, nội dung và tập luyện cho các tiết mục diễn ra như thế nào?
- Chúng tôi đã có một lộ trình để chuẩn bị cho
sự kiện này. Ban đầu là việc chọn lựa nhân sự tham gia. Đã nhiều năm làm việc
với nhau, nên các cán bộ của Ban Nhà văn Trẻ hiện nay rất ăn ý trong từng công
việc. Từng có kinh nghiệm chọn lựa nhân sự trong các sự kiện như Ngày thơ, Hội
nghị viết văn trẻ toàn quốc… nên chúng tôi nhanh chóng chọn ra được một danh
sách tương đối chuẩn xác. Trong Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc năm nay, tiếp nối
thành công của ngày hội này năm 2011, chúng tôi mong muốn sẽ có chương trình
trình diễn văn xuôi đậm hơn thơ, vì thơ thì đã có Sân thơ vào Ngày thơ hàng năm.
Xuất phát từ ý nghĩa lớn lao để tôn vinh văn hóa
đọc, chúng tôi lập ra một nội dung chặt chẽ, dựa trên 8 gương mặt trẻ sẽ có tác
phẩm trình diễn. Sau đó, các buổi tập luyện được tiến hành nghiêm túc và hứng
khởi.
-
Thông qua các tiết mục trình diễn, các nhà văn, nhà thơ muốn gửi gắm thông điệp
gì tới độc giả hiện nay?
- Các tác phẩm văn học được đọc bằng mắt là hình
thức đọc duy nhất không thể thay thế. Tuy nhiên, khi trình diễn các tác phẩm
này, nghĩa là chúng tôi đưa ra những minh họa bằng lời nói và hành động, giải
mã các câu chữ, để đến gần hơn với nhiều tầng lớp độc giả. Và cuối cùng hiển
nhiên, việc đọc tác phẩm vẫn là cấp độ cao nhất để mọi giác quan con người hoạt
động, được kích hoạt trong trí não những cảm thức sâu lắng.
Việc trình diễn chỉ là một hình thức kéo công
chúng đến gần hơn với các tác phẩm văn học, khiến công chúng không thể thờ ơ
với sách.
-
Theo chị, hoạt động tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2012 tác động như thế nào
đến nhận thức của công chúng về việc đọc sách và nâng cao văn hóa đọc?
- Tôi nghĩ, trong Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc,
các hoạt động này sẽ đưa công chúng đến gần hơn với nhà văn, những người trực
tiếp viết ra tác phẩm. Từ đó họ sẽ tìm đọc tác phẩm với trạng thái hưng phấn
hơn.
Các nhà văn hóa, những cán bộ làm công tác phát
hành sách, thư viện… sẽ được trực tiếp gặp gỡ tiếp xúc với các tác giả, họ sẽ
hiểu hơn và có những tác động tích cực trở lại trong cộng đồng về việc đọc
sách, xây dựng những tủ sách gia đình, thư viện trường học…
-
Để tạo nên bề dày về văn hóa đọc đối với rộng rãi công chúng, theo chị, cần có
biện pháp nào khác, ngoài việc tổ chức những ngày hội như Ngày hội Sách và Văn
hóa đọc?
- Tôi nghĩ văn hóa đọc không phải là cái ngày
một ngày hai mà có được. Chúng ta hay nhìn thấy những người phương Tây đi du
lịch cầm trên tay một cuốn sách và họ có thể đọc bất cứ chỗ nào. Bởi vì họ có
sẵn thói quen đọc sách. Có thói quen rồi mới có tình yêu. Từ tình yêu lại thiết
lập một thói quen ở mức độ cao hơn. Từ đó chúng ta mới biết chọn lọc sách để
đọc và đọc một cách có văn hóa.
Mà làm thế nào để hình thành được thói quen?
Theo quan điểm của tôi, nền giáo dục nước ta cần có thêm một bộ môn dạy đọc
sách từ bậc tiểu học. Ngay từ bé, nếu các em được dạy đại cương về đọc sách, từ
các thông số về một cuốn sách (tác giả, thể loại, kích cỡ…) đến nội dung cuốn
sách, thì các em sẽ có được kỹ năng đọc sách. Biết cách đọc - thường xuyên đọc
- yêu thích đọc sách, tôi nghĩ đó là một lộ trình tất yếu.
Hoàng Anh Lê
thực hiện
Nguồn: Evan
No comments:
Post a Comment